Kts. Ole Scheeren, tác giả của một số tòa nhà độc đáo nhất thế giới, đã công bố kế hoạch thiết kế một tòa nhà mà ông hy vọng sẽ làm thay đồi bộ mặt của TP.HCM.
Dự án mới nhất của Ole Scheeren, 46 tuổi, kiến trúc sư người Đức sẽ được thực hiện tại khu trung tâm mới của tp nằm ở Quận 2. Tòa tháp lớn nhất trong cụm kiến trúc gồm 3 tháp sẽ trở thành biểu tượng mới của tp. Với chiều cao 333m, nó sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất VN. Ý tưởng thiết kế được lấy từ đặc điểm địa lý của VN chứ không phải từ những ngẫu hứng cá nhân. Ole Scheeren khẳng định: thiết kế của ông có mục tiêu hòa quyện vào môi trường nhiệt đới của VN thành một tổng thể thống nhất.
Sky Forest là 1 trong những hạng mục gây ấn tượng nhất nằm trên những tầng cao của công trình. "Chúng tôi muốn đưa cây xanh mặt đất lên bầu trời và ngược lại, đưa không khí trong lành của bầu trời xuống mặt đất. Thiên nhiên hiện diện trên cao khiến con người có cảm giác họ đang sống dưới mặt đất. Không gian chung nhiều cây xanh không chỉ có ở bên dưới, trên các ban công với quy mô nhỏ mà còn trên các tầng cao với quy mô lớn như một khu vườn thật sự, giống như mặt đất nâng lên cao - Scheeren trả lời phỏng vấn - Độ cao không quan trọng trong thiết kế này mà điểm nhấn là hội nhập thiên nhiên vào nơi cư trú bằng cách thức đúng nghĩa nhất, giúp những người sống và làm việc trong ngôi nhà không còn khái niệm về tầng cao, xóa nhòa ranh giới giữa mặt đất và bầu trời. Tòa nhà không chỉ phản chiếu cái bóng của chính nó như một tổ hợp bê tông, thép, kính mà chính nó là một mảng xanh thật sự".
Sky Forest chứa trong nó cuộc sống của một đô thị hiện đại. Bao quanh nó có cả những công trình vui chơi, giải trí và cây xanh nhiệt đới thuộc nhiều chủng loại khác nhau. Scheeren bộc bạch: "Môi trường thiên nhiên Việt Nam là thứ bạn không thể quên nếu đã tiếp cận một lần với nó; phong phú, xinh đẹp và độc đáo của một quốc gia nhiệt đới. Sức hút của những gì tôi đã trải nghiệm là không thể cưỡng lại được và đã biến thành nguồn cảm hứng trong thiết kế Empire City của tôi. Đây là dịp may để tôi giới thiệu một khái niệm kiến trúc mới của mình: đưa nhiều đặc diểm của môi trường nơi kiến trúc mọc lên vào cả bên trong thiết kế chứ không chỉ bên ngoài. Chất lượng sống sẽ được nâng cao nếu bạn làm cho người sống trong tòa nhà không cảm thấy bị tách khỏi môi trường thiên nhiên của đất nước họ".
Làm việc ở châu Á 20 năm qua, với Empire City, Scheeren tham gia vào danh sách ngày càng phát triển những dự án green building ở châu Á. Ole Scheeren xem xu hướng "xanh hóa tầng cao" không phải là "mốt" kiến trúc đương thời mà là "đòi hỏi bắt buộc" của thực tiễn. Scheeren nói: "Làm sao giúp cư dân đô thị có lại được không gian sống và làm việc chất lượng như trước khi đô thị hóa vội vã giết chết nhiều mảng xanh và tách thành phố ra khỏi môi trường thiên nhiên. Đã có nhiều dự án xanh hóa đô thị, nhưng phần lớn là "mốt", chắp vá và làm chiếu lệ. Nay, Empire City được tiến hành theo hướng khác với khả năng tự duy trì cao, quy mô hơn và bám sát thiên nhiên hơn".
Từng thiết kế tòa nhà Interlace ở Singapore với danh hiệu "World Building of the Year" vào năm 2015, nhưng với Ole Scheeren, Empire City là dự án đầu tiên tại VN, một đất nước được mô tả "tràn đầy sức sống và năng lượng". Scheeren khẳng định dự án của ông chỉ thể hiện thực tế về đất nước này: "Bạn phải làm điều gì đó rất sáng tạo để phản ánh hết con người và khung cảnh Việt Nam. TP.HCM đang có sự phát triển mạnh mẽ về sự đột phá trong kiến trúc với tham vọng tạo ra dấu ấn riêng của một thành phố hiện đại, vừa giữ được di sản của quá khứ vừa đón đầu được tương lai. Tôi không bao giờ thiết kế một tòa nhà theo cảm hứng tùy tiện cá nhân mà dựa vào thực tế môi trường và ước vọng của người dân nơi kiến trúc sẽ mọc lên. Họ chính là những người chủ tương lai của kiến trúc chứ không phải tôi. Ý tưởng kiến trúc phải đáp ứng được mọi yêu cầu của họ. Tất cả những gì thời thượng phương Tây đang theo đuổi trong kiến trúc đều đã được thể hiện tại TP.HCM. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng không gian cư trú chung và làm việc chung. Tôi muốn đóng góp phần của mình vào không khí sinh động của thành phố này".
(lược trích từ bài "Cuộc sống đô thị, từ kiến trúc xanh đến ô nhiễm ánh sáng" của Lê Nguyên Trung, KTNN No.985)
Với chiều cao 3 con 3, không biết tòa nhà này có được dân nghiện bia đặt tên là tòa nhà "333" như là biểu tượng của "cường quốc bia" VN không???
ReplyDelete