Wednesday, August 31, 2022

Vai trò của Gorbachov trong lịch sử của thế giới

 M.S. Gorbachev – ANH HÙNG HAY TỘI ĐỒ LỊCH SỬ?

“Gorbachev bước lên vũ đài chính trị Liên Xô vào thời kỳ khó khăn nhất – năm 1983 lần đầu tiên từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, mức sống của người dân Liên Xô trong năm trước không tăng, hay chỉ số tăng trưởng về thu nhập giữ ở con số Zero. Vì thế, những nỗ lực của ông ta trước hết là để cứu Liên bang Xô-viết, chứ không phải là để giải phóng cho ai cả. Vì không hiểu biết nhiều về chính trị, ông muốn copy mô hình kinh tế thị trường bắt đầu có sự tự do hóa, nhưng yêu cầu của nó là làm ngược với tất cả những gì mà nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ theo mệnh lệnh của Liên Xô. 

Một nền kinh tế chỉ đạo tập trung như vậy sẽ không thể vận hành được nền kinh tế muốn theo các nguyên tắc của thị trường, vì thế yêu cầu tất yếu là phải thủ tiêu được tính mệnh lệnh hành chính. Để thủ tiêu mệnh lệnh hành chính, thì phải tấn công vào hệ thống bộ máy và tư tưởng quan liêu, đó là lý do tồn tại của vế thứ hai, “glasnost”. Thật bất ngờ là “glasnost” đã đánh trúng “tử huyệt” của chế độ cộng sản Xô-viết, vốn tồn tại dựa trên sự chỉ đạo độc đoán, sự bưng bít thông tin, đàn áp tư tưởng và thắng bằng tuyên truyền. Khi những nguyên tắc đó bị tấn công, chế độ Xô-viết sụp đổ là tất yếu.

Vì thế, thực ra, từ quan điểm của mình – người nuối tiếc chế độ Xô-viết, Ryzhkov lên án sự phản bội cũng đúng. Đó là sự phản bội các nguyên tắc tồn tại của chính quyền và chế độ Xô-viết.

Nhiều người Việt Nam - nhất là những người sống ở Đông Âu - nhìn thấy vai trò tích cực của M.S. Gorbachev, thậm chí coi ông như người anh hùng. Một số người tỉnh táo thì cho rằng ông ta cũng chỉ cố giữ cho Liên Xô không sụp đổ mà thôi. Tôi thì nghĩ, ông là trường hợp “đúng người, đúng hoàn cảnh và đúng thời điểm”. Sự sụp đổ của Liên Xô là tất yếu và khách quan, và nó được thúc đẩy rất rõ ràng bằng sự xuất hiện và bước vào chính trường của Gorbachev, Yelsin cùng rất nhiều người khác nữa trong chính giới Liên Xô lúc bấy giờ” - bình luận của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội nhân sự ra đi của Mikhail Gorbachev.

link bài gốc (NCTG): http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/M-S-Gorbachev-ANH-HUNG-HAY-TOI-DO-LICH-SU-7517.html

4 comments:

  1. MIKHAIL GORBACHEV CÓ BẤT TÀI KHÔNG?
    Hồi đầu những năm 2000s, khi tôi đang là nghiên cứu sinh ở Học viện Hàng không Moscow, tôi từng chứng kiến một nhóm giáo sư trong khoa tôi làm việc (khoa Vật lý và Toán học Ứng dụng) tranh cãi về việc Gorbachev là người tài năng hay bất tài. Hoá ra, những người nhận định Gorbachev “bất tài” đều quy kết cho ông ấy “tội” làm tan rã Liên Xô.
    Theo thống kê, tất cả các laureate giải Nobel không ai có IQ dưới 130 (đấy là đã tính đổ đồng, bao gồm cả các giải Nobel Kinh tế và Hoà bình; riêng laureate các giải Nobel Vật lý thì không ai có IQ dưới 160).
    Gorbachev là người có hấp lực, có ngôn ngữ linh hoạt trôi chảy và có khẩu khí hùng biện. “Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy” (F. Engels). Năng lực ngôn ngữ đó của Gorbachev là chỉ dấu của một trí tuệ có phẩm chất.
    (Quốc Khánh)

    ReplyDelete
  2. Ngoài ra, là một chính trị gia xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, Mikhail Gorbachev phải có EQ vượt trội để leo lên đến đỉnh toà tháp quyền lực của đế chế Liên Xô vào tuổi 54. Không thể nói ông là người không thành công.
    Mệnh đề “người tài ba phải gia cát dự được mọi sự” là một mệnh đề hàm hồ. Napoléon có tài ba không mà vẫn thất bại ở Waterloo và Nga? Tưởng Giới Thạch có tài năng không mà vẫn bị mất nước trong nội chiến Quốc - Cộng? Vào lúc Gorbachev chấp chính, Liên Xô đã khánh kiệt vì nền kinh tế kế hoạch hoá và vì sa lầy trong chiến cuộc can thiệp vào Afghanistan, xã hội Xô-viết đã xuống cấp tột cùng về rường mối lý tưởng và đạo đức với sự tham nhũng và đặc quyền đặc lợi của giai cấp «nomenklatura», đồng thời những mâu thuẫn dân tộc và sắc tộc trong nội bộ liên bang đã trở thành thùng thuốc súng do hậu quả của chính sách dân tộc bất công và chính sách Nga hoá tàn bạo. Khối các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu, những vệ tinh của Liên Xô, vào thời Gorbachev cũng đã vô cùng rệu rã vì những khó khăn kinh tế và nhu cầu độc lập dân tộc.
    (Quốc Khánh)

    ReplyDelete
  3. Gorbachev là người nhận thức được rằng chế độ toàn trị Xô-viết là một hệ thống kinh tế - xã hội trái quy luật. Perestroika và Glasnost là những cú hích đúng quy luật. Gorbachev cũng nhận thức được rằng sự sáp nhập ba tiểu quốc Baltic vào Liên Xô năm 1940 là bất hợp pháp khi ông không ngăn cản ba nước này đòi độc lập mà chỉ kêu gọi đàm phán để ký lại hiệp ước liên bang. Ông cũng quyết định không xua quân đội Liên Xô can thiệp vào các tiến trình dân chủ hoá ở Đông Âu và tiến trình thống nhất nước Đức vì điều đó là trái với Hiến chương Liên hợp quốc, với công pháp quốc tế và với đạo lý.
    Người tài năng không luôn luôn là người thành công. Nhiều người cho rằng Gorbachev không thành công trong vai trò lãnh đạo Liên Xô ở cấp cao nhất. Đằng sau nhận định này chắc chắn là một niềm ngậm ngùi nuối tiếc Liên bang Xô-viết vang bóng một thời.
    (Quốc Khánh)

    ReplyDelete
  4. Mọi đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại đều không tồn tại vĩnh cửu, từ đế quốc La Mã đến đế quốc Byzantine, từ đế quốc Mông Cổ đến đế quốc Ottoman. Vào cuối thời gian cầm quyền của Mikhail Gorbachev, đế quốc Liên Xô cũng đã đi đến điểm giới hạn lịch sử của nó. Ngay cả trong góc nhìn coi việc làm Liên Xô tan rã là một tội lỗi, thì kẻ tội đồ phải là Boris Yeltsin chứ không phải Mikhail Gorbachev.
    Hoà dịu với phương Tây và kết thúc Chiến tranh Lạnh, đó là thành công chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, mà tác giả của thành công đó, không ai khác, chính là Mikhail Gorbachev.
    (Quốc Khánh)

    ReplyDelete