Sunday, December 12, 2021

Một cái nhìn từ nước Đức: Liên minh cầm quyền 3 đảng

 Di sản của Angela Merkel và cột đèn giao thông

Tối hôm 02/12 vừa qua, người Đức đã chứng kiến trực tiếp qua truyền hình sự xúc động của bà Angela Merkel trong buổi lễ duyệt binh tiễn bà rời nhiệm sở. Ba bản nhạc ưa thích nhất của bà được dàn quân nhạc biểu diễn đã khắc họa tâm hồn Merkel một cách chân thực.

Bài “Chúng con ca ngợi Chúa vĩ đại“ bà từng thuộc lòng khi đi nhà thờ (cha bà là mục sư). Bài „Hãy mưa hoa hồng cho tôi“ nói lên nỗi thèm muốn có con của người phụ nữ và bản nhạc ăn khách năm 1974 của ca sỹ Đông Đức Nina Hagen là kỷ niệm của bà về thời nữ sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Con người Angela Merkel

Tuy không đồng ý với nhiều chính sách của bà, nhưng tôi cảm nhận ở bà tính chân thực (authentic), sự liêm chính và lòng nhân ái. Bà không đóng kịch và không biết giấu cảm xúc. Khi đội tuyển Đức làm bàn, bà mừng vui như đứa trẻ. Khi gặp lại cô bé Palestine bị trục xuất vì chính sách của bà, bà sốc thực sự. 

Quyết định mở cửa biên giới mùa thu 2015 để nhận một triệu người tỵ nạn Trung Đông bị rất nhiều người phê phán, nhưng đó là quyết định của trái tim một phụ nữ Đông Đức, đã từng chứng kiến sự đau khổ của 3,5 triệu đồng bào tỵ nạn trong suốt 40 năm. 

Sau khi lên cầm quyền năm 2005, bà giữ lời hứa với giới công nghiệp, kiên quyết xóa bỏ kế hoạch phi hạt nhân năng lượng của chính phủ Schröder và đảng Xanh. Nhưng chỉ hai đêm mất ngủ sau thảm họa Fukushima thôm 11/3/2011, chính bà lại ra quyết định từ bỏ hạt nhân trở lại. Là lãnh đạo một đảng bảo thủ, những quyết định về tỵ nạn hay điện hạt nhân của bà làm các đảng cánh tả mất phương hướng và nội bộ đảng của bà bất ổn. 

Nhưng Angela Merkel luôn sẵn sàng vượt qua cái bóng của mình, qua cả ý thức đảng.

Bà sống giản dị nên trong suốt cuộc đời chính trị từ 1991 đến nay không hề để lại chút tai tiếng. Từ sử dụng xe công đến chuyên cơ đều rạch ròi.

Không phải là người phụ nữ thép như Magaret Thatcher hay Golda Meir, nhưng Merkel rất nhậy cảm với quyền lực. Lúc mới tham gia chính trị, bà phải vượt qua sự ngạo mạn của giới đàn ông Tây Đức, không hề chịu lép vế bởi thân phận vừa phụ nữ, vừa miền Đông của mình. Không đao to búa lớn, bà lần lượt đánh bại tất cả các đối thủ chính trị như Friedrich Merz, Roland Koch, Christian Wulff, khẳng định vị trí số một trong đảng CDU suốt 21 năm qua. 

Có lẽ vì vậy mà người ta trách bà tạo ra khoảng trống quyền lực không bù đắp được sau khi từ nhiệm. Tuy vậy, bà vẫn giữ được sự đàng hoàng chính trị khi cần thiết. Quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Olaf Scholz trong hai tháng qua là một ví dụ mẫu mực của sự đàng hoàng. Bà không tranh thủ những ngày cuối để đưa ra các quyết định làm khó cho đối thủ sau này. Ngược lại, bà mời ông Scholz cùng bà gặp gỡ tay đôi với các nguyên thủ khác tại GOP 26 ở Glasgow. 

16 năm cầm quyền và 5 năm làm chủ tịch đảng CDU trước đó của Angela Merkel không mang những dấu ấn như của Helnut Kohl, người đã thống nhất đất nước, hay như Willy Brand, kiến trúc sư của hoàn hoãn Đông-Tây Âu, hoặc câu chuyện thần kỳ kinh tế Đức của Ludwig Erhard. Dấu ấn của Merkel là hình ảnh một nước Đức yêu hòa bình, nhân đạo và hòa hợp dân tộc. 

Di sản của Merkel 

Liệu cuộc bầu cử ngày 26.9 có đưa nước Đức về phía tả, như một số người nhận định, thì chưa rõ. Nhưng chắc chắn nước Đức đã mong đợi sự thay đổi này. Chiến thắng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã được dự báo từ trước năm tuần. Những người ban đầu đổ tội thất bại của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo CDU/CSU cho ông Laschet, một ứng cử viên không may mắn, rồi cũng nhìn nhận kết quả mang tính xu thế này. 

Đa số người Đức ca ngợi và đánh giá cao tài lãnh đạo của Angela Merkel. Trong 16 năm cầm quyền của bà, nước Đức đã tăng trưởng kinh tế liên tục 14 năm (trừ hai năm cuối cùng bị đại dich Corona). Năm 2002, Đức bị EU cảnh cáo vì mức thâm hụt ngân sách trên 3%.  Năm 2007, chỉ hai năm sau khi bà lên cầm quyền nước Đức đã có thặng dư ngân sách và bắt đầu trả dần nợ công. Cho dù đây là thành quả của các biện pháp thanh giảm chi phí xã hội mà ông Schröder đã tiến hành trước đó, nhưng công của Merkel là đã giữ cho sự năng động (dynamic) không bị mất đi. Thành quả này càng rõ nét hơn, khi nền kinh tế Đức tiếp tục vững vàng vượt qua các cuộc khủng hoảng Hy-Lạp, khủng hoảng tài chính Euro, trong khi phần lớn Châu Âu bị chao đảo. 

Bằng sự trầm tĩnh đến mức lạnh lùng, bà Merkel cũng đã khôn khéo xử lý mối quan hệ phức tạp với các đồng nghiệp „dữ tướng“. Bà đã dàn xếp được với tổng thống Erdoğan chấp nhận 4 triệu người tỵ nạn Syria ở lại Thổ Nhỹ Kỳ để đổi lấy 6 tỷ EUR viện trợ của EU, đã thuyết phục tổng thống Putin ký hiệp ước Minsk để giảm nhiệt cuộc nội chiến Ucraina. Bà đã khôn khéo giữ cho mối quan hệ Đức-Mỹ không bị đóng băng trong bốn năm cầm quyền của Donald Trump, mặc dù ngay từ đầu nhiệm kỳ ông ta cử Richard Grenell, một chính khách diều hâu sang làm đại sứ để dằn mặt Đức.

Còn nhiều điểm son nữa trong thời kỳ cầm quyền của bà Merkel đươc ghi nhận. Tuy nhiên những điều đó không thể đảo ngược ý nguyện muốn thay đổi của cử tri, kế cả khi bà Merkel bỏ qua thông lệ, cố nhảy vào ủng hộ người kế tục Armin Laschet khi thấy ông này hụt hơi.

Cử tri muốn xóa đi những vết tối sau đây trong di sản của bà. 

Đại liên minh buồn tẻ 

Nền chính trị của nước Đức luôn sinh động vì hai đảng lớn (gọi là hai „Đảng Nhân Dân“, Volkspartei): Liên minh Thiên chúa giáo CDU/CSU (bảo thủ) với hơn 600.000 đảng viên và Đảng Dân chủ Xã hội SPD (cấp tiến) với 470.000 đảng viên luôn thay nhau cầm quyền hoặc ngồi ghế đối lập. Nhờ thế mà việc hoạch định chính sách trong quốc hội luôn nóng và ra ngô ra khoai. Nền dân chủ lành mạnh nhờ đối lập mạnh. 

Trong bốn nhiệm kỳ thì bà Merkel phải liên minh 3 nhiệm kỳ với đối thủ chính trị SPD trong thế „Đại liên minh“.

Đại liên minh của hai đảng lớn cầm quyền khiến cho phe đối lập gồm các đảng nhỏ chới với. Trong nhiệm kỳ 2005-2009, cả ba đảng: Xanh (die Grünen với 75.000 đảng viên), đảng Cánh tả (Die Linke với 62.000 đảng viên) và đảng Dân chủ Tự do (FDP, theo khuynh hướng neoliberal, với 70.000 đảng viên) hợp lại không có nổi 30% số ghế trong quốc hội. Nước Đức gần như lâm vào cảnh không có đối lập. 

Đại liên minh không chỉ gây khó khăn cho phe đối lập, mà làm cho chính hai đảng lớn cũng khốn khổ. Đảng SPD liên minh với bà Merkel, luôn phải đóng vai anh bồi bàn nên uy tín xuống thấp đến mức có lúc chỉ được 14% dân tín nhiệm. Bầu cử năm nay, cả hai đảng đều bị tụt xuống mức 25% (SPD) và 21% (CDU/CSU). Cả hai mất đi tính chính danh của „Đảng Nhân Dân“ (vốn ở mức 35% trở lên).

Olaf Scholz thắng cử lần này chính vì lời hứa: Kiên quyết không lập “Đại liên minh“. 

Suy yếu của hai „Đảng Nhân Dân“ cũng như sự lúng túng của các đảng đối lập trên đây tuy không phải là nguyên nhân, nhưng cũng góp phần cho đảng cực hữu AfD lọt vào quốc hội từ năm 2017 với 12,6%. Sự có mặt trong quốc hội của những kẻ chủ trương „Nước Đức cho người Đức“ đã thay đổi về căn bản nền chính trị Đức.

Cải lương thay cho cải cách 

Vì đối lập yếu mà hai ông lớn dĩ hòa vi quý với nhau nên cả hai đều mất đi mầu sắc bảo thủ hay cấp tiến của mình. Hậu quả của sự pha mầu nhờ nhờ đó là những cải cách nửa vời.

Đức kiên quyết từ bỏ điện hạt nhân vào năm 2022, nhưng việc mở rộng mạng lưới tải điện gió từ biển Bắc về các bang công nghiệp phía Nam dậm chân tại chỗ từ 6 năm nay. Hậu quả là các bãi điện gió phải khóa turbin. 

Đại dịch covid xảy ra, chính phủ bắt học trực tuyến khi các trường không được trang bị đầy đủ. Liên bang và bang cãi nhau về kinh phí hiện đại hóa giáo dục chưa xong thì lòi ra là hệ thống mạng không thể đáp ứng việc học trực tuyến cho rất nhiều vùng. Vấn đề này cấp bách đến mức chính phủ tới đây của ông Scholz phải lập một bộ lo về số hóa.

Người Đức luôn đi đầu trong bảo vệ môi trường nên người dân không thỏa mãn với những biện pháp nửa vời của chính phủ. Trong đợt bầu cử vừa qua có gần một triệu cử tri của bà Merkel chạy sang bầu cho đảng Xanh. Đó chính là sự bất bình của dân chúng. Chính phủ mới đang dự định rút khỏi điện than vào năm 2030, thay vì cái đích 2036 của bà Merkel. Đó là sức ép của cải cách.

Pháp luật và hành chính quan liêu trì trệ

Người Đức coi trọng pháp luật và có hệ thống giấy tờ hoàn chỉnh từ thời các vua Phổ. Trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa các thủ tục hành chính kiểu Đức là một gánh nặng. Chúng không chỉ làm mất sức cạnh tranh, mà còn bỏ lỡ nhiều cơ hội. Từ lâu người ta đã tuyên chiến với nạn quan liêu giấy tờ. Cho đến nay, vấn nạn này không bớt đi.

Trường hợp sân bay quốc tế Berlin-Brandenburg được lên kế hoạch từ 1991, mãi đến 1999 mới khởi công là một ví dụ điển hình của chế độ quan liêu. Kế hoạch ban đầu là 2007 khai trương, nhưng  bị lùi đi lùi lại 5-6 lần, trải qua hàng trăm cuộc thẩm định, để rồi cuối tháng 10.2020 mới xong, đội giá từ 2,7 tỷ lên suýt soát 6 tỷ EUR.

Để giảm khí thải từ xe tải, chính phủ có kế hoạch “Chuyển hàng hóa sang đường sắt”, nhưng việc mở rộng và hiện đại hóa mạng đường sắt cũng không tiến nhanh được, y như việc xây đường cao thế tải điện gió Bắc-Nam nói trên. Vấn nạn thiếu nhà ở cho thuê, chậm trễ trong việc cải tạo mạng cáp băng rộng…, tất cả đều có một thủ phạm chung là quy trình cấp phép phức tạp.

Giá đắt của nền kinh tế 

Sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Đức bất chấp khủng hoảng trong khu vực EURO có cái giá của nó. Không chỉ các cáo buộc của đảng Xanh về thái độ nhân nhượng của chính phủ Merkel trước giới Lobby công nghiệp và giao thông, mà những phê phán của các  NGO’s về những yếu kém trong chính sách xã hội, y tế, chăm sóc người già đã làm liên minh CDU/CSU mất hơn 3 triệu cử tri.

Virus Covid-19 đã bộc lộ sự mất cân bằng giữa kinh tế và xã hội. Nước Đức không thiếu giường cấp cứu ICU, nhưng thiếu điều dưỡng viên phục vụ các cơ sở này. Lương thấp và chế độ làm việc nặng nhọc đã khiến hàng chục ngàn người bỏ nghề. Trong lĩnh vực chăm sóc người già, chăm sóc người bệnh tại gia, vẫn đề cũng tương tự.

Covid-19 còn cho thấy một nước Đức rất dễ bị tổn thương. Đại cường quốc công nghiệp này không làm ra được khẩu trang, vì thiếu kim may, không sản xuất kịp thuốc tiêm vì thiếu vật tư đóng chai… Nhà cung cấp lớn nhất cho công nghiệp Đức là Trung Quốc, nơi mà thủ tướng Merkel đã 12 lần đến thăm.

Người ta không quên việc năm 2015 bà đã đưa được nghệ sĩ TQ Ngải Vị VỊ đang bị giam lỏng sang Berlin sinh sống. Tháng 7.2018, nhờ can thiệp của bà mà Lưu Hà vợ ông Lưu Hiểu Ba cũng được phép sang Đức chữa bệnh. Để làm được việc đó, bà phải có quan hệ đặc biệt với Tập Cận Bình. Nhưng quan hệ đó trước tiên để giữ cho bang giao kinh tế Đức-Trung nồng ấm, hơn là nhằm bảo vệ phong trào dân chủ Hong Kong hay quyền sống của người Uyghur. 

Trong vấn đề nhạy cảm này, bà Merkel cuối cùng cũng thú nhận là đôi khi không “cảnh giác” trước thách thức của đế quốc mới trỗi dậy. 

Liên minh “đèn giao thông” – đỏ - xanh -vàng

Xưa nay Đức chỉ có các liên minh cầm quyền hai đảng. Sự có mặt của đảng cực hữu AfD trong quốc hội khiến người ta phải tiến hành liên minh ba đảng. Màu cờ của các đảng tạo thành màu như cột đèn giao thông: đỏ-xanh-vàng. Giấc mơ liên minh Xanh-Đỏ của cánh tả Đức tan vỡ. Đảng Dân chủ Tự do FDP (màu vàng) tham chính không chỉ tạo ra cột đèn giao thông trong ngôn ngữ, mà là một đòi hỏi của xã hội: hãy điều tiết dòng chảy một cách thông minh và hiệu quả hơn.

Mặc dù chính quyền mới chưa cầm quyền, nhưng có thể tóm tắt là: Olaf Scholz, đại diện cho khối “kỹ trị” trong đảng SPD, đã gắn kết được nhóm “thực tế” (realo) trong đảng Xanh và nhóm trung dung trong đảng FDP vào cương lĩnh chung của chính phủ. 

Vấn đề môi trường thì tất cả các đảng đều đem ra vận động tranh cử, nhưng ba đảng này có một điểm chung: Họ có đều được giới trẻ hậu thuẫn. Do vậy tham vọng sớm đạt “trung hòa khí thải” rất lớn.  Đảng FDP thiên về kinh tế cũng chấp thuận xem xét kế hoạch rời khỏi điện than vào năm 2030 của đảng Xanh.

Bên cạnh những tồn đọng từ chính quyền Merkel để lại, chính phủ Olaf Scholz phải đối phó với hàng loạt thách thức mới. Virus biến chủng mới Omicron và công bằng quốc tế về vaccine, xung đột Nga-Ukraine và đường ống Nord Stream 2, khủng hoảng Belarus và thái độ của EU đối phó với chính phủ cánh hữu ở Ba Lan, Hungary... Ngoại trưởng mới, Annalena Bearbock, người ủng hộ nhân quyền lâu nay, sẽ phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn với các quốc gia vi phạm. Bà Baerbock không loại trừ khả năng chính phủ Đức tẩy chay Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh đầu năm 2022 và cấm vận hàng hóa sản xuất từ Tân Cương.

Còn quá sớm để đánh giá chính phủ Đỏ-Xanh-Vàng. Nhưng chắc chắn rằng khi họ lên cầm quyền với đối lập mạnh như liên quân CDU/CSU, chính trường Đức sẽ sôi động trở lại. 

Lễ duyệt binh tiễn bà Merkel hôm 2.12.2021 tại Berlin

Thủ tướng mới Olaf Scholz tuyên thệ nhậm chức

Bà Merkel bàn giao quyền lực cho ông Scholz tại Phủ thủ tướng ngày 8.12.2021

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Xuân Thọ, định cư tại Cologne, Đức.

Bài trên BBC: https://www.bbc.com/vietnamese/world-59577150

No comments:

Post a Comment