Thursday, February 29, 2024

Tiếng Việt: Ga, bến và cảng

 BÀN VỀ BẾN 

Từ xa xưa tổ tiên ta chủ yếu đi lại bằng đường thủy qua thuyền ghe. Nơi dừng đậu ghe thuyền bên bờ sông gọi là BẾN.

Nói đến bến, hàng ngàn năm qua được mặc định là bến ghe thuyền. 

Và rồi mãi về sau xuất hiện thêm xe ngựa, xe kéo “tham gia giao thông” trên bộ, thế là hình thành ra bến trên bộ gọi là bến xe để phân biệt với bến dưới nước. 

Từ lúc đó, nước Nam ta xuất hiện hai loại bến: Bến xe và Bến. 

Bến đã được mặc định là bến dưới nước rồi nên chỉ gọi là bến mà không cần thêm ghe thuyền vào bổ nghĩa nữa. Như bến Bình Than, bến Chương Dương, bến Bạch Đằng, bến Lức, bến Thành … 

Rồi bỗng dưng thằng Tây qua, rồi đùng đùng làm ra xe lửa để tham gia giao thông. Lẽ ra nơi dừng đậu của xe lửa thì gọi là bến xe lửa, nhưng ông bà ta choáng ngợp trước sự hùng vĩ hiện đại của xe lửa nên không dám dùng chữ BẾN tầm thường quê mùa đặt tên cho chỗ đó. Lục tìm trong kho tàng Hán Việt cũng không tìm ra chữ gì tương thích để đặt tên cho cái chỗ uy nghi hiện đại đó. Bởi ông anh Tàu trước đó cũng có mịa gì xe lửa để mà đặt tên. 

Thế là sẵn ông xếp Tây có chữ GARE gọi chỗ đó, nên dù có thù ghét ông Tây cỡ nào thì cũng phải mượn chữ đó đặt tên cho chỗ đậu xe lửa, gọi là ga xe lửa hay ga tàu hỏa. Chữ GA xuất hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt từ đó. 

Như vậy kể từ đó có ba tên để chỉ nơi dừng đậu của ba loại phương tiện giao thông: Ga, Bến và Bến Xe.

Chỉ cần nói đến ga hay nhà ga là hiểu rằng đó là ga xe lửa, nói bến là hiểu rằng đó là bến tàu thuyền, còn chỗ đậu xe phải gọi là bến xe. 

Về sau những bến tàu nằm ngay cửa biển có nhiều tàu to ra vào và có cả tàu nước ngoài nữa, bến trở nên quy mô lớn, dùng chữ bến gọi nó không tương xứng, ông bà ta liền vào lục kho Hán Việt thấy có từ CẢNG rất tương xứng với tầm vóc của nó nên từ Cảng ra đời để chỉ những bến tàu thuyền quy mô lớn và có yếu tố nước ngoài. Bến to trên biển gọi là cảng biển, bến to trên sông gọi là cảng sông.

Vẫn chưa hết, ông Tây lại làm thêm cái chỗ để đáp tàu bay nữa. Lẽ ra phải gọi là ga tàu bay như kiểu ga tàu hỏa hoặc là bến tàu bay như bến tàu thủy. 

Nhưng không, vì cái bến này nó kèm thêm cái sân to đùng nên gọi nó là sân bay. Tuy nhiên thấy chữ sân bay tầm thường quá, liền vào lục kho Hán Việt để tìm ra chữ Phi Trường đặt tên cho đúng tầm hoành tráng. 

Nhưng rồi phi trường có thêm máy bay nước ngoài ra vào, quy mô trở nên lớn, thế là nghĩ đến chữ cảng giống như cảng biển đặt tên cho nó: CẢNG HÀNG KHÔNG ra đời (trước 75 gọi là phi cảng) 

Theo đà đó, bến xe quy mô lớn lại đặt là XA CẢNG cho oai. 

Cảng hàng không ngày nay khá phức tạp, ngoài phi đạo ra còn có chỗ cất máy bay, chỗ sửa máybay, chỗ cất hàng hoá, chỗ dừng máy bay cho khách lên xuống … 

Chỗ hành khách chờ lên xuống máy bay gọi là ga hàng không. 

Như vậy trong cảng hàng không có nhà ga hàng không (terminal).

Tóm lại, ông bà ta chỉ có chữ BẾN, Tây đến cho ta chữ GA, Hán xuống cho ta chữ CẢNG.

Lẽ ra ta dùng bến tất: bến tàu thủy, bến xe, bến tàu lửa, bến tàu bay, bến tàu vũ trụ… 

Nhưng dùng thêm ga và cảng cũng không sao, chúng làm phong phú thêm Tiếng Việt.

Tuy nhiên trong trường hợp sau thì dùng BẾN BẠCH ĐẰNG hay và hợp lý hơn là GA TÀU THUỶ BẠCH ĐẰNG.

Rứa hỉ

Huỳnh Ngọc Chênh

Wednesday, February 28, 2024

"CHÚNG TÔI CÓ MỘT CHÍNH PHỦ TỆ HẠI, NHƯNG CHÚNG TÔI KHÔNG PHẢI MỘT DÂN TỘC TỆ HẠI!"

Đó là một trong những khẩu hiệu mà vài trăm người biểu tình đã dùng trong cuộc tuần hành vào hồi 16h ngày 24/2, khởi đầu từ công viên Tòa Thị chính ở trung tâm thủ đô Budapest. Đoàn người đi chầm chậm trên đại lộ chính Andrássy và tiến đến tòa đại sứ Nga ở Budapest ở góc đường Andrássy và phố Bajza để phản đối cuộc chiến xâm lược Ukraine, tính đến khi đó đã tròn 2 năm.

Báo giới đưa tin, đại sứ Mỹ David Pressman cũng xuất hiện nơi đoàn biểu tình sau đó đã trải một lá cờ Ukraine dài vài trăm mét. Đa phần những người tham gia tuần hành là người Ukraine, kể cả khẩu hiệu rất quen thuộc với dân Hung "Nga, hãy cút về nước!" cũng được hô với "chất giọng" Ukraine. Một số khẩu hiệu khác thì được hô bằng tiếng Anh, mặc dù cũng thấy tiếng Hung của một nhóm ở giữa đoàn biểu tình với lời thét vang "Putin là kẻ giết người bẩn thỉu".

Thị trưởng Budapest Karácsony Gergely đi giữa đoàn người

"Nga đang giết trẻ em", "Ngăn chặn Putin, chấm dứt chiến tranh!", "Nga đang giết chết Ukraine!", "Hãy hỗ trợ Ukraine, gửi ngay vũ khí!" là những đòi hỏi của đoàn tuần hành trên con lộ Di sản Thế giới UNESCO của Hungary. Trước đại sứ quán Nga, một sân khấu kèm màn hình lớn được dựng lên và chiếu những hình ảnh khủng khiếp của cuộc chiến hủy diệt khiến nhiều người bật khóc. MC của sự kiện là ông Tompos Márton thuộc đang thanh niên Momentum.

Thị trưởng Budapest Karácsony Gergely

"Vinh quang thuộc về Ukraine!", ông hô vang và quy trách nhiệm cho Thủ tướng Orbán Viktor vì đã từ hai năm nay không đứng về phía Ukraine, và theo ông, Vladimir Putin là kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm cho cuộc chiến này. Sau đó, đến diễn giả đầu tiên, Thị trưởng Karácsony Gergely với lời hô "Nga, hãy cút về nước!" được đám đông hưởng ứng hô theo. Ông cho hay ông đã hô khẩu hiệu đó lần gần nhất năm 14 tuổi khi hạ tượng Lenin ở thành phố Debrecen.

Chưa bao giờ ông nghĩ, ông phải hô lại sau 35 năm, thị trưởng Budapest chia sẻ, và nói thêm: ông và các đồng hương phải tụ tập ở đây để nói với thế giới rằng "Chúng tôi có một chính phủ tệ hại, nhưng chúng tôi không phải là một dân tộc tệ hại”. Phát biểu của ông liên tục được dịch sang tiếng Ukraine. Vị thị trưởng đề nghị Thủ tướng Orbán Viktor đến Bucha, Kyiv và nói chuyện với những người sống sót. Ông nói: "Chúng tôi xấu hổ với chính phủ Hungary".

Gọi Orbán là "môn đệ quan trọng nhất của Putin", tiện thể, ông Karácsony Gergely chỉ trích thủ tướng Hungary đang "bóp nghẹt" Budapest. Tiếp lời ông là Quận trưởng Quận 9, bà Baranyi Krisztina, người đã từng qua Bucha, thành phố kết nghĩa với quận của bà sau vụ thảm sát do quân Nga gây ra gây chấn động dư luận thế giới. Theo nữ chính khách, cuộc chiến là giữa "Putin và những người dân thường", "dù muốn hay không chúng ta cũng bị ngập đầu trong đó".

Quận trưởng Quận 9, bà Baranyi Krisztina

Do đó, "chúng ta phải ủng hộ người bị tấn công, không có gì phải suy nghĩ", "phải cho thế giới và những người anh chị em Ukraine thấy rằng ngoài Orbán, còn có một nước Hung song song", theo Quận trưởng Quận 8. Sau bà, là hai diễn giả Ukraine, người đầu là Viktoriya Petrovska, người trước đó đã dịch các phát biểu từ tiếng Hung sang tiếng Ukraine. Cô kể về một nữ quân nhân quốc tịch Hung sinh sống tại Budapest, gốc Kárpátalja (Zakarpatszka oblaszty).

Năm ngoái, nữ quân nhân ấy còn tham dự một cuộc biểu tình ở Budapest, nhưng rồi cô đã ra trận và anh dũng hy sinh. Trong khi Viktoriya Petrovska thuật lại câu chuyện, hình ảnh những người lính Ukraine hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc được chiếu phía sau cô. "Chiến tranh dạy chúng ta căm thù, căm thù những kẻ sát nhân", cô đọc, giọng run rẩy. Sau phát biểu của cô, đoàn biểu tình đã cúi đầu tưởng nhớ những người đã ngã xuống bằng một phút im lặng.

Đại sứ Mỹ David Pressman

Sau phần trình diễn của một nghệ sĩ Ukraine khiến nhiều người một lần nữa lại bật khóc, tới diễn giả cuối cùng - bà Cseh Katalin, dân biểu Nghị viện Châu Âu trong sắc áo Hungary. Phất cờ Ukraine, Hungary và Liên Âu, bà nói về cuộc chiến "tàn bạo, đẫm máu, diệt chủng" của Putin và cam kết với người dân Ukraine rằng bà luôn sát cánh cùng đất nước này. Trước đó, một thông điệp qua video của một viện sĩ Hungary, ông Viktor Traski, cũng được trình chiếu.

Bà Cseh Katalin, dân biểu Nghị viện Châu Âu

Là một nhà khoa học, hiện ông đang chiến đấu cùng các tình nguyện viên Kárpátalja (vùng đất từng thuộc Đế quốc Áo - Hung, nơi có nhiều Hung kiều sinh sống). Bà Cseh Katalin cũng chỉ ra rằng người gốc Hung ở Kárpátalja cũng đang chiến đấu để giành lấy mạng sống và sự sống còn của họ trong cuộc chiến. "Chúng tôi không đứng về phía Putin, Hungary không đồng nhất với Orbán Viktor", bà nói, và hồi tưởng lại những trải nghiệm hãi hùng của bà ở Ukraine. 

Trong khi vị nghị sĩ Nghị viện Châu Âu nói về những vụ sát hại trẻ em, các cháu nhỏ chạy dưới lá cờ Ukraine khổng lồ được căng ra khi bắt đầu cuộc tuần hành. Theo bà Cseh Katalin, người Hung cần hiểu rõ hơn nữa về cuộc chiến Ukraine, vì "nếu Ukraine thất bại thì Putin sẽ không dừng lại ở biên giới" và khi đó, Hungary sẽ trở thành láng giềng của Nga. "Thà chết đứng còn hơn sống quỳ", bà trích lời nhà đối lập Aleksey Navalny vừa qua đời trong nhà tù Siberia.

Cuối bài phát biểu, bà Cseh Katalin khuyến khích tất cả các chính trị gia Hungary hãy đến Ukraine để trực tiếp tìm hiểu, sau đó quyết định xem liệu có "đáng để biến Ukraine thành vật tế thần chỉ vì một vài phần trăm phiếu bầu hay một vài đồng rúp chết tiệt hay không". Sau đó, tất cả các diễn giả đã lên sân khấu và cùng nhau hát quốc ca Ukraine và Hungary, và thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh trong cuộc chiến khốc liệt đã kéo dài 730 từ ngày qua.

Chùm ảnh của Huszti István (telex.hu).

Nguyễn Hoàng Linh

Tuesday, February 27, 2024

Đôi điều cần biết để sống

1. Muốn trở thành người can đảm nhất, hãy nhận lỗi trước. Muốn trở thành người mạnh mẽ nhất, hãy tha thứ trước. Muốn trở thành người hạnh phúc nhất, hãy quên trước.

2. Những gì có một mới là quý giá, những gì có nhiều thì là điều bình thường. Nhớ rằng bạn chỉ có một gia đình, và một bản thân mình. Tiền thì luôn là nhiều tờ mà.

3. Sau khi cư xử trong nóng giận, sự ân hận sẽ luôn đeo bám bạn.

4. Lo lắng quá nhiều giống như việc trả nợ mà bạn không biết có vay hay không.

Tony BS Fan Club

Monday, February 26, 2024

NGUYỄN VĂN HUYÊN VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một nhà giáo dục, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu của Việt Nam thế kỷ XX. Các công trình nghiên cứu của ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hình nên vốn hiểu biết căn bản về dân tộc và xã hội Việt Nam, với những ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay.

Nhã Nam đã giới thiệu tương đối đầy đủ và trọn vẹn tới bạn đọc những nghiên cứu giá trị trong sự nghiệp học thuật đồ sộ của Nguyễn Văn Huyên trước năm 1945, có thể kể đến:

- “Hội hè lễ Tết của người Việt” - Cuốn sách tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống.

- “Sinh hoạt của người Việt: cư trú - kiến trúc - hát đối” - chuyên khảo mở đường cho việc tìm hiểu cặn kẽ, sâu sắc các phương diện trong đời sống sinh hoạt phong phú của người Việt.

- “Văn minh Việt Nam” - tác phẩm cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về con người, xã hội và văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Và mới đây nhất, “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” vừa phát hành bao gồm các nghiên cứu địa lý hành chính của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ, qua đó làm cơ sở cho sự hiểu biết về phong tục, tập quán của người Việt.

Nhã Nam (Một bước ngoặt trong sự nghiệp học thuật của Nguyễn Văn Huyên)

Sunday, February 25, 2024

MỘT LẦN NỮA HUNGARY LẠI VETO TRONG VẤN ĐỀ UKRAINE?

