Phan Anh Sơn: Bài viết rất hay của Trần Mạnh Hảo về Lưu Quang Vũ và những nàng thơ trong cuộc đời ông.
LƯU QUANG VŨ : TỪ THI CA ĐẾN TƯỢNG ĐÀI SÂN KHẤU
Trần Mạnh Hảo
Chân dung Lưu Quang Vũ do NguyễnThị Hiền vẽ 1973Năm 1974, sau khi bản thảo tập thơ “Trường Sơn của bé” của Trần Mạnh Hảo gửi từ Miền Nam do nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cầm ra Hà Nội từ Lộc Ninh, trao cho nhà thơ Trinh Đường, được in tại Hà Nội, Lưu Quang Vũ lúc đó đang làm hợp đồng biên tập với nhà xuất bản “Văn Nghệ giải phóng” do ông Hà Mậu Nhai làm giám đốc, đã có bài khen tập thơ viết cho thiếu nhi của chúng tôi khá nồng nhiệt, in trên trang văn nghệ báo “Thiếu niên tiền phong”. Ngay sau đó, vợ nhà thơ Lưu Quang Vũ là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng viết thêm một bài khen ngợi tập thơ “Trường Sơn của bé” của Trần Mạnh Hảo rất hay, in trên báo “Văn Nghệ”. Ngày đó, tôi còn đang ở trong rừng Lộc Ninh, làm thơ, viết báo tại “Tạp chí Văn Nghệ Quân giải phóng”, chưa lần nào gặp mặt đôi vợ chồng thi nhân quá nổi tiếng Quỳnh -Vũ…
Sau này, ra Hà Nội, gặp Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, anh chị có mời tôi và Bằng Việt đến nhà dùng cơm. Khi ấy, Xuân Quỳnh biên tập trang thơ báo “Văn Nghệ”. Lần thứ hai ra Hà Nội, Xuân Quỳnh lại mời tôi và Nguyễn Lâm ( tức Lâm Man, hay Lâm Râu” ( cùng với Đào Trọng Khánh ở Hải Phòng, Lâm Râu là hai người bạn văn nghệ thân nhất của Lưu Quang Vũ) đến nhà cụng ly thơ phú với chồng bà vốn cũng là bạn tôi.
Căn phòng rộng 6,5 mét vuông của chị Quỳnh và anh Vũ tại tầng 3 ngôi nhà 96 Phố Huế rất chật gồm : 2 vợ chồng, con riêng của Lưu Quang Vũ với nghệ sĩ Tố Uyên ( Con chim vành khuyên) là cháu Lưu Minh Vũ : con chung của Vũ với chị Quỳnh là cháu trai tên Mí, tức Lưu Quỳnh Thơ, mất cùng cha mẹ năm cháu 13 tuổi, cháu đã được giải thưởng quốc tế về hội họa; phòng không có toilet và không có nước; Xuân Quỳnh phải xách từng xô nước từ vòi nước công cộng xếp hàng rất lâu mới hứng được, ì ạch mang xô nước dưới tầng trệt lên lầu 3 cho cả nhà nấu nướng sinh hoạt…
Với không gian sống vô cùng chật chội, thiếu tiện nghi như thế, không điện thoại, không xe máy, Lưu Quang Vũ, từ năm 1979 đến năm ông thọ nạn qua đời 1988, nhờ có hoàn cảnh đổi mới của đất nước, nhờ Xuân Quỳnh hết lòng cung phụng, chiều Vũ như chiều vong, cộng với thiên tài viết kịch vốn di truyền từ cha là nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ đã làm được công việc khổng lồ : viết hơn 50 vở kịch, đạt tới kiệt tác như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, hoặc tuyệt hay như “Tôi và chúng ta”, “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”, “Khoảng cách và vô tận”, “Ông không phải là bố tôi”, “Tin ở hoa hồng”, “Nàng Sita”…và hàng mấy chục vở kịch tài năng khác…Có thể nói, và có thể sánh sức làm việc phi thường của Lưu Quang Vũ khi viết ra hơn 50 vở kịch trong 9 năm như sức làm việc phi thường của đại văn hào Pháp nửa đầu thế kỷ XIX : Honoré de Balzac khi viết “Tấn trò đời”. Vâng, Lưu Quang Vũ cũng đã viết ra “Tấn trò đời” của đời mình bằng kịch nói; hầu như ông đã đưa được cả thời đại của mình lên sân khấu với đầy đủ hỉ nộ ái ố, mà trước và sau ông sẽ không còn nhà văn, kịch tác gia nào có thể sánh bằng. Nhạc sĩ Phạm Duy ca ngợi kiệt tác “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Vũ hay ngang Hamlet của William Shakespeare.
