Chuyện Vượt Biển tháng 5/1986
**Ngày 9** - 9/5/1986
- Khoảng nửa đêm, tôi đánh thức Cường nổ máy ghe, kêu Hà nhổ neo. Chúng tôi lại khởi hành tìm tự do.
Biển êm cấp 1, ghe hết nước uống, chúng tôi trông mưa nhưng chẳng thấy mưa. Ghe chạy bình thường, chỉ hơi khó lái, vì bánh lái bị cưa mất 1/4.
Cá heo bơi theo ghe. Cá heo lượn lội bên hông ghe. Báo hiệu chúng tôi đang chạy trên vùng biển cạn, có đá san hô ngầm dưới đáy. Do đó chúng tôi phải quan sát, lái cẩn thận hơn. Tôi nhắc chừng Hà, Dĩnh và Thuật thay phiên nhau lên ngồi trên sàn mũi và quan sát kỹ phía trước.
- Chiều 7 giờ sập tối, để an toàn với đá san hô ngầm khó lường, tôi nói Cường tắt máy và Hà thả neo, nghỉ. Chúng tôi vẫn chưa thấy đảo như tôi dự đoán.
Mọi người vẫn đọc kinh, hát cầu nguyện dâng Chúa, sáng và tối.
** Ngày 10** - 10/5/1986
Nửa đêm, tôi đánh thức Cường và Hà dậy, nhổ neo. Chúng tôi cùng nhau bắt đầu một ngày mới lúc nửa đêm. Cường nổ máy, tôi lái ghe, khởi hành.
Biển êm cấp 1, ghe hết nước uống, vẫn không mưa...
Trời mờ sáng, mọi người thức dậy đọc kinh. Tôi giao cần lái cho Thuật và tôi ngủ theo tiếng cầu kinh.
- Khoảng 10 giờ trưa, Thuật lay tôi dậy: "Anh Ba… Anh Ba… Thấy đảo! Thấy đảo!". Tôi vùng chồm dậy, nhìn quanh. Tôi nghe tiếng la "Đảo! Đảo! Đảo!!!" của mọi người. Tôi thấy Linh, Cường, Dĩnh, Nguyệt và Quan đứng cả trên mui khoang máy mà nhìn và la. Tôi cũng vui lây, tôi nhập cuộc la hét. Ghe lắc lư, tròng trành khó lái. Tôi bảo mọi người trên sàn mũi xuống bớt, đứng trong khoang mũi. Ghe hết tròng trành…
Nhìn phía chân trời trước mặt, bên trái ghe, hướng 11 giờ, tôi thấy mờ mờ một đốm đen hình nón, hình ảnh của đảo. Tôi nhìn hải bàn, đảo ở hướng 160 độ. Ghe đang chạy hướng 180 độ. Tôi kêu Thuật chuyển hướng lái 170 độ, sóng và gió sẽ bê dạt ghe hướng 160 độ để tới đảo.
Mọi người lấy lương khô chia nhau ăn, không có nước uống. Mấy đứa trẻ, chỉ mình Quan còn tỉnh táo, cười toe toét. 5 đứa kia vì quá khát nước, kiệt sức nằm yên nhìn mọi người.
Ghe tiếp tục chạy hướng 170 độ, nhắm đảo mà tới. Hình dáng đảo lớn dần, mặt biển xuất hiện những đàn cá heo bơi lượn lờ phía xa. Tôi nhìn thấy tháp hải đăng màu trắng trên đỉnh núi. Tôi nói với mọi người và chỉ một đảo lớn mờ mờ phía sau đảo hải đăng: "Tạ ơn Chúa. Chúng ta đã chạy đúng hướng và đến đúng nơi dự tính. Trước mặt chúng ta là hải đăng của quần đảo Natuna, Indonesia…"
- Khoảng 5 giờ chiều, ghe đang chạy bỗng tắt máy. Tôi hỏi Linh và giục Cường cho máy ghe nỗ trở lại. 10 phút trôi qua, Linh ló đầu ra khỏi khoang máy, buồn thiu nhìn tôi: "Máy cạn, hết trơn dầu… Anh Ba!" Mọi người nhìn nhau và, thất vọng…
Tôi nhìn đảo hải đăng. Đảo đã rất kề cạnh ghe, chỉ cách ghe khoảng 1 cây số. Buồn bã nhìn mặt biển một, phẳng lì, nước trong xanh. Tôi nói với mọi người: "Chúng ta chèo ghe tới đảo". Tôi dùng búa và kềm tháo các mảnh ván chung quanh mui khoang máy, đưa ván cho mọi người cùng nhau chèo. Chúng tôi cố chèo. Chúng tôi mong ghe nhúc nhích trôi tới đảo.
