1. Tôi không thể học bất cứ thứ gì mà tôi không nhìn được bức tranh tổng thể. Câu hỏi tôi thường đặt ra thứ này học để làm gì, học xong làm được gì, sẽ có những nội dung gì, phương pháp luận là gì (nếu có chút triết lý nữa thì càng hay). Có thể tính tôi hay sốt ruột hoặc có khuyếm khuyết. Tuy vậy, theo quan sát cá nhân, đa số trẻ cũng sốt ruột và khiếm khuyết như tôi. Trước kia, chúng ta có nhiều trẻ kiên nhẫn và rất giỏi học những thứ mà chưa rõ ích lợi là gì. Dĩ nhiên chúng ta đang nói tới ích lợi tinh thần, vì ngày xưa cũng như bây giờ không nên để trẻ nghĩ tới ích lợi vật chất quá sớm. Ngày nay, trẻ có quá nhiều thứ thú vị để làm. Tôi ngày xưa cũng có quá nhiều sách để đọc, chưa bao giờ vì không có gì làm mà phải học theo chương trình.
2. Ngày nay, tại các lớp học mà tôi từng dự ở các nước phát triển, giờ đầu tiên bao giờ cũng nói tổng thể về môn học theo hướng như vậy. Thậm chí nhiều thầy trước mỗi giờ học cũng làm điều đó. Ngày xưa, tôi học các thầy giỏi họ cũng làm vậy. Tôi thường không đánh giá cao bài giảng của các thầy chỉ nói ngắn gọn một hai câu rồi nhảy bổ vào định nghĩa, công thức. Khi đó thường là tôi "tắt máy nghe" để tự suy nghĩ, hoặc làm việc khác. Tôi không quan tâm lắm tới những điều tôi có thể tự đọc trong sách, hoặc có thể tự luyện tập, bởi vì tôi tin ở những điều tôi đọc trực tiếp hơn nghe các thày nói. Thậm chí, tôi không thể nào theo dõi các tính toán và phân tích chi tiết mà không ngáp. Vì thế thày càng nói dài về những vấn đề tổng thể tôi càng chăm chú lắng nghe. Đôi khi một "khai mở" của thày có giá trị bằng nhiều năm đọc sách hoặc học hỏi những thày khác.
3. Tôi đã từng mất nhiều năm, do nghe các hướng dẫn sai, cố gắng nhồi nhét những cuốn sách không phù hợp, mang tính chuyên khảo, quá nhiều chi tiết, trước khi thấy được tổng thể. Nhồi nhét như vậy hoàn toàn vô bổ. Tôi có cảm giác, chương trình ngày nay cũng đang nhồi nhét như vậy, hệ thống đánh giá cũng đang cố gắng đánh giá khả năng tiếp nhận nhồi nhét của trẻ. Cụ thể, tôi cho rằng chương trình Toán của chúng ta khá nặng về kỹ thuật, nghèo nàn về ý tưởng, làm ngày càng nhiều trẻ chán và sợ Toán. Môn tiếng Việt có khá hơn, nhưng cũng có xu hướng làm rối rắm vấn đề, trong khi không giải quyết được vấn đề cơ bản nhất là làm trẻ thích đọc sách, biết viết và trình bày cho đến đầu đũa một vấn đề, hay kể lại một câu chuyện. Tôi không coi thường và phản đối những môn như Giáo dục công dân. Những môn này có thể rất hay nếu trẻ được nghe và biết kể lại các câu chuyện, trước khi có thể đặt các câu hỏi và thảo luận, để rồi quan sát tự tìm hiểu thêm.
4. Một trong những bệnh khó chữa nhất của trẻ (kể cả người lớn) là bệnh "rỗ hoa" kiến thức. Có thể biết rất nhiều, nhưng không cái gì gắn kết với cái gì, tạo thành các mảng kiến thức rời rạc, không thể nhận diện, kết nối, suy luận với những kiến thức đã biết. Người ta hay sử dụng cụm từ "lỗ hổng kiến thức" nhưng có vẻ tình hình còn trầm trọng hơn thế. Nếu kiến thức chỉ có lỗ hổng, vẫn có thể liên thông, trẻ vẫn có khả năng suy luận, liên tưởng, tuy có khi sai sót buồn cười, vẫn còn dễ sửa. Nhưng "rỗ hoa" liên quan đến cả tư duy và phương pháp, có khi cùng một vấn đề thể hiện dưới hai dạng thức khác nhau mà cũng không thể thấy mối liên hệ. Loại này phải đập phá toàn bộ, xây lại khung mới để sử dụng chất liệu cũ vá vào, khá mất công và đau thương, nhưng vẫn phải làm.
5. Vì vậy khi đi dạy, tôi thường nhấn mạnh vấn đề tổng thể. Chẳng hạn sinh viên năm thứ nhất, thay vì sa đà vào các vấn đề cơ bản. tôi chủ trương, xây dựng tầm nhìn toàn cảnh và một số phương pháp học cơ bản. Các bài giảng tôi đặc biệt quan tâm tới phần "phi lộ", liên hệ thực tế và đặc biệt là liên hệ tới các mảng kiến thức khác mà học viên có thể quan tâm, thấy lý thú. Tương tự, đối với học sinh Tiểu học, thời gian vàng trong học tập, tôi cho rằng không nên phí thời gian vào nhồi sọ tính toán, hoặc nhồi sọ những mẫu câu, cách hành văn sáo mòn hoặc tinh vi một cách vô bổ.
