Vượt Biển tháng 5/1986
Hồi tưởng lại hành trình trốn thoát tìm tự do. Chúng tôi, 18 người trên cùng một chiếc ghe, trãi qua 13 ngày vượt biển, và đã thành công. Chúng tôi đã tận dụng hết trí và sức của mình bên cạnh những phép lạ và ơn trên. Tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria…
A. Ghe Vượt Biển:
- Ghe dài 8m từ mũi đến lái, nơi bề ngang rộng nhất là 1m5, chổ sâu nhất lòng ghe là 1m2.
- Máy chạy ghe: máy F7 (Nhật bản).
- Kiến trúc: ghe dành cho ngư dân đi lưới đáy gần bờ.
B. Người Vượt Biển:
18 người đi trên ghe vượt biển năm 1986, gồm có 12 người lớn (7 nam, 5 nữ), và 6 trẻ con (4 trai, 2 gái).
oOo
- Trưa 30/4/1986 nằm ở ghe, từ radio cầm tay của bố Tình tôi lắng nghe tường thuật trận đá banh giữa hai đội Cảng Sàigòn và Sông Lam. Sau trận banh, bản tin khí tượng cho biết cơn bão nhiệt đới trên biển Đông đang ở ngoài khơi Vũng Tàu, bão đang tiếp tục di chuyển hướng bắc.
- Chiều 30/4/1986, tin khí tượng radio cho biết cơn bão đang qua ngoài khơi Quảng Bình, và đang tan dần.
- Tối 30/4/1986, tôi gặp Linh (chủ ghe & tổ chức) và khuyên Linh đổ quân vượt biển theo đuôi cơn bão. Linh nhỏ hơn tôi 7 tuổi. Thoạt đầu Linh chần chừ, nhưng sự quyết liệt của tôi đã thuyết phục Linh. Chúng tôi cùng quyết định ngày 1/5/1986 đưa, chuyển mọi người xuống bãi.
**Ngày 1** - 1/5/1986
- Trưa ngày 1/5/1986 mọi người được gửi tạm cư trong một vài gia đình quen ở Giáo xứ Hải Sơn, Bà Rịa. Linh điều các ghe chèo nhỏ, rãi rác và liên tục chuyển mọi người đến bãi trong cùng ngày.
- Chiều tối, tôi đi bộ từ Hải Sơn xuống ghe đang đậu bến ở chợ Phước Hòa, Bà Rịa. Tôi gặp Cường (thợ máy) và một thanh niên (dân thổ địa, dẫn bãi). Cả 3 người xuống ghe. Tôi lái ghe chạy theo hướng chỉ của người thanh niên thổ địa (tôi không nhớ tên) để tới bãi đang dấu ếm người. Ghe chạy trên sông lớn.
Mưa lất phất và đêm tối, tôi cảm thấy căng thẳng. Người thanh niên thổ địa, có phận sự dẫn ghe ra bãi nhưng anh ta đã không nhớ, không biết được con rạch nào rẽ vô bãi. Tôi cho ghe chạy xuống rồi chạy lên trên sông lớn, thằng cu vẫn ú ớ không nhớ, không biết đường vô bãi. Chán ngán, tôi quyết định về lại Hải Sơn, tìm người khác dẫn bãi. Tôi cho ghe tấp vào con rạch cạn bên sông lớn, con rạch dẫn về Hải Sơn. Tôi nói với Cường ở lại giữ ghe. Cường gật đầu, đốt đèn dầu, nhưng tôi bảo Cường tắt đèn, vì an toàn!
Tôi và thanh niên thổ địa xuống ghe, lội bộ theo con rạch về Hải Sơn. Thủy triều đang xuống, nước từ các sông rạch đang rút ra biển, con rạch về Hải Sơn cạn nước. Chúng tôi bước bì bõm trên bùn sình để về Hải Sơn. Tôi bảo người thanh niên tìm cho tôi một người dẫn đường khác, và hẹn gặp nhau ở nhà của Liên.
Tôi vào nhà Liên, mẹ của Liên ra mở cửa, nhìn tôi bùn sình lấm tới đầu, bà nói: "Con Liên đã đi ra bãi trưa nay, anh gặp nó không?". Tôi lắc đầu, mệt lữ: "Em chưa tới được bãi. Em đang chờ người dẫn ra bãi, chị đừng lo, đi ngủ đi chị!"
Tôi ngồi chờ một lúc, người thanh niên dẫn tới một người trung niên cở tuổi tôi (tôi lại không nhớ tên anh ta). Vừa gặp tôi, anh ta giục tôi: "Mình đi…"
Cả 3 chúng tôi cùng lội sình, ngược theo con rạch, đi tới ghe. Chúng tôi đẩy ghe ra sông lớn, nổ máy và đưa ghe qua bên kia sông. Thủy triều đang ngủ, chưa lên. Tới con rạch dẫn vào bãi, con rạch đang cạn nước, tôi tấp nghiêng ghe vào mé rạch. Tôi nói với hai người dẫn bãi "tôi và Cường ở lại ghe chờ nước lên, hai anh đi vô bãi và gặp, báo với Linh để mọi người an tâm". Hai người bỏ đi. Tôi và Cường cùng ngồi chờ nước lên và… cùng ngủ quên!
**Ngày 2** - 2/5/1986
- Khoảng 2 giờ sáng, tôi nghe tiếng gõ phía mũi ghe, ghe lắc lư làm tôi thức giấc, 2 người dẫn bãi đã trở lại. Thuỷ triều đang lên, nước đang từ biển đổ vô các sông rạch. Cường nổ máy ghe, tôi lái ghe vào bãi.
Mưa lất phất tại bãi, Linh sắp xếp cho mọi người tuần tự xuống ghe. Tôi thấy vợ tôi và 3 đứa con. Tôi chỉ nhìn mọi người xuống ghe mà không đếm. Mọi người xuống ghe và cùng ngồi, nằm trong khoang mũi. Lưới được lấy ra từ khoang mũi và chất lên sàn khoang, phía mũi. Thuật và Cường được Linh sắp xếp ngồi trong khoang máy, coi chừng máy ghe và điều khiển máy bơm thoát nước.
- Khoảng 3 giờ sáng, thủy triều lên ngang tầm, Cường nổ máy ghe, tôi lái ghe.
Sàn lái có tôi, Linh và thanh niên dẫn bãi. Ngồi ở sàn mũi ghe là người dẫn bãi trung niên. Người trung niên chỉ cho tôi chạy ghe theo con rạch cũ để trở lại với sông lớn. Cu thanh niên dẫn bãi ghé ngồi gần sát tôi xưng tội: "Em thiệt vô dụng. Em xin lỗi anh. Em cứ nghĩ ghe này là ghe đi rê, ghe chuyển khách, chứ không phải là ghe lớn. Thôi! Chúc anh đi bình an. Nhớ! Đừng quên em nha!" Nhưng tôi đã quên, không nhớ tên cu cậu!
Đến ngã ba, rạch và sông lớn, người dẫn ghe trung niên đi từ sàn mũi tới sàn lái, anh bắt tay Linh và tôi, anh nói "chúc thượng lộ bình an", và cả hai người dẫn bãi cùng rời ghe.
Tôi bảo Cường tăng máy. Chúng tôi khởi hành vượt biên sáng ngày 2/5/1986!
- Khoảng 6 giờ sáng, ghe chạy ngang qua chiếc phao neo nổi, nơi được gọi là ngã ba cửa biển Vũng Tàu (bên trái), và Cần Giờ (bên phải). Ngã ba Đèn Trắng này có nhiều giai thoại nước mắt và ma quỷ. Vì ngã ba này là giao điểm của luồng nước từ ngoài khơi đổ vào Vũng Tàu, Cần Giờ. Nước bị dồn ép khi đổ tuôn vào các sông rạch đất liền, đã tạo nên những chỗ nước chảy xoáy bất định, đã từng cuốn trôi và nhận chìm các ghe thuyền nhỏ vô tình đi ngang qua. Ngã ba Đèn Trắng cũng là nơi các ghe vượt biên bị ghe công an biên phòng Vũng Tàu - Cần Giờ chận bắt hoặc bắn chìm…
Qua khỏi ngã ba Đèn trắng thì trời bắt đầu hửng sáng, biển động cấp 3. Cửa biển vắng vẻ, lác đác ghe thuyền qua lại. Tôi lái ghe chạy hướng tây nam 210 độ, nhắm giàn cọc lưới đáy phía Vũng Tàu trước mặt, chạy tới để thoát ra biển. Chạy như vậy, may ra tôi có thể đánh lừa các tai mắt rình mò của công an biên phòng Vũng Tàu, rằng “đây chỉ là một ghe dân đi thăm lưới đáy”.
Tôi cho ghe chạy tránh dàn lưới đáy về bên trái ghe, và chạy né cọc lưới đáy cuối cùng xa bờ Vũng Tàu, rồi đổi hướng nam, chạy 180 độ.
- Khoảng 10 giờ trưa, ghe chạy qua hàng lưới đáy. Vẫn giữ hướng nam 180 độ, chúng tôi vượt biên, ra khơi!
Biển vẫn động cấp 3, ghe nhảy sóng ngược, những cơn sóng bạc đầu liên tục phủ mũi ghe, nước tràn vào khoang mũi và chảy vào khoang máy. Tôi cầm lái. Cường và Thuật đang thay phiên điều khiển máy bơm nước trong khoang máy ra ngoài. Biển vẫn động và động mạnh!
- Khoảng 15 phút, Cường ló đầu ra phía sau khoang máy, nói to với tôi: "Nước vẫn vô, bơm không kịp. Anh Ba!". Tôi trấn an: "Tiếp tục bơm. Cố chịu khó. Mình phải đi sóng ngược để vượt qua mũi Vũng Tàu".
- 15 phút sau, Cường lại ló đầu, mặt xanh xao: "Em chịu hết nỗi. Anh Ba… Em sắp bị say sóng… Ngộp quá!". Tôi bảo Cường bước lên khoang lái, ngồi cho thoáng để lấy lại sức. Tôi nói với Linh đang đứng bám phía trước khoang máy, cùng xuống khoang máy bơm nước với Thuật.
- 15 phút lại trôi qua, Linh ló đầu và chồm nửa người ra khỏi khoang máy, người Linh ướt nhem, nói lớn: "Bơm nước không kịp, nước cứ mấp mé bánh trớn của máy. Anh Ba à… Ngập thêm thì máy sẽ đứng!". Tôi hỏi Linh: "Cu Thuật đâu rồi?", Linh đáp: "Thuật đang bơm. Lì sóng lắm!"
Nghe vậy, tôi giựt mình, hoảng hồn. Tôi không say sóng, nhưng mọi người đang say sóng! Mọi người đang ướt nhem! Ghe đang chạy ngược sóng! Máy sắp ngập nước!…
Tôi ngoái nhìn Vũng Tàu. Tượng Chúa Kitô Vua giang tay vẫn ở phía bên trái của ghe. Tôi giơ tay làm dấu thánh giá và quyết định đổi hướng 160 độ, cho ghe chạy hướng đông nam.
Ghe chạy chếch sóng ngược. Sóng vỗ mạn phải ghe, thì thoảng tràn nước lên mui. Ghe lắc ngang theo sóng. Tôi ước tính, ghe đang chạy hướng 160 độ, sóng nước mạn phải sẽ bê và dạt ghe vào hướng 130 – 140 độ. Tôi và Linh nhìn nhau thở phào. Thuật ló đầu cười: "Em canh chừng nước, lâu lâu sẽ bơm". Cu Cường đang ngồi dựa vào khoang máy, ngủ khò.
Ghe vẫn chạy hướng đông nam 160 độ. Mũi Nghinh Phong, Vũng Tàu và tượng Chúa Kitô Vua giang tay đang khuất dần sau lưng chúng tôi. Buổi chiều bầu trời phía mặt trời lặn đỏ ối sau lưng tôi, báo hiệu đuôi bão chưa tan. Tạm biệt quê hương! Tạm biệt những con đường phố vắng nắng vương! Tạm biệt những thân yêu!...
Đêm xuống không chút tĩnh mịch. Tiếng máy nổ trầm bỗng lên xuống theo những cơn sóng của biển 3, hợp cùng tiếng sóng va đập mạn phải ghe. Tôi ngồi đó và lái ghe một mình. Nhìn trời biển, tôi thầm thì cầu nguyện và tâm sự với biển…
Mọi người đang say sóng, đang ngủ ngon.
Nửa đêm ghe đi ngang giàn khoan Liên Xô ngoài khơi Vũng Tàu. Tôi đoán vậy, vì tôi nhìn thấy những giàn đèn sáng lộ thiên của những chiếc tàu lớn đang thả neo gần giàn khoan… Tôi bỏ mặc và giữ hướng cho ghe chạy tiếp.
Nếu sau 30/4/1975, chính phủ duy trì chế độ chính trị cho 2 miền Nam Bắc (dù việc thành lập MTDTGPMNVN và sau này là Chính phủ CMLTCHMNVN chỉ để hợp thức hoá vấn đề thống nhất đất nước bị TQ chia cắt theo hiệp định Genève) để thật sự thực hiện từng bước vấn đề hoà hợp và phát triển đất nước một cách đúng đắn trong hoà bình thì làn sóng vượt biên tìm đến Tự do có lẽ ko trở nên bi thảm như đã xảy ra.
ReplyDelete