Phan Anh Sơn: Xin chép lại bài giới thiệu rất hay của anh Peter Pho về kiệt tác "Báu vật của đời" được giải Nobel của Mạc Ngôn để ghi lai trong album này và chia sẻ với các bạn.
PHONG NHŨ PHÌ ĐỒN - by PETER PHO
Nguyên bản tên truyện là “Phong nhũ phì đồn” hoặc có thể dịch thẳng ra là “Vú to mông nở” nhưng chắc dịch như vậy không thể xuất bản tại Việt Nam nên họ đã dịch ra thành "Báu vật của đời". Lão PP đọc tất cả các tác phẩm của Mạc Ngôn nhưng đều đọc nguyên tác Trung văn, chưa đọc một bản dịch Việt ngữ nào, nên cũng lo ngại, nếu vì tiêu chuẩn ấn loát mà bắt buộc phải dịch “hiền” đi, thì quả là đáng tiếc. Độc giả sẽ không đọc được những lời văn nguyên chất nguyên bản của Mạc Ngôn mà là lời văn khiêm nhường của một dịch giả. Như vậy, chắc chắn làm giảm đi rất nhiều chất lượng của tác phẩm.
“Báu vật của đời” là một tác phẩm được Mạc Ngôn viết cho người mẹ đã khuất của mình. Bản thảo đầu tiên của cuốn tiểu thuyết dài 500.000 từ này mất 83 ngày để viết. Trong cuốn sách, tác giả đã sử dụng một cách bách vô cấm kỵ những tư liệu liên quan đến trải nghiệm cá nhân của mẹ mình, nhưng cảm xúc của người mẹ trong cuốn sách là hư cấu hoặc dựa trên kinh nghiệm của nhiều bà mẹ ở làng quê Cao Mật ở Đông Bắc Trung Hoa. Trong lời tựa của cuốn sách này, tác giả có ghi dòng chữ “Dâng lên hương linh Mẹ trên trời”. Nhưng thực sự là để dành tặng cho tất cả các bà mẹ trên thế giới, giống như anh hy vọng sẽ viết "Thị trấn Cao Mật" nhỏ bé thành một hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc cũng như thế giới.
Đọc xong “Báu vật của đời” thực sự muốn gào khóc một trận, khóc ai, khóc gì? Khóc những những thân phận người mẹ như những con kiến vật lộn với sinh mệnh khốn khổ khốn nạn để sinh tồn dưới bối cảnh đặc thù. Khóc xu thế lịch sử, khóc vô vàn những linh hồn bị bánh xe thời đại nghiền nát qua thây.
Lấy cuộc sống của một gia đình, mô tả sự biến đổi của một xã hội. "Báu vật của đời" là tác phẩm đoạt giải Nobel văn học đầu tiên của Trung Quốc, một trong những kiệt tác nổi tiếng nhất. Nổi bật trong tác phẩm là cuộc đời người phụ nữ nông thôn Trung Quốc Thượng Quan Lỗ Thị và gia đình Thượng Quan. Một người mẹ vĩ đại quá độ từ kỷ nguyên cũ sang kỷ nguyên mới. Đây là một nhân vật văn học sinh động trong tác phẩm của Mạc Ngôn. Lỗ Thị bó chân từ lúc 5 tuổi cho đến 16 tuổi vào giai đoạn giải phóng phụ nữ khỏi tệ tục phong kiến nên bỗng chốc giá trị bản thân bị rớt xuống thảm hại. Cô đành phải vội vã gả cho gã thợ rèn con trai của gia đình Thượng Quan là Thượng Quan Thọ Hỷ. Khốn nỗi gã chồng này yếu sinh lý, khiến Lỗ Thị không sinh đẻ được.
Mẹ chồng thì đổ tội cho nàng dâu khiến Thượng Quan Lỗ Thị cực kỳ phẫn uất và bước lên con đường trả thù. Dưới sự nửa mách mối nửa ép buộc, Lỗ thị dấu diếm ăn nằm với ông chú dượng của mình đẻ ra đứa con gái đầu tiên đặt tên là Lai Đệ. Phong kiến Trung Quốc trọng nam khinh nữ, đặt cái tên Lai Đệ có ngụ ý rằng, thằng em trai sẽ ra đời tiếp, đệ sẽ lại, sẽ đến. Lai Đệ sau khi trưởng thành thì đem lòng yêu và trốn theo một tay thổ phỉ trong làng tên là Sa Nguyệt Lương. Sau này trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, hắn theo Nhật làm Hán gian, trước khi kháng chiến thắng lợi, hắn bị mìn giết chết Lai Đệ trở thành goá phụ và thần kinh cũng có vấn đề. Sau giải phóng, Lai Đệ bắt buộc lấy một tay anh hùng cách mạng là thằng câm điếc họ Tôn. Tên họ Tôn này hành hạ Lai Đệ hết sức độc ác, Lai Đệ sống một cuộc sống khổ hơn chó. Sau khi người bạn trai thân nhất của cô em thứ ba trốn từ Nhật về, cô em giới thiệu cho Lai Đệ, hai người gian díu với nhau rồi bàn kế giết Tôn câm điếc, chẳng may sự việc bại lộ, cả hai bị xử tử hình.
Đứa con gái thứ hai của Thượng Quan Lỗ Thị là Chiêu Đệ. Vẫn là ngủ với ông chú dượng mà đẻ ra. Vẫn là con gái nên vẫn đặt cái tên mong muốn con trai, Chiêu Đệ là chiêu em trai về. Chiêu Đệ mục kích chị mình chạy theo trai nên sinh ra sự sùng bái anh hùng nam nhi. Chiêu Đệ gả làm vợ thứ tư cho một tay địa chủ ở làng Tư Mã Khố. Hai người tâm đầu ý hợp kiên quyết kháng Nhật tham gia đội ngũ Quốc Dân Đảng. Trong kháng chiến Chiêu Đệ bị chết nơi đất khách quê người.
Đứa con gái thứ ba của Thượng Quan Lỗ Thị là Lĩnh Đệ sau khi ngủ với một anh chàng ở tỉnh ngoài về thôn bán vịt. Vẫn là con gái nên vẫn đặt tên dẫn dắt em trai “Lĩnh” em về. Lĩnh Đệ vốn cũng có mộng ước như hai người chị, muốn gả cho nhân vật anh hùng. Cô yêu một “anh hùng” bắn chim rất giỏi tên là Điểu Nhi Hàn. Khốn nỗi tình yêu chưa bắt đầu thì đã kết thúc. Điểu Nhi Hàn bị Nhật bắt về nước làm lao công, khiến Lĩnh Đệ tinh thần bị kích thích cao độ mà sinh ra điên điên dại dại, lúc tỉnh lúc mê ví mình là Tiên Điểu, một nàng tiên chim, hy vọng sẽ được cất cao cánh bay đi bốn phương tìm người yêu mình. Sau đó, cô bị Tôn câm điếc cưỡng hiếp và ép kết hôn với anh ta. Trong một tai nạn bất ngờ, cô đã nhảy xuống vách đá tự tử.
Đứa con gái thứ tư của Thượng Quan Lỗ Thị đặt tên là Tưởng Đệ, vẫn là tưởng nhớ em trai. Đây là con của Lỗ thị với một anh chàng bán thuốc rong. Cô nàng lớn lên trong hoàn cảnh đói khát vì muốn cứu mẹ nên tình nguyện vào làm ở nhà thổ. Sau giải phóng trở về quê thì bị đấu tố, bao nhiêu tiền dành dụm được đều bị tịch thu. Trong cuộc đấu tố, cô không may bị người đấm mạnh vào đầu nên bị trấn thương sọ não về nhà một mình âm thầm nằm chết rữa trên giường.
Đứa con gái thứ năm của Thượng Quan Lỗ Thị là Phán Đệ, Phán tức trông đợi, vẫn trông đợi em trai. Đây là con của Lỗ thị ngủ với lão Báo bán thịt chó. Lớn lên Phán Đệ gả cho một chiến sĩ cộng sản người Khrunichev. Trong cuộc cách mạng văn hoá, nàng bắt buộc phải đổi sang họ khác, cuối cùng bị chết oan.
Đứa con gái thứ sáu của Thượng Quan Lỗ Thị là Niệm Đệ, con của Lỗ thị ngủ với hoà thượng Trí Thông. Vẫn chưa là con trai nên vẫn quyết đến cùng, vẫn “niệm” vẫn gọi em trai về. Niệm Đệ gả cho một cố vấn người nước ngoài của anh rể thứ hai của mình tên là Babbitt. Sau giải phóng cô bị bắt, trên đường áp giải cô bị trúng bom chết.
Đứa con gái thứ bẩy của Thượng Quan Lỗ Thị là Cầu Đệ. Lần này, Lỗ Thị bị bốn tên lính thất trận thay nhau hãm hiếp, đẻ ra nhưng vẫn mong ước “Cầu” được con trai. Khi chị thứ tư phải bán trôn nuôi miệng thì Cầu Đệ được một quý phụ người Nga nhận làm con nuôi và có một giai đoạn hạnh phúc. Trong cách mạng văn hoá cô bị đấu tố, bởi đói trong nhiều ngày, ăn vụng quá nhiều hạt đậu nên trương bụng chết.