 Các nguồn tin ngoại giao ở Brussels cho hay Chính phủ Hungary đã không đồng ý thông qua tuyên bố chung của Liên Âu mà cộng đồng lẽ ra đã công bố kịp thời nhân hai năm ngày cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2/2022.

Theo "Châu Âu Tự do" (Szabad Európa), các nguồn tin kể trên khẳng định rằng thay vì tuyên bố chung, các lãnh đạo của ba cơ quan thượng đỉnh Liên Âu - gồm ông Charles Michel, bà Ursula von der Leyen và bà Roberta Metsola - đã chuẩn bị để ra một thông cáo cho Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu.

Để có thể đưa ra tuyên bố thay mặt Liên Âu, cần có sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên. Theo các quan chức EU được "Châu Âu Tự do" liên hệ, Chính phủ Hungary đã phủ quyết mà không có bất kỳ lời giải thích cụ thể nào, nhưng một nhà ngoại giao nói từ ngữ của tuyên bố chung "đơn giản là quá mạnh đối với họ".

"Châu Âu Tự do" đã gửi câu hỏi về vấn đề này tới Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary nhưng chưa có phản hồi. Cần nói thêm là việc Budapest đưa ra phủ quyết - vì những lý do này nọ - để ngăn cản nỗ lực chung của Liên Âu trong nhiều hồ sơ về ngoại giao, nhân quyền... không còn là điều lạ trong nhiều năm gần đây...

*

Thông cáo chung của Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu đưa ra vào chiều thứ Sáu 23/2 nói gì?

Thông cáo nhắc tới 24/2 như là một "dịp kỷ niệm bi thảm", của "cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện của Nga chống lại Ukraine, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc". "Hai năm bạo lực, tàn bạo, khủng bố và hủy diệt. Chúng ta sẽ không bao giờ quên cú sốc khi bắt đầu cuộc tấn công, nỗi kinh hoàng của các sự kiện ở Borodyanka, Bucha và Mariupol".

Lãnh đạo ba cơ quan thương đỉnh của Liên Âu - Charles Michel, Ursula von der Leyen và Roberta Metsola - viết trong thông cáo của mình, rằng "bất chấp những hành động tàn bạo và đau khổ đang diễn ra, Ukraine vẫn kiên cường kháng cự, những người Ukraine anh hùng bảo vệ quê hương của mình bằng lòng dũng cảm, sự quyết tâm, và họ đấu tranh cho tự do của mình, cũng như các giá trị chung của châu Âu".

Liên bang Nga và giới lãnh đạo nước này, theo thông cáo, "phải chịu trách nhiệm duy nhất về cuộc chiến này và những hậu quả toàn cầu của nó, cũng như về những tội ác nghiêm trọng đã gây ra"." Chúng tôi vẫn quyết tâm buộc họ phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả tội ác xâm lược”, thông cáo nhấn mạnh, và đề cập đến khoản hỗ trợ tài chính 50 tỷ Euro cho Ukraine mà Hungary chỉ chấp thuận vào phút thứ 91.

Thông cáo cũng chỉ ra rằng EU tiếp tục giải quyết các nhu cầu quân sự và quốc phòng khẩn cấp của Ukraine, đồng thời đã thực hiện các biện pháp chưa từng có ở cấp EU, cũng như các cam kết an ninh trong tương lai đang được tiến hành.

Thông cáo nói thêm rằng "Liên Âu sẵn sàng tăng áp lực lên Nga nhằm làm suy yếu khả năng chiến tranh của nước này", và nhấn mạnh: EU cũng sẽ thực hiện các bước để đảm bảo các nguồn thu bất thường từ tài sản của Nga bị phong tỏa sẽ được sử dụng để hỗ trợ Ukraine.

"Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đoàn kết và giữ đúng lời hứa hỗ trợ Ukraine cho tới khi nào còn cần thiết, vì lợi ích của người dân Ukraine, vì hòa bình và an ninh Châu Âu cũng như vì sự thiết lập trật tự quốc tế dựa trên luật pháp", thông cáo nhấn mạnh.

Liên Âu "ủng hộ một công thức hòa bình công bằng, lâu dài ở Ukraine dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như mọi nỗ lực hướng tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu" - những lời lẽ này của ba vị lãnh đạo thượng đỉnh Charles Michel, Ursula von der Leyen và Roberta Metsola có lẽ là "quá mạnh" đối với Hungary!

Quan hệ ngoại giao Hungary - Ukraine từng có lúc rất tồi tệ trong 2 năm chiến tranh - Ảnh: kormany.hu

Nguyễn Hoàng Linh

Friday, February 23, 2024

SAPIENS: Văn hóa

Xh loài người thay đổi ngày càng tinh vi và phức tạp trong phạm vi rộng lớn hơn từ sau Cách mạng Nông nghiệp. Sống trong TTTT với các huyền thoại và những câu chuyện hư cấu đã làm cho con người quen với việc nghĩ theo những cách nhất định, cư xử  dựa trên những tiêu chuẩn nhất định, mong muốn một số thứ nhất định, và tuân theo những quy tắc nhất định. Vì vậy, họ đã tạo ra những bản năng nhân tạo, làm cho hàng triệu người xa lạ có thể hợp tác hiệu quả. Mạng lưới những bản năng nhân tạo này được gọi là ''văn hóa'' (vh).

Trong nửa đầu thế kỷ 20, mỗi nền vh sở hữu 1 bản chất cốt lõi mang bản sắc riêng ko thể thay đổi. Trong đó, mỗi nhóm người đều có thế giới quan, theo hệ thống sắp đặt về xh, luật pháp và chính trị của riêng mình. Nếu ko có sự tác động từ bên ngoài, những nền vh  khác nhau sẽ tự vận hành với niềm tin, tiêu chuẩn và giá trị đã tạo nên nền vh đó, cùng 1 hướng đã hình thành từ thời xa xưa.

Trong thế giới hiện nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều kết luận rằng: quan điểm về vh ko còn như trước mà phải ngược lại mới đúng. Bởi mỗi nền vh đều có những niềm tin, tiêu chuẩn và giá trị đặc thù, nhưng chúng thay đổi liên tục (do biến đổi trước những  thay đổi trong môi trường của nó hoặc qua sự tương tác với các nền vh khác). Và các nền vh cũng trải qua sự thay đổi từ những động lực bên trong chúng.

Ngay cả 1 nền vh biệt lập, tồn tại trong 1 môi trường sinh thái ổn định cũng ko tránh khỏi sự thay đổi. Ko như các định luật vật lý, mỗi trật tự nhân tạo đều hàm chứa những mâu thuẫn nội bộ. Các nền vh đã liên tục cố gắng dung hòa những mâu thuẫn này, và quá trình đó đã cung cấp nhiên liệu cho sự thay đổi.

Có thể thấy các mâu thuẫn trong nội bộ 1 nền vh, từ thời trung cổ, khi giới quý tộc với đức tin vào Ki-tô giáo vẫn giữ tinh thần hiệp sĩ. Và sau đó, kể từ cuộc Cách mạng Pháp, con người đã dần nhìn nhận sự bình đẳng và tự do cá nhân như những giá trị cơ bản. Tuy nhiên, nếu đảm bảo cho mỗi cá nhân hoàn toàn tự do (làm điều mình mong muốn) chắc chắn sẽ hạn chế bình đẳng. Lịch sử thế giới từ năm 1789 có thể được coi như là quá trình thực hiện hàng loạt nỗ lực nhằm giải quyết mâu thuẫn này.

Hiện nay, đảng Dân chủ ở Mỹ muốn có 1 xh bình đẳng hơn, muốn thế thì phải tăng thuế để tài trợ cho các chương trình phúc lợi xh. Điều này đã xâm phạm đến tự do của các cá nhân ko muốn sử dụng tiền của họ như vậy. Trong khi đó, đảng Cộng hòa thì muốn tối đa hóa tự do cá nhân, dù như thế thì khoảng cách (thu nhập) giữa người giàu và người nghèo sẽ ngày càng tăng (nhiều người sẽ ko đủ khả năng chi trả tiền chăm sóc sức khỏe của mình).

Những mâu thuẫn khó hòa trộn với nhau là 1 phần thuộc  về mỗi nền vh. Chúng là những động lực, là nguyên nhân cho sức sáng tạo và tính năng động của con người. Giống như 2 nốt nhạc nghịch nhau, dù tương phản nhưng được phối lại sẽ đẩy giai điệu ngân lên, gieo vào lòng người những suy nghĩ, ý tưởng và giá trị, buộc chúng ta phải nhìn nhận, tái đánh giá và phê bình. Từ đó có thể thấy: tính nhất quán trước sau như một là biểu hiện của những trí tuệ trì trệ.

Vì thế, sự bất hòa nhận thức hiện nay là điều phản ánh đặc điểm cơ bản của bất kỳ nền vh nào. Con người bị giằng xé bởi các giá trị ko tương hợp, vì những niềm tin trái ngược nhau gây nên căng thẳng và xung đột ko thể giải quyết được. Bất hòa nhận thức được xem là 1 thất bại trong tâm lý con người. Trên thực tế, nó là 1 tài sản quý báu. Nếu con người ko thể giữ được những niềm tin và giá trị trái ngược nhau, họ sẽ ko thể làm nên và duy trì bất cứ 1 nền vh nào.

(còn nữa)

Sống có nghĩa là dũng cảm!

 LÒNG DŨNG CẢM

Lão ngưỡng mộ hình ảnh những anh hùng trên tuyến đầu chống giặc ngoại xâm đã dũng cảm quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Lão cho rằng đấy là lòng dũng cảm. Dũng cảm còn thể hiện trong cuộc sống thường ngày, khi chúng ta phải đương đầu với nghịch cảnh và mọi éo le cuộc đời. Không có dũng khí thì khó lòng vượt qua những thử thách ấy và có thể thành kẻ chiến bại.

Dũng cảm là một yếu tố tiềm ẩn trong mỗi người, nếu biết kích hoạt tinh thần dũng cảm, chắc chắn bạn không hề e ngại những gian nan thử thách để đi đến thành công trong cuộc sống hiện thực.

Thế giới này luôn nhường đường cho những con người dũng cảm, chính khí hạo nhiên. Khi một người thành công, lòng dũng cảm luôn được đặt lên hàng đầu. Nói trắng ra rằng, lợi thế duy nhất mà người bình thường có được để đạt được sự thăng tiến là lòng dũng cảm của chính họ. Lòng dũng cảm luôn lớn hơn điều kiện gia đình, điều kiện ngoại hình, trình độ học vấn, năng lực và phương pháp mà người này tôn sùng.

Khi lòng dũng cảm của bạn tăng lên 1% thì năng lực của bạn sẽ tăng lên 10%, trí tuệ và tầm nhìn sẽ sớm đến với bạn. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhận thức của những người bình thường.Tại sao lòng dũng cảm lại quan trọng như vậy? Bởi vì chỉ có lòng dũng cảm mới có thể dẫn dắt hành động của bạn. Chỉ có lòng dũng cảm mới có thể khiến bạn không ngừng tích lũy kinh nghiệm và tổng kết kinh nghiệm, mới có thể dắt tay bạn bước đi bước đầu tiên, bước thứ hai, bước thứ ba và thậm chí xa hơn nữa.

Hãy luôn nhớ một câu: mọi câu hỏi chân chính, mọi câu trả lời chân chính và mọi triết lý chân chính sẽ luôn chỉ nảy sinh từ quá trình hành động được kích hoạt bởi sự phóng thích lòng dũng cảm. Mọi thứ khác đều là giả, tất cả xuất phát từ trí tưởng tượng của bạn là vô nghĩa. Chỉ có dũng cảm bắt tay vào làm mới là thật.

Nhân cách, năng lượng, khí chất đều do dũng khí tạo nên, dũng khí là phẩm chất quý giá nhất của con người. Sợ hãi là xiềng xích của tất cả những kẻ thua cuộc, và đó cũng là nguyên nhân cơ bản khiến một người không thể vượt qua chính mình.

Thay vì trước tiên phải tăng cường trí tuệ và năng lực của bạn, ưu tiên hơn hết là bạn nên rèn luyện hạo nhiên dũng khí, mạnh dạn đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. Một khi bạn rèn luyện xong lòng dũng cảm, trí tuệ và năng lực của bạn sẽ tăng lên theo cấp số nhân, và bạn sẽ ngay lập tức nổi bật hơn so với những người xung quanh mình.

Thế giới này thật ra không cần hiểu nhiều về các đạo lý sâu xa, chỉ cần hiểu được ba đến năm phần đạo lý là có thể bắt tay vào làm. Sự khác biệt lớn nhất giữa con người là hành động và dũng khí. Nếu bạn tiếp tục duy trì lòng dũng cảm nhiều lần, thế giới trần tục của bạn sẽ tăng theo cấp số nhân, tiềm năng của bạn sẽ được kích hoạt và thành công hầu như đang đến gần bạn.

Đương nhiên, chúng ta đề xướng dũng khí là điều quý giá nhất trong cuộc đời bạn  nên được sử dụng chính đáng vào sự nghiệp còn dang dở, vào sự phát triển tiềm năng của bản thân, vào triết lý sống của chính bạn, chứ không áp dụng vào những việc làm phi pháp như “dũng cảm” cướp tiệm vàng, “dũng cảm” buôn ma túy hay những việc bất nhân khác.

Đi qua mọi thăng trầm của cuộc đời, chỉ khi bạn dồn hết dũng khí và nhiệt huyết vào con đường đúng đắn thì bạn mới có được nguồn năng lượng liên tiếp và bất tận. Đó là chính khí của thiên địa luôn đến với những con người dám dời non lấp biển. 

Tư duy hạn hẹp cộng với tầm nhìn thấp đều đưa ra những lý luận suông, tư duy cao với tầm nhìn xa đều đặt bạn vào trường năng lượng tốt nhất. Đây là bí mật hàng đầu của xã hội loài người. Những cao thủ hạng nhất trên thế gian thực chất không bao giờ đi rèn luyện kỹ năng và phương pháp, họ luôn rèn luyện nội tâm nhiệt huyết, năng lượng nội lực và trạng thái tinh thần, đấy mới là bản lĩnh thật sự. 

Cốt lõi của việc thay đổi vận mệnh là thay đổi năng lượng của chính bạn. Sở dĩ có những người luôn thất bại là vì họ luôn học hỏi các phương pháp, kỹ xảo và quan tâm những thứ bên ngoài, liên tục cuốn hút vào các phương pháp và kỹ xảo khác nhau, hòng một bước lên trời, trong khi bỏ qua nội tâm rèn luyện và tích hợp năng lượng bên trong.

Nếu bạn muốn trở nên mạnh mẽ thực sự, bạn phải nhận thức rõ ràng rằng tất cả các điều kiện bên ngoài, chẳng hạn như điều kiện gia đình, học vấn ở trường, điều kiện ngoại hình, cũng như phương pháp và kỹ xảo, thực chất chỉ là thứ yếu, những điều đó bạn không nên chú trọng quá. Điều quan trọng nhất đối với bạn là nâng cao năng lượng của bản thân, thần giao tự cổ chí kim để bản thân có được sức mạnh nội tâm và lòng nhiệt tình bất khả chiến bại. Đấy chính là căn bản, là đạo. Vậy nên các cao thủ luôn rèn luyện nội lực của mình, tu luyện trạng thái năng lượng bên trong của mình.

Khi mức năng lượng của bạn ngày càng cao hơn, sức mạnh tinh thần của bạn cũng sẽ tăng lên nhanh chóng và trường năng lượng vũ trụ sẽ tự động tập trung vào bạn, thu hút đến với bạn nhiều người có năng lượng cao, nhiều thứ có năng lượng cao. Như tự dưng bạn lại biết đến lão PP, tự dưng lại thỉnh thư pháp của lão về treo trong nhà. Từ đó mà sinh ra từ trường, và vận may, trí tuệ và lòng dũng cảm của bạn sẽ đến với bạn một cách tự nhiên.

Stefan Zweig là một nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch người Áo nổi tiếng trên thế giới, ông đánh giá lòng dũng cảm rằng: “Lòng dũng cảm là hào quang tỏa sáng khi đối mặt với nghịch cảnh”.

Goethe nói rằng:”Trong dũng cảm có thiên tài, sức mạnh và ma thuật”.

Marcus Tullius Cicero là một triết gia và nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã đánh giá rằng:”Nếu cho rằng đau khổ là nỗi bất hạnh lớn nhất thì những người này không thể có lòng dũng cảm. Nếu cho rằng hạnh phúc là hưởng thụ thì những người này cũng khó trở nên dũng cảm”.

Nhà phê bình, nhà văn nổi tiếng người Anh Cyril Connolly nói:”Lòng dũng cảm không chỉ là một đức tính mà còn là một hình thức thể hiện những đức tính khác nhau khi chúng được thử thách, tức là trong những tình huống thực tế nhất”.

Cuối cùng xin chọn câu nói của André Paul Guillaume Gide là một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỷ 20, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1947. Ông hình dung rằng:”Nếu bạn không đủ can đảm để rời xa bờ biển và trôi dạt một mình lênh đênh trên biển cả mênh mông trong một thời gian dài thì bạn sẽ không bao giờ khám phá được một lục địa mới”.

Hy vọng các bạn trẻ Việt Nam hãy rèn luyện mình thành những con người quả cảm, chính trực, có tầm nhìn xa bao quát cả năm châu bốn biển để có thể tìm thấy lục địa mới, thành công trong sự nghiệp của mình góp phần vào công cuộc đưa đất nước tiến lên văn minh và giàu mạnh.

Peter Pho

Thursday, February 22, 2024

Về nguồn lực nhân tài

Người tài khác người thường ra sao

Ở đâu có người tài, ở đó có sự phát triển. Phạm vi quốc gia thì không nước nào có thể vượt mặt Mỹ, vì đây là nơi người tài tụ hội, từ người Ấn đến người Hoa đến người Âu, Ả Rập,... Phạm vi doanh nghiệp thì ở đâu có người tài, thế cờ sẽ nghiêng dần về phía họ, dù ban đầu quân sĩ tốt xe pháo ngựa là ngang nhau. Thời bao cấp, tỉnh nào cũng có công ty dược và vật tư y tế....nhưng dần chỉ còn lại những tên tuổi nổi bật như dược Phú Yên (nay là Pymerpharco), dược Đồng Tháp (nay là Imexpharm) hay dược Hậu Giang... Tỉnh nào cũng có đài truyền hình, nhưng truyền hình Vĩnh Long, một tỉnh nhỏ ở miền Tây nổi bật hẳn, doanh thu năm rồi của đài này tới 1400 tỷ. Nói vậy để các bạn thấy là, yếu tố năng lực cá nhân chiếm phần lớn trong thành công của 1 tập thể. Năng lực này thể hiện ở việc tổ chức được 1 đội nhóm, quản lý được người khác. Sau đó là đầu óc cởi mở để nhanh nhạy cập nhật cái mới, ví dụ như đài Vĩnh Long khai thác kênh Youtube và kênh này phải trả cho họ tới 100 tỷ trong năm qua. 

"Một ngọn cỏ trong tay cao thủ võ lâm thì cũng biến thành vũ khí". Người tài luôn là thiểu số và cách nhận biết họ như sau:

1. Sống với người tài

Sống với 1 người tài, chúng ta sẽ an toàn, năng lực đầu óc của họ bộc lộ ra trong cả những việc nhỏ. Ví dụ đang ngồi, điện cúp. Người có tài, vì có đầu óc tính toán, sẽ đi xem xét coi có gì không ổn trong hệ thống điện. Thấy một bóng điện bị nổ, cầu dao tự động ngắt, vậy thì bật cầu dao lên, xong. Còn nếu vẫn không tìm được nguyên nhân, họ sẽ sang nhà hàng xóm, thấy nhà hàng xóm có điện, lập tức gọi thợ sửa. Nếu cả khu bị ngắt, yên tâm đợi. Còn khi sống với người không có tài, cúp điện, thụ động chờ. Tới tối thấy hàng xóm điện sáng trưng, mới biết là chỉ có nhà mình bị hỏng, quýnh quáng gọi nhưng vì tối nên chẳng thợ nào đến, đành chịu thêm 1 đêm âm u nữa. 

Người có tài có đặc trưng là sạch, thơm, lãng mạn, tinh tế. Họ luôn quan sát nên chỗ ăn chỗ ở chỗ ngủ của họ rất sạch, rất đẹp. Lúc nghèo thì họ tự tay làm, lúc giàu thì sai khiến gia nhân gia nô, nhưng phải có ÓC QUAN SÁT và ÓC TỔ CHỨC mới biết sai khiến người khác làm cái gì. Ai sáng sớm vừa ngủ dậy đã ngồi quẹt điện thoại thì cái tài của họ chỉ là "tài lanh tài lọt". 

2. Làm việc với người tài

Làm với người tài, rất yên tâm. Họ chỉn chu với các việc đang làm, chủ động báo cáo và đề xuất, CHẲNG CẦN HỎI hay nhắc nhở.  Đầu óc họ rất khoa học và logic. Vào một công ty, nhà máy, nhà hàng, quán cà phê...., cứ xem toilet trước. Toilet bẩn thỉu, hôi thối, rác không dọn, vòi nước hỏng, bóng điện 3 bóng cháy 2 bóng....thì chớ làm ăn cùng. Người quản lý ở đó rất ẩu, hoặc rất non, hoặc rất lười (nói chung là bất tài), làm với họ sẽ có nhiều sự cố. Ngược lại, đến đâu mà thấy chỗ làm xanh tươi mát mẻ, cây cỏ hoa lá tinh tơm, thơm tho sạch sẽ, nhân viên hỏi han tươi cười,....thì biết quản lý ở đó có tài, yên tâm mà làm ăn cùng. 

Cách đây chục năm, có 1 hệ thống cà phê luôn đông nghịt. Kiến trúc đẹp, sạch, thơm. Khi ít khách, mỗi nhân viên 1 cái bình đu lau các cửa kính. Toilet khô ráo, kể cả cái tay cầm chỗ cửa (không có ướt nhẹp do người ta rửa tay xong mở cửa vô ra). Khi người sáng lập rời đi, bàn giao cho 1 nhóm học vị học hàm cao, kiến thức dồi dào nổ trên mạng nghe hay lắm, nhưng quản lý dở òm. Các quán trong chuỗi bắt đầu xấu xí dơ bẩn, nhân viên phục vụ kém nên đóng cửa dần, nay thương hiệu này đã biến mất. Người bất tài thì dù cho làm quản lý hãng Apple đang đầy ắp tiền mặt đi nữa, ba bữa là phá sản. Lý Quang Diệu nói, "mỗi quốc gia lớn hay nhỏ không phải là diện tích lãnh thổ, mà là sở hữu nhiều cá nhân có tài, họ sẽ BIẾN KHÔNG THÀNH CÓ. Trong kinh doanh cũng vậy, DN nào có người tài thì DN đó sẽ từ cá hoá rồng". 

Copy từ Ăn Trưa Cùng Tony

Wednesday, February 21, 2024

SAPIENS: Đàn ông & Đàn bà

Con người, ở tất cả mọi nơi, tự phân chia họ theo 2 giới: đàn ông và đàn bà. Đây là sự phân tầng tối quan trọng trong tất cả xh loài người từng biết đến: hệ thống phân tầng về giới tính.

Kể từ sau Cách mạng Nông nghiệp, hầu hết đàn ông được đối xử tốt hơn. Ở nhiều xh, phụ nữ chỉ là vật sở hữu của đàn ông. Hiếp dâm, trong nhiều hệ thống pháp luật, bị coi là xâm phạm tài sản - nói cách khác, nạn nhân ko phải là người phụ nữ mà là người đàn ông sở hữu cô ta. Làm chồng nghĩa là có quyền hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của vợ mình (trong đó gồm cả đời sống tình dục).

Câu chuyện thường thấy trong quan hệ giữa 2 giới tính là quan niệm tự nhiên và ko tự nhiên. Định nghĩa "tự nhiên" theo thần học là "tuân theo những ý muốn của Chúa, người đã tạo ra thế giới tự nhiên".

Nếu chúng ta sử dụng cơ thể khác với mục đích của Chúa thì điều này ko tự nhiên. Tình dục ban đầu tiến hóa dành cho sinh sản, khi gắn hoạt động tình dục với tình yêu, trong đó yếu tố tình cảm đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mối quan hệ thân mật, thì điều này có tự nhiên ko?

Về mặt sinh học, con người mang 2 đặc tính khác biệt, theo đó chia thành giống đực và giống cái. Một sapiens giống đực điển hình có cặp nhiễm sắc thể XY, với tinh hoàn và rất nhiều testosterone. Trong TTTT của xh và nền vh mà anh ta hấp thụ, anh ta có những vai trò nam tính cụ thể (tham gia chính trị), có các quyền (bầu cử) và các nghĩa vụ (phục vụ trong quân đội). Một sapiens giống cái điển hình có 2 nhiễm sắc thể XX, tử cung và nhiều oestrogen. Cô ta có những vai trò nữ tính cụ thể (sinh đẻ và nuôi con), có các quyền (được bảo vệ khỏi bạo lực) và các nghĩa vụ (tuân lệnh chồng mình).

Các nhà nghiên cứu luôn phân biệt giữa "giới tính" (là 1 phạm trù sinh học) với "giới" (là 1 phạm trù vh). "Giới tính" được chia thành nam và nữ, tính chất của sự phân chia này là khách quan và bất biến trong lịch sử. 

"Giới" được chia thành đàn ông và đàn bà (nam tính và nữ tính) mang tính liên - chủ quan và có sự thay đổi liên tục. Ví dụ: hành vi, ước muốn, trang phục và thậm chí cả dáng vẻ cơ thể (kỳ vọng) về người phụ nữ Athens cổ đại và người phụ nữ Athens hiện đại có nhiều sự khác nhau sâu xa.

Vấn đề của "giới" luôn gắn liền vai trò và nghĩa vụ với những cam kết khắt khe và phức tạp bởi là đàn bà hay đàn ông đều mang tính vh hơn là tính sinh học. Người đàn ông phải chứng tỏ nam tính của mình (liên tục, suốt cuộc đời) trong hàng loạt các lễ nghi và sự việc. Còn công việc của người đàn bà cũng ko bao giờ hết: phải liên tục thuyết phục bản thân để cố gắng thể hiện vai trò của mình một cách đầy nữ tính.

Với nam giới, họ sẵn sàng mạo hiểm, thậm chí hy sinh cuộc sống của họ để mọi người nhận thấy: anh ta là 1 người đàn ông đích thực! Sau Cách mạng Nông nghiệp, hầu hết xh loài người đều là những xh gia trưởng (đánh giá đàn ông cao hơn đàn bà). Từ nhỏ, xh đã giáo dục đàn ông suy nghĩ và hành động theo cách nam tính, đàn bà suy nghĩ và hành động theo cách nữ tính, trừng phạt những ai dám vượt qua những ranh giới này. 

Dù hoàn thành vai trò ntn, phẩm chất được coi là của đàn ông thường có giá trị hơn so với phẩm chất đàn bà, và phụ nữ sẽ nhận được ít hơn Nam giới trong xh khi thể hiện lý tưởng của giới mình. Nguồn tài nguyên đầu tư cho sức khỏe & giáo dục cho đàn bà cũng ít hơn; họ ít có cơ hội kinh tế hơn. Giới là 1 cuộc đua mà ở đó một số người tham gia chỉ để giành được huy chương vàng.

Trong thực tế, một số ít phụ nữ giành được vị trí đứng đầu, như Cleopatra hay Võ Tắc Thiên và Elizabeth I, song họ là những trường hợp ngoại lệ.

*

Chế độ gia trưởng ko thể là sản phẩm của 1 vài cái vòng luẩn quẩn. Nếu như điều này ở Á-Phi là kết quả của 1 vài sự kiện xảy ra ngẫu nhiên, vậy tại sao trong xh Inca và Aztec cũng như vậy? (dù họ ko tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong hàng ngàn năm).

Học thuyết phổ biến nhất đã đưa ra 1 thực tế là: nam giới khỏe và mạnh mẽ hơn phụ nữ. Họ sử dụng thể lực của mình để ép buộc đàn bà phục tùng mình (trong thực tế, đàn ông độc quyền thực hiện những nhiệm vụ nặng nhọc đòi hỏi sức khỏe lao động chân tay như cày bừa và thu hoạch. Nó cho phép họ quyền kiểm soát việc sx thực phẩm, qua đó biến thành quyền lực chính trị).

Ngoài ra, vấn đề lớn nhất của học thuyết này là: trong lịch sử, phụ nữ chủ yếu bị loại khỏi những công việc ít đòi hỏi những nỗ lực về thể lực (như đi tu, luật và chính trị), nhưng lại tham gia lao động chân tay nặng nhọc trên các cánh đồng, trong các ngành nghề thủ công và ở gia đình. Nếu quyền lực xh được phân chia theo mối quan hệ trực tiếp với sức mạnh thể lực hoặc khả năng chịu đựng thì phụ nữ hẳn sẽ có nhiều vị thế hơn.

Trong xh hái lượm, quyền lực chính trị thường dành cho những người sở hữu những kỹ năng xh tốt nhất chứ ko phải những người lực lưỡng với bắp thịt mạnh mẽ nhất. Ví dụ: trong băng đảng tội phạm có tổ chức, bố già ko nhất thiết phải là người khoẻ nhất. Ông ta thường lớn tuổi và hiếm khi sử dụng nắm đấm của mình; ông ta dùng những gã trẻ hơn và cường tráng hơn để làm những việc bẩn thỉu cho mình. Nếu có kẻ nào đó muốn chiếm vị trí ngôi đầu bằng cách đánh nhừ tử ông ta, thì có vẻ như hắn sống chưa đủ lâu để rút ra bài học từ sai lầm (sẽ phải trả giá đắt) của mình.

Ở hầu hết các xh, những tầng lớp thấp sẽ làm công việc lao động nặng nhọc. Điều này phản ánh vị trí của Homo sapiens trong chuỗi thức ăn. Nếu nhân tố quyết định chỉ gồm những cá thể với năng lực đơn thuần về thể lực, Sapiens sẽ chỉ ở nấc giữa của chiếc thang. Nhưng những KỸ NĂNG XH VÀ TRÍ ÓC đã đặt họ lên đỉnh.

Vì vậy, khó có thể tin rằng: phân tầng xh có ảnh hưởng nhất và ổn định nhất trong lịch sử được lập ra dựa trên khả năng về thể lực của đàn ông để ép buộc đàn bà.

*

Một học thuyết khác lý giải rằng: địa vị thống trị của đàn ông ko phải từ thể lực mà từ sự hung hăng. Hàng triệu năm tiến hóa đã làm cho đàn ông trở nên hung bạo. Đàn bà cũng đối chọi với đàn ông ở sự thù hận, lòng tham và sự lạm dụng. Khi tình trạng trở nên gay cấn, đàn ông có xu hướng sẵn sàng tham gia vào những cuộc chiến thô bạo. Điều này, được học thuyết này giải thích tại sao trong lịch sử, chiến tranh là đặc quyền của nam giới.

Từ những cuộc chiến tranh, sự kiểm soát của đàn ông làm họ trở thành những ông chủ trong xh dân sự. Sau đó họ sử dụng quyền này để gây ra những cuộc chiến khác, và càng nhiều chiến tranh, thì đàn ông càng có thêm quyền kiểm soát xh. Và tiếp tục như thế, cái vòng lặp lại này đã lý giải về sự có mặt khắp nơi của các cuộc chiến và chế độ gia trưởng.

Về nhận thức và xét về hệ thống hoóc-môn của đàn ông và đàn bà (những nghiên cứu gần đây) đã củng cố thêm giả định rằng: do khuynh hướng hung bạo của đàn ông mạnh hơn đàn bà, xét theo mức trung bình thì quả thật họ phù hợp để làm chiến binh hơn. Song, cứ cho là hầu hết chiến binh là đàn ông, vậy những người điều hành chiến tranh và tận hưởng quả ngọt của nó có nhất thiết phải là đàn ông?

Với câu hỏi trên, giống như việc 1 lực lượng lao động toàn người da đen  bị điều khiển bởi những người quản lý da trắng, tại sao 1 đội quân toàn đàn ông lại ko thể được chỉ huy bởi chính phủ toàn phụ nữ (hoặc có 1 phần là phụ nữ)? Thực tế từ lịch sử đã cho thấy: những kẻ đứng đầu ko nhất thiết leo lên từ bậc thấp nhất. Giới quý tộc, giới giàu có và giới học thức đã được mặc nhiên bổ nhiệm vào cấpsi4 quan mà chưa bao giờ phục vụ ngày nào trong quân đội.

Đàn bà là kiểu người thao túng và xoa dịu tốt hơn đàn ông, họ nổi tiếng với khả năng nhìn nhận tài tình (mọi thứ) từ quan điểm của kẻ khác. Điều hành 1 cuộc chiến tranh cần người biết hợp tác, biết khuyên giải, biết thao túng và nhìn nhận. Tất cả những điều này là phẩm chất của những người kiến tạo đế chế. Như vậy thì lẽ ra đàn bà phải là những chính trị gia xuất sắc, nhường lại công việc bẩn thỉu trên chiến trường cho các đấng nam  nhi đầy hoóc-môn nam tính nhưng tâm hồn lại đơn giản.

*

Ở Trung Hoa, có truyền thống lâu đời trong việc quy định quân đội phục tùng giới quan chức dân sự (những người ko dùng gươm giáo, nhưng thường điều khiển các cuộc chiến tranh). "Bạn ko nên tốn sắt tốt để làm những cái đinh'', câu tục ngữ Trung Hoa đã nêu rõ: những tài năng thực sự là những người thuộc hàng ngũ dân sự. Vậy tại sao chính quyền này lại là 1 tổ chức mà giới quan chức toàn đàn ông?

Một học thuyết khác (cách lý giải sinh học thứ 3) coi nhẹ vai trò tàn bạo. Quá trình tiến hóa đã khiến đàn bà và đàn ông có những điểm thích ứng (theo chiến lược sinh tồn và sinh sản khác nhau) vốn là đặc tính của giới. Thời gian trôi đi, những gen nam tính được truyền cho thế hệ sau sẽ là gen của những người đàn ông đầy tham vọng, hung hăng nhất, vượt trội nhất.

Còn đàn bà, với thiên chức thụ thai và nuôi con, họ cần sự hỗ trợ trong việc tìm kiếm thức ăn và che chở, giúp đỡ để bảo đảm cho sự sống sót của mình và những đứa con. Vì vậy, đàn bà có rất ít lựa chọn  ngoài việc phải chấp nhận bất cứ điều kiện nào mà đàn ông đưa ra.

Theo lý thuyết này, đàn ông dần dần trở nên đầy tham vọng, cạnh tranh và trội hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh, trong khi đàn bà quen với việc được chăm sóc và phục tùng, họ bỏ qua những bận tâm (về những việc mà họ cũng có khả năng hoàn thành) để dành đời mình cho việc nuôi dạy con cái.

Thế giới loài vật có 1 trật tự khác, ở những loài mạnh nhất hình thành 1 trật tự mẫu quyền. Chúng xây dựng xh với những con cái hợp tác giúp nhau trong việc nuôi dưỡng con mình. Trong khi đó, những con đực giữ vai trò đánh nhau và tranh giành với những con đực khác ko thuộc bầy đàn của chúng để giữ lãnh địa. Trong vai trò cạnh tranh, những con đực luôn coi mình là trung tâm vũ trụ. Và dù những con cái nói chung yếu ớt hơn, nhưng khi cần, chúng sẽ hợp lại để chống lại những con đực vượt quá giới hạn và đẩy những con đực này ra khỏi đường biên.

(Lược ghi từ cuốn Sapiens - Lược sử loài người của Yuval Noah Harari)

Monday, February 19, 2024

Cập nhật và nâng cấp bản thân

 Chỉ cần bạn tốt 1% hơn ngày hôm qua là được rồi.

 Lưu lại và đánh dấu sự thay đổi của bạn trong ngày hôm nay nha!

Tony Buổi Sáng Fan Club

VỤ THẢM SÁT TỔNG CHÚP

 Sáng nay, 19-2-2024, hương linh của các nạn nhân trong vụ thảm sát Tổng Chúp đã chính thức có nơi trú ngụ. Trong thư mời dự lễ khánh thành “Nhà Sinh hoạt cộng đồng kết hợp gian thờ các nạn nhân Tổng Chúp”, UBND thành phố Cao Bằng nhấn mạnh “sự quan tâm đặc biệt của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà hảo tâm”.

Vụ thảm sát diễn ra vào cách đây đúng 45 năm.

“Tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối”.

Sáng 5-2-2009, tôi cùng phóng viên ảnh Lê Quang Nhật tới đây, ngày 9-2-2009, trong bài báo đầu tiên nhắc lại cuộc chiến tranh hoàn toàn bị lãng quên từ sau Hội Nghị Thành Đô này, tôi viết:

“Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, ông Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách”. 

[Biên Giới Tháng Hai, Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9-2-2009, bản đưa lên báo online bị rút xuống ngay trong buổi sáng].

Ngày 17-2-2023, tôi lên Cao Bằng, cùng các CCB Trung đoàn 567 trở lại hiện trường. Tấm bia ghi lại tội ác này bị mất một cột đỡ, sụp xuống, “di tích” lặng chìm trong hoang vu. Tôi bàn với Hồ Tuấn và các anh trong Ban liên lạc CCB Trung đoàn 567, tìm hướng xây ở đây một am thờ. Các CCB, bằng cách của mình đã xây ở Cao Bằng hai đài hương, một ở hang Keng Riềng [thờ 26 thương binh và phụ nữ bị tàn sát trong ngày 2-3-1979]; một ở Lạc Diễn [thờ các thành viên trong Đội Văn công xung kích của Trung đoàn hy sinh đêm mùng 6 rạng ngày 7-3-1979].

Các CCB 567 nhận trách nhiệm xin thủ tục pháp lý ở địa phương, tôi đi xin tài trợ. Một nhà doanh nghiệp ở Sài Gòn đã đồng ý đầu tư toàn bộ công trình. Chúng tôi đã lên ý tưởng khôi phục lại giếng bằng 43 phiến đá. Nhưng, thủ tục thì có vẻ như vô vọng. 

Đang rất sốt ruột thì chiều 8-6-2023, nhà báo Lê Đức Dục khoác ba lô bước vào nhà tôi, nói, “Xong rồi anh ạ”. Lê Đức Dục vừa cùng đoàn của ông Trương Tấn Sang lên Cao Bằng khảo sát việc xây dựng nơi thờ các nạn nhân Tổng Chúp.

Lê Đức Dục là một nhà báo mà 16 năm qua, năm nào cũng lên Biên Giới vào dịp tháng Hai. Tháng 7-2022, anh cùng ông Trương Tấn Sang và các thành viên nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing lên Vị Xuyên. Lúc ấy, Nghĩa trang Vị Xuyên đã được tôn tạo khang trang, Đài hương 468 cũng đã được xây. Dục đem câu chuyện Tổng Chúp nói với vợ chồng anh Nhựt Tân và chị Tranh [Trưởng nhóm Chia sẻ].

Tháng 3-2023, ông Tư Sang ra Quảng Trị nhân dịp 50 năm trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn (1973), Dục khi ấy đang đi Quảng Ngãi, chị Tranh và anh Tân nhắn ra gấp “để trình bày cụ thể với chú Tư”. 

Tối 18-3-2023, Dục gặp ông Tư Sang, sau đó, anh tập hợp tất cả tư liệu, báo chí viết về Tổng Chúp. Bao gồm cả đoạn phim mà AP quay đươc ngay sau hai tuần xảy ra vụ thảm sát. Đoạn phim này được một bạn trẻ rất giỏi về phục hồi tư liệu tìm được từ kho tư liệu của hãng AP.

Ngày 28-4-2023, Lê Đức Dục viết thư cho ông Trương Tấn Sang: “Mong chú Tư tìm cách để xây cho 43 người dân vô tội này một nơi để nhang khói như nhờ có chú mà những người lính Vị Xuyên có một đền thờ trên đài hương ở Thanh Thủy vậy”.

Trong thư, Lê Đức Dục so sánh cuộc thảm sát Tổng Chúp với cuộc thảm sát Sơn Mỹ [Quảng Ngãi] năm 1968. 

Ngày 22-9-2023, tôi theo Lê Đức Dục lên Cao Bằng dự lễ khởi công. Gặp lại các CCB Trung đoàn 567 ở buổi lễ, chúng tôi nắm chặt tay nhau. 

Công trình được xây với sự tập trung các nguồn lực cao nhất [từ các nhà hảo tâm] để kịp khánh thành vào dịp 17-2-2024. Từ đầu năm Dương lịch tới nay, đã có hai nhà lãnh đạo trong “top 5” đến dâng hương ở Tổng Chúp.

Năm nay, cả tôi và Lê Đức Dục đều có việc nên không lên Biên giới vào tháng Hai. Trời ấm, có lẽ hoa đào đã lại nở thắm miền biên viễn.

*Mở đầu bài Biên Giới Tháng Hai tôi viết: "Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi".

Nhà báo Lê Đức Dục, ngoài cùng bên phải[10-2023]

Trương Huy San

Con đường của Hoàng Văn Hoan

HOÀNG VĂN HOAN VÀ NHỮNG "NƯỚC ĐI" CỦA BẮC KINH 

Ngày 3-7-1979, Phó Chủ tịch Quốc hội Hoàng Văn Hoan trên đường sang Đức chữa bệnh, khi máy bay của hãng Interflug quá cảnh ở Karachi, Pakistan, ông đã cáo bệnh ở lại, rồi hôm sau đánh lừa người bác sĩ đi cùng, đi taxi đến lãnh sự quán Trung Quốc. Ngày 5-7-1979, ông được đưa tới Bắc Kinh.

Đôi bên lặng ngắt. Hơn một tháng sau, ngày 5-8-1979, TTXVN mới phát đi bài phỏng vấn Tổng thư ký UBTV Quốc hội Xuân Thủy về “Vụ Hoàng Văn Hoan bỏ trốn”. 

Ngày 9-8-1979, từ Bắc Kinh, Hoàng Văn Hoan có “Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam”, buộc tội Lê Duẩn đã “khống chế đất nước”. Theo ông, trong lúc “nhân dân ta đang khao khát sống yên ổn [sau 30 năm chiến đấu gian khổ], xây dựng tổ quốc để mở ra con đường tiến tới tương lai tốt đẹp” thì, “triển vọng đó đã bị Lê Duẩn phá hoại hoàn toàn”.

Bức thư được đài Bắc Kinh và BBC phát đi như một quả bom, chấm dứt những đồn đoán trước đó. Không khí chính trị trong nước đã ngột ngạt, càng thêm ngột ngạt.

Hoàng Văn Hoan “nối gót” một người cùng quê, ông Hồ Tùng Mậu, xuất dương, trở thành “học trò lớp thứ Hai” của Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, rồi trở về quê thành lập Chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội đầu tiên ở Quỳnh Đôi. Ông sát cánh cùng Hồ Chí Minh ở “Đảng Cộng sản Xiêm”. Cùng một số người Việt giúp cụ Hồ Học Lãm đồng sáng lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội [Việt Minh]. 

Đầu năm 1942, ông về Cao Bằng, cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp “cố vấn cho tỉnh ủy Cao Bằng” xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Ông là một trong 7 người “theo chỉ dẫn của Bác Hồ trực tiếp xây dựng lực lượng vũ trang Cách mạng”[Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp và Phan Anh, Tạ Quang Bửu (từ Trường Thanh niên Tiền tuyến)].

Trong những ngày ngay sau 2-9-1945, ông là thứ trưởng Quốc phòng và được giao phụ trách công tác chính trị [Chính ủy toàn quân]. 

Năm 1956, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Trước Đại hội IV, 12-1976, Lê Duẩn cử ông đi “dự phiên họp đầu khóa của Quốc hội Cuba” và khi trở về thì Đại hội đã xong phần trù bị [làm nhân sự], Hoàng Văn Hoan bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị.

Trên bàn làm việc của Hoàng Văn Hoan được nói là luôn có một cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bằng chữ Hán[của một học giả người Nhật tặng] và một cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nhà Nho, hẳn biết rõ Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, vậy điều gì khiến ông quyết định đến Bắc Kinh khi Bắc Kinh vừa gây ra một cuộc chiến tranh và cả bộ máy tuyên truyền đang khiến nhân dân sục sôi chống “quân bành trướng”?

Ngày 18-5-1991, Hoàng Văn Hoan qua đời ở Bắc Kinh, hưởng thọ 86 tuổi. Theo đề nghị của ông, tro cốt được chia làm 3 phần: “Một phần rắc nơi đầu nguồn sông Hồng để tôi được về với Tổ Quốc Việt Nam thân yêu; Một phần lưu lại Trung Quốc để tỏ tấm lòng lưu luyến, biết ơn của tôi với ĐCS, nhân dân Trung Quốc và bà con Việt Kiều…”

Phần lưu lại được Bắc Kinh đặt trang trọng ở Bát Bảo Sơn, phần đưa về Việt Nam an táng tại quê nhà. Bia mộ ghi ba chữ, “Trung Chính Công” [bậc trung chính]. Hai bên có đôi câu đối: “Công danh kí sơn hà, thiên thu định luận/ Nhân cách tồn chính sử, lưỡng quốc lưu hương”. Trên đầu bia có dòng chữ "Cao chiêm viễn chúc"[nhìn xa trông rộng). Dưới ghi ”Kính tùng ngạo băng tuyết"[Cây tùng (cứng cỏi) coi thường băng tuyết. Câu này trích từ một bài thơ chữ Hán của Hoàng Văn Hoan với hai câu đầu, "Kính tùng ngạo băng tuyết/ Hàn đống độc thư nghiên"[Cây tùng cứng cỏi ngạo băng tuyết/ Trong sương giá vẫn một mình tươi xanh].

Sau khi Hoàng Văn Hoan “trốn sang hàng ngũ kẻ xâm lược nước ta”[lời của Tòa án], một người đồng chí của ông là Chu Văn Tấn cũng bị giam giữ. Chu Văn Tấn qua đời trong điều kiện bị giam lỏng vào năm 1985.

Ngày 26-6-1980, TAND TC đã tuyên xử tử hình Hoàng Văn Hoan về tội phản quốc. Báo chí thì đã “xử” ông không biết bao nhiêu giấy mực. 

Cứ cho là có “thiên thu định luận”. 

Nhắc lại câu chuyện Hoàng Văn Hoan hôm nay chỉ để nói câu chuyện “chơi bài” của Bắc Kinh. 

Ông Hoàng Văn Hoan làm Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh từ 1950-1957. Ngay khi có mặt ở TLSQ Trung Quốc ở Karachi, “ông mượn mấy đồng Rupi trả tiền taxi, rồi đi thẳng vào trong nhà tự nhiên như người quen biết cũ”. Khi cầm bức điện Hoàng Văn Hoan thảo gửi Lý Tiên Niệm [CTN], các cán bộ lãnh sự hiểu ngay vấn đề, họ “khẩn trương thu xếp chỗ ở kín đáo” cho ông. 

Ngay chiều hôm đó, Bắc Kinh trả lời và chỉ thị đưa ông tới Bắc Kinh “càng sớm càng tốt”.

Việc đầu tiên, Hoàng Văn Hoan được Trung Quốc đưa vào viện 103, nơi các bác sĩ phát hiện ông bị ung thư phổi. Bắc Kinh đã mời Viện trưởng Viện Ung thư Nhật và một đoàn chuyên gia Nhật sang, hội chẩn và cùng các bác sĩ Trung Quốc mổ cho ông. 

Ông không chỉ được chăm sóc chu đáo ở bệnh viện. Gần 12 năm ở Trung Quốc, Hoàng Văn Hoan được bố trí ở trong một biệt thự lớn gọi là “Lầu 10” nằm trên một đồi cao, phía trước là một vườn đào rộng mấy hecta, phía sau là núi, phía xa là hồ nước “rộng như hồ Ba Mẫu”. 

Lầu 10 nằm ở Ngọc Tuyền Sơn, một khu an dưỡng đặc biệt dành cho lãnh đạo cao cấp. Trong khoảng 1965-1968, Hồ Chí Minh cũng đã mấy lần ở Lầu 1 của Ngọc Tuyền Sơn[cách Lầu 10 hơn 1 km]. 

Ngoài phòng khách, phòng làm việc, phòng giải trí, phòng ngủ, phòng làm thuốc… Lầu 10 còn có nhiều phòng khác cho thư ký, cận vệ, cần vụ, cấp dưỡng, y tá, lái xe… Bắc Kinh cũng dành cho Hoàng Văn Hoan một xe Hồng Kỳ, loại xe chỉ “lãnh đạo tối cao” của Bắc Kinh mới được sử dụng.

Bắc Kinh là thế. 

Năm 1970, Norodom Sihanouk bị Lonnon lật đổ khi ông đang ở thăm Mascova. Chủ tịch HĐBT Liên Xô, Aleksei Kosygin, chỉ cho ông Hoàng biết tin trên đường tống tiễn ra sân bay. Nhưng Bắc Kinh không chơi như vậy. Bắc Kinh vẫn đón Sihanouk theo lịch trình và Chu Ân Lai đã yêu cầu các đại sứ nước ngoài đang ở Bắc Kinh cùng ra bay đón ông Hoàng dù Vua không còn ngai nữa.

Sihanouk cũng ở Ngọc Tuyền Sơn trong nhiều năm với rất nhiều cung nữ và các đầu bếp thượng hạng, có đủ Tây, Tàu.

Bắc Kinh không đặt cược hết vào Khmer Đỏ. Người Trung Quốc biết Pol Pot, Yeng Sary được những người CS Việt Nam đưa vào Đảng ở Paris. Cũng những người CS Việt Nam đảm bảo cho Pol Pot, Yeng Sary tiếp tục sinh hoạt trong tổ chức đảng khi quay về CPC. 

Bắc Kinh thường chỉ hậu thuẫn cho các tổ chức Maoist ở Đông Nam Á như những nhóm phiến quân. Khi đó, Bắc Kinh vẫn tưởng, Khmer Đỏ lên nắm quyền thì sẽ thân Hà Nội hơn. Việc để Khmer Đỏ đứng chung với Sihanouk, sử dụng uy tín quốc gia của ông là do nỗ lực nhiều hơn từ Hà Nội.

Từ năm 1973, theo Thượng tướng Trần Văn Trà, “Ta giúp bạn giải phóng các tỉnh phía Đông CPC”. Năm 1975, đặc công Việt Nam đã giúp Khmer Đỏ đánh sập cầu Chhroy Chhangva và pháo binh Việt Nam đã khống chế sân bay cũng như hỏa lực của Lonnon, giúp Khmer Đỏ nắm quyền ở Phnom Penh trước khi “giải phóng Sài Gòn” hai tuần.

Tôi vừa đọc xong hồi ký của một người Khmer sống sót qua chế độ Pol Pot. Ông là một trong 3 người còn lại trong số khoảng 800 người “Khmer tập kết” mà Hà Nội giao cho Pol Pot, Ieng Sary đầu thập niên 1970s. Rất nhiều người trong số họ đã cố gắng đào thoát sang Việt Nam trước khi Khmer Đỏ lên cầm quyền nhưng đã bị trả lại cho Khmer Đỏ.

Chúng ta đổ xương máu để “rèn” Khmer Đỏ thành một con dao găm. Để rồi Bắc Kinh là người đã nắm đằng cán để thúc lưỡi dao ấy vào sườn phía Tây Nam của Tổ Quốc. 

Năm 1990, khi Lê Đức Anh muốn “giải pháp đỏ” thì Bắc Kinh đã chuẩn bị chơi quân cờ khác. Cộng sản Bắc Kinh sử dụng các quân cờ vì nó sử dụng được chứ không vì nó xanh hay đỏ. 

Ngày 14-11-1991, khi chiếc Boeing đưa Sihanouk từ Bắc Kinh về lại Phnom Penh, xuất hiện cùng ông ở cầu thang máy bay là Hun Sen. Năm 1998, khi đã thiết lập được những mối quan hệ vững chắc với Phnom Penh, Bắc Kinh cắt hầu bao, Khmer Đỏ mới thực sự tan rã. 

Cho dù, trong các cuộc can thiệp quân sự ra nước ngoài trên thế giới từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay, CPC là một điển hình thành công. Chính quyền do Việt Nam dựng lên vẫn tồn tại sau 35 năm rút quân. Nhưng, ai thực sự đắc lợi từ chính quyền ấy mới là điều rất cần suy nghĩ.

Trở lại với câu chuyện Hoàng Văn Hoan trong đoạn kết của cuộc chiến tranh Biên giới Việt - Trung.  

Ngày 29-3-1990, trong một hội nghị quốc tế kỷ niệm “100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với con trai Hoàng Văn Hoan, ông Hoàng Nhật Tân, “Mình nghe nói Trung ương đã quyết định để Tân sang Trung Quốc thăm cụ Hoan”. Và khi ông Tân đến chào Thứ trưởng Ngoại giao Đinh Nho Liêm thì ông Liêm rất niềm nở và nói là “sẽ cử cán bộ đến nhà bàn việc gia đình sang Bắc Kinh thăm ông cụ”.

Ngày 31-3-1990, hai cán bộ ngoại giao đến nhà chính thức thông báo “việc sang Bắc Kinh thăm ông cụ đã được Trung ương chuẩn y”. Cả Bộ Ngoại giao Việt Nam và Sứ quán Trung Quốc nhanh chóng làm thủ tục để phu nhân, con trai và cháu nội Hoàng Văn Hoan đi Trung Quốc hai tuần sau đó. Họ được đón tiếp nồng hậu tại Cửa khẩu. Ngày 17-4-1990, đích thân Bí thư Khu Tự trị Quảng Tây tiễn 3 mẹ con lên một khoang tàu sang trọng chạy đến Bắc Kinh.

Sau một thời gian bố trí cho gia đình thăm thú Trung Quốc và trị bệnh cho bà Hoàng Văn Hoan, chiều 4-7-1990, Giang Trạch Dân tới Ngọc Tuyền Sơn thăm Hoàng Văn Hoan và gia đình. Ngày 7-7-1990, “Hoàng Lão” được mời vào Trung Nam Hải hội kiến với “đồng chí Giang Trạch Dân”, ông Hoàng Nhật Tân và “đích tôn”, Hoàng Thái, cũng được đưa vào để tối ấy Giang Trạch Dân đãi tiệc.

Ngày 12-8-1990, hai ngày sau khi về tới Hà Nội, ông Hoàng Nhật Tân viết thư cho TBT Nguyễn Văn Linh, hôm sau, TBT Nguyễn Văn Linh cho xe Lada tới tận nhà đón ông lên Văn phòng gặp. Tinh thần “cuộc hội đàm” giữa Giang Trạch Dân và Hoàng Văn Hoan đã được Hoàng Nhật Tân chuyển về Hà Nội. Ông Tân sau đó còn tiếp xúc với Nguyễn Cơ Thạch, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng… 

Ngày 3-9-1990, TBT Nguyễn Văn Linh đi Trung Quốc, một cuộc gặp cấp cao diễn ra bí mật, về sau được biết với tên gọi, “Hội nghị Thành Đô”.

Chúng ta không biết hết những con đường dẫn đến bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, nhưng, con đường Hoàng Văn Hoan là rất trực tiếp.  

Rồi ai “định luận”.

Trương Huy San

Sunday, February 18, 2024

Bắc Kinh và lực lượng Khmer Đỏ

(Chuyện ngoài lề): thêm sự kiện và con số theo dòng thời gian cho những bác quan tâm (trích nhiều tư liệu từ sách Brother Enemy của Nyan Chandra): 

...

Campuchia, đất nước có đến 10 tỉnh chung biên giới với Việt Nam trải dài trên cả ngàn km, từ lâu đã âm ỉ mầm mống bất hòa với láng giềng :

-Tháng 6/1969 lúc QĐNDVN đang khó khăn nhất, Lon Nol vừa nhậm chức Thủ tướng đã đâm nhát dao vào lưng Việt Nam bằng lệnh ngưng toàn bộ gạo và nhu yếu phẩm tiếp tế cho Việt Nam qua đường Campuchia.

- Ngay từ khi Mặt trận Khmer Đỏ mới hình thành, thủ lĩnh Khmer Đỏ là Pol Pot, vốn là du học sinh ngành điện thi rớt ở Paris, đã ngấm ngầm bất hợp tác với VN. Pol Pot bác bỏ thẳng thừng đề nghị của VN thành lập bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp, trong cuôc thương thảo ở Hà Nội với TBT Lê Duẩn năm 1970, 

-1970-71, quan hệ giữa lính Khmer Đỏ và QĐNDVN ở những vùng mới giải phóng ngày càng căng thẳng. Quân Khmer Đỏ nổ súng vào sau lưng lực lượng QĐNDVN đang tấn công quân Lon Nol tại Kompong Thom (Theo báo cáo của CIA tháng 9 năm 1970,.(29) 

-Sang 1973, không những tàn sát kiều dân Việt Nam, mà họ gọi là “gián điệp”, Khmer Đỏ còn giết cả những đảng viên Campuchia có thiện cảm với VN. Trước khi Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định Paris , Khmer Đỏ đã trục xuất những đơn vị quân đội Việt Nam từng giúp Campuchia đánh Lon Nol) đóng trên đất Campuchia về nước. Hiệp định Paris 1973 cũng đánh dấu thời kỳ Khmer Đỏ bắt đầu tấn công các vị trí quân sự Việt Nam, bệnh viện, và các căn cứ trong nội địa Campuchia. Phía Pol Pot giải thích đó là do sự “hiểu lầm và vô kỷ luật” của binh lính cấp dưới. 

-Hai nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam bị “giết nhầm” khi đang tham quan tỉnh Kompong Cham tháng 10/1973.

