Wednesday, August 31, 2022

MỘT BỨC HÌNH 60 NĂM

“chúng mình đã ở 2 thế giới khác biệt” [1]

Saigon, tháng Tám năm 1960, một nhóm thân hữu cùng gia đình đang thong dong trên sân thượng lữ quán tân kỳ Caravelle một buổi sum vầy sau tiệc rượu. Thoạt nhìn họ phong lưu, lịch duyệt, trải đời.

Ba người đàn ông trong vest bộ Tây ở bên trái bức hình đã, đang và sẽ tiếp tục định vị tên tuổi của mình dưới bầu trời rộng mở của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam một thời.

Họ là Hoa - Thâng - Nhạc.

VIETNAM, HOA / THÂNG / NHẠC

Hoa, tức Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1916 tại tỉnh Cantho [2], kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hanoi [3] cùng với những kiến trúc sư người Việt tốt nghiệp cùng trường thuộc thế hệ kiến trúc sư thứ hai làm kiến trúc hiện đại tại Việt Nam sau những nhà tiền phong người Pháp và một phần là người Việt. Một trong số đó là Arthur Kruze, Giáo sư kiến trúc của trường Mỹ thuật Đông Dương và cũng là Thầy học của Hoa, sau trở thành đồng nghiệp. Hoa nồng nhiệt, yêu nghề và say mê kỹ thuật, một người thích hoàn thiện [4].

Thâng, tức Phạm Văn Thâng, sinh năm 1920 tại làng Vĩnh Lợi, tổng Hòa Đồng Trung, quận Gocong, tỉnh Mytho [5]. Năm 1951, Thâng trở thành kiến trúc sư tốt nghiệp mention très bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê [6] rồi ở lại Pháp làm việc đến năm 1956 thì về nước làm Giáo sư tại trường Cao đẳng Kiến trúc Saigon [7], đồng thời cộng tác với văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa. Thâng chuẩn mực, trầm lặng và vững chãi, một ngọn núi tĩnh.  

Nhạc, tức Nguyễn Quang Nhạc, sinh năm 1924 tại tỉnh Gocong [8]. Năm 1957, Nhạc trở thành kiến trúc sư tốt nghiệp mention bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê rồi ở lại Pháp làm việc đến tháng Mười năm 1958 thì về nước làm Giáo sư tại trường Cao đẳng Kiến trúc Saigon, đồng thời cộng tác với văn phòng kiến trúc sư Hoa - Thâng. Nhạc phong lưu, hào hoa và lãng mạn, một cơn gió động.

SAIGON, THẬP NIÊN 1950-1960

Saigon thập niên 1950 và 1960 là nơi hội tụ hàng loạt những kiến trúc sư người Việt mang tư tưởng hiện đại, từ những kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hanoi và trường Kiến trúc Dalat [9] đến Saigon trước và đặc biệt là ngay sau Hiệp định Genève 1954 cho đến một lực lượng trẻ trung hơn trở về từ Pháp sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê cùng những kiến trúc sư đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Kiến trúc Saigon, chưa kể những người trở về rất sớm từ thập niên 1930-1940 sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê hay trường Kiến trúc Lyon [10] ngoài những người quyết định không trở về và trở thành một thế hệ kiến trúc sư người Việt Nam sống và hành nghề tại Pháp, Mỹ, Morocco, Ấn Độ.

Họ hiện diện khắp nơi từ các cơ quan của Bộ Kiến thiết và Thiết kế Đô thị, sau trở thành Nha Tổng Giám đốc Kiến thiết và Thiết kế Đô thị, cho đến Văn phòng Công tác Đặc biệt cùng trực thuộc Tổng thống Phủ, Bộ Công chánh, Nha Công binh, Nha Mỹ thuật Học vụ, Viện Khảo cổ, các cơ quan Bộ thuộc Chánh phủ cùng hàng loạt những văn phòng kiến trúc sư tư vụ hoạt động sôi nổi, tự do.

SAIGON, KRUZE - HOA - TẢI - THÂNG - NHẠC - MÃNG

Văn phòng kiến trúc sư Hoa - Thâng - Nhạc được đặt tại một biệt thự Pháp ở số 12 đường Duy Tân, gần đối diện cổng trường Luật khoa Saigon ở số 17 và gần Công trường chiến sĩ [11]. Căn biệt thự trở thành văn phòng kiến trúc sư Kruze - Hoa từ năm 1950 sau khi chuyển từ Dalat cùng với sự chuyển dịch lịch sử cùng năm của trường Cao đẳng Kiến trúc với Giáo sư Arthur Kruze tiếp tục làm Giám đốc. Năm 1954, Giáo sư Arthur Kruze trở về Pháp sau trận Điện Biên Phủ và Giáo sư Trần Văn Tải, sinh năm 1923 tại làng Tân Duyệt, tổng Quảng Xuyên, quận Camau, tỉnh Baclieu, một kiến trúc sư tốt nghiệp mention bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê và sớm trở về Việt Nam năm 1950 trở thành vị Giám đốc người Việt đầu tiên của trường Cao đẳng Kiến trúc Saigon từ năm 1955.

Văn phòng kiến trúc sư Kruze - Hoa có sự tham gia cộng tác một thời gian của kiến trúc sư Trần Văn Tải, trở thành văn phòng kiến trúc sư Kruze - Hoa - Tải cũng như văn phòng kiến trúc sư Hoa - Thâng - Nhạc cuối thập niên 1950 có sự tham gia cộng tác một thời gian của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, sinh năm 1920 tại làng Vĩnh Trinh, tổng Định Phước, quận Chauthanh, tỉnh Longxuyen, một kiến trúc sư tốt nghiệp mention très bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê vào năm 1956 kiêm đô thị gia tốt nghiệp Học viện Đô thị Viện Đại học Ba Lê vào mùa Xuân năm 1958 [12] trước khi hai vị kiến trúc sư tài năng này ra riêng và trở nên lừng lẫy.

Từ cuối thập niên 1950 khi đã ổn định về con người, Hoa - Thâng - Nhạc trở thành một hãng kiến trúc sáng danh với hàng loạt những bản thiết kế cao ốc, trụ sở, cư xá, ngân hàng, khách sạn, phi cảng, trường học, nhà máy và biệt thự được xây cất. Đó cũng là thời kỳ làm mưa làm gió của các văn phòng kiến trúc sư tư vụ cùng các cơ quan công vụ nhiều quyền lực trên đường chân trời rộng mở của kiến trúc hiện đại Việt Nam, nhứt là tại đô thành Saigon, nơi không ngừng cổ võ cho việc xây dựng mới.

Mùa Hè năm 1962, Hoa - Thâng - Nhạc nằm trong danh sách mười ba kiến trúc sư nổi tiếng Việt Nam được Văn phòng Tổng thống Phủ mời góp ý kiến về việc vẽ lại mặt tiền Dinh Độc Lập đối với phương án ban đầu của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ của Văn phòng Công tác Đặc biệt và hai kiến trúc sư Huỳnh Thị Kiều Nga, Trần Tiễn Chuân của Nha Tổng Giám đốc Kiến thiết và Thiết kế Đô thị cùng trực thuộc Tổng thống Phủ phụ trách sau sự kiện đánh bom ngày 27 tháng Hai năm 1962 bởi hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc.

SAIGON, TRƯỜNG CAO ĐẲNG - ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC

Saigon, tháng Mười Một năm 1966, những cuộc bãi khóa liên tiếp diễn ra nối liền với những cuộc tuyệt thực đầu năm 1967 trong giới sinh viên kiến trúc về việc biến cải trường Cao đẳng Kiến trúc trở thành Phân khoa Kiến trúc.

Năm 1967, trường Kiến trúc Saigon chính thức trở thành Phân khoa Đại học thứ tám trực thuộc Viện Đại học Saigon [13] với Khoa Trưởng đầu tiên là Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc dù về tuổi đời Ông nhỏ hơn hầu hết những Giáo sư người Việt thế hệ đầu của trường Kiến Trúc Sài Gòn cùng trở về từ Pháp. [14]

Năm 1970, Giáo sư Phạm Văn Thâng làm Khoa trưởng nhiệm kỳ tiếp theo thay Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc đến năm 1973 thì được kế nhiệm bởi Giáo sư Tô Công Văn, sinh năm 1921 tại làng Bình Hòa Xã, tỉnh Giadinh, một kiến trúc sư tốt nghiệp mention bien trường Quốc gia Mỹ thuật Ba Lê cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với người bạn học Phạm Văn Thâng nhưng đã lựa chọn con đường sớm trở về và cũng sớm khuấy đảo bằng một lượng công trình đồ sộ, rải kín bản đồ kiến trúc hiện đại Việt Nam nhờ văn phòng kiến trúc sư tư vụ nổi danh trước khi trở thành Giáo sư tại trường Cao đẳng Kiến trúc.

VIETNAM, THẬP NIÊN 1960-1970

Thập niên 1960 và đầu 1970 cũng chứng kiến sự sôi động nổi bật của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam với sự gia nhập của thế hệ kiến trúc sư mới người Việt tốt nghiệp từ trường Cao đẳng - Đại học Kiến trúc Saigon. Ngoài ra còn có sự trở về sau khi du học của những kiến trúc sư người Việt tại Anh, Pháp, Mỹ cùng sự hiện diện nhiều hơn của một số hãng kiến trúc Mỹ, Nhật bên cạnh một số ít sự ra đi theo chiều ngược lại, đặc biệt là từ năm Mậu Thân 1968 đến mùa Hè đỏ lửa năm 1972, giai đoạn khốc liệt bậc nhất của chiến tranh Việt Nam.

CHUYẾN ĐI LÀ VĨNH VIỄN [15]

Ngày 24 tháng Tư năm 1975, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa cùng gia quyến lên phi cơ rời Saigon, không kịp mang theo được gì, chỉ có đúng một vali đồ vội vã, đến khi “bừng mắt dậy trên sạp tạm trú ở Guam, nghe đài BBC mới biết chuyến đi là vĩnh viễn, chúng mình đã ở 2 thế giới khác biệt” [16]. Tại Guam, Hoa có viết cho Nhạc một lá thơ về sự ra đi, về những việc còn dang dở trên bàn vẽ của văn phòng hãng kiến trúc trên đường Duy Tân và hẹn cuộc trở về nhưng không thể nào gởi được trong những ngày Saigon rung chuyển. Nhạc và Thâng còn ở lại, trải qua ngày cuối cùng của tháng Tư cùng gần 4 triệu con người.

Họ biệt tin gần 17 năm trời trước khi nhận được tin nhau trở lại qua những lá thơ tay đầu tiên nhiều cảm xúc.

NHỮNG HẠT BỤI CÒN BAY

Hoa định cư tại Mỹ kể từ năm định mệnh, “Công suốt đời gầy dựng từ con số 0 nay như dã tràng xe cát! Thứ dang dở xé đi và từ đó xuống thang âm thầm” [17], xót xa nghe chuyện Thâng và Nhạc “bên bờ hố sâu thẳm, vật vã trở lại con số 0” [18]. Ông mất tại Mỹ năm 2005 bên cạnh gia quyến.

Thâng còn ở lại Việt Nam hơn 13 năm trước khi lặng lẽ sang Pháp định cư vào một ngày mùa Thu tháng Chín năm 1988. 3 năm trước đó, trong một bức hình được ghi lại tại Nhatrang vào mùa Hè tháng Bảy năm 1985 có nhiều vị kiến trúc sư nổi tiếng [19], người đời còn thấy được nỗi buồn lạc lõng và kỳ lạ trong đôi mắt của Ông bên cạnh những gương mặt hầu hết đều tươi cười. Nỗi buồn man mác nhưng thẳm sâu, trĩu nặng, như xé nát trái tim những ai từng yêu mến người Thầy mẫu mực của trường Kiến trúc Saigon và cũng từng là một kiến trúc sư lỗi lạc Việt Nam một thời. Những năm cuối đời, Thâng dần mất đi trí nhớ, không nhận ra ngay cả những thân hữu cùng trường Kiến trúc Saigon cũ khi họ đến thăm mình ở Ba Lê [20]. Ông mất tại Ba Lê năm 2004 bên cạnh gia quyến.

Nhạc sống phần còn lại của cuộc đời như một con đò lặng lẽ, như cơn gió đã không còn động, như điệu nhạc đã không còn quang mà phần nhiều là những nốt trầm. Ông cam chịu bệnh tật và những cơn đau đớn của tuổi già vì có lẽ cũng không có nhiều tiền để mà mua thuốc uống; đôi mắt cũng trở nên mờ dần vì cataracte [21]. “Bên nhà chỉ còn tôi và Ngô Viết Thụ” [22]. “Bạn bè thân hữu sang Pháp - Mỹ - Đức hết, lần lượt từ người này đến người kia” [23], chỉ còn lại thế hệ học trò mà Ông coi đó là nguồn vui sống. Tháng Năm năm 1990, Nhạc “nghỉ mất sức chớ không được gọi là nghỉ hưu” [24] vì chỉ mới làm việc 15 năm trong chế độ mới. Trong lá thơ Nhạc gửi cho Hoa vào ngày 20 tháng Mười năm 1991 sau gần 17 năm trời cách biệt, người đời còn thấy lại những dòng chữ đượm nỗi buồn bị nhoè trên trang thơ của một người trí thức còn ở lại. Ông mất tại TP.HCM năm 2004 bên cạnh gia quyến. “Những tháng ngày còn lại, Thầy sống như một vị Bồ Tát, vui vẻ, tự tại, không kêu than, oán trách bất cứ điều chi về những buồn vui được mất trong cuộc đời. Tài sản lớn nhất mà Thầy có được có lẽ là tình yêu, một tình yêu đặc biệt từ hàng ngàn học trò bao thế hệ, dù là trong nước hay hải ngoại, dù còn ở lại hay đã ra đi.” [25]

Một bức hình 60 năm và những con người lãng mạn, tài hoa đã làm nên một phần chân trời của kiến trúc hiện đại Việt Nam, một phần khung trời của trường Cao đẳng - Đại học Kiến trúc Saigon vang danh nay đã trôi theo gió cuốn.

Chỉ còn lại đây là dư ảnh, gió heo may thổi trên những con đường cũ và những hạt bụi còn bay.

Saigon, ngày cuối cùng của tháng Tám năm 2020

NNS

Xin chân thành cảm ơn những nhân viên của Archives Nationales de France, École Nationale Supérieure des Beaux-Arts (ENSBA) tại Paris, National Archives and Records Administration (NARA) và Library of Congress (LC) tại Washington D.C. đã hỗ trợ những dữ liệu đặc biệt và tất cả những quý vị đã sẻ san kỷ niệm trong bài viết này!

- xin vui lòng ghi rõ nguồn nếu trích dẫn bài viết / cảm ơn chân thành -

Hình: Từ album gia đình Ông Thanh Nguyen. Xin chân thành cảm ơn Ông!

[1] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa gởi kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc ngày 14 tháng Mười Hai năm 1991

[2] Tỉnh Cantho được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng Mười Hai năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900.

[3] École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine

[4] Hồi ức của kiến trúc sư Nguyễn Duy Tâm vào tháng Hai năm 2016

[5] Quận Gocong được thành lập ngày 09 tháng Hai năm 1913 khi giải thể tỉnh Gocong và sáp nhập vào tỉnh Mytho, đến ngày 09 tháng Hai năm 1924 lại tách Gocong ra khỏi tỉnh Mytho, trở thành tỉnh Gocong như cũ.

[6] École Nationale Supérieure des Beaux-Arts de Paris

[7] École Supérieure d'Architecture de Saigon

[8] Quận Gocong được thành lập ngày 09 tháng Hai năm 1913 khi giải thể tỉnh Gocong và sáp nhập vào tỉnh Mytho, đến ngày 09 tháng Hai năm 1924 lại tách Gocong ra khỏi tỉnh Mytho, trở thành tỉnh Gocong như cũ. Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc sinh vào tháng Sáu năm 1924, sau thời điểm trên gần 4 tháng.

[9] École Supérieure d'Architecture de Dalat

[10] École Régionale d’Architecture de Lyon

[11] Place du Maréchal Joffre hay Công trường Ba Hình 1921-1956; Công trường Chiến sĩ từ năm 1956; Công trường Chiến sĩ Tự do đầu năm 1970; Công trường Quốc tế từ năm 1972

[12] Institut d'Urbanisme de l'Université de Paris

[13] 07 Phân khoa Đại học còn lại trực thuộc Viện Đại học Saigon trước năm 1975 là:

+ Đại học Khoa học trên đường Cộng Hòa

+ Đại học Luật khoa trên đường Duy Tân

+ Đại học Sư phạm trên đường Thành Thái

+ Đại học Văn khoa trên đường Gia Long – Nguyễn Trung Trực, sau chuyển về Đại lộ Cường Để

+ Đại học Nha khoa trên đường Nguyễn Trãi

+ Đại học Y khoa trên đường Trần Quý Cáp, sau chuyển về Đại lộ Hồng Bàng

+ Đại học Dược khoa (tách khỏi Đại học Y khoa năm 1961) trên đường Trần Quý Cáp, sau chuyển về đường Công Lý, từ 1964 chuyển về Đại lộ Cường Để

[14] Giáo sư Lê Văn Lắm sinh năm 1925 là người duy nhất nhỏ tuổi hơn Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc trong thế hệ này. Năm 1967, Giáo sư Lê Văn Lắm đang kiêm nhiệm Giám đốc của cơ quan đầy quyền lực là Nha Tổng Giám đốc Kiến thiết và Thiết kế Đô thị trực thuộc Bộ Công chánh

[15], [16], [17], [18] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa gởi kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc ngày 14 tháng Mười Hai năm 1991

[19] Dữ liệu của kiến trúc sư Trần Đình Quyền

[20] Hồi ức của kiến trúc sư Cổ Văn Hậu ngày 02 tháng Bảy năm 2020

[21], [22] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc gởi kiến trúc sư Lê Văn Lắm ngày 29 tháng Mười năm 1991

[23] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc gởi kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa ngày 20 tháng Mười năm 1991

[24] Thơ kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc gởi kiến trúc sư Lê Văn Lắm ngày 29 tháng Mười năm 1991

[25] Hồi ức của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất ngày 28 tháng Tám năm 2020

copy từ bài của Nguyễn Ngọc Sơn (Đại Học Kiến Trúc trên đường Pasteur)

Vai trò của Gorbachov trong lịch sử của thế giới

 M.S. Gorbachev – ANH HÙNG HAY TỘI ĐỒ LỊCH SỬ?

“Gorbachev bước lên vũ đài chính trị Liên Xô vào thời kỳ khó khăn nhất – năm 1983 lần đầu tiên từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, mức sống của người dân Liên Xô trong năm trước không tăng, hay chỉ số tăng trưởng về thu nhập giữ ở con số Zero. Vì thế, những nỗ lực của ông ta trước hết là để cứu Liên bang Xô-viết, chứ không phải là để giải phóng cho ai cả. Vì không hiểu biết nhiều về chính trị, ông muốn copy mô hình kinh tế thị trường bắt đầu có sự tự do hóa, nhưng yêu cầu của nó là làm ngược với tất cả những gì mà nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ theo mệnh lệnh của Liên Xô. 

Một nền kinh tế chỉ đạo tập trung như vậy sẽ không thể vận hành được nền kinh tế muốn theo các nguyên tắc của thị trường, vì thế yêu cầu tất yếu là phải thủ tiêu được tính mệnh lệnh hành chính. Để thủ tiêu mệnh lệnh hành chính, thì phải tấn công vào hệ thống bộ máy và tư tưởng quan liêu, đó là lý do tồn tại của vế thứ hai, “glasnost”. Thật bất ngờ là “glasnost” đã đánh trúng “tử huyệt” của chế độ cộng sản Xô-viết, vốn tồn tại dựa trên sự chỉ đạo độc đoán, sự bưng bít thông tin, đàn áp tư tưởng và thắng bằng tuyên truyền. Khi những nguyên tắc đó bị tấn công, chế độ Xô-viết sụp đổ là tất yếu.

Vì thế, thực ra, từ quan điểm của mình – người nuối tiếc chế độ Xô-viết, Ryzhkov lên án sự phản bội cũng đúng. Đó là sự phản bội các nguyên tắc tồn tại của chính quyền và chế độ Xô-viết.

Nhiều người Việt Nam - nhất là những người sống ở Đông Âu - nhìn thấy vai trò tích cực của M.S. Gorbachev, thậm chí coi ông như người anh hùng. Một số người tỉnh táo thì cho rằng ông ta cũng chỉ cố giữ cho Liên Xô không sụp đổ mà thôi. Tôi thì nghĩ, ông là trường hợp “đúng người, đúng hoàn cảnh và đúng thời điểm”. Sự sụp đổ của Liên Xô là tất yếu và khách quan, và nó được thúc đẩy rất rõ ràng bằng sự xuất hiện và bước vào chính trường của Gorbachev, Yelsin cùng rất nhiều người khác nữa trong chính giới Liên Xô lúc bấy giờ” - bình luận của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội nhân sự ra đi của Mikhail Gorbachev.

link bài gốc (NCTG): http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/M-S-Gorbachev-ANH-HUNG-HAY-TOI-DO-LICH-SU-7517.html

VĨNH BIỆT ÔNG GORBACHEV

Vĩnh biệt người khai mở một giai đoạn khác cho hệ thống XHCN đã rơi vào khủng hoảng và bế tắc!

Ông Gorbachev, người đã chấm dứt Chiến tranh Lạnh và giải phóng nhiều quốc gia, trong đó có VN, khỏi sự thống trị của Liên Xô, vừa qua đời đêm 30/8. Không có ông kinh tế bao cấp VN rất có thể vẫn còn ngự trị, công việc chính của gia đình vẫn là hóng xem hôm nay Mậu dịch có bán hàng không để dậy từ 5h sáng đi xếp hàng mong mua được 0,3kg thịt/tháng hay vài kg gạo mốc, thậm chí là vài lạng muối. Nghĩ lại không hiểu sao sự phi lý ấy có thể tồn tại mãi. 

Trên phương diện giáo dục, ông đã mở ra cơ hội tiếp xúc với học vấn từ Phương Tây cho hàng triệu người VN. Nếu không có ông, các nhà nghiên cứu, giảng viên ĐH ở VN đến giờ chắc vẫn ngoi ngóp mơ một cơ hội đi tập huấn vài tháng ở Liên Xô mà càng học càng dốt, chủ yếu để buôn bàn là nồi áp suất thôi (loại không phải đảng viên như mình thì khỏi nhé). Du học ĐH phương Tây càng khỏi mơ, tiền đâu ra và cũng không có visa xuất cảnh nữa (thời đó VN là một trong những nước hiếm hoi duy trì visa xuất cảnh, tức là ra nước ngoài phải xin phép). Nếu vì lý do nào đó (có người nhà…) mà đi trót lọt thì về cũng không nơi nào dám nhận vì chỉ có thành phần kinh tế nhà nước mà nhà nước thì không cần kiến thức tư bản! FDI, du lịch quốc tế, phim ảnh nước ngoài, thời trang hàng hiệu… sẽ chỉ có trong mơ. Chương trình Glasnost của ông đã thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới, đa số theo hướng tốt lên, trừ những kẻ bảo thủ và ngu dốt, thích độc tài. 

Vợ ông, bà Raisa Gorbacheva cũng là một phụ nữ tài năng, xinh đẹp, cởi mở. Khác với các lãnh tụ cộng sản thường che giấu đời tư, ông bà công khai thể hiện tình cảm thắm thiết với nhau. Hai ông bà đã trợ giúp nhau rất tốt cả trong sự nghiệp và khi rút lui cho đến khi bà qua đời vì bạo bệnh từ năm 1999. Sau khi chôn cất bà, khi được hỏi về cảm tưởng ông đã đọc một bài thơ của Lermontov, “Con đường tôi bước một mình. Mịt mù dĩ vãng lung linh sương mù”.

Cuối cùng hai người đã được đoàn tụ!

Покойся с миром, М.С.Горбачев.  

МИР ЗАПОМНИТ ВАС НАВСЕГДА!

Nguyễn Hoàng Anh

Monday, August 29, 2022

Lợi ích 100 năm và sự nghiệp trồng người: CON HEO TRONG HỘI ĐỒNG THI

 Xảo trá và bệnh "thành tích" đã và đang giết chết nền giáo dục tại Việt Nam. Giờ thì tôi hiểu tại sao một thế hệ thanh thiếu niên bị "gò" thành những con người vô cảm, nhắm mắt trước những bất công, sẵn sàng dối trá, và mua bằng cấp... chỉ để TỒN TẠI. Life is fake. No place for honor and true services...in VietNam. Nghĩ đến một trăm năm nữa cho VN, mà rùng mình...bay lên hay chúi xuống?

KỲ CHẤM THI Tốt nghiệp phổ thông năm ấy, tôi được Ty Giáo dục tỉnh cử làm tổ trưởng Tự nhiên, trông coi việc chấm thi 3 môn: Toán, Lý hoá, Sinh vật, còn tổ trưởng Xã hội gồm 3 môn: Văn, Sử địa, Ngoại ngữ thì do giáo viên của trường khác làm. Sự thực, không phải Ty Giáo dục biết mặt, biết tên chúng tôi mà đề cử (hồi đó mới sau 75, còn gọi là “Ty” Giáo dục, sau này mới đổi thành “Sở” Giáo dục & Đào tạo), mà là do anh hiệu trường tôi được cử làm chủ tịch hội đồng giám khảo nên đề nghị ty cử tôi làm tổ trưởng Tự nhiên chứ tôi cũng chẳng có tài cán gì. Anh là hiệu trưởng từ ngoài Bắc vào, quê ở Hà Tĩnh, đã từng tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội và đi bộ đội về, đảng viên khá nhiều tuổi đảng (hiệu trưởng một trường cấp 3 tất nhiên phải là đảng viên cốt cán). Tính anh nghiêm túc , bắt các giáo viên trong trường làm việc quá chừng nên chúng tôi thường nói ngầm với nhau là anh “hắc ám” nhất trong các hiệu trưởng của 9 trường cấp 3 trong tỉnh.

Giáo viên đi coi thi thì gọi là giám thị, thuộc hội đồng giám thị. Sau đó khi đi chấm thi thì gọi là giám khảo, thuộc hội đồng giám khảo. Mỗi ngày mỗi người chúng tôi được 1$ công tác phí ngoài số lương khoảng 40$/ tháng, tức tương đương với 20.000$ thời cũ. Trước năm 75, lương tôi 43.000$/tháng, lại đi dạy thêm tại các trường tư nữa, nay chưa được một nửa, không còn trường tư nên nghèo là ở chỗ đó. Trên nguyên tắc, 1$ tương đương với 500$ thời cũ vì mới đổi tiền, một đồng ăn 500 đồng, nhưng trên thực tế, tiền mất giá khủng khiếp, cái gì cũng khan hiếm nên không thể so sánh 1$ tiền mới với 500$ tiền thời cũ được. Các giáo viên nghèo xơ xác. Dân chúng phải ăn bo bo, khoai lang, khoai mì mà cũng không đủ.

Lễ khai mạc hội đồng giám khảo diễn ra rất long trọng vì có ông bí thư tỉnh uỷ đến dự. Ông đã già, ăn nói chậm dãi. Khởi đầu, ông uỷ lạo chúng tôi rằng đời sống giáo viên hiện nay còn rất thiếu thốn, nhưng hãy cố gắng vượt mọi khó khăn, chấm thi sao cho công minh chính trực, “tất cả vì đàn em thân yêu của chúng ta” để tỉnh ta vẫn nắm lá cờ đầu như mọi năm. Tiếp theo, ông chỉ thị cho chúng tôi rằng năm ngoái, năm kia, năm nào tỉ lệ thí sinh thi đậu cũng đạt từ 95 phần trăm trở lên, vậy thì năm nay ít nhất cũng phải như thế, không thể kém hơn. Sau khi ông dứt lời, mọi người vỗ tay, ông cũng vỗ tay rồi ông Sáu Việt - trưởng ty Giáo dục tỉnh kiêm chánh chủ khảo lên phát biểu. Ông nhắc lại chỉ thị của ông bí thư tỉnh uỷ mà ông gọi là huấn lệnh rằng tỉ lệ thí sinh thi đậu phải từ 95% trở lên, nếu không được như vậy có nghĩa là giáo viên không hoàn thành trách nhiệm. Tiếp theo, ông Chín Đức, phó ty Giáo dục tỉnh kiêm phó chủ khảo lên hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục rằng tỉ lệ thí sinh thi đậu phải trên 95% chứ không thể kém, vì “con em của chúng ta ngày càng chăm chỉ hơn, thông minh hơn và giỏi giang hơn các năm trước”. Cuối cùng, ông giới thiệu anh Nguyễn Khắc Liêm, hiệu trưởng trường tôi, chủ tịch hội đồng giám khảo lên phát biểu và hứa sẽ bảo đảm tỉ lệ thí sinh thi đậu

trên 95% như đồng chí bí thư tỉnh uỷ đã ra huấn lệnh cũng như đồng chí trưởng ty Giáo dục đã chỉ thị.

Anh Liêm rất khôn, anh nói hết sức vắn tắt: “Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí giáo viên, nhân danh chủ tịch hội đồng giám khảo, tôi đề nghị các đồng chí giám khảo chấm thi thật công minh, chính trực như lời đồng chí bí thư tỉnh uỷ và đồng chí trưởng ty đã chỉ thị. Bây giờ xin mời ai ở bộ phận nào trở về bộ phận nấy, chúng ta bắt đầu làm việc”.

Chúng tôi lục tục kéo nhau xuống sân. Các bạn tôi nói nhỏ với tôi: “Thằng cha hiệu trưởng trường cậu đáng nể thật, để ý kỹ mới thấy hắn chẳng hứa hẹn gì cả. Thi cử mà trước khi chấm chủ tịch hội đồng hứa tỉ lệ thi đậu phải trên 95 phần trăm thì thi làm quái gì nữa, đem cái bằng tốt nghiệp phát không cho rồi”. “Ừ, hắn giỏi thế đấy, nói chung trường tớ anh nào cũng giỏi kể cả… tớ!”. “Trời trời, nói vậy mà không biết ngượng miệng!”.

Ngay sau đó anh chị em về ban của mình, bắt đầu chấm bài theo lối “chấm kép”, ngày trước thường gọi là “double correction” theo tiếng Pháp. Nghĩa là mỗi xấp do hai người chấm, cho điểm riêng biệt với nhau, khi xong xấp thì sẽ hội ý để cho điểm thống nhất nếu có chênh lệch.

Buổi trưa, mọi người xuống phòng ăn bên cạnh bếp ăn cơm, riêng tôi và cô Thủy, tổ trưởng Xã hội, giáo viên môn Văn trường Cấp 3 Thị xã, tức trường Thánh Giuse cũ nay đã bị lấy làm trường công lập, thì phải ở lại làm báo cáo đã chấm được bao nhiêu bài, số bài bị 0 điểm, số bài được trung bình từ 4 đến 5 điểm, số bài từ 6 - 7 điểm trở lên..vv.., rồi đem báo cáo đó và các xấp bài chưa chấm hoặc đang chấm dở lên nộp trên văn phòng, chiều cũng sẽ làm như vậy.

Tôi rất đói bụng mà cũng uể oải nữa, vì từ sáng đến giờ chưa được miếng gì vào bụng. Lý do đơn giản là trường Trịnh Hoài Đức ở Lái Thiêu sau 75 đổi tên thành trường Bồi Dưỡng Cán Bộ - nơi chúng tôi đang chấm thi - nằm bên cạnh quốc lộ 13, chung quanh không có hàng quán gì cả, muốn ăn thì phải xuống Búng. Mà ở Búng cũng chẳng có gì ngoài một quán bán bánh bèo bì rất nổi tiếng, nhưng ăn vừa mắc lại vừa không thể no bụng, tiền đâu mà sáng nào cũng xuống và làm gì có thì giờ.

Bụng đói nhưng trong phòng ăn, cơm đựng trong những chiếc rổ đã nguội ngắt, thức ăn gồm hai món là cá đuối khô kho lõng bõng nước với củ cải khô xắt lát và “canh” rau muống bằm nhỏ nấu với muối trắng thêm tí bột ngọt, tôi nuốt không nổi. Lạ lùng là cá đuối khô mà kho có nước là nó tanh òm, vừa tanh lại vừa có mùi ngai ngái rất kỳ lạ.

Các bàn khác anh em ăn xong đã lên phòng cả, chắc cũng nuốt không nổi nên cơm và hai món thức ăn còn ê hề, các “chị nuôi” chưa kịp dọn. Tôi vào trong bếp xin một ít muối trắng ra ăn rồi húp thêm nước “canh”, cũng trôi xuống bụng được chừng hai lưng lưng chén.

Buổi chiều cũng như vậy, vẫn canh rau muống bằm nhỏ nấu với muối trắng thêm chút bột ngọt và cá đuối khô kho lõng bõng nước với củ cải khô xắt lát. Hồi còn

dạy ở Bạc Liêu, tôi thấy đồng bào người Miên gọi là xá-bấu, rẻ mạt, người Việt rất ít khi ăn.

Tôi nói với các chị nuôi:

- Khổ lắm các chị ơi, con heo nó ăn người ta còn nấu rau muống với cám. Đằng này chúng tôi ăn, các chị chị chỉ nấu rau muống với muối trắng thêm tí bột ngọt thì nuốt sao nổi. Đề nghị từ mai trở đi các chị cho thêm ít cám vào để chúng tôi được bằng con heo.

Chị nuôi lớn tuổi nhất trong số ba chị nuôi nói:

- Em biết chớ, cũng tội nghiệp các thầy lắm chớ. Nhưng thầy thử nghĩ coi, mỗi ngày các thầy đóng được 1 đồng với nửa ký gạo. Gạo thì đủ, hổng thiếu, còn tiền thì 1 đồng chỉ đủ mua củi, muối, nước mắm, bột ngọt chớ đâu có dư. Rau muống là tụi em xin rau già người ta bán ế ở chợ. Còn khô cá đuối với củ cải xá-bấu họ cũng bán ế, giá rẻ mạt thì tụi em mua. Tiền ít, các thầy chịu vậy chớ biết sao bây giờ.

Thì ra thế. Tôi nhớ lúc anh em mới lên, đóng tiền và gạo, anh Ba Thiện phó ty đặc trách đời sống cũng có mặt ở đấy, tôi nói với anh, mỗi người đóng 1 đồng một ngày không đủ đâu anh, chấm thi coi vậy chứ ngồi suốt ngày cũng mệt, mọi thứ đắt đỏ, phải 2 hay 3 đồng ăn uống kha khá mới đỡ mệt. Anh Ba Thiện là cán bộ ngoài Bắc vào sau 75, tôi với anh có dịp chuyện trò mới biết là người cùng quê, nên anh coi tôi nửa như đứa em vì tôi nhỏ tuổi hơn anh, nửa như bạn đồng nghiệp vì anh vốn coi trọng dân “Bắc kỳ di cư 54” sống ở trong Nam, do họ có trình độ. Anh nói, có, tớ có góp ý với ông Chín Đức, nhưng ông ấy bảo 2 hay 3 đồng nhiều quá, sợ anh em có người đóng nổi, người không đóng nổi, đóng 1 đồng vừa bằng với tiền công tác phí của ty cho thì ai cũng đóng được, tớ thấy hợp lý nên cũng im lặng.

Sáng hôm sau, ông Chín Đức đến hơi sớm, cỡ khoảng 6 giờ 30. Ông đi chiếc xe Honda cũ và nói là muốn tìm tôi. Gặp tôi ở sân do bạn bè chỉ, ông hỏi: “Đồng chí là tổ trưởng Tự nhiên phải không?”. Ông Chín Đức là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 54, người cao và gầy, môi thâm mắt trắng, rất khó tính, không bao giờ có được nụ cười nên chúng tôi rất e dè mỗi khi có việc lên Ty gặp ông. Tôi trả lời rất lễ phép chứ không dám xuề xoà như đối với anh Ba Thiện: “Vâng ạ”. “Đồng chí thấy tình hình bài thi thế nào?”. “Dạ thưa rất kém. Hôm qua mới bắt đầu chấm nên mỗi người mới chấm được khoảng 2 xấp, sáng một xấp, chiều một xấp. Các bài đa số đều dưới trung bình, cỡ 1 – 2 điểm. Thậm chí có bài môn Toán, nó làm không nổi nhưng không được phép ra sớm nên ngồi viết lăng nhăng, mở đầu bằng hai câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” rồi bảo đấy là thơ trong truyện Kiều của cụ… Nguyễn Trãi và lan man tán dóc đặc kín cả 4 trang giấy”. “Không phải nó tán dóc đâu, nó có tinh thần cách mạng đấy. Giám khảo cho bao nhiêu điểm?”. “Dạ thưa zê-rô. Anh ấy bảo môn Toán là phải chính xác, nó viết như vậy lạc đề hoàn toàn nên cho zê-rô”. “Không được, phải cho điểm nó chứ, công lao động viết 4 trang giấy của nó để đâu”. Rôi ông hỏi tôi: “Theo đồng chí dự đoán, tỉ lệ thí sinh thi đậu năm nay khoảng bao nhiêu phần trăm?”. “Dạ thưa chưa rõ, chấm xong mới biết. Nhưng theo tôi nghĩ, số thí sinh thi đậu có lẽ rất

thấp, chắc chỉ khoảng 20 - 21 phần trăm là nhiều”. Nét mặt ông Chín Đức tự nhiên sa sầm, ông bảo tôi: “Không thể được, tôi đã hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục là trên 95 phần trăm rôi mà. Anh kiếm cho tôi cô gì tổ trưởng Xã hội được không?”. “Dạ được chứ ạ”. Tôi định đi, ông Chín Đức đi theo: “Tôi phải đi với anh cho lẹ chớ không thôi nóng ruột quá...”.

Cô Thủy ở với các bạn trong các phòng học phía bên trái dẫy nhà lầu. Cô và các bạn đã mặc đồ đàng hoàng để chuẩn bị lên phòng lo việc chấm thi, nên nghe các bạn nói có ông Chín Đức kiếm là cô ra ngay. Ông Chín Đức cũng hỏi cô những điều như đã hỏi tôi. Đặc biệt, về tỉ lệ thí sinh thi đậu, cô cũng nói cô đoán khoảng 20-21 phần trăm đúng như tôi đã nói. Ông Chín Đức bồn chồn nói theo giọng Bắc, vì ông tập kết ra Bắc từ lâu, rất hâm mộ những gì thuộc về “Đảng ta” ngoài Bắc: “Thôi chết, thế này thì chết, hư bột hư đường hết trơn hết trọi!...” rồi ông xăm xăm đi lên phía văn phòng ban lãnh đạo hội đồng, không cần để ý đến tôi với cô Thủy.