Lịch sử sẽ còn phải mãi cám ơn ông bà nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Thuận – Vũ Thị Khánh đã sinh ra nhà thơ, kịch tác gia thiên tài Lưu Quang Vũ vào ngày 17-4-1948 tại chiến khu Việt Bắc.
Lưu Quang Vũ làm thơ từ thời học sinh. Lưu Trọng Văn kém Vũ 4 tuổi, từng quen biết và chơi với Vũ từ bé vì họ ở chung nhà, kể. Rằng anh Vũ bao giờ cũng cầm đầu nhóm trẻ con, thông minh dĩnh ngộ vô cùng, bịa ra tức thời bao nhiêu chuyện cổ tích, chuyện tiếu lâm kể cho các em bé, làm đám thiếu nhi mê anh như điếu đổ.
Cha Lưu Quang Vũ quê Quảng Nam là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng trước năm 1945. Ông Thuận từng có vở kịch nói, vở chèo được diễn nhiều lần tại Hà Nội, đã viết 40 vở kịch, kịch chèo và in mấy tập thơ. Bà Vũ Thị Khánh mẹ Vũ là con nhà trâm anh thế phiệt Hà Nội, từng học trường Đồng Khánh trước 1945, do mê thơ, mê kịch của ông Thuận mà chịu lấy ông. Được cha mẹ giáo dục, dạy dỗ từ trứng nước, nên Vũ đã sớm yêu thơ, yêu kịch, luyện chí quyết theo nghiệp cha từ bé.
Hình như Lưu Quang Vũ đã in thơ trên báo từ năm 1965, năm anh nhập ngũ, ở chung phòng văn nghệ của binh chủng phòng không không quân với Đỗ Chu, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trí Huân.
Giai đoạn 1965- 1970 là thời hoa hồng, cỏ xanh, mây trắng, thời lãng mạn, thời đẹp nhất của cuộc đời và thơ Lưu Quang Vũ. Năm năm này, tâm hồn và thể xác Vũ được trị vì bởi nữ hoàng Tố Uyên.
Tôi đã gọi điện thoại và nói chuyện với nữ diễn viên điện ảnh xinh đẹp Nguyễn Tố Uyên. Bà cho biết, bà cùng tuổi Mậu Tí ( 1948) với Vũ, quen và yêu nhau hồi còn học sinh.
Vũ và Uyên là mối tình đầu của nhau. Họ đã hoán vị trái tim cho nhau như bài thơ 4 câu của Trần Mạnh Hảo : “ Mai rồi em có còn tin / Phút giây ở lại muôn nghìn thì qua / Tim mình trong ngực người ta / Tim người ta đập rung da thịt mình”.
Uyên là nguồn suối thơ làm mát lành tâm hồn Vũ. Tố Uyên đã rất nổi tiếng từ khi chị mới 13 tuổi khi đóng phim “Con chim vành khuyên”. Sau đó chị học trường múa. Có bao chàng con nhà cán bộ lớn giàu có say mê, đeo đuổi chị, nhưng chị đã yêu Vũ và hứa hẹn kết hôn với anh, một người “trên răng dưới thơ”.
Tâm hồn Uyên như con thỏ chỉ thèm thứ cỏ thiên thần là thơ Vũ. Và Vũ, suốt 5 năm đó, chỉ mê uống nước từ suối nguồn của Uyên. Họ nghiện nhau hơn nghiện ma túy.
Sau năm 1975, có lần tâm sự với Vũ, Trần Mạnh Hảo đã nói với bạn rằng; Vũ ơi, giá cậu và Uyên bớt yêu nhau đi, chỉ yêu 50% như các cậu đã yêu, thì cơ chừng vợ chồng cậu sẽ sống đến đầu bạc răng long. Vì giời đã cho Uyên và Vũ kho báu tình yêu đủ xài 100 năm, nhưng các cậu đã xài hoang phí quá, mới 5 năm mà kho báu đã hết sạch sành sanh rồi…Còn gì nữa để yêu hả Vũ ?
Vũ, lúc đó không biết có theo chủ nghĩa ba phải không, nhưng đã cho ý của Hảo là chí lí.
Thời Vũ và Uyên yêu nhau và chưa kết hôn, một sự kiện văn học lớn đã đến với hai người và đến với bạn đọc là việc nhà xuất bản Văn Học phát hành tập thơ “Hương Cây và Bếp Lửa” của Lưu Quang Vũ & Bằng Việt năm 1968.Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết bài khen ngợi thơ Lưu Quang Vũ trên báo "Văn Nghệ".
Tập thơ này đã bán sạch ngay tuần đầu phát hành, NXB phải tái bản mấy lần mới đủ đáp ứng yêu cầu người đọc. Tên tuổi và thơ Lưu Quang Vũ & Bằng Việt nổi không phải như cồn nữa, mà nổi còn hơn giông bão sấm sét. Giới sinh viên, học sinh các thành thị Miền Bắc Việt Nam thi nhau chép, thi nhau thuộc thơ Lưu Quang Vũ. Nữ hoàng trị vì vương quốc thơ Lưu Quang Vũ lúc đó là Tố Uyên. Nàng thơ đã được chàng thi sĩ bộ đội choàng cho chiếc vương miện thơ huy hoàng và vinh dự vô cùng. Thơ “Hương Cây” chính là quà cưới tuyệt vời Vũ dành cho Uyên khi họ cưới nhau năm 1969 :
"Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài/ Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ"
Đó là bài thơ "Hơi ấm bàn tay" được Lưu Quang Vũ viết tặng Tố Uyên năm 1967: "Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/ Điều chưa nói thì bàn tay đã nói/ Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại/ Còn bồi hồi trong những ngón tay ta/ Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa/ Nhập luồng nước, hoà nhau màu sắc/ Trao cảm thương hay bàn tay nắm chặt/ Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình".
Trong bài thơ Gửi Tố Uyên dài 46 câu viết năm 1967, Lưu Quang Vũ đã dùng tất cả những từ ngữ đẹp nhất để ngợi ca người yêu, ngợi ca mối tình của mình:
... Em vụt đến giữa đời anh chói lọi
Em vụt đến như mùa xuân bối rối
... Em là rễ nối liền anh với đất
Lại là chồi nở búp đón sương mai...
Hơi ấm bàn tay :
Khi đàn chim bay tới rợp trời trưa
Cồn mây về mang cơn mưa đầu hạ
Hai vì sao đổi ngôi trong đêm gió...
Đó chính tay mình đang vượt khoảng xa
Tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta.
1967
Bài “Vườn trong phố” :
Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi. ( Vườn trong phố)
Còn cơ man bao câu thơ tình đắm đuối, thiết tha đến choáng váng, ngây dại đến sững sờ Vũ viết cho Uyên…
Nhưng Uyên & Vũ ơi, hai kẻ ăn xài tình ái hoang phí nhất hành tinh ơi, kho báu tình yêu giời ban cho hai kẻ đẹp đôi nhất nước, tưởng giàu có nhất, đủ của để vừa ăn vừa phá 100 năm cũng chưa hết, đã bị cặp đôi bán trời không văn tự phung phí …vô độ đến khuynh gia bại sản; thành ra cả Vũ và Uyên không còn gì ăn trong kho tình ái, Vũ trước và Uyên sau đành phải chống gậy đi ăn mày : ăn mày tình yêu khác để sống và để chết, than ôi !
Khi chia tay Uyên tại tòa li dị, Vũ đọc tặng Uyên câu thơ ứng khẩu thật hay :
"Những gì em cần, anh chẳng có / Em không màng những ngọn gió anh trao".
Một nguyên nhân khách quan làm Uyên và Vũ không giữ được mái ấm gia đình là việc Lưu Quang Vũ đào ngũ ( bỏ ngũ) về sống với vợ con tại Hà Nội, không hộ khẩu, không tem phiếu, không lương lậu, không việc làm, không biết lấy gì nuôi thân và nuôi vợ con. Lúc ấy, năm 1970 đang là giai đoạn tàn khốc nhất của chiến tranh, tội đào ngũ có thể ngang với tội bán nước.
Sở dĩ “nhà nước” không bắt Lưu Quang Vũ năm đó về tội đào ngũ có lẽ vì anh là con cán bộ miền Nam kháng chiến, anh lại là nhà thơ nổi tiếng… ? Chuyện này, tôi rất phục về sự khôn ngoan của nhà nước lờ việc Vũ bỏ ngũ mà không nghiêm trị.
Giai đoạn 1970-1974 là giai đoạn khó khăn nhất, cô đơn nhất, thiếu thốn nhất, khổ ải cả về tinh thần và vật chất nhất của Lưu Quang Vũ.
