Saturday, December 30, 2017

Di sản: Az Utolsó vacsora (2)

Ngày nay, do đã quá quen với các hình thức nghệ thuật tả thực, ít ai còn ngạc nhiên khi đứng trước “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci nữa. Nhưng, hãy thử đặt mình vào vị trí người thưởng lãm ở cuối thế kỷ XV, lúc ấy, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ vô cùng sửng sốt.

1. Sửng sốt, bởi trước “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci, chưa có một tác phẩm hội họa tả thực nào có được phong thái hiện thực tinh tường và sinh động đến thế. Nó vượt qua cung cách “kiểu thức hóa” của các tác phẩm cùng chủ đề có trước đó, đã đành. Nó còn vượt qua cái nhìn nghệ thuật “hướng đến cái đẹp lý tưởng” với các tiêu chuẩn toán học về sự hài hòa tiếp thu từ nghệ thuật Hy Lạp-La Mã cổ đại chi phối cảm quan nghệ thuật của các nghệ sĩ đương thời. Những gì được tác giả thể hiện trên tác phẩm đều mang tính “khách quan tuyệt đối”. Thêm nữa, do kích thước lớn (450 x 870cm), và do cách tạo phối cảnh, bức tranh đã nhập hẳn vào “thế giới khách quan” như một sự kiện độc đáo! Có lẽ, E.H. Gombrich, trong “Câu chuyện nghệ thuật” (“The story of art”-xuất bản lần đầu năm 1950) đã có lý khi mô tả:

“… Bức họa bao phủ một mặt tường của gian sảnh hình chữ nhật dùng làm phòng ăn cho các tu sĩ thuộc tu viện Đức Bà Đầy Ơn Phúc ở Milan. Người ta phải hình dung cái sự thể đã xảy ra khi bức họa được trưng bày lần đầu, và khi sát kề những dãy bàn ăn dài của các thầy dòng là bàn tiệc của Đức Kitô và các tông đồ. Trước nay chưa khi nào câu chuyện thánh này có vẻ gần gũi và giống thật đến thế. Như thể một gian sảnh khác được nối thêm vào với gian phòng của các thầy dòng, tại đó “Bữa tiệc ly” mặc lấy một dáng vẻ hiện thực. Cái luồng sáng đổ xuống trên bàn tiệc mới trong trẻo làm sao, và nhờ nó các nhân vật thêm đầy đặn và thuần khiết biết nhường nào. Có lẽ các thầy dòng là những người đầu tiên bị choáng váng vì lối diễn đạt vô cùng chính xác đã lột tả mọi chi tiết, từ các chén đĩa trên bàn và những đường lõm của y phục xếp nếp…”

Và dĩ nhiên không chỉ có vậy.

2. Mức độ trung thực của hình ảnh chỉ là một khía cạnh. Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh này, nhiều tác phẩm cùng chủ đề sau đó, đã luôn vượt trội hơn, bởi sự ra đời của sơn dầu (oil painting) vốn rất thuận lợi cho việc mô tả. Điều quan trọng hơn, làm nên giá trị “không thể vượt qua” của tác phẩm, là ở cái cách trình bày câu chuyện Kinh Thánh của Leonardo da Vinci. Hình ảnh các nhân vật và bối cảnh được thể hiện hết sức tự nhiên, tuy nhiên, đó không phải là kết quả của một sự nắm bắt ngẫu nhiên của trí tưởng tượng, mà là sản phẩm được sáng tạo với sự nghiền ngẫm, quan sát và diễn tả tuyệt vời của một bậc thiên tài. Ngoài những vấn đề kỹ thuật như bố cục và phác họa, ta phải ngưỡng mộ sự hiểu biết sâu sắc của Leonardo da Vinci về thái độ và hành vi con người, và cái khả năng tưởng tượng nhờ nó ông có thể đặt cảnh tượng ấy trước mắt ta. Người ta đã có thể gọi tên từng nhân vật được thể hiện và, có thể cảm nhận về một sự vận động mạnh mẽ của tinh thần trong tác phẩm.

“Nơi tác phẩm này không có gì giống với những minh họa cùng chủ đề trước đó.

Trong những họa phẩm truyền thống ấy, các tông đồ ngồi yên lặng thành một dãy ở bàn tiệc – chỉ mình Giuđa bị cách ly khỏi cộng thể – trong khi Đức Kitô đang trầm lặng ban phát Bí tích Mình Thánh.

