Câu hỏi?
1. Tôi tự nhận thấy mình là một người trí tuệ bình thường. Nhưng vốn hiểu biết về mọi mặt có thế nói hơn trung bình xã hội. Cũng không có gì là kiêu căng khi nói thế, vì sự thực là thế, không cần phải giả dối làm bộ khiêm tốn vì sợ đàm tiếu. Thiên hạ ghét người cố gắng để hơn trung bình, sợ phục những kẻ gặp may thành hơn trung bình, sao phải xoẳn. Và biết chút đỉnh cũng bình thường thôi, có phải apply giải thưởng, thi nâng bậc để có quyền lợi gì đâu mà phải tỏ vẻ phô trương. Suy nghĩ về một vấn đề 10 năm dĩ nhiên phải hơn người mới đọc 1-2 cuốn sách hay mới động não 10 phút. Có anh bạn tự ái khi tôi nói thế. Nhưng như vậy là không công bằng. Người tìm hiểu 10 năm nói chuyện bình đẳng với người động não 10 phút, chỉ hơn người mới đọc 1-2 cuốn sách một chút và nếu có thành thực nói ra chỗ hơn về hiểu biết của mình, thiết tưởng đã quá khiêm tốn.
2. Tôi cũng không phải là một con mọt sách, sáng đến tối vùi đầu đọc sách. Đã đành là tôi thích đọc, đọc rất nhanh, nhưng rất nhiều sách tôi chỉ lướt qua, không thể nói là đọc, nhưng vẫn nắm được vấn đề, đủ sức liên hệ với rất nhiều vấn đề khác. Tôi rất thích chuyện gẫu với nhiều loại người khác nhau. Hỏi tỉ mẩn, những chuyện họ giỏi hơn tôi. Trong đời thường ít khi tôi nói chuyện về chuyên môn hoặc những thứ tôi biết sâu, mà thích nói những chuyện mà người đối diện biết sâu. Nói chuyện với những người như thế thực sung sướng, vì sau đó ta biết đọc gì và đọc thế nào để nắm vững kiến thức, không phải vất vả vì bị kiến thức rổm làm hại. Đa số những người không phải không biết gì, có kiến thức hẳn hoi, nhưng vẫn suy luận ngô nghê, bởi có một khối lượng kiến thức ngộ nhận quá đồ sộ. Thanh toán ngộ nhận có khi còn quan trọng hơn việc tăng kiến thức, vì mật độ tri thức chuẩn mới có giá trị cho năng lực và nhân cách.
3. Có lẽ nguyên nhân là tôi hay đặt câu hỏi. Tại mọi nơi tôi có mặt, tôi đều khơi mào cho các câu chuyện bằng các câu hỏi. Tất nhiên, có nhiều người bực mình, vì một số câu hỏi thách thức hiểu biết, thói quen và niềm tin. Nhưng nói chung là sôi nổi và vui vẻ. Có trường hợp có cô rất thích nói chuyện với tôi và nói tôi nói chuyện rất hiểu biết, thực tế tôi không nói gì, chỉ hỏi thôi, người cung cấp thông tin là cô ta. Điều tôi hiểu biết duy nhất chính là việc đặt câu hỏi. Trong giao tiếp, người nói chuyện lý thú nhất không phải là người nói những thông tin lý thú mà là đặt những câu hỏi trúng đích và gợi mở. Cơ quan tôi có một anh chàng, chuyên nói những vấn đề rất có nghĩa lý, hơn bách khoa toàn thư, kiểu trên thông thiên văn dưới tường địa lý, nhưng nghe như tự kỷ hoặc hâm, có lẽ vì không bắt đầu bằng các câu hỏi mà mọi người quan tâm. Hỏi cũng là động lực để đọc hiệu quả hơn.
4. Cách đây chừng 4-5 năm, nhân xem một phim viễn tưởng về dạy tiếng nói cho UFO, tôi đặt câu hỏi "Làm thế nào để dạy câu hỏi "tại sao" hay "làm thế nào"?" Các câu hỏi "Là ai? Là cái gì? Khi nào?" đều rất đơn giản. Lặp đi lặp lại các mệnh đề là UFO hay trẻ em đều học được. Tuy nhiên để diễn tả câu hỏi "tại sao" (chưa nói "làm thế nào") để người ta có thể trả lời (chưa nói trả lời đúng) khá khó khăn. Theo dõi một đứa bé để ghi nhận xem câu hỏi "tại sao" đến lần đầu khi nào, trong hoàn cảnh nào là một chuyện rất thú vị và bổ ích. Nhưng sau tôi tình cờ phát hiện ra, có thể dạy trẻ (hoặc UFO) câu hỏi "tại sao". Thực ra rất đơn giản, nhưng tôi phát hiện ra được là phải nhờ vào quan sát, chứ không thể tự suy luận. Mấu chốt ở chỗ mỗi câu hỏi "tại sao" đều gắn liền với hai mệnh đề. Chẳng hạn "Trời mưa" và "Các anh đá bóng" nếu lặp đi lặp lại trong những hoàn cảnh "mưa" và "không mưa" vài lần có thể đặt câu hỏi "Tại sao các anh không đá bóng" và dạy câu trả lời "Các anh không đá bóng vì trời mưa". Học thuộc 2-3 câu hỏi "tại sao" và câu trả lời có liên từ VÌ, trẻ sẽ bắt đầu đặt các câu hỏi tại sao mới và trả lời tương đối chuẩn. Cũng có nhiều khi, trẻ lắp hai mệnh đề không ăn nhập vào nhau chẳng hạn "Mệt vì không có đồ chơi" hay "Tại sao thế nào thầy cũng không vừa lòng." Câu trả lời là "Thế bánh tao đâu". Vô lý nhưng rất hay xảy ra. Và suy cho cùng vẫn là có lý.
5. Tôi rất thú vị với phát hiện này bởi trước kia tôi bắt buộc phải nghĩ là câu hỏi "tại sao" là built in hoặc a priori (tiên nghiệm), chẳng qua bị Tạo hóa khóa lại, đến lúc nào đó "đủ tuổi" nó sẽ tự động bật ra và vì thế không thể hoặc không cần dạy. Thực sự nó có thể dạy và con người đã được dạy một cách vô thức trong cuộc sống. Người thông minh là người may mắn biết đặt nhiều câu hỏi "tại sao" hơn người khác. Nếu như vậy, chúng ta có thể dạy để trẻ thông minh không cần đợi may mắn ngẫu nhiên.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment