Thursday, February 26, 2015

Phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ

Không thể không nhắc đến cộng đồng người Việt đang định cư tại Hoa Kỳ. Trong đó có một bộ phận người Mỹ gốc Việt có vị thế, ảnh hưởng khá lớn, tham gia hoạt động chính trị ngoại giao chuyên nghiệp. Theo Đại sứ, làm thế nào để có thể vận động nhóm này gắn kết trong nước cũng như là cầu nối cho quan hệ giữa hai nước? Ông nhận thấy vai trò của mình trong tiếp cận bộ phận này thế nào?
 
Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có gần 2 triệu người, tức là khoảng một nửa số người VN ở nước ngoài, ra đi vì những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần đến Hoa Kỳ sau chiến tranh, có điểm chung là gắn bó tình cảm với quê hương, nhưng có thể có những quan niệm, cách nhìn khác nhau, kể cả một số còn có những định kiến với trong nước.
Tôi muốn dành ưu tiên, mong muốn tăng cường hơn nữa trao đổi, nắm tâm tư của bà con, thường xuyên thông báo đến bà con về các chủ trương, chính sách và sự đổi mới, phát triển của đất nước, đối thoại cởi mở với cả những người không trùng quan điểm, tạo điều kiện để bà con về thăm Việt Nam.

Điều quan trọng phải sâu sát, hiểu được quan tâm, chính kiến của bà con, kể cả đó là xuất phát từ đặc thù khu vực cử tri hay vị trí nghề nghiệp của họ; trân trọng tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, dù cách thể hiện của họ có thể khác nhau; đối thoại cởi mở, kể cả về những điểm còn khác biệt, để họ hiểu chính sách, chủ trương và sự đổi mới của đất nước; nhất là khuyến khích và tạo điều kiện để bà con về thăm, làm ăn hay đầu tư ở Việt Nam.
Tôi cũng đặc biệt dành sự quan tâm tới những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi, qua đó tạo sự gắn bó với những người gốc Việt có vị trí trong cộng đồng hay đang tham gia các cơ quan của sở tại để gắn kết họ với trong nước và là cầu nối cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Nắm chắc lợi ích của mình

Không chỉ cộng đồng người Mỹ gốc Việt, ở Hoa Kỳ, vai trò của các cá nhân, tổ chức, hội đoàn rất được coi trọng. Theo Đại sứ, VN có thể có thái độ cởi mở như thế nào, xây dựng một hình ảnh tốt trong mắt những người Mỹ để qua đó biến kênh này thành cánh cửa quan hệ rộng mở với VN?

Ở Mỹ vai trò của các cá nhân, hội đoàn rất được coi trọng, điều này có phần đúng nhưng có lẽ chưa đủ, bởi lẽ: các cá nhân, hội đoàn của họ cũng rất có tổ chức, rất ngại 'lách luật', 'vượt rào' (như thời còn 'cấm vận' chẳng hạn); nhưng họ có điểm mạnh, đó là họ thường nghiên cứu kỹ về đối tác và nắm rất chắc lợi ích của mình.

Để làm tốt kênh đối ngoại nhân dân như một 'cánh cửa quan hệ rộng mở' trong hợp tác giữa hai nước, tôi nghĩ chúng ta phải nắm chắc và thực hiện thực sự hiệu quả chủ trương về đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, ở tất cả các cấp.
Phải nắm chắc lợi ích của mình (không chỉ của riêng cá nhân, hội đoàn, mà cả của chung nước mình). Bên cạnh đó phải nắm cho kỹ đối tác, bao gồm cả lợi ích, tập quán, rồi luật pháp của họ.