6. Trái với cách suy nghĩ thông thường hiện nay, tôi không cho tính toán với 4 phép tính cơ bản là nền tảng của tư duy Toán học, sử dụng các mẫu câu sáo là nền tảng của ngôn ngữ hay logic, học các khái niệm của toán học cao cấp là nền tảng của tư duy công nghệ. Tuy chưa thể chứng minh, nhưng dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng đi vào tiểu tiết kỹ thuật quá sớm sẽ làm trẻ cùn nhụt mất suy nghĩ bay bổng, sáng tạo. Hơn nữa, hiện nay các tri thức chi tiết có đầy trên mạng, nhiệm vụ của giáo viên không phải là nhắc lại các tri thức đó như vẹt, thậm chí không chính xác.
7. Nếu tôi có quyền quyết định chương trình, Tiểu học sẽ bắt đầu bằng môn Địa lý, Nghệ thuật và Kể chuyện. Đại học sẽ bắt đầu bằng Nhập môn, Thực tập và Hệ thống, để sinh viên có cái nhìn tổng thể và phương pháp luận của ngành mình. Thực ra, tôi cũng đã bắt tay vào việc cải cách cụ thể ở Tiểu học và Đại học, và sẽ tiếp tục làm. Tuy vậy, tôi cũng không thể hy vọng và cũng không có thời gian thuyết phục xã hội, là một điều không tưởng. Do đó, song song với các dự án, tôi sẽ thúc đẩy chương trình bổ túc cho các chương trình đang có, hy vọng sẽ giúp ích được cho một số người, thay đổi nhận thức một số người khác và tương lai sẽ là kinh nghiệm nền móng cho các dự án lớn hơn.
8. Thiếu tầm nhìn tổng thể, học sinh sẽ trở nên nhút nhát không dám suy nghĩ lớn, hoặc ngược lại cuồng vĩ vu vơ một cách thiếu kiến thức. Chúng ta, ngày càng thấy phổ biến cách suy nghĩ "chỉ nên thế thôi", có hại cho xã hội. Ngày nay chúng ta thấy ngạc nhiên khi biết các vị tướng lĩnh của ta cầm quân đánh giặc khi tuổi vẫn còn trẻ, các học giả tuổi chưa tới 30 đã làm những bộ từ điển, kho tàng, hợp tuyển,... mà ngày nay lớp "cây đa cây đề" đủ chức danh ngoại 60 vẫn không làm được. Đặc biệt học sinh, sinh viên ta suy nghĩ ngày càng "trẻ con", thụ động, không dám nghĩ đến các vấn đề ở tầm cỡ quốc gia, hoặc của ngành, chẳng hạn thay đổi hệ thống, sáng tạo công nghệ mới, hoặc giải quyết các vấn nạn xã hội, môi trường, kinh tế. Xa hơn nữa, các cụ nhà ta như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn nổi tiếng khi còn trẻ. Các cụ nhà nho khoảng 15-16 đã rất trưởng thành về suy nghĩ. Sinh viên nước ngoài cũng vậy, tuy họ rất hồn nhiên, nhưng 16-18 đã suy nghĩ rất trưởng thành. Có vậy mới có được Bill Gates, Elon Musk,...
9. Cốt lõi của việc trưởng thành là môi trường và cộng đồng. Ngày xưa, thời phong kiến Việt Nam và trước thế kỷ 20 ở Châu Âu, các lứa tuổi khác nhau đều học cùng một lớp. Tất nhiên có cái khó của nó, nhưng lớp đàn anh nhanh trưởng thành vì phải làm gương, dẫn dắt đàn em. Lớp đàn em học hỏi đàn anh nên cũng nhanh chín chắn, có kỷ luật, phép tắc và có suy nghĩ lớn hơn. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại ít con và khép kín hơn, làm nhiều trẻ kém giao tiếp. Chúng ta thường nghĩ mọi sự lạc hậu của chúng ta đều do Trung Quốc. Thực tế, lớp trẻ của Trung Quốc trưởng thành, táo bạo và đổi mới nhiều hơn lớp trẻ của chúng ta. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là mở lại loại trường cũ. Cách làm chỉ là cơi nới chứ không phá bỏ. Cần có các chương trình để học sinh nhiều lứa tuổi, tham gia bổ trợ, tạo ra tương tác để trẻ trưởng thành, trong khi môi trường xã hội chưa đủ sức làm điều đó.
10. Tương tác cần phải có nội dung cụ thể. Trước hết phải bắt đầu từ các dự án chung, rèn kỹ năng sống sót, kỹ năng sống, lòng nghĩa hiệp, tinh thần cộng đồng, hội nhập và khai phóng. Nghe thì có vẻ vu vơ không ăn nhập với việc học tập. Nhưng thực ra, nó là sức mạnh tinh thần và động lực cho học tập, đáng công hơn việc cứ vùi đầu vào sách trong tháp ngà.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment