Chuyện Vượt Biển tháng 5/1986
**Ngày 3** - 3/5/1986
- Khoảng 3 giờ sáng, tôi mệt lã và buồn ngủ ríu mắt. Đã 2 đêm rồi, tôi không được ngủ! Hơi ấm từ khoang máy phả vào mặt tôi, làm mắt tôi cứ muốn nhắm tít. Tôi tự nhéo má mình, nhéo tay mình, nhéo đùi mình cho tỉnh ngủ, nhưng vô ích. Người tôi lã đi, mắt không nhướng nỗi. Tôi ngủ chập chờn theo sự nhồi lắc của ghe, tay tôi vẫn nắm cần lái, ghe vẫn chạy, nhưng chạy không định hướng. Tôi ngủ ngồi ngon lành, tôi mơ thấy mình đang quỳ, và giơ tay gõ vào một cánh cửa mở hé, tai tôi nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền xen lẫn tiếng hát, mới đầu nhỏ rồi to dần: "Chúa cho con trời mới, đất mới, đường đời con đổi mới…"
Bài hát hay quá, tiếng hát văng vẵng nghe quen quá làm tôi mở mắt tìm kiếm. Tiếng hát im bặt, và tôi tỉnh ngủ. Tôi thấy đầu và vai của 2 thiếu nữ đang ngồi cạnh nhau, dựa lưng vào phía trước của khoang máy. Cả hai đang ngồi, hát hay chuyện trò, đợi chào bình minh trên biển! Nhờ tiếng hát chờ bình minh của 2 cô gái, tôi tỉnh ngủ và chỉnh hướng cho ghe chạy tiếp…
Bình minh mênh mông, mát mẻ. Mọi người đang vẫn say sóng, vẫn ngủ li bì. Biển vẫn động, động cấp 3. Sóng bạc đầu, nước biển xanh đen… Ghe chạy, trồi và hụp theo những con sóng, như chiếc lá. Có lúc ghe trèo ngồi trên chóp của ngọn sóng, tôi chỉ thấy trời và mây. Có khi ghe chuồi xuống đáy sóng, tôi chẳng thấy gì ngoài hai vách nước sừng sững bên ghe. Tôi lái ghe và cầu nguyện. Tôi không cầu biển lặng sóng êm. Tôi chỉ cầu xin để chiếc ghe, dù mong manh nhưng vững vàng chịu đựng…
- Khoảng 11 giờ trưa, biển chuyển êm hơn. Linh và Thuật thức dậy đến ngồi trên băng ghế tài công bên tôi. Tôi bảo Linh cầm lái để tôi ngủ. Linh và Thuật cùng đồng ý lái thay tôi. Tôi hướng dẫn hai người lái ghe theo hướng của hải bàn 160 độ. Hải bàn đã được tôi đóng đinh gắn trên mui khoang máy.
Giao cần lái cho Linh, tôi nằm dài trên khoang lái, đầu tôi kê lên trục cốt bánh lái, hai chân tôi thò vào khoang máy, tôi ngủ và ngáy quên trời!
- Khoảng 12 giờ trưa, nắng và nóng của mặt trời hắt vào mặt làm tôi tỉnh giấc. Thuật báo cáo: "Em lái theo hướng của hải bàn 160 độ, nhưng sao ghe cứ chạy lung tung, lúc thì chạy 140, lúc thì chạy 120, lúc thì chạy vòng vòng, v.v… Tôi giải thích: "Muốn chạy đúng hướng thì phải điều khiển bánh lái, cho nó ăn nước, cắn nước. Có nghĩa là cần lái phải được chuyển qua trái 5 – 10 độ, qua phải 5 – 10 độ, lắc ngang qua lại liên tục để bánh lái chẻ nước, giúp ghe chạy đúng hướng". Tôi biểu diễn, Thuật làm theo và học lái nhanh nhẩu…
Tôi, Linh và Thuật thay nhau chạy ghe, đêm trôi qua yên bình.
**Ngày 4** - 4/5/1986
Buổi sáng sương mù, biển êm hơn, cấp 2.
- Tầm 6 giờ sáng, mặt trời chưa mọc, tôi lái, ghe vẫn đi hướng 160 độ. Tôi nhìn thấy một chiếc tàu màu đen chạy ngang qua trước mặt. Tàu chạy khá nhanh, cách ghe khoảng 500m. Tôi mở to mắt trông theo, đọc tên chiếc tàu và nhận dạng lá cờ bay phất phới ở cột chính của tàu. Tôi không còn nhớ tên chiếc tàu, nhưng tôi nhớ mãi lá cờ, đó là cờ Đài Loan. Chiếc tàu đầu tiên tôi gặp trên đường vượt biển!
Tôi la lên: "Chúng ta đã tới hải phận quốc tế rồi!". Tôi giật mình, tôi đã bị khan tiếng từ bao giờ. Chính tai tôi không nghe được tiếng nói của mình. Tôi vói tay đập mạnh lên mui ván của khoang máy. Có ai đó nghe tiếng đập mui khoang của tôi và đứng dậy. Tôi giơ tay chỉ chiếc tàu Đài Loan đang chạy xa trước mũi ghe, tôi nói không ra hơi: "Chúng ta đang ở trên hải phận quốc tế, chúng ta sắp được cứu". Không có ai vỗ tay! Không có ai la hét! Không có ai nhảy múa! Mọi người đang cạn kiệt sức, đang cùng nhau đứng bất lực nhìn chiếc tàu chạy ngang qua. Tôi nhìn thấy nước mắt lưng tròng trong đôi mắt của những người phụ nữ, của vợ tôi. Tôi nhìn thấy môi mĩm, mắt cười của các thanh niên trên ghe. Nước mắt và nụ cười, chúng tôi đang sung sướng: “Ghe chúng ta đã vào và đang chạy trên hải phận quốc tế! ”…
Buổi trưa, mọi người có vẽ hết say sóng, bắt đầu tỉnh táo, cùng ăn uống, chuyện trò làm quen nhau. Tôi hỏi mọi người: "Ai là 2 người ngồi hát trước khoang máy sáng sớm hôm qua?". Liên và Nguyệt giơ tay. Tôi khen 2 cô hát quá hay, đã giúp tôi tỉnh ngủ, cảm ơn nhiều! Tôi còn biết thêm, Liên và Nguyệt là ca viên, cùng hát trong ca đoàn Giáo xứ Hải Sơn, Bà Rịa.
Tôi đề nghị mọi người:
1- múc nước biển tắm rửa,
2- làm vệ sinh bên trong lòng ghe,
3- bơm hút nước làm sạch lườn ghe,
4- coi soát lại thực phẩm dự trữ, dầu và nước,
5- cắt bỏ đống lưới đáy và quăng lưới xuống biển, chỉ giữ lại những sợi giây thừng lớn, nối chúng thành một sợi giây dài khoảng 100m, dùng làm giây buộc neo…
- Khoảng 12 giờ trưa, tôi đổi hướng ghe chạy, hướng 180 độ, hướng đi tới quần đảo Natuna (Indonesia) theo ước tính trên hải đồ. Ghe chạy sóng ngược. Biển êm cấp 2. Sóng chỉ thì thoảng phủ ghe. Máy bơm hoạt động hữu hiệu, thong thả. Mọi người vui vẻ, an tâm.
Ghe chúng tôi đang chạy trên hải phận quốc tế. Có nhiều tàu lớn qua lại, các tàu thương thuyền (như Hồng Kông, Anh, Do Thái, Panama…) đã đổi hướng chạy né khi ngang qua ghe chúng tôi, mặc kệ chúng tôi ra sức chạy đón đầu họ, mặc kệ chúng tôi vẫy tay, vẫy áo, vẫy khăn, kêu gào…
- Buổi chiều, tôi thả phao giây đo thử vận tốc, ghe chạy khoảng 2km/giờ!
Đêm xuống, trời trong, không trăng, nhiều sao. Tôi lái ghe, Linh và Thuật ngồi bên cạnh. Tôi chỉ ngôi sao sáng nhất phía nam trước mặt, tên của sao là Nam Tào, lơ lững gần chân trời phía nam, hướng 180 độ. Sao Nam Tào nằm bên cạnh chòm sao Thánh Giá (4 sao sáng mờ mờ)… Tôi quay lưng, chỉ ngôi sao sáng đang lơ lững chân trời phía bắc, hướng 0 độ, chính bắc, tên của sao là Bắc Đẩu (Polaris), nằm gần chòm sao Con Gấu Lớn (7 sao sáng), còn gọi là chòm Đại Hùng Tinh. Ngư dân đã dùng 2 vì sao Nam Tào và Bắc Đẩu để định hướng, lái ghe tàu trong đêm. Tôi có được những hiểu biết và kinh nghiệm này, nhờ vào những bài học thiên văn hàng hải, của trường Sĩ quan Hải quân… Ban ngày thì dễ hơn, lái ghe tàu theo hướng của hải bàn, và dựa vào mặt trời theo mùa. Tôi quên là mình đang huyênh hoang lên lớp Thuật và Linh!!!...
Ghe vẫn nổ máy, chạy không nghỉ, suốt đêm.
- Nửa đêm, tôi giao cần lái cho Linh và Cường, tôi ngủ. Trong đêm, 2 anh em Linh, Cường lái ghe cố gắng chận đầu mấy tàu lớn, may ra được họ vớt, nhưng vô ích. Đêm qua đi an bình.
**Ngày 5** - 5/5/1986
- Buổi sáng, tôi thức dậy. Linh đang lái ghe, Linh nói cho tôi biết rằng, trong lúc làm vệ sinh ghe và rà soát ghe, đã phát hiện 2 can nước 60 lít và 1 can dầu 60 lít đã bị rò bể trong những ngày qua biển động. Ghe chỉ còn lại một can dầu 60 lít, và rất ít nước uống dính đáy can! Tôi chỉ biết bất lực ậm ừ, và bàn với Linh thay máy ghe F7 cũ bằng máy F7 mới đang mang theo trên ghe, để tiết kiệm dầu.
- Khoảng 10 giờ sáng, tôi để Linh tiếp tục lái ghe và theo lối đi bên hông khoang máy, tôi bước tới khoang mũi, khoang này không có mui. Nhìn thấy mọi người ướt nhem, đang chia nhau lương khô, cùng ăn. Tôi nói cho mọi người biết ghe không còn nước. Để giảm bớt sự khát nước, mỗi người phải tự làm ướt mình bằng nước biển, bằng cách lấy áo quần nhúng nước biển đội lên đầu. Mọi người lắng nghe và làm theo.
Tôi bồng Phúc (7 tuổi), con trai nhỏ nhất của tôi lên tay, tôi theo lối đi bên hông khoang máy bước tới khoang lái.
Tội đặt Phúc ngồi ở góc phải của khoang máy và khoang lái. Linh trao cho tôi gói lương khô chưa khui. Tôi xé gói lương khô và đưa cho Phúc. Bỗng một con sóng ập mạnh mạn phải ghe, ghe lắc ngang và hất tôi xuống biển.
Tôi bơi theo ghe. Linh buông cần lái, bồng Phúc trả về khoang mũi. Linh quay trở lại cầm lái, quay đầu ghe, lái ghe đến gần tôi, với suy nghĩ là tôi sẽ tự bám được thành ghe. Nhưng ghe cách tôi trên cả 2 mét, đám thanh niên đứng đó, chỉ biết đưa với tay trần, trố mắt nhìn tôi bơi. Tôi vừa bơi theo ghe vừa kêu: "Quăng xuống sợi giây cho tôi". Tôi vẫn cố bơi theo ghe. Tôi bắt đầu kiệt sức, tuyệt vọng thì nghe tiếng Dĩnh: "Anh Ba bơi đứng tại chỗ, đừng bơi theo ghe". Tôi chợt tỉnh. Tôi không bơi theo ghe nữa. Tôi bơi đứng và nổi tại chỗ để giữ sức.
Linh quay đầu ghe trở lại, tôi nói với Linh lái ghe nhắm thẳng tôi, chạy ghe trên đầu tôi và chuẫn bị quăng tôi sợi giây. Linh làm đúng ý, và tôi được mọi người kéo lên ghe. Tôi nằm mệt nhừ, ngủ mê man…
Trong lúc tôi ngủ, Linh tắt máy, thả trôi ghe và điều động mấy thanh niên thay máy ghe F7 cũ bằng máy F7 mới.
