Triết gia Trần Đức Thảo và ‘Những lời trăng trối’
Trong những huyền thoạì về người Việt đi học ở Pháp thì hai câu chuyện nổi tiếng nhất có thể nói là hai trường hợp Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo.
Một người thi lấy hai bằng tiến sĩ (văn chương và luật học) ở tuổi 23, còn người kia thì nổi tiếng là học giỏi, giỏi về một ngành ít ai ở Việt nam theo học, triết học phương Tây, mà lạị còn là triết học của Đức giỏi tới mức có lúc tranh cãi với Jean-Paul Sartre ở Pháp trên tạp chí Les Temps Modernes mà còn được xem là thắng thế.
Thế rồi hai cuộc sống lại là hai thảm kịch thuộc vào hàng lớn nhất của người trí thức Việt nam trong thời cận hiện đại.
Đi theo kháng chiến chống Pháp, cả hai đã được mời làm giáo sư Đại học, thậm chí cả khoa trưởng Luật trong trường hợp ông Tường, nhưng chẳng bao lâu, sự độc lập tư tưởng của họ đã đưa họ đến chỗ đối đầu với chế độ toàn trị đang phủ trùm xuống miền Bắc.
Trần Đức Thảo tham gia vào phong trào đòi dân chủ, tự do cho các văn nghệ sĩ và trí thức bằng một bài viết trên tờ Giai Phẩm mùa Đông (Tập I năm 1956) chỉ trích các “bệnh nặng nề: quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, bè phái và sùng bái cá nhân” và một trên báo Nhân Văn số 3 (ra ngày 15-10-1956) khẳng định: “Người trí thức hoạt động văn hoá cần tự do như khí trời để thở”.
Trần Đức Thảo từ Pháp xin về để phục vụ ‘cách mạng’ năm 1951. Ông về trong tin tưởng là cách mạng Việt nam có thể khác được các cách mạng Cộng sản đàn anh của nó. Ông về với lòng tin trong sáng là Marx đúng, chỉ những người đem chủ thuyết của Marx ra thực hiện là đã sai: những bi kịch của cách mạng Nga, cách mạng Tàu bị xem là những sai lầm khủng khiếp của Stalin, Mao…. Ông về với ảo tưởng là ông có thể đem những hiểu biết ‘đúng’ của ông về chủ thuyết Marx góp ý cho lãnh đạo Việt Nam tránh được những sai lầm tai hoạ kia.
Năm 1991, ông được cho sang Pháp chữa bệnh. Tại đây ông đã đồng ý cho nhà văn Phan Ngọc Khuê thâu âm những lời ông kể về cuộc đời của mình đã bị chính quyền CSVN gạt ra lề như thế nào, và xã hội VN dưới chế độ CS từ cuộc cách mạng ruộng đất cho tới khi đổi mới, qua cái nhìn của ông. Ông cũng cho biết tham vọng của ông muốn xuất bản 1 cuốn sách mà ông đang âm thầm viết. Cuốn sách mà ông hứa: “Khi cuốn sách này được xuất bản thì các anh sẽ thấy mọi nút thắt, mọi trói buộc, mọi sức ép sẽ được tháo gỡ ra cho bằng hết… để minh bạch vấn đề công tội trong lịch sử… Công của ai, tội của ai? Đấy là cách chuộc tội của Trần Đức Thảo này!”. Những đoạn ghi âm này sau khi ông chết được nhà văn PNK viết thành sách và xuất bản với tựa đề ‘Những lời trăng trối’.
Khi bị sứ quán gây áp lực tới mức không cỏn lối nào thoát, thì ngoài mặt ông đành tỏ vẻ chấp nhận bỏ dở dự tính công bố cuốn sách ở Paris, để được tạm yên, nhưng bề trong ông nhờ bạn bè thân tìm chỗ ở khác cho ông, vì khi đó ông vẫn sống ở nhà khách của sứ quán (số 2 đường Le Verrier, Paris). Ông báo cho nhà văn PNK biết là chính quyền VN gọi ông về nước vì không muốn ông tiếp tục viết sách, nên ông sẽ tuyên bố ly khai và xin tỵ nạn và sẽ công bố cuốn sách ông đang âm thầm viết. Căn nhà mới đã sẵn sàng, phòng họp để ông tuyên bố ly khai cũng đã sẵn sàng, nhưng chưa kịp làm những chuyện ấy thì ông bị đột tử. Ông mất ngày 24/4/1993, thọ 77 tuổi.
Sau đây là lời nói của ông thuật lại cuộc gặp gỡ hy hữu với người mà trong cuốn sách 'Những lời trăng trối' đã viết hoa là ‘Người’ và ‘Bác’, chứng tỏ chế độ CS còn phong kiến không kém gì thời vua chúa.
Chỉ chừng non một tuần, sau khi tôi về đến an toàn khu (ATK). Lần gặp ấy đã mở rộng con mắt, đã soi sáng đầu óc tôi một cách thật sâu xa và đầy cay đắng…
Lần ấy, khoảng cuối năm 1952, lúc tôi đang vô cùng hoang mang thắc mắc, bực bội trong lòng vì tôi biết là đảng đang triệu tập một hội nghị rộng rãi cấp cao quan trọng tại Tân Trào, ở ATK này, mà tôi lại không được mời tham dự.
Nhưng rồi xảy ra một vụ việc làm tôi cực kỳ xúc động: có lệnh truyền xuống để chuẩn bị đưa Trần Đức Thảo đi chào ‘Bác’! Thật là hồi hộp và mừng! Tâm trí lúc ấy tràn đầy hi vọng nên quên hẳn những dấu hiệu đang bị phân biệt đối xử!
Rồi giờ phút của sự thật, giữa ‘ông cụ’ và tôi, đã tới: một cán bộ đặc biệt được phái tới. Đây là một cán bộ giao liên đã đứng tuổi, chẳng những tỏ ra am hiển về địa hình, địa lý của vùng ATK này, mà còn rất thông thạo về lễ tân trong ‘đảng’.
Vì đấy là cán bộ chuyên đảm trách việc đưa, đón, hướng dẫn khách quý của ‘Trung ương’! Cán bộ này trịnh trọng cho tôi biết ông ta là chuyên viên ‘ban lễ tân của bộ ngoại giao’, nghĩa là cán bộ cấp cao của Trung ương, chuyên hướng dẫn, chuẩn bị thật kỹ những ai sẽ được đưa tới gặp ‘Hồ chủ tịch’, mà cán bộ lễ tân này nói một cách kính cẩn là sẽ được hướng dẫn về một số nghi thức phải tuân thủ khi được diện kiến ‘Người’!
Cán bộ lễ tân này dặn dò từng chi tiết rất tỉ mỉ, chứng tỏ một sự tôn vinh, sùng bái tuyệt đối:
- Yêu cầu của ban lễ tân là đồng chí phải thận trọng trong từng cử chỉ, từng lời nói khi gặp ‘Người’. Thứ nhất là cần nhớ rằng khi gặp thì phải đứng xa ‘Người’ ít ra là ba mét! Chỉ khi ‘Người’ ra dấu, ra lệnh, mới được lại gần hơn. Thứ nhì là không được tự ý nói leo, ‘Người’ có hỏi câu gì thì mới được phép trả lời. Mà phải trả lời đúng vào câu hỏi đó, tuyệt đối không được tự ý nói thêm, nói ra ngoài câu hỏi. Thứ ba là không được chào trước, nói trước. Thứ tư là không được xưng ‘tôi’, y như là ngang hàng với ‘Người’.
- Nếu không được xưng tôi thì xưng bằng gì?
- Đồng chí có thể xưng bằng ‘con’, hay bằng ‘cháu’, và phải gọi Người bằng ‘bác’ như đồng bào vẫn gọi… Những mệnh lệnh này là quan trọng, đồng chí phải ghi nhớ cho kỹ, kẻo làm hỏng cuộc diện kiến với ‘Người’ là tai hại lắm đấy. Không phải ai ở đây cũng đã được tới gần để chào ‘Người’ đâu.
Sự chuẩn bị kỹ như vậy làm tôi rất bồn chồn, nhất là lúc giao liên tới dẫn đi gặp ‘Người’.
Lúc đó là sáng sớm tinh sương, con đường mòn xuyên rừng, xuyên núi còn đẫm sương đêm, chưa nhìn rõ những hiểm trở dưới chân. Đi khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, trời hửng sáng, thì tới một trạm giao liên khác, cũng là trạm kiểm soát. Vì khi ngồi chờ ở trạm này, thì thấy có hai giao liên khác dẫn hai đoàn người vừa ở hội nghị về. Tại đây, giao liên của mỗi đoàn phải trình giấy chứng minh thư của từng người trong đoàn, để cán bộ thường trực của trạm ghi vào sổ.
Rồi hai đoàn người ấy mới được đi qua.
Băn khoăn đợi ở trạm này mãi đến gần trưa, bỗng từ xa có một hồi còi tu huýt dài tiếng, như loại tu huýt của các hướng đạo sinh, vẳng tới. Lát sau một sĩ quan bộ đội ‘tiền phương’, mặc quân phục gọn gàng, vai đeo ‘tếp’ vải, bên sườn, đeo súng ngắn K54, đi rất nhanh tới rồi chỉ về phía tôi hỏi gay gắt như quát, rất hách:
- Ai đấy? Đã nghe thấy còi báo rồi, sao lại còn có người ngồi ở đây?
Giao liên của tôi vội trình ra một tờ giấy, rồi nói:
- Báo cáo đồng chí, tôi được lệnh đưa đồng chí này mới ở bên Tây về, tới đây chờ để được kính chào ‘Bác’.
- Đồng chí đã chuẩn bị kỹ đối tượng chưa? Đã tập huấn những quy định để gặp ‘Bác’ chưa?
- Báo cáo đồng chí, tôi đã chuẩn bị, chỉ dẫn đầy đủ rồi.
Chờ khoảng mười lăm phút sau, lại một hồi còi tu huýt như tiếng sáo thật dài nữa vẳng tới, một toán bộ đội gồm bốn người, trong quân phục y như người tiền trạm, tay cầm súng trường Tiệp Khắc, đi tới và nhìn ngó chung quanh, rồi nói câu gì với người tiền trạm rồi lại đi ngay. Bây giờ thì tất cả người làm việc trong tiền trạm phải đi ra xa. Chỉ có một giao liên cùng tôi là được ngồi đó chờ.
Lát sau nữa, lại một toán bộ đội đi tới gần khoảng năm mét, dừng lại, ghim súng trường chĩa về phía trạm giao liên, sẵn sàng can thiệp… Rồi lặng lẽ từ trong rừng sâu, xuất hiện một cụ già gày còm, khô khóc, lất phất chùm râu cằm, bước chân nhanh nhẹn, quần áo bạc mầu nâu nông dân, quần xắn lên gần đầu gối, tay cầm một khúc tre già làm gậy, vai khoác tấm vải nhựa rộng như áo mưa màu xanh lá cây xậm, đầu đội mũ ‘cát’ kiểu thuộc địa bọc vải, như loại công chức Tây thường đội, nhưng là màu xanh lá cây. Người ấy đi ngang qua, nhìn vào chòi lá của trạm giao liên rồi cất tiếng hỏi, giọng đặc sệt Nghệ Tĩnh:
- Đồng chí nào ở trong ấy đấy?
Giao liên của tôi chạy ra, đứng thật nghiêm, cách khoảng ba mét, kính cẩn nói:
- Xin báo cáo Bác, con được lệnh đưa đồng chí Thảo mới ở bên Tây mới về, tới chào Bác!
Nói rồi, tay ra hiệu vẫy. Tôi vội bước ra, đi gần người ấy, đúng khoảng ba mét thì dừng lại, rồi cũng đứng rất nghiêm, im lặng chờ chứ không dám chào trước. Rồi ‘Người’ tiến lại gần tôi còn chừng một mét, nhìn chằm chằm vào tôi, như lục soát trí nhớ, tìm kiếm điều gì, rồi nói:
- À! Chào chú Thảo! Chú về đây đã được bao lâu rồi?
Lúc đó tôi mới dám đáp lại:
- Cháu xin kinh chào Bác! Cháu về đây đã được năm hôm rồi.
Người đưa tay phải tới, hai tay tôi vội đỡ lấy bàn tay ấy. Bàn tay ‘lãnh đạo’ thật nóng ấm. Tôi cúi đầu, nắm chặt bàn tay ấy một hồi, rồi ngửng mặt lên nhìn kỹ ‘Người’, và nói với giọng run run vì xúc động:
- Cháu rất vui mừng được về quê hương và được gặp Bác ở đây.
Nỏi xong mới buông bàn kia tay ra, nhưng vẫn đứng nghiêm và cố nhìn thêm cho kỹ khuôn mặt xương xương, khắc khổ, con mắt tinh anh, sắc bén, cũng đang chăm chú nhìn tôi. Cái nhìn thật soi mói. Hai bên nhìn thẳng vào mặt nhau giây lát, Tôi bỗng rùng mình, cảm thấy như bị một luồng khi lạnh truyền khắp thân thể, nên hơi run.