Đứa con thứ tám của Thượng Quan Lỗ Thị là Cặp sinh đôi Ngọc Nữ và Kim Đồng. Con của Lỗ thị với mục sư Maloya người Thụy Điển. Con gái là Thượng Quan Ngọc Nữ, con trai là Thượng Quan Kim Đồng. Ngọc Nữ sinh ra bị mù, sống tự kỷ một mình. Trong giai đoạn đói khổ, không muốn liên lụy mẹ nên đã nhảy xuống sông tự tử.
Thượng Quan Lỗ Thị sống đến 95 tuổi, chứng kiến từng li từng tí một Trung Quốc mới được thành lậ. Bà có 8 người con gái trải qua 8 đoạn đời hoàn toàn khác nhau, mỗi lần đều là người tóc trắng tiễn người tóc xanh. 8 thân phận xấu số khác nhau. “Báu vật của đời” một kiệt tác văn học, kể về câu chuyện thăng trầm của lịch sử cận đại Trung Quốc thông qua số phận của gia đình Thượng Quan Lỗ Thị. Cả gia đình gặp nhiều tai ương, họ đều trông cậy vào mẹ của họ, Thượng Quan Lỗ Thị, là người mẹ kiên cường cắn răng chịu đựng cuộc đời vô cảm và gian truân. Tám con gái, “tám” con rể, tám số phận không thể tưởng tượng nổi.
“Phong nhũ phì đồn”, tức là “Vú to mông nở”. Từ xa xưa, đã là biểu tượng của sức sống tràn trề và mạnh mẽ, những nghệ nhân cổ xưa khi tạo hình tượng nữ thần này trong tâm trí của họ bằng đất sét nung thành gốm có hình dáng như thế này: Vú to, mông béo mập, bẹn to. Vú to nghĩa là nhiều sữa, mông béo bẹn to nghĩa là khả năng sinh sản tốt. Một trong những cách giải thích đơn giản nhất cho câu “Phong nhũ phì đồn” là người có thể sinh con và đẻ cái, con cái đầy đàn, nối dõi tông đường. “Hình tam giác” đặc trưng cho bẹn chính là cánh cửa của sinh mệnh cũng là cánh cửa đi đến thiên đàn của các gã mày râu. “Phong nhũ phì đồn” có hàm ý tình dục, câu này đã có từ rất lâu trước đây, và được đặt ra bởi các học giả mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Nhìn dưới con mắt lão PP thì cuốn sách này miêu tả chủ yếu là “Sinh dưỡng, sex, sinh dưỡng, sex, cuối cùng vẫn là cái con mẹ nó sinh dưỡng và làm tình”. Đây là một cuốn sách miêu tả sinh mệnh vĩ đại, cảm ơn sinh mệnh, cảm ơn mẫu thân, Mạc Ngôn cho rằng đây là cuốn sách mà anh mãn ý nhất. Trong thế giới nguyên thủy của loài người, đầy rẫy thú tính, nóng lạnh, sấm sét, hận thù, giết chóc, họ sợ cái chết, tôn trọng sự sống, nên họ dùng bàn tay của mình xây dựng nên hình tượng “Phong nhũ phì đồn”. Đấy là “Mẫu thần” của họ, họ cho rằng tín ngưỡng gắn kết vào mẫu thần xinh đẹp này, Người sẽ đem đến cho họ con cháu liên miên bất tuyệt, vĩnh viễn giúp họ nối dõi tông đường.
Trong thế giới của “Phong nhũ phì đồn”, từ 1905 đến nay, trải dài hơn 117 năm. Thế giới mà con người đối mặt còn khó tin hơn, trong bụi trần gian muôn loài yêu ghét. Chúng ta không thể phân biệt điều gì đúng và điều gì sai. Tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi đang đi đâu? cái gì cũng không tường. Có thể sinh ra và chỉ trở thành một con người u mê, như hồn ma vất vưởng giữa đời.
“Phong nhũ phì đồn” chứa đầy 500.000 từ. Nó bắt đầu bằng chiến tranh và kết thúc bằng hòa bình. Nó mang tinh thần sử thi của nhà thơ mù Hy Lạp cổ đại Homer "Iliad" trong “Bài ca thành Ilion”và những lời nhất quán đầy khí phách “Thần rượu “ vốn có của Mạc Ngôn được lặp lại một lần rồi một lần, đưa độc giả vào một thế giới kỳ lạ và bí ẩn một lần và mãi mãi. Cái gọi là "Thần rượu" đối lập với "Thần Mặt trời", cái trước xuất hiện theo cảm xúc, hỗn loạn và mất trật tự. Cái sau là lý trí, đều đặn và có trật tự. Con chữ của Mạc Ngôn lung linh đầy màu sắc, đầy hình ảnh và tràn trề ý tượng kích động các giác quan, thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác của người đọc và anh muốn họ đều sử dụng tất cả chúng.
Cuối tiểu thuyết, Thượng Quan Lỗ Thị chết một cách thanh thản trong tiếng kinh cầu của lễ rửa tội ở nhà thờ sau gần trăm năm sương gió. Hai người con trai của Cha Maloya, một người được sinh ra với Lỗ Thị và một người sinh với một phụ nữ Hồi giáo. Hai người con lai trải qua muôn núi ngàn Sông, mấy chục năm gian nan vất vả, họ nắm chặt tay nhau. Hai con người có những điểm giống nhau, cuộc sống của họ liệu có giống nhau hay khác nhau?
Nó sẽ khiến bạn nghĩ ra một câu chuyện khác ngay tức thì. Và đoạn này cũng có cảm giác như trong trong tiểu thuyết “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn, không chỉ có một AQ mà con cháu của AQ đã nối tiếp nhau thịnh vượng. Về cấu trúc bề ngoài của cuốn sách này, nó quả thực là một câu chuyện tự sự trải dài hiếm hoi của Mạc Nguyên, ngoại trừ việc các chương sau được viết theo phần tiền truyện của người mẹ, tương tự như câu chuyện bổ sung trong một cuốn tiểu thuyết cổ điển, khiến toàn bộ nhân vật hoàn chỉnh hơn. Nhưng trong cấu trúc sâu xa của cách hành văn này, Mạc Nguyên đã đưa ra những tham vọng lớn.
Anh đang mô phỏng lại cấu trúc tường thuật của Kinh thánh. "Giáng sinh - Gặp nạn - Bố đạo - Thăng thiên". Hãy nghĩ về nơi sinh ra của Thượng Quan Kim Đồng - đó có vẻ là một chuồng ngựa. Hãy nghĩ về thời đại mà Thượng Quan Kim Đồng đã sống - chế độ cũ đã bị phá hủy, và chế độ mới vẫn chưa được thiết lập. Nhưng điều sâu sắc ở Mạc Ngôn là sau khi anh ấy cho bạn hy vọng, thì anh đột nhiên nói với bạn rằng đó là giả. Thượng Quan Kim Đồng hoàn toàn không phải là một vị cứu tinh, hắn chỉ là một kẻ hèn nhát, một viên đạn sáp bọc bạc, hắn sẽ chỉ mang lại tai họa cho những người xung quanh, so với Chúa Giê-su cứu khổ cứu nạn trong “Kinh thánh” thì hoàn toàn như đất bùn so với trời mây.
Thượng Quan Lỗ Thị chính là hiện thân cho hình ảnh đất nước Trung Hoa khổng lồ trên con đường đổi mới với bao thăng trầm, đau thương nhưng không gì quật ngã. Thượng Quan Lỗ Thị sống gần một thế kỷ, một người mẹ gian khổ cả đời, đến khi chết người ta cũng bắt đào mộ lên. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh những bông hoa nở rộ sau ngôi mộ của Lỗ Thị và những bầu vú hiện lên dồn dập trong ảo tưởng của Kim Đồng – đứa con trai duy nhất của Thượng Quan Lỗ Thị.
Mạc Ngôn xứng đáng đoạt giải Nobel với ngôn ngữ văn học mộc mạc, chân chất, đậm nét quê mùa nhưng lại vô cùng thâm tuý. Nó là đất, là nước, là rượu, là máu của người con đất Cao Mật, Sơn Đông. Anh dùng một thủ pháp độc đáo, kết hợp văn học phương Đông và phương Tây. Thủ pháp này chỉ có những nhà văn phương Đông mới có được. Nên đã khiến hội đồng giám thị phải giật mình đắm đuối và say mê với những câu chữ khác lạ này.
Trung Quốc ra đời một Mạc Ngôn, đây là vinh dự của văn học Trung Hoa. 100 năm gần đây, anh là người chắp cánh cho tác phẩm văn học bay đến mọi ngõ ngách của năm châu bốn biển. Thiên mã hành không, bụi mù tung vó. Anh chính là Thiên mã.
Bác PP quả là người yêu thích nhiều với cảm xúc đích thực từ nguyên bản, người thật việc thật.
ReplyDeleteThưởng thức 1 khung cảnh thật bằng mắt trần bao giờ cũng thu nhận được toàn bộ vẻ đẹp, khác rất nhiều so với hình ảnh, nhất là qua xử lý kỹ thuật mà hiện nay đang bị lạm dụng bởi chủ nghĩa sống ảo rất thịnh hành.
Báu vật của đời hay báu vật Trời cho đều đúng.
ReplyDeleteNhưng bao nhiêu người coi là báu vật???