Chúng ta thường nói về Tâm Linh hàm hai nghĩa:
1. Sức mạnh tinh thần siêu nhiên như thần thánh, ma quỷ, Thượng đế.
2. Yếu tố ý thức khác với thể xác của con người.
Bên cạnh việc nhập nhèm một cách có chủ ý hai nghĩa này để tránh bị quy chụp mê tín dị đoan, đa số chúng ta hay lẫn lộn do không nhận thức được ý nghĩa sâu xa của từ này, hoặc do không dũng cảm đối diện với bản chất để suy nghĩ sâu xa lâu ngày thành thói quen lớt phớt. Cuối cùng thì không nắm được bản chất vấn đề. Tranh luận liên miên cũng như kiến bò miệng chén, không bổ ích vì không biết bám víu vào đâu.
Thực ra có rất nhiều từ có nội dung na ná: tâm hồn, linh hồn, tinh thần, lý trí, tâm trí, ý chí, thần, ý thức. Chưa kể các thuật ngữ của Phật giáo, tâm lý học lại còn hàng chục từ khác. Chúng ta thuộc lòng, thuyết giáo với nhau như bọn vẹt, không cảm xúc được sự khác biệt. Khi dịch thuật cũng thế. Mặc dù tiếng Anh, Pháp các từ có nội hàm rất khác biệt, dịch sang tiếng Việt, mỗi lúc một phách. Mấy ông nghe lại lại tán tiếp theo ý mình. Bản thân tôi đọc văn bản dịch tiếng Việt đều rất nghi ngờ, lâu ngày mất lòng tin vào văn bản, cái gì cũng phải thẩm tra tra cứu rất mất thời gian.
Ở đây ta bàn về 2 từ soul và spirit. Tôi đề nghị thống nhất là tâm hồn (soul) và (linh hồn). Hai chữ gộp lại thành "tâm linh". Vậy thì khác biệt thế nào. Chưa nói về sức mạnh siêu nhiên là cái còn tranh cãi, riêng con người bên cạnh thể xác đã có 2 yếu tố phân biệt soul và spirit. Vì đây là hai thuật ngữ cơ bản của Thiên Chúa giáo nên chúng ta sẽ dựa vào văn bản là Kinh Thánh làm căn cứ để bàn.
Khi Chúa tạo ra Adam, là con người bằng vật chất và thổi linh khí vào ông, Adam mới có soul chứ chưa có spirit. Có soul con người mới biết cảm giác, tình cảm: nóng lạnh, mặn ngọt, chua cay, no đói. Vì thế soul chính là tâm hồn. Spirit đã có thêm phần nào giống lý trí, nhưng chưa hẳn là lý trí, bởi vì mới có những thứ như niềm tin, dũng cảm, quyết tâm. Quan niệm của Thiên Chúa giáo, chính là phần kết nối với Chúa mới là spirit. Tức là súc vật, người hạ đẳng, thậm chí không có đức tin, không phải con chiên, không có spirit. Vì vậy spirit là linh hồn. Chữ "linh" trong Hán Việt là "linh thiêng" thể hiện ý liên quan tới Thượng đế. Nếu chúng ta vượt qua định kiến tôn giáo, chúng ta có thể hiểu "linh hồn" theo nghĩa rộng là Chân Ngã có kết nối với Hồng Phạm.
Như thế "tâm linh" theo nghĩa này bao gồm các hiện tượng "tâm hồn" và "linh hồn". Để rõ thêm cần giải thích thêm một chút
Trong Kinh Thánh có câu câu ca "And Mary said: My soul glorifies the Lord and my spirit rejoices in God my Savior.”
Tạm dịch
" Đức mẹ nói: tâm hồn ta vinh danh Chúa, linh hồn ta hoan hỉ với Đấng cứu thế"
Thế là thế nào? Đáng lẽ việc vinh danh thiên về lý trí hơn. hoan hỳ thiên về cảm xúc hơn. Ý nghĩa của nó là: Những gì ta làm, ta cảm nhận được đều nhờ Tạo hóa, và chứng tỏ sự toàn năng hoàn hảo của Ngài. Nhưng chỉ khi chúng ta thoát khỏi cảm giác, bản năng để nghĩ về Chúa, có đức tin, khi đó hoan hỉ mới là thực sự.
Cách biểu thị này đã mang tính đối ngẫu giữa cảm giác-niềm tin, hay tâm hồn-linh hồn.
Cần nói thêm, chúng ta hay đối lập tâm hồn và lý trí. Thực ra linh hồn không nhất thiết phải có lý trí. Các con chiên không nhất thiết của Thiên chúa giáo, có thể không cần học hành, lý thuyết gì, chỉ cần tin thôi và hoàn toàn có thể hoan hì, sống hạnh phúc và lên Thiên Đàng hay nhập cõi Niết bàn.
Chúng ta sẽ bàn về sự khác biệt của linh hồn- lý trí- tâm trí - tinh thần và cảm giác-cảm xúc- ấn tượng-nhận thức trong dịp khác.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment