Hè năm nay tôi có dịp tham dự trại hè của một số anh em trí thức mà tôi tạm gọi là „Phái tả“ ở Đức. Tôi chơi với họ từ hàng chục năm qua và cũng đã có lần tham dự trại hè của họ.
Trong những năm 1960, nhiều gia đình ở miền Nam gửi con em sang phương Tây du học. Trong khi sinh viên miền Bắc đi Đông Âu được các nước bạn lo học bổng 100% thì sinh viên miền Nam chủ yếu du học bằng nguồn tài chính của gia đình. Vì vậy đa số họ thuộc giới trung lưu của Việt Nam Cộng Hòa. Sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam sau 1968 và đặc biệt sự có mặt của phái đoàn ngoại giao miền Bắc ở Paris đã góp phần hình thành một phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ trong khối sinh viên Viêt Nam ở tây Âu. Sau Hiệp định Paris 1973, VNDCCH dần có đại điện ngoại giao ở các nước Tây Âu khác như Thụy Điển, Hà-Lan, Anh, Tây Đức v.v khiến sinh viên miền Nam dễ tiếp xúc hơn với những Việt cộng mặc Com-Lê, đeo Cra-vat. Và họ thấy VC không có gì đáng sợ, cũng dễ thương và đang đại diện cho một một nước Việt nam vốn được cả thế giới cánh tả gửi gắm niềm tin. Họ bị lôi cuốn bởi hình ảnh của sinh viên Đức, Pháp, Hà-Lan, dàn hàng ngang xuống đường hô vang các khẩu hiệu „Army go home“, „Ho, Ho, Ho Chi Minh“.
Cánh tả phương Tây hồi đó, từ Jean Paul Sartre, Heinrich Böll, Bertrand Russell ở châu Âu đến Jean Fonda, Joan Baez, Tom Hayden ở Mỹ đều coi Việt Nam là lương tâm của thời đại. Anh bạn Stephan Köster mà tôi từng kể trong câu chuyện „30.04.1975, nhìn từ một góc khác“ tâm sự rằng: Ở Tây Đức anh sợ mô hình CNXH ở Đông Đức. Anh coi CHDC Đức là tay sai của Liên Xô vì anh xem được TV Đông Đức, vì có họ hàng là nạn nhân của STASI v.v. [1]
Vì vậy khi Mỹ đưa quân vào Việt Nam, cánh tả phương tây coi các chiến sỹ Việt Cộng choàng khăn rằn, đi dép cao su là David đang chống lại Goliath trang bị đến tận răng. Rồi họ nhảy vào giúp Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, với hy vọng một CNXH chân chính sẽ ra đời.
Các bạn sinh viên Việt Nam của tôi cũng vậy. Nhiều người bỏ cả học hành, hoặc tốt nghiệp rồi thì bỏ cả làm ăn, suốt ngày tham gia các hoạt động chống chiến tranh, ủng hộ miền Bắc. Họ bỏ tiền túi ra ủng hộ các hoạt động của cánh tả phương Tây, của các phái đoàn miền Bắc và của Mặt trận DTGPMNVN tại các cuộc mit tinh, các liên hoan phim, hội báo. Nhiều sinh viên ở Paris đã làm việc 24/7 trong suốt 5 năm của cuộc Hòa đàm Việt-Mỹ (sau thành bốn bên).
Có thể nói họ đã hy sinh hơn một chục năm đẹp nhất của tuổi trẻ để ủng hộ „Việt Cộng“. Họ làm những việc đó không vụ lợi, vì lúc đó không ai biết kết cục cuộc chiến ra sao. Họ hành động vì trái tim.
Tất nhiên cũng có nhiều sinh viên trung thành với nhà nước VNCH và họ coi những người ủng hộ „Việt Cộng“ là „Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản“. Thế là từ bạn học họ trở thành kẻ thù của nhau. Tôi không biết họ có đánh nhau hay không? Nhưng mối hận thù thì tôi cảm thấy rõ ràng. Ở Köln và Aachen, tôi quen một số anh em „Hữu“ và nhận ra mối hiềm khích tiềm tàng này cho đến hôm nay. Họ không muốn nhìn mặt nhau.
Duy nhất có lần tôi tổ chức chiếu phim „Hoàng Sa- Nỗi Đau Mất Mát“ của anh André Menras thì cả hai bên đều có người đến dự. Mấy anh em „Chống cộng“ đến để xem phim phần nào thôi, chủ yếu là để mắng André Menras về tội „Phò cộng“ năm nào.
Sau chiếu phim là phần đối thoại với tác giả. Là chủ nhà, tôi vừa lo bảo vệ anh André, khách của tôi , vừa lo đảm bảo đối thoại dân chủ. Tất nhiên có lúc rất căng thẳng. Nhưng rồi mấy anh „Hữu“ cũng hiểu và cuối cùng họ bắt tay anh André.
Nhưng „Hữu“ không bắt tay „Tả“.
Tôi phân họ ra thành Tả & Hữu vì coi cánh tả thiên về công bằng xã hội, hay giúp kẻ yếu bằng các giải pháp mang tính XHCN. Còn cánh hữu thuận theo qui luật đào thải tự nhiên. Nguyên tắc „Mạnh được yếu thua“ gắn liền với cạnh tranh tự do của CNTB khiến họ không bao giờ gần được với các tư tưởng XHCN.
