[Bình Tam Quốc] Lỗ Túc trung hậu tính xa,
1. Lỗ Túc, tự Tử Kính, người Đông Thành, Lâm Hoài, vẻ người nho nhã, tướng mạo khôi ngô kỳ lạ. Túc khi trẻ ham đọc sách, thích mưu kế kỳ lạ. Mỗi lần đọc đến truyện Trương Tử Phòng, Khương Tử Nha, lại buông sách ngẩng đầu nhìn trời tư lự, nghĩ đến thời thế lại thở dài. Sau này, thấy thời loạn lạc, tự mình học võ, tinh thông binh pháp, sử dụng cung kiếm kích đều tuyệt luân. Bèn tụ tập gia nhân vài trăm người, lập đội ngũ, bày trận, cắm cờ, đánh
trống, điều binh khiển tướng, luyện tiến thoái, công thành, hãm trận, hợp vây, phá hiểm, phục binh trong núi. Các bậc phụ lão đất Đông Thành đều lắc đầu than thở "Nhà họ Lỗ ngày nay lại sinh ra một thằng cuồng."
2. Mấy năm sau, thiên hạn đại loạn, giặc giã nổi lên khắp nơi, nhưng đều không dám phạm tới Đông Thành và Lỗ Gia, mọi người đều phục ở tài tiên kiến. Viên Thuật nghe tiếng, bèn cử Túc làm huyện lệnh Đông Thành, đợi dùng vào việc lớn. Túc thấy Thuật tầm thường, nên nhiều lần mượn cớ trì hoãn chưa nhận. Bấy giờ, Chu Du đang làm trưởng lại ở Cư Sào, nghe danh Túc bèn đem vài trăm người tới thăm. Hai người trẻ tuổi tài cao, chí lớn, đẹp như rồng phượng, bình thế lớn thiên hạ, tâm đầu ý hợp, bèn kết thành đôi bạn tâm giao tri kỷ. Du nói: "Loạn thế là khi anh hùng dựng nghiệp. Không cần đợi chúa chọn tôi, anh hùng nên chọn chủ. Đất bắc, nhiều người tranh giành, khó mưu sự lâu dài. Phương nam, đất rộng, giàu có, nhân tình trung hậu, chọn một người làm minh chủ có thể mưu việc lớn." Túc hỏi ai có thể làm minh chủ. Du chơi thân với Tôn Sách bèn nói "Bá Phù dũng lực trùm đời lại có chí lớn. Trước phải khuất thân theo Viên Thuật. Nay đã về nam có thể làm việc lớn." Túc nói "Tôn Sách có uy với tướng sĩ, giỏi về đánh dẹp. Nhưng cố chấp, không thích dùng người lạ, không nghĩ xa. Đó là tài của một vị tướng soái. Tôi muốn tìm một bậc có chân mệnh Đế Vương". Du nói "Nay thời loạn, không thể tính xa. Nay tôi muốn theo Bá Phù về nam, cần lương tiền, xin huynh giúp đỡ." Nhà Túc bấy giờ có hai kho thóc lớn, mỗi kho chứa tới ba nghìn hộc, Túc bèn trỏ tay tặng Du một kho, lại cho thêm tiền tài và binh khí. Du ứa nước mắt vì cảm phục và xúc động, bèn dẫn mấy trăm người về nam theo Tôn Sách. Sách bèn cử Du trấn thủ Sài Tang, chống với Hoàng Tổ, mưu thôn tính Kinh Châu.
3. Túc ở lại Đông Thành đến khi bà nội mất. Lo việc tang xong, bèn quyết chí về nam tìm Chu Du, bèn sai gia nhân đưa mẹ gửi gắm cho Du. Du chăm sóc và phụng dưỡng mẹ Túc như mẹ mình. Sau đó, Túc gói ghém đồ đạc cùng hơn ba trăm gia nhân, xếp thành đội ngũ, xe ngựa tiến về phương nam, bỏ lại toàn bộ gia sản. Quan châu nghe chuyện, sợ bị Viên Thuật trách tội bèn cử một đội khinh kỵ đổi theo bắt Túc. Quân khinh kỵ đuổi kịp, Túc dàn trận, sắp xe ở phía trước, người cưỡi ngựa ở hai bên, mọi người nấp sau trận, cung tên giáo mác sẵn sàng và bảo chúng "Nay nước nhà loạn lạc. Người có công cũng không được thưởng. Các ngươi còn muốn chèn ép người vô tội ư. Hãy xem liệu có bắt được ta không." Bèn sai người dựng khiên cách xa hơn trăm bộ, dương cung bắn liền mười phát không sai phát nào, đều xuyên qua khiên. Quân kỵ thấy Túc nói đúng, lại liệu chừng không đánh được Túc bèn tan chạy.
