Friday, February 20, 2015

Nhìn từ xa… Tổ Quốc! tiếng thơ quằn quại bi hùng

Chỉ nên đọc bài này khi bạn chưa uống quá 3 ly rượu Xuân

Trong sáng tạo, có những khoảnh khắc lóe sáng. Không hẳn sự xuất thần của tài lạ. Không hẳn sự vỡ òa của tâm đau. Mà là sứ mạng vụt cất tiếng. Hơn cả tiếng kêu từ vết thương sâu. Hơn cả tiếng rền từ phẫn nộ của lí trí. Nó dội vào nhân tâm, rung chấn những nẻo lòng giá băng, tra vấn những lương tri hẵng còn mê ngủ. Ai từng bị đánh động, khó có thể nguôi yên.

Nhìn từ xa… Tổ quốc! của Nguyễn Duy chẳng phải thế sao?

Thực ra, Nhìn từ xa … Tổ quốc! thuộc một mạch thơ vẫn vần vụ khôn nguôi trong hồn thơ này: mạch yêu và đau/ quằn quại bi hùng. Nếu chỉ kể những bài hạng nặng, thì trước đó 6 năm (1981-1982) là Đánh thức tiềm lực, sau đó 3 năm(1990 -1991) là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Ba thi phẩm tiếp ứng nhau như ba tia sét phóng xuống từ khối vần vụ trắng tích điện đã quá lâu ngày. Vì thế, chớp lóe mà tất yếu. Nếu cái trước tiền hô, cái sau hậu ủng, thì Nhìn từ xa… Tổ quốc là ánh chớp chói gắt nhất xuyên thấu màn đêm. Nó gây nên nhiều dư chấn hơn cả.

Lạ. Chả rõ từ đâu, có ai bảo ai không mà đời lại cứ mặc nhiên coi tiếng nói yêu nước của những bậc anh hùng cái thế, những chức trách cao trọng mới thuộc cỡ vằng vặc trăng rằm. Còn thảo dân, thì nên yên ở tầm… thảo dân thôi. Nghĩa là, chớ có vượt tầm yêu cỏ nội hoa hèn. Rồi yêu nước cũng phải có chỉ đạo nữa. Có phải thế không mà lòng yêu nước, nỗi đau đời lắm khi cứ phải nói chui như một thứ hàng lậu. Thiện chí bị nghi ngờ, thiện tâm bị cảnh giác. Lời tâm huyết bị kiểm duyệt, cắt xén sao cho hợp những cái khuôn cấm kị, lọt được những lỗ tai đông đặc nghi kị. Ở chốn nào lòng yêu nói ra được thành thơ cũng đã khó. Ở đây, sự khó muôn phần… Dõng dạc cất lên trong thời buổi như thế, Nhìn từ xa… Tổ quốc! là lòng yêu nước của ai đây? - Của thảo dân. Tầm nào đây? - Thì tầm thảo dân thôi. Hợp khuôn không? - Chao. Lại có cái khuôn cho những dòng nham thạch phụt trào trước cơ sự quốc gia hưng vong ư? Có chỉ đạo chứ? - Tất nhiên. Chỉ đạo bởi tâm linh trong sạch của một lương dân: Dù có sao vẫn Tổ Quốc trong lòng/ mạch tâm linh trong sạch vô ngần… Hèn chi mà sóng gió. Cũng hèn chi mà nức lòng.

Nói cho đúng, nếu chỉ biết yêu nước không thôi, Nguyễn Duy không có được tiếng thơ này. Đành rằng, yêu và thương không dễ tách bạch. Chúng thường song sinh và chuyển hóa lẫn nhau. Đành rằng, cụm từ cửa miệng “yêu nước thương nòi”/ “yêu nước thương nhà”/ “yêu nước thương dân”… có vẻ tự đủ. Nhưng, cứ nói hoài đầu môi chót lưỡi đâm ra quen, mòn, sáo, rỗng. Dần lâu, nó chỉ còn là một thành ngữ chéo nhạt nghĩa. Một thứ chốt an toàn để người luôn nói thế được yên chí với mình, yên sự với đời. Song, yêu và thương dễ đánh đồng thế sao! Tình yêu, về bản chất, là niềm say mê hướng về cái đẹp, mà rộng hơn, là giá trị. Tình thương lại là nỗi xót xa hướng về những bất hạnh, đau khổ. Yêu thích những ca tụng, tán dương. Thương ưa được thấu cảm, chia sẻ. Yêu dễ bay bổng, thoát li. Thương khó cầm lòng, tránh né. Yêu say đắm ngất ngây. Thương trăn trở đau đớn. Yêu thụ hưởng. Thương xả thân. Yêu nồng. Thương nặng. Biết yêu nước thật cần. Biết thương nước còn cần hơn. Thơ yêu nước tràn đầy. Thơ thương nước còn thưa thớt.

Không chỉ yêu nước, Nguyễn Duy đã thực sự Nhìn từ xa… Tổ quốc! bằng lòng thương nước. Đã nói bằng nỗi đau của một con dân. Đã viết bằng ngòi bút quằn quại bi hùng. Càng yêu càng thương. Càng thương càng đau. Thiết tha bao nhiêu với những giá trị phì nhiêu - nhân tình - từ bi - thông minh -thật thà - bao dung - kỉ cương - cần cù… của đất nước nghìn đời nay, thì đau đớn bấy nhiêu khi thấy những giá trị ấy bị xói mòn, biến dạng, tha hóa. Thơ cứ vỡ ra trong thống thiết. Ấy là nỗi thống thiết trước cơ cảnh dân nước: Đừng lớn lối khi dân lành ốm đói/ vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn. Ấy là nỗi thống thiết trước di họa của thứ yêu mê dễ dãi từng ca hót chim chóc suốt một thời: Ta là ta mà ta cứ mê ta. Nỗi thống thiết đã tràn ra thành điệp khúc dai dẳng: Ai? Ai ? Ai ? Không ai ! Không ai ! Không ai ! Đã tràn ra thành hàng hàng những câu hỏi. Câu hỏi nào cũng rách xé như lời chất vấn của vết thương. Những chất vấn không lời đáp (hay đáp lời không?) cứ buốt nhức suốt toàn bài tạo nên thứ âm hưởng rỉ máu: âm hưởng quằn quại. Còn lời thơ thì cứ nghẹn uất: Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm/ hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương/ mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm. Cứ đắng chát: Khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối/ Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn. Cứ bi phẫn khí tiết: Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới/ máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng? Cứ can trường: Thật đáng sợ ai không có ai thương/ càng đáng sợ ai không còn ai ghét// Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết/ ta là gì ? / ta cần thiết cho ai ?... Chỉ thuần yêu thôi, liệu có thể ứa máu vậy chăng ? Dòng, dòng dòng như thế, Nhìn từ xa … Tổ quốc ! khác nào một hải ngoại huyết thư.
                                           *
Dù xuất thần, cũng phải từ nung nấu. Dù viết bằng máu, thì thơ vẫn phải hiện ra trong một hình hài. Tôi chắc, lần này, khi đối diện ngọn đèn/ trang giấy trắngnhư xeo bằng ánh sáng, Nguyễn Duy đã phải trải nhiều băn khoăn để tìm cho ra một hình thức độc đáo mà định dạng những vần vụ ngổn ngang trong lòng thành thi phẩm. Đây luôn là phần việc khó khăn bậc nhất của sáng tạo thơ. Không thể lặp lại Đánh thức tiềm lực theo cái cách Ta nói với Em (viết hoa). Chưa thể (hay không thể) như Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ làm một túy ông xuất ra cả loạt hư chiêu thượng thặng. Càng không thể rút tỉa tinh, qui giản gọn như một bài thơ ngắn. Đây là lúc cần nói rát, nói đau về sự thật. Cần nói sâu, nói thấu về sự thực. Song, cũng không thể là nghị luận bắt thành vần. Không thể là liên khúc kiểm kê. Càng không thể la liệt bày ra như bộ sưu tập những điều nhức nhối. Hình thức nào, qui mô nào, rồi cấu trúc, hình tượng, hình ảnh… nào đây cho tiếng thơ hạng nặng này? Phải thật mới lạ. Hẳn rồi. Phải gây ấn tượng mạnh. Đúng thế. Phải thật phù hợp nữa. Đương nhiên. Vậy phải làm sao? Cuối cùng, chẳng biết do sự mách bảo kì bí nào, mà Nguyễn Duy đã tạo được cho Nhìn từ xa… Tổ quốc ! cái hình hài lạ thế.