Phải biết ứng xử với đúng tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Và sau cùng, đó là phải biết đúc rút kinh nghiệm, đóng góp kiến nghị chính sách một cách trách nhiệm với nhà nước và nhà nước đẩy mạnh cơ chế tiếp thu hiệu quả các kiến nghị.
Tôi chia sẻ điều này hoàn toàn không phải 'sách vở', vì thực tế, nhiều lúc chúng ta đi trao đổi mà còn chung chung, chưa nắm chắc và thấu đáo tất cả đâu.
Ngay ở trong nước tôi nghĩ rằng cần tăng cường về đối ngoại nhân dân để khách đến là cảm mến đất nước Việt Nam. Phải cải tiến, đổi mới cả về chính sách, cũng như nâng cao hơn nữa về năng lực của mỗi cá nhân, tổ chức tham gia vào đối ngoại nhân dân.

TPP - cơ hội chờ đợi lớn

Không chỉ những chuyến viếng thăm cấp cao đang được hai bên chuẩn bị, năm 2015 này cũng được hai nước kỳ vọng sẽ sớm kết thúc đàm phán hiệp định TPP. Có thể thấy ở VN dường như có một tâm lý háo hức trong việc khai thác tiềm năng kinh tế, làm ăn với các nhà đầu tư Hoa Kỳ. TPP thực sự đang là cơ hội chờ đợi lớn nhất của giới doanh nghiệp, người dân hai nước. Theo Đại sứ, việc chuẩn bị đón cơ hội của các doanh nghiệp VN đã thực sự bắt đầu chưa và các doanh nghiệp cần làm gì?

Có nghiên cứu chỉ ra TPP có thể góp phần tăng thêm 25% chỉ số tăng GDP của VN. Năm 2014, kim ngạch thương mại song phương đã đạt trên 35 tỉ USD, trong đó VN xuất khẩu trên 20 tỉ USD.

Tính về tốc độ tăng trưởng, trong 20 năm qua, thương mại hai chiều đã tăng hơn 70 lần. Về đầu tư, Hoa Kỳ cũng đang ở nhóm 10 nước đứng đầu với hơn 11 tỉ USD.
TPP đúng là cơ hội chờ đợi lớn với việc gỡ bỏ các rào cản, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, không phải chỉ với VN mà với cả Hoa Kỳ. TPP không chỉ đề ra những tiêu chuẩn cao, mà còn đòi hỏi sự mở cửa thị trường của cả hai phía, nên sẽ phải ứng phó với sự cạnh tranh gay gắt hơn, kể cả tại thị trường nội địa.
Tôi có dịp gặp nhiều công ty, tập đoàn lớn ủng hộ TPP và nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Boeing, GE hay Nike cho biết đã dự kiến kế hoạch tăng đầu tư, công suất ở VN, thậm chí lên gấp đôi, để đón TPP. Nhưng ở Hoa Kỳ cũng có những quan ngại, cả ở Quốc hội và các nghiệp đoàn, nhất là về nguy cơ giảm việc làm và bị cạnh tranh gay gắt hơn từ các nước tham gia TPP khác.

Quá trình chuẩn bị của doanh nghiệp ta đã được khởi động, nhưng chưa đủ và còn nhiều thách thức trước mặt. Đó là quá trình 'rèn luyện', nâng cao năng lực trong suốt thời gian vừa qua nền kinh tế nước ta hội nhập với khu vực và thế giới; đồng thời, trong quá trình thương lượng về TPP.
Việc chuẩn bị cần phải tiếp tục như đẩy mạnh việc đổi mới chính sách để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhất là thực hiện mạnh và thành công các nội dung về tái cấu trúc kinh tế, tài chính, ngân hàng; chú trọng vào nâng cao hiệu quả và năng suất lao động để tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ...

Thương lượng TPP đang đi vào giai đoạn chốt để kết thúc. VN cũng như các nước khác, đều phải tranh thủ tối đa cho lợi ích của mình, với lộ trình thực thi phù hợp với nền kinh tế của ta, nhưng đồng thời cũng phải đưa ra các quyết sách để dung hòa lợi ích các bên.
Xuân Linh

No comments:

Post a Comment