1. Đọc đối thoại Heisenberg, Pauli, Laporte tôi có được các lập luận sau về "hiểu".
Một trong những phương pháp nhận biết cheating tức là so sánh mệnh đề lừa đảo với các chân lý đã biết. Nếu có mâu thuẫn thì đó là cheating. Nếu không có mâu thuẫn tức là chúng ta "hiểu" mệnh đề đó. Lý thuyết tương đối đi từ một số giả thiết và sử dụng Toán học để đưa ra một số mệnh đề trái ngược với các chân lý đã biết, ví dụ mệnh đề về tính đồng thời. Như vậy, liệu chúng ta có thể coi là lý thuyết tương đối đã lừa chúng ta hay chúng ta phải đảo lộn nhận thức "thế nào là hiểu".
Nếu chấp nhận quan niệm mới về tính đồng thời là cách hiểu mới về không thời gian. thì chúng ta buộc phải thay thế các "chân lý đã biết" với bằng các khái niệm Toán học và một số quan sát thực nghiệm trong quá trình hiểu.
Heisenberg lấy ví dụ lý thuyết địa tâm của Ptolemy để cảnh báo tiêu chí phù hợp với quan sát chưa đủ. Lý thuyết Ptolemy có thể tính chính xác nhật thực, nguyệt thực, vị trí các hành tinh hoàn toàn chính xác. Điều đó không có nghĩa là Ptolemy đã "hiểu" đúng chuyển động của các hành tinh.
Pauli đề xuất thêm một nguyên lý nữa là giản lược nhiều hiện tượng về cùng một nguyên lý. Chẳng hạn, Newton "hiểu" chuyển động của các hành tinh tốt hơn do sử dụng cùng một nguyên lý với quả táo rơi, chuyển động của con lắc, con quay.
2. Có thể đặt câu hỏi "hiểu" khác "biết" thế nào? Có vẻ như có nhiều cấp độ "biết" ngay trong ngôn ngữ hàng ngày. Tiếng Việt có hai cấp độ "hiểu" và "biết" về một phương diện nào đó đã hơn tiếng Trung, nhưng về phương diện khác lại thua kém rất xa. Trước hết tiếng Trung không có từ cơ bản đồng nghĩa với từ "hiểu" (tiếng Việt hay "understand" (tiếng Anh). Họ phải dùng từ "minh bạch", "lý giải" hay "đổng đắc" để thể hiện việc "hiểu". Các từ này đều là từ phức hợp, chúng có sắc thái khác nhau, có ích trong việc phân tích các sắc thái "hiểu" nhưng có thể chưa nói hết được ý "hiểu". Ví dụ: "Tôi hoàn toàn minh bạch về chuyện Hồ Duy Hải bị kết án" chưa chắc đã giống "Tôi hoàn toàn hiểu việc kết án Hồ Duy Hải." Với "lý giải" cũng tương tự, và cũng giống như ví dụ về thuyết tương đối. Từ "đổng đắc" là một từ hiếm dùng trong tiếng Việt. "Đổng" là biết hết, quán xuyến được mọi việc "đắc" là được. Biết hết mọi chuyện và hiểu có lẽ vẫn còn khoảng cách. Cũng như một viên quản lý (đổng sự) có thể nắm được mọi việc kinh doanh, chi tiết nhỏ nhất, nhưng hiểu được việc kinh doanh chỉ có ông chủ thực sự.
Bản thân tiếng Anh lại phân biệt hiểu tiếng Việt thành "understand" và "comprehend". Comprehend tuy cũng dịch là hiểu, như đây là hiểu được về mặt chữ nghĩa, nhưng chưa chắc đã hiểu nội dung.
3. Tuy vậy trong tiếng Trung và Hán Việt lại rất nhiều chữ khác nhau để mô tả cái "biết" như "tri", "thức", "giác", "ngộ" thậm chí "kiến". Các từ này đều có sắc độ khác nhau của "biết" trên con đường dẫn đến khái niệm "hiểu".
Từ các từ gốc trên lại có các tổ hợp như "tri thức", "tri giác", "tri ngộ", "tri kiến", "giác ngộ", "kiến thức" lại có các sắc thái khác nhau. Chung quy chúng ta có dùng từ Hán Việt vẫn chưa mô tả được con đường từ "biết" đến "hiểu". Có thể chúng ta chưa đủ từ ngữ, mà thực chất chưa đủ hiểu biết về quá trình nhận thức.
4. Nhà Phật có từ "huệ" để mô tả một mức "hiểu" cao hơn cả "tri kiến". Tuy nhiên Đại Thừa, lại phê phán Tiểu Thừa chỉ biết đến "huệ" mà chưa biết phá chấp. Chưa quán được nhị Không (vô ngã, vô thường) thì "huệ" vẫn chỉ là Tâm Sinh Diệt chưa đạt tới Chân Như. Có vẻ như điều này trùng với cách nghĩ hiện đại: Mỗi lần hiểu thêm một tầng là một lần phá chấp, xét duyệt lại các "chân lý đã biết".
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment