1. Có một sự thực đáng buồn là văn hóa tranh luận của người Việt rất kém. Đáng buồn không phải là việc hay nội dung tranh luận những vấn đề phần lớn là tào lao, vô bổ. Đáng buồn ở chỗ cách thức diễn ra những cuộc tranh luận, phản ánh dân tộc ta không thể hình thành được một hệ thống giá trị, đồng thời tính duy lý của người Việt hoàn toàn vô vọng.
2. Mọi vấn đề của người Việt đều xuất phát từ việc không có hệ thống giá trị vững chắc. Nếu nói về trách nhiệm trực tiếp, đó chính là nhiệm vụ của khoa học xã hội. Đáng lý, các nhà khoa học xã hội không nên tham vọng viển vông về "lý luận trung ương" để "tư vấn cho lãnh đạo đất nước" "về những vấn đề lớn của đất nước". Chúng ta hay nói về việc người Việt sính ngoại, chuộng hư danh, bằng cấp, nạn mạo nhận, thiếu liêm chính, đánh giá vấn đề gì cũng phải tiêu chuẩn định lượng một cách kệch cỡm... đều là hệ quả của hệ thống giá trị èo uột, nếu quả là có một chút gì. Nếu suy nghĩ một chút, không có hệ thống giá trị, con người sẽ không tự giác, chỉ cần dấu mặt là đái bậy, khạc nhổ lung tung theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Không có hệ thống giá trị, con người sẽ trở nên hung hãn trong tranh luận, vốn là chìa khóa để nhận thức ra chân lý. Hung hãn vô lối suy cho cùng là do thiếu dũng cảm đối diện với khả năng mình có thể sai. Mà rõ ràng cái sai đang nhiều hơn cái đúng, bởi nó đang nhan nhản nằm sát với mỗi người mà ta cứ cố cho rằng đó là việc của hàng xóm.
3. Người Việt có văn hóa đổi lỗi. Nếu trước đây lên tiếng phê phán lãnh đạo các cấp là một hành động dũng cảm. Ngày nay, phê bình, nói đúng ra đổ lỗi lung tung hoàn toàn an toàn, chỉ để ra vẻ ưu thời mẫn thế một cách rẻ tiền. Đổ lỗi cho những người đã chết ngoài nửa thế kỷ, đổ lỗi vì những chuyện vớ vấn dễ làm mà không ai xắn tay lên làm. Những thói thủ cựu bảo thủ thì đổ tội ngay cho ... người Trung Quốc. Việc ôm lấy chữ Lễ của Khổng Mạnh, Tống Nho là do chính chúng ta, người Trung Quốc ngày nay đã từng đoạn tuyệt và xỉ vả từ rất sớm. Văn hóa đổ lỗi cũng là do không có hệ thống giá trị.
4. Nói thì dễ, làm thì khó. Bổ sung hay điều chỉnh các giá trị mới hay tiên tiến là một việc rất bình thường, khi hệ thống giá trị đã tồn tại. Nếu hệ thống giá trị chưa có, bắt thêm bớt, điều chỉnh khác nào bắt anh mù tìm kim hay anh què nhảy tango. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Tôi cho rằng trước tiên người Việt phải duy lý. Và muốn duy lý thì phải học hỏi, rèn luyện qua tranh luận. Tranh luận để mạt sát lẫn nhau, để quyết thắng như chúng ta vẫn thấy, tức là thiếu duy lý.
5. Muốn có tính duy lý, chúng ta phải tăng cường các cuộc tranh luận tuân thủ một số khế ước văn minh và qua việc học các khế ước đó, chúng ta sẽ trở nên bớt hoang dại. Cách đây 20 năm, mới trở về nước, tôi đã sửng sốt với việc đạo văn "hồn nhiên" của cấp dưới. Cấp dưới cũng sửng sốt tại sao tôi lại coi đó là vấn đề nặng nề, khi không có cháy nhà, chết người, hiếp dâm, cướp tiền. Đến nỗi tôi chỉ yêu cầu chỉnh sửa và tha bổng. Đó là một việc ngày nay có thể xã hội đã nhận ra là xấu xa. Tuy nhiên còn nhan nhản những biểu hiện hồn nhiên trong thảo luận như "anh nói đúng", "anh nói sai", "anh nói thế chưa đúng lắm",... chúng ta không để ý đó là một kiểu thiếu tôn trọng người đối diện, thậm chí người nghe, khi chúng ta tự đặt mình vào vị thế độc quyền chân lý, có thể phán xét đúng sai. Nếu vậy thì không cần tranh luận, và tất nhiên tranh luận như thế thì có tác dụng ngang nói chuyện với... đầu gối. Chúng ta hãy xem người nước ngoài tranh luận để tập nói "tôi nghĩ rằng", "theo tôi được biết thì", "tại sao chúng ta không thử nghĩ", "hãy giả thiết",...
6. Đó là chuẩn mực của tranh luận. Có lẽ chính vì thế tranh luận của chúng ta không mang lại lợi ích nào cả. Đáng ra tranh luận là để hai bên cùng học hỏi đi đến chân lý, thì người Việt thường dồn cuộc tranh luận vào ngõ cụt bằng cách dán nhãn cho người tranh luận về đạo đức và năng lực trí tuệ, mà chúng ta hồn nhiên không để ý rằng liệu ta có tư cách đó chưa. Tranh luận trước tiên phải dựa trên giả thiết bình đẳng về chân lý. Nếu chúng ta thấy có chênh lệch và vô bổ phải kiên quyết không tranh luận. Nếu không chúng ta sẽ lại phải hạ yêu cầu tranh luận để trở thành quyết định thắng thua. Thực tế, đó là một thái độ thiếu dũng cảm, lười suy nghĩ.
7. Bệnh nặng có lẽ uống thuốc cũng phải từ từ, bồi bổ trước khi công phạt. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng một bàn tròn tranh luận những vấn đề hiền lành. Chúng ta hãy học cách bảo vệ quan điểm một cách kiên quyết, có luận lý, có tư duy và có văn hóa. Biết đâu điều đó làm số phận của tất cả chúng ta khá hơn mà không cần đổ vấy cho những người đã chết, những khái niệm trừu tượng và ... người Trung Quốc.
8. Tôi không có tham vọng thay đổi thế hệ lớn tuổi đã thành tập tính, cũng không thừa thời gian đánh nhau với cối xay gió vì có nhiều việc phải làm. Có điều rõ ràng chúng ta phải làm một cái gì đó để lớp trẻ biết tranh luận, vì tương lai của chúng không đáng phải bị di sản của chúng ta đè nát.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
Vh tranh luận kiểu VN: Sự đố kỵ từ mối quan hệ đầy chủ quan/cố chấp đã che lấp sự hạn hẹp/nghèo nàn và thiển cận là thực tế thảm hại thường thấy. Sản phẩm hàng loạt theo tiêu chuẩn quốc doanh của những quan điểm hình thành trong 1 xh đầy nghịch lý bởi lý luận nặng tính giáo điều.
ReplyDelete