-Tháng 8/1974, 71 cán bộ vùng phía Đông Campuchia từng tập huấn tại Hà Nội bị “tập trung học tập”, bị khiển trách nghiêm khắc phải trốn qua Việt Nam, 10 người mất tích. Số còn lại bị bắt, bị cưỡng bức lao động có giám sát. Tại Tây Nam Campuchia, 91 cán bộ từ Hà Nội về đã bị hành quyết tháng 9/1974. Một ít trong số đó sống sót, trốn thoát và chạy qua Việt Nam. 

-Tháng 2/1975, một nhóm cán bộ văn hóa của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã bị phục kích bắn chết hết

-Ngay khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Campuchia ngày 17-4-1975, , Pol Pot, kẻ dân tộc cực đoan và thù hận sâu sắc với Việt Nam đã ra lệnh trục xuất tức khắc người Việt  khỏi CPC và phái quân đội tới sát biên giới. Bị Việt Nam phản ứng quyết liệt, hắn thừa nhận có hành động xâm lấn, tuy nhiên giải thích sự “đụng chạm đẫm máu và đau lòng” đó là do binh lính không biết rõ tình hình địa lý địa phương. 

-Từ 3- 5/5/1975, Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Phú Quốc. Việt Nam yêu cầu rút, nhưng Khmer Đỏ không chấp nhận buộc Việt Nam phải phản công. Khmer Đỏ thanh minh “không biết đó là đảo của Việt Nam”. 

-Ngày 8/5/1975, Khmer Đỏ liên tiếp xâm nhập từ Hà Tiên, An Giang, Tây Ninh, Gia Lai, Kon Tum. 

-Ngày 10/5/1975, Khmer đỏ đánh phá đảo Thổ Chu bắt 500 dân Việt Nam. Khi Việt Nam trao trả 400 tù binh bị bắt ở Phú Quốc, Khmer đỏ hứa sẽ trao trả dân Việt Nam nhưng sau đó thủ tiêu hết. 

-Ngày 20/5/1975, Hội nghị Trung ương Khmer Đỏ họp đề ra ba chủ trương lớn: 1.”Làm trong sạch nội bộ nhân dân”, 2. xác định Việt Nam là kẻ thù số một truyền kiếp, và 3. xây dựng “xã hội mới” ở Campuchia: không chợ, không tiền bạc, không tri thức, không trường học, không tôn giáo, không đô thị. 

Một chương trình cưỡng bách lao động để tiến nhanh tới xã hội chủ nghĩa, mục đích làm cho Campuchia mau lớn mạnh để có thể “ngăn chặn kẻ thù làm hại chúng ta”. Chính sách kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, thủ tiêu thương nghiệp ngày càng siết chặt triệt để. Mười ngàn người bị đưa về trại khổ sai công cộng nông thôn, bị buộc làm việc như súc vật, thiếu ăn, bị trừng phạt tới chết nếu hé răng than phiền vất vả. Dân thành thị bị coi là tiêm nhiễm tư tưởng tiểu tư sản, phải được thanh lọc bằng lao động chân tay. Những ai yếu sức thì coi như không ích lợi gì cho cách mạng Campuchia. “Có họ (dân thành phố) cũng chẳng được gì, không có họ cũng chẳng mất gì.”-là câu mà cán bộ Khmer Đỏ thường nhắc đi nhắc lại trong các buổi nói chuyện. Angka tuyên bố thà chỉ giữ lại từ một đến hai triệu người thật sự trung thành còn hơn duy trì từ sáu đến tám triệu “kẻ thù giai cấp”. Theo Pol Pot, những ai chống lại hoặc thắc mắc cũng là tay sai đế quốc hay gián điệp Việt Nam, cố ý phá hoại bước đại nhảy vọt của Campuchia. 

Theo nhà báo Nyan Chandra, “tháng 2/1976, một nhóm các nhà ngoại giao Âu, Ả Rập, Phi có cơ sở ở Bắc Kinh được cho phép thăm Phnom Pênh, họ thấy một thành phố ma, một nền kinh tế không có tiền tệ lưu hành, ngân hàng quốc gia đóng cửa và những chứng phiếu rãi rác, bay theo gió trên các đường phố. Họ không thể quên được khung cảnh này kinh hoàng như thế nào”. [425]. Hơn 2 triệu người dân Campuchia, bằng 1/3 dân số đất nước thời đó đã bị giết chỉ trong vòng hơn ba năm từ 1975-1978, Người dân bị xử tử, tra tấn cực hình như thời trung cổ . 

Đối với nước Việt Nam láng giềng, sự thù địch của CPC nhận được cổ vũ hết lòng của ông lớn đồng minh phương Bắc với lịch sử cả ngàn năm đô hộ Việt Nam. Chiến thắng năm 1975 dường như đem lại cho Trung hoa cơn ác mộng về một nước Việt Nam hùng mạnh và thống nhất. 

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rạn nứt từ lâu, nhất là sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nixon năm 1972. Giữa lúc chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, thì thỏa thuận bắt tay “anh không động đến tôi, tôi không động đến anh” giữa Mỹ và Trung Quốc như dao đâm sau lưng, tạo điều kiện cho Mỹ đánh B52 Hà Nội, Hải Phòng. Năm 1974, Trung Quốc cho quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước sự làm ngơ của Hoa Kỳ. Tuy giúp đỡ trong kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc một mực không muốn cho Việt Nam thống nhất đất nước. Rất nhiều lần Mao, Chu Ân Lai khuyên lãnh đạo Việt Nam không nên tấn công giải phóng miền Nam, ”phải trường kỳ mai phục, chổi ngắn không quét được dài”. Bắc Kinh muốn Hà Nội chỉ tiếp tục chiến tranh du kích có giới hạn chống Hoa Kỳ, trong khi lãnh đạo tai Hà Nội muốn tiến hành chiến tranh quy mô để thống nhất đất nước.[426]) Sau chiến thắng 30-4-1975, nước Việt Nam đầy tự tín, quân đội hùng mạnh, được coi là đang bớt dần nghĩa vụ tôn kính với kẻ khổng lồ phía Bắc. 

Vào tháng 9-1975, vì những bất đồng trong xung đột biên giới, quan hệ thỏa thuận tay đôi với Liên Xô, và vấn đề Hoa kiều ở Việt Nam, TBT Đảng LĐVN Lê Duẩn đã rút ngắn thời gian thăm hữu nghị Trung Quốc. Đoàn rời Bắc Kinh hai ngày, ngay trước lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc (1-10) mà không tổ chức tiệc đáp lễ, cảm tạ lòng hiếu khách của Trung Hoa như thông lệ ngoại ngoại giao, cũng không ký thỏa thuận chung, không đưa ra bất cứ phát biểu hoặc thông cáo nào về cuộc viếng thăm. [427]. Đối với một Trung Hoa Đại Hán đã quen  quan hệ ngoại giao kiểu phục tùng triều cống từ ngàn năm của Việt Nam, thì những biểu hiện này bị coi là sự xấc láo bướng bỉnh khó dung tha. Việc Việt Nam củng cố mối quan hệ với Liên Xô, kẻ thù phương Bắc của Trung Quốc là một sự coi thường đặc biệt gây khó chịu. Bắc Kinh bắt đầu nói về một Việt Nam "hắc tâm", "vô ơn", "ngạo ngược".. Cũng trong chuyến thăm này, Trung Quốc thông báo rằng sẽ không giữ mức viện trợ như đã hứa năm 1973. Viện trợ của Trung Quốc sau đó giảm mạnh và đến năm 1978 thì cắt toàn bộ. Điều kiện tiên quyết Trung Quốc đặt ra cho Việt Nam để nối lại viện trợ là phải từ chối tất cả các khoản viện trợ của Liên Xô.

Ngày 6/2/1976, trong khi đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội chính thức bày tỏ “quan ngại” về việc VN buộc nhóm thiểu số người Hoa ở miền Nam nhập quốc tịch, thì một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Hoa lên đường thăm Phnom Pênh để bàn bạc thỏa thuận viện trợ quân sự. Wang Shangrong, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa báo với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Son Sen, quyết định của Trung Hoa về việc cung cấp bộ phận rời cho pháo binh, thuyền tuần phòng, và trang bị phòng không. Ngày 2/10i, một thỏa ước viện trợ quân sự không hoàn lại cho Campuchia được ký kết. Việt Nam, một lần nữa, đứng trước đe dọa một cuộc chiến tranh. Tuy cố gắng kiềm chế, tránh xung đột, nhưng từ giữa những năm 1976, quan hệ Việt - Trung đã xấu đi rất nhanh chóng.

Đêm 30/4/ 1977, Khmer Đỏ bất thần mở cuộc tấn công lớn thứ hai vào các làng Việt Nam dọc toàn tuyến biên giới. Riêng ở An Giang, chúng tấn công 13/15 xã và 13 đồn biên phòng, tàn sát dân thường, đốt nhà cửa. Chỉ riêng cuộc tấn công vào Tịnh Biên cũng đã giết một trăm dân thường. Không một lý do nào được đưa ra. Chọn đúng ngày Việt Nam mới kỷ niệm thống nhất đất nước được hai năm, Khmer Đỏ muốn “chứng minh rằng người Campuchia có đủ khả năng đánh vào lãnh thổ Việt Nam" [428]

Dân Sài Gòn từ lâu đã nghe phong thanh từ những người sống sót trốn thoát về kể những vụ thảm sát rùng rợn của Khmer Đỏ dọc biên giới. Khi một nhà báo Hungary được cho phép tới tận nơi thuộc biên giói Tây Ninh lần đầu tiên, anh ta đã qua sốc vì không chuẩn bị tình thần để chứng kiến một quang cảnh kinh khủng như vậy. Từ nhà này qua nhà khác, những xác đàn ông, đàn bà bị cháy đen, sình to và xác trẻ em rải rác đây đó. Có xác bị chặt đầu, bị mổ bụng, có xác thì mất chân tay, bị móc mắt….Những hình ảnh đó chẳng có cơ hội được đăng tải do phóng viên đã bị công an Việt Nam tịch thu máy ảnh, cấm đưa tin. Việt Nam vẫn không tiến hành một cuộc phản công đáp trả nào. Thế giới bên ngoài chỉ biết rất mơ hồ về cuộc thảm sát này. 

Theo một số tài liệu (cần kiểm tra để xác nhận chi tiết này). thì tháng 7, Đại tướng Võ Nguyên Giáp công khai đi thị sát vùng biên giới, như một lời cảnh cáo ngầm cho phía Campuchia phải ngừng tiến công  Nhưng, theo nội dung của Sách đen, Pol Pot lại xem đó là một dấu hiệu của việc Việt Nam đang lựa chọn một chiến lược mới nhằm nuốt chửng Campuchia;

Ngày 28/9/1977, chuẩn bị kỷ niệm lần 28  Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hàng trăm ngàn dân Bắc Kinh được huy động đứng hai bên đường từ phi trường để chào đón thượng khách đặc biệt.  Khi chiếc Boeing 707 của Trung Quốc dừng hẳn, những lãnh tụ Khmer Đỏ trong trang phục áo đen cổ Mao tươi cười xuất hiện ở cửa máy bay. Pol Pot, lãnh tụ Khmer Đỏ lần đầu tiên ra mắt thế giới, nồng nhiệt bắt tay tám nhân vật lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, tức là gần một phần ba các yếu nhân quyền lực trong Bộ chính trị, gồm cả Phó Thủ tướng mới được phục chức Đặng Tiểu Bình, đều chờ ở chân cầu thang máy bay, để bày tỏ tình thân hữu của Trung Hoa với nước Campuchia dân chủ. Pol Pot cùng Thủ tướng kiêm chủ tịch đảng Hoa Quốc Phong đứng trên xe mui trần chạy từ sân bay giữa đám đông khua chiêng trống, vẫy cờ giấy Campuchia, thả hàng trăm hàng ngàn bong bóng lên trời. 

Không mấy ai biết năm ngày trước đó, đêm 24 rạng ngày 25-9-1977, Khmer Đỏ huy động bốn sư đoàn mở một cuộc tấn công đẫm máu thứ ba dọc tất cả biên giới Tây Ninh (phía Bắc Mỏ Vẹt) và một số làng bên trong Việt Nam. Tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, 592 người dân Việt Nam bị giết hại. Chọn thời điểm trước chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc, các cuộc tàn sát ở Tây Ninh là món quà Pol Pot mang dâng cho Bắc Kinh cho chuyến đi hai ngày sau đó, chứng tỏ cho Trung Hoa thấy quyết tâm của Campuchia chống lại Việt Nam.

Ảnh tư liệu (từ trái qua: Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai, Pol Pot, Ieng Sary

(Từ Hồi Ức Về Tướng Cao Văn Khánh)

Saturday, February 17, 2024

Trở lại với người QUẢNG

 Biết nhiều người vùng khác ko hiểu họ nói gì, họ hay nói: Ta núa chấp mi nghe hiểu hết á !

Thấy máy bay, họ sẽ kêu: Chiếc má ba.

Gặp má và ba, họ kêu: Móa boa.

Nếu thắc mắc: Mi núa cứa chi rứa mi?

Hỏi ý: Chừ mi tính reng?

Làm ngày làm đêm: Lồm đem không đủ tranh thủ lồm ngà.

Chê chuyện tào lao: Núa bóa xồm bóa lốp!

Hỏi: Máy rứa?

       Con cua có máy cứa coàn?

       Đi mô rứa?

Nghe nói nhiều: Bỏa núa nghe mắt mệch.

Than nắng nóng: Náng chi mòa hén náng kinh!

Nói với con cháu: Bòa ngụa mi dề kìa.

                             Choa mi!

                             Chi kinh rứa!

                             Cứa thèng hén hạc giủa kinh!

                             Hén thi đạo Đựa hạc Đòa Nẽng. 

                             Hén chạ xe như eng cướp!

                             Cứa thèng nứ hén thiệt tình lám!

Khác: Đi đổ xeng đi chứ chiều hén lên gióa chừ...

         Đạo phụng

         Soảng hòn

         Méc kinh rứa

         Eng soáng

         Thổm hụa của nhân lụa

         Cứa bót đánh reng

         Mùa mưa bổ

         Bổ cấp mười hưa

         Dẹt đồ

         Gụa điện thụa

         Phang boa bổ tốp không bèng ngữ phốp Việt Nôm

         Mọt, hưa, boa, bón, nam, xá, bả, tốm, chín, mừ,...

(Bạn gửi onl)

Friday, February 16, 2024

Người rảnh thích tám nhiều chuyện

Boy: E cho a số đt của e nha. Có gì rảnh ta tám chuyện.

Girl: E có 3 số, a lấy số nèo?

Boy: Cả 3 số luôn!

Girl: Dợ, hai ba bửa tém một bửa*.

Boy: Chuyện tắm rửa để sau tính. Số đt của e á!

