Như họa sĩ Picasso, tôi muốn thể hiện con người Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau, những góc nhìn này được chọn lọc từ những gì cần gìn giữ/loại bỏ (đã thuộc về quá khứ), những gì cần phục hồi/du nhập và những gì còn lại phải tạo dựng như một tiểu luận của chữ nghĩa vậy.
Viết về đề tài này, 1 khảo cứu chỉ là 1 cái nhìn mà thôi, cần có nhiều cuốn sách, nhiều tác giả từ nhiều thời đại, nhiều đất nước khác nhau mới có thể đưa ra những gì đích thực được gọi là "Tổng luận" về người Việt hiện nay.
Theo các nước Đông Á – "thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thừa") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau. Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Trước năm 1967, Việt Nam lấy múi giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành đổi lịch dùng múi giờ GMT+7 làm chuẩn ở miền Bắc. Vì thế hai miền nam bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền bắc ngày 29 tháng 1 trong khi miền nam thì ngày 30 tháng 1). Từ năm 1976, cả 2 miền nam bắc mới dùng chung múi giờ GMT+7." (Wikipedia)
Từ cái Tết để thấy, muốn phân biệt thật rạch ròi cái gì gọi là "cổ truyền" đã rất khó, huống chi phân biệt cho được cái gì là thuộc tính riêng, là cốt cách của người Việt (ở đây tôi chỉ muốn tập trung vào dân tộc Kinh mà thôi).
Chuyển sang những lĩnh vực khác để thấy chúng ta (tôi dùng chữ "chúng ta" để chỉ người Kinh chúng ta) có những điểm khác biệt gì so với các dân tộc văn minh hơn (thậm chí trước đây không lâu còn thua kém ta). Và tôi sẽ tập trung vào một số cái nhìn đặc trưng mà thôi.
Khi viết những dòng này, điều khó khăn nhất với tôi không phải là tìm ý mà là tìm chữ. Tôi gặp khó khăn về chữ nghĩa không phải chỉ vì tầm học vấn của tôi hạn chế mà vì tôi đang viết bằng tiếng Việt, dù tôi biết rằng sự hiểu biết luôn có giới hạn nhưng chỉ trong phạm vi diễn đạt những gì thuộc về mình thì tiếng Việt đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa phải là 1 công cụ tuyệt hảo, dù tôi không phải là người uyên thâm, càng không phải thuộc hàng bác học "thiên kinh vạn quyển" làu làu. Để thông thạo Tiếng Việt một cách đúng nghĩa, có lẽ phải là người nắm vững nghĩa gốc Hán Việt của các từ, hiểu biết đủ chữ Nôm để tra cứu và cuối cùng là giỏi cả tiếng Pháp/Latinh v.v. để vận dụng 1 cách sáng tạo và uyển chuyển vào phong cách hiện đại. Nếu nói rằng tôi chỉ là 1 kẻ "ăn mày chữ nghĩa" cũng đúng, vì tôi tự biết mình chưa đủ tinh thông mấy cái chữ nêu trên, thiếu gì chữ/việc phải học từ con người và cuộc sống xung quanh. Nhất là ở thời đại của mạng internet và các loại phương tiện truyền thông ngày nay.
Về ngôn ngữ/tiếng nói của chúng ta, tôi đồng ý với Ái Việt ở chỗ Tiếng Việt đang phản ánh tính cách của chúng ta - một tính cách rất sơ sài và lạc hậu (tuy cũng có những sự phong phú nhất định do được hình thành và tích lũy trong 1 thời gian rất dài). Nếu chúng ta chỉ sống với nhau trong 1 cộng đồng, không ra khỏi ranh giới của dân tộc, có lẽ sẽ chẳng có gì trở ngại trong những chuyện hàng ngày. Nhưng va chạm văn hóa đã xảy ra cách đây nhiều thế kỷ, và sự thật đã cho thấy có sự khác biệt lớn về văn hóa giữa chúng ta và Trung Hoa, sự khác biệt này càng lớn hơn khi chúng ta va chạm với các nước phương Tây. Chỉ sống ở Hungary 3 năm, nhưng ngay từ lúc mới biết sơ sơ tiếng Hung, tôi đã thấy nhiều lúc dùng tiếng Hung để diễn đạt thật ngắn, thật đúng về điều cần diễn đạt hay hơn dùng tiếng Việt. Tôi tin rằng, nếu càng gắn bó với nước Hung, tôi sẽ càng sử dụng tiếng Hung nhiều hơn, không phải vì mình muốn trở thành người mất gốc, ham của lạ - "có mới nới cũ".
Người Việt chúng ta, khi nói về các nhân vật, thường không bỏ được cái thói quen, là thêm vào tên gọi những tiếng nói lên tình cảm riêng của mình. Ví dụ khi muốn tỏ ra lòng kính trọng (thật hay giả, cũng vậy) thì thêm chữ “cụ”, “ngài”, v.v…; nếu muốn tỏ ý khinh bỉ thì thêm những chữ “thằng”, “tên”. (GS. Trần Văn Toàn, Ðại học Công giáo Lill, Cộng hòa Pháp) Điều này nhiều khi gây trở ngại cho chính chúng ta trong rất nhiều trường hợp.