Còn lại hai người, tôi khẽ nhún vai nói đùa với cô nữ giáo viên văn chương xinh đẹp ngày trước đã từng đậu đầu ban Việt Hán Đại học Sư phạm Sài Gòn, nhưng vẫn còn độc thân như nhiều cô bạn đồng nghiệp khác. Trong nghề dạy học, hễ đẹp và học giỏi, cử nhân trở lên chẳng hạn thì hơi trễ tràng vì phái nam e ngại ít dám nhào vô:

- Ăn canh rau muống nấu với muối trắng và cá đuối khô tanh òm nuốt không nổi, đói bụng mới chết chứ thí sinh thi đậu nhiều hay ít không chết.

Cô Thủy nói:

-Bọn Thủy gửi tiền nhờ các chị nuôi mua giùm nước tương chứ cũng không ăn được canh rau muống với khô cá đuối.

Sau đó cô chào tôi rồi quay trở vào trong phòng.

Có lẽ ông Chín Đức đã gặp anh Liêm chủ tịch hội đồng và coi lại điểm các bài thi đã chấm, nên một lát sau tôi nghe có tiếng micro phụt phụt “a-lô, a-lô” trên loa phóng thanh rồi giọng anh Liêm ra lệnh cho toàn bộ giám khảo phải tạm ngừng chấm, tập trung lên phòng khánh tiết nghe đồng chí Chín Đức phó chủ khảo phổ biến một số việc cần.

Chúng tôi xuống phòng khánh tiết, không ai dám vắng mặt. Một lát, ông Chín Đức đi vô nhưng chỉ có một mình, không có anh Liêm đi cùng vì anh muốn tránh mặt, không can thiệp vào việc thí sinh thi đậu nhiều hay ít.

Khởi đầu, ông Chín Đức cho biết ông đã coi lại các bài thi đã chấm. Điểm cho như vậy là tốt nhưng quá khắt khe, không thể đạt được tỉ lệ 95 phần trăm trở lên như ông đã hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục. Tiếp theo, ông tâm sự: “Nói thiệt với các đồng chí, tuy các đồng chí là giám khảo nhưng tất cả đều là giáo viên thuộc 9 trường cấp 3 trong tỉnh, bạn bè với nhau. Học trò các lớp 12 đều do các đồng chí dạy. Trường nào tỉ lệ học sinh thi đậu dưới 95 phần trăm có nghĩa là giáo viên trường đó lười biếng, dạy kém, không đạt yêu cầu, sẽ bị ty trừng phạt, đổi đi trường khác hoặc cho nghỉ dạy. Tình nghĩa bạn bè của các đồng chí như vậy

không tốt. Chỉ vì các đồng chí chấm thi quá khắt khe nên bạn bè của các đồng chí bị trừng phạt, các đồng chí có sung sướng không? Tại sao các đồng chí hổng cho rộng điểm để ai cũng vui vẻ về thành tích hội đồng chúng ta đã đạt được?”.

Ông còn nói nữa. Cuối cùng, ông đem câu chuyện một thí sinh thi môn Toán đã đưa hai câu thơ của Hoàng Trung Thông ra viết tầm bậy mà tôi đã nói với ông ra làm ví dụ:

- Tôi hỏi các đồng chí, nếu bây giờ một thí sinh thi môn Toán nhưng nó làm bài không nổi, đem hai câu thơ gì đó ra tán dóc từ đầu đên cuối đặc kín hết 4 trang giấy thì các đồng chí cho điểm như thế nào?

Mọi người im lặng không dám trả lời. Ông hỏi lại lần nữa, không đừng được, một anh phải giơ tay đứng lên:

- Thưa anh, toán học là một khoa học chính xác, trong trường hợp thí sinh làm bài hoàn toàn lạc đề như vậy chúng tôi cho không điểm.

Nói xong anh vẫn đứng đấy, ông Chín Đức vẫy cho anh ngồi xuống rồi hỏi:

- Ai đồng ý với anh bạn đó?

Không ai trả lời. Ông lại hỏi:

- Ai không đồng ý với anh bạn đó?

Cũng không có ai trả lời.

Ông chỉ thẳng tay vào mặt người vừa phát biểu và nói gằn giọng:

- Anh là một tên phản động, không có lập trường giai cấp. Công lao động viết đặc kín hết 4 trang giấy của nó anh để đâu? Mặc dầu nó hoàn toàn lạc đề nhưng phải tính công lao động cho nó chớ. Anh không tính công lao động cho nó là bắt chước bọn tư bản bóc lột, là hạng phản động theo đuôi đế quốc!

Ông còn mắng nữa, sau đó dịu giọng:

- Nói vậy chớ các đồng chí cũng nên thông cảm. Con em của chúng ta suốt bao nhiêu năm bị Mỹ Nguỵ dày xéo, áp bức bóc lột, các em học hành chưa đến nơi đến chốn, làm bài nếu có sai sót là do bọn Mỹ Nguỵ chớ không phải lỗi tại các em. Vậy tôi đề nghị các đồng chí chấm bài thiệt nương tay. Chúng ta nhứt quyết đạt được tỉ lệ thí sinh thi đậu từ 95 phần trăm trở lên, nắm lá cờ đầu toàn quốc. Các đồng chí nhất trí chưa nào? Ai đồng ý thì giơ tay?

Mọi người bắt buộc phải giơ tay, đồng ý trăm phần trăm.

- Rồi, xong, bây giờ mời các đồng chí lên phòng tiếp tục làm việc.

Nói xong ông đi ra. Chúng tôi nhìn theo, một anh cười cười nói đùa: “Nhất trí trăm phần trăm! Thành công mỹ mãn! Cho điểm lớn nắm lá cờ đầu toàn quốc!”.

Buổi tối anh Ba Thiện từ nhà tập thể trong Ty đến chơi thăm anh em. Anh ngồi nói chuyện với tôi trên thành hành lang:

- Cậu có biết hôm qua đứa nào phát ngôn bừa bãi, nó bảo với các chị nuôi là cho thêm cám vào canh rau muống cho được bằng con heo chứ anh em ăn uống thua con heo.

Tôi nói:

- Em đấy anh ạ. Em nói thật chứ không phải phát ngôn bừa bãi.

- Biết ngay mà. Tao hỏi vậy thôi chứ không hỏi cũng biết là mày. Cái mồm mấy thằng Thái Bình Thái lọ độc địa, cứ hễ nói ra là chết trâu chết bò. Mày coi chừng cái mồm mày đấy mày!...

- Đã nói là em không sợ, đã sợ là em không nói. Thế bộ anh không phải dân Thái Bình Thái lọ?

- Tao khác, mày khác. Tao là cán bộ, đã đi bộ đội đánh nhau suýt chết mấy lần ở bên Campuchia về, chẳng ai làm gì được tao.

Sau đó anh hạ thấp giọng, thân mật:

- Chỗ anh em cùng quê, tao biết mày từ hồi mày còn mặc quần thủng đít nên nói cho mày để ý vậy thôi. Mày loan báo giùm với anh em là kể từ ngày mai trở đi, tao đã xin được bánh mì của cửa hàng thực phẩm quốc doanh, mỗi sáng mỗi người sẽ được nửa ổ bánh mì ăn cho đỡ đói.

Rồi anh nói thêm:

- Tao cũng đã nói chuyện với ông Chín Đức, từ trưa mai mỗi bàn 4 người sẽ được tăng cường một đĩa thịt kho nho nhỏ. Vậy là không còn ai than phiền gì nữa phải không?

-Vâng, cám ơn anh.

Đúng như lời anh Ba Thiện đã nói, sáng hôm sau mỗi người chúng tôi được nửa ổ bánh mì đã cắt sẵn, do cửa hàng thực phẩm quốc doanh huyện Thuận An tức hai huyện Lái Thiêu và Dĩ An nhập lại, bán ế từ hôm trước, nguội ngắt, đựng trong chiếc bao tải để trên hành lang. Nhiều anh đứng ăn ngay tại chỗ còn các cô thì lấy chung cho nhau đem về phòng. Buổi trưa thì mỗi bàn ăn 4 người được “tăng cường” thêm một dĩa thịt kho bé tí, mỗi người gắp được vài miếng, anh em phấn khởi ra mặt.

Do đã được ông Chín Đức “lên lớp” và thức ăn đã được tăng cường nên điểm của các bài thi tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, tỉ lệ thí sinh thi đậu dù tăng đến đâu cũng chỉ vào khoảng 40 – 45% là cùng chứ không thể hơn.

Ông Chín Đức lại hỏi, tôi lại nói tôi thấy như thế. Ông ngớ người có vẻ không hài lòng: “Tại sao anh em vẫn cứ chấm khe khắt?”. “Không phải khe khắt đâu anh ạ, tại vì tình hình kinh tế khó khăn, học sinh nhiều đứa bỏ học hay không chịu học nên đi thi làm bài quá kém, không thể cho điểm lớn chứ không phải anh em khe khắt”. “Thôi được, để tôi bàn lại với ông Sáu Việt xem sao chớ tỉ lệ thi đậu như vậy thì chết rồi!”. Tiếng “chết” ông Chín Đức nói theo giọng Bắc nghe không ra Bắc cũng chẳng ra Nam.

Gần trưa hôm sau, cỡ 10 giờ 30, anh em nghỉ giải lao, nhiều anh xuống sân cho được thoải mái. Bỗng có tiếng còi xe tin tin và tiếng xe lam kêu lạch bạch, khói phun ra bình bình ở cái ống bô dưới gầm xe. Chú gác dan vội chạy ra mở rộng cả hai cánh cổng. Chiếc xe hơi Mỹ màu đen bóng loáng có tài xế lái của ông Sáu Việt đi trước, theo sau là chiếc xe lam cũ kỹ. Lạ lùng là trên xe lam có một con heo to bự như con bê, đứng thò mõm ra ngoài kêu ụt ịt. Ở khoảng giữa tai bên phải của con heo có một cái lỗ có lẽ lâu ngày nên đã rộng ra, cột sợi dây thừng. Tôi chưa từng thấy heo xỏ lỗ tai cột dây thừng giống như con trâu xỏ lỗ mũi bao giờ cả.

Anh em xúm lại xem, có anh nói con heo có lẽ nặng tới một tạ rưỡi, có anh nói hai tạ, thậm chí có anh nói ba tạ. Toàn là nói mò nhưng anh nào cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao ông trưởng ty lại đem một con heo to bự đến hội đồng thi như vậy.

Ông Sáu chỉ cho chú gác gian cột sợi dây thừng vào chỗ gốc cây có bóng mát rồi cười cười, xoa hai tay vào nhau:

- Heo mua trong trại heo Mồng 3 Tháng 2 dưới Dĩ An đấy, nhưng chưa trả tiền. Mua để vài bữa nữa làm thịt, liên hoan ăn mừng tổng kết hội đồng.

Rồi ông vẫn cười cười, nói tiếp nửa như thật, nửa như đùa:

- Hễ tỉ lệ thí sinh thi đậu trên 95 phần thì liên hoan, còn nếu dưới 95 phần trăm sẽ trả con heo lại cho trại, không liên hoan liên đồ gì hết ráo trọi. Các đồng chí muốn ăn thịt heo thì ráng cho điểm lớn vô…

Chúng tôi cười xoà vui vẻ. Kể từ hôm đó cả hội đồng đều biết chuyện ông trưởng ty mua con heo đại bự để sẽ liên hoan ăn mừng tổng kết hội đồng nếu tỉ lệ thí sinh thi đậu trên 95 phần trăm. Nhiều anh nói đùa: “Cho điểm lớn vô bà con ơi! Ráng nhắm mắt vô mà cho điểm!”, khiến ai cũng cười.

Điểm cho tưng bừng, thậm chí không cần chấm kép nữa, cứ một người chấm, người kia thêm vô một ít rôi ký tên, coi như đã cho điểm thống nhất. Có hôm, một cô hỏi tôi: “Bài nó chỉ viết có hai chữ bài làm rồi bỏ trống hết thì cho điểm thế nào hả anh?”. Tôi chỉ xuống dưới sân: “Kia kìa, cô muốn ăn thịt heo thì cho điểm, còn nếu không muốn ăn thì thôi, cho nó số không cũng được”. “Nhưng chỉ có hai chữ bài làm, biết cho thế nào?”. “Kệ, cô cho nó một điểm hay nửa điểm tuỳ ý. Hễ cô cho một điểm hay nửa điểm thì tôi khỏi phải làm báo cáo, còn nếu cho số không, tôi phải làm báo cáo giải thích lý do tại sao cô cho số không rồi cô ký tên xác nhận, mất công”. “Vậy thì em cho nửa điểm, chứ có hai chữ bài làm mà cho một điểm thấy hơi kỳ kỳ”. “Vâng, tuỳ cô”.

Hôm sau, nhà tôi đi xe buýt lên thăm. Nhà tôi là giáo viên Anh văn, cũng tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn trước 75 nhưng sau tôi mấy năm và dạy cùng trường với tôi. Hồi gần nghỉ hè, nhà tôi sinh con còn nhỏ nên không phải đi coi thi chấm thi.

Cổng trường khoá kín, chú gác dan giữ chìa khoá. Tôi lên ban lãnh đạo hội đồng xin phép anh Liêm cho nhà tôi vô. Anh Liêm nói: “Theo nguyên tắc trường thi, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhưng bà ấy là giáo viên trong trường, quen biết nên

tôi cho phép ông gặp bà ấy 15 phút ở ngoài sân, không được vào trong phòng chấm thi”. Rồi anh dặn thêm: “ Nhớ 15 phút thôi đấy, không được lâu hơn”. “Vâng, cám ơn anh”.

Chú gác dan ra mở cổng, tôi đi theo ra đón nhà tôi và thuật cho nhà tôi nghe lời anh Liêm dặn. Nhà tôi lẩm bẩm nói nhỏ như nói một mình: “Lại vẫn hắc ám. Làm như coi thi chấm thi là oai lắm đấy. Ai muốn vào phòng chấm thi làm gì!”.

Chúng tôi ngồi trên ghế đá ngoài sân phía trước tượng ông Trịnh Hoài Đức, vị quan Hiệp trấn đại thần đã có công gây dựng vùng đất Biên Hoà, Bình Dương thời vua Gia Long, người ta đang định đập đi. Nhà tôi mở túi xách lấy đưa cho tôi một lọ muối mè giã chung với đậu phọng. Tội nghiệp, thời buổi khó khăn, có lọ muối mè cũng phải đi từ Sài Gòn lên Bình Dương “tiếp tế” cho chồng!

Tôi hỏi: “Ai coi bé cho em lên đây?”. “Em gửi mẹ. Mẹ bảo cứ đi đi, thằng bé đang ngủ, bao giờ nó dậy mẹ sẽ pha sữa cho nó bú”. Tôi nói: “Chấm thi có lẽ cũng sắp xong rồi, chắc vài hôm nữa sẽ làm lễ tổng kết hội đồng. Đường xá xa xôi, giá em không lên cũng được”. Nhà tôi nói: “Từ Sài Gòn tới Búng có hơn 20 cây số, xe buýt chạy một lúc là tới. Tại em thấy anh thích ăn muối mè chung với đậu phọng nên làm đem lên chứ không thôi cơm tập thể anh ăn không nổi, ban đêm đói bụng”. Tội nghiệp, nhà tôi vẫn như thế, săn sóc cho chồng đủ thứ từ ngày hai đứa chúng tôi lấy nhau.

Tôi đưa tay coi đồng hồ, thấy chưa tới 15 phút nên vui miệng kể cho nhà tôi nghe ở đây buổi tối cứ đêm nào trời thanh vắng, không có mưa, cà cuống từ các ruộng lúa gần đấy thấy ánh đèn sáng thường bay lên, tiếng bay xè xè rồi rơi xuống đất, bò lọc cọc trên sân xi măng nghe rất tức cười. Nhà tôi kêu: “Ơ, nếu bắt được thì anh bắt giùm cho mợ đi, mợ thích làm nước mắm cà cuống”. Nhà tôi là gốc Hà Nội ngày trước nên có thói quen gọi ba mẹ bằng cậu mợ. Mẹ vợ tôi nấu các món ăn Hà Nội ngon lắm và biết cách lấy cái bọc nhỏ xíu trong ức con cà cuống, cho vào giấm hay nước mắm gì đó, lúc ăn bánh cuốn, chả cá, giò heo nấu giả ba ba..vv…, nhỏ vô vài giọt, thơm lắm, mùi thơm rất đặc biệt. “Ừ, được, tối nay anh sẽ bắt. Nhưng chỉ sợ vài ngày nữa mới về, để lâu nó chết mất uổng”. “Không sao đâu anh, hễ bắt được, lúc nào rảnh anh vặt cánh nó đi, nướng sơ lên hay không nướng cũng được, cho vào trong muối thì để bao lâu cũng không sao hết”. “Ừ, anh sẽ gửi tiền nhờ các chị nuôi lúc nào đi chợ mua giùm bịch muối”.

Nhà tôi đưa tay coi đồng hồ: “Thôi, hết giờ rồi, em phải về kẻo cái ông hắc ám ông ấy lại cho người ra nhắc mất công”. “Ừ, em về, nhớ thơm thằng bé cục cưng giùm anh”. Nhà tôi đi, tôi tiễn ra cổng và đứng nhìn theo cho đến khi nhà tôi sang bên kia đường, tà áo dài trắng bay bay. Hồi ấy mới “giải phóng”, các cô giáo đi dạy hay đi học chính trị vẫn còn mặc áo dài giống như thời cũ. Một chiếc xe buýt từ phía Bình Dương đi xuống, dừng lại, mọi người lên xe, nhà tôi cũng lên rồi cúi đầu nhìn qua cửa sổ, vẫy tay ra hiệu cho tôi trở vào. Chỉ có thế thôi, vậy mà đã phải đi 20 cây số đem lên cho chồng một lọ muối mè rang giã chung với đậu phọng.

Buổi tôi hôm ấy tôi bắt được 3 con cà cuống. Tối hôm sau, mới bắt được một con thì anh Liêm ra và cũng đi kiếm cà cuống giùm tôi. Không hiểu sao một ông chủ tịch hội đồng nghiêm nghị như anh Liêm mà cũng để ý đến một chuyện vụn vặt như vậy.

Anh Liêm bắt được một con, đưa cho tôi bỏ vào trong bịch ny-lông rồi bảo tôi:

- Mình lại đằng kia nói chuyện đi ông.

Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế đá ở chỗ góc sân hơi khuất. Anh Liêm hạ thấp giọng nói nhỏ đủ cho tôi nghe:

- Tôi đã coi lại bài của tụi nó rồi. Trường mình có 3 đứa điểm kém quá chắc chắn sẽ rớt. Ông là tổ trưởng, có quyền sửa điểm cho tụi nó. Ban đêm vắng người, tôi sẽ rút bài của 3 đứa đó ra, ông cho thêm mỗi đứa vài điểm, 3 đứa đó đậu là trường mình đạt tỉ lệ đậu 100 phần trăm.

Tôi nói:

- Không được đâu anh. Tổ trưởng chỉ giữ vai trò trông coi việc chấm bài và liên lạc giữa ban lãnh đạo hội đồng với các giám khảo chứ không được quyền động tới điểm của các thí sinh. Nếu tôi sửa điểm, hễ bị khám phá là ở tù đấy chứ không phải chuyện vừa. Cả anh nữa cũng sẽ bị liên luỵ về tội thông đồng với tổ trưởng để gian lận.

Đoạn tôi nói thêm:

- Trường mình 4 lớp 12, có 3 em rớt vậy là cao lắm rồi, cần gì phải đạt tới mức tuyệt đối 100 phần trăm để có thể bị nguy hiểm.

Cuối cùng, tôi chợt nghĩ ra anh Liêm là người ngoài Trung, xa gia đình, muốn đạt thành tích thật cao để mau được cứu xét trở lại quê nhà, nên bèn nói:

- Ông Chín Đức đang mong thí sinh đậu thật nhiều, càng nhiều càng tốt. Nếu muốn, anh có thể nói với ông ấy là có 3 thí sinh suýt soát điểm đậu, vậy là ông ấy cho thêm điểm ngay chứ có gì khó.

Nét mặt anh Liêm ỉu xìu:

- Nhưng điểm tụi nó kém quá nên mình không tiện đề nghị.

- Kém là bao nhiêu hả anh?

- Cỡ 7- 8 điểm gì đó cả 6 môn, tức trung bình mỗi môn chỉ hơn 1 điểm.

- Vậy thì thua, không làm gì được.

Anh Liêm im lặng không nói gì nữa.

Thế rồi việc chấm thi cũng xong. Hôm làm lễ tổng kết hội đồng, ngoài ông bí thư tỉnh uỷ ra còn có ông chủ tịch UBND tỉnh và các ban bệ khác tham dự nên buổi lễ lại càng long trọng. Khởi đầu, anh Liêm nhân danh chủ tịch hội đồng giám khảo lên báo cáo kết quả kỳ thi đã đạt được. Nói chung, thí sinh cả tỉnh đậu 97,5% so với 95,2% năm ngoái và 94,5% năm kia. Riêng trường tôi đậu 98,5%, trường cấp 3 Lái

Thiêu 98,2%, trường cấp 3 Tân Uyên 97,8%, còn các trường khác trường nào cũng đậu từ 97% trở lên. Hội nghị vỗ tay và người hãnh diện nhất có lẽ là ông Chín Đức. Tiếp theo, ông Sáu Việt trưởng ty Giáo dục lên khen ngợi các trường đã đạt thành tích tốt nhất. Sau đó, ông chủ tịch UBND tỉnh lên thay lời ông bí thư tỉnh uỷ phát biểu, khen ngợi toàn thể ban lãnh đạo ty Giáo dục và hội đồng giám khảo ..vv.. Cuối cùng, buổi lễ chấm dứt, anh Ba Thiện phó ty đặc trách đời sống cầm micrô đứng tại chỗ mời tất cả các anh chị em xuống phòng ăn bên dưới dự tiệc liên hoan, còn quý vị đại biểu và quý vị trong ban lãnh đạo cũng như các nhân viên trong Ty Giáo dục thì xin mời sang phòng bên cạnh.

Chúng tôi xuống sân, anh nào cũng xách theo túi xách đã để sẵn trước cửa phòng hội nghị lúc vào dự lễ tổng kết, hễ ăn uống xong, có xe buýt tới là sẽ dông liền.

Khốn nỗi, khi vào phòng ăn, thức ăn bày trên các dẫy bàn dài thì nhiều nhưng toàn những món được làm theo kiểu cỗ bàn nhà quê ngoài Bắc: thịt heo luộc, lòng heo luộc, xôi đậu xanh, nước suýt (nước luộc thịt, luộc lòng) bỏ hành lá ..vv.. Những năm trước, liên hoan tổng kết tuy không giết heo nhưng anh nuôi, chị nuôi là người Nam, làm các món ăn miền Nam như cà-ri bánh mì, bún thịt nướng, thịt phá lấu, thịt kho tàu..vv.., chúng tôi ăn rất ngon lành. Năm nay không hiểu sao lại đổi anh nuôi, chị nuôi là người Bắc, nấu theo kiểu Bắc, chúng tôi ăn không quen nên rất ngại ngần, chẳng anh nào muốn ngồi vào bàn.

Bỗng bên ngoài có tiếng ai đó nói: “Xe buýt tới, xe buýt tới…”, vậy là mọi người vội vàng xách theo túi xách chạy ra cổng, hối hả lên xe buýt, những anh lên chậm phải chờ chuyến khác nhưng chẳng ai ở lại ăn uống.

Xe chạy. Một anh đứng bên cạnh tôi, tay bám vào thành ghể đã có người ngồi, chuyện trò:

- Sao năm nào thi cử họ cũng tìm cách bắt tụi mình cho điểm thật lớn cho có tỉ lệ thí sinh thi đậu thật cao thế nhỉ?

Tôi nói:

- Tại bệnh thành tích đấy. Ông nào cũng muốn có thành tích cao để giữ địa vị hoặc thăng tiến địa vị. Đấy, ông thấy, ông Sáu Việt trưởng ty thì đi xe Mỹ bóng loáng có tài xế lái, còn ông Chín Đức với ông Ba Thiện phó ty thì đi xe Honda cũ rích. Tôi nghi cái xe Honda đó chắc các ông ấy cũng kiếm ở đâu chứ từ ngoài Bắc vào, nghèo muốn chết làm gì có xe Honda.

Người bạn nói:

- Muốn thí sinh thi đậu bao nhiêu phần trăm là quyền của họ, tại sao họ cứ bắt tụi mình nhúng tay vô, cho thí sinh đậu thật nhiều trước khi họ tăng lên tới 97,5 phần trăm một cách vô lý?

-Vấn đề tâm lý vậy thôi. Ví dụ thí sinh thi đậu 20 – 21 phần trăm, các ông ấy bắt tụi mình tăng lên 60 – 70 phần trăm trước khi họ tăng lên tối đa thành 97,5 phần trăm thì họ thấy thoải mãi hơn đang từ 20 – 21 phần trăm cho vọt thẳng lên 97,5 phần trăm, đúng không?

- Đúng, nhưng thi với cử, chán muốn chết. Thà đừng thi thố gì nữa còn hơn!

o0o

Mọi chuyện qua đi, ít lâu sau tôi được đổi về một trường tại Sài Gòn nên không biết ở tỉnh có còn cái vụ “đạt thành tích cao, nắm ngọn cờ đầu toàn quốc” như trước nữa hay không.

Thế rôi thời gian trôi qua, có lẽ khoảng 10 hay 12 năm tôi không nhớ rõ. Một hôm tôi bị cảm sốt, uống loanh quanh Paracetamol và Panadol mãi không khỏi, bèn ra y tế phường khám bệnh.

Bác sĩ còn khá trẻ, cỡ ngoài 30 tuổi trông rất quen, sau tôi nhớ ra đó là Nguyễn Văn Quý, học trò cũ của tôi ở D.A khi tôi còn dạy ở đấy. Sở dĩ tôi tôi nhớ mặt, nhớ tên vì Quý học rất kém, lớp 12 A2 Quý học lại do tôi làm chủ nhiệm nên biết rất rõ từng người. Quý kém đến nỗi anh Liêm hiệu trưởng định không ghi tên trong danh sách thí sinh thi tốt nghiệp phổ thông vì sợ làm giảm tỉ lệ học sinh thi đậu của nhà trương. Nhưng vì ông già hay chú bác gì đó của Quý làm lớn trong tỉnh ai cũng biết tiếng nên đành phải cho đi thi. Thế rồi với tỉ lệ thí sinh thi đậu 97,5% của tỉnh, tất nhiên Quý cũng đậu.

Chẳng những thi đậu tốt nghiệp cấp 3 mà Quý còn được học Y khoa tại Đại học Y Dược Sài Gòn. Chúng tôi rất ngạc nhiên. Thi vô Y khoa rất khó, hàng ngàn người mới đậu vài người, làm sao Quý có thể đậu được? Thì ra, Quý học Y khoa theo hệ “học gửi”. Ở Việt Nam hiện nay, Đại học Y Dược đào tạo các bác sĩ theo 3 hệ: Thứ nhất, hệ chính quy, sinh viên thi vào rất khó, học trong 6 năm cộng thêm 1 hay 2 năm chuyên ngành, tức 7 đến 8 năm, loại này rất giỏi. Thứ hai, hệ “học gửi”, không phải thi cử gì cả, chỉ do địa phương chịu đóng mọi chi phí rất lớn cho nhà trường rồi gửi lên học. Các sinh viên “học gửi” này thường ỷ mình là do địa phương quản lý, không bắt buộc phải chăm chỉ như các sinh viên chính quy nên thường lơ là, ít để ý đến việc học. Thứ ba, hệ “đôn cấp”, các y tá hoặc y sĩ trung cấp sau khi đã phục vụ tại các bệnh viện hoặc các phường, xã từ 3 đến 5 năm, nếu được cấp trên cứu xét, gửi lên Đại học Y Dược và cũng chịu các khoản phí tổn giống như sinh viên học gửi thì sau 2 hay 3 năm sẽ ra bác sĩ.

Theo nguyên tắc, các bác sĩ “học gửi” hoặc “đôn cấp” sau khi ra trường sẽ về làm việc tại địa phương, nhưng không hiểu Quý chạy chọt thế nào lại được làm bác sĩ ở Sài Gòn tại phường tôi.

Quý chỉ chiếc ghế trước mặt cho tôi ngồi rồi mở sổ hộ khẩu tôi vừa nộp coi sơ tên tuổi, địa chỉ của tôi và hỏi:

- Hồi trước ông là giáo viên dạy ở trương Cấp 3 D.A phải không?

-Vâng.

-Ông có nhớ tui là ai không?

-Nhớ, Nguyễn Văn Quý, lớp 12 A2 tôi làm chủ nhiệm.

Quý nói có vẻ hãnh diện:

- Ông thấy không, hồi đó mấy giáo viên dạy lớp ai cũng la tui học dở, bây giờ tui cũng bác sĩ như ai chớ có thua kém ai đâu.

Rồi hắn hỏi tiếp:

-Sao nào, thầy bịnh gì nào?

Tôi nói tôi bị cảm sốt, uống Paracetamol và Panadol mãi không khỏi. Hắn lấy ống thính chẩn nghe ngực, nghe lưng rồi ghi toa cho tôi gồm 3 thứ thuốc tôi nhớ là Dectancyl, Ampiclox và Vitamin C, chữ nguệch ngoạc như người tập viết.

-Ngày uống ngày 3 lần sáng chiều tối, mỗi lần mỗi thứ 1 viên tui đã ghi rõ.

-Vâng, cám ơn bác sĩ.

Tôi cầm cuốn sổ hộ khẩu trên bàn rồi đi như một người hoàn toàn xa lạ.

Buổi tối hôm ấy ăn cơm xong tôi mới uống 1 viên Dectancyl, 1 viên Ampiclox còn Vitamin C để lại vì sợ ban đêm khó ngủ thì cỡ 2 giờ sáng bỗng thức giấc vì bụng đau như cắt. Đau đến mức tôi cứ vừa bóp bụng rên la vừa bò từ trên giường xuống đất vẫn không đỡ đau. Lại ói nữa, trong chất nhớt dãi ói ra có lẫn với máu. Cả nhà sợ hãi nhưng không biết phải làm sao. Mẹ tôi nói: “Hay sang gọi cửa nhờ cô y tá cô ấy qua coi giùm xem sao...”. Nhà tôi định đi, em gái tôi nói: “Để em đi cho”, rồi em tôi đi.

Nhà của cô y tá thường gọi là cô Năm ở cách nhà tôi mấy căn. Lát sau cô sang, cầm theo ống thính chẩn và chiếc túi xách đựng các đồ y tề. Thấy tôi đang bò dưới đất hai tay bóp bụng cho đỡ đau, cô hỏi đau thế nào, tôi cố nín đau kể lại chuyện hồi chiều đi khám bệnh ngoài phường, buổi tối mới uống hai viên thuốc Dectancyl và Ampiclox, cỡ hai giờ sáng bị đau dữ dội lại ói cả ra máu nữa. Cô bóp bóp bụng tôi: “Thôi chết, vậy là bị hai thứ thuốc đó phá bao tử rồi. Tôi chích cho cậu một mũi Atropin đặng đỡ đau rồi phải đưa đi bệnh viện cứu cấp lập tức. Nếu để lâu, trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa, bao tử bể ra, bị xuất huyết nội thì cậu sẽ chết”. Cô chích cho tôi một mũi Atropin sau đó gia đình đưa tôi đi bệnh viện.

Vị bác sĩ tương đối đã lớn tuổi trực phòng cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân đêm ấy lại là học trò cũ của tôi ở Bạc Liêu ngày trước. Anh hỏi nhà tôi: “Thầy là giáo sư dạy tại Trung học Bạc Liêu hồi xưa phải không cô?”. Nhà tôi nói vâng. Anh quay sang tôi: “Em là Hứa Ngọc Xướng, học trò cũ của thầy ở Bạc Liêu hồi đó đây thầy. Thầy đau thế nào phải đi cấp cứu?”. Tôi nói tôi uống lầm thuốc giống như đã nói với cô y tá. Anh Xướng hỏi ngay: “Thầy có đem theo toa thuốc đó không, đặng em biết cách chữa?”. Cũng may là từ hồi chiều về đến giờ tôi vẫn để cái toa thuốc trong túi áo ngực nên lấy đưa ra. Vị bác sĩ coi xong, nói: “Cái thằng cha đó tầm bậy thiệt, bộ vừa nghe lời thầy giảng vừa ngủ gục hay sao mà nó hổng biết Dectancyl và Ampiclox là hai loại thuốc chống viêm, trị cảm sốt rất tốt nhưng không được uống chung với nhau. Nếu uống chung, nó phá bao tử bịnh nhơn sẽ chết”. Rồi anh bảo

tôi: “Thầy ói ra máu nghĩa là bao tử đã bắt đầu đứt các mạch máu nhỏ rồi đó thầy. Phải mổ ngay nếu không nó bể tung ra, bị xuất huyết nội không cứu được nữa”. “Vâng, tuỳ anh. Nếu cần làm giấy tờ gì nhà tôi ký sau cũng được”. “Dạ”. Xướng phụ với nhà tôi đỡ tôi lên cái giường có bánh xe rồi tự tay anh đẩy đi. Tới phòng nào anh cũng đều nói: “Thầy cũ, thầy cũ, mổ gấp, mổ gấp, làm lẹ giùm”. Chỉ nửa tiếng sau là tôi đã được đưa vào phòng mổ và được cứu thoát…

Thưa quý bạn độc giả, tôi kể lại câu chuyện “Con heo trong hội đồng thi” trên đây không phải để nói xấu hay chỉ trích ai cả mà chỉ muốn thưa với quý bạn rằng vấn đề giáo dục quan trọng như thế đó, nó sẵn sàng “trả đũa” con người ta một cách nhanh chóng, trông thấy nhãn tiền. Trong kỳ chấm thi tôi không làm gì cả, chỉ trông nom cho anh em chấm và liên lạc giữa ban lãnh đạo hội đồng với anh em mà thôi, nhưng đã bị nó quật như vậy. Ngoài ra, một người học trò cũ “thời mới” suýt làm tôi nguy hiểm, một người học trò cũ “thời đó” cứu tôi, cả hai đều là bác sĩ nhưng trình độ của họ khác nhau do hai nền giáo dục khác nhau, đó mới là điều đáng nói phải không thưa quý bạn?

Đoàn Dự

Sunday, August 28, 2022

Con đường vượt biên tìm Tự do (1)

 Vượt Biển tháng 5/1986

Hồi tưởng lại hành trình trốn thoát tìm tự do. Chúng tôi, 18 người trên cùng một chiếc ghe, trãi qua 13 ngày vượt biển, và đã thành công. Chúng tôi đã tận dụng hết trí và sức của mình bên cạnh những phép lạ và ơn trên. Tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria…

A. Ghe Vượt Biển:

- Ghe dài 8m từ mũi đến lái, nơi bề ngang rộng nhất là 1m5, chổ sâu nhất lòng ghe là 1m2.

- Máy chạy ghe: máy F7 (Nhật bản).

- Kiến trúc: ghe dành cho ngư dân đi lưới đáy gần bờ.

B. Người Vượt Biển:

18 người đi trên ghe vượt biển năm 1986, gồm có 12 người lớn (7 nam, 5 nữ), và 6 trẻ con (4 trai, 2 gái).

oOo

- Trưa 30/4/1986 nằm ở ghe, từ radio cầm tay của bố Tình tôi lắng nghe tường thuật trận đá banh giữa hai đội Cảng Sàigòn và Sông Lam. Sau trận banh, bản tin khí tượng cho biết cơn bão nhiệt đới trên biển Đông đang ở ngoài khơi Vũng Tàu, bão đang tiếp tục di chuyển hướng bắc.

- Chiều 30/4/1986, tin khí tượng radio cho biết cơn bão đang qua ngoài khơi Quảng Bình, và đang tan dần.

- Tối 30/4/1986, tôi gặp Linh (chủ ghe & tổ chức) và khuyên Linh đổ quân vượt biển theo đuôi cơn bão. Linh nhỏ hơn tôi 7 tuổi. Thoạt đầu Linh chần chừ, nhưng sự quyết liệt của tôi đã thuyết phục Linh. Chúng tôi cùng quyết định ngày 1/5/1986 đưa, chuyển mọi người xuống bãi.

**Ngày 1** - 1/5/1986

- Trưa ngày 1/5/1986 mọi người được gửi tạm cư trong một vài gia đình quen ở Giáo xứ Hải Sơn, Bà Rịa. Linh điều các ghe chèo nhỏ, rãi rác và liên tục chuyển mọi người đến bãi trong cùng ngày.

- Chiều tối, tôi đi bộ từ Hải Sơn xuống ghe đang đậu bến ở chợ Phước Hòa, Bà Rịa. Tôi gặp Cường (thợ máy) và một thanh niên (dân thổ địa, dẫn bãi). Cả 3 người xuống ghe. Tôi lái ghe chạy theo hướng chỉ của người thanh niên thổ địa (tôi không nhớ tên) để tới bãi đang dấu ếm người. Ghe chạy trên sông lớn.

Mưa lất phất và đêm tối, tôi cảm thấy căng thẳng. Người thanh niên thổ địa, có phận sự dẫn ghe ra bãi nhưng anh ta đã không nhớ, không biết được con rạch nào rẽ vô bãi. Tôi cho ghe chạy xuống rồi chạy lên trên sông lớn, thằng cu vẫn ú ớ không nhớ, không biết đường vô bãi. Chán ngán, tôi quyết định về lại Hải Sơn, tìm người khác dẫn bãi. Tôi cho ghe tấp vào con rạch cạn bên sông lớn, con rạch dẫn về Hải Sơn. Tôi nói với Cường ở lại giữ ghe. Cường gật đầu, đốt đèn dầu, nhưng tôi bảo Cường tắt đèn, vì an toàn!

Tôi và thanh niên thổ địa xuống ghe, lội bộ theo con rạch về Hải Sơn. Thủy triều đang xuống, nước từ các sông rạch đang rút ra biển, con rạch về Hải Sơn cạn nước. Chúng tôi bước bì bõm trên bùn sình để về Hải Sơn. Tôi bảo người thanh niên tìm cho tôi một người dẫn đường khác, và hẹn gặp nhau ở nhà của Liên.

Tôi vào nhà Liên, mẹ của Liên ra mở cửa, nhìn tôi bùn sình lấm tới đầu, bà nói: "Con Liên đã đi ra bãi trưa nay, anh gặp nó không?". Tôi lắc đầu, mệt lữ: "Em chưa tới được bãi. Em đang chờ người dẫn ra bãi, chị đừng lo, đi ngủ đi chị!"

Tôi ngồi chờ một lúc, người thanh niên dẫn tới một người trung niên cở tuổi tôi (tôi lại không nhớ tên anh ta). Vừa gặp tôi, anh ta giục tôi: "Mình đi…"

Cả 3 chúng tôi cùng lội sình, ngược theo con rạch, đi tới ghe. Chúng tôi đẩy ghe ra sông lớn, nổ máy và đưa ghe qua bên kia sông. Thủy triều đang ngủ, chưa lên. Tới con rạch dẫn vào bãi, con rạch đang cạn nước, tôi tấp nghiêng ghe vào mé rạch. Tôi nói với hai người dẫn bãi "tôi và Cường ở lại ghe chờ nước lên, hai anh đi vô bãi và gặp, báo với Linh để mọi người an tâm". Hai người bỏ đi. Tôi và Cường cùng ngồi chờ nước lên và… cùng ngủ quên!

**Ngày 2** - 2/5/1986

- Khoảng 2 giờ sáng, tôi nghe tiếng gõ phía mũi ghe, ghe lắc lư làm tôi thức giấc, 2 người dẫn bãi đã trở lại. Thuỷ triều đang lên, nước đang từ biển đổ vô các sông rạch. Cường nổ máy ghe, tôi lái ghe vào bãi.

Mưa lất phất tại bãi, Linh sắp xếp cho mọi người tuần tự xuống ghe. Tôi thấy vợ tôi và 3 đứa con. Tôi chỉ nhìn mọi người xuống ghe mà không đếm. Mọi người xuống ghe và cùng ngồi, nằm trong khoang mũi. Lưới được lấy ra từ khoang mũi và chất lên sàn khoang, phía mũi. Thuật và Cường được Linh sắp xếp ngồi trong khoang máy, coi chừng máy ghe và điều khiển máy bơm thoát nước.

- Khoảng 3 giờ sáng, thủy triều lên ngang tầm, Cường nổ máy ghe, tôi lái ghe.

Sàn lái có tôi, Linh và thanh niên dẫn bãi. Ngồi ở sàn mũi ghe là người dẫn bãi trung niên. Người trung niên chỉ cho tôi chạy ghe theo con rạch cũ để trở lại với sông lớn. Cu thanh niên dẫn bãi ghé ngồi gần sát tôi xưng tội: "Em thiệt vô dụng. Em xin lỗi anh. Em cứ nghĩ ghe này là ghe đi rê, ghe chuyển khách, chứ không phải là ghe lớn. Thôi! Chúc anh đi bình an. Nhớ! Đừng quên em nha!" Nhưng tôi đã quên, không nhớ tên cu cậu!

Đến ngã ba, rạch và sông lớn, người dẫn ghe trung niên đi từ sàn mũi tới sàn lái, anh bắt tay Linh và tôi, anh nói "chúc thượng lộ bình an", và cả hai người dẫn bãi cùng rời ghe.

Tôi bảo Cường tăng máy. Chúng tôi khởi hành vượt biên sáng ngày 2/5/1986!

- Khoảng 6 giờ sáng, ghe chạy ngang qua chiếc phao neo nổi, nơi được gọi là ngã ba cửa biển Vũng Tàu (bên trái), và Cần Giờ (bên phải). Ngã ba Đèn Trắng này có nhiều giai thoại nước mắt và ma quỷ. Vì ngã ba này là giao điểm của luồng nước từ ngoài khơi đổ vào Vũng Tàu, Cần Giờ. Nước bị dồn ép khi đổ tuôn vào các sông rạch đất liền, đã tạo nên những chỗ nước chảy xoáy bất định, đã từng cuốn trôi và nhận chìm các ghe thuyền nhỏ vô tình đi ngang qua. Ngã ba Đèn Trắng cũng là nơi các ghe vượt biên bị ghe công an biên phòng Vũng Tàu - Cần Giờ chận bắt hoặc bắn chìm…

Qua khỏi ngã ba Đèn trắng thì trời bắt đầu hửng sáng, biển động cấp 3. Cửa biển vắng vẻ, lác đác ghe thuyền qua lại. Tôi lái ghe chạy hướng tây nam 210 độ, nhắm giàn cọc lưới đáy phía Vũng Tàu trước mặt, chạy tới để thoát ra biển. Chạy như vậy, may ra tôi có thể đánh lừa các tai mắt rình mò của công an biên phòng Vũng Tàu, rằng “đây chỉ là một ghe dân đi thăm lưới đáy”.

Tôi cho ghe chạy tránh dàn lưới đáy về bên trái ghe, và chạy né cọc lưới đáy cuối cùng xa bờ Vũng Tàu, rồi đổi hướng nam, chạy 180 độ.

- Khoảng 10 giờ trưa, ghe chạy qua hàng lưới đáy. Vẫn giữ hướng nam 180 độ, chúng tôi vượt biên, ra khơi!

Biển vẫn động cấp 3, ghe nhảy sóng ngược, những cơn sóng bạc đầu liên tục phủ mũi ghe, nước tràn vào khoang mũi và chảy vào khoang máy. Tôi cầm lái. Cường và Thuật đang thay phiên điều khiển máy bơm nước trong khoang máy ra ngoài. Biển vẫn động và động mạnh!

- Khoảng 15 phút, Cường ló đầu ra phía sau khoang máy, nói to với tôi: "Nước vẫn vô, bơm không kịp. Anh Ba!". Tôi trấn an: "Tiếp tục bơm. Cố chịu khó. Mình phải đi sóng ngược để vượt qua mũi Vũng Tàu".

- 15 phút sau, Cường lại ló đầu, mặt xanh xao: "Em chịu hết nỗi. Anh Ba… Em sắp bị say sóng… Ngộp quá!". Tôi bảo Cường bước lên khoang lái, ngồi cho thoáng để lấy lại sức. Tôi nói với Linh đang đứng bám phía trước khoang máy, cùng xuống khoang máy bơm nước với Thuật.

- 15 phút lại trôi qua, Linh ló đầu và chồm nửa người ra khỏi khoang máy, người Linh ướt nhem, nói lớn: "Bơm nước không kịp, nước cứ mấp mé bánh trớn của máy. Anh Ba à… Ngập thêm thì máy sẽ đứng!". Tôi hỏi Linh: "Cu Thuật đâu rồi?", Linh đáp: "Thuật đang bơm. Lì sóng lắm!"

Nghe vậy, tôi giựt mình, hoảng hồn. Tôi không say sóng, nhưng mọi người đang say sóng! Mọi người đang ướt nhem! Ghe đang chạy ngược sóng! Máy sắp ngập nước!…

Tôi ngoái nhìn Vũng Tàu. Tượng Chúa Kitô Vua giang tay vẫn ở phía bên trái của ghe. Tôi giơ tay làm dấu thánh giá và quyết định đổi hướng 160 độ, cho ghe chạy hướng đông nam.

Ghe chạy chếch sóng ngược. Sóng vỗ mạn phải ghe, thì thoảng tràn nước lên mui. Ghe lắc ngang theo sóng. Tôi ước tính, ghe đang chạy hướng 160 độ, sóng nước mạn phải sẽ bê và dạt ghe vào hướng 130 – 140 độ. Tôi và Linh nhìn nhau thở phào. Thuật ló đầu cười: "Em canh chừng nước, lâu lâu sẽ bơm". Cu Cường đang ngồi dựa vào khoang máy, ngủ khò.

Ghe vẫn chạy hướng đông nam 160 độ. Mũi Nghinh Phong, Vũng Tàu và tượng Chúa Kitô Vua giang tay đang khuất dần sau lưng chúng tôi. Buổi chiều bầu trời phía mặt trời lặn đỏ ối sau lưng tôi, báo hiệu đuôi bão chưa tan. Tạm biệt quê hương! Tạm biệt những con đường phố vắng nắng vương! Tạm biệt những thân yêu!...

Đêm xuống không chút tĩnh mịch. Tiếng máy nổ trầm bỗng lên xuống theo những cơn sóng của biển 3, hợp cùng tiếng sóng va đập mạn phải ghe. Tôi ngồi đó và lái ghe một mình. Nhìn trời biển, tôi thầm thì cầu nguyện và tâm sự với biển…

Mọi người đang say sóng, đang ngủ ngon.

Nửa đêm ghe đi ngang giàn khoan Liên Xô ngoài khơi Vũng Tàu. Tôi đoán vậy, vì tôi nhìn thấy những giàn đèn sáng lộ thiên của những chiếc tàu lớn đang thả neo gần giàn khoan… Tôi bỏ mặc và giữ hướng cho ghe chạy tiếp.

NgHoa Nguyen (Trang Văn chương miền Nam)

Saturday, August 27, 2022

Vua dầu lửa dạy con

David Rockefeller Jr. - thành viên của một trong những gia tộc giàu nhất lịch sử nước Mỹ cho biết ông nhận ra nhà mình giàu là nhờ... các bạn cùng lớp.

Ông John Davison Rockefeller Sr. (1839 - 1937) sinh ra trong gia đình người Mỹ đông con, nhưng nhờ sự thông minh, lanh lẹ nên đã sớm bước chân vào con đường kinh doanh và đạt được thành công.

Đến năm 1870, ông thành lập công ty Standard Oil, trở thành ông trùm dầu mỏ khi dầu hỏa và xăng dầu ngày càng trở nên quan trọng, từ đó ông cũng là người giàu nhất đất nước, kiểm soát 90% tổng lượng dầu ở Hoa Kỳ vào thời kỳ đỉnh cao.

John Davison Rockefeller, tỷ phú giàu có nhất trong lịch sử Mỹ. (Ảnh chụp năm 1895)

Sự giàu có khủng khiếp của gia tộc Rockefeller không phải là điều duy nhất khiến họ được cả thế giới nhớ tới, mà quan trọng hơn là cách sống khiêm nhường, sự nghiệp làm từ thiện đáng ngưỡng mộ cũng như cách họ dạy con để duy trì sự giàu có này qua nhiều thế hệ.

Sinh thời, ông John Davison Rockefeller luôn dạy các con phải biết nỗ lực, chăm chỉ, không ỷ thế vào sự giàu có của gia đình mà được phép lười biếng. Ông John cũng nổi tiếng là người hào phóng trong các công tác từ thiện. Không phải khi giàu có ông mới nghĩ đến việc làm này, mà đã quyên góp những đồng xu đầu tiên từ năm 16 tuổi - khi ông bắt đầu làm việc. Trong suốt cả cuộc đời, ông đã cho đi khoảng 550 triệu đô la, góp phần vào sự thành lập và hoạt động của nhiều ngôi trường trên khắp nước Mỹ.

John D. Rockefeller Jr. (1874 - 1960) đã dạy các con 4 bài học đắt giá về tài chính

Tiếp nối những điều đã được cha mình truyền dạy, John D. Rockefeller Jr. (1874 - 1960) cũng đã dạy các con của mình những bài học rất đắt giá về giá trị của lao động và tiền bạc.

Ông có 6 người con trong đó có 5 trai, 1 gái và theo hồi ức của Nelson (1908 - 1979), người con thứ 3 của ông John D. Rockefeller Jr., mỗi tuần, họ được bố cho 25 xu tiền tiêu vặt, và phải tự kiếm số tiền còn lại cho việc chi tiêu.

"Để có tiền tiêu thêm, chúng tôi phải trồng rau, nuôi thỏ. Chúng tôi luôn làm việc", ông Nelson kể lại.

Cũng theo Nelson, tất cả các anh em của ông đều phải ghi chép lại chi tiết các khoản chi tiêu để luôn có thể trả lời bố chuyện gì đã xảy ra với từng đồng tiền họ kiếm được. Họ cũng được bố yêu cầu phải dành ra 10% thu nhập để làm từ thiện, 10% để tiết kiệm.

Ông Nelson Rockefeller

Ông Nelson sau này đã được bầu làm Thống đốc bang New York trong nhiều năm, và cuối cùng đã trở thành Phó Tổng thống thứ 41 của Mỹ cho biết ông biết ơn sâu sắc những lời dạy của cha. Trong khi đó, 1 trong các em trai của ông, David Rockefeller (1915 - 2017), từng là Chủ tịch Ngân hàng Chase Manhattan thì phát biểu: "Chúng tôi đều được hưởng lợi từ những trải nghiệm này, đặc biệt là trong việc hiểu được giá trị của tiền bạc".


Có thể tóm tắt 4 bài học mà ông John D. Rockefeller Jr. đã dạy các con của mình như sau:

1. Sự cần thiết của lao động: Khi bạn kiếm tiền, bạn sẽ hiểu được giá trị của nó.

2. Sự quan trọng của việc làm từ thiện: Hãy cho đi 10% đầu tiên trong thu nhập của mình.

3. Sự cần thiết của việc tiết kiệm: Hãy tiết kiệm 10% thu nhập của bạn.

4. Sức mạnh của việc quản lý từng đồng tiền: Luôn giải trình được từng đồng tiền đã được tiêu như thế nào.

Người ta thường nói, "Không ai giàu 3 họ", thế nhưng, gia tộc Rockefeller đã đánh bại "lời nguyền" này và vẫn duy trì sự giàu có qua 7 thế hệ. Theo thống kê của tạp chí Forbes, gia tộc Rockefeller sở hữu số tài sản trị giá khoảng 11 tỷ đô la vào năm 2016, là một trong những gia tộc giàu có nhất nhì nước Mỹ.

Họ cũng không bị rơi vào cái bẫy của sự giàu có mà vẫn làm việc chăm chỉ để duy trì sự thịnh vượng. Họ cũng luôn tỉnh táo và nghiêm khắc trong việc dạy con và không quên cho đi, giúp đỡ cho nhiều người bất hạnh hơn mình.

David Rockefeller Jr. được bố bế vào năm 1942

Thậm chí, gia tộc này còn có lối sống rất khiêm nhường. Họ không mua các du thuyền hay xe ô tô thể thao hạng sang, hay dùng trực thăng cá nhân để đi lại nên nhiều khi, chính con cái của họ cũng không biết là mình giàu.

Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện ông David Rockefeller Jr. (sinh năm 1941, chắt của ông trùm dầu mỏ John Davison Rockefeller Sr.) lại không hề biết đến sự thịnh vượng của gia tộc và chỉ phát hiện ra sự thực nhờ... các bạn cùng lớp.

Ông David Rockefeller Jr.

"Một số người trong trường bảo tôi rằng tôi là người giàu có. Tôi còn không biết gia đình mình giàu cơ. Tôi không cảm nhận được điều đó nên đã không đồng tình với họ", David Rockefeller Jr. - Chủ tịch của công ty Rockefeller & Co kể lại.

Nhiều bạn cùng lớp của David còn tiêu xài nhiều hơn ông rất nhiều.

"Như các cậu con trai khác, tôi sẽ mua thẻ bóng chày và kẹo cao su. Nhưng có những bạn cùng lớp khác của tôi còn tiêu nhiều tiền hơn tôi dù gia đình họ nghèo hơn chúng tôi rất nhiều. Tôi còn nhớ khi mình 12 tuổi, một cậu bạn của tôi đã dẫn bạn gái đi ăn tối và tiêu hết 50 đô la. Chúng tôi đã thốt lên, "Chúa ơi", ông David nhớ lại.

Theo Thanh Hương (Trí Thức Trẻ)

Thursday, August 25, 2022

Nơi Mặt Trời luôn chói sáng rực rỡ: Ma tăng trong chùa (2)

Chân dung của 1 ma tăng - Một công chức "ngạch sư" điển hình đương đại!

THỜI TRỤY LẠC 

Tôi không phải là một Tăng sinh hay Phật tử, lẽ ra tôi sẽ không muốn đề cập chuyện này. Nhưng, suốt tháng Vu Lan vừa qua, canh cánh trong óc tôi vẫn cứ là hoài nghi: liệu những việc sặc mùi trục lợi mà công dân Vũ Minh Hiếu, tức Đại Đức Thích Trúc Thái Minh đã chủ trương, tổ chức và trình diễn vừa qua có thể đáng và bị xử lý, phải nhận chế tài luật pháp được không? Tôi cho rằng, câu trả lời là một chữ: được!

Theo quy định, phải từ bậc Thượng Tọa trở lên (cao hơn nữa là Hòa Thượng), mới được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xếp vào hàng Giáo phẩm. Từ bậc Đại Đức trở xuống chỉ là Tăng (đại) chúng.

Nói như thế để hiểu rằng, trong chốn Phật môn, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chưa thuộc hàng có đai đẳng, phẩm trật gì cả, đồng nghĩa cả quá trình tu lẫn tập, cả trình độ Phật học lẫn phẩm hạnh Phật giáo, vị đại chúng tăng này đều chỉ ở mức trung bình.

Nếu xuất gia từ nhỏ, các Sadi ít nhất phải đủ 20 tuổi mới được thầy bổn sư (phía Bắc gọi là thầy nghiệp sư) xét thấy đầy đủ đạo đức, tư cách cho thọ tỳ kheo, chính thức trở thành người tu hành Phật giáo. 

Từ khi thọ đại giới tỳ kheo thì vị ấy phải tu tập đủ 25 hạ lạp, kèm theo những chứng nhận trình độ Phật học đầy đủ mới đủ điều kiện tấn phong Thượng Toạ.

Thọ Sadi với Hòa thượng Thích Thanh Từ, phái Trúc Lâm Yên Tử từ năm 1994 nhưng Thích Trúc Thái Minh vẫn chưa qua đào tạo - thọ giáo bài bản về Phật học. Tuổi hạ lạp còn rất thấp - mới 6 năm. Còn lâu Thích Trúc Thái Minh mới được đứng vào hàng cao tăng Phật môn, được công nhận thuộc hàng Giáo phẩm.

Nói còn lâu là nói chắc, bởi cả pháp tu lẫn pháp hoằng dương của vị này cũng rất lơ mơ, chắp vá, nhiều khi là mạo danh, vô pháp. Là đệ tử phái Trúc Lâm, nghiêng về Thiền, ông tự đề ra pháp tu Hạnh đầu đà - thiên về khổ hạnh, cùng đệ tử ra ngồi gốc cây ngoài rừng cả đêm, ngủ trên đất, ăn một bữa, vốn không phải là pháp tu bản môn. Cũng chẳng sao, vì người tu hành có quyền lựa chọn, sáng tạo tu thức. 

Chối Phật và vô Phật là ở chỗ, ngồi kiết già dưới gốc Bồ Đề, một tay sư Thái Minh cầm tràng hạt, tay kia lại cầm điện thoại Vertu trị giá 80.000 USD. Cả trong quán niệm lẫn trong hành trì thực tế, tôi chịu, chẳng thấy chút màu sắc khổ hạnh nào trong kiểu tu ấy cả. Tạm gọi đó là trình diễn. 

Cả việc xây dựng chùa hoành tráng, lộng lẫy, tổ chức những buổi thuyết giảng, lễ hội hàng ngàn, hàng vạn người tham gia, cờ phướn hoa đăng rợp trời cũng chỉ là trình diễn, không ăn nhập gì với Hạnh đầu đà mà ông ta tuyên bố. 

Hơn thế nữa, chùa hoành tráng, lễ đông đúc, nhưng đến nay, Ba Vàng vẫn không biết do ai quản lý, chẳng nằm trong Giáo hội Phật giáo. Vậy bảo Thích Trúc Thái Minh có công với Phật giáo thì xin hỏi, nhưng "công đức" ấy hồi hướng về đâu, nếu không chỉ là cho chính bản thân, sặc mùi vị lợi?

Tu theo phái Thiền Trúc Lâm, song Thích Trúc Thái Minh và các đệ tử Ba Vàng lại đắp y màu vàng sậm, đôi khi để hở vai, gần giống với y phục của phái Nam Tông ở phương Nam. Cả miền Bắc, mỗi chùa Ba Vàng, vốn thuộc Phật Giáo Bắc Tông - Đại Thừa mặc không giống ai, lai y phục Nam Tông (có cải biên một chút), thường phổ biến ở khu vực đông đồng bào Khmer ở miền Nam - Đồng bằng sông Cửu Long. 

Nhưng Thích Trúc Thái Minh chưa hề tuyên bố đổi dòng tu, cũng như phía Nam Tông chưa bao giờ coi ông ta là đệ tử. Đó là sự mạo danh. Kể cả khi người trong tôn giáo, cố tình đắp y phục của môn phái khác, hành lễ của môn phái khác, đó vẫn cứ là mạo danh tôn giáo. Đáng tiếc, chưa từng nghe Giáo hội Phật Giáo Việt Nam nhắc nhở lấy một lần về chuyện này.

Cúng vong, giải vong vốn là một nghi thức có trong Phật Giáo Đại thừa. Chùa Ba Vàng thực hành nghi thức này có thể là không sai. Tuy nhiên, cái sai là chia ca, áp giá cho mỗi ca thỉnh vong, mà toàn giá cắt cổ lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Để có thể ra giá và thu trọn tiền muôn bạc vạn, Thích Trúc Thái Minh đã tùy tiện đưa cả nữ nhân, bà Phạm Thị Yến về chùa Ba Vàng thuyết giảng, giải thích nhăng cuội về vong này, lỗi kia, kiếp này, kiếp khác để hù dọa Phật tử, ép họ và mặc cả. Đó là gieo rắc nỗi sợ hãi. 

Trong việc này, Thích Trúc Thái Minh, Phạm Thị Yến đã vi phạm luật pháp ở hàng loạt tội: tuyên truyền mê tín dị đoan; lừa đảo; lợi dụng chức vụ quyền hạn (trong tôn giáo, tín ngưỡng) để chiếm đoạt tài sản; hoặc lợi dụng tín nhiệm để trục lợi...

Có thể luật pháp, vì lý do gì đó, tôi không biết, đã bỏ lọt, không xử lý rốt ráo công dân Vũ Minh Hiếu trong vụ này (2019), nhưng đừng ai nói là Thích Trúc Thái Minh không hề sai phạm. Phật giáo vốn lỏng lẻo, nương tay trong kỷ luật, nhưng ngay sau đó cũng đã cách toàn bộ chức vụ của Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, đồng thời buộc ông ta phải thực hành "sám hối đại tăng" - nghi thức kỷ luật cao nhất đối với một tăng chúng.

Tuy nhiên, loài báo không bao giờ thay đổi được đốm vằn trên lưng nó. Mùa Vu Lan vừa qua, Thích Trúc Thái Minh lại tiếp tục có hành vi tổ chức hoạt động vụ lợi rầm rộ hơn, với lễ sớt bát trong khuôn viên chùa Ba Vàng. Đáng nói là, trong lễ có cả nghi thức trì bình khất thực, vốn là nghi thức chỉ của riêng Phật giáo Nam Tông, tu Tiểu thừa. 

Theo luật tạng, khi trở thành 1 vị tỷ khưu (tỳ kheo), việc tu hành có ba ý nghĩa. Một là biến mình thành khất sĩ, hai là  bố ma và ba là phá ác, nhằm hoàn thiện bản thân và giúp đời. Khất sĩ là hình thức xin ăn để diệt trừ ngã mạn, người tu hành cúi mình khiêm cung nhận thức ăn của sự cúng dường (nói rõ là sự bố thí). Và chỉ thế thôi. 

Họ chỉ nhận thức ăn, không nhận tiền, hoa. Cách đi đứng, giờ giấc, cách thức nhận, chối từ... đều phải tuân thủ, gồm 26 điều khoản.  Khi bình bát đã đầy, người đi khất thực sẽ đậy nắp bình, thu bình vào áo, không nhận nữa, trở về chùa theo đúng con đường đã đi qua bằng những bước chân khoan thai, từ tốn. Họ bước đi trong chánh niệm.

Nhưng, "khất thực" tại chùa Ba Vàng không phải chỉ mưu cầu đủ một bữa ăn. Nó đích thực là một buổi thu hụi chết không cấp biên lai, một buổi thu tô niềm tin. Chùa Ba Vàng không nhận thức ăn và tại đó cũng không ai cúng thức ăn, chỉ nhận tiền! 

Phẩm vật cúng dường (tiền) không do Phật tử bỏ vào bình bát hay hòm công đức mà sư tăng điềm nhiên vặt, hái, giật trên tay thí chủ. Đi theo Thích Trúc Thái Minh là hàng chục "tình nguyện viên", mỗi người mang trên tay một xâu giỏ xách may sẵn. Tiền từ bình bát của "sư thầy" được trút vào giỏ của đệ tử đi theo. Giỏ đầy thì chuyền ra cho đệ tử khác cất, thay giỏ mới. Đội quân thu tô lăng xăng, nườm nượp.

Không nghi ngờ gì nữa, đây không phải là nghi lễ tôn giáo, mà là một cơ hội kinh doanh đức tin. Thí chủ dù tự nguyện, cũng là nạn nhân, đang dùng tiền để mua về một sự lừa bịp. Nó không phù hơp với nghi thức cúng dường, cũng chẳng liên quan gì đến ý nghĩa khổ hạnh, diệt ngã mạn của nghi thức khất thực.

Mang theo niềm tin chân thiện, cả vạn thí chủ đang bị lừa đảo, bị biến thành khổ chủ - nạn nhân. Và chính nó đã gây ra "đại khẩu chiến Phật môn" giữa hai nhân vật của Giáo hội Phật Giáo hai miền Nam Bắc, gây chia rẽ đường tu, chia rẽ Phật Giáo. Vì sao phải cãi nhau, không nói ra nhưng ai cũng biết! 

Lời dạy của Đức Thế Tôn, đồng thời cũng là là 6 phép xử thế, 6 yêu cầu - cảnh giới mà chư tăng Phật Giáo phải đạt được trên đường tu để đạt đến Giác Ngộ, được gọi là "Lục Hòa", gồm: Thân hòa đồng trú; Khẩu hòa vô tránh; Ý hòa đồng duyệt; Giới hòa đồng tu; Kiến hòa đồng giải; Lợi hòa đồng quân. 

Cuộc tranh cãi ngay trong nội bộ Phật Giáo, khởi đầu từ việc Thích Trúc Thái Minh tổ chức biến nghi thức khất thực của hệ phái khác thành buổi "thu hụi" cho bản thân và chùa Ba Vàng đã phá nát những gì đẹp đẽ trong giới hạnh Lục Hòa. 

Một người tu hành bậc thấp, phẩm hạnh kém cỏi như thế, lấy tư cách gì mà xoa đầu, ban phước cho chúng sinh như một Vua Phật, một lãnh tụ tinh thần? Nhận ân phước bá vơ như thế, không gọi là u mê, lầm lạc, tôi biết gọi bằng gì?

Quần chúng u mê còn có thể hiểu. Nhưng cả luật pháp cũng không  lên tiếng, cả Giáo hội Phật giáo vẫn điềm nhiên để cho vị trụ trì Ba Vàng đắc cử Phó Ban trị sự GHPG Quảng Bình ngay giữa ta bà thị phi chưa dứt thì thật không hiểu nổi. 

Mà tại sao tu tập, gây tai tiếng ở Quảng Ninh, cách đây chưa lâu đã bị mất hết chức vụ trong Giáo hội Phật giáo ở Lai Châu, Quảng Ninh, giờ lại thành "chức sắc" trong giáo hội Quảng Bình? Tại sao ông Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình lại đứng ra xác nhận "quy trình bổ nhiệm này là đúng quy định của pháp luật"? 

Tại sao thẩm quyền bổ nhiệm một chức sắc tôn giáo lại "do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt"? Phật giáo Quảng Bình cần gì, chờ đợi điều  gì từ một vị sư thân danh vẫn lùng nhùng trong thị phị bỡn cợt sặc mùi trục lợi? Đường tu dễ dãi và rẻ rúng vậy hay sao? 

Mặc dù, như đã nói từ đầu, chức vụ gì thì Thích Trúc Thái Minh vẫn chưa hề thuộc hàng giáo phẩm, chưa hề là bậc chân tu phẩm hạnh được coi là đức cao vọng trọng, song việc "luân chuyển" của Thích Trúc Thái Minh vẫn là điều không thể chấp nhận, sau hàng loạt tai tiếng đã gây ra mà chưa bị xử lý. Nó chẳng có ý nghĩa gì, ngoài phản ánh thực trạng một thời mạt pháp, xúc phạm chân tu, làm bại hoại Phật giáo.

Để điều đó công nhiên diễn ra, phải cả chăng Pháp luật Nhà nước lẫn Giới luật Phật giáo đều chưa thoát khỏi tình trạng u mê? Lạy Đức Thế Tôn, vậy thì chúng sinh ở xứ này còn trụy lạc trong bể khổ đến bao giờ?

0h20 ngày 24-8-2022

NGUYỄN HỒNG LAM

[EDU-KIDS] Tổng thể và tương tác

 1. Tôi không thể học bất cứ thứ gì mà tôi không nhìn được bức tranh tổng thể. Câu hỏi tôi thường đặt ra thứ này học để làm gì, học xong làm được gì, sẽ có những nội dung gì, phương pháp luận là gì (nếu có chút triết lý nữa thì càng hay). Có thể tính tôi hay sốt ruột hoặc có khuyếm khuyết. Tuy vậy, theo quan sát cá nhân, đa số trẻ cũng sốt ruột và khiếm khuyết như tôi. Trước kia, chúng ta có nhiều trẻ kiên nhẫn và rất giỏi học những thứ mà chưa rõ ích lợi là gì. Dĩ nhiên chúng ta đang nói tới ích lợi tinh thần, vì ngày xưa cũng như bây giờ không nên để trẻ nghĩ tới ích lợi vật chất quá sớm. Ngày nay, trẻ có quá nhiều thứ thú vị để làm. Tôi ngày xưa cũng có quá nhiều sách để đọc, chưa bao giờ vì không có gì làm mà phải học theo chương trình. 

      2. Ngày nay, tại các lớp học mà tôi từng dự ở các nước phát triển, giờ đầu tiên bao giờ cũng nói tổng thể về môn học theo hướng như vậy. Thậm chí nhiều thầy trước mỗi giờ học cũng làm điều đó. Ngày xưa, tôi học các thầy giỏi họ cũng làm vậy. Tôi thường không đánh giá cao bài giảng của các thầy chỉ nói ngắn gọn một hai câu rồi nhảy bổ vào định nghĩa, công thức. Khi đó thường là tôi "tắt máy nghe" để tự suy nghĩ, hoặc làm việc khác. Tôi không quan tâm lắm tới những điều tôi có thể tự đọc trong sách, hoặc có thể tự luyện tập, bởi vì tôi tin ở những điều tôi đọc trực tiếp hơn nghe các thày nói. Thậm chí, tôi không thể nào theo dõi các tính toán và phân tích chi tiết mà không ngáp. Vì thế thày càng nói dài về những vấn đề tổng thể tôi càng chăm chú lắng nghe. Đôi khi một "khai mở" của thày có giá trị bằng nhiều năm đọc sách hoặc học hỏi những thày khác.

     3. Tôi đã từng mất nhiều năm, do nghe các hướng dẫn sai, cố gắng nhồi nhét những cuốn sách không phù hợp, mang tính chuyên khảo, quá nhiều chi tiết, trước khi thấy được tổng thể. Nhồi nhét như vậy hoàn toàn vô bổ. Tôi có cảm giác, chương trình ngày nay cũng đang nhồi nhét như vậy, hệ thống đánh giá cũng đang cố gắng đánh giá khả năng tiếp nhận nhồi nhét của trẻ. Cụ thể, tôi cho rằng chương trình Toán của chúng ta khá nặng về kỹ thuật, nghèo nàn về ý tưởng, làm ngày càng nhiều trẻ chán và sợ Toán. Môn tiếng Việt có khá hơn, nhưng cũng có xu hướng làm rối rắm vấn đề, trong khi không giải quyết được vấn đề cơ bản nhất là làm trẻ thích đọc sách, biết viết và trình bày cho đến đầu đũa một vấn đề, hay kể lại một câu chuyện. Tôi không coi thường và phản đối những môn như Giáo dục công dân. Những môn này có thể rất hay nếu trẻ được nghe và biết kể lại các câu chuyện, trước khi có thể đặt các câu hỏi và thảo luận, để rồi quan sát tự tìm hiểu thêm.   

      4. Một trong những bệnh khó chữa nhất của trẻ (kể cả người lớn) là bệnh "rỗ hoa" kiến thức. Có thể biết rất nhiều, nhưng không cái gì gắn kết với cái gì, tạo thành các mảng kiến thức rời rạc, không thể nhận diện, kết nối, suy luận với những kiến thức đã biết. Người ta hay sử dụng cụm từ "lỗ hổng kiến thức" nhưng có vẻ tình hình còn trầm trọng hơn thế. Nếu kiến thức chỉ có lỗ hổng, vẫn có thể liên thông, trẻ vẫn có khả năng suy luận, liên tưởng, tuy có khi sai sót buồn cười, vẫn còn dễ sửa. Nhưng "rỗ hoa" liên quan đến cả tư duy và phương pháp, có khi cùng một vấn đề thể hiện dưới hai dạng thức khác nhau mà cũng không thể thấy mối liên hệ. Loại này phải đập phá toàn bộ, xây lại khung mới để sử dụng chất liệu cũ vá vào, khá mất công và đau thương, nhưng vẫn phải làm.  

       5. Vì vậy khi đi dạy, tôi thường nhấn mạnh vấn đề tổng thể. Chẳng hạn sinh viên năm thứ nhất, thay vì sa đà vào các vấn đề cơ bản. tôi chủ trương, xây dựng tầm nhìn toàn cảnh và một số phương pháp học cơ bản. Các bài giảng tôi đặc biệt quan tâm tới phần "phi lộ", liên hệ thực tế và đặc biệt là liên hệ tới các mảng kiến thức khác mà học viên có thể quan tâm, thấy lý thú. Tương tự, đối với học sinh Tiểu học, thời gian vàng trong học tập, tôi cho rằng không nên phí thời gian vào nhồi sọ tính toán, hoặc  nhồi sọ những mẫu câu, cách hành văn sáo mòn hoặc tinh vi một cách vô bổ. 

       6. Trái với cách suy nghĩ thông thường hiện nay, tôi không cho tính toán với 4 phép tính cơ bản là nền tảng của tư duy Toán học, sử dụng các mẫu câu sáo là nền tảng của ngôn ngữ hay logic, học các khái niệm của toán học cao cấp là nền tảng của tư duy công nghệ. Tuy chưa thể chứng minh, nhưng dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng đi vào tiểu tiết kỹ thuật quá sớm sẽ làm trẻ cùn nhụt mất suy nghĩ bay bổng, sáng tạo. Hơn nữa, hiện nay các tri thức chi tiết có đầy trên mạng, nhiệm vụ của giáo viên không phải là nhắc lại các tri thức đó như vẹt, thậm chí không chính xác.

        7. Nếu tôi có quyền quyết định chương trình, Tiểu học sẽ bắt đầu bằng môn Địa lý, Nghệ thuật và Kể chuyện. Đại học sẽ bắt đầu bằng Nhập môn, Thực tập và Hệ thống, để sinh viên có cái nhìn tổng thể và phương pháp luận của ngành mình. Thực ra, tôi cũng đã bắt tay vào việc cải cách cụ thể ở Tiểu học và Đại học, và sẽ tiếp tục làm. Tuy vậy, tôi cũng không thể hy vọng và cũng không có thời gian thuyết phục xã hội, là một điều không tưởng. Do đó, song song với các dự án, tôi sẽ thúc đẩy chương trình bổ túc cho các chương trình đang có, hy vọng sẽ giúp ích được cho một số người, thay đổi nhận thức một số người khác và tương lai sẽ là kinh nghiệm nền móng cho các dự án lớn hơn.

       8.  Thiếu tầm nhìn tổng thể, học sinh sẽ trở nên nhút nhát không dám suy nghĩ lớn, hoặc ngược lại cuồng vĩ vu vơ một cách thiếu kiến thức. Chúng ta, ngày càng thấy phổ biến cách suy nghĩ "chỉ nên thế thôi", có hại cho xã hội. Ngày nay chúng ta thấy ngạc nhiên khi biết các vị tướng lĩnh của ta cầm quân đánh giặc khi tuổi vẫn còn trẻ, các học giả tuổi chưa tới 30 đã làm những bộ từ điển, kho tàng, hợp tuyển,... mà ngày nay lớp "cây đa cây đề" đủ chức danh ngoại 60 vẫn không làm được. Đặc biệt học sinh, sinh viên ta suy nghĩ ngày càng "trẻ con", thụ động, không dám nghĩ đến các vấn đề ở tầm cỡ quốc gia, hoặc của ngành, chẳng hạn thay đổi hệ thống, sáng tạo công nghệ mới, hoặc giải quyết các vấn nạn xã hội, môi trường, kinh tế.  Xa hơn nữa, các cụ nhà ta như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn nổi tiếng khi còn trẻ. Các cụ nhà nho khoảng 15-16 đã rất trưởng thành về suy nghĩ. Sinh viên nước ngoài cũng vậy, tuy họ rất hồn nhiên, nhưng 16-18 đã suy nghĩ rất trưởng thành. Có vậy mới có được Bill Gates, Elon Musk,...   

     9. Cốt lõi của việc trưởng thành là môi trường và cộng đồng. Ngày xưa, thời phong kiến Việt Nam và trước thế kỷ 20 ở Châu Âu, các lứa tuổi khác nhau đều học cùng một lớp. Tất nhiên có cái khó của nó, nhưng lớp đàn anh nhanh trưởng thành vì phải làm gương, dẫn dắt đàn em. Lớp đàn em học hỏi đàn anh nên cũng nhanh chín chắn, có kỷ luật, phép tắc và có suy nghĩ lớn hơn. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại ít con và khép kín hơn, làm nhiều trẻ kém giao tiếp. Chúng ta thường nghĩ mọi sự lạc hậu của chúng ta đều do Trung Quốc. Thực tế, lớp trẻ của Trung Quốc trưởng thành, táo bạo và đổi mới nhiều hơn lớp trẻ của chúng ta. Tất  nhiên, điều đó không có nghĩa là mở lại loại trường cũ. Cách làm chỉ là cơi nới chứ không phá bỏ. Cần có các chương trình để học sinh nhiều lứa tuổi, tham gia bổ trợ, tạo ra tương tác để trẻ trưởng thành, trong khi môi trường xã hội chưa đủ sức làm điều đó. 

    10. Tương tác cần phải có nội dung cụ thể. Trước hết phải bắt đầu từ các dự án chung, rèn kỹ năng sống sót, kỹ năng sống, lòng nghĩa hiệp, tinh thần cộng đồng, hội nhập và khai phóng. Nghe thì có vẻ vu vơ không ăn nhập với việc học tập. Nhưng thực ra, nó là sức mạnh tinh thần và động lực cho học tập, đáng công hơn việc cứ vùi đầu vào sách trong tháp ngà.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Wednesday, August 24, 2022

Đất nước Ấn Độ

 Nền văn minh Ấn độ cổ xưa đã vượt xa cả ngàn năm so với châu Âu thời trung cổ. Ấn độ lần lượt bị xâm chiếm bởi các nước Ả rập hồi giáo, Mông cổ, các nước châu Âu như Bồ, Hà lan, Anh quốc…ngoài câu chuyện cướp bóc của cải, vật chất ra, các nước trên còn chiếm đoạt mọi sản phẩm về phát minh khoa học và dần dà biến nó thành của mình. Nền triết học của Ấn phong phú ko kém và nó đã lan toả khắp thế giới dưới những triết thuyết “vĩ đại” của các triết gia châu Âu. Thật là toẹt vời ông mặt trời.

