"Nhớ một năm, từ thôn Phước Thới đi đến trường, hai học sinh lội qua
một con mương rộng, bị dòng nước cuốn trôi chết. Chuyện này xảy ra
thường niên, dân kêu làm cầu mãi, nhưng vùng càng xa thì dân càng “ngắn
cổ”, nên việc cứ trôi dài. Làm công việc chỉnh lý bản đồ quân sự nên tôi
rành vùng này lắm. Chỗ nào cầu, chỗ nào đường, khu dân cư… thuộc từng
toạ độ. Muốn làm cây cầu này cũng phải mất cả trăm tấn ximăng, vài nghìn
ký sắt. Dân thì nghèo, lấy đâu ra…
Rồi một hôm dân trong xã thấy nhân công, sắt thép, vật liệu ầm ầm đổ
tới, ông Chủ nhiệm Nguyễn Bá Thanh tả xung, hữu đột suốt ngày trên công
trường. Hỏi ra mới hay, nghe dân “chửi” quá, ông tức khí đón xe đò, một
mình đeo xà-cột (loại túi xách mà lúc bấy giờ cán bộ hay quàng ngang
lưng) mang bản thiết kế tự vẽ ra thấu Hà Nội để kêu.
Nhờ những quan hệ thời đi học của ông (ông tốt nghiệp kỹ sư của
Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội), cây cầu “tự xin” được duyệt một ít
vật liệu, cộng thêm sự hỗ trợ của đơn vị quân đội kết nghĩa, sớm thi
công sau đó.
Vài tháng sau, ngày đầu năm học mới, học sinh Hoà Nhơn được thong
dong đi trên cây cầu bêtông đẹp ngất ngây đến trường, mà không phải lội
qua con hói đầy hiểm nguy như trước kia.
Cầu xây xong, lại xảy ra một diễn tiến mới, đó là đặt tên cho nó. Bên
uỷ ban định đặt tên cầu Phước Đông (địa danh), nhưng dân không chịu,
đòi gọi cầu Nguyễn Bá Thanh. Cuối cùng, cầu mang tên địa danh, nhưng dân
vẫn gọi cầu Nguyễn Bá Thanh cho đến bây giờ. Và sự nghiệp của ông cũng
chính thức bắt đầu từ cây cầu này."
(Trích đăng từ Lao động, "Nguyễn Bá Thanh - một số phận kỳ lạ" của Nguyễn Trung Hiếu)
Theo tác giả, câu chuyện xảy ra từ những năm 80, khi ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ nhiệm HTX 2 Hoà Nhơn, danh nổi như cồn lúc bấy giờ ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
ReplyDelete