4. Túc về Sài Tang phụng dưỡng mẹ, kết giao hào kiệt, nhìn khắp việc thiên hạ, nhưng việc Tôn Sách không hề hỏi tới. Du biết ý, chiều theo ý Túc. Sách bị ám sát chết, em là Quyền lên thay làm chúa Giang Đông. Du vẫn trấn giữ Sài Tang. Túc bèn nói với Du: Tôi nghe, Quyền là người hào sảng, đang tìm người tài trong thiên hạ. Tôi muốn huynh giới thiệu để ra mắt. Du bèn viết một phong thư giới thiệu Túc với Quyền.
4. Quyền vốn trọng Du như anh, bèn tiếp đãi trọng hậu, thấy hợp ý, bèn mở tiệc ăn mừng. Khi tiệc rượu tan, khách đã về hết, Quyền giữ Túc ngủ lại trong phủ để cùng nói chuyện. Quyền nói "Nay nước nhà đang cơn nghiêng ngửa, ta muốn nối nghiệp cha anh làm việc lớn, khuông phò Hán thất, theo gương Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công khi xưa. Xin túc hạ chỉ giáo." Túc nói "Tôi thấy nhà Hán không thể dựng lại. Anh hùng thiên hạ sẽ chỉ còn Tào Tháo. Tháo như Hạng Vũ ngày xưa vậy. Khi xưa Cao Tổ chần chừ, muốn tôn phù Nghĩa Đế, không sớm lập chí đế vương, cho anh hùng thiên hạ đi theo, để Hạng Vũ làm loạn. Nay tướng quân phải có chí Đế Vương, không khuất phục Tào Tháo, mới có thể làm việc lớn." Quyền lấy làm đẹp ý, nhưng không dám nhận bèn nói "Ta chỉ lo nghiệp bá, rồi đợi thời."
Sau đó, Quyền đem mưu của Túc bàn với Trương Chiêu. Chiêu cho là Túc tuổi trẻ ngông cuồng.
5. Lưu Biểu chết, hai con tranh giành. Hào kiệt Kinh Châu người theo Tông, người theo Kỳ, nhiều người lại muốn Lưu Bị, bấy giờ đang nương nhờ Lưu Biểu ở Tân Dã, là người kiêu hùng lên thay. Túc bèn nói với Quyền "Biểu chết là thời cơ mưu tính Kinh Châu. Kinh Châu đất rộng, thế hiểm, lắm nhân tài, giàu có, là nơi dựng được nghiệp đế vương. Xin ngài cho tôi qua điếu tang Biểu, nhân dịp tìm hiểu tình hình. Nếu nhân tâm theo Bị, chúng ta sẽ giúp Bị nắm lấy Kinh Châu, liên kết chống Tào. Nếu không, chúng ta cũng giúp Bị, chia rẽ làm suy yếu Kinh Châu, rồi thừa cơ chiếm lấy, dùng quân ấy chống Tào." Quyền nghe theo bèn cử Túc đi Kinh Châu. Túc vừa đến nơi, Tào Tháo đã mang quân đánh Kinh Châu, bắt Lưu Tông, Lưu Bị và Lưu Kỳ thua trận chạy về Giang Lăng, mưu chống đỡ lâu dài. Túc bèn đuổi theo và gặp Bị tại Đương Dương, Trường Bản. Túc thuyết phục Bị liên kết với Ngô kiên quyết chống Tào. Bấy giờ Gia Cát Lượng là em Gia Cát Cẩn đang giúp việc cho Bị, Túc bèn nói "Ta là bạn thân với Tử Du." Lượng bèn kính trọng Túc như anh, khuyên Bị liên kết với Ngô. Bị bèn viết thư cho Quyền xin liên kết và cam kết chống Tào.