- Khoảng 2 giờ xế trưa, tôi thức dậy thì việc thay máy đã xong. Cường cho biết, máy ghe chạy tốt nhưng nước biển tràn vào ghe từ trục quạt vịt, may mà có máy bơm thoát nước!
Biển êm, biển cấp 1. Trời nắng và nóng. Nước biển trong, xanh. Thuật cầm lái. Tôi và Linh nằm sấp trên khoang lái, nhoài người và nhìn quạt vịt của ghe. Quạt vịt bằng sắt đồng với 3 cánh quạt. Có một cánh quạt bị bẻ cụp, tôi hỏi Linh và Linh cho biết cánh quạt đã bị người bán ghe cố ý bẻ cong, sau khi cho ghe chạy thử ở bến, vì thấy ghe ra nhiều khói, người bán ghe đã bẻ cong quạt vịt nhằm giảm nhẹ sức máy. Tôi lí luận: "Bẻ cong một cánh quạt vịt, quạt vịt sẽ quay không đều, làm rung trục nối quạt vịt và máy, nước sẽ theo đó tràn vào khoang máy".
Tôi nói với Linh thay cái quạt vịt bị bẻ cụp 1 cánh bằng cái quạt vịt dự phòng, cùng kích thước, làm bằng đồng, đang cất trên ghe. Cả hai chúng tôi lấy kềm búa trong hộp sắt phụ tùng, bơi xuống nước, tháo quạt vịt cũ, ráp quạt vịt mới. Chỉ trong khoảng 30 phút, chúng tôi hoàn tất thay quạt vịt. Chúng tôi quăng bỏ cái quạt vịt cũ xuống với biển. Lên ghe và nổ máy, cho ghe chạy.
Ghe chạy không tới 10 phút, tôi có cảm giác ghe không còn chạy tới, tôi nghe trong tiếng máy nổ của ghe có tiếng hú, tôi bảo Cường tắt máy, thả trôi ghe. Tôi và Linh nằm nhoài nhìn xuống đuôi ghe, cái quạt vịt mới chỉ còn cùi, 3 cánh quạt đã gãy và bay mất. Tôi chỉ cho Linh, cả hai cùng điếng tim, ê chề… Tôi và Linh đã mua ở chợ trời một cái quạt vịt đồng dõm pha đất thó!!!
Tôi kêu Hà buông neo, Cường tắt máy, thả trôi ghe. Từ đó Hà là người chuyên lo buông neo và nhổ neo của ghe.
***- Một điều thú vị không tưởng, cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là phép lạ: Neo ghe chúng tôi đã cắn đáy biển bằng với một sợi giây neo dài chưa tới 100m!!! Có phải đáy biển Thái Bình Dương cạn hơn 100m???... Theo lí thuyết hàng hải “sau khi neo cắn đáy biển, ghe thuyền sẽ đứng giật nước mũi, gió mũi”. Trong suốt chuyến hải hành, ghe chúng tôi đã được thả neo và nhổ neo nhiều lần và đều thành công như vậy, với sợi giây neo dài chưa tới 100m(?)... Tôi tâm sự, kể chuyện giây neo với các đồng nghiệp, các sư phụ hải quân thì ai cũng lắc đầu, than: "Phép lạ! Đó là phép lạ!"
- Khoảng 3 giờ chiều, tôi báo cho mọi người biết về điều tuyệt vọng "quạt vịt bị gãy, ghe bất khiển dụng, ghe đang thả neo trên hải phận quốc tế, chỉ còn cầu mong sự cứu vớt nhân đạo của các tàu bè qua lại". Nhìn ai cũng im lặng, thất thần, tôi đã bật khóc bất lực trước mặt mọi người!
- Buổi chiều, tôi nằm dài chán nãn, kiệt sức nơi khoang lái. Linh ngồi bên cạnh, bàn với tôi vất chiếc máy F7 cũ xuống biển cho nhẹ ghe, tôi gật đầu. Linh liền kêu đám thanh niên bê và xô chiếc máy F7 cũ xuống biển. Linh còn muốn quăng luôn thùng đồ nghề (có kềm, búa, cưa, dũa, kéo, đục…) nhưng tôi đã cản, giữ lại.