Và cũng do hoàn cảnh hình thành ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng nhiều từ Hán-Việt cùng với các từ phiên âm. Nhưng ngay cả trong việc này tôi cũng nhận thấy rõ khuynh hướng (tạm gọi là thủ cựu) chỉ dùng chữ Hán-Việt, ngay cả với những từ kỹ thuật hoặc có gốc Âu châu (I Pha Nho/Tây Ban Nha, Á Căn Đình, Ba Tây, đạo Gia Tô/Cơ Đốc, chiến đấu cơ, tiềm thủy đỉnh...). Khuynh hướng này tôi thấy sử dụng nhiều ở miền Nam cho đến 1975. Đây là điều đã làm tôi ngạc nhiên vì cho rằng miền Nam phải "Âu-Tây" hơn miền Bắc trong việc phát triển/cải cách chữ Quốc ngữ. Đúng ra cần áp dụng phổ biến các chữ Hán-Việt trong nhiều trường hợp từ có nguồn gốc/tích Trung Hoa và Á Đông còn bắt buộc phiên âm/giữ nguyên gốc trong trường hợp có gốc Âu-Tây (chỉ riêng về địa danh và tên người, tên gọi chính danh, cách viết hoa tên riêng đã có 8 trường hợp đang sử dụng, rất khó thống nhất). Việc sử dụng lung tung chỉ làm cho ngôn ngữ trở nên rắc rối, khó tra cứu, gây lúng túng trong việc tiếp thu/truyền bá nên cần rút gọn lại trong vài nguyên tắc chuẩn mực mà thôi.
Tôi cũng đã đề cập đến sự ngắn gọn trong cách dùng chữ của người Hung và người Việt trong bài "Hungary - Vấp ngã dại khờ của tôi", nhưng đó mới chỉ là cách thức ghi chép/viết lách (Leckekönyv). Tiếng Việt rườm rà hơn các ngôn ngữ Âu - Tây; muốn cho rõ nghĩa, không bị hiểu sai càng phải dài dòng hơn. Qua 1 câu, hoặc từ 1 quyển sách dịch (độ dày/trang sách), đều có thể thấy ngôn ngữ của chúng ta không ngắn gọn, rõ ràng và chặt chẽ như ngôn ngữ của các nước châu Âu. Và tôi chỉ mới đề cập đến tiếng Hung thôi, nếu tôi là người rành rẽ tiếng Anh, có lẽ kiến thức của tôi, "nhân sinh quan" và "thế giới quan" của tôi... con người của tôi sẽ còn hoàn chỉnh hơn nữa. Tôi cho rằng, hiện nay, tiếng Anh là con đường để đến với thế giới tốt nhất, để tìm hiểu về mọi vấn đề nhanh chóng nhất, hữu hiệu nhất và hoàn hảo nhất.
Ái Việt cũng suy nghĩ nhiều về ngôn ngữ của chúng ta trong bài viết "Ngôn ngữ và tính cách dân tộc", tôi chọn/trích 2 đoạn dưới đây:
"Người Việt khá dễ tính trong việc dùng bánh đa thay quạt nhưng rất khó tính trong việc dùng từ mới. Tôi đã nhiều lần bị chê dùng từ Tây quá (mặc dù dùng chữ Việt 100%) và bắt buộc phải dùng một từ "dễ hiểu" hơn mặc dù nội dung chẳng giống gì với từ nguyên gốc. Dùng riết rồi cũng quen dẫn tới cách suy nghĩ đơn giản hóa. Việc gì cũng phiên phiến. Nói chuyện gì cũng chớt chát trên bề mặt, thành thử mấy chục năm vẫn tranh cãi mấy chuyện đó, như kiến bò trên miệng chén, không thoát ra được. Có lẽ không nơi nào trên thế giới người ta hăng hái tranh luận "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" như ở Việt Nam, đơn giản chỉ vì không ai hỏi rằng "tại sao không thể vị cả hai" hay "nghệ thuật chẳng qua cũng là một phần của nhân sinh". Một dân tộc coi thường nghệ thuật sẽ có cái nhân sinh thế nào?"
"Tất nhiên, cái đơn giản bao giờ cũng gần với chân lý và cái đẹp. Nhưng điều đó không có nghĩa là một dân tộc luôn phải đơn giản hóa mọi vấn đề đến mức thô sơ. Người Việt ta ít duy lý, ngại suy nghĩ, nhưng cuối cùng nghĩ vấn đề gì cũng phức tạp. Một vấn đề cỏn con, nếu phát biểu bằng các khái niệm chính xác, tinh tế sẽ trở thành điều hiển nhiên, trong khi cả một giới thượng tầng xã hội tốn bao nhiêu giấy bút mà vẫn bị sa vào trò đùa của chơi chữ, tu từ. Chẳng qua là mình tự rơi vào cái bẫy của mình rồi loay hoay tìm cách tự nắm tóc để nhấc mình ra."
Hoàn cảnh tạo nên khí chất, nhưng hoàn cảnh của chúng ta quá đơn giản và ít biến đổi. Chúng ta chỉ quanh quẩn/đóng khung trong sự nông cạn, hời hợt, làm gì cũng qua loa, đại khái nên dù tư chất thông minh cũng khó trở thành lỗi lạc phi thường. Chúng ta cần sáng tạo nhiều hơn, mạnh mẽ hơn chứ không chỉ giỏi bắt chước vì "Chẳng ai trở nên vĩ đại bằng cách bắt chước" (Samuel Johnson). Vượt được những giới hạn của mình để tạo thêm nhiều đỉnh cao mới, không ngừng nghiên cứu tìm tòi để phát triển một cách bền vững đang là những thách thức trên con đường đi đến tương lai của chúng ta.
