Trong sách vở hay ở đâu đó chúng ta bắt gặp những tên gọi như đạo Thiên Chúa, đạo Công Giáo, đạo Ðức Chúa Trời, đạo Gia Tô, đạo Cơ Ðốc, đạo Hoa Lang, đạo Khirixitô, đạo Kirixitô, đạo Kitô, v.v. Nhưng có phải các tên gọi ấy có cùng ý nghĩa?
Trong tiếng Việt, thuật ngữ "Thiên Chúa giáo" thường dùng để chỉ Giáo hội Công giáo Rôma, hay gọi tắt là Công giáo. “Xét về từ ngữ (terminology) thì danh xưng Đạo Thiên Chúa nghe có vẻ hợp lý vì mục đích tôn thờ Thiên Chúa là Chủ thể của vạn vật và vũ trụ. Nhưng nếu đi sâu vào nôi dung thần học, thì danh xưng này không phân biệt rõ đối tượng và mục đích tôn thờ của các tín hữu có cùng niềm tin vào Thiên Chúa (God) nói chung và Chúa Cứu Thế Giêsu nói riêng.” (theo Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, trong bài Đạo Thiên Chúa hay đạo Công Giáo? – xem thêm dưới đây)
Về cơ bản, từ ngữ "Thiên Chúa giáo" là chỉ về tất cả các tôn giáo thờ Thiên Chúa là thần linh tối cao và duy nhất ngự trên trời ("Thiên" là trời, "Chúa" là chúa tể, "giáo" là tôn giáo), và từng tôn giáo đó có cách gọi tên riêng về Thiên Chúa. Bao gồm:
Đạo Do Thái: thờ Thiên Chúa mang danh hiệu là "Yahweh" (Việt hóa là "Giavê"). Do Thái giáo hình thành ở vùng Trung Đông như Hồi giáo và Kitô giáo vào thời kỳ Đồ Sắt (khoảng 2000 năm trước Công nguyên). Mặc dù chỉ có khoảng 14 triệu tín đồ, chủ yếu ở Israel, Mỹ và châu Âu nhưng Do Thái giáo là một tôn giáo quan trọng vì đã tạo nền tảng lịch sử cho sự hình thành của Kitô giáo và Hồi giáo. Do Thái giáo do Abraham, tổ phụ và là nhà tiên tri của người Do Thái sáng lập. Do Thái giáo cũng theo thuyết độc thần, chỉ công nhận một mình Đức Chúa toàn năng. Điểm khác biệt của Do Thái giáo là mối quan hệ đặc biệt với Chúa, qua đó người Do Thái là "dân tộc được chọn" thông qua Giao ước (covenant). Giao ước được thể hiện dưới dạng như pháp luật và tập trung vào Mười điều răn Chúa tiết lộ cho Tiên Tri Moses, nhà tiên tri đã dẫn dắt dân tộc Do Thái ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Do Thái giáo coi năm quyển đầu tiên của bộ kinh mà đối với người Kitô giáo chính là Kinh Thánh Cựu ước là Thánh thư - lịch sử cũng như pháp luật của mình. Do Thái giáo cũng không hướng đến thế giới bên kia mà xem quá khứ là nguồn hướng dẫn hiện tại và tương lai. Người Do Thái phục tùng ý Chúa bằng cách thực hiện đầy đủ tinh thần cũng như lời văn của Thánh thư thì một ngày kia, Chúa sẽ phái sứ giả mang thiên đàng xuống trái đất. Chúa Jesus được coi chính là sứ giả đó, nhưng người Do Thái không công nhận Người, vì Người đã chịu chết khốn cực chứ không vinh hiển như ý tưởng của họ theo lời Thánh thư.
Đạo Kitô: gồm ba nhánh chính là Công giáo Rôma, Chính Thống giáo, Kháng Cách (Tin Lành) và nhánh trung dung Anh giáo đều thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Kitô giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất trên thế giới, khoảng 2,1 tỷ tín đồ, chủ yếu ở Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu và rải rác ở nhiều nơi khác trên thế giới. Kitô giáo bắt nguồn từ Do Thái giáo ở Trung Đông và do Chúa Jesus sáng lập. Kitô giáo theo thuyết độc thần thể hiện ở quan điểm về Chúa Ba Ngôi: Đức Chúa Cha - Đấng Tạo hóa; Đức Chúa Con (Jesus Christ) - Đấng Chuộc tội và Đức Chúa Thánh Thần - Đấng Thánh hoá. Jesus Christ bị hành hình bằng cách đóng đinh trên cây thập tự, từ đó cây thập tự trở thành biểu tượng thiêng liêng của tín đồ Kitô giáo và theo niềm tin của tín đồ Kitô giáo, Chúa phục sinh là bằng chứng về việc Người là Con Thiên Chúa, Người được phái đến để giải phóng con người khỏi ách quỷ Satan. Con người không chỉ là tôi tớ của Chúa, kẻ được cứu rỗi, mà còn là con của Chúa, do vậy con người có bổn phận noi gương Chúa trong tình yêu cuộc sống, tình yêu đồng loại, con người phải sống thánh thiện và đạt đến cuộc sống vĩnh hằng. Từ khi ra đời và trong giai đoạn đầu, Kitô giáo bị ngược đãi, đàn áp nhưng dần dần đã được truyền bá rộng rãi trên thế giới. Đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới và là tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nền văn minh phương Tây.
Đạo Hồi: thờ Thiên Chúa mang danh hiệu là "Allah". Hồi giáo: là tôn giáo có số lượng tín đồ đông thứ hai trên thế giới, với khoảng 1,5 tỷ tín đồ, chủ yếu tập trung ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á và rải rác ở khắp nơi trên trái đất. Theo những người bên ngoài đạo này thì Hồi giáo ra đời vào thế kỷ thứ VII, do Muhammad sáng lập. Muhammad là Đấng Tiên tri chứ không phải là thần thánh như Chúa Jesus Christ đối với người Kitô giáo, ông là Đấng tiên tri cuối cùng sau các Đấng tiên tri trước đó là Adam, Abraham, Moses và Jesus Christ. Vai trò của Muhammad là ghi lại lời của Thượng Đế và kinh Koran được các tín đồ coi là lời răn của Đấng Chí Tôn. Cũng giống Kitô giáo, Hồi giáo tin rằng có địa ngục, thiên đàng và ngày phán xét, mọi người có trách nhiệm giải thích trước Thượng Đế về những việc làm của mình trên trần thế. Tín đồ Hồi giáo cũng thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ đức tin, chống lại mọi đe dọa và trong một số trường hợp, giáo lý này của Hồi giáo được sử dụng để biện minh cho các cuộc Thánh chiến.
Ba tôn giáo trên gọi chung là các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham và đều là độc thần giáo.
Người Việt Nam dùng từ ngữ "Thiên Chúa giáo" để chỉ về Công giáo vì Công giáo Rôma, tôn giáo thờ Thiên Chúa xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam. Mặc dù việc thờ "Ông Trời" theo tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, nếu xét theo nghĩa rộng, cũng có thể gọi là Thiên Chúa giáo, tức là thờ một vị "Chúa" ở trên trời.
St onl: "Về những tên gọi “đạo Thiên Chúa”, “đạo Công Giáo”, “đạo Cơ Ðốc”, “đạo Ki tô”, ..."
No comments:
Post a Comment