Nữ ca sĩ có giọng ca liêu trai ngày nào, người mà tên tuổi đã gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn và để lại trong chúng ta thật nhiều cảm xúc, nay vẫn là một phụ nữ rất sâu sắc và lôi cuốn.
"Trịnh Công Sơn chắc chắn là một nửa của tôi. Nhưng tôi không biết mình có phải là một nửa của ông ấy không. Không có ông Sơn, tôi không là Khánh Ly. Không có tôi, ông Sơn vẫn là ông Sơn. Tôi chưa từng mơ ước giữ ông Sơn là của riêng mình. Còn chúng tôi có "là gì" của nhau hay không - chắc chắn tôi sẽ không chia sẻ. Người đã đi, đi cho bình an. Người ở lại, cũng cần bình an."
Khánh Ly nói điều ấy với tất cả sự bình thản, ngồi cuối căn phòng là chồng bà. Người đàn ông mà bà bảo, họ thân thuộc nhau đến mức nếu con cái đi vắng hết, họ ngồi đối diện nhau trong nhà sẽ cũ kỹ như hai bộ bàn ghế. Ông im lặng như một người khách tình cờ ghé qua, trong suốt buổi gặp gỡ báo chí của bà vợ danh ca. Bà kể, nếu cho ông đi tìm chai nước mắm trong nhà, chắc nửa tháng không thấy. Sống ở Mỹ gần nửa thế kỷ, ông vẫn là "đàn ông Việt" khi chả bao giờ mó tay vào việc nhà. Bà thì tất nhiên thuần Việt ở cách diễn đạt những suy nghĩ và cảm xúc của mình bằng một thứ tiếng Việt không thể chuẩn xác, trong sáng và gợi cảm hơn; ở cách bà vẫn đang sống như mọi phụ nữ Việt Nam truyền thống (những khi không đi hát bà sẽ đổ rác, lau nhà, nấu ăn và rửa chén, trồng cây, chăm ông chồng, nuôi đám con rồi lại đám cháu...). Đến 70 tuổi, Khánh Ly mới trở về quê hương, "cũng là hơi trễ, nhưng tôi không hối tiếc điều gì, vì mình còn được quay về."
Diva Hà Trần có lần kể, người đồng nghiệp ở hải ngoại mà cô luôn kính trọng và yêu quý là "bà già trầu" Khánh Ly, bởi sự hài hước, sâu sắc và trí tuệ của một nghệ sĩ lớn. Và hơn nữa - bà khiến cô nhớ đến những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình thân yêu của mình. "Đi diễn chung hai cô cháu ở cùng phòng, cô dậy sớm hay đi mua bánh trái giò chả...những món quà vặt của quê nhà. Có lúc tôi thức dậy không thấy cô trong phòng, nhưng bữa sáng cô chuẩn bị thì sẵn sàng đấy, chu đáo và thương yêu như cách một bà mẹ lo cho đứa con." Khi diện kiến Khánh Ly và nghe bà nói, tôi càng nhận ra, cốt lõi của một giọng hát không phải là dây thanh đới, mà là tâm hồn và trí tuệ của người nghệ sĩ ấy. Bà chủ động áp đặt cả một căn phòng toàn nhà báo trong không gian bà mong muốn: ấm áp, thân tình và tin cậy. Mọi chia sẻ đều chân thành, có sự sâu sắc và minh triết của một người đầy trải nghiệm, nhưng "luật lệ" rõ ràng: không soi mói, không đi quá vào đời tư...Bà nói bằng giọng trầm khàn du dương (như giọng hát của bà), trong ngón tay bà lúc nào cũng kẹp sẵn điếu thuốc. Tự bào chữa việc mình nghiện thuốc một cách láu lỉnh, "không phải do hút thuốc mà tôi giọng khàn, nhưng không có thuốc thì lại khó hát. Vì cái dây thanh quản đã được phủ nicotin tới 40 năm, nếu thiếu cái chất ấy biết đâu giọng mình lại khác và phải tập dượt lại." Mặc kệ mọi sự ca tụng, bà khẳng định (mà không ai thấy chút khiêm nhường giả tạo nào trong đó): "Giọng tôi không có gì hay đâu! Tôi là người hát không hay mà được nổi tiếng. Con người ta ai cũng có số, số trời đã định mình là ca sĩ, thì mình phải là ca sĩ thôi. Được nhiều hơn những người khác, là một gánh nặng cho tôi. Người được yêu nhiều chẳng sung sướng gì, họ phải làm thế nào để luôn giữ được tình yêu đó. Nó là áp lực, một sự vất vả và khó khăn lắm."
Để được yêu, không chỉ giọng hát, bà còn "bảo trì" tâm hồn trẻ trung và vóc dáng đáng ao ước của mình bằng một số kỷ luật: không giữ trong đầu mình sự giận dữ và oán ghét; chưa hề to tiếng với ai (ngoài chồng!); ăn nhiều rau (có khi cả tháng chỉ ăn dưa chuột và chao), mỗi ngày đều phải uống nước ép của năm thứ xanh (rau) và năm thứ đỏ (trái cây); luôn thoải mái và tự nhiên "là chính mình"...
Ba tháng trước, Khánh Ly có đêm diễn đầu tiên ở Hà Nội. Khán phòng gần 4000 ghế không còn một chỗ trống. Bài hát cuối cùng vang lên không ai muốn về, nhiều khán giả đã khóc khi nghe bà hát, khi được nhìn thấy danh ca trong lòng họ - bằng xương bằng thịt. "Sau buổi diễn ấy nếu tôi không được hát nữa, thì cũng chẳng còn gì để tiếc nuối. Đêm đó, khi mọi người đã ngủ hết, tôi ra ban công ngồi nhìn trời. Tôi thức trắng đêm, nghĩ về điều kỳ diệu mình vừa trải qua, nó bàng hoàng đến nỗi tôi không dám tin liệu có phải mình vừa được sống trong một sự thực?" Và Khánh Ly đã trở lại, để nối tiếp giấc mơ đẹp đẽ ấy cho rất nhiều khán giả và cho chính người nghệ sĩ trong bà...
Quỳnh Hương (Phụ nữ Thứ sáu No.86, 01.08.2014)
Khánh Ly tên thật là Nguyễn Lệ Mai (SN: 06.03.1945, Hà Nội)
ReplyDeleteTôi đã đặt lại tên của bài viết, chọn hình ảnh và viết đoạn dẫn nhập (Bản chính có tựa đề: Danh ca Khánh Ly - Người ở lại, cũng cần bình an).
ReplyDeleteNote: Cũng trên báo Phụ nữ Thứ tư ra ngày 06.08.2014, "Theo tin từ BTC" điều bất ngờ "nghe có vẻ bất thường là chính tại sân khấu Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, với 3.000 chỗ ngồi, lần đầu show diễn của bà cháy vé, nhưng lần sau lại ế đến thảm thương" với "hơn 70% tổng lượng vé không bán được, nhất là khu vực VIP - 3,5 triệu đồng/vé".
ReplyDelete