Quá trình dựng nghiệp của ĐCSTQ là quá trình liên tục tích tụ tà ác - Các nhân tố di truyền cơ bản của CNCS
Quá trình dựng nghiệp của ĐCSTQ là quá trình liên tục tích tụ tà ác
Ở một đất nước 5 ngàn năm lịch sử như Trung Quốc, thì gieo cấy một Đảng Cộng sản vốn không chút gì ăn nhập với truyền thống dân tộc, đem con quỷ ngoại lai ấy về nuôi là một điều không dễ. Lịch sử dựng nghiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc — từ khi chào đời cho đến lúc thâu đoạt và kiến lập chính quyền — là một quá trình liên tục tích tụ tà ác. Trong quá trình ấy, ĐCSTQ hấp thu và dung dưỡng đủ cả chín nhân tố của một con quỷ cộng sản tà ác: tà ác, lừa dối, xúi bẩy, lưu manh, gián điệp, trấn lột, đấu tranh, diệt chủng, khống chế. Những nhân tố di truyền ấy được kế thừa đầy đủ, và qua mỗi lần thách thức, lại càng phát triển thậm tệ hơn.
Nhân tố di truyền 1: Tà ác — Khoác lên tấm choàng tà vạy của chủ nghĩa Mác-Lê
Điều đầu tiên ĐCSTQ thấy hấp dẫn ở chủ nghĩa Mác chính là: “Dùng bạo lực cách mạng đập tan chế độ cũ, tạo dựng chính quyền chuyên chính vô sản”. Đó chính là cội rễ tà vạy trong học thuyết Mác-Lê.
Kinh tế học trong chủ nghĩa duy vật của Các-Mác là lý thuyết kinh tế rất nông cạn dựa trên nghiên cứu về sức sản xuất, quan hệ sản xuất, và giá trị thặng dư. Vào giai đoạn chủ nghĩa tư bản chưa phát triển, Các-Mác đã đưa ra dự đoán phiến diện và thiển cận rằng chủ nghĩa tư bản sẽ sớm diệt vong, rằng giai cấp vô sản sẽ chiến thắng. Thực tế lịch sử đã phủ nhận điều ấy. Chủ nghĩa Mác-Lê chủ trương bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản không có gì khác hơn là áp đặt thể chế chính trị độc tài với giai cấp vô sản làm chủ. Tuyên ngôn Cộng sản đã lấy mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp làm cơ sở cho quan điểm lịch sử và cốt lõi triết học của Đảng Cộng sản. Người cộng sản đấu tranh là để đập tan mọi đạo đức truyền thống và quan hệ xã hội, và giành lấy chính quyền. Ngay từ khi xuất hiện, Chủ nghĩa Cộng sản đã đối chọi với tất cả những gì truyền thống.
Thiên tính tự nhiên của con người là tẩy chay bạo lực. Bạo lực khiến người ta trở nên bạo ngược. Học thuyết tôn sùng bạo lực của Đảng Cộng sản đều bị con người khắp nơi chối bỏ. Tất cả các hệ tư tưởng, triết học, truyền thống trong quá khứ đều không có chủ trương nào như thế cả. Hệ thống cộng sản tôn sùng khủng bố đúng là từ không trung đột nhiên xuất hiện trên trái đất.
Quan niệm tà ác ấy có tiên đề là “nhân định thắng thiên”: con người nhất định chiến thắng trời, chinh phục tự nhiên, cải tạo thế giới. Những khẩu hiệu như “giải phóng toàn nhân loại”, “thế giới đại đồng” của chủ nghĩa cộng sản đã thu hút và lừa dối được không ít người, nhất là những ai duy lý trí cực đoan, hoặc mang khát vọng lập chiến tích ghi danh lịch sử. Họ quên rằng lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt, nên họ sẵn sàng bất chấp tất cả. Những thứ hoang tưởng như xây dựng “thiên đường tại nhân gian”, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đã làm họ mù quáng tin rằng hiện đại hoá sẽ đem lại tất cả. Họ miệt thị giá trị văn hoá truyền thống, coi thường sinh mạng. Thực ra họ đã tự hạ thấp giá trị nhân phẩm của chính mình. Cái vỏ ‘cống hiến vẻ vang’ cho Đảng ấy thực ra là một tấm áo choàng cực kỳ tà vạy.
Đảng lấy “Thế giới Cộng sản Chủ nghĩa” làm mục đích tối hậu, làm chân lý để phụng thờ: “sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa rồi, quyết phen này sống chết mà thôi, chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành…” [2]. Đảng tuyên truyền triết lý hoang tưởng ấy làm thủ đoạn đảo ngược quan hệ giữa con người và trời đất, cắt đứt chính họ với tổ tông, phá sạch huyết mạch truyền thống. Từ đó khiến người ta hiến thân cho chủ nghĩa cộng sản hoang tưởng, và bồi đắp sức tàn sát của Đảng.
Nhân tố di truyền 2: Lừa dối — Điều bắt buộc khi quỷ sứ muốn giả dạng Thần linh
Kẻ tà luôn nói dối. Để lợi dụng công nhân, Đảng tán dương họ thành “giai cấp tiên tiến nhất”, “chí công vô tư”, “giai cấp lãnh đạo”, “đội quân tiên phong của cách mạng vô sản”… Để lợi dụng nông dân, Mao Trạch Đông vuốt ve “không có bần nông thì không có cách mạng, đả kích nông dân là đả kích cách mạng” rồi hứa hẹn “dân cày có ruộng”… Đến lúc cần giai cấp tư sản ủng hộ, Đảng thổi phồng họ lên thành “bạn đồng hành của cách mạng vô sản” rồi hứa hẹn một chế độ “dân chủ cộng hoà”. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp nguy cơ suýt bị Quốc Dân Đảng tiêu diệt, bèn hô hào “người Trung Quốc không hại người Trung Quốc”. Kết quả là gì? Kháng chiến Trung-Nhật vừa kết thúc, ĐCSTQ gom toàn lực lật đổ chính quyền Quốc Dân Đảng. Thành lập nước không lâu, ĐCSTQ lập tức tiêu diệt giai cấp tư sản, và biến công nhân và nông dân thành giai cấp vô sản triệt để chẳng còn sở hữu chút gì.
‘Thống nhất chiến tuyến’ là thủ đoạn lừa dối điển hình của ĐCSTQ. Để giành thắng lợi trong cuộc nội chiến giữa ĐCSTQ và Quốc Dân Đảng, ĐCSTQ đã thay đổi kế sách trước đó vốn coi địa chủ phú nông là giai cấp thù địch phải giết bỏ, thay bằng “chính sách thống nhất chiến tuyến lâm thời”. Ngày 20 tháng 7 năm 1947, Mao Trạch Đông ra chỉ thị: “ngoài một số ít những phần tử phản động, thì phải có thái độ hoà hoãn nới lỏng với giai cấp địa chủ… giảm bớt kẻ thù”. Nhưng sau khi ĐCSTQ giành được chính quyền, địa chủ phú nông không thoát khỏi bị “tiêu diệt triệt để quần thể”.
Nói một đằng làm một nẻo. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cần lợi dụng Quốc Dân Đảng, liền kêu gọi “sống chung lâu bền, giúp nhau quản lý, thành thật song phương, vinh nhục có nhau”. Sau khi giành chính quyền năm 1949, thì tất cả dân sĩ nào đề cập đến dân chủ đều bị khép vào tội theo cánh hữu làm phản và bị thanh trừng. Bất kể ai không đồng ý hay không theo tư tưởng, hành xử, và tổ chức của Đảng đều bị tiêu diệt. Các-mác, Lê-nin, và các lãnh tụ ĐCSTQ đều từng tuyên bố thẳng rằng, Đảng Cộng sản là chuyên chính, không chia sẻ quyền lực với bất kể ai hay tổ chức nào khác. Ngay từ đầu, độc tài chuyên chế đã là nhân tố di truyền bất di bất dịch của Đảng Cộng sản. Trong lịch sử ĐCSTQ, Đảng chưa hề một lần nào thật sự chia sẻ quyền lực chính trị với bất kỳ ai, kể cả vào những thời “nới lỏng” nhất.
Bài học lịch sử dạy rằng không thể tin vào bất kể hứa hẹn gì của ĐCSTQ, đừng mong tưởng ĐCSTQ thực hiện cam kết. Ai tin lời ĐCSTQ rồi sẽ có ngày phải trả giá bằng tính mạng của mình.
Nhân tố di truyền 3: Xúi bẩy — Xúi bẩy nhân dân phân nhóm đấu nhau
Lừa dối để reo rắc thù hận. Muốn có đấu tranh thì phải có thù hận. Đâu không có thù hận, thì ĐCSTQ xúi bẩy reo rắc thù hận.
Loại hình chế độ dòng tộc sở hữu đất đai đã ăn sâu vào nông thôn Trung Quốc. Đó là chướng ngại lớn trên con đường kiến thiết chính quyền của ĐCSTQ. Xã hội nông thôn nhìn chung là hài hoà. Quan hệ sở hữu đất đai và thu tô vốn dĩ không có quan hệ đối lập tuyệt đối. Địa chủ quản lý đất đai và cho nông dân thuê đất canh tác, còn nông dân dựa vào đó để sinh sống và nộp tô cho địa chủ. Địa chủ và nông dân dựa vào nhau mà sống qua hàng bao nhiêu thế hệ như thế.
Bản chất đây là một hình thức cộng sinh tự nhiên ở một mức độ nào đó. Nhưng ĐCSTQ bóp méo quan hệ ấy thành quan hệ bóc lột giai cấp, biến họ thành hai giai cấp đối lập. Biến bè bạn thành cừu địch, biến hài hoà thành đấu tranh, biến hợp lý thành vô lý, biến trật tự thành hỗn loạn, biến cộng hoà thành chuyên chế. ĐCSTQ chủ trương tước đoạt tài sản, vừa cướp vừa giết, giết bản thân người địa chủ phú nông ấy, giết người nhà của địa chủ phú nông, rồi giết đến cả gia tộc của địa chủ phú nông. Có nhiều người nông dân không đành lòng theo kẻ cường bạo nên ban ngày thì cướp nhưng đến đêm lại quay lại trả đồ cho gia chủ; rồi bị đội công tác biết được và bị chỉ trích là “thiếu giác ngộ giai cấp”.
Bạch mao nữ vốn là một câu chuyện xưa về tiên nữ, không có liên quan gì đến đấu tranh giai cấp hay áp bức bóc lột gì. Nhưng đội văn công đã cải biên thành kịch nói, ca kịch, rồi cả kịch múa ba-lê, toàn để xúi bẩy thù hận giai cấp.
Hồi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, Đảng Cộng sản đã không đánh Nhật thì chớ, lại còn công kích rằng chính phủ Quốc Dân Đảng bán nước không đánh Nhật, thậm chí ngay lúc đất nước lâm nguy, còn xúi bẩy nhân dân chống lại Quốc Dân Đảng.
Xúi bẩy cừu hận giữa một nhóm người dân này với một nhóm người dân khác là một thủ đoạn kinh điển của ĐCSTQ. Công thức ‘95:5’ cũng từ đó mà ra. Các thế hệ lãnh đạo sau này của ĐCSTQ đều dùng nó trong các phong trào chính trị, cho đến nay đã phát triển thành một thủ đoạn nhuần nhuyễn. ĐCSTQ chia dân chúng thành hai phần, 95% và 5%, trong đó rơi vào phần 95% thì an toàn vô sự còn rơi vào phần 5% thì bị coi như kẻ thù phải bị thanh trừng. Vì sợ hãi và muốn an toàn, người dân đấu đá để chuyển sang phần 95%. Đấu đá ấy gây nên thù hận sâu sắc trong dân chúng. Nhưng qua mỗi chiến dịch đàn áp ấy, ĐCSTQ củng cố được quyền lực và nô dịch người dân bằng khủng bố.
Nhân tố di truyền 4: Lưu manh — Lấy lưu manh cặn bã xã hội lập thành đội ngũ cơ bản
Lưu manh là cơ sở của tà vạy, muốn tà thì phải dựa vào lưu manh cặn bã của xã hội. Những cuộc cách mạng thường đều xuất phát từ những phần tử lưu manh cặn bã trong xã hội đứng lên khởi nghĩa mà thành. Ví dụ kinh điển là ‘Công xã Pa-ri’, mà thực tế chính là xã hội do bọn lưu manh chuyên đốt phá giết người làm lãnh đạo. Ngay Các-mác cũng khinh rẻ giai cấp vô sản lưu manh này [3], trong Tuyên ngôn Cộng sản, có đoạn viết “Còn tầng lớp vô sản lưu manh, cái sản phẩm tiêu cực ấy của sự thối rữa của những tầng lớp bên dưới nhất trong xã hội cũ, thì đây đó, có thể được cách mạng vô sản lôi cuốn vào phong trào, nhưng điều kiện sinh hoạt của họ lại khiến họ sẵn sàng bán mình cho những mưu đồ của phe phản động.” Còn nông dân, theo Các-mác và Ăng-ghen, được coi là phân tán và bản tính ngu muội nên thậm chí “không xứng là một giai cấp”.