Girl: Dợ, năm séo bửa, không tém, không tém!**

Boy: Vậy sao! E vẫn chưa cho anh số đt của e.

Girl: Mèng eei! Số chót nè: Tém chín bửa một năm không tém.***

Boy: Con lạy mẹ!

------------

(*): 237817

(**): 567-0808

(***): 8971508

Chuyện vui (bạn gửi)

Thursday, February 15, 2024

SAPIENS: Lịch sử và công lý

1000 năm sau Cách mạng Nông nghiệp, con người tiếp tục tự tổ chức xh của mình trong những mạng lưới hợp tác đại chúng. Do đặc điểm tiến hóa khác biệt với muôn loài (thiếu những bản năng sinh học tự nhiên cần thiết), con người đã sáng tạo ra các TTTT và chữ viết. Những phát minh này giúp họ lấp được khoảng trống mà sự kế thừa sinh học để lại.

TTTT do con người thiết lập, đến nay, ko trung lập và cũng ko công bằng. Chúng chia con người theo những nhóm ko có thật (phân tầng theo hệ thống xh). Tầng lớp trên cao được hưởng đặc quyền đặc lợi và quyền lực. Tầng lớp dưới, đông hơn, phải chịu sự phân biệt đối xử, thậm chí còn bị áp bức (giữa nam và nữ, da trắng và da đen, người giàu và người nghèo).

Sự bất công hiện nay có thể đúc kết với câu nói của Bill Gates: "Life is not fair. Get used to it!"*

Sự thuần khiết ở châu Mỹ

Châu Mỹ hiện đại cũng như trong xh Hindu, phân biệt đối xử theo đẳng cấp đã trở thành quan niệm khó xóa bỏ (trong cái vòng luẩn quẩn) do bị ảnh hưởng nặng nề trong 1 thời gian dài, mặc cho mọi cố gắng của chính quyền để phá bỏ nó vì 1 nền dân chủ trong sạch.

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, những kẻ chinh phục từ châu Âu đã đưa hàng triệu nô lệ châu Phi đến châu Mỹ. Những người da trắng chọn nô lệ châu Phi vì so với châu Âu hoặc Đông Á có 3 yếu tố quyết định.

Thứ nhất: Nô lệ từ Senegal sẽ rẻ hơn từ Việt Nam (do châu Phi gần hơn).

Thứ hai: Việc buôn bán nô lệ ở châu Phi đã là 1 ngành tồn tại từ lâu và phát triển mạnh (chủ yếu xuất khẩu sang Trung Đông), trong khi ở châu Âu việc này rất hiếm.

Thứ ba: Quan trọng hơn cả. Các khu mỏ và đồn điền ở Virginia, Haiti và Brazil đều có dịch bệnh nguồn gốc từ châu Phi làm người châu Âu bị chết hàng loạt. Trong khi người châu Phi qua nhiều thế hệ đã có sự miễn dịch.

Ở đây, ưu thế về gen (khả năng miễn dịch) bị hiểu thành sự thấp kém hơn về mặt xh. Do những yếu tố về hoàn cảnh như vậy, một xh mới đang phát triển lúc đó ở châu Mỹ được phân chia thành tầng lớp cai trị châu Âu da trắng và tầng lớp bị nô dịch hoá là người châu Phi da đen.

Các chuyên gia về thần học tranh luận rằng: tổ tiên của người châu Phi là Ham, con trai của Noah, bị cha mình chất gánh nặng lên vai với lời nguyền: hậu duệ của cậu cũng là những nô lệ. Những nhà sinh học cũng tranh luận rằng: người da đen kém thông minh hơn và ý thức đạo đức cũng kém phát triển hơn. Các bác sĩ cũng đồn rằng: người da đen sống trong rác rưởi và lan truyền bệnh tật - nói cách khác: họ là nguồn gốc của sự ô uế.

Những câu chuyện này vẫn còn ảnh hưởng rất lâu trong văn hóa châu Mỹ và văn hoá phương Tây, cả sau khi các điều kiện sinh ra chế độ nô lệ đã biến mất. Sự phân biệt chủng tộc được duy trì dựa trên pháp luật kỳ thị chủng tộc và tập quán xh.

Kết quả là 1 cái vòng luẩn quẩn của chu trình nguyên nhân và kết quả tự củng cố. Sau cuộc nội chiến, ở miền Nam Hoa Kỳ, 1 người da đen sinh ra tại Alabama ko có nhiều cơ hội nhận được sự giáo dục tốt và 1 công việc được trả lương cao so với người hàng xóm da trắng của mình. Con cái của anh ta (sinh trong giai đoạn 1880-1890), bắt đầu cuộc đời với các bất lợi tương tự - chúng cũng được sinh ra trong những gia đình nghèo và kém giáo dục như đa số những đứa trẻ da đen khác.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày càng lan rộng. Cái đẹp của người da trắng với những thuộc tính của chủng tộc (da sáng, tóc vàng, mũi cao) được xây dựng trở thành tiêu chuẩn cho cái đẹp trong văn hóa thẩm mỹ của người Mỹ. Ngược lại, những đặc điểm điển hình của người da đen (da sẫm, tóc đen và rậm, mũi bẹt) bị coi là xấu xí. 

Những cái vòng luẩn quẩn này đi xuyên qua các thế kỷ, chúng duy trì sự phân tầng tưởng tượng, thứ xuất phát từ 1 sự kiện tình cờ. Theo thời gian, sự đối xử ko công bằng ngày càng tệ hơn. Tiền đẻ ra tiền, và nghèo khó lại dẫn đến nghèo khó. Giáo dục dẫn đến giáo dục, và ngu dốt lại hoàn ngu dốt. Nạn nhân của lịch sử có thể lại trở thành nạn nhân lần nữa. Và những người mà lịch sử ban cho đặc quyền có thể lại nhận được đặc quyền.

(Lược ghi từ cuốn Sapiens - Lược sử loài người của Yuval Noah Harari)

(*): đoạn này tôi tự viết (ko phải của Yuval Noah Harari)

Wednesday, February 14, 2024

Hungary: Đất nước & con người

Tìm hiểu Budapest: PECZ SAMU VÀ “NHÀ ĐỎ”

Từ sân bay về trung tâm thủ đô Budapest, nếu theo con đường “chính tắc” - Üllői út -, trước sau chúng ta sẽ thấy bên tay trái, ở góc đường nơi giao nhau của đường Üllői và con lộ mang tên bá tước Haller, có một tòa nhà gạch đỏ rất bề thế và ấn tượng. Đó là khu nhà dành cho các viên chức của Vương quốc Hungary, được xây dựng thời kỳ 1911-1912, tức là chỉ ít năm trước khi Đế chế Áo - Hung rơi vào lò lửa của Đệ nhất Thế chiến mà kết cục là nước Hung lịch sử mất hai phần ba diện tích đất nước bởi Hiệp định hòa bình Trianon năm 1920.

Tòa nhà mang tính biểu tượng ấy của Ferencváros (Quận 9) nói chung, và của Quảng trường Nagyvárad nói riêng - nơi bốn bề đều tọa lạc những công trình kiến trúc đáng kể - là tác phẩm vào thời gian cuối đời của kiến trúc sư bậc thầy Pecz Samu (1854-1922), giáo sư Đại học Kỹ thuật Budapest (BME), đồng thời là tác giả nhiều công trình nổi tiếng của Hungary như Khu chợ Trung tâm Budapest, Nhà thờ Tin Lành ở TP. Debrecen, “Cầu Than thở” và thư viện trường BME, Nhà thờ Tin Lành ở Quảng trường Szilágyi Dezső (Quận 1, Budapest)...

Pecz Samu cũng là người thiết kế quần thể Nhà thờ Lutheran và Trường Trung học Lutheran Budapest tại phố Bajza (Quận 7, Budapest), một trong những cơ sở giáo dục phổ thông danh tiếng nhất thế giới với đội ngũ các nhà giáo hàng đầu, và các học sinh xuất chúng mà trong đó, có thể nhắc tới nhiều tên tuổi nổi bật như Neumann János, Kandó Kálmán, Teller Ede, Harsányi János (Giải Nobel Kinh tế học, 1994), Wigner Jenő (Giải Nobel Vật lý, 1963) cùng hơn 30 viện sĩ, các nhà khoa học và đại diện lớn của nền văn hóa, chính trị và xã hội Hung.

Tác phẩm lớn cuối cùng - có thể đặt dấu chấm lên sự nghiệp vĩ đại của vị kiến trúc sư - là Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hungary (Quận 1, Budapest) được xây dựng thời kỳ 1922-1923, nhưng rất tiếc là Pecz Samu đã qua đời giữa chừng vào năm 1922. Được xem như bậc thầy của trường phái Tân Gotich tại Hungary, tên tuổi của Pecz Samu được trân trọng đặt cạnh những “thủ lĩnh” khác như Steindl Imre, Hauszmann Alajos hay Ybl Miklós, những người mà thiếu họ, Budapest và phần nào đó, Châu Âu đã không có được diện mạo như ngày hôm nay.

Trở lại tòa “Nhà Đỏ” (Piros-ház) theo cách gọi đương thời ở địa chỉ số 88 phố Haller, giới kiến trúc nhận định rằng Pecz Samu “tạo ra một bầu không khí và thế giới hoàn toàn khác ở Budapest so với các cung điện do Ybl Miklós thiết kế, hoặc các tòa nhà công cộng hoành tráng của Hauszmann Alajos”, vì vị kiến trúc sư “không làm sống lại các nét thời Phục hưng hay Baroque, mà là phong cách Romanesque và Gothic của thời Trung cổ” qua sự thể hiện các đỉnh, chóp, vòm, những bức tường thành kiên cố như pháo đài, mang dấu ấn thành trì.

Bên cạnh đó, tòa nhà không chỉ gợi nhớ các đường nét thời Trung cổ, mà còn đặc thù cho nghệ thuật của Pecz Samu với việc sử dụng gạch đỏ thô và gốm Zsolnay, điều mà ông rất yêu thích và đã dùng ở nhiều công trình khác. “Nhà Đỏ” chứa 132 căn hộ và 16 cửa hiệu, đặc trưng cho sự phát triển của Budapest đầu thế kỷ 20: từ một đô thị “tụt hậu” do chiến tranh liên miên, trong những năm tháng của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung, thủ đô của Hungary đã trở nên một đô thị phát triển năng động bậc nhất Châu Âu, bên cạnh Berlin của nước Đức.

Đáng chú ý, đây là tòa nhà đầu tiên trong số các khu nhà cho thuê ở Budapest, mà mọi căn hộ đều có phòng tắm! Ở tầng trệt, có hàng thịt của Brauch Vilmos, thành viên dòng họ Brauch - “đại gia” ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ thịt, sở hữu chuỗi cửa hiệu rất uy tín ở các khu trung tâm Budapest thời đó. May thay, hơn một thế kỷ trôi qua, cửa hiệu đó vẫn còn là hàng thịt, cho dù dòng họ Brauch đã “khuynh gia bại sản” do bị chính quyền cộng sản “quốc hữu hóa” và nhiều thành viên bị đày ải về nông thôn thời sau năm 1945.

Cũng như vậy, tới giờ, vẫn còn hiệu thuốc mang tên “Gizella Patika” mở cửa vào ngày 22/11/1922 ở tầng trệt, bên cạnh những “đàn em” “sinh sau đẻ muộn” như nhà hàng Ấn Độ và quán ăn nhanh của Trung Quốc. Nhưng không phải tất cả đều may mắn như thế: trong chiếc đồng hồ trên đỉnh tòa nhà, nơi từ nhiều thập niên là nơi hiện diện logo loại rượu thuốc “độc nhất vô nhị” (“Das ist ein Unicum!” theo lời Hoàng đế Áo - Hung Joseph Đệ nhị 1741-1790), “thập toàn đại bổ” Unicum của đại gia đình Zwack, nay đang để trống để rao bán quảng cáo!

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, tòa nhà cũng bị hư hại, nhưng phần mái “thoát hiểm” mà không bị “tổn thương” lớn. Duy nhất có tháp góc lớn là bị “mất” trong thời kỳ “xã nghĩa”, và đây là tổn thất đáng kể xét về toàn cục, trong mắt dân “trong nghề”. Dầu vậy, cả tòa nhà vẫn là một điểm sáng của kiến trúc Budapest - và may mắn hơn nhiều công trình khác, tới giờ chỉ còn được thấy trên những tấm bưu ảnh ố vàng từ hơn một thế kỷ trước - nhắc nhớ dĩ vãng vàng son đã qua, khi Budapest còn được gọi bằng cái tên chính thức “Magyar Székesfőváros”.

(*) Sử dụng loại ngói nhiều sắc màu của nhà máy sản xuất đồ gốm sứ Zsolnay - có lịch sử từ năm 1853 - được coi là sở trường và trở thành thương hiệu của “chưởng môn” trường phái Tân nghệ thuật (Art Nouveau, Secession) Hungary, ông Lechner Ödön (1845-1914).

Nguyễn Hoàng Linh

Tuesday, February 13, 2024

Bánh mì & cơm hay là câu chuyện East meets West (1)

Với con người hiện đại, Trái đất như nhỏ lại, ko còn những khoảng cách không thể hình dung, những nơi không thể đặt chân đến. Sự tiến bộ của khoa học và những cuộc cm đang thay đổi bộ mặt thế giới theo nhịp độ ngày càng tăng với những chuyển biến/phát triển theo nhiều hướng khác nhau, vì những lợi ích/mục đích khác nhau của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, những "nước lớn" luôn muốn đóng vai trò chủ đạo và tạo được ảnh hưởng sâu rộng của mình trên phạm vi toàn cầu, kể cả việc tác động đến những quốc gia nhỏ bé nhất...

Nước Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Châu Á, các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Mỹ (nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý) gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây hơn là Trung Quốc và Ấn Độ.

Bài viết này được tổng hợp và viết lại từ những bài của tôi đã đăng trên blog này và cập nhật, chỉnh sửa lại từ những tư liệu/thông tin mới về chủ đề này.

-----------

Vì thế mà East Meets West là cụm từ được nghe/nói ngày càng nhiều, nó phản ánh những gì đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Thật ra nó đã tồn tại từ xa xưa cùng những đoàn thuyền của các thương gia giương buồm vượt biển cả hay với những bước chân của lạc đà trên sa mạc và những nhà truyền giáo đến bất cứ nơi nào có con người sinh sống...

"Toàn cầu" và East Meets West với tôi bắt đầu từ cái bản đồ thế giới trên tường nhà (của bác tôi ở Ba Đồn), nó là nơi tôi lân la biết được vị trí của Việt Nam và các nước khác khi còn chưa biết chữ. Cái bản đồ mở ra sự tò mò về những quốc gia với các mảng màu khác nhau trong tôi. Và thế là cuộc hành trình bắt đầu...