Sống trong 1 nước cổ lỗ, xã hội lấy gia tộc làm cơ sở suốt một thời gian dài nên chúng ta "chậm lụt" vào loại cá biệt điển hình với phong cách "tĩnh" vốn có của châu Á. Bản sắc của chúng ta đậm nét của 1 xứ nghèo nàn về nhiều mặt, cộng thêm đặc thù từ những cuộc chiến tranh. So với bản chất của phương Tây là "động" nên họ chuyển biến nhanh hơn nhờ tập trung được mọi nguồn lực cho mục đích phấn đấu vì sự tiến bộ. Nếu chúng ta không kịp tiếp thu những tinh hoa của họ để thật sự có được 1 nền tảng văn hóa và khoa học cần thiết thì vẫn sẽ tiếp tục bị bỏ xa trong tình trạng thua kém mà thôi. Tuy nằm trong vùng đang có tốc độ phát triển cao nhưng thực trạng "ếch ngồi đáy giếng" khá phổ biến ở Việt Nam, ít người hiểu rõ được câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn" ở tầm vóc quốc gia và quốc tế là như thế nào (nói theo ngôn ngữ của các kiến trúc sư thì công trình xây dựng phải được hình thành theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế). Trong thực tế thì chúng ta đã tự đưa mình vào các định hướng "ngoại lệ" với rất nhiều lý do chủ quan và tình trạng khủng hoảng của chúng ta hiện nay, như tôi vừa đọc được 1 ý kiến trên FB, đúng là do "thừa người thiếu khả năng, và thiếu người đủ khả năng". Đầy rẫy khắp Việt Nam hiện nay là những kẻ "cặn bã" với tư cách tác phong vô cùng rác rưởi không thể chấp nhận được và vô số những hạng ruồi nhặng chưa hề tiến hóa nhưng cứ tưởng mình là chim. Thật đáng buồn vì đó chính là chúng ta, hiện tại thảm hại của chúng ta.
Nhưng thật may mắn vì không phải tất cả chúng ta đều ngu dốt. Hiểu biết và học thức là vốn quý mà nhiều người trong chúng ta khao khát. Nhưng cần giữ được tinh thần hiếu học truyền thống trong nhận thức mới, sao cho việc học và hành không xa rời thực tế; bằng cấp không phải để che chắn, để ấm thân mà là sự xác nhận về khả năng đóng góp cho xã hội một cách có trách nhiệm với ý thức của 1 nhân cách được giáo dục tử tế.
Và 1 trong những cuộc chiến khốc liệt của chúng ta là vấn đề "ai thắng ai" giữa nền văn hóa "làng xã" nặng về cảm tính mù mờ/lạc hậu của những người cù lần-hai lúa đại diện cho tầng lớp "nhà nông-lính chiến" với những người đại diện cho nền văn hóa nâng cao/up to date, đại diện cho những giá trị của lẽ phải, cái đẹp và cái tốt của loài người. Đó là thế hệ mới theo trào lưu minh triết,đang hình thành và hòa nhập cùng xu hướng chung vì sự tiến bộ của nhân loại, với "nhân sinh quan" và "thế giới quan" toàn cầu thuộc về lý trí của tương lai: không phân biệt dân tộc và tín ngưỡng, tôn trọng nền độc lập tự chủ của nhau, cùng phát triển 1 cách bình đẳng không xâm hại lẫn nhau.
"Tư tưởng phải ở trên tất cả". Thế mà chúng ta còn đang loay hoay chọn cho mình một thái độ trong cuộc sống, vẫn còn hoang mang tìm kiếm chân lý nằm trong "cục gạch" hay trong "hòn đất". Dĩ nhiên khi chưa có được cho mình cái lý để sống thì lúc nào chẳng phải giở "lý sự cùn" ra với nhau. Nghĩ ngợi làm gì, "trời sinh voi" ắt sinh "cỏ", "hết mưa là nắng hửng lên thôi" cứ thế theo bầy đàn mà sống... Xã hội của chúng ta hiện tại là xã hội trôi nổi từ chế độ bao cấp với vô số lý lẽ nhảm nhí theo kiểu "mỳ ăn liền" hoặc "sống là không chờ đợi" v.v. Chúng ta có rất nhiều vấn đề đáng xét lại/chê trách, chẳng hạn như về nề nếp gia giáo, về những gì là "thuần phong mỹ tục", về quan hệ luyến ái... Như mới đây tôi đọc 1 comment trên FB rằng: chúng ta có thể thấy nhiều người ngang nhiên tè bậy ngoài đường nhưng lại không dám bày tỏ tình cảm nam nữ công khai (hôn nhau thì lại lôi vào bụi rậm)... Chúng ta sống trong sự thiếu thốn những gì là tinh hoa mang tầm vóc lớn của dân tộc, thiếu 1 tầng lớp đủ sức mạnh tinh thần và kiến thức để kế thừa/đổi mới thật sự mạnh mẽ và đúng hướng bằng hành động tích cực vì những mục đích cao đẹp/bền vững mang giá trị của Chân-Thiện-Mỹ nên hầu hết chúng ta trở nên hèn hạ khi nghĩ 1 đằng làm 1 nẻo và lẩn quẩn trong vòng bị lừa dối và lừa dối lẫn nhau.
Với 1 tư cách như vậy mà chúng ta lại dám coi mình như "chúa tể", đi đâu cũng cho rằng mình là nhất - không ai bằng - trên toàn cõi Việt Nam này. Xin mượn/trích vài hàng về chúng ta từ cuốn "Chuyện nghề của Thủy" (đạo diễn Trần Văn Thủy) mà tác giả là nhân vật chính:
"Người Kinh như con ma rừng, đi đến đâu, nơi ấy nhiều cái vốn đang hay đang đẹp lụi tàn dần hoặc được làm cho “hay” hơn “đẹp” hơn rồi… chết. Cái hồn rừng hồn núi mộc mạc thật thà teo tóp cả. Chà, người Kinh, cái giống người kinh…hãi của núi của rừng…"
Đã vậy, chúng ta vẫn sống chết bám vào những quan niệm cũ, khư khư giữ cả những gì không phù hợp một cách bảo thủ và bất chấp xu thế phát triển là phải chấp nhận sự đào thải như 1 quy luật tất yếu.
"Sau hết, văn hóa của ta còn một tính chất trọng yếu nữa là tính thường tồn (permanence). Văn hóa đời xưa thế nào thì đời nay vẫn thế, cơ hồ không vì thời gian mà thay đổi chút nào, đó cũng là kết quả của sự sinh hoạt nông nghiệp vậy. Vô luận về phương diện nào, ta vẫn thấy quá khứ còn sống ở hiện thời, cái tinh thần tồn cổ ấy vốn làm cho xã hội ta không tiến bộ được mau chóng như xã hội phương Tây" (Đào Duy Anh)
Về khả năng lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung trên toàn thế giới, thực tế đáng buồn cho thấy: "năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thái Lan và tệ hơn, chỉ bằng 1/15 của người Singapore." (Cao Huy Huân) Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì mà chúng ta cho rằng: chúng ta vốn là những người cần cù, chịu khó, nhẫn nại làm ăn. Chúng ta đã tự đánh mất mình không phải chỉ trong điều này. Trước đây, khi Singapore bắt đầu xây dựng đất nước vào những năm 60 của thế kỷ trước, thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng mong rằng: “hy vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn” và ông cũng từng cho rằng: "lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành người khổng lồ ở châu Á. " (Cao Huy Huân) Nhưng chưa hết, về khả năng khác biệt của chúng ta làm người nước ngoài kinh ngạc và phải nói là 1 khả năng rất đáng sợ, là 1 thế "mạnh" của chúng ta - đó là "mạnh ai nấy làm".
"Lý Quang Diệu tiếc vì Việt Nam không biết trọng dụng người tài, ông nói rằng người tài ở Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. Tôi đồng tình với quan điểm này của Lý Quang Diệu. Tôi thường nghe nói về cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam và cũng thường xem các video thi hùng biện tiếng Anh của em. Báo chí và truyền thông Việt Nam cũng hay đề cập đến em, nhưng tuyệt nhiên không thấy có một động thái nào của chính phủ Việt Nam dành cho Đỗ Nhật Nam. Phải chăng đối với chính phủ Việt Nam, cậu bé ấy không phải là nhân tài cần đầu tư và phát triển? Chưa kể là trong một lần phát biểu về truyện tranh, cậu bé ấy đã bị những người lớn Việt Nam công kích, chỉ vì em không thích đọc truyện tranh mà chỉ thích đọc sách khoa học. Thật trớ trêu. Đỗ Nhật Nam chỉ là một trường hợp thần đồng được báo chí ưu ái, nhưng cũng bị chính phủ thờ ơ. Vậy còn những thần đồng thầm lặng khác ở cái đất nước hơn 90 triệu dân này thì sẽ nhận được hỗ trợ gì từ chính phủ? Trong mọi sự phát triển, yếu tố con người luôn tối quan trọng. Thật đáng tiếc." (Cao Huy Huân)
Nói đến tự hào dân tộc, trong những năm chiến tranh, cái thời "ra ngõ gặp anh hùng" là thời ai cũng tự hào là người Việt Nam. Còn bây giờ thì tỷ lệ là bao nhiêu? Có lẽ chúng ta không thể sánhh với người Nhật vì họ "có lòng tự hào cao nhất nhì thế giới. Năm 2008, kết quả điều tra xã hội ở Nhật cho thấy 93% người Nhật tự hào là người Nhật, và tỉ lệ này cao hơn Mĩ (85%). Khi được hỏi điều gì làm cho họ tự hào là người Nhật thì 72% trả lời là yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hoá, 43% trả lời là phong cảnh thiên nhiên. Ngoài ra, 28% chọn sự ổn định xã hội và an toàn, và 28% khác chọn đặc tính dân tộc làm cho họ tự hào." (Tuan's blog) Và chúng ta cũng khó mà tự hào như nhiều dân tộc khác trong khu vực nếu so sánh với họ về các yếu tố kể trên vì thiên nhiên và di tích lịch sử của chúng ta, thậm chí cả con người, cũng đang bị tàn phá/hủy hoại nặng nề.
Giống như con cái là tương lai của chúng ta, tương lai của dân tộc thuộc về thế hệ trẻ, lớp người đang thực hiện những giấc mơ của mình để khẳng định tầm vóc mới của Việt Nam. Về kiến trúc, nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật, kinh tế - thương mại... đều có những gương mặt trẻ tuổi cố gắng vươn lên bằng sự nỗ lực hết mình. Tôi mong những thành công của họ, dù chỉ là bước đầu, dù chỉ nhỏ nhoi, cũng sẽ góp phần thay đổi Việt Nam. Có thể nói đến những bước tiến đáng ghi nhận của lớp người Việt Nam trẻ tuổi bằng những thành công của Võ Trọng Nghĩa (kiến trúc sư), Phạm Tuấn Huy (2 lần giành Huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế), Đinh Nhật Nam, Tạ Minh tuấn (kinh doanh), Trần Quang Đức (nghiên cứu Hán-Nôm), Nguyễn Phi Phi Anh (đạo diễn)... và gần đây, trong lĩnh vực ca nhạc là thành công của Nguyễn Thanh Hiền (Hungary).