Không dừng lại ở tư tưởng của Các-mác, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển xa hơn nữa về phương diện tà ác này. Mao Trạch Đông nói: “lưu manh cặn bã là tầng lớp vứt đi của xã hội, nhưng trong cách mạng nông thôn, thì họ là dũng cảm nhất, triệt để nhất, kiên quyết nhất” (Mao 1927). Vô sản lưu manh là đội ngũ gia tăng bạo lực và duy trì chính quyền ở nông thôn cho ĐCSTQ vào thời kỳ đầu. Từ ‘cách mạng’ trong tiếng Hán có nghĩa là ‘giết’, và thực tế nó diễn ra đúng như vậy. Đối với người dân lương thiện, nó thật kinh khủng và khiếp hãi. Ban đầu ĐCSTQ tự nhận là ‘vô sản lưu manh’, nhưng đến thời Cách mạng Văn hoá, Đảng thảo luận rằng nghe thế quá khủng khiếp khó lọt tai, nên bỏ từ ‘lưu manh’ đi, và tự nhận là người ‘vô sản’.
Bọn lưu manh thường có biểu hiện vô lại một cách ngu xuẩn. Có lần bị chỉ trích là độc tài, quan chức trong Đảng chẳng ngượng mồm trả lời trắng ra rằng: “Thưa quý ông, quý ông nói đúng lắm, chúng tôi chính là như vậy. Qua tất cả những kinh nghiệm mà người Trung Quốc trải qua mấy chục năm nay, đã khiến chúng tôi thực hành nhân dân dân chủ chuyên chính, tức là nhân dân dân chủ độc tài”.
Nhân tố di truyền 5: Gián điệp — Gián điệp, phản gián, ly gián, mua chuộc
Ngoài những nhân tố kể trên, ĐCSTQ cũng rất thạo ngón nghề gián điệp. Mấy thập kỷ trước đây có ba ‘anh hùng’ điệp viên — Tiền Tráng Phi, Lý Khắc Nông và Hồ Bắc Phong — đều dưới sự chỉ đạo của Trần Canh, Trưởng khoa số 2 Trường Đặc vụ Trung ương của ĐCSTQ. Khi Tiền Tráng Phi là Bí thư Cơ yếu và là tuỳ tùng thân tín của Từ Ân Tăng, Chủ nhiệm khoa Điều tra Trung ương của chính phủ Quốc Dân Đảng, Tiền Tráng Phi đã lấy tin tức tình báo về điều quân chiến lược lần một và hai đến tỉnh Giang Tây của Quốc Dân Đảng, rồi dùng giấy thư của Trung ương Quốc Dân Đảng biên gửi hai lần qua Lý Khắc Nông đến tận tay Chu Ân Lai. Tháng 4 năm 1930, một nhóm đặc vụ hai mặt do khoa Điều tra Trung ương Quốc Dân Đảng tổ chức và chu cấp kinh phí đã được thành lập ở đông bắc Trung Quốc. Về bề nổi, đó là của Quốc Dân Đảng do Tiền Tráng Phi chỉ đạo, nhưng thực chất là của ĐCSTQ dưới chỉ đạo của Trần Canh.
Lý Khắc Nông ban đầu gia nhập Tổng tư lệnh Hải Lục Không quân Quốc Dân Đảng với vai trò người dịch giải điện báo. Lý Khắc Nông khi giải mã điện mật đã phát hiện ra bức điện khẩn liên quan đến việc Cố Thuận Chương [5] bị bắt và làm phản. Tiền Tráng Phi đã chuyển bức điện đã giải mã cho Chu Ân Lai, do vậy một mẻ lớn điệp viên của ĐCSTQ mới thoát lưới.