- Đêm xuống, tôi ngồi ở khoang lái, dựa lưng khoang máy, nhìn trời quang mây, nghĩ vẫn vơ, tâm trí tôi rũ liệt, buồn và tuyệt vọng! Tôi nhìn thấy vợ tôi và Liên từ khoang mũi đi lần theo hông khoang máy, đến và ngồi trước mặt tôi.
Liên mở lời: "Anh Ba hết khóc rồi hả?"
Tôi gượng cười: "Anh không còn nước mắt!"
Liên mạnh dạn: "Mình cùng đọc kinh, cầu nguyện nha anh Ba".
Tôi lại cố cười, nói nhảm: "Anh đã vẫn thầm cầu nguyện trong lúc anh lái ghe mấy ngày nay rồi".
Vợ tôi nhìn tôi, rồi kéo tay Liên: "Mình đi đọc kinh".
Tiếng đọc kinh, tiếng hát cầu nguyện vang lên trong đêm. Giọng nam, giọng nữ, giọng trẻ con quyện vào tiếng sóng biển, bập bềnh trí óc tôi. Tôi ngủ thiếp đi trong tiếng kinh, tiếng sóng và sự tuyệt vọng. Trên chuyến ghe này, 18 người, tất cả đều là Công giáo.
**Ngày 6** - 6/5/1986
Thêm một ngày ghe thả neo, tắt máy, bất khiển dụng.
Biển êm cấp 1, trời nắng gắt, ghe hết nước, mọi người trông mưa.
Chúng tôi đang thả neo trên hải phận quốc tế, nhiều tàu thương thuyền qua lại. Có thể họ nhìn thấy ghe chúng tôi, nhưng họ phải vờ và quên đi… Thế giới đang quay lưng, mặc kệ với thuyền nhân!…
Mọi người vẫn đọc kinh, hát cầu nguyện dâng Chúa hai buổi, sáng và tối.
**Ngày 7** - 7/5/1986
- Buổi sáng, biển êm cấp 1, trời nắng gắt, nước biển trong veo. Thức dậy tôi thấy Dĩnh và Linh đang cởi trần bơi lội quanh ghe. Dĩnh bơi tới phía đuôi ghe, tay bám thành ghe, chân Dĩnh đạp lên bánh lái, lấy trớn bước lên khoang lái. Dĩnh ôm bàn chân xuýt xoa: "Cái bánh lái bén quá!". Nghe Dĩnh nói vậy, tôi quay nhìn bánh lái của ghe. Cái bánh lái bằng sắt, màu đen, hình chữ nhật đang đứng và ngủ yên trong nước, thách thức vô tư... Tôi nhìn sững bánh lái, bỗng một ý tưởng khốc liệt đánh tan sự tuyệt vọng trong tôi: "Cưa bánh lái, chế làm quạt vịt, quạt vịt 2 cánh!!!"
Tôi nghĩ và làm liền, tôi gọi Linh và Dĩnh bơi xuống nước. Tôi ở phía trên, tháo gỡ cần lái khỏi trục bánh lái. Linh và Dĩnh đỡ bánh lái, lấy ra khỏi ổ lái và đưa lên sàn lái. Chúng tôi cưa bánh lái bằng 2 đường cưa để có một miếng sắt hình chữ nhật 5cm x 30cm. Chúng tôi dùng đục và dũa để khoét lỗ miếng sắt. Vì miếng sắt khá dày (4mm), việc đục lỗ đã phải kiên nhẫn và rất tốn thời giờ.
Sau khi đục xong lỗ quạt vịt 2 cánh, tôi dùng búa và kềm bẻ lật 2 cánh quạt vịt 15 độ để quạt vịt đạp nước.
- Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi lắp ráp quạt vịt 2 cánh. Ráp lại bánh lái về vị trí cũ. Và tôi cho nhổ neo, nổ máy chạy thử. Tiếng máy nổ êm. Ghe di chuyển nhanh, nhưng ghe chạy lùi. Tôi la lớn: "Ghe chạy lùi. Tắt máy!". Cường tắt máy ghe.