Đây là giai đoạn nhận thức lại, phản biện của thi ca Lưu Quang Vũ, vĩnh biệt màu hồng Tố Uyên, vĩnh biệt màu xanh “Hương Cây”, vĩnh biệt “Con chim vành khuyên” yêu dấu và mê đắm của đời anh, vĩnh biệt gió mùa thu lãng mạn, của hạnh phúc nàng xòe ô mây trắng che đầu anh đi trong mộng tưởng, đi trong giấc mơ phi tem phiếu, phi dầu mỡ, phi đậu phụ, phi rau muống, phi cơm áo, gạo tiền…
Cứ ngoái lại là anh thấy Tố Uyên tay bế con trai anh là cháu Kít ( Lưu Minh Vũ) khóc ngặt nghẽo vì đói sữa, tay cầm bó rau muống thay hoa hồng đang đuổi bắt anh…Vũ chạy trốn Tố Uyên, chạy trốn quá khứ màu xanh mê đắm, chạy trốn thực tại đang bóp cổ anh bằng cái dạ dày trống rỗng, chạy trốn chính linh hồn anh vẫn treo lơ lửng như đám mây chết đuối trên địa chỉ 96 Phố Huế, nơi cha mẹ anh, các em anh, nơi Uyên và con, nơi Xuân Quỳnh thì tương lai đang trú nhờ số phận…
Vũ gục xuống và khóc. Mưa và lá vàng Hà Nội phủ lên anh, toan đắp cho anh nấm mộ mùa thu có những chùm bom rơi xuống.
Vũ phải chôn linh hồn màu xanh của mình để đón nhận linh hồn màu đen của đêm tối, của cô đơn đang như chồi non nhú qua lồng ngực anh tàn khốc, đớn đau, mam dại…Bàn tay của hư vô đang trang điểm cho anh thành một Lưu Quang Vũ khác, một nhà thơ khác có tên là rách nát…
Vũ ngất đi nằm trên vỉa hè, may mà nhà đòn không thấy để nhặt anh đi chôn.
Một chiếc lá vàng bịt mũi Vũ khiến anh nghẹt thở và mở mắt, lồm ngồm bò dậy; không phải lá vàng, mà bàn tay người bạn thân nhất đời anh là Nguyễn Lâm ( Lâm Râu) nâng Vũ dậy, nhỏ nhẹ : về, về ngay nhà tao…
Vũ đói và khát. Anh mới uống nước từ hôm qua và mới ăn cơm từ hôm kia.
Lâm dìu Vũ về căn phòng của anh ở phố Triệu Việt Vương. Lâm là con nhà tư sản cũ Hà Nội. Căn phòng anh ở có toilet, của hiếm nhất Hà Nội lúc đó, có nước, có dĩa nghe nhạc, có máy ghi âm, có đài Orionton Hung Ga Ri… và quan trọng nhất là có tấm lòng Lâm dành cho Vũ.
Lâm dìu Vũ đi như dìu một thương binh. Vũ vừa bị gần như tử thương trong cuộc chiến đấu thoát khỏi nữ hoàng Tố Uyên, giành giật ngai vàng để cho nỗi cô đơn và khổ đau ngự trị vương quốc thơ đen, thơ ngoài quốc doanh của anh. Từ đó, Vũ không dám ngoái đầu quay lại nữa mỗi khi đi đường. Anh sợ Tố Uyên đuổi theo và bắt được anh mang về làm nô lệ cho sắc đẹp của nàng một lần nữa. Vũ lẩm bẩm : Kít ơi, bố có tội với con, con đừng đuổi bắt bố trong giấc mơ nữa nhé. Bố sẽ sống để hi vọng bù đắp cho con !
Vũ mất ngủ nhiều đêm liền. Như thể anh vừa trải qua trận chết đói tinh thần, chết đói thân xác thuở tháng ba năm 1945 Ất Dậu…Vĩnh biệt cái thời thơ khẩu hiệu của chính anh : “ Ta đi giữ nước yêu thương lắm / Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình” ( Hương cây & Bếp lửa). Anh phản biện lại thơ mình bằng hai câu : “Thành phố thời anh mười bảy tuổi / Viển vông cay đắng vô cùng”. Anh nhìn lại tuổi hai mươi sống trong mộng mị Tố Uyên, sám hối : “ Tuổi hai mươi khốn khổ của anh ơi / Tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài”…
Trong cơn chấn động tinh thần nhận thức lại thực tại, nhận thức lại bản chất cuộc chiến tranh, Chúa ơi, thoát khỏi ách thống trị của nữ hoàng này, Vũ lại rơi vào sự thống trị của một nữ hoàng khác. Cứ tưởng hết cô đơn là không còn cô đơn nữa, cứ tưởng hết khổ đau sẽ không còn là đau khổ nữa. Hóa ra đời Vũ là một vực thẳm đớn đau do các nàng thơ đến gieo thiên đường và gieo địa ngục tạo ra.
