Phần 1. Báo chí và tuyên truyền thời kỳ chiến tranh
Từng là một du học sinh tại Hungary (thời của chúng tôi gọi là lưu học sinh/LHS), tôi cũng như nhiều bạn bè của mình đã coi Hunggary với Budapest, tp được mệnh danh/becenév là 'Trái tim của châu Âu', như quê hương thứ hai. Với tôi, đó là thời gian đẹp nhất trong đời, như tên của bài hát Azok A Szép Napok mà chúng tôi ai cũng rất thích.
Thời gian ấy lẽ ra còn đẹp hơn nếu chúng tôi không phải sống dưới quy chế quản lý khắc nghiệt của Đại sứ quán (Ban quản lý LHS). Chúng tôi bị cấm đoán rất nhiều, kể cả tình cảm cũng bị trói buộc, ko như sinh viên và thanh niên Hung lúc đó. Tôi ko nói về sự cách biệt về văn hóa do hai xã hội khác nhau, nhưng chúng tôi ko được sống đúng với bản chất của tuổi trẻ, dù xã hội của Hung rất tự do và thoải mái.
Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, ko muốn bị gò bó theo quy chế, tôi quyết định mặc quần áo theo ý thích của mình, xem phim nghe nhạc tư bản thoải mái... kể cả khoản tóc dài gần như cấm kỵ, tôi cũng bỏ qua, ko chấp hành. Theo sự phán xét của ông Trường Chinh trong một buổi nói chuyện với sinh viên và cán bộ đang học tập và công tác ở Hungary thì như thế là đua đòi, chạy theo mốt và chúng tôi là những phần tử đáng bị chê trách.
Tôi là người có sự xung khắc trong tư tưởng về nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm về hình thức và bản chất. Đó là những bất đồng liên quan đến lối sống cá nhân, ko như những hình tượng/mẫu mực điển hình của tuổi trẻ mà Ban văn hóa-tư tưởng của Đảng vẫn tuyên truyền cho thanh niên Việt Nam trong tình hình đất nước đang có chiến tranh. Nhiệm vụ của bộ máy thông tin tuyên truyền trong toàn bộ hệ thống tổ chức của đảng là phải hướng toàn dân toàn quân đi theo con đường của đảng. Là tuổi trẻ càng phải thấm nhuần vai trò của mình về mặt chính trị, vì là lực lượng hậu bị, là cánh tay đắc lực của đảng, ở bất cứ đâu.
Từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, người ta đã nghĩ đến tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Đó là cách tốt nhất để phát triển con người và xã hội. Không có tự do thì không có con người sáng tạo. Ở những xã hội phát triển, người ta coi việc phê phán nhà nước, phê phán pháp luật là điều cần thiết để giúp xã hội lành mạnh. Vì vậy, sống ở xã hội Hungary, được hít thở không khí tự do hơn các nước XHCN khác, tôi cũng muốn có sự thay đổi, ít ra là với cá nhân tôi.
Sống ở xứ sở của một dân tộc văn minh, nổi tiếng về các giải Nobel, văn học, âm nhạc, hội họa… như Hungary, tôi thấy mình ko thể sống bó hẹp theo khuôn khổ chật hẹp của ban quản lý LHS. Ít ra, về viết lách, và về phong trào báo tường thì tôi ủng hộ những gì phóng khoáng hơn, ko như những thứ chỉ thể hiện theo cách thức của văn hóa đảng từ báo đài ở các đơn vị/trường có nhiều LHS Việt Nam lúc đó.
Trong thời gian ở Hungary, tôi thường nhận được những món quà từ phương Tây do mẹ tôi gửi (bà là một thành viên trong phái đoàn của CPCMLTCHMNVN tham dự Hội nghị Paris). Trong số những thứ nhận được, tôi rất thích những tờ báo và tạp chí do Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp phát hành. Tôi đọc từ đầu đến cuối, chẳng bỏ sót chữ nào và nhận thấy: sinh viên Việt Nam ở Pháp tự do hơn, sống đúng với bản chất của thanh niên hơn chúng tôi. Điều này toát ra từ nội dung và hình thức của những tờ báo này, rất phong phú về đề tài và thật sự hấp dẫn tôi bởi là tiếng nói của giới trẻ có học thức.
Tôi rất muốn sinh viên Việt Nam ở Hung cũng có những ấn bản báo chí như bên Pháp* vì lúc đó do yêu cầu đào tạo để xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh nên số LHS rất đông. Tuy nhiên, nguyện vọng này ko được chú trọng. Ở các đơn vị/trường học ở Bp và những nơi khác, sinh viên phải sinh hoạt theo những quy định được chỉ đạo và quản lý chặt chẽ từ ban quản lý của sứ quán. Báo chí hay tin tức cũng vậy, tất cả đều từ dòng sữa đỏ của đảng để nuôi sống về mặt tinh thần của tất cả mọi người. Cứ có lệnh là tập hợp và họp hành, phê bình, kiểm điểm cũng như phổ biến các quy định về trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ học tập theo đúng chủ trương và chính sách của nhà nước với Tổ quốc.
Một tờ báo giấy là tiếng nói của LHS tại Hungary chỉ là mong muốn ko thể thực hiện của tôi lúc đó. Thông tin truyền thông của nhà nước vẫn đảm nhiệm vai trò giáo huấn, ko thể có 1 loại báo khác tồn tại, nếu ko do nhà nước điều hành, ko phải là 1 công cụ tuyên truyền đắc lực cho mọi đường lối của đảng nhằm phục vụ mục đích của cuộc cách mạng xây dựng CNXH ở miền Bắc và thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
Phần 2: Tạp chí của người Việt
Tôi biết đến Nhịp Cầu Thế Giới (NCTG) và ông chủ của nó trong thời gian gần đây. Tôi biết Nguyễn Hoàng Linh và liên lạc qua FB sau khi con gái tôi mở tài khoản FB cho cha mẹ vào năm 2008 trước khi cháu ra nước ngoài học ĐH với mục đích kết nối trong nội bộ gia đình. Khi đó, FB hầu như chỉ gồm sinh viên, học sinh và giới trẻ sử dụng. Chúng tôi là hàng hiếm, là sự xuất hiện bất ngờ gây nhiều ngạc nhiên trong nhiều lần tiếp xúc onl. Bây giờ, sự kết nối trên FB giúp bạn bè cùng trang lứa kết nối với nhau, trao đổi với nhau rộng rãi hơn so với cách đây 10 năm.
NCTG làm tôi chú ý bởi do một cựu sinh viên học tập ở Hungary chủ trương thực hiện. Tôi tìm thấy ở tờ báo này cái ý tưởng của mình năm xưa. Tôi gặp ở đây các bạn bè và những anh chị từng là LHS như tôi và những cảm nghĩ về đất nước và con người Hungary mà tôi từng biết. Hơn nữa, NCTG là tiếng nói của cộng đồng người Việt ở Hungary và sau 20 năm, cùng với ấn bản điện tử đã mở rộng cả về nội dung và nguồn lực cung cấp bài viết/thông tin cho các chuyên mục từ tin tức thời sự cập nhật hàng ngày, thông tin về văn hóa, giáo dục và giải trí... khá bài bản.
Bên cạnh sự độc lập và yếu tố khách quan về quan điểm chính trị, điều mà tôi chú ý ở tạp chí là nội dung và chất lượng của các bài được đăng. Về việc này TBT Nguyễn Hoàng Linh làm việc khá chặt chẽ và nghiêm túc. Thông thường với những hãng truyền thông lớn có tiếng tăm thì nói ra chính kiến rõ ràng là điều ko được phép vì ko thể là người của phe nào cả mới ko bị ảnh hưởng của bên nào và như thế mới là nhà báo trung lập. Luôn giữ được như thế là điều khó nhất. Tuy nhiên, với tạp chí tư nhân như NCTG thì có quyền ủng hộ bất cứ đảng phái, khuynh hướng chính trị nào.
Là 1 tờ báo tư nhân, nhưng NCTG đại diện cho cộng đồng người Việt ở Hungary, một mặt nào đó cũng là một phần của châu Âu nên tôi rất muốn đây là tờ báo có tiếng nói uy tín từ châu Âu. Vì vậy, việc cộng tác, ủng hộ và đóng góp của những người Việt Nam yêu đất nước, muốn có tiếng nói vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc đều đáng quý trong mọi lĩnh vực liên quan đến việc đi tìm cái Thật, cái Đẹp và cái Đúng. Tôi nói vậy, nhưng dẫu sao trong một nước thì vẫn có elite, có tầng lớp ưu tú, và tôi muốn NCTG cũng đại diện cho những người như thế.
Nếu có thể áp dụng trong chừng mực nào đó nguyên tắc cho mô hình truyền thông công cộng với NCTG có lẽ sẽ tốt hơn chăng? Nhưng vẫn duy trì được mô hình của truyền thông tự do, mọi quan điểm đều có chỗ phát biểu đại diện cho các nhóm người trong xã hội. Nhưng tạp chí phải giữ được màu sắc riêng của nó, và giữ được số lượng bạn đọc quan tâm có cùng quan điểm với những gì là tốt đẹp nhất giữ cho khuynh hướng đó tồn tại. Sự phong phú nằm ở cách nhìn của từng người khác nhau, quan trọng là những bài viết có chất lượng và được độc giả đánh giá cao.