Bức tranh mới rất khác với bất kỳ bức họa nào trong số này. Nó hàm chứa một bi kịch và một nỗi kích động. Leonardo, giống như Giotto trước ông, cũng đã quay về với các bản văn Thánh Kinh, và đã cố hình dung cái sự thể hẳn đã xảy ra khi Đức Kitô nói: “Quả thật, Thầy bảo cho các con biết, một người trong các con sẽ phản Thầy”. Các môn đệ hết sức buồn bã và từng người bắt đầu hỏi Ngài: “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26, 21-22). Trong Phúc âm, Thánh Gioan thêm rằng: “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” (Ga 13, 23-24). Chính việc hỏi han và ra dấu này đã đưa chuyển động vào trong khung ảnh. Đức Kitô vừa nói ra những lời sầu thảm thì những kẻ bên cạnh Ngài lùi lại vì kinh khiếp khi nghe điều ấy. Vài môn đệ như khẳng định tình yêu và sự vô tội của mình. Một hai môn đệ khác hết sức nghiêm túc bàn luận xem ai có thể là kẻ Thầy muốn ám chỉ. Một số khác lại như nhìn vào Thầy để chờ giải thích. Thánh Phêrô, nóng nảy nhất trong cả nhóm, chúi vào Thánh Gioan. Ông ngẫu nhiên đẩy Giuđa về phía trước. Giuđa không bị tách khỏi nhóm, thế nhưng dường như ông ta rất trơ trọi. Chỉ mình ông ta ngồi yên và không thắc mắc. Ông ngã người về phía trước và nhìn lên trong ngờ vực hoặc giận dữ, một tương phản đầy ấn tượng so với hình ảnh Đức Kitô ngồi trầm lặng và chịu đựng giữa cảnh náo động đang trào dâng.

Người ta tự hỏi phải mất bao lâu những khán giả đầu tiên mới nhận ra cái nghệ thuật hoàn hảo đã chi phối tất cả những động tác đầy kịch tính này. Bất kể sự khích động gây ra do lời nói của Đức Kitô, không hề có rối loạn trong bức tranh. Mười hai tông đồ như rất tự nhiên phân thành bốn nhóm ba người, được liên kết với nhau bằng cử chỉ và chuyển động. Có biết bao trật tự trong sự đa dạng này, và quá nhiều kiểu mẫu khác nhau trong trật tự ấy, đến độ người ta chẳng khi nào có thể nghiên cứu tường tận cái tác dụng hỗ tương hài hòa giữa chuyển động và chuyển động hồi đáp…”  (E.H.Gombrich – sách đã dẫn)

3. Ở một khía cạnh khác nữa, cách trình bày câu chuyện Kinh Thánh của Leonardo da Vinci là sự dung hòa tuyệt vời giữa tính chất “thần thiêng” với tính chất “thế tục”. Một mặt, tính cách hiện thực của tác phẩm, đã khiến cho câu chuyện Kinh Thánh trở thành một mảnh của thực tại, rất gần với mọi người, biến câu chuyện Kinh Thánh trở thành một kinh nghiệm đời thường… Nhưng mặt khác, ngay trong cách bố cục tranh, với sự nổi bật trong tư thế vững chãi ở vị trí trung tâm của hình ảnh Chúa Giêsu, cùng sự cân xứng, hài hòa tự nhiên đã khiến cho tác phẩm toát lên vẻ nghiêm trang “thần thánh” và gợi mở vô số những liên tưởng sâu xa vượt ra ngoài các trải nghiệm thường tục. Cái cấu trúc tam giác cân trong cách thể hiện hình ảnh Chúa Giêsu được xem là một ẩn ngôn biểu hiện sự hợp nhất Ba Ngôi – nền tảng của Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh. Toàn bộ phối cảnh trong tranh đã hướng sự chú ý của người xem vào vị trí trung tâm này của hình ảnh Chúa Giêsu. Và cả cái khung cửa sổ ở ngay sau lưng Chúa Giêsu cũng đã gợi cho mọi người cảm tưởng không đơn thuần là một yếu tố không gian. Cái ánh sáng mà nó mang lại dường như có ý nghĩa thay thế cho vòng hào quang tượng trưng phổ biến trong các tranh thánh. Nó nhấn mạnh, hay khẳng định, cho ý nghĩa linh thiêng của sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa…

V.v… và v.v…

Chính khả năng gợi mở vô số những liên tưởng, những trừu xuất siêu hình vừa nói, đã khiến cho “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci có một sức hấp dẫn kỳ lạ và tác phẩm đã không ngừng được tái sinh cho đến ngày nay…

Còn nhiều điều có thể nói. Nhưng tôi sẽ quay lại vào một dịp khác. “Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci, ngay cả trong tình trạng bị hư hại, vẫn là “một phép lạ vĩ đại” do tài năng con người tạo nên.

Nguyên Hưng

1 comment:

  1. Ngay cả nghệ thuật cũng có những khuôn khổ, chuẩn mực. Sáng tạo là vượt qua tất cả những gì xưa cũ, tạo ra những chuẩn mực và những giá trị hoàn toàn mới. Những điều này không phải bao giờ cũng được tất cả mọi người đón nhận và đồng tình, ca ngợi.

    ReplyDelete