Đoạn trích dưới đây trong cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ của Will Darant qua bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê, 1 học giả đáng kính của VN ta.

“ Bhava Misra (1550 sau Công nguyên), tác giả một bộ sách vĩ đại về giải phẫu, sinh lí và y khoa; một trăm năm trước Harvey, ông đã biết sự tuần hoàn của máu và dùng thuỷ ngân để trị một bệnh mới, bệnh giang mai mà người Bồ Đào Nha mới truyền vô Ấn Độ. Tặng vật quí báu của châu Âu!

Sushruta tả nhiều phép giải phẫu, như cắt màng mắt, trị sán khí (hernie)[13], mổ bàng quan lấy sạn ra (lithotomie), mổ bụng lấy thai, vân vân... và 121 đồ dùng để giải phẫu. Mặc dầu các tu sĩ Bà La Môn cấm, ông bảo nên mổ tử thi mà học thì khoa học giải phẫu mới tấn bộ được. Ông là người đầu tiên lột một miếng da trên thân thể đắp vào một vành tai bị cắt đứt, và chính nhờ ông cùng các người kế nghiệp ông mà y học ngày nay đắp và sửa lại mũi được. Garrison bảo: “Người Ấn thời xưa đã biết hầu hết các thuật đại phẫu ngày nay, trừ thuật nối lại các động mạch. Họ cắt tay chân, mổ bụng, nắn lại các chỗ gẫy xương, cắt trĩ. Sushruta chỉ kĩ lưỡng cách giải phẫu ra sao, và không xông khói để trừ độc, đó là cách đầu tiên mà nhân loại dùng để phòng hủ (antisepsie)[14] trong môn giải phẫu. Sushruta và Charaka đều kể vài thứ thuốc nước để làm cho bệnh nhân tê đi, không thấy đau. Năm 927 sau Công nguyên, hai phẫu thuật gia đục xương của một ông vua Ấn sau khi cho ông ta uống một thứ thuốc tê gọi là Samohini.

Sushruta kể ra tới 1.120 thứ bệnh và bảo chẩn bệnh thì phải vọng, văn, vấn, thiết (bắt mạch). Một cuốn sách viết khoảng 1.300 sau Công nguyên chỉ cách bắt mạch. Người Ấn rất ưa xét nước tiểu để đoán bệnh; và các y sĩ Tây Tạng nổi tiếng là coi nước tiểu để đoán được bất kì bệnh gì. Thời Huyền Trang, người Ấn đã bắt đầu dùng phép nhịn ăn bảy ngày để trị bệnh; có khi chẳng cần uống thuốc mà chưa hết bảy ngày đã hết bệnh; hết bảy ngày mà chưa hết bệnh thì mới phải dùng thuốc. Nhưng có dùng thuốc cũng chỉ dùng ít thôi; họ trông cậy vào các cách nhịn ăn, tắm rửa, tẩy, xông, chích máu bằng đỉa hoặc bằng bầu giác, hơn là vào thuốc. Y sĩ Ấn rất giỏi về khoa giải độc rắn cắn; hiện nay Tây y vẫn thua họ về khoa đó. Châu Âu mãi tới thế kỉ XVIII mới biết chủng đậu; theo Dhanwantari, một trong những y sĩ đầu tiên của Ấn thì người Ấn đã biết chủng đậu từ năm 550 sau Công nguyên: “Dùng dao chích châm vào mủ của nốt đậu trên vú con bò cái... rồi chích vào cánh tay, trên khoảng từ vai tới khuỷ tay, cho máu rướm ra, hoà mủ đó với máu, thế là bệnh sốt vì đậu”. Nhiều y sĩ châu Âu ngày nay cho rằng người Ấn sở dĩ có chế độ tập cấp, các tập cấp sống cách biệt hẳn nhau, không đụng chạm tới nhau vì người Bà La Môn sợ bị lây bệnh do những vật vô hình nào đó; xét các qui tắc vệ sinh chỉ trong sách của Sushruta và trong “luật Manou” thì hình như người Ấn thời xưa đã biết thuyết mà ngày nay chúng ta gọi là thuyết vi trùng gây bệnh; chung qui chúng ta chỉ đặt một tên mới cho các thuyết của cổ nhân thôi chứ có khám phá gì thêm đâu. Hình như người Ấn đã phát minh ra cách trị bệnh bằng thôi miên; họ thường đưa con bệnh lại các ngôi đền để trị bằng cách đó, cách “điện miên” (nghĩa là ngủ ở đền), như ở Ai Cập và Hi Lạp. Các y sĩ Anh Braid, Esdale và Elliotson “nhờ tiếp xúc với Ấn Độ, mượn ý và rút kinh nghiệm của Ấn” mà khai sinh cho môn trị bệnh bằng thôi miên ở Anh.”

——————

I. KHOA HỌC ẤN ĐỘ

CHƯƠNG VI ĐỜI SỐNG TINH THẦN

Nguồn gốc tôn giáo của khoa học Ấn Độ - Các nhà thiên văn – Toán học – Síp “Ả Rập” – Hệ thống thập phân – Đại số học – Hình học – Vật lí học – Hoá học – Sinh lí học – Y học thời Veda – Y sĩ – Nhà giải phẫu – Đánh thuốc mê – Chủng đậu – Thôi miên

Ở Ấn Độ, khoa học rất già mà cũng rất trẻ; già vì nó đã được các tu sĩ nghiên cứu từ lâu lắm như một môn phụ; trẻ vì nó mới được coi là môn học thế tục, độc lập từ ít lâu nay. Tôn giáo là trung tâm của đời sống Ấn Độ cho nên các môn khoa học được nghiên cứu đầu tiên là các môn họ coi là phụ vào tín ngưỡng, chẳng hạn môn thiên văn phát sinh từ sự thờ phụng các tinh tú mà người ta cần biết sự vận chuyển để định các ngày lễ, tết; môn ngữ pháp và ngôn ngữ học phát triển vì người ta buộc các tín đồ phải tụng kinh cho đúng từng chữ, mặc dù kinh viết bằng một tử ngữ. Cũng như ở Âu châu thời Trung cổ, các nhà bác học Ấn mới đầu đều là các tu sĩ.

Môn thiên văn là một đứa con ngẫu nhiên của môn chiêm tinh, và nhờ ảnh hưởng của Hi Lạp mà nó thoát ra được thành một môn độc lập. Bộ sách cổ nhất về thiên văn, bộ Shiddhanta (khoảng 425 trước Công nguyên) dựa vào khoa học Hi Lạp, còn Varahamihira, mà tác phẩm mang nhan đề rất có ý nghĩa này: Toàn thể hệ thống Chiêm tinh học tự nhiên, thành thật nhận mình học được của người Hi Lạp những gì. Nhà thiên văn học và toán học lớn nhất Ấn Độ, Aryabhata, đặt vè để giảng về các phương trình bình phương, về sinus, về trị số của π; ông ta giảng về nhật thực, nguyệt thực, hạ chí, đông chí, xuân phân, thu phân, bảo rằng quả đất tròn, mỗi ngày quay một vòng chung quanh trục của nó, và đi trước các nhà phát minh thời Phục hưng, ông ta viết: “Thiên cầu (sphère céleste) đứng yên mà vì quả đất quay chung quanh trục của nó nên ta mới thấy các tinh tú mọc rồi lặn mỗi ngày, mỗi đêm”. Người nối nghiệp danh tiếng nhất của ông, Brahmagupta sắp lại các tri thức về thiên văn ở Ấn Độ thời đó thành hệ thống, nhưng bác bỏ thuyết của Aryabhata về sự trái đất quay tròn, mà làm cho môn đó không tiến được nữa.

Các nhà bác học đó và những người kế nghiệp họ theo các nhà thiên văn Babylone chia vòm trời thành các chòm sao hoàng đới (constellations zodiacales), họ đặt ra một thứ lịch mỗi năm mười hai tháng, mỗi tháng ba mươi ngày, mỗi ngày ba mươi giờ, cứ năm năm lại có một tháng nhuận. Họ tính được một cách tinh xác lạ lùng – đối với thời đó – trực kính của mặt trăng, các ngày nhật thực, nguyệt thực, vị trí của lưỡng cực, vị trí và sự vận chuyển của các ngôi sao chính. Khi viết câu này trong bộ Siddhanta: “Trái đất, do trọng lực của nó, nó hút hết thảy mọi vật về nó”, họ đã tìm ra được thuyết trọng lực, nếu không phải là luật trọng lực.

Muốn làm được những bài toán rắc rối như vậy, người Ấn đã nghĩ ra một hệ thống toán học về mọi điểm, trừ hình học, cao hơn toán học Hi Lạp. Chúng ta hưởng được của phương Đông nhiều di sản quí báu, trong số đó phải kể các con síp (chiffre)[1]. Và hệ thống thập phân đã từ Ấn Độ truyền qua phương Tây do người Ả Rập làm trung gian. Chúng ta thường gọi các con síp Ả Rập, như vậy là lầm, vì trên các phiến đá của vua Açoka (256 trước Công nguyên) chúng ta đã thấy khắc những síp đó rồi, mãi ngàn năm

122

sau mới thấy trong các sách của người Ả Rập. Chính nhà đại bác học Laplace, tinh thần rất cao thượng, đã viết về điểm đó như sau:

Chính nhờ Ấn Độ mà chúng ta học được cái cách tài tình chỉ dùng có mười chữ mà viết được đủ các số, mỗi chữ vừa có một trị số tuyệt đối, vừa có một trị số tuỳ theo vị trí của nó; ý đó tế nhị mà quan trọng, ngày nay chúng ta cho là giản dị quá nên không cảm được công lao của người Ấn. Nhưng chính nhờ nó đơn giản mà làm toán mới hoá ra cực kì dễ dàng, và hệ thống số học đáng kể là sáng kiến ích lợi nhất. Có nghĩ rằng hai bậc thiên tài bậc nhất thời Thượng cổ, Archimède và Apollonius mà cũng không tìm ra được hệ thống đó thì mới nhận định nổi sáng kiến của người Ấn tài tình ra sao”[2].

Còn hệ thống thập phân thì Aryabhata và Brahmagupta đã dùng nó từ lâu trước khi nó được các người Ả Rập và Syrie biết đến. Các nhà sư truyền nó vô Trung Hoa và hình như Muhammad Ibn Musa al- Khwarazmi, nhà toán học lớn nhất thế kỉ IX (mất năm 850) đã truyền nó vô Bagdad. Trong một tài liệu Ả Rập đề năm 873 sau Công nguyên, người ta tìm thấy con síp 0 (không) được dùng đầu tiên ở châu Á cũng như ở châu Âu[3], và theo chỗ chúng tôi biết thì ba năm sau nó xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, nhưng ý kiến chung là người Ả Rập đã mượn síp đó của châu Á [tác giả muốn nói của Ấn][4]. Vậy nhờ Ấn mà nhân loại có được một síp khiêm tốn nhất mà lại hữu ích nhất.

Môn đại số cơ hồ như phát triển đồng thời và độc lập[5] ở Ấn Độ và Hi Lạp, nhưng môn học đó mang tên Ả Rập (al-jabr nghĩa là sắp đặt, giải quyết)[6], như vậy đủ tỏ rằng Tây Âu đã mượn nó của người Ả Rập – nghĩa là thực sự của người Ấn – chứ không phải của người Hi Lạp[7]. Các nhà bác học danh tiếng nhất của Ấn về môn đó cũng như môn thiên văn, là Aryabhata, Brahmagupta và Bhaskara. Bhaskara (sanh năm 1114 sau Công nguyên) có lẽ đã đặt ra kí hiệu để trỏ căn số và nhiều kí hiệu đại số khác nữa. Chính ba nhà đó đã tạo ra ý niệm số âm, nếu không có ý niệm này thì không thể có môn đại số được, họ đã đặt ra các qui tắc về hoán vị (permulation) và tổ hợp (combinaison); họ tìm ra được căn số bậc hai của số 2 và ở thế kỉ thứ VIII mà đã giải được những phương trình vô định bậc hai mà ở châu Âu, phải đợi tới thời của Euler, nghĩa là ngàn năm sau, người ta mới biết cách giải. Các nhà bác học Ấn Độ có chép những kiến thức về khoa học của họ thành những đoạn rất nên thơ, và những bài toán của họ có cái duyên dáng đặc biệt của thời đại hoàng kim Ấn Độ. Đây là hai đoạn văn của các nhà đại số học cổ đó:

Một phần năm một bầy ong đậu trên một bông hoa của Kadamba, một phần ba đậu trên một bông hoa của Silindhra, ba lần hiệu số của hai số đó đậu trên một bông hoa của Kutaja; còn lại một con ong bay qua bay lại trong không gian. Cô nàng xinh đẹp ơi, xin chỉ cho anh biết hết thảy bầy ong có bao nhiêu con.

Ôi người yêu của anh ơi, anh đã mua cho em, cùng một giá tiền, tám viên hồng ngọc, mười viên ngọc bích và trăm viên ngọc châu để làm đôi bông tai cho em; tổng số tiền trả ba thứ ngọc đó ba lần nhỏ hơn một nửa số trăm: em ơi, xin em cho anh biết giá mỗi lô là bao nhiêu.

Người Ấn không thành công mấy về hình học. Để đo và xây cất các đền thờ, các tu sĩ Ấn đã biết định lí Pythagore (bình phương của đường huyền một tam giác thẳng góc bằng tổng số các bình phương của hai cạnh kia) từ mấy trăm năm trước Công nguyên. Có lẽ do ảnh hưởng của Hi Lạp, Aryabhata tìm được diện tích hình tam giác, hình thang và hình tròn và tính được trị số của π là 3,1416, mà ở châu Âu, mãi tới thời Purbach (1423-1461) mới tính ra được một trị số đúng hơn. Bhaskara đã lờ mờ thấy những qui tắc đại cương của môn tính vi phân (calcul différentiel); Aryabhata lập một bảng kê các khoa học, và cuốn Surya Siddhanta chứa nhiều khái niệm về phép lượng giác (trigonométrie) tiến bộ hơn của người Hi Lạp.

Trong hai hệ thống tư tưởng Ấn Độ có nhiều lí thuyết vật lí giống các hệ thống Hi Lạp một cách lạ lùng. Kanada[8], nhà sáng lập ra triết lí Vaisheshika, cho rằng thế giới gồm các nguyên tử, mỗi hành [như ngũ hành của Trung Hoa: lửa, nước, đất...] có một thứ nguyên tử khác nhau. Các triết gia Jaïn trái lại, nghĩ như Democrite [triết gia Hi Lạp khoảng 400 trước Công nguyên] rằng nguyên tử nào cũng như nhau cả, chỉ do cách tổ hợp khác nhau mà tác động khác nhau. Kanada cho rằng ánh sáng và nhiệt (sức nóng) là những biến thể của cùng một bản thể; Udayana bảo mọi sức nóng đều do mặt trời phát ra cả và Vachaspati, cũng như Newton, nghĩ rằng ánh sáng gồm những phần tử li ti từ các vật phát ra và đập vào mắt ta. Các nốt nhạc (âm nhạc hiệu) và âm trình (intervalle) đã được phân tích và tính một cách khoa học trong các sách cổ Ấn Độ về âm nhạc[9], trong đó có chép cả luật chúng ta gọi là luật Pythagore: dây đờn, đo từ chỗ cột tới chỗ có phím đàn, mà càng ngắn thì số rung càng nhiều, mà nốt nhạc càng cao. Sau cùng chúng ta có lí do để tin rằng các nhà hàng hải Ấn ở đầu Công nguyên đã dùng một la bàn gồm một mãnh sắt mỏng nổi trên mặt một bình đầy dầu để biết hướng Bắc.

Nhờ y khoa và kĩ nghệ mà phát sinh môn hoá học. Chúng tôi đã nói qua rằng cách nấu sắt của Ấn Độ thời cổ tuyệt hảo, và ở thời đại Gupta, kĩ nghệ Ấn đã phát triển lắm; thời đó, ngay La Mã cũng phải nhận rằng Ấn là xứ đứng đầu các nước khác về kĩ nghệ hoá học như ngành nhuộm, thuộc da, chế tạo xà bông, thuỷ tinh, xi măng.[10] Từ thế kỉ thứ VI sau Công nguyên, người Ấn tiến bộ hơn người Âu nhiều về vài ngành kĩ nghệ: họ là bậc thầy về cách nấu khô (calcination), cất rượu, cách thăng hoa (sublimation), nấu cách thuỷ, cách tạo ra ánh sáng mà không nóng, cách hỗn hợp các bột thuốc mê và thuốc ngủ, chế các muối kim thuộc, các thuốc viên, các hợp kim. Thời Thượng cổ phép tôi thép ở Ấn đã đạt tới mức hoàn hảo mà châu Âu ngày nay mới theo kịp được. Theo truyền thuyết, vua Poru muốn tặng vua Alexandre một vật cực quí, đã lựa không phải vàng bạc châu báu mà một thỏi thép nặng khoảng mười lăm kí. Người Hồi đã mượn của Ấn rồi truyền qua châu Âu nhiều thuật về kĩ nghệ hoá học, chẳng hạn bí quyết chế tạo các lưỡi kiếm Damas là do người Ả Rập học của Ba Tư và chính người Ba Tư lại học của người Ấn, đó chỉ là một trong nhiều thí dụ.

Thuật giải phẫu và môn sinh lí học, cũng như một phần của môn hoá học, nhờ y học mà phát triển. Từ thế kỉ thứ VI trước Công nguyên, các y sĩ Ấn đã mô tả các dây gân, cách chắp xương sọ, hệ thống lâm-ba (lymphatique), thần kinh tùng (plexus nerveux), cân mạc (fascia), chi võng (tissu adipeux), màng hoạt dịch (membrane synoviale) và nhiều cân nhục hơn các nhà giải phẫu ngày nay nữa. Các y sĩ Ấn trước Công nguyên cũng lầm lẫn như Aristote, cho trái tim là trung tâm suy tư, và các thần kinh đều qui về tim và cũng xuất phát từ tim. Nhưng họ đã hiểu kĩ bộ tiêu hoá – các dịch vị (sucs gastrique) có tác dụng gì, thức ăn biến hoá ở bao tử (chyme) rồi đổi thành dưỡng trấp (chyle) ra sao, và dưỡng trấp thấm vào máu ra sao. Đi trước Weissmann hai ngàn bốn trăm năm, Atreya (khoảng 500 trước Công nguyên) cho rằng tinh trùng của người cha thoát khỏi cơ thể người cha, độc lập và tuy nhỏ tí mà chứa đủ cơ thể của người cha rồi. Ông khuyên đàn ông trước khi cưới vợ nên để y sĩ khám kĩ cơ thể, và luật Manou cảnh cáo cha mẹ về cái hại gả con cho những thanh niên bị bệnh lao, bệnh điên giản (épilepsie)[11], bệnh cùi, bệnh khó tiêu kinh niên, bệnh trĩ và... tật lắm lời. Trước Công nguyên 500 năm mà các trường phái y khoa Ấn Độ đã khuyên nên hạn chế sinh dục theo những phương pháp hợp với lí thuyết tân tiến nhất của chúng ta ngày nay[12]. Họ mô tả sự phát triển của cái thai một cách đúng lạ lùng và trong vài trường hợp, họ cho người đàn bà có mang ăn một thức hoặc uống một thứ thuốc đặc biệt nào đó mà đoán được sẽ sanh con trai hay sanh gái.