Còn mấy anh „Tả“ đến xem phim cũng để chia sẻ đắng cay với anh André, người có cuộc đời „cách mạng chìm nổi“ giống họ. Anh André vẫn tự hào thuộc loại dân Tà-Ru,tức “Tù ra“, vì anh đã bị chính quyền Sai Gòn bắt giam 3 năm, sau khi treo cờ Mặt trận DTGPMNVN tại Trung tâm Sài Gòn ngày 25.07.1970. Anh vừa tức vừa buồn cười kể với tôi việc bây giờ anh về Việt Nam hay bị theo dõi.
Sau 1975, Việt Nam không có hòa giải như mọi người mong muốn. Học tập, cải tạo, giam giữ đối với viên chức, sỹ quan, trí thức của chế độ cũ, phân biệt đối xử về lý lich đối với con em họ, cải tạo Tư bản, Tư doanh v.v. đã tạo ra làn sóng thuyền nhân tỵ nạn khủng khiếp nhất của thế kỷ 20. Việc này khiến cánh tả phương tây suy sụp, tất nhiên phong trào thanh niên Việt Nam cũng vậy.
Những năm từ 1978-1988 là thời gian khủng hoảng nhất của phong trào. Có anh tâm sự: May mà có những thất vọng đó tôi mới thôi hoạt động, trở lại làm ăn bình thường.
Cái máu „bất đồng chính kiến chuyên nghiệp“ trong nhiều người bỗng trỗi dậy. Vậy là họ viết tâm thư gửi cho chính quyền XHCN ở Việt Nam. Họ lập các „Diễn đàn“ trên mạng để trao đổi với nhau và bàn cách cứu chữa. Vẫn quen lối sống tự do phương tây, họ ngạc nhiên khi thấy Đại Sứ Quán bỗng lạnh nhạt với họ, thậm chí có người còn không được cấp Visa về nước, dù chỉ về giúp quê nhà. Ngạc nhiên hơn nữa là có anh „Hữu“ ngày trước, nay về nước như đi chợ.
Té ra là „tả-hữu“ không quan trọng trong thời buổi kinh tế thị trường. Người ta chỉ ghét thằng nào hay công khai lập diễn đàn, hay gửi tâm thư.
Thế là có những người tuy thất vọng, bức xúc, nhưng không dại gì lên tiếng công khai để không bị mất đường về quê hương.
Tôi từng gặp một anh „Bảo hoàng hơn vua“ trên một chuyến bay về Hà Nội. Anh tìm mọi cách biện bạch cho những gì xảy ra ở Việt Nam. Về nạn tham nhũng, thói lạm quyền, thiếu tự do ngôn luận, anh bảo:“ Ở đâu mà chẳng thế!“ rồi tìm các ví dụ ở Đức, Anh Pháp ra đối chiếu. Khi xuống đến Nội Bài, có xe của nhà nước ra đón anh với rất nhiều kiện hàng toàn sách mà anh bỏ tiền túi ra mua, trả cả tiền vận chuyển đi theo người. Tôi biết anh không cơ hội, anh chỉ cố bám vào niềm tin từ 1968 đến nay. (Tôi tin điều này vì biết anh không muốn làm vương tướng gì ở Việt Nam cả)
Cho dù bị cấm cửa vì lên tiếng, cho dù không lên tiếng nên không bị cấm cửa, cho dù "bảo hoàng hơn vua", họ vẫn gắn bó với nhau bởi cái quá khứ „thiên tả“ kia. Hầu như hè nào họ cũng gặp nhau, cũng ôn lại các trò ấu trĩ khi xưa, nhưng cũng bàn về các dự án giúp trong nước. Khi vai trò chính trị đã hết, họ chỉ còn tập trung vào các đề tài khoa học, giáo dục. Vốn là giới tinh hoa của Sài Gòn, lại tốt nghiệp các trường đại học tên tuổi tây Âu nên họ đều làm việc cho các tập đoàn lớn và có quan hệ rộng với giới công nghệ. Thế là họ nghĩ ra các dự án giúp trong nước qua con đường truyền bá kiến thức. Nào là dịch sách dạy nghề kỹ thuật, nào là quảng bá các tư tưởng, triết học khai sáng. Đã có khá nhiều sách dạy nghề và 19 đầu sách về danh nhân thế giới được dịch và xuất bản tại Việt nam. Họ tiếc vì giấc mơ lập một trung tâm khoa học của Việt Kiều tại khu công nghệ cao TPHCM không thành sự thật.
Tôi biết những điều trên vì từng dự trại hè với họ. Thường thì trại kéo dài 3-4 ngày đêm. Vài anh em phiêu bạt sang Mỹ cũng về dự. Họ thức thâu đêm, đàn hát bên lửa trại. Họ thuộc các bài „Nhạc Đỏ“ miền Bắc hơn cả tôi. Họ ôn lại các kỷ niệm thời sinh viên, trai trẻ. Tôi ngồi nghe mà chẳng hiểu gì, rất vô duyên. Thế là những lần sau tôi không đi nữa.
Nhưng năm nay thì khác.
(Còn tiếp)
Tái bút: Tôi viết về những người bạn tả và hữu với tất cả sự tôn trọng và quý mến. Vậy mong bạn đọc bình luận nghiêm túc.
Nguyễn Xuân Thọ
No comments:
Post a Comment