Ngẫu nhiên, trong một buổi Vũ đang đọc thơ thì họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái đầu của nhà văn Kim Lân đến. Vũ phải đọc lại bài thơ “Đất nước đàn bầu” cho Hiền nghe. Lạy Chúa tôi, nghe xong bài thơ, Hiền say xẩm mặt mày vì bị sét ái tình đánh tí chết. Và Vũ, quỷ tha ma bắt thơ đi, Vũ cũng bị Hiền phóng tia sét ái tình tí vỡ tim. Địa ngục và thiên đường gặp nhau trong tích tắc : hội họa và thi ca chạm nhau như hai tia chớp giữa trời tạo ra một tiếng sét có tên là im lặng.
Hiền ơi, Hiền đã hóa con ếch hư vô làm Vũ cứ phải đuổi theo để vồ, liên tục vồ trượt; con ếch ấy, người đàn bà mang vực thẳm cướp mất hồn Vũ ấy có tên là chân trời… Vũ càng đuổi theo vồ, đặng bắt được hư vô thì chân trời càng biến mất, càng lùi xa…
Hiền và Vũ là cuộc rượt đuổi của tình yêu, của định mệnh, của con quái vật dễ thương có tên là tình yêu, để nó đói khát thì nó còn sống mãi, cho nó ăn no kiểu Tố Uyên thì nó chết liền.
Lưu Quang Vũ như chiếc máy bay phản lực F15 ái tình, quằn quại tìm ném bom thơ vào cô họa sĩ bé nhỏ xinh đẹp Nguyễn Thị Hiền, khiến Hiền tối tăm mặt mũi toan tìm đường chạy trốn. Nhưng Vũ, trong cơn chết đói tình yêu, đã không để Hiền chạy thoát, quyết bắt sống Hiền cho được. Xin trích ra ít câu trong trận oanh tạc thi ca của Vũ vào Hiền :
“Một tình yêu không biết nói cùng ai/ Đến điên dại, đến nghẹn ngào đau đớn/ Mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng…”.
“Thế giới xanh xao những sự thực gầy gò/ Em đã đập vỡ ra từng mảnh/ Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh/ Em đi tìm thế giới của riêng em”.
“Tôi muốn đi tới đích cùng em/ Tôi phải đi tới đích cùng em/ Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành/ Em nhận lấy em đừng e ngại mãi/ Tôi tan nát, tôi kinh hoàng sợ hãi/ Em cô đơn rồ dại của tôi ơi…” – (Gửi Hiền).
“Có gì đâu mà tiếc mà buồn/ Em biết đấy anh chẳng tin định mệnh/ Nhưng trên đời này chỉ ước mơ là có thật/ Hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi…
“Ngõ Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi/ Đã xa vắng trên mặt đường ướt lạnh/ Tóc em rối và áo em đỏ thắm/ Những bức tranh nổi gió ở trên tường”.
“Chiều Xuân nào tôi đến tìm em/Chẳng gặp em chỉ mầu hoa vàng rực/Bức tranh em mới vẽ/Cô gái mặc áo nắng/Cổ rất gầy và mắt rất to”
“Quán cafe dưới gầm cầu xe lửa/Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ/Ngón tay dài trong bóng tối run run/Lá đầu thu xao xác bên đường”.
Gương mặt em lo lắng và buồn/Tôi mới gặp đã nghẹn ngào thân thuộc/Gương mặt em xa xôi không nhớ được/Nay đã thành trời rộng của đời tôi”
“Mái nhà nâu nhấp nhô/Trong khói mờ ẩn hiện/Cây bàng cao lá tím/Ướt nhòa sương ngã ba/Nhìn nhau không thể xa/Đèn mùa đông vụt tắt/Màu áo em đỏ rực/Cháy sau vòm cửa đêm/Giờ anh như con thuyền/Bốn bề lên sóng vỗ/Xô dạt về tựa ngủ/Trên rộng dài bến em/Em chiếm hết anh rồi/Những cánh đồng trắng xóa/Những ngả đường đói lả/Và giấc mơ sau cùng/
“Có lẽ bởi lòng nhiều tan vỡ quá/Gặp em rồi tôi vẫn chẳng dám tin/Sớm mùa đông tôi ra phố tìm em/Vẫn không hiểu vì sao em đã đến/Tôi mong em từ ngày thơ xa lắc/Tôi tìm em trong bao trang sách đọc/Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường/Tôi gọi em khản giọng những đêm sương/Tôi lầm lạc ngỡ em không có thực/Em thuở ấy nơi nào, em có biết/Sao ngày xưa ta chẳng đến cùng nhau”.(Gửi Hiền mùa đông).
