Monday, March 8, 2021

NÉT ĐẸP CỦA MỘT PHỤ NỮ BÌNH DỊ Ở MẢNH ĐẤT ĐỒNG TÂM HIỀN HOÀ MÀ ĐANG NÓNG BỎNG

BÀ NỐI

1. Dù Thanh tra Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đều áp đặt kết luận sai sự thật, không có căn cứ pháp lí rằng 59 ha đất Tây Đồng Sênh xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.

Dù trung đoàn cảnh sát cơ động, bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ thiện chiến công an Hà Nội tập trung hơn ba ngàn cảnh sát chiến đấu với vũ khí hiện đại mở trận đánh lớn đêm 8 rạng sáng 9.1.2020 vào dân thôn Hoành nhỏ bé, bình yên xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, xả súng bắn chết cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, bắn bị thương nhiều người, bắt đi 29 người, sau đó nhiều người trong 29 người đó bị kết án tử hình, bị tù giam chung thân, tù giam hàng chục năm trời.

Dù bạo lực nhà nước man rợ như thời trung cổ, như Khmer Đỏ khát máu chính dân Khmer, công an Việt Nam xả đạn vào đầu, vào ngực người dân Việt lương thiện, hiền lành Đồng Tâm, dìm trong máu ý chí giữ đất chính đáng, ý chí bảo vệ sự thật và lẽ phải, ý chí chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm của người dân Đồng Tâm, nhằm biến 59 ha đất lúa đất ngô Tây Đồng Sênh của dân Đồng Tâm thành đất hàng hoá của nhóm quyền lực tham nhũng Hà Nội.

Người dân Đồng Tâm vẫn không khi nào khuất phục trước bạo lực cường quyền, vẫn không nhụt ý chí chính đáng giử mảnh đất sống đã thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt nhiều thế hệ người dân Đồng Tâm. Thế hệ hôm nay bị bắn chết, bị giam cầm trong ngục tù, bị công an chìm, công an nổi giăng kín xóm làng cầm tù người dân tại nhà để cướp 59 ha đất Tây Đồng Sênh thì những thế hệ mai sau sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lí với bạo quyền giữ mảnh đất đã thêm một lần nữa thấm máu dân Đồng Tâm đổ ra rạng sáng 9.1.2020.

Trong ý chí bất khuất quyết giữ chính đáng mảnh đất hợp pháp Tây Đồng Sênh, bà Bùi Thị Nối chỉ là một phụ nữ bình dị trong những người bình dị và sắt đá giữ 59 ha đất Tây Đồng Sênh.

2.  Cuối năm 2019 tôi đã có hai ngày hai đêm về sống với làng xóm, với người dân Đồng Tâm. Trong hai ngày đêm đó, hai người để lại cho tôi ấn tượng nhiều nhất, đậm nhất, rõ nhất về con người Đồng Tâm là cụ Lê Đình Kình và bà Bùi Thị Nối.

Tôi được cụ Kình nhường cho phòng ngủ và chiếc giường của cụ. Tôi đã ngủ hai đêm trong phòng ngủ, trên chiếc giường và chăn, màn, nệm của cụ Kình. Phòng nhỏ chỉ hơn sáu mét vuông. Cửa ra vào và cửa sổ đều ở một phía lối đi. Ba phía còn lại tường kín mít, khá bí. Cạnh giường, một chiếc tủ sắt cao, cánh cửa không khoá, lúc nào cũng mở hé và chiếc màn xanh lúc nào cũng buông trên giường.

Hơn một tháng sau ngày tôi về Đồng Tâm, rạng sáng 9.1.2020, cụ Kình đã bị cảnh sát cơ động bộ Công an và công an hình sự Hà Nội xông vào phòng ngủ hơn sáu mét vuông của cụ xả đạn xuyên ngực, toác đầu, bay đầu gối. Mạng xã hội đưa ảnh cụ Kình bị phanh xác từ cổ đến đáy bụng và ảnh gian phòng hơn sáu mét vuông sau đêm đẫm máu cụ Kình. Nhìn vết đạn lỗ chỗ trên tường, trên tủ sắt, tôi phải rùng minh về mức độ vãi đạn trong căn phòng nhỏ xíu, kín mít. Chiếc nệm tôi đã ngủ hai đêm 27 và 28 tháng mười một, năm 2019 đến rạng sáng 9.1.2020 đã thấm đẫm máu cụ Kình.

Tiếp tôi, cụ Kình hầu như không nói gì. Nhưng cụ đã cho tôi các bản photo văn bản pháp luật liên quan đến hơn trăm hecta đất Đồng Sênh. Thời tiết đang chuyển mùa, nhiều ngày chỗ xương hông bị công an Hà Hội đá vỡ từ sáng 15.4.2017 lại nhức nhối, cụ Kình lại phải ngồi xe lăn. Sáng 27 tháng mười một, lại có đợt gió mùa đông bắc tràn về, cụ vẫn nén đau, rời xe lăn, đưa tôi ra cánh Đồng Sênh. 

Cà nhắc đi trên đất Đồng Tâm cụ Kình mới lộ ra là pho sử sống của Đồng Tâm. Qua trường bắn Miếu Môn cụ nói rành rẽ lai lịch mảnh đất Đồng Tâm đã trở thành trường bắn quốc gia Miếu Môn. Năm 1961 hợp tác xã Đồng Tâm phải cắt ra 300 ha đất lúa giao cho sư đoàn 308 làm trường bắn của sư đoàn. Nay trường bắn Miếu Môn là trường bắn quốc gia. Đại hội thể thao Seagame của tổ chức quốc tế ASEAN tổ chức ở Việt Nam, môn bắn súng đã thi đấu ở đây.

Hai ngày tôi ở nhà cụ Kình, sáng nào người dân Đồng Tâm cũng kéo đến ngồi vòng trong, vòng ngoài quanh chiếc bàn nhựa thấp trước hiên nhà cụ Kình như dân làng họp giao ban hàng ngày. Trên bàn có ấm chén uống trà, đĩa trầu cau tươi và cả bình vôi. Các bà ăn trầu. Các ông uống trà, hút thuốc lào điếu cày nhưng cũng có những ông bỏm bẻm nhai trầu. Đúng là cảnh sinh hoạt nông thôn ở thời yên hàn. Nhưng khi những tiếng nói cất lên, lắng nghe lời ông vừa nhả khói thuốc lào, nghe tiếng bà ngồi khuất ở góc sâu trong hiên mới nhận ra nỗi đau Đồng Tâm, mới thấy được chiều sâu sự không bình yên của Đồng Tâm.

3.  Cụ Kình cho tôi những văn bản pháp lí về đất Đồng Tâm. Còn bà Nối thì kể cho tôi nghe nhiều chuyện về người Đồng Tâm. Bà Nối bảo: Mọi chức to nhất xã, bố Kình đều trải qua. Chủ nhiệm hợp tác xã. Trưởng công an xã. Chủ tịch xã. Bí thư đảng uỷ. Nắm mọi quyền trong xã từ lúc trẻ đến lúc già nhưng người dân thường như thế nào thì bố Kình cũng vậy, chả khác gì. Dân ở nhà lá, bố cũng nhà lá. Dân lên nhà xây mãi rồi bố mới có nhà xây. Mà nhà xây của dân còn to hơn nhiều lần nhà bố Nối.

Bà Nối gọi cụ Kình lúc là bố Kình, lúc là bố Nối, lúc chỉ là bố. Dù gọi là gì, khi nhắc đến cụ Kình, giọng bà Nối cũng thật dịu dàng. Tôi hỏi: Dân ở đây có biết câu ca về hợp tác xã mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe không? Bà Nối bảo em cũng có nghe câu đó nhưng chuyện đó ở đâu chứ ở đây không có. Ở đây chỉ có ngược lại. Ngược lại là sao, tôi hỏi. Ngược lại là dân làm một thì bố Kình làm hai, làm ba. Bố chỉ hơn dân ở thời gian sớm hôm và công sức đổ ra lo toan cho dân chứ không hơn dân ở đài đóm, xe cộ, nhà cửa.

Bà Nối là người giữ chìa khoá nhà văn hoá thôn Hoành, nơi lưu trú của 38 cảnh sát cơ động suốt một tuần từ sự kiện 15.4.2017. Tôi hỏi về sự kiện 15.4.2017. Bà Nối kể hôm ấy Đồng Tâm như nồi nước sôi. Em ra đồng từ sớm. Đến lúc có người tìm bảo về mở cửa nhà văn hoá cho mấy ông cảnh sát cơ động vào tránh sự phẫn nộ của dân làng, em mới về thì thấy dân cả làng đang sôi sục đứng đầy sân nhà văn hoá. Có người mang cả gậy gộc như đi bắt cướp.

Em chỉ nghe kể có năm, sáu ông cấp tá công an, quân đội ngon ngọt nhờ bố Nối dẫn ra Đồng Sênh chỉ mốc giới sân bay. Bố Nối đã đi vài bước bỗng dừng lại bảo thằng cháu Doanh vào lấy cho ông chiếc mũ bảo hiểm. May thế. Như là thần hoàng đất Đồng Tâm bảo bố phải mang mũ bảo hiểm vậy. Nhờ có mũ bảo hiểm mà khi bố bị thằng Tùng phó công an huyện Mỹ Đức đá vỡ xương hông, đập đầu xuống đường 429, chiếc mũ nhựa vỡ toác đỡ cho đầu bố Nối không vỡ. Xương đùi nát vụn lại thêm đầu vỡ nát nữa thì chết là chắc.

Dân làng theo bố Nối ra Đồng Sênh thì họ bảo bố phải nói dân về hết, họ mới xác nhận cho dân mốc giới đất của Đồng Tâm. Bố bảo dân quay về làng và khi bố đã đi xa dân, đến chỗ chiếc ô tô của công an đỗ sẵn trên đường 429, họ mới ra đòn thủ tiêu bố. Đá bố vỡ xương tưởng chết rồi họ ném bố lên ô tô chạy đi mất. Cả làng sôi sục phẫn nộ vây quanh đám cảnh sát cơ động về hỗ trợ cho nhóm công an Mỹ Đức và quân đội Viettel dụ bố ra đồng vắng thủ tiêu. Chị Lan đảng uỷ cùng mấy bà, mấy chị liền nhẹ nhàng và chân thành khuyên đám cảnh sát cơ động không nên đối đầu với sự phẫn nộ của cả xã Đồng Tâm sẽ thành chuyện lớn vô cùng nguy hiểm cho đất nước và mất mát, đau thương cho thêm nhiều người. Thôi cứ tạm lánh vào nhà văn hoá tránh gây thêm xung đột hận thù.

Tôi hỏi nhà văn hoá tường mỏng như tờ giấy, cửa kính sáng chang bốn phía làm sao giữ được đội quân cảnh sát tinh nhuệ đông tới 38 tay súng suốt một tuần. Bà Nối kể về vòng vây thương yêu của người dân Đồng Tâm. Ban đêm, đàn ông con trai cả làng ôm chăn chiếu ra trực chiến, nằm kín mảnh sân rộng quanh nhà văn hoá. Không có súng đạn, dân chỉ mang tấm lòng dân ra ngăn cách bạo lực, ngăn cách hận thù.

Nhà bà Nối bốn năm người, hàng ngày bà chỉ chi cho cả nhà khoảng bốn, năm chục ngàn tiền ăn là đã có ba bữa ăn tươm tất. Dân Đồng Tâm đã nuôi 38 cảnh sát cơ động tiền ăn mỗi người một ngày bảy mươi ngàn đồng, cao gấp nhiều lần mức sống người dân Đồng Tâm. Có lẽ họ ăn ở nhà, ở bếp công an cũng không được cơm bưng nước rót, cơm nóng canh ngọt như vậy. 38 cảnh sát cơ động đều rưng rưng trước tấm lòng người dân Đồng Tâm dành cho họ.

Đồng Tâm thành lập tổ gồm các mẹ, các chị đảm đang, giỏi bếp núc lo chợ búa cơm ngon canh ngọt cho gần bốn chục tay súng về Đồng Tâm để hỗ trợ cho công an Mỹ Đức và quân đội Viettel ra đòn thủ tiêu cụ Kình. Còn bà Nối thì lo cho sinh hoạt hàng ngày cho những người mang sức mạnh bạo lực nhà nước về Đồng Tâm làm nhiệm vụ trấn áp dân Đồng Tâm.