30 phút chèo ghe qua đi. Ghe không nhúc nhích. Mọi người mệt lã, vô vọng. Tôi nói với Cường xuống khoang máy tìm kiếm lại chai xá xị đựng dầu hoả dùng làm đèn trong đêm ghe chạy tới bãi. Cường tìm thấy chai xá xị đèn, dầu hoả vẫn còn đầy chai. Tôi bảo Cường đổ hết dầu hoả vào máy và nổ máy. Cường làm theo lời tôi, không chút lưỡng lự.
Phép lạ! Máy nổ và ghe chạy vô tới đảo, phía bắc của hải đăng. Vừa tấp bờ đảo thì ghe tắt máy, hết dầu! Tôi rảo mắt nhìn, bờ đảo dày đặc đá san hô lớn nhỏ chồng lên nhau, nước biển có màu xanh lá cây dị kỳ…
Tôi hỏi: "Ai muốn lên bờ trước?". Ai cũng giơ tay. Mọi người lần lượt xuống ghe, tìm cách bước lên các mỏm đá san hô, nhưng chân bước không nỗi, vì lâu ngày ở dưới ghe, đôi chân bị cuồng, mất sức. Mọi người nhìn nhau cười la. Tôi khuyên mọi người ngồi yên vài phút, hít thở để lấy hơi đất, rồi mới bước lên đá, và mọi người đã thành công.
Cùng lúc tôi thấy 2 người đang từ hải đăng đi xuống phía chúng tôi. Môt người giơ tay ra dấu cho chúng tôi đưa ghe vòng qua phải, phía đông của hải đăng. Tôi để Linh theo đoàn người đổ bộ và gọi Cường, Hà, Thuật, Dĩnh xuống lại ghe cùng tôi đẩy, kéo ghe. Ghe nổi, nước biển chỉ ngang ngực, chúng tôi dễ dàng đẩy ghe qua phía đông của đảo. Tôi nhìn thấy một cầu tàu bằng bêtông, chúng tôi cùng đẩy ghe và cột dây, cập cầu. Một nhân viên hải đăng đang đứng đó, 5 người chúng tôi cùng anh ta theo bậc thang đá đi lên chỗ tháp hải đăng.
Tới chân hải đăng, tôi thấy mọi người đang bu quanh thùng nước lớn và tranh nhau múc uống. Tôi la to: "Uống từ từ, không uống no quá. Chết người!" Mọi người khựng lại.
- Trời sập tối, khoảng 7 giờ, một nhân viên hải đăng tới và nói chúng tôi sẽ ngủ nghỉ ở chân tháp hải đăng.
Ba mặt chân tháp được che bằng tôn, có một lối trống đi ra phía sau để vệ sinh. Nhìn quanh chân tháp tôi đoán gian phòng này đã từng là nơi ngủ nghỉ của các thuyền nhân đến trước chúng tôi.
Một lúc sau, 2 nhân viên hải đăng mang đến một thùng nước, một thùng cơm gạo sấy và một rổ cá khô, không có chén, chỉ có muổng. Họ giơ tay mời chúng tôi. Chúng tôi ăn, không hề lưỡng lự, không hề nói tiếng cám ơn. Thiệt là bất lịch sự!
Ăn xong, tôi để Linh chuyện trò với người trưởng trạm hải đăng. Vì tôi nghĩ, muốn nói chuyện thương lượng thì phải có chút tiếng Anh và có chút tiền vàng. Linh đang có cả hai!
- Đêm nay mọi người ngủ dưới chân tháp hải đăng đảo Laut, quần đảo Natuna, Indonesia. Ăn uống no nê, chúng tôi chỉ biết ngủ, quên cả đọc kinh...
**Ngày 11** - 11/5/1986
- Tờ mờ sáng, tôi thức dậy, một mình lang thang đi xuống cầu tàu. Chiếc ghe của chúng tôi vẫn còn đó, vẫn đậu phía trái cầu tàu, phía đông hải đăng. Tôi nhìn mui ghe khoang máy, cái hải bàn ai đã gỡ lấy mất! Tôi nhìn đuôi ghe, bánh lái và quạt vịt 2 cánh vẫn còn. Một cảm giác xúc động dâng trào. Tôi thầm cám ơn trời, biển, ghe… cám ơn mọi thứ! Tôi không mảy may tiếc cái hải bàn!…
Đang đứng nhìn trời, nhìn biển, nhìn ghe của mình. Tôi thấy một chiếc ghe gỗ cở trung chạy tới và cập cầu phía bên phải. Trên ghe có những người mang áo quần lính rằn ri. Có 4 người lính trên ghe bước xuống cầu tàu, một người mang vai khẩu súng dài, tôi đoán họ là lính thủy quân lục chiến của đảo sát kế bên.
Họ bước tới gần tôi. Người lính có bộ râu quai nón với khẩu súng dài hỏi tôi: "Anh là trưởng ghe (leader)?", Tôi trả lời: "Vâng!". Người lính chỉ tay về phía hải đăng và lặng lẽ bước đi. Tôi và những người lính kia cùng bước theo.
Tới chân hải đăng, những người lính nhìn và gật đầu lịch sự chào đám thuyền nhân. Người lính mang súng (tôi đoán anh ta là trưởng toán) bỏ đi tới dãy nhà sát cạnh chân hải đăng (đó là nơi làm việc, ăn ở, sinh hoạt và nghỉ ngơi của các nhân viên hải đăng).
- Khoảng 10 giờ sáng, mặt trời ngang trán. Người lính có râu quai nón, súng dài cầm tay, đi trở lại chân tháp hải đăng. Anh giơ tay ngang trán, nhìn mặt trời phía đông, rồi quay lại nói to với đám thuyền nhân: "Chúng tôi đưa các bạn tới đảo tị nạn Kuku…" và anh chỉ tay về phía cầu tàu, nơi ghe chúng tôi đang đậu. Linh thông dịch cho mọi người nghe. Chúng tôi im lặng…
Tôi dẫn đầu đoàn người đi xuống phía cầu tàu, theo sau người lính râu quai nón dẫn đường.
Tới cầu tàu, người lính chỉ ghe chúng tôi và khoát tay ra dấu mọi người bước xuống ghe. Một thoáng nghi ngờ trong đầu, tôi thầm nghĩ: "Họ đưa chúng tôi tới đảo Kuku, sao không chở bằng ghe lớn của đảo, mà lại chở bằng ghe đã hết dầu hết nước của chúng tôi". Không cho tôi suy nghĩ thêm, người lính giơ cao súng và bắn chỉ thiên một loạt đùng…đùng…đùng… Tôi quay nhìn người lính, khuôn mặt râu quai nón của anh trở nên dữ tợn. Anh không hung hổ la hét, nhưng tay phải anh bấm cò, súng nổ chỉ thiên rền rền liên thanh, trấn áp. Mọi người la khóc, hoảng loạn nhảy và bước ào xuống ghe mình.
Khi mọi người đã xuống hết, súng cũng ngưng nổ. Sau phút định thần, tôi nói với Linh: "Họ không đưa mình đi Kuku. Họ đuổi mình ra biển. Mình cứ chạy ra ngoài rồi tính".
Tôi giơ hai tay, nói to với người lính râu quai nón: "Chúng tôi cần dầu (oil). Chúng tôi cần thực phẩm (food)". Người lính quay sang nói gì đó với người lính ngồi trên chiếc ghe đang đậu bên phải cầu.
10 phút sau, họ mang tới một can dầu 30 lít và một thùng gạo sấy.
Chúng tôi châm dầu vào máy, nổ máy, tháo giây và chạy ghe vòng qua phía bắc đảo tháp hải đăng. Chiếc ghe của lính thủy quân lục chiến cũng mở máy, chạy kè theo phía sau ghe chúng tôi, giữ khoảng cách.
Đang chạy, tôi thấy một sợi giây thừng lòng thòng phía đuôi ghe, nhìn xuống, quạt vịt của ghe đang bị giây thừng quấn. Tôi kêu Cường tắt máy, rồi nhảy xuống nước tháo bỏ sợi thừng khỏi quạt vịt. Lên ghe, nổ máy chạy tiếp.
Ghe chạy hướng tây, 270 độ. Hải bàn của ghe đã bị ai đó tháo gỡ, lấy mất đêm qua. Tôi lái ghe dựa theo hướng của mặt trời.
Ghe của thủy quân lục chiến chạy theo chúng tôi khoảng một giờ thì họ đổi hướng bắc, chạy về đảo bên cạnh. Ghe họ khuất dần, nhưng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng đạn lớn nhỏ nổ đì đùng chỉ thiên hăm he.
Chúng tôi vẫn chạy hướng tây, và cho giảm máy ghe, chầm chậm xa khuất đảo hải đăng.
- Khoảng 3 giờ chiều, Linh đến ngồi bên cạnh, hỏi tôi: "Anh Ba đang tính gì?"
Không hỏi, tôi cũng biết Linh đã thương lượng, năn nỉ không thành công với người trưởng trạm hải đăng.
Tôi nói với Linh: "Thủy quân lục chiến có nhiệm vụ bảo vệ đảo. Họ bắt mình rời đảo này thì mình chạy tới đảo khác".
Rồi tôi chỉ cho Linh và mọi người thấy một đảo lớn mờ mờ ở phía nam: "Mình sẽ chạy vào đảo lớn đó. Nhưng ghe mình phải cần thêm dầu. Sáng nay họ không cho chúng ta nước. Chúng ta rất cần nước uống. Do đó, chúng ta phải quay lại đảo hải đăng, đưa họ tiền vàng để mua nước, mua dầu…". Không ai nói gì, nhưng nhìn trong mắt, tôi biết mọi người đã đồng ý. Tôi nói với vợ tôi lấy khâu vàng đang cất dấu đâu đó trong áo đứa con gái (Nhiên, 9 tuổi) và đưa cho Linh. Khâu vàng này có trị giá không tới 1 chỉ, đó là gia tài vượt biển duy nhất của gia đình tôi!
Tôi để Linh lo việc thâu vàng. Tôi quay ghe, tăng máy, chạy trở vào hải đăng đảo Laut. Mọi người đọc kinh, và cầu nguyện trở lại…
- Khoảng 6 giờ chiều, ghe chúng tôi cập cầu hải đăng, và chúng tôi thản nhiên dắt nhau đi lên chân tháp hải đăng như đã quen tháp đảo từ bao giờ. Hai nhân viên hải đăng xuất hiện, có mặt người trưởng trạm hiền hậu. Cả hai người nói năng chỉ chỏ, hoảng hốt lẫn tức giận. Họ nói rằng thủy quân lục chiến sẽ tới và sẽ đuổi chúng tôi, lần đuổi này chắc chắn sẽ căng và nguy hiểm hơn sáng nay.
Tôi và Linh nói với họ: "Chúng tôi chỉ muốn mua thêm dầu và nước để chạy ghe tới Malaysia". Người trưởng trạm nhìn chúng tôi, tỏ vẻ yên chí…
- 9 giờ đêm, toán thủy quân lục chiến lại tới chân hải đăng. Tất cả họ mang thường phục, tôi không thấy người lính râu quai nón.
Linh, cùng anh trưởng trạm hải đăng và một người lính trung niên đang chuyện trò nơi dãy nhà gần chân hải đăng.
Một anh lính đến ngồi gần tôi, mời tôi hút thuốc và bắt chuyện. Tôi hỏi anh, sao không thấy người lính râu quai nón sáng nay. Người lính nói: " Sáng nay anh ta bị điên, anh ta nói xin lỗi các bạn!". Tôi hút thuốc và đáp lễ ậm ừ…
- 10 giờ đêm, Linh về và cho biết mọi chuyện đã được thương lượng, dàn xếp xong. Ngày mai ghe phải rời đảo, đi Malaysia! Chúng tôi đi ngủ. Chờ sáng…
**Ngày 12** - 12/5/1986
Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm hơn mặt trời. Chúng tôi dọn dẹp phòng nghĩ nơi chân tháp hải đăng. Mấy đứa trẻ đã tỉnh táo, đùa giỡn. Người lớn cũng bắt đầu kín đáo cười nói, đấu láo. Chúng tôi dẫn dắt nhau xuống cầu tàu, đứng chờ.
- Khoảng 9 giờ sáng, ghe của lính thủy quân lục chiến cập cầu. Họ xuống ghe và bắt tay Linh và tôi, thân thiện. Họ đưa thêm chúng tôi 2 can dầu 30 lít, 1 can nước 60 lít, và 1 thùng lương khô, gạo sấy.
Chúng tôi, mọi người và mọi thứ cùng dắt nhau xuống ghe.
- 10 giờ, ghe chúng tôi tách đảo, mọi người vẫy vẫy chia tay, chẳng thấy ai sướt mướt bùi ngùi!
Tôi lái ghe chạy hướng tây 270 độ đi Malaysia để đánh lừa… Biển êm, êm hơn biển một!
Sau 3 giờ ghe chạy đánh lừa, tầm nhìn đảo Laut đang mờ nhạt, tôi cho ghe đổi hướng nam, nhắm hòn đảo lớn của quần đảo Natuna, chạy tới.
Nhiều cá heo nổi lên bơi theo ghe, theo niềm vui của chúng tôi. Cá heo lượn lội bên hông ghe. Cá heo nhộn nhịp trước mũi ghe. Chúng tôi đang chạy trên vùng biển cạn, có đá san hô ngầm dưới đáy. Tính ra thì phần chìm xuống nước của ghe không tới 1m, tôi an tâm. Tôi có cái cái cảm giác là mình đang chạy ghe thảnh thơi du ngoạn. Tôi không có một chút âu lo vượt biển…
- 6 giờ chiều, ghe đang chạy trên vùng biển san hô. Chúng tôi phát hiện có vài mô đá san hô lú trên khỏi mặt nước, tôi cho chạy ghe chậm lại, quan sát. Nhìn các dấu hằn của lằn nước trên các mô đá san hô lộ thiên, tôi đoán thủy triều đang xuống, biển đang cạn. Nếu tiếp tục chạy đêm thì đáy ghe có thể chạm đá, nguy hiểm.
Tôi kêu Hà thả neo, Cường tắt máy. Chúng tôi đọc kinh, hát cầu nguyện và ngủ sớm.
**Ngày 13** - 13/5/1986
Sáng sớm, tiếng cầu kinh của mọi người đánh thức. Tôi thức dậy, nghêu ngao cùng hát theo với mọi người.
Trời sáng tỏ. Tôi nói Hà nhổ neo. Neo bị cắn đá san hô, không nhấc nỗi. Tôi và Hà loay hoay, cố sức kéo sợi giây neo, neo không chuyển. Tôi mượn cái dao nhỏ của chị Sương đang cầm trên tay, và cắt đứt giây neo, quyết định bỏ neo...
Cường nổ máy ghe. Chúng tôi bắt đầu ngày mới. Biểm êm, êm hơn cấp 1.
Thuật cầm lái, hướng tới vẫn là hòn đảo lớn trước mặt. Tiếng động của máy nổ và quạt vịt quay đã kích động những con cá heo đâu đó kéo đến, lượn lờ tung tăng trên đường ghe chạy. Mọi người đứng và ngồi cả trên sàn mũi, sàn lái coi cá heo. Ghe chạy tròng trành, lắc lư vì lòng ghe trống rỗng, đáy ghe thiếu trọng lượng để cân bằng. Tôi kêu mọi người xuống bớt khoang mũi. Ghe chạy cân bằng và an toàn trở lại.
- Khoảng 2 giờ trưa, ghe chạy tới phía tây hòn đảo lớn. Tôi cho ghe chạy ủi lên bờ cát. Bờ cát trắng, thoai thoải cạn, nước trong xanh. Trên bờ tôi thấy thấp thoáng những căn nhà lá thấp và nhỏ, nằm ẩn trong một rừng cây toàn dừa. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác về một làng quê ven biển.
Chúng tôi đang lội cát, đổ bộ đảo thì một đám con nít từ một căn nhà trong làng chạy tới (có thể đó là ngôi trường làng chăng?). Đám con nít tới, chỉ đứng nhìn, và chỉ trỏ chúng tôi. Có vẽ chúng đang nghiêm chỉnh đếm số mỗi chúng tôi!
Khoảng 10 phút sau, một thanh niên trung niên từ căn nhà đó bước tới. Quần áo của anh dính sơn nhiều màu, tôi đoán anh là một họa sĩ và là thầy giáo của đám trẻ. Anh chào chúng tôi bằng tiếng Anh. Chúng tôi mừng rỡ hỏi anh có biết chỗ tiếp nhận, tiếp cư thuyền nhân. Anh chỉ mũi đảo bên tay phải phía trước, anh nói: "Chạy qua mũi đảo và tiếp tục chạy dọc bờ bên phải". Tôi lột cái đồng hồ điện tử (đã bị vô nước) trên tay tôi và đưa cho người họa sĩ, chúng tôi cùng nói cám ơn. Mọi người trở lại ghe.
Tôi lái ghe chạy dọc theo bãi biển phía tây đảo để tới mũi đảo.
Qua khỏi mũi đảo, tôi chuyển lái cho ghe chạy dọc theo bãi biển phía đông đảo. Ghe đang chạy thì tôi thấy một chiếc du thuyền nhỏ chạy ngược chiều. Du thuyền kéo theo phía sau một người đang trượt nước. Du thuyền chạy ngang qua chúng tôi và người đang trượt nước giơ tay trái chỉ vào bờ, tôi nghĩ người này đang ra dấu ám chỉ với chúng tôi.