Tôi và Linh lại xuống nước, gỡ cái quạt vịt đem lên sàn lái, dùng kềm và búa bẻ lật 2 cánh quạt 15 độ sang phía ngược lại. Chúng tôi lắp ráp quạt vịt 2 cánh trở lại. Ghe nổ máy. Chúng tôi lên đường.
Biển êm cấp 1, nắng và nóng, ghe hết nước uống, chúng tôi trông trời mưa…Ghe chạy hướng nam 180 độ. Tôi nói với Linh: "Ghe sẽ giữ hướng nam mà chạy. Chúng ta thôi và sẽ không đổi hướng để chận đón, trông mong sự cứu vớt nhân đạo từ các tàu lớn qua lại. Vì kinh nghiệm rõ ràng mấy ngày qua, tàu quốc tế đang né tránh ghe thuyền nhân". Linh không nói gì…
Chúng tôi thay phiên nhau lái, ghe chạy suốt đêm.
Mọi người vẫn đọc kinh, hát cầu nguyện…
**Ngày 8** - 8/5/1986
- Buổi sáng trời trong. Biển êm cấp 1, ghe hết nước uống, chúng tôi trông mưa…
- Khoảng 10 giờ trưa, tôi phát hiện một chiếc tàu phía xa trước mặt. Tàu càng lúc càng lớn dần, tàu đang chạy ngược chiều với ghe chúng tôi. Linh đề nghị với tôi, để Linh nhảy xuống biển cầu cứu, may ra! Tôi đồng ý. Linh chuẩn bị 2 can trống. Tôi lái ghe chận đầu chiếc tàu lớn. Khi còn cách chiếc tàu khoảng 200m, Linh ôm can nhảy xuống biển. Chiếc tàu lớn vẫn chạy, tốc độ không giảm. Tôi thấy có 2 người đứng trên boong trái tàu lớn, họ đang vin thành tàu, nhìn chúng tôi khi chiếc tàu chạy qua ngang hông ghe. Vận tốc tàu lớn không đổi, chạy xa dần. Tàu này treo cờ Panama … Tôi quay đầu ghe và đón Linh lên ghe. Chúng tôi chỉ nhìn nhau, tăng máy ghe, tiếp tục hành trình cô đơn tìm tự do.
- Buổi chiều khoảng 3 giờ, Thuật lái ghe. Tôi có cảm tưởng ghe đang chạy chậm lại. Tôi kêu Cường tắt máy, Hà thả neo, nghỉ. Tôi nằm sấp trên khoang lái, nhoài người quan sát quạt vịt. Quạt vịt 2 cánh không còn thẳng, đã bị cụp cánh thành hình chữ V, vì đường nứt ngang nơi lỗ khoét.
Tôi lại cho lấy bánh lái lên, cưa miếng sắt chữ nhật 6cm x 30cm mới, lần này bề rộng lớn hơn. Mọi người túm tụm đục, dũa, khoét lỗ quạt vịt 2 cánh. Nhờ kinh nghiệm của lần trước, tiến độ làm quạt vịt lần 2 này nhanh hơn.
Trong khi làm quạt vịt, tôi thấy ở chân trời phía nam có 2 vệt khói trắng, tôi nói và chỉ cho mọi người cùng nhìn thấy: "Đó là vệt khói của máy bay phản lực nào đó để lại, chắc chắn quần đảo Natuna của Indonesia đang ở phía đó". Tôi nhìn hải bàn và định hướng vệt khói. Hướng 180 độ. Tôi nói với mọi người: "Hi vọng ngày mai mình sẽ thấy đảo".
Tôi nhìn mọi người. Ai cũng mặt mũi lem luốc, ám dày khói ghe. Quần áo mọi người bị hồ cứng bởi muối biển và nắng. Chúng tôi đều hốc hác giống nhau. Mọi người nhìn nhau. Mọi người im lặng. Tôi không nghe thấy ai thở dài!
- Khoảng 7 giờ tối, mặt trời sắp lặn, biển hoàng hôn, tuyệt đẹp! Những điều tôi nói, có vẽ đã trấn an và làm mọi người hi vọng. Chúng tôi cùng đọc kinh, ca hát dâng Chúa.
Tôi nói với mọi người tôi đi ngủ, để ngày mai nhổ neo sớm!
NgHoa Nguyen
No comments:
Post a Comment