6. Túc về gặp Quyền, nói tình thế rất gấp, quân Tào sẽ đến nay mai, xin liên kết với Lưu Bị để chống Tào và chuyển thư cam kết liên minh của Bị. Quyền bèn cho hội họp đông đủ các quan văn và võ tướng để bàn mưu. Hầu như tất cả mọi người đều bàn việc đón Tào Tháo, chỉ có một số tướng trẻ bất bình nhưng không dám nói ra. Túc im lặng không nói một câu nào. Sau hội nghị, Quyền cho gọi Túc hỏi ý " Nay các mưu sĩ và các tướng đều nói hàng Tào, người nghĩ sao?" Túc khích Quyền "Ngài có thể đem gia quyến về phương bắc, sống ở Hứa Đô, ngày chầu chực ở phủ Thừa tướng, không nhòm ngó tới mộ phần của tổ tiên nữa chăng?" Quyền nổi giận mà rằng "Ta sao có thể sống như thế, nhưng đang suy tính lời của mưu sĩ và các tướng". Túc nói "Mọi người nói như vậy đều là tính cho mình. Túc và chư tướng đều có thể theo Tào, chức vụ, nhà cửa, bổng lộc đều không mất gì. Riêng minh công theo Tào, chắc không còn được ở Giang Đông." Quyền chợt tỉnh ngộ, bèn nắm chặt tay Túc "Nhưng Tào Tháo thế lớn, ta phải làm thế nào?" Túc nói "Tôi xem quân Tào như một cây cung, căng hết cỡ rồi cũng có lúc chùng, quân tướng đánh đâu thắng đó, đều kiêu ngạo. Nay ngai gọi Chu Du về cho toàn quyền thống lĩnh các tướng, ai không nghe chém đầu. Lại có tôi phụ tá, chỉ cần 3 vạn quân, xuất kỳ bất ý, giáp công thủy bộ, đánh một trận phủ đầu, lại liên kết cùng với Lưu Bị, đánh liên hoàn không cho quân Tào tập hợp lại được đội ngũ, quân Tào sẽ mất nhuệ khí tan như ngói lở." Quyền nói "Ngươi thật là Trương Tử Phòng của ta." Bèn sai Túc cầm thư ra Sài Tang gọi Chu Du về cùng mưu việc lớn.
7. Túc đem thư của Quyền ra Sài Tang, gặp Du. Hai người trù tính kỹ càng mưu đánh Tào, cách thuyết phục Quyền và đối phó nội bộ, rồi về yết kiến Quyền. Chu Du gặp Quyền nói rõ quyết tâm đánh Tào. Quyền mừng rỡ nói "Nay chỉ có hai người cùng với ta quyết đánh Tào. Mọi người nhút nhát vô mưu làm ta thất vọng quá." Quyền bèn cho đại hội chư tướng, phong Chu Du làm Đại Đô Đốc, toàn quyền điều động, nói rõ quyết tâm chống Tào, lại giao cho kiếm lệnh, ai dám nói đến việc hàng Tào sẽ dùng kiếm đó chém đầu. Quyền, Túc và Du lại cùng bàn định kế sách. Theo đó, Du và Túc sẽ đem 5 vạn quân lập trận đón quân Tào ở Xích Bích, quyết đánh một đòn phủ đầu. Quyền sẽ đem 3 vạn quân chặn đường lui về phía Đông của quân Tào, không cho hợp quân với Hợp Phì. Riêng phía Tây, quân của Du ở Sài Tang phải rút về Xích Bích nên không đủ sức công kích quân Tào sau trận Xích Bích. Ước tính sau trận Xích Bích, tuy quân Tào sẽ bị tản mát, nhưng vẫn còn 7-8 phần, nếu tập hợp lại được, thế trận vẫn sẽ cân bằng. Túc nói "Tôi xin sang kết ước với Lưu Bị. Quân Bị hiện nay không còn lối chạy, chỉ còn cách tử thủ Giang Hạ, nên sẽ phải liều chết mà đánh, sĩ khí sẽ rất mạnh. Chỉ cần ta thắng một trận nhỏ ở Xích Bích, quân Tháo rối loạn đội ngũ thoái lui, sau lưng có quân ta công kích, quân Lưu Bị sẽ phục binh chỗ hiểm đánh liên hoàn, sẽ toàn thắng."
8. Quyền bèn cử Túc đem kế hoạch liên minh chống Tào sang Giang Hạ. Túc lại bày thế trận liên hoàn cho các cánh quân của Lưu Bị do các tướng Lưu Kỳ, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Ngụy Diên, My Phương, Lưu Phong,...chỉ huy bày trận đón quân Tào từ phía Xích Bích chạy về. Sắp đặt xong xuôi, Túc đưa Lượng về Ngô làm tin.
9. Trận Xích Bích xảy ra đúng như sắp đặt, liên quân Tôn-Lưu thắng lớn, quân Tào đại bại, chỉ còn giữ được Tương Dương, Phàn Thành, nhờ mưu của Mãn Sủng. Quân Ngô mở tiệc ăn mừng. Khi Lỗ Túc tới, Quyền sai các tướng và các mưu sĩ sắp hàng hai bên đón Túc. Quyền cưỡi ngựa đích thân ra đón. Hai đầu ngựa cách nhau hơn trăm bước, Quyền xuống ngựa đi bộ cầm tay Túc dẫn vào tiệc rượu cho ngồi ghế trên bên cạnh mình. Các lão thần như Trương Chiêu, Trương Hoành, Trình Phổ, Hàn Đương, Hoàng Cái đều dẫn các quan văn và tướng võ tới chúc rượu. Giữa tiệc rượu Quyền hỏi Túc "Ngươi lập được công đầu, được ta tôn vinh trọng vọng, ngươi đã thấy vinh hiển thỏa lòng chưa." Túc nói "Bẩm, chưa thấy thỏa lòng, chưa thấy đủ vinh hiển." Các quan và các tướng đều tái mặt, cho là Túc kiêu căng xấc xược. Quyền cười và hỏi "Nếu vậy phải thế nào ngươi mới thấy vinh hiển và thỏa lòng." Túc thưa "Nếu chúa công đem quân Bắc tiến, diệt Tào, lên ngôi cửu ngũ, bấy giờ Túc mới thấy vinh hiển và thỏa lòng." Quyền cười lớn, sảng khoái rót rượu cho Túc. Túc bèn khuyên Quyền cho Bị mượn Kinh Châu, để làm lá chắn cho Ngô chống Tào. Du đem quân đánh Tương Phàn nhiều lần với Tào Nhân nhưng không hạ được thành.
10. Túc biết Bàng Thống là người có tài bèn đưa vào tiến cử với Tôn Quyền. Thống cậy tài ngông nghênh, ăn nói không giữ gìn phép tắc, không kiêng nể ai. Quyền không thích Thống lại cho rằng bên Ngô đã có Túc không cần đến Thống. Túc lo Thống sẽ về Bắc theo Tào, bèn tiến cử Thống với Bị. Sau này Thống bày mưu cho Bị lấy Ích Châu, cũng có công của Túc. Túc đối với Bị luôn chân tình như đã cam kết.
11. Chẳng bao lâu Du mất, Lỗ Túc là Đại Đô Đốc, thống lĩnh quân Giang Đông. Phía Bắc chống Tào tại Hợp Phì và Tương Phàn. Phía Nam thu phục các quận nam Kinh Châu, Giao Châu, dẹp yên các thế lực ở Giang Nam. Bấy giờ ở Giang Nam có câu "Đánh thủy có Công Cẩn, đánh bộ nhờ Tử Kính" chính để nói tới tài cầm quân chinh phạt của Du và Túc. Phía Tây, Quan Vũ giữ thành Kinh Châu, Công An và Giang Lăng, nhiều lần gây hấn phá hiệp ước liên minh. Túc nhiều lần hội họp trách mắng, Vũ đuối lý không nói được câu nào. Quan Vũ rất kiêu ngạo, xúc phạm sứ Ngô, cả bọn Lã Phạm cũng không nể mặt, làm nhục. Riêng đối với Túc, do tính tình trung hậu, Vũ luôn kính trọng. Quyền nóng lòng thu phục Kinh Châu, thường giục Túc. Túc cho rằng giữ quan hệ liên minh với Lưu Bị quan trọng hơn về đại thể, nên chỉ thường trách Quan Vũ, không muốn đem vũ lực đánh Kinh Châu. Đến khi Túc qua đời, Lã Mông mới dùng mẹo đánh úp lấy Kinh Châu.