Không nên coi Nhìn từ xa… Tổ quốc ! là một bài thơ dài. Mà nên đọc nó như một trường ca ngắn. Một dạng trường ca nén. Đúng là nó không được dàn bày ra thành nhiều chương khúc; không triển khai những nội dung đa tuyến, đa tầng; không dựng lên một thế giới nhân vật đông đảo; cũng không dày công khắc họa chi li các chân dung. Nghĩa là Nhìn từ xa… Tổ quốc! không có những chỉ dấu thông thường của một bản trường ca quen gặp. Song, nó vẫn là một dạng trường ca. Không chỉ vì cái nó đề cập là vấn đề có tầm vóc lịch sử. Không chỉ vì cặp hình tượng trung tâm xuyên suốt bài thơ là cái bóng máu me của người anh hùng bất lực dài ngoẵng và cái- tôi - thảo – dân có tính biểu tượng cao. Không chỉ do các màn phát vấn cứ kết nhau thành một liên khúc bi phẫn. Mà, trước hết, bởi tâm trạng chủ thể là rung chấn của thời đại, của lịch sử : Đêm Bắc bán cầu vần vụ trắng … yêu và đau/ quằn quại bi hùng… Đó chẳng phải là tâm trạng trường ca sao? Và, mạch thơ cứ lần lượt điểm tới cả chục vấn nạn, chục mối an nguy ngấm ngầm như thập diện mai phục. Vấn nạn ăn mày. Vấn nạn thương binh. Vấn nạn thất học. Vấn nạn lãn công. Vấn nạn lìa xứ. Vấn nạn tôn giáo. Vấn nạn kỉ cương. Vấn nạn lưu manh. Vấn nạn điếm… Chúng khiến nội dung thơ thành một toàn cảnh đau buồn về thực trạng đất nước trong một chặng dài. Một toàn cảnh như thế chẳng phải tầm bao quát của trường ca sao? Chỉ ngần ấy cũng đã đủ để Nhìn từ xa… Tổ quốc ! nhập tịch vào thể loại trường ca. Một bản trường ca quặn mình trong khuôn hẹp chỉ hơn mười trang in.

Nếu Đánh thức tiềm lựcKim MộcThủy Hỏa Thổ đều lấy điểm nhìn gần từ bên trong đất nước, thì thi phẩm này chọn cự li khác: Nhìn từ xa… Tổ Quốc. Thi sĩ là một con dân ở xa đau đáu nhìn về đất mẹ. Nhờ đó mà tạo được cách tiếp cận nghệ thuật độc đáo. Ấy là một cái nhìn kép cho con mắt thơ: ngoại quan mà nội soi. Cách xa, hóa ra, lại là điều kiện cần về không gian để có thể trông khắp lượt, khắpxứ. Và Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng/ cột biên giới đóng từ thương đến nhớ. Nên, càng xa, càng khách quan; càng khách quan, càng thấu đáo. Nhìn từ xa để thấy thật gần là cái tình huống thơ độc đáo khởi tạo nên thiphẩm này.

