Monday, March 29, 2021

Từ „Cô gái đổ rác“ đến những tòa villa bí hiểm

 Tôi mất nhiều công để đọc, tìm tài liệu cho bài này. Lý do chỉ để làm sáng tỏ thêm một số góc khuất của cuộc chiến tranh Đông Dương II. Nếu đọc kỹ cuốn sách của John Colvin sẽ thấy quan hệ của tác giả với đại sứ Liên Xô Sherbakov và cả với Wilson (sách kindle mua ở Amazon). Thời kỳ 1966-1967 cũng chính là lúc vụ án „chống xét lại“ ở Việt Nam nổ ra.

Xung quanh vai trò của Sherbakov ở VN lan truyền khá nhiều đồn đại. Nhưng không có tài liệu chính thống nào của đảng CSVN và đảng CS Liên Xô nói về nó. Hy vọng tới đây các tư liệu liên quan của đảng CS LX sẽ được chính quyền Nga công bố.

Các nhà nghiên cứu sử, hoặc liên đến vụ „Nghị quyết 9“ (Vũ Thư Hiên) có thể nhìn thấy qua tài liệu của Vương quốc Anh những đường dây song song với tình hình ở Việt nam lúc bấy giờ. Tức là mâu thuẫn giữa khuynh hướng muốn dùng vũ lực khuynh hướng muốn giải quyết vấn đề thống nhất bằng hòa bình.

Chỉ có điều người phương Tây vẫn hay đánh giá mọi việc theo logic của họ. Vì thế họ tiếc hùi hụi một tuần đàm phán với Kosygin, coi con cá bị mất là con cá xộp.

(Nguyễn Xuân Thọ)

Hồi ức „Hai Quê Hương“ có kể về một cô gái hàng xóm ở Hà Nội. Đó là „bi kịch“ của một kẻ chỉ vì quan tâm đến „cô bạn đổ rác“ mà rồi dính đến nền chính trị Anh-Việt.

Từ 1957, gia đình tôi ở ngay trong Việt Nam Thông tấn xã, số 5 phố Lý Thường Kiệt, cửa sau là 3 Phan Huy Chú. Do vậy tôi hay la cà ra vào các nhà hàng xóm ở phố Phan Huy Chú. Riêng hai villa số 9 và số 11 thì luôn kín cửa cao tường, là một ẩn số cho dân chúng. 

Trích „Hai Quê Hương“, kể về lúc tôi mười tuổi:

„Nhà số 9 và 11 Phan Huy Chú là hai tòa biệt thự kín cổng cao tường. Tôi hay thấy một ông Tây ra vào đó trên chiếc xe Ford. Ba tôi bảo đó là một kiều dân Anh, hưởng quy chế đặc biệt, chứ Việt Nam không có quan hệ gì với Anh. Cán bộ Việt Nam muốn sang Hong Kong để lo các vấn đề liên quan đến ngoại tệ mạnh và hàng hóa tư bản phải đến ông xin visa…

…Từ trong nhà số 9 bí hiểm đó thỉnh thoảng có mấy đứa trẻ cùng tuổi ra phố chơi. Đó là con cái của một gia đình người Việt giúp việc cho ông người  Anh. Có lúc tôi đi một mình bị chúng xúm lại bắt nạt. 

Rồi có lần tôi gặp một con bé gầy gò trong đám đó đang chơi một mình trước cửa nhà. Một chọi một tất nhiên con gái sẽ yếu thế, thế là nó rủ tôi chơi “Ô ăn quan”.  Tôi bảo: 

-Đó là trò con gái, tớ không thích. Mà sao hôm nọ đằng ấy gấu thế! 

Con bé cười bẽn lẽn làm lành. Tôi mở cặp khoe quyển tranh chuyện Liên Xô mà cô Thanh Thanh mang ở Nga về. Con bé thích lắm. Nó bảo:

-Trong nhà tớ có nhiều chuyện tranh của Ăng-lê, cũng hay lắm. Hôm nào tớ cho xem.

Nói thế nhưng chưa bao giờ tôi được nó cho xem tranh chuyện Ăng-Lê. Tôi tò mò nhưng chẳng bao giờ được nó cho vào chơi trong cái sân rợp bóng cây, suốt ngày cửa đóng then cài đó.“ 

(Hết trích)

Ảnh tòa Tổng lãnh sự Anh trong sách của ông John Colvin 

Mười năm sau - Năm 1971 tôi học nghề ở Đức về thì gia đình tôi không còn ở số 3 Phan Huy Chú nữa. Ba má tôi dọn sang nhà 14 Lý Thường Kiệt từ 1969 và như có duyên số, lại ngay bên cạnh tòa Tổng Lãnh sự Anh ở số nhà 16.

Trích „Hai Quê Hương"

…“ Năm 1963 lãnh sự Anh chuyển nhà riêng từ 9 Phan Huy Chú sang 15 Phan Chu Trinh, còn Lãnh sự quán chuyển từ số 11 Phan Huy Chú sang 16 Lý Thường Kiệt. Năm 1973 Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao và cử đại sứ sang Việt Nam. Đại sứ quán Anh với thâm niên lâu đời ở Hà Nội[1] trở thành tâm điểm của giới ngoại giao phương Tây… 

….Một hôm đi đổ rác, tôi nhận ra cô gái gầy gò ngày xưa ở số 9 Phan Huy Chú năm nào cũng mang rác từ trong Đại sứ quán ra đổ. Cô vẫn còn nợ tôi mấy quyển chuyện tranh của Anh. Giờ mới biết tên cô là Hương. Hương nay đã là một cô gái xinh đẹp, trưởng thành. Chúng tôi thấy thích nói chuyện với nhau. Vậy là chiều chiều, nghe tiếng gõ leng keng của xe rác là tôi giành lấy cái sọt rác mang đi đổ để gặp Hương.  Đó là cơ hội duy nhất để gặp nhau, vì sứ quán được canh gác cẩn mật đối với người Việt...