12. Tôn Quyền sau này có luận về công thần dựng nên nước Ngô với Lục Tốn xếp theo thứ tự Du, Túc và Mông cho rằng: Công Cẩn hùng tráng, võ công oanh liệt, mưu trí có thừa, đáng xếp thứ nhất. Tử Kính nhìn xa trông rộng, bày binh bố trận, sắp đặt chu đáo, nhưng có điều kém là cho Lưu Bị mượn Kinh Châu, không có kế sách lấy lại. Tuy vậy, điều kém không thể làm mờ điều hay, xếp thứ hai. Tử Minh vốn thất học, được ta khuyên đọc sách, trở thành trí tướng, phá Kinh Châu, bắt Quan Vũ, xếp thứ ba.
13. Lệnh Lỗi Dương nói: Cầm quân đánh giặc như Du chỉ là nanh vuốt của vua, được vua nâng đỡ nghĩ mưu sâu báo đáp như Mông chỉ là trò của vua. Bày mưu dựng nghiệp đến vương, thực đánh bậc đế sư, đó là Túc vậy. Quyền hẳn cũng nghĩ thế nên mới xếp công tích của Túc có thể xóa đi việc "cho mượn Kinh Châu" và xếp hạng hai. Tuy vậy, chắc chắn Quyền đánh giá Túc là công thần dựng nước số 1. Chỉ vì Chu Du được coi như anh. Vả lại muốn động viên bọn Lã Mông, Lục Tốn ra sức đánh dẹp. Công lao sao bằng tính toán xa có tầm chiến lược như Lỗ Túc. Giả sử Túc không bày mưu cho Quyền để Lưu Bị mượn Kinh Châu, làm bàn đạp lấy Ích Châu chia ba thiên hạ. Khi đó, Quyền có thể được 7 quận Kinh Châu, Tháo giữ 2 quận, chiếm Hán Trung và Ích Châu, thiên hạ chia đôi, Ngô liệu có thể giữ được cho đến Quyền lên ngôi Hoàng Đế chăng? Biết đâu việc mượn Kinh Châu lại là mưu lớn trong ván bài đế vương của Túc.
14. Có người nói: Lỗ Túc là người trung hậu bậc nhất thời Tam Quốc. Nhiều người cho rằng người trung hậu ít mưu kế. Tôi cho rằng: chính người trung hậu mới có thể có mưu cao kế lớn. Quyền thành nghiệp Đế, ấy là do Túc bày mưu. Nghe Du thắng trận Xích Bích, nghe Mông lấy Kinh Châu, sao so được với nghe Túc.
15. Trong ba người thấy đại cục bày mưu chia ba thiên hạ cho ba nhà là Tuân Úc, Lỗ Túc và Gia Cát Lượng, Túc là người thấy đại thể sớm và rõ ràng nhất. Túc giống Úc ở tính trung hậu, mưu kế sâu xa, lòng ngay thẳng đại lượng. Tuy vậy Úc không thấy được nhà Hán không thể khôi phục, bị Tháo ép chết, đó là không sáng suốt. Úc cũng ít khi tổng đốc binh mã đánh trận. Lượng bày mưu chia ba thiên hạ sau Úc và Túc cho Lưu Bị, là người giỏi cai trị, nhưng không thạo việc binh. Cuối cùng thành đạt nhất làm tới Thừa Tướng. Nhưng về tài không thể bằng Túc.
16. Lỗ Túc mất sớm mới có 42 tuổi, đang là Đại Đô Đốc. Quan Vũ năm mất 50 tuổi. Như thế Túc nhỏ tuổi hơn Vũ, nhưng vẫn làm Vũ kính trọng vì lòng trung hậu, đủ biết tài thu phục người của Túc. Nếu Túc còn sống đến lúc Quyền lên ngôi, chắc có thể làm Thừa tướng bên Ngô.
Thời Tam Quốc, mọi người nháo nhác tranh quyền đoạt lợi, chỉ chú trọng tới mưu tranh đoạt, không tính xa. Người trung hậu, tài cao chí lớn, mưu kế sâu xa như Túc thật hiếm thay. Quyền gặp và dùng được Túc, thật đáng mặt đế vương.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment