Tại Ấn Độ cổ, Luân (Cakra, Cakka) là từ dùng để chỉ cái đĩa kim loại, thường bằng vàng, bạc, đồng hay sắt, tượng trưng cho uy quyền của một vị vua hùng mạnh (Cakravati), người làm quay bánh xe định mệnh của toàn dân, nắm đời sống của họ trong tay. Trước thời Đức Phật, Áo Nghĩa Thư (Upanishad) cũng đã nói lên hình tượng các bánh xe này. Trong kinh điển Phật giáo, chúng ta thấy có nói nhiều về vị vua Chuyển luân (Cakravartiraja), người làm quay bánh xe Chân lý, người lãnh đạo muôn dân, đưa người ta sống trong sự thịnh đạt về mọi mặt; vua có những chiếc xe đi khắp nơi trong vũ trụ để điều hành, khuyến dụ mọi chúng sinh sống an lạc, phù hợp với Chân lý.
Về sau, ta còn thấy hình tượng bánh xe trên dải băng trắng của Thánh Gandhi, nhằm chỉ bánh xe quay sợi với ý nghĩa thực hiện kinh tế tự túc, có lẽ đây cũng là một trong những ý nghĩa của hình bánh xe trên phần màu trắng ở giữa cờ Ấn Độ.
Năm 1956, Rhimrao Ramji Ambedkar, người đứng đầu trong việc soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ, người có công lớn nhất trong việc phục hưng Phật giáo tại đất nước này, đã đề nghị lấy biểu tượng bánh xe của vua A Dục (Asoka, thế kỷ III trước Tây lịch, vị đại hộ trì Phật pháp) làm biểu tượng của Phật giáo.
Từ đó, hình bánh xe có tám hoặc mười hai nan hoa (tượng trưng Bát chánh đạo hoặc Thập nhị nhân duyên) được gọi là Pháp luân (Dharmacakra-Dhammacakka), bánh xe của giáo lý Phật giáo. Đức Phật là vị chuyển Pháp luân, tức là vị làm quay bánh xe Pháp, giảng dạy Chân lý, khiến cho chúng sinh được khai mở, được thấy rõ, giác ngộ và thể nhập chân lý.
Pháp luân có ba ý nghĩa chính:
1/ Phật pháp như chiếc xe chiến trận phá tan mọi nghi ngờ, trở ngại, nghiệp chướng, khổ đau của chúng sinh.
2/ Phật pháp như bánh xe quay tròn, triển chuyển mãi không ngừng ở một người nào, một nơi nào.
3/ Phật pháp như bánh xe tròn, đầy đủ, trọn vẹn. Về tự tính của Pháp luân, các bộ phái Phật giáo có những quan điểm khác nhau; theo đó, tự tính của Pháp luân có thể là Bát chánh đạo, Phật ngữ, trí tuệ của Đức Phật, chân lý, Vô tận pháp môn v.v..
1/ Phật pháp như chiếc xe chiến trận phá tan mọi nghi ngờ, trở ngại, nghiệp chướng, khổ đau của chúng sinh.
2/ Phật pháp như bánh xe quay tròn, triển chuyển mãi không ngừng ở một người nào, một nơi nào.
3/ Phật pháp như bánh xe tròn, đầy đủ, trọn vẹn. Về tự tính của Pháp luân, các bộ phái Phật giáo có những quan điểm khác nhau; theo đó, tự tính của Pháp luân có thể là Bát chánh đạo, Phật ngữ, trí tuệ của Đức Phật, chân lý, Vô tận pháp môn v.v..
Người Phật tử phải kính ngưỡng hình ảnh Pháp luân, xem đấy là biểu tượng của lý tưởng của mình. Mọi người cần tôn trọng hình ảnh này, vì đây là biểu tượng của một tôn giáo lớn, có tôn chỉ là mang lại Trí tuệ Từ bi, Giải thoát, An lạc cho hết thảy chúng sinh.
Văn hóa Phật Giáo
No comments:
Post a Comment