Chọn cự li xa cũng là tiền đề dẫn tới lựa chọn nghệ thuật khác: tổ chức phát ngôn thơ thành một cuộc đối thoại. Ấy là cuộc trò chuyện rợn mình với cái bóng máu me. Hồi viết Đánh thức tiềm lực, Nguyễn Duy đã có những câu: Tuổi thanh xuân trọn vẹn cuộc chiến tranh/sau lưng ta là kỉ niệm bi tráng/ trước mặt ta vẫn con đường gập ghềnh… Lần nhìn từ xa Tổ Quốc này, cái kỉ niệm bi tráng luôn ẩn khuất sau lưng kia đã hiện lên trong một diện mạo nghệ thuật mới: ấy là người anh hùng bất lực dài ngoẵng sõng soài nền nhà trong vết máu bầm đen. Hình tượng vừa thực vừa siêu thực đó đã trở thành một biểu tượng độc đáo. Không có nó, hẳn không thể có cuộc đối thoại huyền hoặc thế. Nó đem đến cho thơ một cấu trúc đối nghịch: trò chuyện siêu thực mà nói về hiện thực; đối thoại mà độc thoại; chất vấn mà tự vấn. Hai kẻ hai ngôn ngữ khác nhau. Cái tôi thì bằng lời. Cái bóng thì cử chỉ. Nhìn từ xa … Tổ quốc ! vì thế, có dáng dấp một vở kịch đặc biệt. Không - thời gian sân khấu là một đêm Bắc bán cầu. Diễn biến kịch là cuộc thoại một người -một bóng. Người nói. Bóng câm. Nên, kịch không hẳn câm, mà bán câm. Lại vừa như một cuộc điều trần mở trong cõi thẳm của lương tri. Cái bóng bị can. Cái tôi công tố. Cái bóng nạn nhân và đồng phạm. Cái tôi thụ lý và tố tụng. Còn tội phạm thì náu mặt, cứ như vô can. Suốt cuộc điều trần, cái tôi có tới mười lần phát vấn, lần nào cũng nhói lên một câu, câu chỉ một từ: Ai ?/ Ai ?/ Ai ?... Cái bóng tỏ đến mười cử chỉ khác nhau. Cử chỉ nào cũng ra cùng một dấu hiệu: bất tri và bất lực. Vết bầm đen đấm ngực. Vết bầm đen quều quào giơ tay. Vết bầm đen ngửa mặt lên trời. Vết bầm đen tọa thiền. Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh. Vết bầm đen vò tai. Vết bầm đen nhún vai. Vết bầm đen rứt tóc. Vết bầm đen gập vuông thước thợ. Vết bầm đen còng còng dấu hỏi. Cứ thế. Cái tôi quày quả đủ phương. Cái bóng u uất một niềm. Cái tôi nóng lời. Cái bóng lạnh tiếng. Thành thử, đó là màn cáo trạng đơn côi, là cuộc trò chuyện vô vọng với người câm suốt cả đêm dài. Cuộc đối thoại gan ruột mà thành ra màn độc thoại hoang vắng. Vò võ trắng đêm thế, cái tôi thảo dân khác nào một kẻ cô trung.

Càng đi sâu vào bên trong càng thấy cấu tứ không đơn mạch. Nó nhất thể mà đa nguyên. Chẳng thế mà cái tứ này còn được tổ chức thành cuộc bắt bệnh. Và cái tôi cũng thuộc dạng nhất thể đa vai: thi sĩ mà bác sĩ, thầy thuốc mà bệnh nhân. Bắt bệnh đời cũng là thăm bệnh mình. Chữa cho đời cũng là tự chữa. Thấy đây đủ cả vọng văn vấn thiết. “Vọng” đã tỏ. “Văn” đã tường. Nhìn từ xa … Tổ quốc! điểm ra cả chục căn bệnh trầm kha trong thực thể xứ sở. Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày? Xứ sở nhân tình sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu? Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma? Xứ sở linh thiêng sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác? Xứ sở thông minh sao thật lắm trẻ con thất học? Xứ sở thật thà sao thật lắmthứ điếm? Xứ sở cần cù sao thật lắm Lãn Ông? Xứ sở bao dung sao thật lắm thần dân lìa xứ? Xứ sở kỉ cương sao thật lắm thứ vua?.... Mỗi câu hỏi một xác chứng. Mỗi câu hỏi một đối chứng. Vừa phản biện gay gắt sự ca hót dễ dãi về xứ sở. Vừa than tiếc cay đắng về những băng hoại tan hoang. Cái tôi bác sĩ đau đáu truy tìm cho ra thủ phạm của trọng bệnh. Ai ? Ai đã gây ra những căn bệnh này? Càng “vấn” càng không lời đáp. Không ai! Không ai! Không ai!... Để tìm cho ra nhẽ, có lẽ phải “thiết”. “Thiết” đây không thể là bắt mạch. Mà phải là xét nghiệm. Cái tôi bèn quyết định: Chích một giọt máu thường xét nghiệm, thì dưới kính hiển vi, lập tức một cấu trúc máu thê thảm hiện nguyên hình:  tí trí thức - tí thợ cày - tí điếm/ tí con buôn - tí cán bộ - tí thằng hề/ phật và ma mỗi thứ tí ti. Thì ra là thứ máu nhiễm trùng. Thủ phạm là đấy chứ đâu. Máu nhiễm trùng phát thành bao nhiêu bệnh. Bệnh cứ ngấm ngầm làm băng hoại cơ thể từng ngày. Do đâu mà nên cái cơ sự này ? Chẳng cần quá nhiều y lý, y thuật, cũng truy ra được. Chẳng qua, là do tham, do háu, do ăn sống nuốt tươi, do mất vệ sinh mà ra cả: Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao/ miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít/ mất vệ sinh bội thực tự hào/ Sự thật hôn mê - ngộ độc ca ngợi. Lại chủ quan không chịu chẩn trị, chữa chạy nên bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại mà thành ra thế. Muộn rồi chăng? Bỏ mặc chăng? Không thể. Một khi đã truy ra nguồn cơn rồi, thấy nguy cơ suy vong đe dọa từng ngày rồi, không thể không đắn đo kê đơn bốc thuốc : chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới/ thầy chửi bới nhe dàn nanh cơ hội/ chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại/ Lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy… Tất cả các thang ấy đều không thể. Vậy phải tính sao? Bản tính thảo dân vốn không chấp nhận bi quan, nên thi sĩ thầythuốc này cần phải tìm một điểm tựa để mà tin. Theo y lí, cơ thể có bị tàn phá, nhưng nguyên khí còn, thì vẫn còn có cơ. May thay, thực thể tuy nhiễm trùng, nhưng nguyên khí vẫn mạnh. Thơ - tâm linh trong sạch. Đó là nguyên khí của cái tôi. Dân - gốc của muôn đời. Đó là chân khí của giống nòi. Cả hai hãy còn nguyên vẹn. Dù có sao vẫn Tổ Quốc trong lòng/ mạch tâm linh trong sạch vô ngần/ còn thơ còn dân/ ta là dân - vậy thì ta tồn tại. Vậy là, niềm tin đã được nhóm lên. Nhưng, tin suông sao? Không. Trước tình trạng chí nguy cái tốt nhiều hơn nhưng cái xấu mạnh hơn, cần lập tức hành động. Hành động cấp thời là gì? - Xốc dậy ngay nguyên khí. Tức là xốc dậy ngay phần tốt đẹp trong đời. Những người tốt đang cần liên hiệp lại. Đồng thời, phải gấp rút thay máu, dù không dễ dàng nhẹ nhàng: Giọt từng giọt/ nặng nhọc/ Nặng nhọc thay. Giải pháp là đấy, hành động cũng là đấy. Còn gì táo bạo hơn! Còn gì thiết thực hơn!

Mang căn cốt thảo dân, hiển nhiên thơ Nguyễn Duy đậm chất dân gian. Lục bát thì rõ mười mươi rồi. Còn thơ tự do xem ra lại hoàn toàn hiện đại. Đọc thơ tự do của Nguyễn Duy, thấy ngòi bút tung hoành phá cách, tưởng chừng anh đã siêu vượt ra ngoài cái căn tính dân gian đó rồi. Nhưng, không hẳn. Chính ở thơ tự do mới thấy cái phần dân tộc, dân gian nặng căn thế nào. Và đó thực là điều đáng tự hào với một phong cách thơ bền vững. Dân gian đây không chỉ ở việc dùng thi liệu, ngôn liệu. Dân gian đây cũng không chỉ ở vay mượn đôi ba sắc thái giọng điệu. Những thứ ấy chẳng qua chỉ là lớp lộ thiên, là dăm ba lá chồi nhú lên bề mặt thôi. Dân gian nằm sâu ngay trong bộ rễ của mỗi cây thơ, ẩn sâu trong cấu tứ mỗi thi phẩm. Đọc Nhìn từ xa … Tổ quốc ! thấyphần sâu của nội dung điểm ra đủ chục vấn nạn, tôi đã đinh ninh cấu tứ này ảnh hưởng chất dân gian từ con số 10 chua chát của bài vè Mười loạn từng gây xôn xao hồi bấy giờ. Thứ nhất là loạn quốc ca/ thứ nhì loạn giá thứ ba loạn tiền/ thứ tư là loạn chuyên viên/ thứ năm là loạn tình duyên vỉa hè/ thứ sáu là loạn ông nghè/ thứ bảy là loạn con phe ngoài đường/ thứ tám là loạn huân chương/ thứ chín là loạn tuyên dương anh hùng/ thứ mười là loạn… lung tung. Nhưng không phải.

Nguyễn Duy đâu phải tạng kể lể bi quan, hay hăng hái chỉ trích suông cho khoái khẩu nhỉ? Tạng anh mỗi sự đau đời là một vốc muối xát vào chính lòng mình, đau thương mà trách nhiệm, khổ tâm mà mạnh mẽ kia mà. Vì thế, phải đọc đến câu kết lẩy nguyên lời ca dao còn da lông mọc còn chồi nảy cây” (thoạt nghe, cứ như cái kết lạc quan tếu, lạc quan…lạc !), tôi mới vỡlẽ về bí mật thật sự của cấu tứ ở bài thơ hiện đại này. Đúng là một cấu tứ kiểu dân gian. Nhưng, là nét dân gian khác. Cũng nương theo con số 10. Nhưng là một số 10 khác. Tứ của bài thơ, trong lõi cốt của nó,được tổ chức theo tinh thần bài ca dao kì lạ của miền Trung bộc lộ một niềm lạc quan vô bờ bến. Bài Mười quả trứng: Tháng giêng tháng hai/ tháng ba tháng bốn/ tháng khốn tháng nạn/ đi vay đi tạm/ được một quan tiền/ ra chợ kẻ Diên/ mua được con gà mái/ về nhà đẻ được mười quả trứng/ Một quả trứng ung/ hai quả trứng ung/ ba quả trứng ung/ bốn quả trứng ung/ năm quả trứng ung/ sáu quả trứng ung/ bảy quả trứng ung/ Còn ba quả nở được ba con/ con diều tha/ con quạ bắt/ con mắt cắt xơi. Khánh kiệt rồi, cùng đường rồi. Tuyệt vọng, gục ngã ư ? Không. Vẫn nuôi hi vọng, vẫn tràn ngập lạc quan. Từ tột cùng vô vọng, tứ thơ vút lên tột đỉnh hy vọng: Chớ than phận khó ai ơi/ còn da lông mọc còn chồi nảy cây. Vâng, lứa trứng đầu thế là hỏng tất. Nhưng mẹ gà còn đó, thì sự sống vẫn còn đây. Nhìn từ xa… Tổ quốc! cũng thế. Kể ra đến mười vấn nạn, chẳng phải là điểm ra mười thứ trứng ung sao! Trứng thuộc nòi tốt, ủ ấp thế nào mà ung, nuôi giữ thế nào mà bị tha bắt cắt xơi hết cả. Song, chừng nào lòng còn thơ, nước còn dân thì vẫn còn gốc của hi vọng: còn thơ còn dân/ ta là dân – vậy thì ta tồn tại. Dù có sao/ đừng thở dài/ còn da lông mọc còn chồi nảy cây? Tứ thơ cũng từ đáy khánh kiệt vút lên đỉnh lạc quan. Vậy là, câu kết vận ca dao đó chỉ là phần lộ thiên của một vỉa ngầm.

Viết thế, chẳng phải Nguyễn Duy vẫn dân gian, dân tộc khỏe khoắn và thâm hậu sao! Có lẽ, dân gian đã nhập sâu vào trong tiềm thức chủ thể. Nên khi viết ra, dù chẳng có chủ định học ca dao dân gian đi nữa, nó vẫn cứ ra ca dao, cứ là dân gian vậy. Huống chi, một thi phẩm như thế này không thể không bắt rễ, không thể không nảy sinh từ cái gốc trường tồn ấy. Với cấu tứ thế, Nhìn từ xa… Tổ quốc! đã mang trong nó cái lõi trầm của minh triết dân gian.
                                       *
Cảm xúc có ngập tràn, tình huống có độcđáo, cấu trúc có tinh vi, minh triết có sâu xa và giọng điệu có như trút cả lòng ra,… ngần ấy vẫn là chưa đủ để bài thơ thành một sự sống, nếu thi ảnh, cái phần trực quan nhất của thơ, thiếu đi máu huyết. Làm sao truyền dẫn được tâm huyết vào mỗi chi tiết thơ dù nhỏ nhất, làm sao cho chất sống phập phồng trong mỗi hình ảnh thơ dù thoáng qua? Có lẽ đó là thách thức sống còn của thứ sáng tạo khổ ải này. Nhìn từ xa… Tổ quốc! cần tới loại thi ảnh nào đây? Có thể là thứ hoa mĩ kì khu của kì công được chăng? Thứ bay bướm của tài liên tưởng biến ảo bay bổng được chăng?Không. Một tiếng thơ nộ khí vuột thẳng ra từ nỗi quặn lòng thì không thể hả lòng với lớp thi ảnh phù hoa thế. Phải là loại hình ảnh thơ giàu chất trực kiến, giàu tính trực ngôn. Phải là thi ảnh dồn tích được nhiều nhất những bức xúc, tổn thương. Không trang sức. Không vẽ vời. Càng mộc, càng đau, càng mãnh liệt. Và, Nhìn từ xa… Tổ quốc! đã thực sự gây rung chấn trong người đọc bằng những hình ảnh thơ không thể cầm lòng. Thi ảnh nào cũng như nảy từ vết thương. Hình ảnh nào cũng muốn xát muối vào lòng lãnh đạm, cào cứa vào lương tâm đóng băng, quất thẳng vào lương tri đang u mê ú ớ:

-    Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt/  tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp/  tuổi thơ bay như lá ngã ba đường 
-    Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng/ mở mắt… bóng nhân tài thất thểu
-    Nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng/ mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện/ ma cụt đầu phục kích nhà quan
-    Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng/ điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
-    Đạo Chích thành tôn giáo phổ thông
-    Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
-    Lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ/ lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
-    Luật pháp như đùa như có như không có/ một người đi chật cả con đường

Đọc cả bài thơ bi hùng này, đọc từng lời thơ của bao chấn thương trong thân tâm con dân đất Việt như thế này, các nhà phê bình chuẩn chỉ lại loay hoay xếp Nhìn từ xa… tổ quốc! vào các ngăn ô dựng sẵn chăng? Lại trữ tình chính trị, trữ tình công dân, lại hiện thực chủ nghĩa, cảm khái thời thế, hay thế sự thì hiện tại, hoặc cảm hoài, thuật hoài đời nay… chăng? Có nên uổng công, nhọc sức thế không? lạnh lòng thế không? Nhìntừ xa… tổ quốc! không từ chối những thứ chứng chỉ hàn lâm, những vòng nguyệt quế quy chuẩn như vậy. Nhưng. Thưa rằng. Trước hết. Nó là thơ tuẫn tiết. Vậy thôi!

Được viết năm 1988, ngót 30 năm đã trôi qua đầu ngòi bút, mà lạ, Nhìn từ xa… tổ quốc! vẫn cứ như vừa mới ra đời, còn chưa ráo mực (*). Cái nhìn thấu suốt của tầm hay diệu năng thấu cảm của tâm? Làm sao phân biệt được. Chỉ biết tiếng thơ đã được cất lên bởi sứ mạng. Sứ mạng một nhà thơ. Sứ mạng một thảo dân.

Chu Văn Sơn
Hà Nội – Vinh, Thu Giáp Ngọ, 2014
--------------------------
  (*) Cách đây ít hôm, tạiđảo sen Tây hồ, trong cuộc đàm đạo bạn bè, Nguyễn Duy có đọc bài thơ này. Thìcó tao nhân dự cuộc cứ đinh ninh nó là sáng tác… mới toanh.

1 comment:

  1. Nỗi khổ của VN thật dài, không phải chỉ từ khi bài thơ được viết, mà có khi từ trước nữa đến giờ... "vẫn cứ như vừa mới ra đời".

    ReplyDelete