Khoảng 5 phút sau, tôi thấy xuất hiện một chiếc trực thăng đến và bay cao trên đầu chúng tôi một vòng rồi bỏ đi, bay mất dạng. Tôi vẫn cho ghe chạy chậm dọc bờ đông của đảo Riau và nói với mọi người tập trung quan sát phía bờ. Bờ cát trắng, cạn thoai thoải, nước trong xanh, tuyệt đẹp.
- Khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi cùng nhìn thấy một bãi trống trên bờ có nhiều người đang đứng, ngồi. Họ vẫy tay với chúng tôi.
Vui mừng siết kể, tôi quay ghe hướng vào bờ. Bãi biển thoai thoải, nước cạn. Tôi kêu các thanh niên xuống nước, để cho ghe nổi, không vướng cạn. Nước ngang ngực, chúng tôi đẩy kéo ghe sát bờ, và mọi người rời ghe, đổ bộ.
Tôi nghe được tiếng vỗ tay trên bờ. Tôi nhìn thấy các chị phụ nữ đang ùa xuống nước dìu và bế mấy đứa nhỏ, con chúng tôi.
Lên bờ, bọn chúng tôi đứng đó. Thoạt đầu, mọi người im lặng và đứng nhìn chúng tôi, lạ lùng... Họ đang nhìn, coi cái gì đây? Tôi tự hỏi. Tôi quay nhìn mọi người chúng tôi: mặt mũi đen đũi, áo quần lem luốc, cứng hồ vì khói ghe và muối biển. Tôi nhìn Linh và chúng tôi cùng cười…mếu. Răng Linh trắng…hếu. Mọi người chung quanh bỗng vỗ tay, huýt sáo, cười theo…
Một anh trung niên bước tới, bên cạnh có một người mang đồ lính trên ve áo đính 1 sao, là một lão tướng. Phía sau ông có nhiều thanh niên trẻ. Họ vây quanh chúng tôi, xi xô bàn tán.
Anh trung niên hỏi: "Các bạn. Ai là người trưởng toán (leader)?". Tôi giơ tay.
Người mang bộ đồ lính đính 1 sao nói chầm chậm với chúng tôi là ghe chúng tôi đã chạy xâm nhập vùng cấm quân sự của Không quân, họ phát hiện và phái trực thăng đến để bắn chìm ghe, nhưng sau khi quan sát và theo dõi, họ nhận ra chúng tôi chỉ là ghe thuyền nhân (boat people), và họ đã cho lệnh đón tiếp chúng tôi… Ông nói thêm: "Các bạn được tiếp đón, được đưa tới nơi tạm cư, và tàu tiếp cư đang trên đường tới". Linh thông dịch cho mọi người nghe.
Chúng tôi cùng đứng chụp hình với người lão tướng và một số người chung quanh.
Các phụ nữ vui vẻ đưa cho chúng tôi nước và thức ăn. Vui mừng và cảm động quá, chúng tôi ăn không nỗi…
- Khoảng 8 giờ tối, một chiếc tàu nhỏ của hải quân chạy tới và ủi bãi. Chúng tôi chia tay mọi người, quyến luyến xuống tàu. Tôi quay nhìn tạm biệt chiếc ghe vượt biển. Tàu của hải quân đưa chúng tôi tới căn cứ Hải quân Ranai, đảo Riau, quần đảo Natuna, Indonesia.
- Sáng hôm sau 14/5/1986, mấy người lính của căn cứ Không quân ghé căn cứ Hải quân Ranai, họ đưa tặng tôi tờ báo có hình chúng tôi chụp chung với họ và vị lão tướng Không quân 1 sao!
Chúng tôi tạm cư Ranai 20 ngày.
oOo
** Ngày 1/6/1986, tàu Cao ủy tị nạn của Liên hiệp quốc tới Ranai chở chúng tôi và 50 người trên các đảo kế bên, đưa vào đảo Kuku, Indonesia, tạm cư 15 ngày.
** Ngày 15/6/1986, tàu Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc tới Kuku đưa chúng tôi và 500 người các đảo lân cận lên đảo Galang, Indonesia.
Tại Galang, hồ sơ tị nạn của ghe chúng tôi là: Boat NB0605-18.
NgHoa Nguyen
No comments:
Post a Comment