Cuốn sách thuốc cổ nhất của họ mà ngày nay còn giữ được là kinh Atharva-Veda, trong đó xen vào cái đám lộn xộn đủ các thần chú, có những đoạn kể các bệnh và triệu chứng của mỗi bệnh. Vì y khoa thoát li được phương thuật một cách chậm chạp; y sĩ mới đầu dùng những cách rất thấp kém dựa vào tâm lí, vào lòng tin của con bệnh, tức cách của phù thuỷ, rồi lần lần mới tiến lên những phương pháp có ít nhiều tính cách khoa học, có giữ chút gì của các phương pháp cũ thì cũng chỉ để cho bệnh nhân tin ở thuốc thôi. Kinh Atharva-Veda chứa một phần phụ lục có nhan đề là Ajur-Veda hay “khoa trường sinh”. Các y sĩ Ấn thời đó cho mọi bệnh đều do sự thác loạn của bốn cái này gây ra: không khí, nước, đờm dãi và máu, và họ trị bằng thảo dược và bùa. Ngày nay ở Ấn vẫn còn dùng nhiều cách đoán bệnh và trị bệnh từ thời cổ đó mà kết quả làm cho nhiều bác sĩ [Tây y] thèm thuồng. Kinh Rig-Veda kể tên cả ngàn thảo mộc dùng làm thuốc và cho rằng nước lã là thứ thuốc công hiệu cho đa số các bệnh. Ngay từ thời Veda,

các y sĩ và nhà giải phẫu đã thành một giới riêng, cách biệt với bọn phù thuỷ; nhà họ có vườn rộng trồng các cây dùng làm thuốc.

Sushruta ở thế kỉ thứ V trước Công nguyên và Charaka ở thế kỉ thứ II sau Công nguyên là những y sĩ nổi danh bậc nhất ở Ấn. Sushruta dạy Y khoa ở trường Đại học Bénarès, viết bằng tiếng Sanscrit một bộ sách về cách chẩn bệnh và trị liệu mà ông học được của tôn sư Dhanwantari. Ông viết rất kĩ về môn giải phẫu, sản khoa, kiêng cữ, tắm gội, dược phẩm, cách nuôi trẻ và giữ vệ sinh cho trẻ. Còn Charaka soạn một Samhita (tự điển) y khoa hiện nay người Ấn còn dùng, trong đó ông định rõ thiên chức của y sĩ, chủ trương không khác gì Hippocrate: “Trị bệnh thì đừng nghĩ tới mình, đừng vị lợi mà chỉ nên nghĩ tới nhiệm vụ cứu nhân độ thế thôi”. Vài nhà khác cũng rất nổi danh: Vagbhata (625 sau Công nguyên) soạn một bộ y học toát yếu bằng văn xuôi và văn vần; Bhava Misra (1550 sau Công nguyên), tác giả một bộ sách vĩ đại về giải phẫu, sinh lí và y khoa; một trăm năm trước Harvey, ông đã biết sự tuần hoàn của máu và dùng thuỷ ngân để trị một bệnh mới, bệnh giang mai mà người Bồ Đào Nha mới truyền vô Ấn Độ. Tặng vật quí báu của châu Âu!

Sushruta tả nhiều phép giải phẫu, như cắt màng mắt, trị sán khí (hernie)[13], mổ bàng quan lấy sạn ra (lithotomie), mổ bụng lấy thai, vân vân... và 121 đồ dùng để giải phẫu. Mặc dầu các tu sĩ Bà La Môn cấm, ông bảo nên mổ tử thi mà học thì khoa học giải phẫu mới tấn bộ được. Ông là người đầu tiên lột một miếng da trên thân thể đắp vào một vành tai bị cắt đứt, và chính nhờ ông cùng các người kế nghiệp ông mà y học ngày nay đắp và sửa lại mũi được. Garrison bảo: “Người Ấn thời xưa đã biết hầu hết các thuật đại phẫu ngày nay, trừ thuật nối lại các động mạch. Họ cắt tay chân, mổ bụng, nắn lại các chỗ gẫy xương, cắt trĩ. Sushruta chỉ kĩ lưỡng cách giải phẫu ra sao, và không xông khói để trừ độc, đó là cách đầu tiên mà nhân loại dùng để phòng hủ (antisepsie)[14] trong môn giải phẫu. Sushruta và Charaka đều kể vài thứ thuốc nước để làm cho bệnh nhân tê đi, không thấy đau. Năm 927 sau Công nguyên, hai phẫu thuật gia đục xương của một ông vua Ấn sau khi cho ông ta uống một thứ thuốc tê gọi là Samohini.

Sushruta kể ra tới 1.120 thứ bệnh và bảo chẩn bệnh thì phải vọng, văn, vấn, thiết (bắt mạch). Một cuốn sách viết khoảng 1.300 sau Công nguyên chỉ cách bắt mạch. Người Ấn rất ưa xét nước tiểu để đoán bệnh; và các y sĩ Tây Tạng nổi tiếng là coi nước tiểu để đoán được bất kì bệnh gì. Thời Huyền Trang, người Ấn đã bắt đầu dùng phép nhịn ăn bảy ngày để trị bệnh; có khi chẳng cần uống thuốc mà chưa hết bảy ngày đã hết bệnh; hết bảy ngày mà chưa hết bệnh thì mới phải dùng thuốc. Nhưng có dùng thuốc cũng chỉ dùng ít thôi; họ trông cậy vào các cách nhịn ăn, tắm rửa, tẩy, xông, chích máu bằng đỉa hoặc bằng bầu giác, hơn là vào thuốc. Y sĩ Ấn rất giỏi về khoa giải độc rắn cắn; hiện nay Tây y vẫn thua họ về khoa đó. Châu Âu mãi tới thế kỉ XVIII mới biết chủng đậu; theo Dhanwantari, một trong những y sĩ đầu tiên của Ấn thì người Ấn đã biết chủng đậu từ năm 550 sau Công nguyên: “Dùng dao chích châm vào mủ của nốt đậu trên vú con bò cái... rồi chích vào cánh tay, trên khoảng từ vai tới khuỷ tay, cho máu rướm ra, hoà mủ đó với máu, thế là bệnh sốt vì đậu”. Nhiều y sĩ châu Âu ngày nay cho rằng người Ấn sở dĩ có chế độ tập cấp, các tập cấp sống cách biệt hẳn nhau, không đụng chạm tới nhau vì người Bà La Môn sợ bị lây bệnh do những vật vô hình nào đó; xét các qui tắc vệ sinh chỉ trong sách của Sushruta và trong “luật Manou” thì hình như người Ấn thời xưa đã biết thuyết mà ngày nay chúng ta gọi là thuyết vi trùng gây bệnh; chung qui chúng ta chỉ đặt một tên mới cho các thuyết của cổ nhân thôi chứ có khám phá gì thêm đâu. Hình như người Ấn đã phát minh ra cách trị bệnh bằng thôi miên; họ thường đưa con bệnh lại các ngôi đền để trị bằng cách đó, cách “điện miên” (nghĩa là ngủ ở đền), như ở Ai Cập và Hi Lạp. Các y sĩ Anh Braid, Esdale và Elliotson “nhờ tiếp xúc với Ấn Độ, mượn ý và rút kinh nghiệm của Ấn” mà khai sinh cho môn trị bệnh bằng thôi miên ở Anh.

Y học Ấn phát triển rất mau ở thời Veda và thời Phật giáo sau đó, luôn mấy thế kỉ, tiến rất chậm, rất rụt rè. Atreya, Dhanwantari và Sushruta học được của Hi Lạp những gì và Hi Lạp học lại của người Ấn những gì? Điều đó chúng ta không biết được. Garrison bảo: “Ở thời đại Alexandre, các y sĩ và giải phẫu gia Ấn nổi tiếng là biết rộng, trị bệnh giỏi, quả là danh bất hư truyền”; nên nói thêm rằng theo vài nhà bác học thì Aristote học được của người Ấn rất nhiều. Các y sĩ Ả Rập và Ba Tư cũng vậy, nhưng cũng khó mà biết được các y sĩ Ấn Độ đã mang ơn các y sĩ Bagdad và các y sĩ Babylone bao nhiêu, do các y sĩ Bagdad làm trung gian. Một mặt, vài vị thuốc như nha phiến, thuỷ ngân và vài phương pháp chẩn bệnh như cách coi mạch, hình như từ Ba Tư truyền qua Ấn Độ; mặt khác chúng ta thấy ở thế kỉ VIII sau Công nguyên, người Ả Rập và Ba Tư dịch các sách thuốc mà Sushruta và Charaka đã viết từ ngàn năm trước. Đại vương Hồi giáo Harun-al-Rashid[15] nhận rằng Ấn Độ tấn bộ hơn Ả Rập về khoa học và y học nên mời các danh y Ấn lại Bagdad dựng nhà thương và trường y khoa. Huân tước Ampthill kết luận rằng y học Âu châu thời Trung cổ và cả thời Cận đại tấn bộ nhờ người Ả Rập mà Ả Rập lại mang ơn của Ấn Độ. Có thể tin rằng y học, môn học cao thượng nhất mà cũng ít chắc chắn nhất đó, đã xuất hiện từ thời Thượng cổ ở Sumérie, Ai Cập và Ấn Độ và đã phát triển nhờ ba xứ đó trao đổi kiến thức với nhau, ảnh hưởng lẫn tới nhau.

II. SÁU HỆ THỐNG CỦA TRIẾT HỌC BÀ LA MÔN

KẾT LUẬN VỀ TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ.

Thời suy vi – Tóm tắt – Phê bình - Ảnh hưởng.

…………..

Tuy nhiên, các tu sĩ Bà La Môn một phần vì ẩn cư, lánh xã hội, một phần vì bọn cầm quyền đương thời không hiểu nổi tư tưởng của họ, nên được yên thân và bảo tồn được kĩ các triết thuyết cổ, tóm tắt nó vào trong các sutra (kinh), trong các lời chú giải bí truyền và lưu lại được đại cương tư tưởng quốc gia cho thế hệ sau. Trong tất cả các triết thuyết đó, dù của phái Bà La Môn hoặc phái nào khác, thì các phạm trù tri năng cũng bị coi là vô ích, phỉnh phờ khi đối tượng là một thực tại cảm thấy hay trông thấy[44]; và tất cả cái chủ nghĩa duy lí của người Âu chúng ta ở thế kỉ XVIII, nhà siêu hình học Ấn cho nó là một sự gắng sức vô ích, nông cạn để cố kéo cái vũ trụ vô biên về kích thước một “xa-lông”[45] mà không được. “Những kẻ sống trong sự vô minh cũng như bọn người mù sống trong đêm tối; nhưng những kẻ thoả mãn về sự hiểu biết của mình thì còn sống trong cảnh tối tăm dày đặc hơn nữa”. Triết học Ấn bắt đầu ở điểm mà triết học Âu ngừng lại – tức ở chỗ tìm hiểu bản thể của tri thức và giới hạn của lí trí; nó không khởi hành từ vật lí như Thalès hoặc Démocrite, mà từ tri thức luận của Locke và Kant, nó cho tinh thần (esprit) là một cái mà ta biết tức thì rồi, nên không chịu khó coi nó là đối tượng người ta chỉ có thể biết được nhờ trí óc làm trung gian. Nó nhận có một ngoại giới nhưng không tin rằng giác quan của ta có thể biết được bản thể của ngoại giới. Tri thức nào cũng chỉ là sự ngu muội đặt thành công thức và thuộc về phần Maya; dùng những ý niệm, những câu luôn luôn thay đổi, tri thức đòi dựng một cơ sở “lô-gích” cho vũ trụ, mà tại đó lí trí chỉ đóng một vai trò phiến diện, rời rạc từng mãnh – như một luồng nước bất định trong biển cả vô biên. Ngay con người đương lí luận cũng chỉ là Maya, ảo ảnh; vì nó chỉ là một kết hợp nhất thời, phù du của các biến cố, một cái gút tạm thời trên khúc tuyến của thể chất và tinh thần, khúc tuyến này khai triển trong không gian và thời gian – còn hành vi tư tưởng của nó bất quá chỉ là hậu quả của những năng lực đã có từ thời xa xăm nào trước khi nó sanh. Chỉ có mỗi một thực thể là Brahman, cái biển mênh mông trong đó mỗi hình thể chỉ là một ngọn sóng hiện đó rồi biến đó, hoặc chỉ như một cái tăm trên đám bọt viền ngọn sóng. Có đạo tâm không phải là có cái đức dũng bình tĩnh làm các việc thiện, cũng không phải là toạ thiền trong cái trạng thái xuất thần kính tín; có đạo tâm chỉ là nhận thấy rằng cái ngã của mình và tất cả cái ngã khác là nhất thể trong cái Brahman; có đạo tâm là sống với ý thức rằng mình với vạn vật là nhất thể[46]. “Người nào thấy vạn vật trong cái Ngã của mình và thấy cái Ngã của mình trong vạn vật thì sẽ được an tĩnh. Sẽ không thất vọng, đau khổ nữa”.

Vài nét đặc biệt của triết học đó, mà triết gia Ấn dĩ nhiên không cho là nhược điểm, đã làm cho triết học đó không ảnh hưởng lớn tới các nền văn minh khác. Ngay phương pháp của nó, số triết ngữ có tính cách kinh viện của nó và uy quyền nó gán cho các kinh Veda cũng đủ làm cho nó mất cảm tình của các dân tộc mà tư tưởng xây trên những cơ sở khác, tách triết lí ra khỏi tôn giáo. Thuyết Maya của triết học Ấn không khuyến khích người ta giữ luân lí, tập những đức tích cực; thái độ bi quan của nó, mặc dầu có thuyết Nghiệp báo, cũng không giảng được cái ác, và các triết hệ chúng tôi đã trình bày ở trên đã một phần nào gây nên thái độ thản nhiên an phận của người Ấn; thái độ đó đã tỏ ra bất lực, hoặc không đương đầu nổi với những cái ác, cái hại vốn có thể chữa được, hoặc không làm nổi những công việc lớn lao cần thiết. Nhưng phải nhận rằng những triết thuyết đó cho ta cái cảm tưởng thâm thuý; khi so sánh với các triết thuyết hành động phát sinh tại các xứ ít suy nhược thì thấy những triết thuyết này có vẻ hời hợt, nông cạn. Có lẽ các triết hệ phương Tây của chúng ta, cho “tri thức là năng lực” chỉ là âm hưởng của tiếng nói một thời thanh xuân xưa kia đầy sinh lực, quá phóng đại khả năng của con người, quá khuếch trương khu vực của con người. Trong cuộc chiến đấu hằng ngày với một thiên nhiên lãnh đạm, vô tình, và với một thời gian cừu địch, ngày nay chúng ta bớt chỉ trích, chê bai những triết thuyết Đông phương khuyên ta thuận thiên an mệnh đó. Cho nên chính trong những thời đại trầm uất, suy tàn mà tư tưởng Ấn Độ ảnh hưởng lớn nhất tới các nền văn hóa khác... Đương thời thịnh vượng, thắng các xứ khác, Hi Lạp chẳng chú ý gì tới Pythagore hoặc Parménide; khi nó suy vi thì Platon và các tu sĩ theo phái Orphée[47] vồ ngay lấy thuyết luân hồi, còn Zénon “phương Đông” đề cao một triết thuyết an phận, thuận theo định mệnh tựa như triết học Ấn Độ; rồi tới mạt vận của Hi Lạp, thì phái Tân Platon, phái chủ tri (gnostic) tha hồ vay mượn của Ấn Độ. Khi Đế quốc La Mã suy sụp làm cho châu Âu nghèo đi, rồi tới người Hồi làm chủ các con đường giao thông từ Âu qua Ấn, hai sự kiện đó cơ hồ làm cho sự trao đổi tư tưởng giữa Đông và Tây bị ngưng trệ trong ngàn năm. Nhưng tới khi người Anh bắt đầu thống trị Ấn Độ, thì họ in và dịch ngay các bộ Upanishad, làm kích thích tư tưởng phương Tây. 

Thuyết duy tâm của Fichte sao mà giống thuyết

của Shankara đến thế; chúng ta có thể nói rằng Schopenhauer, đưa đạo Phật, các Upanishad và thuyết Vedanta vào triết học của ông; còn Schelling về già cho các Upanishad chứa sự minh triết thuần tuý nhất của nhân loại. Nietzsche chịu ảnh hưởng của thời Bismark[48] và của Hi Lạp lâu quá nên không quan tâm tới Ấn Độ, nhưng càng về già ông càng coi trọng ý niệm “phản phục” (trở đi trở lại hoài) hơn tất cả các ý niệm khác ông đã tạo ra, có thể nói là ông bị nó ám ảnh nữa – mà ý niệm “phản phục” đó có khác gì thuyết luân hồi mấy đâu.

Ở thời đại chúng ta, phương Tây vay mượn của triết học phương Đông mỗi ngày mỗi nhiều[49], còn phương Đông thì càng ngày càng hướng về khoa học phương Tây. Một thế chiến có thể làm cho phương Tây mở rộng cửa tiếp nhận tín ngưỡng và triết học phương Đông nhiều hơn nữa, như thời đế quốc Hi Lạp và Cộng hoà La Mã suy tàn xưa kia. Phương Đông càng ngày càng cừu thị phương Tây, phương Tây lần lần mất các thị trường ở châu Á đã bao lâu nay làm cho kĩ nghệ của họ phát triển mà thịnh vượng lên, rồi đây sẽ suy nhược vì nghèo, vì cách mạng, các đảng phái tranh đấu với nhau, tất cả những cái đó có thể làm cho châu Âu thành một khu đất sẵn sàng tiếp nhận cái mầm một tôn giáo mới thất vọng về cõi trần mà tin tưởng ở cõi thiên đường[50]. Châu Mĩ còn nhiều thành kiến, chưa chắc đã chấp nhận giải pháp bi quan đó đâu: thái độ thanh tĩnh vô vi, thuận thiên an mệnh không thích hợp với không khi cuồng nhiệt, hoặc với sinh lực dồi dào của châu đó.

———-

PS : trên đây chỉ là trích đoạn ngắn, còn khá nhiều điều mà đọc xong ta ko thể ngờ tới nền văn minh của Ấn độ còn vượt xa các nước châu Âu và đến tận bây giờ vẫn còn chưa hết ngạc nhiên. Trong các văn bản và hình khắc trên đá còn hình máy bay, những máy móc kỳ lạ….sự giàu có của Ấn độ còn khủng khiếp hơn nữa, chẳng phải Colombo giong buồm tìm Ấn độ rồi tình cờ phát hiện ra châu Mỹ đấy sao? Con đường tơ lụa mà Marco Polo miêu tả cũng qua xứ này đó. 

Cái mà ta biết đúng chỉ là hạt cát trong sa mạc vô biên😃🤪

Vài ngày nữa sẽ đến tận xứ sở huyền thoại này để chiêm ngưỡng nền văn hoá, kiến trúc, cũng như những tàn tích của nền văn minh đã mất. Cái gì cũng phải nhìn tận mắt, sờ tận tay, ngửi hết mùi, nghe hết các cung bậc và cảm nhận cho hết….

Đền Ellora Khalisa, được chạm khắc trên núi, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ trần đến sàn, bằng một phiến đá.  Không phải được xây dựng, nhưng được chạm khắc.  Không có dầm, không có đá, không có bê tông.  800 sau Công Nguyên.  Ấn Độ tuyệt vời.

Hoang Giang