Hiền ơi, Hiền chạy đi, con gà con hội họa đang bị con quạ thi ca đuổi bắt. “Thi trung hữu quỷ”, trong thơ Vũ có ma, có quỷ vây bủa Hiền đủ lối, đủ đường. Hiền chạy vào hội họa. Hiền núp trong tranh sơn dầu. Nhưng Hiền, người con gái yếu đuối xinh đẹp đã bị con ác điểu thi ca bắt sống. Và đến lượt Hiền, chất liệu sơn dầu đã bắt sống Lưu Quang Vũ và giam cầm chàng vĩnh cửu trong toan.
Cứ tưởng nữ hoàng cô đơn Nguyễn Thị Hiền đã chiếm được ngai vàng trong tâm hồn Lưu Quang Vũ…
Ối trời ơi, định mệnh nghiệt ngã đã phái đến một nữ hoàng khác, uy nghi và đầy kinh nghiệm trận mạc là Xuân Quỳnh, bắt đầu nhòm ngó và xâm lăng vương quốc thi họa của Lưu Quang Vũ Nguyễn Thị Hiền.
Hiệp sĩ thi ca Lưu Quang Vũ dùng vũ khí lợi hại nhất của mình là sự yếu đuối ra chống cự nữ hoàng Cleophatra Xuân Quỳnh nhưng đã thất bại. Lưu Quang Vũ đã bỏ chạy và bị nữ hoàng gái một con bắt sống…
Xin nghe nhà báo Thanh Hà kể lại trong cuộc phỏng vấn danh họa Nguyễn Thị Hiền, như sau :
“Vũ và Xuân Quỳnh sống với nhau rồi, không hiểu sao không một ngày nào là Vũ không đứng ở đường Quang Trung, đầu ngõ nhà tôi để chờ tôi đi qua. Hôm nào không thấy ở ngõ thì thể nào quay lại cũng thấy Vũ đạp xe ở phía sau. Nhìn thấy cảnh đó, tôi đau lòng vô cùng. Nhưng hoàn cảnh không cho phép tôi dừng lại, bởi nếu chỉ một phút yếu mềm, sự cương quyết của tôi sẽ trở nên uổng phí. Chúng tôi cứ âm thầm dõi theo nhau, hướng về nhau một cách câm lặng như thế”, nữ họa sĩ xúc động nhớ lại.
Chia tay Lưu Quang Vũ, 4 năm sau nữ họa sĩ mới kết hôn. Ngay cả khi bà lấy chồng, sinh con rồi, Lưu Quang Vũ vẫn giữ thói quen đứng đợi bà ở ngõ Hạ Hồi, Quang Trung. Có hôm Lưu Quang Vũ đèo em gái Lưu Khánh Thơ đằng sau, còn bà thì đèo con gái Hiền Minh. Cả hai không nói câu gì mà chỉ hướng về nhau như một thói quen. Không chỉ đi theo, những vần thơ của ông dành cho bà vẫn không ngừng tuôn chảy: “Sớm mùa đông tôi ra phố tìm em/Vẫn không hiểu vì sao em đã đến/Tôi mong em từ ngày thơ xa lắc/Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường/Tôi gọi em khản giọng những đêm sương/Em thuở ấy nơi nào em có biết/Sao ngày xưa ta chẳng đến tìm nhau”. Những bài thơ có tiêu đề Người đàn bà không có tên 1,2,3... cứ thế ra đời ghi lại những day dứt, nuối tiếc về cuộc tình không trọn vẹn”.( hết trích Thanh Hà)
Chúa ơi, nếu không có vực thẳm hư vô có tên Nguyễn Thị Hiền, thì tâm hồn không đáy của Lưu Quang Vũ làm sao tồn tại ? Không có đỉnh cao Xuân Quỳnh, có lẽ Lưu Quang Vũ cũng mất tiêu, cũng không còn nơi bám víu, sẽ bị tan ra không phải trong tranh mà tan ra trong tâm hồn vô giới hạn của Nguyễn Thị Hiền…
Đừng trách Lưu Quang Vũ hai mang hay bắt cá hai tay. Vũ chơi tỉ mang và bắt cá bằng muôn vạn bàn tay. Vũ là một thiên tài, một kẻ ngoại cỡ. Tâm hồn Vũ nặng lắm, Tố Uyên đã không vác nổi, mờ ảo mù sương như Nguyễn Thị Hiền cũng không sao một mình mang vác nổi tâm hồn không kích thước của Vũ. Xuân Quỳnh cũng không đủ sức mang vác thân xác Vũ, huống nữa là tâm hồn Vũ rộng như vô biên, làm sao một mình Xuân Quỳnh gánh vác nổi.
Uyên ơi, Hiền ơi, Quỳnh ơi…số phận đã bắt các chị vác đỡ cây thập giá Lưu Quang Vũ trên hành trình thương khó của ông…Sẽ không có Vũ, nếu không có Uyên. Sẽ không có Vũ nếu không có Hiền. Sẽ không có Vũ nếu không có Quỳnh. Không có Vũ, nền thơ Việt Nam sẽ có một khoảng trống không gì lấp được là loài thơ đen, thơ phản chiến của Vũ. Nếu không có Vũ, nền sân khấu Việt Nam sẽ chỉ là một khoảng trống vô cùng…
Nhà nghiên cứu phê bình Vương Trí Nhàn rất đúng khi cho rằng, thơ Lưu Quang Vũ hay nhất trong giai đoạn nàng thơ Nguyễn Thị Hiền làm chủ vương quốc thi ca ông.
Nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích: "Thơ Lưu Quang Vũ có sức chứa nội tâm rất lớn. Anh đã giúp chúng ta thấy một phía khác của chiến tranh, cái mà - vì cần cổ động cho chiến tranh - cả nền thơ đã phải nén lại và giấu đi. Chúng ta đã đọc những tổn thất về người, về của. Giờ đây, chúng ta đọc thêm những tổn thất của tâm trạng".
Lưu Quang Vũ viết: "Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương đẹp phủ/ Chỉ còn lại nỗi buồn trơ núi đá/ Điều em tin là nhảm nhí mà thôi" (Gửi một người bạn gái).
Trong Người cùng tôi, người dân nổi bật với hình ảnh: "Đi chân không, người thêu vạn hài cong/ Mặc vải nâu, người dệt muôn sắc lụa/ Không biết chữ, người làm ra tục ngữ/ Những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây". Ở Việt Nam ơi, nhà thơ chạnh lòng cảnh sống lam lũ của người dân: "Những áo quần rách rưới/ Những hàng cây đắm mình vào bóng tối/ Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu/ Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ/ Lèo tèo mì luộc canh rau/ Mấy mươi năm vẫn mái tranh này/ Dòng sông đen nước cạn/ Tiếng loa đầu dốc lạnh/ Tin chiến trận miền xa".
"Gió hú ầm ào qua gạch vỡ/ Người chết vùi thân dưới hố bom/ Kẻ sống bơ vơ không chốn ở/ Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường".
Vương Trí Nhàn : Ở đây chúng ta bắt gặp một Lưu Quang Vũ khác với thông thường mọi người vẫn nghĩ. Vũ của dằn vặt, đau xót, lầm lỡ, cô đơn, mà cũng là Vũ của những tha thiết muốn vượt lên trên mọi mệt mỏi, mọi hoài nghi để sống, để tồn tại. Hai chặng khác nhau nhưng đều là của một con người thống nhất.
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/luu-quang-vu-va-mot-quang-doi-mot-quang-tho.htmlũ
( hết trích)
Từ thế giới thi ca lãng mạn tận cùng Lý Bạch, Lưu Quang Vũ rơi xuống đáy hiện thực Đỗ Phủ. Từ thi pháp hào hoa, trang nhã Apollon, Vũ rơi xuống thi pháp rách nát, tuyệt vọng, cô đơn, đau đớn, giập nát Dionisos.
Một mình Lưu Quang Vũ ở Hà Nội dám dùng thơ chống chiến tranh, dám gọi cuộc chiến mà đảng cho là chính nghĩa là cuộc tao loạn. Chỉ mình bài thơ : “Đêm uống rượu với bác Lâm và bác Khánh…” cũng có thể làm Lưu Quang Vũ bị bắt. May mà bài thơ không lọt vào tay công an văn hóa. Một mình Vũ đi một đường thơ. Sinh thời, Vũ chỉ được in công khai nửa tập thơ với Bằng Việt. Những bài thơ tuy chưa trau chuốt, chưa nồng say lên án thời thế tao loạn, lên án sự độc ác thói đời của Lưu Quang Vũ là những bài thơ lớn nhất của ông góp cho nền thi ca nước Việt. Những bài thơ tình cay đắng viết cho Hiền của ông là những bài thơ hay nhất.
Vũ tuy ở với Quỳnh nhưng hồn ông luôn ở trong, ở bên nàng thơ hội họa ngơ ngác Nguyễn Thị Hiền. Vũ vẫn làm thơ tặng bà vợ và làm thơ tặng tình nhân. Vũ không chỉ là người đa nhân cách, mà tâm hồn ông còn là tháp Baion có muôn nghìn mặt cần muôn nghìn người đẹp đến chia sẻ.
Đây chỉ là mấy đoạn trích thơ Lưu Quang Vũ viết cho Xuân Quỳnh :
"Trái tim anh trong ngực em rồi đó/ Hãy giữ gìn cho anh/ Đêm hãy mơ những giấc mơ lành/ Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh/ Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất/ Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất/ Dành cho em, chưa kịp viết tặng em/ Tấm màn nhung đỏ thắm/ Mới bắt đầu kéo lên/ Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc/ Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát/ Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh/ Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh".
"Như chưa hề khổ nhọc/ Như chưa hề đắng cay/ Anh ở cạnh em đây/ Đừng sợ xa nhau nữa/ Nắng chiều trên ngọn lá/ Gió cồn bụi trắng bay/ Nẻo dài còn đợi đấy/ Ngủ đi, bạn đường ơi!".
Đây là thơ Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ, trích ra mấy câu làm chứng :
"Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em/ Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi".
"Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình"
"Ngủ đi vầng trán yêu thương/ Bức tranh đã ngủ mặt tường lặng im/ Ngủ đi, hòn đá thì mềm/ Bàn chân thì cứng ngọn đèn thì xa/ Thời gian như gió thoảng qua/ Tình yêu là cánh đồng hoa giữa trời/ Tay ta nắm lấy tay người/ Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua".
Tưởng không còn cặp nào yêu nhau mê mệt, yêu nhau sống chết như cặp Quỳnh Vũ trong thơ.
Trong bài : “ Xuân Quỳnh, chuyện đời, chuyện yêu” của người bạn gái thân thiết là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có đoạn viết :
“Dạo đó, Xuân Quỳnh đã có chồng, là anh Tuấn, người kéo violin trong dàn nhạc giao hưởng mà có dạo Quỳnh là diễn viên múa….Nhưng ở với nhau rồi, Quỳnh mới nhận ra mình... không hợp với anh Tuấn. Nàng bị sự lém lỉnh, hài hước và thông mình của một nhà thơ nam trạc tuổi nàng hấp dẫn.
Dạo đó , Quỳnh thân với tôi, hình như Vũ yêu một cô diễn viên đóng vai trong kịch của Vũ. Khi biết điều này, một hôm Vũ đến gặp tôi: “Nhàn hãy nói để Quỳnh yên tâm, dù thế nào, đối với mình, Quỳnh vẫn là số một”.( trích bài của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn “ Xuân Quỳnh – chuyện đời chuyện yêu)
https://zingnews.vn/xuan-quynh-chuyen-doi-chuyen-yeu...
Có thêm một nàng thơ mới sau ba thời đại hoàng kim thống trị tâm hồn Vũ là thời đại Tố Uyên, thời đại Nguyễn Thị Hiền và thời đại Xuân Quỳnh chăng ? Thưa rằng có đấy. Hãy nghe em ruột Lưu Quang vũ là PGS.TS.Lưu Khánh Thơ tâm sự với báo chí như sau :
Xuân Quỳnh trước khi mất viết khi nằm trong bệnh viện tim, trước ngày gia đình bà gặp tử nạn :
“Trái tim em nay mỗi phút mỗi giờ/Chỉ có đập cho mình em đau đớn/Trái tim nay chẳng còn có ích/Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè”
Lưu Khánh Thơ kể :
Chị Quỳnh rất cô đơn. Người bị bệnh tim như thế mà ôm một nỗi đau như thế thì không thể chịu đựng được. Đó là cái chết giải quyết mọi nỗi đau, có lẽ cũng toại nguyện với chị ấy.
Lúc đó anh Vũ yêu một cô diễn viên trẻ vừa có tài vừa có sắc, chị Quỳnh biết chuyện. Khi anh Vũ mất khoảng 1 tuần hay 10 ngày thôi, em tìm gặp cô diễn viên ấy. Không gặp được cô ấy, em có để lại mấy chữ. Sau đó, cô ta đến cơ quan em, em mời ra quán café, em nói là: “Việc anh Vũ với chị Quỳnh mất như thế, Thơ biết là anh Vũ với em có tình cảm gắn bó”.
https://www.nguoiduatin.vn/bi-mat-ve-nguoi-yeu-cuoi-cung...
No comments:
Post a Comment