Sunday, August 31, 2014

Những bí ẩn trong nghệ thuật (1)

"Từ xa xưa, lịch sử nghệ thuật đã có nhiều bí ẩn. Một số do chính các nghệ sĩ tạo ra, một số khác do sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Trong nghệ thuật cũng như lịch sử, có những lỗ đen nhiều khi rất hấp dẫn. Người ta tìm thấy chúng trong các vật dụng thời trung cổ cũng như những kiệt tác thời phục hưng hoặc thời hiện đại. Làm sao có thể thực hiện các bức bích họa thời tiền sử? Những chiếc hộp quý giá của Paris thời trung cổ dùng để cất dấu cái gì? Ai là người mẫu để Raphael vẽ bức tranh "Fornarina"? Tại sao Hergé thường nói đến hai con số 7 và 3? Bức chân dung Stalin do Picasso vẽ có số phận ra sao? Ai nấp phía sau nghệ sĩ Bansky, mà cái đầu luôn được trùm bằng chiếc mũ vải và không ai biết tại sao? Nhiều câu hỏi đặt ra đôi khi có câu trả lời, nhưng hầu hết chỉ là những giả thuyết có khi dẫn đến những câu hỏi khác."

Những bức tranh thời tiền sử
Khi hình vẽ những con bò rừng tại Altamira (Tây Ban Nha) được phát hiện năm 1879, người ta cho rằng đó là những tác phẩm giả mạo vì những bức vẽ trong hang động tối tăm từ hàng chục ngàn năm trước khó có thể tinh xảo đến thế... Tuy nhiên những phát hiện như vậy ngày càng nhiều hơn ở Niaux (Ariège), Lascaux (Dordogne), Chauvetpont-d'Arc (Ardèche)...làm người ta nghĩ đến việc các siêu phẩm do tổ tiên homo sapiens xa xưa của loài người để lại này vẫn còn đầy bí ẩn là do chưa được quan tâm nên ít có thời gian để nghiên cứu. Gần đây, bí ẩn vẽ trên vách đá tăm tối được Bertrand David giải thích trong cuốn sách của mình (Bí ẩn cổ xưa nhất của loài người, 2013) khi cho rằng người tiền sử đã vẽ bằng cách "chiếu hình" và "sao chép hàng loạt" từ các mẫu vật để vẽ theo hình bóng những con thú như bay trên vách hang (bất chấp sự gồ ghề) một cách hoàn hảo (vì vậy trên các bức vẽ, các con vật phần nhiều giống nhau với đầu hơi nghiêng và mắt của chúng nằm ở những chỗ rất mơ hồ). Tuy nhiên, việc giải thích như vậy đã bị nhiều người khác phản đối, thậm chí có người còn nổi điên như Gilles Tosello, tiến sĩ tiền sử học, phụ trách sao chép các bức tranh trong hang Chauvet, vì cho rằng những giải thích trên có những điểm thiếu nhất quán ở mọi cấp bậc.

Những chiếc hộp thời trung cổ
Đó là những chiếc hộp thánh tích bằng gỗ, bọc da, viền sắt, phía trong nắp có bản in khắc gỗ nhiều màu sắc mô tả các thánh tích. Chúng có kích thước: dài 30cm và cao 15cm; Có khoảng 120 cái hộp như vậy nằm ở các viện bảo tàng rải rác khắp thế giới. Michel Huynh, quản thủ Viện Bảo tàng Cluny, cho biết tất cả các hộp này đã được mở từ thế kỷ 18, nhưng bên trong không chứa gì cả.

Fornarina
Khi Raphael qua đời năm 1520, người ta tìm thấy bức tranh này tại xưởng vẽ của ông ở Rome. Ai là người đẹp trong bức tranh mang tên "Cô thợ làm bánh mì" (Fornarina, tiếng Ý) của họa sĩ?
Theo Giorgio Vasari, tác giả quyển "Cuộc đời của các họa sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư lừng danh nhất nước Ý" (1550), người mẫu của họa sĩ chính là vợ bé của ông. Trên dải băng vải mang trên tay trái của cô gái có ký hiệu của họa sĩ: Raphael Urbanus. Theo một số nhà sử học, dải băng này chính là bằng chứng cho thấy họa sĩ đã lén lút lấy nàng. Nhưng nếu chính ông đã vẽ Fornarina, tại sao trước đó mấy năm lại vẽ bức "Bà Velata" (La Donna Velata)? Đó cũng là chân dung của chính người phụ nữ này, với cùng tư thế: cánh tay phải đặt dưới ngực trái, nhưng mặc quần áo đầy đủ!
(còn tiếp)
Lược trích từ Kiến thức ngày nay No.866 (Tác giả Đinh Công Thành)

No comments:

Post a Comment