Sự khác biệt giữa Đông và Tây đã có từ lâu trong quan niệm/cái nhìn về con người và đánh giá các giá trị khác nhau, bao gồm cả ý thức và triết lý mà chỉ cần bằng mắt cũng có thể thấy rõ từ những di sản để lại. Nếu Tây phương ca ngợi vẻ đẹp của cơ thể con người bằng những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ của Hy Lạp thì Đông phương tôn thờ cuộc sống an lạc/biểu tượng tuyệt đối của hạnh phúc với tượng Di Lặc và cái bụng phệ. Và còn rất nhiều, vô số những ví dụ về sự khác biệt này...

Và thời nay, khi chúng ta uống thuốc Tây theo toa của Bs thì trong các bệnh viện người ta cũng gây tê cho bệnh nhân bằng châm cứu. Và rượu tỏi, thức uống cổ xưa từ Ai Cập đã thành "thần dược" được WHO phổ biến trên phạm vi toàn cầu từ những năm 80s... Những phát minh, sáng tạo từ xa xưa cũng có thể trở thành ứng dụng phổ biến hiện nay... và vẫn còn nhiều điều khác đang được tìm hiểu.

Còn gì để khám phá về sự khác biệt, giống nhau và khác nhau? Rất nhiều, nói như Võ Phiến, chúng ta đang nhận ra nhau ngày càng rõ nét hơn cùng với thời gian. Trước đây, người Việt coi người Âu là "quỷ" thì sau nhận ra cùng là người cả, cũng hỷ, nộ, ái, ố vậy thôi... rồi sau đó, va chạm nhiều hơn, gần gũi hơn để lại thấy ...nghìn trùng xa cách...

Giống và khác nhau chứa đựng những gì bí ẩn nhất của mỗi người và của Đông phương và Tây phương. Vì thế nó là những giá trị đặc trưng, tuy càng ngày càng hiếm những gì được gọi là "thuần nhất", nếu không biết tôn trọng/giữ gìn thì cùng với những triển vọng lớn lao đang mở ra, cuối cùng thế giới sẽ đánh mất những gì là bản sắc riêng mang vẻ đẹp của mình.

Châu Á đã làm thế giới ngỡ ngàng với kỳ tích của những con rồng, con cọp trỗi dậy một cách thần kỳ trong thế kỷ 20. Quá trình  East Meets West/Âu hóa, điều đã mang đến những sự chuyển biến mạnh mẽ ở những quốc gia này đều gắn liền với tên tuổi của những nhà cải cách/lãnh đạo lừng danh. Tiếp nối Nhật Bản, là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Singapore.

Singapore và con đường phát triển

Singapore là hiện tượng kỳ diệu ở ĐNA. Từ một thị trấn nghèo qua 3 thập niên với ý chí quyết đoán của người đứng đầu là Lý Quang Diệu*, Singapore đã trở thành “thiên đường của chủ nghĩa tư bản”. Năm 2014, GNP đầu người của nước này là 72.000 USD tính theo PPP. Xã hội thịnh vượng. Môi trường trong lành. Quan chức liêm khiết. Rất nhiều nước muốn học hỏi (trong đó có TQ), nhưng có nhiều điều không thể bắt chước và cũng có nhiều điều người ta không muốn bắt chước. Bởi Singapore phát triển trong những nghịch lý không dễ lý giải, mà nghịch lý lớn nhất là “cất cánh” rồi “hóa rồng” trong môi trường ít nhiều độc đoán, độc tài. Tự do, dân chủ bị quản lý chặt. Nhà nước can thiệp sâu vào đời sống, thậm chí đời sống riêng tư của người dân. Kinh tế thị trường sôi động nhưng “bàn tay vô hình” của nó bị điều khiển bởi nhà nước. Tôn vinh đặc thù châu Á nhưng rất gần với phương Tây. Rất chú ý đến tính xã hội của sự phát triển nhưng lại xây dựng thành công một kiểu xã hội tư bản chủ nghĩa.

Ý chí cá nhân của Lý Quang Diệu được coi là nguyên nhân quan trọng làm nên sự thành công của Singapore. Và đó cũng lại là nguyên nhân khiến Singapore hiện ra không chỉ với toàn những điều tốt đẹp. Nhưng sự thịnh vượng đã làm mờ những điều không mấy nhân đạo trong sự phát triển của Singapore, che đậy và xóa đi các “vết đen” lịch sử.

Lý Quang Diệu được nhiều học giả coi là đi theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng rốt cuộc, ông lại là người hết lòng xây dựng chủ nghĩa tư bản. Singapore của ông là tấm gương rực rỡ cho sự thành công của một “thiên đường tư bản chủ nghĩa”, “chủ nghĩa tư bản sạch” (Clean Capitalism, Capitalist Paradise). Lý Quang Diệu nhiệt thành tin tưởng vào giá trị về trách nhiệm xã hội, một giá trị cốt lõi của Khổng giáo. Singapore hiện đại được ông xây dựng theo mô hình của những giá trị châu Á. Trong mắt ông, giá trị phương Tây khác biệt đáng kể nên khó phù hợp. Nhưng Singapore ngày nay, hơn bất cứ một quốc gia châu Á nào khác, kể cả Nhật Bản, lại rất giống phương Tây.

Đánh giá về Lý Quang Diệu, Tom Plate, nhà báo nổi tiếng của tờ Los Angeles Time cho rằng:

“Thế kỷ 20 đã có không biết bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu linh hồn bị hủy hoại chỉ vì một lãnh tụ có thái độ mù quáng tôn thờ một chân lý duy nhất. Lý Quang Diệu không muốn trở thành nhà lãnh đạo kiểu đó. Thực tế ông bị quyến rũ bởi vũ điệu của những ý tưởng thông minh chứ không phải những bước nhảy ngớ ngẩn, vụng về của quỷ dữ. Ông cũng hoàn toàn không phải là một kẻ lập dị như Pol Pot hay một tiểu Hitler nông nổi”… “Lý Quang Diệu giống như Muhamad Ali vĩ đại, di chuyển nhẹ như bướm và đốt đau như ong (bạn không nên ghi tên mình vào danh sách đen của ông, vì nếu thế bạn sẽ bị ông dồn vào góc tường, kiện bạn đến cùng và bạn sẽ xong đời)”… “Singapore hẳn nhiên không phải là thiên đường đối với kẻ buôn bán ma túy, cũng nhất định không phải là thiên đường trên mặt đất đối với những người phản đối chính phủ và đảng cầm quyền. Trong những nghề có đặc quyền riêng mà bạn thấy đáng tự hào ở phương Tây thì luật sư bào chữa các vụ án hình sự ở Singapore của Lý Quang Diệu ít có quyền lực hơn nhiều. Những người ủng hộ tu chính án thứ nhất hẳn sẽ không thấy có niềm vui của xứ Utopia khi phải đối mặt với đường giới hạn tinh vi nhưng rất nghiêm ngặt dành cho giới truyền thông ở đây”.

Hình ảnh: chọn từ net

Mặc dù giữa nước Ý thế kỷ 16 và Singapore thế kỷ 20 là cách nhau quá xa, nhưng những điều được phân tích trong tác phẩm của Niccolò Machiavelli và phương thức lãnh đạo đất nước của Lý Quang Diệu lại có những điểm tương đồng đến kỳ lạ. Được biết Lý Quang Diệu cũng rất mê Machiaveli và đây chính là lý do để Uri Gordon so sánh Lý Quang Diệu với những “nguyên tắc Machiaveli”.

Cần phải nói đôi điều về Machiaveli trước khi bàn đến sự so sánh của Uri Gordon. Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469-1527), ông tổ của khoa học chính trị hiện đại, nhà ngoại giao, nhà triết học, “một nhân vật khổng lồ của thời đại Phục hưng” (theo lời Friedrich Engels). Ông được biết đến với các luận thuyết vô cùng sắc sảo nêu rõ bộ mặt của chủ nghĩa hiện thực chính trị (trong tác phẩm The Prince) và bản chất của nền cộng hòa (trong tác phẩm Discourses on Livy). Hai cuốn sách này cùng với cuốn History of Florence trở thành mô hình kinh điển chỉ dẫn cho nhiều nhà cầm quyền và cho các phân tích chính trị từ thế kỷ 16 đến nay. Theo Machiaveli, “Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì lại không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy, và là sư tử để dọa sói”. Chính Lý Quang Diệu cũng có vẻ rất tâm đắc với tư tưởng này, khi ông bình luận về Machiaveli rằng: “Giữa được yêu thương và được sợ hãi, tôi luôn tin rằng Machiavelli đúng. Nếu không ai sợ tôi, thì tôi chẳng có ý nghĩa gì” (“Between being loved and being feared, I have always believed Machiavelli was right. If nobody is afraid of me, I’m meaningless”).

Nguyên tắc Machiaveli là nguyên tắc của nền chuyên chính tư sản. Tất cả đều do ý chí, tâm hồn, hành động của con người quyết định. Nhà chính trị mẫu mực là người có đầu óc phê bình mạnh bạo, có tư tưởng duy lý phi tôn giáo, có lòng căm ghét bọn quý tộc ăn bám, và có khát vọng muốn xây dựng đất nước (thời đó và đất nước mà Machiveli nói đến là Italia) thành một quốc gia thống nhất, tự do, bình đẳng với một chính quyền mạnh, sử dụng bạo lực để xây dựng trật tự mới. Theo Machiaveli, con người muốn xứng đáng là một con người phải tiến thẳng vững vàng tới mục đích. Mục đích sẽ chứng minh tính đúng đắn của biện pháp. Machiavelli cũng đưa ra vô số lời khuyên về những thủ đoạn mà các quân vương nên áp dụng. Theo Machiavelli, đấng quân vương nào muốn thành công thì phải học được cách gác lòng tốt sang một bên, việc có vận dụng nó hay không tùy thuộc vào thời thế. Một quân vương, theo ông, cần biết tùy thời mà tốt hay không tốt, nhưng phải làm ra vẻ mình có đầy đủ mọi đức tính. Điều quan trọng nhất đối với quân vương là cần tránh bị khinh miệt và thù ghét. Machiavelli cũng thấy rất rõ tầm quan trọng của “lòng dân”. “Không có chính sách nào toàn vẹn, cần phải biết chọn lấy cái bất lợi nhỏ nhất” – tư tưởng này cũng được coi là một nguyên tắc Machiaveli.

Theo Uri Gordon, các quan điểm và hành động chính trị của Lý Quang Diệu chính là sự giải thích một cách mạnh mẽ cho tính hiệu quả của các “nguyên tắc Machiavelli”. Ông Lý đã chủ động vận dụng các nguyên tắc Machiaveli, kể cả trong việc đưa ra luận thuyết “giá trị châu Á”.

Trên thực tế, đảng cầm quyền luôn thực thi các hành động chính trị nhằm tìm mọi cách duy trì chế độ độc đoán, dập tắt các bất mãn và nghiền nát các lực lượng đối lập. Singapore là một đất nước mà quyền con người được xem là không cần thiết trong cuộc đua phát triển kinh tế. Dựa vào lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản hiện đại Singapore, chính phủ cung cấp cho các công dân của mình các loại phúc lợi với chi phí lấy từ lao động của họ. “Phe đối lập được chờ sẵn các án tù chính trị. Chính phủ kiểm soát toàn bộ quá trình bầu cử và tiến hành các vụ kiện đối với bất kỳ lời phát biểu nào chống lại chính quyền. Mọi sự phê phán chính quyền đều biến thành hành động tự sát chính trị. Ban cho dân một cuộc sống mà chính phủ có thể tự do kiểm soát, Lý và các phụ tá của ông có thể được xem như là đệ tử thuần thành của nhà nước kiểu Florentine”.

Khi Singapore được cả thế giới nhìn nhận là một đảo quốc thịnh vượng, an toàn và trong sạch, với sự có mặt của các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, người ta thường chỉ rút ra kết luận rằng: nếu không có một nhà lãnh đạo như ông Lý, Singapore sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được những thành tựu mà thế giới đang chứng kiến và muốn bắt chước. Theo chúng tôi, nếu Uri Gordon không thiên kiến, thì đúng là Lý Quang Diệu đã một lần nữa chứng minh cho quan điểm chuyên chính cực đoan tư bản chủ nghĩa – Mục đích có thể biện minh cho biện pháp, dù biện pháp ấy chẳng hề chính đáng chút nào.

Kết luận

Kể từ nền dân chủ Athens, loài người đã 2500 năm đi theo con đường dân chủ tự do với lịch sử đầy máu và nước mắt. Càng ngày, các dân tộc càng nhận thấy “nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người”. Ở Việt Nam, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ khẳng định điều này. Dân chủ, bản thân nó có thể tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Dân chủ trong phát triển là phương thức hữu hiệu nhất để tránh phải trả giá. Dân chủ có khả năng đem lại hạnh phúc hợp lý cho các xã hội, cho từng con người, từ lãnh tụ tới người dân. Ngày nay không lý lẽ nào có thể biện minh nổi cho sự phát triển mà phải sự hy sinh con người, dù đó là một cá nhân, một cộng đồng hay một thế hệ. Hàn Quốc, Đài Loan ngày nay là các xã hội có trình độ dân chủ cao của châu Á. Nghịch lý Singapore có thể không dễ lý giải, nhưng cũng không phải là bằng chứng cho sự đi ngược lại xu thế tự do dân chủ.

(còn nữa)

(*): Lee sinh ra ở Singapore trong thời kỳ thuộc địa của Anh. Sau khi tốt nghiệp Học viện Raffles, anh giành được học bổng vào trường Cao đẳng Raffles (nay là Đại học Quốc gia Singapore). Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, Lee đã trốn thoát khỏi việc trở thành nạn nhân của một cuộc thanh trừng,[2] trước khi bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình khi làm nhân viên hành chính cho văn phòng tuyên truyền của Nhật Bản. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Lee theo học một thời gian ngắn tại Trường Kinh tế Luân Đôn trước khi chuyển đến Cao đẳng Fitzwilliam, Cambridge để học luật, tốt nghiệp với tấm bằng kép đầu tiên vào năm 1947. Khi trở về Singapore, ông hành nghề luật sư và luật sư trong khi vận động tranh cử cho người Anh từ bỏ chế độ thuộc địa của họ.

Lý Quang Diệu (Hình ảnh chọn từ net)

Note: Trong phần này, tôi đã trích dẫn từ bài viết của tác giả: Hồ Sĩ Quý,GS.TS., Nguyên trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội (Bài viết này đã được xuất bản lần đầu trong “Khoa học xã hội Việt Nam” số 7 (92) 2015)