Tôi muốn trích dẫn điều mà tôi thích từ một bài viết về truyền thông trên mạng xã hội mà tôi đọc được: "Có thể ví nền truyền thông tự do là một khu rừng đa dạng sinh học, có cây quả ngọt, có cây độc, có cây lim tạo bóng mát, có cỏ dại chống xói mòn. Rừng cây này tạo điều kiện cho nhiều thú vật, côn trùng sinh sống. Cây này chết đi, cây khác mọc lên. Đó chính là điều khác biệt với khu rừng mà chỉ một loại cây được sống. Độc canh là cách phá hủy môi sinh khủng khiếp nhất."
Phần 3. Mong muốn của tôi
Tôi muốn góp với NCTG tiếng nói của mình, như của một người thuộc tầng lớp dân đen, về nhân tình thế thái, về thời cuộc và thân phận của người Việt lúc này. Bởi tôi coi NCTG là một phần trong làn sóng lan truyền tư tưởng và nguyện vọng của những người yêu nước, luôn trung thực với tình cảm của mình dành cho một Việt Nam không chịu lệ thuộc và bị kìm hãm bởi bất cứ thế lực nào và vì một tương lai tươi sáng mai sau.
Thực tế đang cho thấy tình hình quốc tế đang chuyển biến rất xấu cùng với đại dịch Vũ Hán: từ khi toàn cầu hóa bắt đầu 40 năm trước, nhờ Trung Quốc mà nhiều người đã kiếm được rất nhiều tiền đến nỗi họ đã quên rằng Trung Quốc vẫn là chế độ độc tài Cộng sản tồi tệ như Liên Xô của Stalin. Và dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đang ra sức ép buộc/áp đặt cái ách của Bắc Kinh lên nhiều nước khác. Đến lúc này, chúng vẫn là thế lực thù địch của Việt Nam, con virus mang tên chinazi với bộ mặt của Tập Cận Bình đang gieo rắc thảm họa trên toàn thế giới với mưu đồ đại bá. Nhưng thật ngược đời, chính quyền Việt Nam lại coi Trung Quốc là cùng phe, như hai đảng anh em có chung đường lối đi lên cnxh đặc sắc.
Ko như những gì trên truyền thông luồng đỏ vẫn hàng ngày tuyên truyền. Và thực tế vẫn cho thấy: những năm sau chiến tranh đã không giúp Việt Nam trở thành một xã hội ấm no, càng không phải là một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc. Thời bao cấp nghèo khổ, nhưng thời đó con người yêu thương nhau hơn. Giờ thì một ngày có biết bao chuyện kinh hoàng xảy ra. Chúng ta đã đánh mất những thứ tốt đẹp ta từng có trong thời kỳ chiến tranh.
Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt. Những gì tôi đã trải qua cũng là những điều mà nhiều người khác cảm nhận: đó là tình cảnh của một xã hội mà tôi coi là không xứng đáng với con người. Tôi muốn để sự vật nói lên bởi sức mạnh của sự vật, cũng là sức mạnh của sự thật, lớn hơn mọi lời lẽ được thể hiện bằng từ ngữ hoa mỹ nhưng chỉ che đậy sự dối trá. Sự thật của những gì bị bưng bít lâu nay phải bị phơi bày. Không ai có thể mãi mãi khư khư ôm thù hận trong lòng trong suốt cuộc đời, và tôi cũng vậy.
Và như một anh bạn mà tôi thường đọc trên mạng đã nhận xét: Nghèo đói, môi trường bị tàn phá, cơ hội làm ăn mờ mịt, bất công, tham nhũng, thiếu tự do, không minh bạch… Đó là những lực đẩy khổng lồ, đẩy người Việt, giàu cũng như nghèo bỏ nước ra đi. Chứ không phải sức hút của những lời lừa bịp.
Hiện trạng nước nhà cho thấy: xã hội ko có những người đại diện xứng đáng. Những nhân tài ưu tú ko thuộc về thể chế của những người có chức có quyền. Hầu hết quan chức là những kẻ bất tài, vô dụng, ăn bám vào những vinh quang trong quá khứ và lợi ích nhóm. Một chính phủ tham nhũng với hệ thống quan lại ko còn danh dự và sự tự trọng, từ tư cách cá nhân đến trách nhiệm đối với dân, với nước
Tổ quốc cần những nhân tài có tâm để kiến hưng đất nước chứ ko phải những kẻ vô lại bất lương đang phá nước hại dân trong cái guồng máy mục ruỗng, bề ngoài thì hùng hậu nhưng chẳng ai hết lòng làm một việc gì.
Và tôi cũng đồng ý với Đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả của phim Chuyện Tử Tế: Tôi nghĩ rằng nếu tin tưởng vào chế độ thì tốt nhất hãy làm cho người dân hạnh phúc là tử tế nhất.
(*) Note: Ấn bản này phải của Hội Sinh viên/LHS & những người làm công tác nghiên cứu chuyên sâu về học thuật @ Hungary, ko phải dạng báo chí ''quốc doanh''có định hướng tuyên truyền của SQ!
No comments:
Post a Comment