Friday, March 2, 2018

Triết lý nhân sinh

Lão Tử là một nhân vật chính  trong Triết học Trung Hoa, sự tồn tại của ông trong lịch sử hiện vẫn đang còn được tranh cãi. Theo truyền thuyết Trung Hoa, ông sống ở thế kỷ 6 TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỷ 4 TCN, thời Bách gia chư tử và thời Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh, cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo.

Lão Tử đã phát triển khái niệm "Đạo", với nghĩa là "Con đường", thời Lão Tử mọi ngành nghề đều có một chữ "Đạo" đằng sau, Lão Tử nói Đạo của mình là "Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh" (Đạo mà nói ra được thì không còn là đạo bình thường nữa. Tên mà đặt ra được thì không còn là tên bình thường nữa. Chữ Đạo ngoài nghĩa là "Đường" còn có nghĩa là "Nói", Danh ngoài nghĩa là "Tên" còn có nghĩa là "Đặt tên") và mở rộng nghĩa của nó thành quy luật hay nguyên lý của vũ trụ tuần hoàn và tác động lên vạn vật: "đạo là cách thức của thiên nhiên". Ông nhấn mạnh khái niệm vô vi, "Hư vô thanh tĩnh, tự nhiên vô vi", hay "hành động thông qua không hành động", "hành động thuận theo tự nhiên không có mục đích phi tự nhiên".

Năm 50 tuổi, ông đã soạn ra “Mười điều vô ích”, tổng hợp những việc làm thường được người ta coi là có ích, phân loại ra để làm giới định. Nói cách khác, nếu chưa đạt một số điều kiện, thì một sự việc xem có vẻ như hữu ích, nhưng rất có thể là vô ích.

Một: “Tâm bất thiện, phong thủy tốt vô ích”
Nếu như  tâm không lương thiện, dù có chú trọng vào phong thủy thì cũng vô dụng.

Hai: “Bất hiếu với cha mẹ, cúng thờ Thần vô ích”
Nếu như không hiếu thuận với cha mẹ, dù cho thờ phụng thần linh cũng không có tác dụng gì.

Ba: “Anh em không hòa thuận, kết giao bằng hữu vô ích”
Nếu như anh em chung một nhà cư xử với nhau không tốt,
ra bên ngoài kết giao bao nhiều bạn bè cũng chẳng ích gì!

Bốn: “Hành vi không đúng đắn – đọc sách vô ích”
Một người lời nói và việc làm không đứng đắn, thì đọc nhiều sách hơn nữa cũng khó mà thay đổi bản thân.

Năm: “Tâm cao khí ngạo, học nhiều vô ích”
Nếu như một người kiêu ngạo, tự cao tự đại, luôn nghĩ mình đúng, vậy thì học nhiều cũng như không.

Sáu: “Làm việc quái đản, thông minh vô ích”
Nếu như một người làm việc cố chấp, vô lý, như vậy dù có thông minh cũng không kết giao được với những người bạn tốt.

Bảy: “Thời vận chưa đến, quá đòi hỏi vô ích”
Nếu như thời cơ chưa đến, thì có cưỡng cầu cũng vô dụng, vì thế nên kiên trì hoàn thiện chính mình, và thuận theo tự nhiên!

Tám: “Chiếm của người khác – bố thí vô ích”
Nếu như một người thông qua phương thức bất chính để thu lợi, như vậy cho dù có cầm số tiền này đi làm việc thiện cũng là vô dụng!

Chín: “Không tiếc nguyên khí, y dược vô ích”
Nếu như một người không yêu quý thân thể của mình, đợi đến khi nguyên khí bị tổn thương rồi, về sau có dùng y dược nhiều bao nhiêu không làm khí lực quay trở lại như lúc còn khỏe mạnh được!

Mười: “Dâm ác tứ dục, âm đức vô ích”
Nếu như một người sống phóng túng xa xỉ, hoang dâm vô độ, cho dù có làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức cũng uổng công vô ích!

Lê Minh (Debrecen,VIDI69) st

3 comments:

  1. Tôi muốn "thoát Hoa" là thoát theo cách mà người Nhật và người Sing hay Hàn Quốc đã làm chứ không phải "thoát Hoa" là "bài Hoa". Vì vậy, tôi không đồng tình với những chủ trương lệ thuộc, khác với việc tìm hiểu văn hóa và văn minh của nhân loại.

    ReplyDelete
  2. Chính đạo là đường của những người chân chính. Còn làm thế nào để thành người chân chính thì khó mà ép nhau được nếu không muốn ngày càng trưởng thành hơn để trở thành con người đúng nghĩa.

    ReplyDelete
  3. Người đi sai đường thì nhiều, nhưng đường mà chẳng ai đi thì cũng chẳng còn là đường nữa.

    ReplyDelete