Dương Đăng Luy, một đặc vụ thân cộng làm ở Khoa Điều tra Trung ương Quốc Dân Đảng ở Thượng Hải. Khi ĐCSTQ thấy đảng viên nào không đáng tin nữa, liền để ông ta bắt và hành quyết. Một cán bộ lão thành ở Hà Nam, do làm mếch lòng một cán bộ của Đảng Cộng sản, liền vì thế mà bị người ta giật dây đánh động rồi bị tống giam vào nhà ngục Quốc Dân Đảng nhiều năm.
Hồi ‘chiến tranh giải phóng’ [6], ĐCSTQ cài được một tình báo viên là người cực kỳ thân cận với Tưởng Giới Thạch [7], đó là Lưu Phỉ, Trung tướng và là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Quốc Dân Đảng. Khi quân lính Quốc Dân Đảng còn chưa nhận được lệnh điều binh, thì tin tình báo đã lọt sang Diên An, Thủ phủ ĐCSTQ. Quân Quốc Dân Đảng chưa đến thì ĐCSTQ đã có kế hoạch phòng bị rồi. Một lần Hùng Hướng Huy, Bí thư và thân tín của Hồ Tôn Nam đã tiết lộ kế hoạch hành quân đánh Diên An cho Chu Ân Lai. Kết quả, khi quân Hồ Tôn Nam đến chỉ thấy Diên An là cái thành không. Chu Ân Lai từng nói: “Mệnh lệnh tác chiến của Tưởng Giới Thạch còn chưa lệnh đến quân sỹ, mà Mao Chủ tịch đã được đọc rồi”.
Nhân tố di truyền 6: Trấn lột — Trấn lột bằng thủ đoạn hoặc bạo lực, thiết lập ‘trật tự mới’
Khi ĐCSTQ dựng lập cát cứ vũ trang Hồng Quân để cai trị quốc gia bằng quân sự, thì vũ khí đạn dược, lương thực y phục đều cần phải có tiền. Do đó, ‘gây quỹ’ trở thành nhiệm vụ lớn. Hồng Quân thường dùng thủ đoạn trấn lột nhà giàu địa phương hoặc cướp ngân hàng, hành tung giống hệt băng cướp. Ví dụ Lý Tiên Niệm, một lãnh đạo trong quân đội Hồng Quân, có nhiệm vụ là điều hành Hồng Quân bắt cóc trong vùng ngạn tây tỉnh Hồ Bắc những người của nhà giàu. Chúng không chỉ bắt một người, mà chọn ra mỗi dòng tộc giàu có, bắt cóc lấy một người. Người bị bắt vẫn được sống và chúng tống tiền nhiều lần gia đình người ta để có tiền phục vụ Hồng Quân. Chỉ đến chừng nào gia đình đã cạn kiệt tiền tài, chúng mới thả người, nhiều khi chỉ còn da bọc xương. Có những trường hợp do bị khủng bố nhiều quá, nên chưa về đến nhà đã chết.
Dưới chiêu bài “đả đảo địa chủ để lấy ruộng”, ĐCSTQ triển khai rộng thủ đoạn trấn lột ra toàn xã hội, vứt bỏ truyền thống và thay vào đó là ‘trật tự mới’ của Đảng. ĐCSTQ làm đủ điều ác, to có nhỏ có, và không làm được điều gì thiện cho nhân dân. ĐCSTQ thường dùng những món lợi nhỏ để kích động một bộ phận nhân dân đấu tố một bộ phận nhân dân khác. Khiến những giá trị thiện đức trong xã hội bị chà đạp, chỉ còn đấu tranh và giết chóc. “Cộng sản đại đồng” thực tế chính là trấn lột giữa ban ngày.
Nhân tố di truyền 7: Đấu tranh — Phá hoại trật tự truyền thống và chế độ quốc gia
Lừa dối, xúi bẩy, lưu manh, gián điệp cũng là để trấn lột và đấu tranh. Triết học của cộng sản là triết học đấu tranh. Cách mạng vô sản không phải là một thứ đấu tranh ẩu đả không tổ chức. Đảng nói: “Nông dân chĩa mũi công kích vào mục tiêu chính là cường hào địa chủ, nhưng qua đó cũng đả phá luôn sạch tất cả các tư tưởng và chế độ cũ, thanh lý tham quan ô lại, cũng như tập quán cũ của làng xóm.” (Mao 1927) Tức là đấu tranh có tổ chức nhằm đập tan những gì là chế độ truyền thống và tập quán của nông thôn.
Đấu tranh cộng sản gồm cả đấu tranh vũ trang. “Cách mạng không phải là mở tiệc đãi khách, không phải là ngâm thơ làm văn, không phải là vẽ tranh thêu hoa, không phải là một thứ gì đó trang nhã kiểu cách, êm đềm thư thả, nhẹ nhàng nho nhã, khiêm cung ôn hoà. Cách mạng là bạo động, là giai cấp này dùng bạo lực lật đổ giai cấp kia.” (Mao 1927) Muốn tước đoạt chính quyền, tất dùng bạo lực. Chỉ mấy thập kỷ sau, ĐCSTQ lại triển khai lối đấu tranh ấy để ‘giáo dục’ thế hệ người dân kế tiếp trong Cách mạng Văn hoá.
Nhân tố di truyền 8: Diệt chủng — Sáng tạo một hệ thống lý luận hoàn chỉnh về diệt chủng
ĐCSTQ làm rất nhiều việc ‘cạn tầu ráo máng’: ĐCSTQ hứa hẹn ‘thiên đường ở thế gian’ cho trí thức, rồi sau đó xếp họ vào ‘cánh hữu’, rồi đến khi Cải cách ruộng đất thì xếp họ vào giai cấp địch nhân [8]. Những việc như cướp đoạt gia tài giai cấp tư bản, tiêu diệt địa chủ và phú nông, phá bỏ hương hoả ở làng xã, đảo lộn chính quyền địa phương, bắt cóc tống tiền những người giàu ở nông thôn, tẩy não tù chính trị, cải tạo giai cấp tiểu thương và tư sản, cài gián điệp và ly gián Quốc Dân Đảng, sinh ra từ Cộng sản Quốc tế nhưng sau đó phản bội Cộng sản Quốc tế, thanh trừng những ai chống đối qua nhiều chiến dịch chính trị hết lượt này đến lượt khác kể từ khi giành được chính quyền năm 1949, đe doạ những đảng viên của mình,…
Tất cả những việc ấy đều xuất phát từ cơ sở lý luận về diệt chủng của ĐCSTQ. Mỗi một chiến dịch chính trị trong lịch sử ĐCSTQ đều là một chiến dịch khủng bố mang tính diệt sạch một quần thể dân chúng. Ngay từ ngày đầu, Đảng Cộng sản đã bắt đầu sáng tạo và hoàn thiện hệ thống lý luận diệt chủng ấy của mình. Tư tưởng diệt chủng ấy xuất phát từ những lý luận cộng sản — giai cấp luận, cách mạng luận, đấu tranh luận, bạo lực luận, chuyên chính luận, vận động luận, chính đảng luận,… — và qua kinh nghiệm triển khai mà trở nên hoàn chỉnh, đến nay đã vượt xa và thâu tóm ‘kết tinh’ của tất cả những cuộc diệt chủng trong lịch sử.
Sự khác biệt đặc sắc nhất trong lý luận diệt chủng của ĐCSTQ là nó diệt sạch tư tưởng với lương tri và nhân tính. Điều ấy phù hợp với tập đoàn thống trị bằng bạo lực này. Nó tiêu diệt bạn vì bạn chống lại nó; nhưng cũng có thể tiêu diệt bạn chính là vì bạn ủng hộ nó. Hễ nó nhận thấy rằng cần phải tiêu diệt ai, thì nó sẽ tìm cách tiêu diệt. Vì vậy ai ai sống ở Trung Quốc cũng sợ Đảng Cộng sản.
Nhân tố di truyền 9: Khống chế — Dùng đảng tính để khống chế toàn đảng, toàn dân
Tất cả những nhân tố trên đều dẫn đến một mục đích: khống chế bằng bạo lực, nô dịch bằng khủng bố. Bản tính tà ác của ĐCSTQ đã khiến mọi lực lượng xã hội trở thành kẻ thù của Đảng. Ngay từ ngày chào đời, ĐCSTQ liên tiếp phải đối mặt với các khủng hoảng và nguy cơ diệt vong, và khủng bố đã trở thành phương sách lợi hại đem lại lợi ích bậc nhất cho Đảng: nó duy trì sự tồn tại và củng cố quyền lực cho Đảng qua những đợt khó khăn. Để bù đắp cho sự suy yếu về quyền lực, ĐCSTQ phải thường xuyên bổ xung những thứ ở bề mặt. Lợi ích của Đảng không phải là nói về lợi ích của các đảng viên, cũng không phải là tổng hoà lợi ích cá thể của các đảng viên; mà là lợi ích của chính tập đoàn ĐCSTQ, nó được đặt lên vị trí tối thượng, cao hơn tất cả những gì là cá nhân.