Sau chiến tranh, Việt Nam đã được thế giới nói đến nhiều hơn từ truyền thông và cả trong nghệ thuật, ở đây tôi muốn đón nhận hiện tượng/thành công của Nguyễn Thanh Hiền như 1 triển vọng của chúng ta qua vai diễn của cô trong vở nhạc kịch nổi tiếng "Miss Saigon". Có thể nhiều người trong chúng ta không đánh giá cao vai trò của Hiền, nhưng tôi không muốn dè bỉu Hiền như hạng "xướng ca vô loài" mà muốn qua Hiền để thổ lộ thật trung thành với tất cả những gì đã viết, để ghi nhận về cô một cách tích cực và thật khách quan/không thổi phồng từ khía cạnh mang tính sự kiện lịch sử, đánh dấu cho những gì là chuyển biến của chúng ta. Từ lần công diễn đầu tiên vào năm 1989 tại London, đến nay mới có 1 diễn viên người Việt đảm nhận vai Kim - lần đầu tiên trong lịch sử của vở diễn này tại châu Âu - điều này cho thấy, Hiền đã có đủ tư cách, có thể làm được điều mà trước đây không ai trong chúng ta có thể làm được trong suốt 1 thời gian dài. Và tôi tin rằng, từ nghệ thuật, chúng ta sẽ bước qua những lĩnh vực khác để tiếp tục với những thành công đem lại nhiều sự chuyển biến đáng mừng trong tương lai. Hãy rộng lượng hơn với tuổi trẻ, bớt khắt khe một cách cố hữu vốn là tai ách trầm trọng của chúng ta để đón nhận những gì đáng nhìn nhận mà con em chúng ta đang cần sự cổ vũ nếu chúng ta không đánh mất những gì là hoài bão trong con người mình từ thời còn là những chàng trai hăm hở, đừng trở thành những người ngoài cuộc và bị loại khỏi dòng chảy của nhân loại trong xu thế đa phong cách hiện nay! Nếu chúng ta đã đánh mất mình, đánh mất nhiều cơ hội lịch sử của dân tộc thì hãy dành cho tuổi trẻ ngày nay và những thế hệ mai sau có được nhiều cơ hội để tạo dựng tương lai, để sửa chữa những sai lầm vô cùng tệ hại của chúng ta, nguyên nhân đã gây nên tình trạng khốn quẫn của đất nước hiện nay.
Hãy bắt đầu hành động với 1 thái độ mới, không coi bất cứ cái gì cũng là "bất di bất dịch" có tính nguyên lai từ thời thượng cổ, có rất nhiều thứ chúng ta cần thẳng tay vứt vào sọt rác (và cũng có nhiều thứ phải kính cẩn đặt vào viện bảo tàng). Nhưng không thể bất chấp luật lệ và nguyên tắc để tùy tiện hành xử tràn lan như hiện nay. Sự đổi mới đòi hỏi chúng ta phải dọn mình để thực hiện được mọi đòi hỏi khắt khe với chuẩn mực được thế giới công nhận và bước lên vị trí cao hơn trong cộng đồng quốc tế, không cam phận là kẻ xả thân theo sự sắp đặt của các nước lớn, hy sinh quyền lợi dân tộc vì quyền lợi của họ, là con tốt trên bàn cờ lớn để họ định đoạt ván cờ. Nếu muốn đi xa, bước vào hành trình tương lai thì phải có "vé" (đủ tư cách hội nhập), với "hành trang" thích hợp, không thể kéo lê tất cả những tàn dư cùng vô số những thứ lỉnh kỉnh đang khoác trên người hiện nay. Đã qua rồi cái thời đại vô phương đi tìm cứu cánh, thấy cái gì lóng lánh nghĩ ngay là vàng, như "chết đuối" vớ được "cọc" để nhầm lẫn lao lên chuyến tàu vô định, đi "lậu" sai đường mà cứ tưởng là "đường đường chính chính"... rõ khổ!!!
(27 Tết)
--------------
Phụ lục: Dưới đây là 1 bản đồ (từ trang Nghiên cứu lịch sử
https://www.facebook.com/nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-231556540241622/)
Theo đó, từ thời Tam Quốc, 1 phần VN ngày nay thuộc Đông Ngô (?). Cần có thêm khảo cứu để đối chiếu/xác minh về chi tiết này.
Không biết Đoàn Hồng Nghĩa có thích cái tranh mấy con heo post trong bài này không? Tôi đã chọn nó vì nó là tranh dân gian tryền thống của xứ Bắc kỳ, nhưng cũng vì 1 lẽ nữa vì nó làm tôi nhớ đền cái hình "trình làng" của Nghĩa, hình ảnh của 1 trong số nhiều người phải ra đi... dứt bỏ quê nhà.
ReplyDeleteVà tôi cũng vừa cười vừa viết bài này khi nghĩ đến cái câu mà Nghĩa hay nói: người VN là "con cháu thằn lằn", nhất định không chịu là con cháu Tiên Rồng!
ReplyDeleteDù sao chúng ta cũng phải tỉnh táo để nhận ra rằng, ngay từ cái thời đẹp nhất, chúng ta đã bắt đầu hủy hoại tất cả rồi! Đó không phải là tất yếu, đó là thảm họa!
ReplyDeleteHãy hiểu rõ điều mình muốn, và những gì mình cần làm. Hãy làm hết sức và vui vẻ đón nhận kết quả. Chừng nào còn sống, bạn luôn có thể làm lại từ đầu.
ReplyDeleteKhông ai có thể quay ngược lại để thay đổi sự khởi đầu. Nhưng bất kì ai cũng có thể thay đổi ngày hôm nay, để có một ngày mai khác đi, và để có một kết thúc tốt đẹp hơn.
(Châm ngôn hay)
Paul Doumer giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902. Dưới thời Toàn quyền Paul Doumer, chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam bước sang một bước ngoặt mới.
ReplyDeleteNhận xét về người Việt, Paul Doumer đã viết:
"Điều không thể chối cãi được là những người này [người Việt] hơn hẳn tất cả các dân tộc xung quanh. Người Miên, Lào, Xiêm không chống được họ. Không một dân tộc nào ở đế quốc Ấn Độ có những đức tính của họ, phải tới Nhật mới thấy có một giống người tương đương. Người Việt và người Nhật chắc chắn thủa xưa có bà con với nhau. Cả hai đều thông minh, cần mẫn và can đảm." (Paul Doumer, L'Indo-Chine française, 2e édition, Paris, Vuibert et Nony, Éditeurs, 1905, t. 40-43)."
Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều Người Việt Nam có một tật xấu, đó là Ăn Cắp Vặt, thưa các bạn!
ReplyDelete(1) Ăn Cắp Vặt được khoác áo một Trò Đùa dấu đồ của người khác xem họ tìm ra hay không, và nếu họ không tìm ra thì xem như kẻ giấu đã ăn cắp thành công và có thể lấy luôn xem như phần thưởng chiến thắng!
(2) Đi nước ngoài thấy cửa Xe Điện Ngầm tự động nhét một vé thì càng cửa mở cho một người qua, thì rất nhiều bạn VN sáng kiến hai thằng ôm sát nhau chạy qua chỉ cần một vé THỬ COI NÓ BIẾT KHÔNG, hehe lại thử ăn cắp xem người ta biết không!
(3) Ở Siêu Thị sao chả thấy Bảo Vệ, Nhân Viên hay Camera gì hết vâyh, hớ hênh quá vậy, thử chôm 3 cái mắt kính lột nhãn báo động ra làm sao mà hú được, thử coi nó hú không? Lại ăn cắp xem người ta biết không...
Vân vân và vân vân...
Ăn cắp vặt chả vì tham tí giá trị của món đồ, mà chính là muốn chứng minh mình Khôn Lanh Ma Mãnh (hay ngộ nhận là Thông Minh) hơn thằng kia! Đó là điểm hài hước nhất trong tư duy nhiều Người Việt Nam!
Hãy bỏ thói quen hay các trò chơi Ăn Cắp Thử đi nhá, Thế Giới đều nhìn là Ăn Cắp và coi nó còn Ngu hơn mấy thằng Ăn Cắp nghiêm túc nữa mới nhục!
(post từ Huỳnh Phước Sang's wall/FB)
Huỳnh Phước Sang:
ReplyDeleteTại sao Người Việt khi sang định cư ở Nước Ngoài thì hơn 99% đều trở nên OK hơn khi còn ở Quê Nhà, vì Nhà Nước, Chế Độ, Xã Hội của họ ư??? Cũng đúng, nhưng chỉ một phần nhỏ thôi, biết lý do chính là gì hông, đê nói cho nghe!
Đó là khi qua bên đó thì Không Đổ Thừa cho Chế Độ với lại Nhà Nước gì nữa hết! Vì đối với họ, nó là ưu việt, là số 1 rồi, mà nếu mình sống và phát triển không xong thì hông lẽ lên Sao Hoả để tìm sự ưu việt hơn?
Vì thế, họ phải quay lại nhìn nhận xem xét Bản Thân mình, phải cố gắng làm việc, thay đổi tính tình, chỉnh chu đàng hoàng, làm việc cực nhọc như thú và như dân người ta, hơ hơ!
Đó là một dạng kiểu như Đường Cùng rồi đấy mà, không chịu nổi mà Trào Ngược về VN có cái mã Việt Kiều mà trong túi không rủng rỉnh chút tiền thì chố nó coi, khổ thân thế chớ!
Và rất nhiều người VN sau khi cố gắng thay đổi phát triển bản thân thấy mụ nội luôn thì cũng có những Thành Công đáng kể, nhưng có lúc ngồi nghiệm lại, tổ mẹ nó nếu ở Việt Nam mà tao chịu thay đổi phát triển cật lực thế này thì có lẽ tao giàu hơn rồi!
Vậy đó, Người Việt Nam thì chỉ mơ ước một Chế Độ, một Nhà Nước Không Tưởng, để ở trong đó họ phè phỡn, bê bối, lười nhác mà vẫn sung sướng, điều đó là sự ảo tưởng tệ hại nhất của Dân Tộc này!
Và Giải Pháp là phải cho họ Thấy Chính Bản Thân Mình và buộc họ Thay Đổi, thì tất cả Dân Trong Nước thành Việt Kiều hết thôi!
Ps1: như thường lệ, ai cũng biết Chế Độ gì thì ưu việt hơn ở thời đại ngày nay, nên thôi đừng có comment mấy cái lý thuyết cơ bản trẻ con ra rả be be hoài trên nhà tôi nữa, tôi nghe mệt quá!
Ps2: khi tôi không đề cập đến vấn đề Chế Độ không đồng nghĩa tôi đồng ý và bênh vực nó nhé, tôi chỉ đang muốn tập trung vào một vấn đề khác!
Ps3: cứ phải ps toèn toẹt ra vầy mới chịu hiểu, khổ thân ghê cơ!
Đọc lại những những nhận xét của cụ Phan Châu Trinh về con người Việt Nam, viết ra từ những năm 20 thế kỷ trước mà lòng không khỏi ngậm ngùi.
ReplyDeleteHơn một trăm năm đã trôi qua với biết bao hy sinh, phấn đấu, mất mát mà rút cục trong xã hội ngày nay vì những biến cố nghiệt ngã của lich sử, những sai lầm chết người của những chọn lựa, tình cảnh chung của người Việt gần như không có thay đổi, thậm chí ở nhiều điểm còn tàn tệ hơn…
Hãy cùng nhau nhìn lại mình và tri ân nhà chí sỹ Phan Châu Trinh, một nhà nho nhìn xa trông rộng…Biết đâu mọi chuyện sẽ có khác nếu cục diện lịch sử không phũ phàng đối với cụ..., một con người Việt Nam sau cả trăm năm vẫn còn hiện đại và gần gũi với chúng ta… Mời các bạn cùng suy ngẫm. (Nguyễn Đăng Hưng)
----------
1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…
Dân Việt Nam “mặc kệ thói ở bẩn, khoa trương một cách lố bịch, vô kỷ luật, ăn cắp, tắt mắt và gian dối... dù sống ở VN hay ở đâu. Thường thì họ cảm thấy thấp kém khi thua trong tình trạng "tự ti" một cách khiếp nhược nhưng lại "tự hào" một cách mù quáng vì những chuyện không đâu...” Nguyễn Thụy Phương (ĐH Paris Descartes)
ReplyDeleteHuỳnh Phước Sang: Người Việt Nam thì rất đông quân tráo trở trơ trẽn, ăn bát cháo nuốt chưa tuột hết vào họng thì bên dưới đã móc trym ra đái vào người đưa tô cháo cho mình ăn, đang ăn và đái luôn chớ không chờ ăn xong đái vào bát là xưa rồi!
ReplyDeleteĐó là tôi nói đến bọn ăn lương, hưởng bổng lộc hàng ngày của một Tổ Chức, Cá Nhân nào nhưng luôn mồm chửi kẻ nuôi sống mình! Bạn đừng mồm mép là tiền đó từ đâu ra, từ thuế gì của dân, Người có quyền quyết định tuyển dụng bổ nhiệm bạn và trực tiếp trả lương cho bạn, đó chính là ÔNG CHỦ của bạn, bạn hưởng lương bổng lộc từ người ta không trung thành nổi thì cũng im cái mồm lại!
ÔNG CHỦ của bạn có là Nhà Nước hay Tư Nhân, ông ấy có xấu xa tởm lợm gì đi nữa tôi không quan tâm, nhưng muốn chửi Ông Ấy thì HÃY NGHỈ VIỆC, thôi nhận bổng lộc từ ông ấy, rồi muốn chửi gì chửi! Chứ cứ chê bai chửi bới cái máng lợn, mà ngày nào cũng chỏ mỏ vào đấy tợp tợp còn hơn heo, giống gì kỳ vậy?
Phải bỏ tiền bạc ra để xin xỏ, chạy chức để được vào ăn hưởng quyền hạn bổng lộc mà miệng mồm cứ ra rả chửi người nuôi mình là thế nào? Vì thế, các bạn phải nhìn rõ những con người đó tuy mở mồm chửi rủa nhưng chính là bọn góp phần vào sự thối tha của cái thứ mà bỏn đang chửi!
Muốn được sống trong một Xã Hội Văn Minh thì cần phải quyết liệt loại trừ những trò Tráo Trở đó và đặc biệt loại bỏ bọn nó ra khỏi bất cứ hàng ngũ nào, bởi bỏn ngay việc công chính với bản thân mình còn không xong thì chả làm nên trò trống gì đâu!
Ps: stt này phê phán rõ một nhóm đối tượng, mọi sự chửi bới nên cẩn thận vì bạn đã tự nhận mình là nhóm tráo trở đó, cái đó tôi không ép nha!
Nặng óc hư danh
ReplyDelete(Phạm Quỳnh,Danh dự luận, Nam phong, 1919)
Dân ta là dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội mình cũng đủ biết. Từ trên xuống dưới từ thấp chí cao, từ anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được người ta khỏi gọi là bố đĩ, bố cu cho đến bậc phú thương nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội, cậu cả cậu hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được gọi là thầy thông thầy phán, hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện.
Không có lòng danh dự mà có tính hiếu danh thời dễ táng thất lương tâm. Quỵ lụy khúm núm trước mặt người trên, châu tuần(1) nơi quyền quý để cầu sự nọ, khấn việc kia, ví phải đập đầu xuống đất mà lạy cũng cam tâm. Xét cái danh dự phổ thông trung xã hội, cái danh dự hàng ngày hiển hiện ra trong cuộc giao tế(2), thời phải chịu rằng người mình ít có thật.
(1) loanh quanh chầu chực nơi nào đó.
(2) quan hệ trao đổi tiếp xúc với nhau.
Sống không lý tưởng
ReplyDelete(Hoa Bằng, Hư sinh, Tri Tân, 1943)
Có chí mà không làm nổi, đó là vì tài lực không đủ thật không đáng trách. Nhưng trong chúng ta, đáng trách là hạng người sau: sống ở đời, không có mục đích gì cao hết. Họ không có một cuộc đời lý tưởng. Họ không coi một thứ gì là đáng ham chuộng, ngoài sự làm tôi đồng tiền mặc dầu phải quăng bỏ liêm sỉ bán rẻ nhân cách.
Ngoài ra, lại còn một hạng cho ai cũng là người võ vị , việc gì cũng là việc không đáng làm, ngất ngưởng qua ngày, hững hờ đoạn tháng, để đồng tiền huyết hãn(1) của cha, mẹ, vợ, con vào vòng trời hoa đất rượu, phung phí tuổi giàu sức khoẻ vào những cuộc đỏ đen suốt sáng, mây khói thâu canh. Họ chỉ cốt sống để tìm những thỏa mãn về vật dục(2)...
(1) huyết: máu, hãn: mồ hôi, ngày nay hay nói mồ hôi nước mắt.
(2) mọi ham muốn vật chất.
Note: Về tình hình đời sống của xã hội Việt Nam thời cổ, những ghi chép của đồ nhà Minh đã viết: “Họ sống chung chạ, ít hiểu biết về lễ nghi, tính nết thô bạo, thích đánh nhau, trọng giàu, khinh nghèo”
ReplyDeleteSử nhà Thanh: “phong tục của họ dâm đãng, không biết xấu hổ, khi tắm ngâm mình xuống nước, đàn ông đàn bà đều tắm truồng, đi lại, đứng ngồi không né tránh nhau, kể cả nhà quyền quý cũng thế”. Tập quán ăn trầu của người Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc: “Lúc nào cũng nhai trầu, chỉ có lúc ngủ là dừng mà thôi. Răng thì nhuộm đen bóng, thấy người có răng trắng lại còn cười lại họ”
Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu đã chỉ ra 10 đặc tính căn bản của người Việt.
ReplyDelete1.- Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.
2.- Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.
3.- Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng các thành phẩm của mình.
4.- Vừa thực tế vừa có lý tưởng, nhưng lại không phát huy được xu hướng nào thành những nguyên lý.
5.- Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những công việc tốt).
[when small, they study because of their families; growing up, they study for the sake of prestige or good jobs]
6. Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài.
7. Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương). [to save face or to show off].
8.- Có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau chủ yếu trong những tình huống khó khăn và nghèo đói, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này ít khi có.
9.- Yêu hòa bình và có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ.
10.- Và sau cùng, thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh (một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 3 người làm thì kém, 7 người làm thì hỏng việc).
Học giả Trần Trọng Kim (1883 – 1953) khi viết bộ Việt Nam Sử Lược, ấn hành lần đầu tiên năm 1919, cũng đã phân tích khá rõ ràng những đặc tính của người Việt và những yếu tố tạo nên những đặc tính đó.
ReplyDeleteTrong bài tựa, ông nói ngay:
“Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!”
“Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?”
“Thời đại Bắc thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được.”
Ở Chương VI nói về “Kết Quả của Thời Bắc Thuộc”, ông có nhận định rõ hơn:
“Nguyên nước Tàu từ đời Tam Đại đã văn minh lắm, mà nhất là về đời nhà Chu thì cái học thuật lại càng rực rỡ lắm. Những học phái lớn như là Nho giáo và Lão giáo, đều khởi đầu từ đời ấy. Về sau đến đời nhà Hán, nhà Đường, những học phái ấy thịnh lên, lại có Phật giáo ở Ấn độ truyền sang, rồi cả ba đạo cùng truyền bá đi khắp cả mọi nơi trong nước. Từ đó trở về sau nước Tàu và những nước chịu ảnh hưởng của Tàu đều theo tông chỉ của những đạo ấy mà lập ra sự sùng tín, luân lý và phong tục tương tự như nhau cả…”
“Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và Tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao? …
“Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến hóa làm sao được? Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách mình sùng mộ văn minh của Tàu như thế, cho nên không chịu so sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh ninh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ.
“Địa thế nước mình như thế, tính chất và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hóa của mình tất là phải chậm chạp và việc gì cũng phải thua kém người ta vậy.”
Điều mà TBT Lê Duẩn vẫn thường cố gắng cắt nghĩa là tại sao Trung Quốc đô hộ Việt Nam 1.000 năm mà không đồng hóa được ta? Bởi 1.000 năm là quá dài, và người Trung Quốc chưa bao giờ giấu diếm tham vọng ấy suốt những thời kỳ họ cai trị Việt Nam. Trong lịch sử, nhiều dân tộc khác bị đồng hóa rất dễ dàng chỉ với vài trăm năm, nhưng sự khác biệt của người Việt Nam đã khiến dân tộc này thoát khỏi quy luật đáng sợ đó.
ReplyDeleteCó rất nhiều thứ người Trung Quốc cho là chân lý, nhưng người Việt Nam không chấp nhận. Người Trung Quốc dùng đạo Khổng để giáo dục người dân. Người Trung Quốc dạy: “Tại gia tòng phụ”, nhưng người Việt Nam nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Người Trung Quốc nói “xuất giá tòng phu”, người Việt Nam lại cho rằng “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Và ông Lê Duẩn luôn nhìn thấy, qua những khác biệt đó người Việt Nam vừa để dạy mình, vừa thể hiện sự phản kháng với tư tưởng đó, và sâu xa hơn là phản kháng sự đồng hóa mà người Trung Quốc cố tình áp đặt lên số phận của dân tộc Việt Nam. Sự phản kháng này nằm sâu trong mầm mống tồn tại của dân tộc, khiến sức mạnh đồng hóa của người Trung Quốc không đâm thủng được. Trung Quốc ngày đó bắt người phụ nữ bó chân, nhưng người Việt Nam không bao giờ đồng ý. Với người Việt Nam, để sinh tồn thì bàn chân là phải vững chắc trên mảnh đất này. Đó là một nền tảng văn hóa vô cùng Việt Nam, tự thân người Việt Nam và nó đối chọi hoàn toàn với người Trung Quốc.
Dường như, khi hiểu được truyền thống ấy và sức mạnh phản kháng ấy của dân tộc, TBT Lê Duẩn đã luôn có tự tin khi đứng trước những nhà lãnh đạo Trung Quốc, đứng trước sức mạnh của người Trung Quốc, trong rất nhiều giai đoạn thăng trầm của mối quan hệ giữa hai nước.
(trích từ bài 'Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc!' của Học Giả đăng trên Một Thế Giới)
Đào Trung Thành: Bia là loại đồ uống có cồn được tiêu thụ chủ yếu tại Việt Nam với 97% lượng cồn nguyên chất tiêu thụ là từ bia. Sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013 . Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á (mặc dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á) và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc.
ReplyDeleteTrong năm 2015, toàn quốc xảy ra hơn 22.400 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 8.671 người, làm bị thương 20.556 người.
Từ ngày 29 đến ngày mùng 5 Tết Bính Thân 2016 (tức từ 7 đến 12-2), cả nước xảy ra 253 vụ tai nạn giao thông, làm 160 người chết và 248 người bị thương.
Gần 2.000 trường hợp đánh nhau, 10 người tử vong trong 3 ngày Tết Bính Thân, tăng 6 người chết so với Tết Ất Mùi.
Trong khi đó thì thanh niên Việt chạy được 5km, mức độ chỉ là fun run, rất ít. Chạy một tý là bở hơi tai.
Cả nước có khoảng 20 triệu tài khoản facebook.
Nói chung, chúng ta bia rượu nhiều, ý thức giao thông kém, hung hăng nhưng phét lác. Lười thể dục và chăm tán gẫu. Hy vọng gì nhỉ?