Trong suốt 30 năm đất nước chia cắt, giai đoạn 1965-1974 là lúc miền Bắc gian khổ nhất. Cũng như đồng bào miền Nam, nhân dân miền Bắc luôn sống trong tình trạng bom rơi đạn nổ, cuộc sống vất vả trăm bề. Túng thiếu, cực nhọc nhưng vui. Một niềm vui thật, không gượng. Có lẽ đồng bào miền Bắc ai cũng đinh ninh và tự nguyện cống hiến hết sức mình cho mục tiêu thống nhất đất nước. Mặt khác, xã hội lúc đó khá trong sạch. Hiện tượng tiêu cực cũng có đấy, nhưng không nhiều và trầm trọng như bây giờ.
...
Nếu các vị nội tướng ưu tiên lo muối hành, làm dưa món, tìm nơi đặt bánh chưng, tích cóp một hai ký bột mì và đường - toàn những của quý hiếm trong thời chiến - từ một vài tháng trước, để đi đặt làm bánh "quy gai, quy xốp", thì các ông chồng văn nghệ sĩ lại đặc biệt quan tâm lo mấy thứ quan trọng không kém, và có phần "sang trọng" hơn. Thứ nhất là hoa. Lay ơn, thược dược, hẳn nhiên rồi. Nhưng dứt khoát phải có hoa đào.
Mua cành đào ư? Quá dễ! Đến hẹn lại lên, từ ngày ông Táo về trời, các cô gái vùng Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm áo nâu non, khăn mỏ quạ. đon đả buộc mấy cành đào vào xe đạp, tỏa đi khắp Hà Nội 36 phố phường. Việc mua bán rất chóng vánh. Người bán nói giá phải chăng, người mua dù không giàu có gì nhưng ngày Tết khá dễ tính. Trung tâm tụ hội của hoa xuân Hà Nội theo truyền thống là phố Cống Chéo - Hàng Lược (gần chợ Đồng Xuân). Mấy ngày giáp Tết, con phố dài chừng 500 mét khá phong sương cũ kỹ này như trẻ lại, bừng sáng lên với muôn hồng nghìn tía. Giữa trăm loại hoa xuân rực rỡ yêu kiều, đào vẫn là "hoa hậu" - nhiều hơn cả, đài các kiêu sa hơn cả.
Một số người cầu kỳ hơn rủ nhau ngay từ ngày rằm tháng Chạp thủng thẳng đạp xe lên Nhật Tân, Quảng Bá - vương quốc hoa đào. Xin hãy tưởng tượng: trong tiết trời giá lạnh đến tê người, áo bông cài khuy tận cổ, mũ lông trùm kín tai, từng nhóm vài ba nhân sĩ, tay đút túi quần, miệng phì phèo điếu thuốc Điện Biên, Tam Đảo, bất chấp rét mướt, lang thang hết vườn đào này sang vườn đào khác. Người xem thì nhiều, kẻ mua thì ít. Ai quyết định mua thì đặt cọc, chú vườn nhanh nhảu ghi tên khách vào miếng bìa cứng nhỏ, treo lên cành. Giáp Tết, chủ nhân của cành đào hào hứng và nhũn nhặn đưa vợ lên lên xem vườn và mang hoa về.
Khoản ưu tiên thứ hai sau hoa là rượu. Những năm chiến tranh ác liệt ấy lấy đâu ra Mao Đài, Sa Kê, Whisky, Cognac! Tất cả chỉ là "quốc doanh" (rượu do nhà nước sản xuất), "quốc lủi" (rượu nấu lậu). Những trung tâm nấu rượu chui quanh Hà Nội như Nghi Tàm, Tứ Tổng (ven hồ Tây), làng Vân (Vĩnh Phú), Chương Xá (Hưng Yên) được dịp tung hoành.
Có gì thú bằng những ngày đầu Xuân, có bạn hiền đến chơi nhà, sau 1 tuần trà hương, nậm rượu được trịnh trọng đưa ra, chỉ mới mở cái nút chai lá chuối, cả chủ và khách đã phải lim dim mắt, hít hà cái mùi thơm quyến rũ "nước tiên, nước quỷ" kia. Một chung, vâng, chỉ một chung nhỏ. Và uống chậm, từng chút một cho vị giác được hoạt động đến mức tối đa. Ý vị ngày xuân càng thêm nồng đượm.
Những ngày cận Tết của văn nghệ sĩ một thời chưa xa ấy đạm bạc về vật chất nhưng đầm ấm tao nhã về tinh thần như thế đấy.
(trích từ bài "Văn nghệ sĩ chuẩn bị đón Tết trong thời chiến" đăng trên KTNN No.881)
No comments:
Post a Comment