Rồi hơi ngần ngừ, ‘Người’ nói, với vẻ mặt thật nghiêm:
- À này chú Thảo! Bác biết ở bên Tây, chú đã đọc nhiều sách vở, nhưng bây giờ về đây thì chú phải gắng mà học tập nhân dân, nghe không! Thôi bác có hẹn nên phải đi kẻo trễ.
- Vâng, cháu xin tuân lời bác. Và cháu xin chào Bác!
Nhưng ‘Người’ đã quay mặt, rảo bước thật nhanh, đi ngay, không chú ý tới lời chào của tôi. Cả đoàn tuỳ tùng, từ nãy đứng tạo thành vòng tròn ở xa chung quanh, cũng vội vã đi như chạy theo.
Trên đường trở về, đầu óc tôi bị xúc động mạnh, cứ bối rối vì cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, quá ngắn ngủi vừa rồi, không còn để ý tới cảnh vật chung quanh. Đi bộ xuyên rừng núi trở về tới ‘nhà’ thì đã gần tối. Giao liên phải ngủ lại đó, để sáng mai cuốc bộ trở lại trạm gốc.
Riêng tôi thì vẫn liên miên nghĩ ngợi, phân vân, cố ôn lại xem mình đã có cảm giác như thế nào khi đã gặp ‘Người’!
Mà tại sao ‘Bác’ đã dặn đò mình một câu như thế?
Đêm ấy nằm mà cứ trăn trở, cứ chợp ngủ, rồi chợt thức, chợp mắt một lúc là đầy mộng mị kéo tới. Lúc tỉnh dậy mà vẫn còn bàng hoàng, toát mồ hôi. Sáng ra, tôi cố ổn định tâm thần, lấy lại bình tĩnh để suy nghĩ tìm hiểu về cuộc gặp gỡ vừa qua. Dĩ nhiên là ‘Người’ đã biết trước, đã cho phép, đã chấp nhận cho gặp, chứ không phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ.
Hai thắc mắc chính cứ dằn vặt trong đầu: Sự gặp mặt ngắn ngủi như vậy là có ý nghĩa gì? ‘Người’ là thế nào? Sao mọi người bắt phái kính cẩn gọi là ‘Bác’?
Trong chương “Giải mã lãnh tụ”, ông nói thêm:
Tôi thú nhận là mình lúc đầu vì còn trẻ, quá ngây thơ, nên đã kỳ vọng nhiều vào tình cảm của ‘ông cụ’. Cứ tưởng đấy là một con người bình thường, dễ kết thân, mà không hiểu được là trong thực tại cách mạng, đã có một khoảng cách khó vượt qua để tới gần được lãnh tụ! Bởi chung quanh lãnh tụ là cả một thành luỹ bè phái vây quanh, bao phủ, với những con mắt, những cái tai, những bàn tay của những thế lực nghi kỵ nhau, kình chống nhau rất phức tạp. Trong chế độ tương tự, trong đường lối hành động và tổ chức cứ như vậy, ngay từ thời Lénỉne, cho tới Stalin, cho tới Mao và nay tới thời ‘bác Hồ’, đã hình thành cả một truyền thống đối xử rất nghiệt ngã giữa các ‘đồng chí’ ở cấp lãnh đạo, ở cấp Trung ương. Họ đã từng hạ bệ nhau, từng chèn ép nhau không chút nương tay, không chút thương hại, để qua mặt nhau, để gạt bỏ nhau! Nói chi tới những kẻ bị xếp vào loại ‘đối thủ tiềm ẩn’, loại ‘có vấn đề’, loại phản động, kẻ thù ...
Vì thế càng về sau này, tôi càng khám phá ra rằng mọi cuộc gặp với ‘ông cụ’ đều đã được chuẩn bị rất máy móc, đã qua sàng lọc kỹ lưỡng, trong quy trình làm việc của lãnh tụ.
Vì bắt buộc phải giữ khoảng cách như thế, mà những lần gặp đã không tạo ra một cởi mở tự nhiên, cũng không có một quan hệ hay trao đổi gì về mặt tư tưởng, cũng không có một xúc động tình cảm nào, ngoài sự xa cách, sợ sệt ‘đến lạnh cả thân thể’! Sau này thì tôi mới hiểu rằng hi vọng đạt tới một sự thân cận, thân mật nào đó với lãnh đạo là một điều không tưởng, không thể nào có!
copy từ Trang Văn chương Miền Nam (Terry Lee)
No comments:
Post a Comment