29 người dân Đồng Tâm bị bắt rạng sáng 9.1.2020 bị đánh từ nơi bị bắt ở làng Hoành, Đồng Tâm đến nơi tạm giam ở trường bắn Miếu Môn. Bị đánh từ nơi tạm giam Miếu Môn đến trại giam của công an Hà Nội. Bị đánh trong suốt quá trình điều tra làm án. Nhiều người hoảng loạn. Ra trước phiên toà sơ thẩm giữa tháng chín năm 2020 có người phải tỏ ra ân hận, có người xin giảm nhẹ hình phạt theo gợi ý của cảnh sát điều tra để không phải nhận thêm nhũng cú ra đòn độc ác của công an. Bà Nối bị đạn cảnh sát bắn vào ngực. Đau vết thương trên người, thân thể gày khô lại càng đau đòn khảo tra của công an nhưng trước sau bà Nối không một lời nhận tội, không một lời cầu xin mà luôn ở tư thế của lẽ phải, của công lí hạch hỏi lại công an tội bắn dân, đánh dân, hạch hỏi lại toà án không theo pháp luật, xử người dân vô tội.

Quan toà sơ thẩm gọi đến tên, bà Nối đứng bật lên như lò so lớn tiếng hạch hỏi ngay quan toà: Tại sao có pháp luật mà không thi hành? Tại sao không bắt bố Nối đàng hoàng mà lại lừa ra đồng đánh gãy chân bố Nối. Trước toà, bà Nối không trình bày, tranh cãi cho mình mà cãi cho bố Kình của bà: Bố tôi đã 58 tuổi đảng, trong giữa thời bình này lại phải hy sinh với ba đồng chí khác. Bốn đồng chí hy sinh giữa lúc thế giới thanh bình, như có chiến tranh và không phải chết bởi kẻ thù. Như tôi đây, một vết đạn bắn vào ngực, đau lắm, nhưng tôi không chết. Và tôi chỉ mong chúng ta sẽ có một lựa chọn sáng suốt, một con đường mới, tốt đẹp hơn. 

Đến phiên toà phúc thẩm, sáu người kháng cáo thì năm người xin giảm nhẹ hình phạt vì bản án sơ thẩm nặng quá, cao quá. Riêng bà Nối không nhìn nhận vụ án xét xử người dân Đồng Tâm là hợp pháp, không chấp nhận người dân Đồng Tâm là tội phạm, là bị cáo vụ án, bà Nối thẳng thừng bác bỏ: Tôi không chấp nhận bản án. Coi người dân Đồng Tâm và bản thân mình là nạn nhân, bà Nối đòi phiên toà phúc thẩm: Phải bồi thường giá trị thương tích cho tôi.

4.  Cụ Lê Đình Kình bị cảnh sát cơ động và công an Hà Nội giết hại rồi phanh xác như giặc Minh phanh xác nghĩa quân Lam Sơn thế kỉ 15, như lính Bạch Hổ, Nam Hàn phanh xác người dân Bình Định, Quang Ngãi thời chiến tranh Nam Bắc thế kỉ 20. Kẻ giết cụ Kình được dung túng, bao che còn lẩn trốn trong bóng tối lịch sử nhưng kẻ giết dân man rợ đó đã để lại nỗi nhục muôn đời cho thể chế chính trị tạo ra những kẻ giết người từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Đồng Tâm . Còn tên tuổi, anh linh và sự tận tuỵ cống hiến hi sinh cho người dân Đồng Tâm, cho làng xóm quê hương của cụ Lê Đình Kình sẽ còn mãi với  đất đai Đồng Tâm với non nước Việt Nam

Bà Buì Thị Nối gày guộc như một thân tre khô mà có sức mạnh phi thường. Đạn bắn thủng ngực bà không run sợ. Công an coi bà là tội phạm ra đòn ròng rã ngày này sang ngày khác buộc bà nhận tội. Bà không khuất phục. Bà Bùi Thị Nối mảnh mai như cây lúa ngoài đồng, cứng cỏi như cây tre đầu làng làm nên màu xanh ngàn đời cho đất đai Đồng Tâm, đất đai Việt Nam.

Bà Bùi Thị Nối người trông coi nhà văn hoá thôn Hoành, Đồng Tâm

Phạm Đình Trọng

No comments:

Post a Comment