...Một hôm, anh Thấu trong xóm nói với má con tôi: Chú Thọ với cô Hương dạo này kết nhau nhỉ?

Má bĩu môi phán một câu xanh rờn: Úi trời, cái „mối tình đổ rác“ ấy mà, có gì đâu anh Thấu! 

Thì ra Má biết hết và bà không ủng hộ vụ đó. Vì chính quyền luôn phổ biến cho dân chúng ở đây: “Sứ quán Anh là khu vực cần phải cảnh giác” nên có thể má không thích bất cứ gì dính đến “Yếu tố phương tây”. Tôi phải nói cho má yên tâm rằng chúng tôi chỉ là bạn.

(Hết trích)

Để tìm hiểu tại sao gia đình „Cô gái đổ rác“ sống trong ngôi nhà Ăng-Lê, tôi đã lần mò tìm tài liệu về quan hệ Anh-Việt từ 1955.

Điều đầu tiên tôi khám phá ra là những ông Tây ở trong hai tòa nhà bí hiểm số 9 và 11 Phan Huy Chú không chỉ là kiều dân Anh đặc biệt được ủy quyền lo về các mối quan hệ Việt Nam-Hong Kong như Ba tôi nói. Họ là đại diện chính thức của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Hà Nội.

Sau 1955, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa chỉ được 11 nước XHCN và một vài nước thế giới thứ 3 như Ấn Độ, AI Cập, Indonexia (Nam-Dương)…công nhận. Toàn bộ phương Tây và phần lớn các nước thế giới thứ ba công nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đa số Đại sứ quán các nước đặt tại Sài Gòn. Vai trò Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác cũng do miền Nam đảm nhiệm.

Ví dụ: Trong khi Canada có tòa đại sứ tại Sài Gòn thì họ chỉ có một phái bộ trong „Ủy ban giám sát hiệp định Geneve“ ở Hà Nội. Phái đoàn Canada đóng ở số 2 Phạm Sứ Mạnh hoàn toàn không có vai trò ngoại giao và trách nhiệm lãnh sự. 

Pháp và Anh là hai nước phương Tây duy nhất có đại diện ngoại giao tại Hà Nội, nhưng chỉ ở cấp thấp, còn Đại sứ đều ở Sài Gòn.

Phái đoàn Pháp đóng tại tòa nhà Sainteny ở ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo là cơ quan đại diện cho ông chủ thuộc địa bị thất thế, nay phải xử lý rất nhiều quan hệ nhằng nhịt do 80 năm để lại. Từ lương hưu của công chức cũ, đến số phận của các tù, hàng binh còn lại ở miền Bắc. Nhiều kiều dân Pháp cũng ở lại do hôn nhân với người Việt… 

Tên chính thức của cơ quan này là „Phái đoàn đại diện của chính phủ CH Pháp“ (Délégation générale du gouvernement de la République Française)[2]

Sau khi bom Mỹ ném vào nhà Sainteny tháng 11.1972, giết chết ông Pierre Sussini, Tổng đại diện Pháp (Délégué général) thì nhiều người Việt mới biết đến vai trò của tòa nhà này. Trước đó người ta chỉ thấy một khu nhà im lìm sau các bức tường gạch trắng với cái biển “Bất động sản của chính phủ Pháp” (Propriétaire du gouvernement français).

Nước Anh hầu như không dính líu đến cuộc chiến tranh Việt Nam, lại không công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Vậy mà họ vẫn có Tổng lãnh sự quán đóng tại số 11 Phan Huy Chú. Nhà số 9 là nhà riêng của Tổng lãnh sự.  Đây là quốc gia Tây phương duy nhất có tòa Tổng lãnh sự tại Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa từ 1955. 

Nước Anh có "Đặc quyền“ này vì cùng với Liên Xô giữ vai trò đồng chủ tịch Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương. Do đó Tổng lãnh sự quán Anh tại Hà Nội ngoài một vài công việc lãnh sự như thỉnh thoảng cấp visa cho người Việt đi Hong Kong hoặc sang Anh thì nhiệm vụ chính là phối hợp với các nước hữu quan (Liên Xô, Canada, Ấn Độ và Ba-Lan)[3] trong việc giám sát thi hành hiệp định Genève. Cấp trên trực tiếp của nó là tòa đại sứ trong Sài-Gòn.

Khám phá này đưa tôi đến những bất ngờ mới.

Tân Quy cuối tháng Ba 2021

 (Còn tiếp)

[1] Chỉ Anh và Pháp có đại diện ở Hà Nội từ 1955. Thụy Điển đặt tòa đại sứ năm 1969. Sau Hiệp định Paris 1973 các nước phương Tây khác mới có ĐSQ ở Hà Nội.

[2] https://vn.ambafrance.org/Lich-su-tru-so-%C4%90ai-su-quan...

[3] Ủy ban quốc tế giám sát thi hành hiệp định Geneve 1954 bao gồm: Canada đại diện cho phương Tây, Ấn Độ đại diện cho các nước không liên kết và Ba-Lan đại diện các nước XHCN.

No comments:

Post a Comment