‘Đảng tính’ là bản chất cực kỳ lợi hại của con quỷ ngoại lai này. Nó có thể khuyếch trương vô hạn, áp chế hoàn toàn ‘nhân tính’, và biến người ta thành một dạng năng lượng hoàn toàn phi nhân tính. Ví dụ Chu Ân Lai và Tôn Bính Văn đã từng là đồng chí. Sau khi Tôn Bính Văn qua đời, Chu Ân Lai đã nhận con gái của Tôn Bính Văn là Tôn Duy Thế làm con nuôi. Đến thời Cách mạng Văn hoá, Tôn Duy Thế bị đấu tố và chết trong nhà ngục do một cái đinh dài được đóng vào đầu. Lệnh bắt Tôn Duy Thế chính là do cha nuôi của cô là Chu Ân Lai ký.
Một trong những lãnh đạo thời đầu của ĐCSTQ hồi chiến tranh Trung–Nhật là Nhậm Bật Thời được Đảng giao nhiệm vụ buôn bán nha phiến (ma tuý). Bấy giờ nha phiến là tượng trưng cho quân xâm lược, vì trước đó quân Anh đã khiến Trung Quốc nhập khẩu nha phiến vừa để rút kiệt tài lực của Trung Quốc, vừa để đầu độc nhân dân Trung Quốc. Vì Đảng, Nhậm Bật Thời đã dám trồng nha phiến trên một vùng rộng lớn, bất chấp nguy cơ bị dân tộc kết tội. Vì từ ‘nha phiến’ quá nhạy cảm, nên bấy giờ ĐCSTQ nói lái thành ‘xà phòng’ khi buôn bán món này. Lợi nhuận thu được từ nha phiến được dùng cho Đảng. Đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhậm Bật Thời, một lãnh đạo thế hệ sau của ĐCSTQ đã phát biểu ca ngợi công lao của Nhậm Bật Thời: “Nhậm Bật Thời có tư chất đạo đức rất cao, và là một đảng viên mẫu mực. Ông tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, và trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng”.
Trương Tư Đức cũng là một mẫu hình cho đảng tính. ĐCSTQ nói rằng anh ta hy sinh do sập lò gạch, còn người dân nói rằng anh ta chết khi đang chế biến nha phiến. Vì Trương Tư Đức là một người ít lời trong Đoàn Cảnh vệ Trung ương, không bao giờ đòi hỏi thăng chức, nên khi anh chết, mới nói rằng cái chết của anh “nặng tựa Thái Sơn” [9].
Sau này còn có một mẫu hình nữa là Lôi Phong, nổi tiếng với danh hiệu là “chiếc ốc vít không bao giờ han gỉ của cỗ máy cách mạng”. Cả Lôi Phong và Trương Tư Đức đều được lấy làm tấm gương một thời gian dài trong hệ thống giáo dục của ĐCSTQ như những mẫu mực trung thành với Đảng. Ngoài ra cũng có nhiều anh hùng khác được dùng để tuyên truyền “ý chí sắt thép và nguyên tắc của Đảng”.
Sau khi giành chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quảng bá rộng khắp nhân tố khống chế tư tưởng con người này. Phải nhìn nhận rằng Đảng đã thành công trong việc biến cả thế hệ nhân dân sau đó nữa thành những “ốc vít” cho mình. Đảng tính được cưỡng chế lên và trở thành một lối tư duy nhất định, một lối hành xử nhất định. Ban đầu, ĐCSTQ chỉ dùng thủ đoạn này trong nội bộ Đảng, nhưng ngay sau đó đã mở rộng quy mô đến toàn quốc. Dưới cái vỏ dân tộc, lối tư duy nhất định và hành vi nhất định ấy thực chất chính là một thủ đoạn tẩy não đại quy mô để người dân phù hợp theo cơ chế tà ác của Đảng.
Copy từ Chân Tướng
No comments:
Post a Comment