Tuesday, February 13, 2024

Bánh mì & cơm hay là câu chuyện East meets West (1)

Với con người hiện đại, Trái đất như nhỏ lại, ko còn những khoảng cách không thể hình dung, những nơi không thể đặt chân đến. Sự tiến bộ của khoa học và những cuộc cm đang thay đổi bộ mặt thế giới theo nhịp độ ngày càng tăng với những chuyển biến/phát triển theo nhiều hướng khác nhau, vì những lợi ích/mục đích khác nhau của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, những "nước lớn" luôn muốn đóng vai trò chủ đạo và tạo được ảnh hưởng sâu rộng của mình trên phạm vi toàn cầu, kể cả việc tác động đến những quốc gia nhỏ bé nhất...

Nước Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Châu Á, các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Mỹ (nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý) gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây hơn là Trung Quốc và Ấn Độ.

Bài viết này được tổng hợp và viết lại từ những bài của tôi đã đăng trên blog này và cập nhật, chỉnh sửa lại từ những tư liệu/thông tin mới về chủ đề này.

-----------

Vì thế mà East Meets West là cụm từ được nghe/nói ngày càng nhiều, nó phản ánh những gì đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Thật ra nó đã tồn tại từ xa xưa cùng những đoàn thuyền của các thương gia giương buồm vượt biển cả hay với những bước chân của lạc đà trên sa mạc và những nhà truyền giáo đến bất cứ nơi nào có con người sinh sống...

"Toàn cầu" và East Meets West với tôi bắt đầu từ cái bản đồ thế giới trên tường nhà (của bác tôi ở Ba Đồn), nó là nơi tôi lân la biết được vị trí của Việt Nam và các nước khác khi còn chưa biết chữ. Cái bản đồ mở ra sự tò mò về những quốc gia với các mảng màu khác nhau trong tôi. Và thế là cuộc hành trình bắt đầu...

Sự khác biệt giữa Đông và Tây đã có từ lâu trong quan niệm/cái nhìn về con người và đánh giá các giá trị khác nhau, bao gồm cả ý thức và triết lý mà chỉ cần bằng mắt cũng có thể thấy rõ từ những di sản để lại. Nếu Tây phương ca ngợi vẻ đẹp của cơ thể con người bằng những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ của Hy Lạp thì Đông phương tôn thờ cuộc sống an lạc/biểu tượng tuyệt đối của hạnh phúc với tượng Di Lặc và cái bụng phệ. Và còn rất nhiều, vô số những ví dụ về sự khác biệt này...

Và thời nay, khi chúng ta uống thuốc Tây theo toa của Bs thì trong các bệnh viện người ta cũng gây tê cho bệnh nhân bằng châm cứu. Và rượu tỏi, thức uống cổ xưa từ Ai Cập đã thành "thần dược" được WHO phổ biến trên phạm vi toàn cầu từ những năm 80s... Những phát minh, sáng tạo từ xa xưa cũng có thể trở thành ứng dụng phổ biến hiện nay... và vẫn còn nhiều điều khác đang được tìm hiểu.

Còn gì để khám phá về sự khác biệt, giống nhau và khác nhau? Rất nhiều, nói như Võ Phiến, chúng ta đang nhận ra nhau ngày càng rõ nét hơn cùng với thời gian. Trước đây, người Việt coi người Âu là "quỷ" thì sau nhận ra cùng là người cả, cũng hỷ, nộ, ái, ố vậy thôi... rồi sau đó, va chạm nhiều hơn, gần gũi hơn để lại thấy ...nghìn trùng xa cách...

Giống và khác nhau chứa đựng những gì bí ẩn nhất của mỗi người và của Đông phương và Tây phương. Vì thế nó là những giá trị đặc trưng, tuy càng ngày càng hiếm những gì được gọi là "thuần nhất", nếu không biết tôn trọng/giữ gìn thì cùng với những triển vọng lớn lao đang mở ra, cuối cùng thế giới sẽ đánh mất những gì là bản sắc riêng mang vẻ đẹp của mình.

Châu Á đã làm thế giới ngỡ ngàng với kỳ tích của những con rồng, con cọp trỗi dậy một cách thần kỳ trong thế kỷ 20. Quá trình  East Meets West/Âu hóa, điều đã mang đến những sự chuyển biến mạnh mẽ ở những quốc gia này đều gắn liền với tên tuổi của những nhà cải cách/lãnh đạo lừng danh. Tiếp nối Nhật Bản, là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Singapore.

Singapore và con đường phát triển

Singapore là hiện tượng kỳ diệu ở ĐNA. Từ một thị trấn nghèo qua 3 thập niên với ý chí quyết đoán của người đứng đầu là Lý Quang Diệu*, Singapore đã trở thành “thiên đường của chủ nghĩa tư bản”. Năm 2014, GNP đầu người của nước này là 72.000 USD tính theo PPP. Xã hội thịnh vượng. Môi trường trong lành. Quan chức liêm khiết. Rất nhiều nước muốn học hỏi (trong đó có TQ), nhưng có nhiều điều không thể bắt chước và cũng có nhiều điều người ta không muốn bắt chước. Bởi Singapore phát triển trong những nghịch lý không dễ lý giải, mà nghịch lý lớn nhất là “cất cánh” rồi “hóa rồng” trong môi trường ít nhiều độc đoán, độc tài. Tự do, dân chủ bị quản lý chặt. Nhà nước can thiệp sâu vào đời sống, thậm chí đời sống riêng tư của người dân. Kinh tế thị trường sôi động nhưng “bàn tay vô hình” của nó bị điều khiển bởi nhà nước. Tôn vinh đặc thù châu Á nhưng rất gần với phương Tây. Rất chú ý đến tính xã hội của sự phát triển nhưng lại xây dựng thành công một kiểu xã hội tư bản chủ nghĩa.

Ý chí cá nhân của Lý Quang Diệu được coi là nguyên nhân quan trọng làm nên sự thành công của Singapore. Và đó cũng lại là nguyên nhân khiến Singapore hiện ra không chỉ với toàn những điều tốt đẹp. Nhưng sự thịnh vượng đã làm mờ những điều không mấy nhân đạo trong sự phát triển của Singapore, che đậy và xóa đi các “vết đen” lịch sử.

Lý Quang Diệu được nhiều học giả coi là đi theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng rốt cuộc, ông lại là người hết lòng xây dựng chủ nghĩa tư bản. Singapore của ông là tấm gương rực rỡ cho sự thành công của một “thiên đường tư bản chủ nghĩa”, “chủ nghĩa tư bản sạch” (Clean Capitalism, Capitalist Paradise). Lý Quang Diệu nhiệt thành tin tưởng vào giá trị về trách nhiệm xã hội, một giá trị cốt lõi của Khổng giáo. Singapore hiện đại được ông xây dựng theo mô hình của những giá trị châu Á. Trong mắt ông, giá trị phương Tây khác biệt đáng kể nên khó phù hợp. Nhưng Singapore ngày nay, hơn bất cứ một quốc gia châu Á nào khác, kể cả Nhật Bản, lại rất giống phương Tây.

Đánh giá về Lý Quang Diệu, Tom Plate, nhà báo nổi tiếng của tờ Los Angeles Time cho rằng:

“Thế kỷ 20 đã có không biết bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu linh hồn bị hủy hoại chỉ vì một lãnh tụ có thái độ mù quáng tôn thờ một chân lý duy nhất. Lý Quang Diệu không muốn trở thành nhà lãnh đạo kiểu đó. Thực tế ông bị quyến rũ bởi vũ điệu của những ý tưởng thông minh chứ không phải những bước nhảy ngớ ngẩn, vụng về của quỷ dữ. Ông cũng hoàn toàn không phải là một kẻ lập dị như Pol Pot hay một tiểu Hitler nông nổi”… “Lý Quang Diệu giống như Muhamad Ali vĩ đại, di chuyển nhẹ như bướm và đốt đau như ong (bạn không nên ghi tên mình vào danh sách đen của ông, vì nếu thế bạn sẽ bị ông dồn vào góc tường, kiện bạn đến cùng và bạn sẽ xong đời)”… “Singapore hẳn nhiên không phải là thiên đường đối với kẻ buôn bán ma túy, cũng nhất định không phải là thiên đường trên mặt đất đối với những người phản đối chính phủ và đảng cầm quyền. Trong những nghề có đặc quyền riêng mà bạn thấy đáng tự hào ở phương Tây thì luật sư bào chữa các vụ án hình sự ở Singapore của Lý Quang Diệu ít có quyền lực hơn nhiều. Những người ủng hộ tu chính án thứ nhất hẳn sẽ không thấy có niềm vui của xứ Utopia khi phải đối mặt với đường giới hạn tinh vi nhưng rất nghiêm ngặt dành cho giới truyền thông ở đây”.

Hình ảnh: chọn từ net

Mặc dù giữa nước Ý thế kỷ 16 và Singapore thế kỷ 20 là cách nhau quá xa, nhưng những điều được phân tích trong tác phẩm của Niccolò Machiavelli và phương thức lãnh đạo đất nước của Lý Quang Diệu lại có những điểm tương đồng đến kỳ lạ. Được biết Lý Quang Diệu cũng rất mê Machiaveli và đây chính là lý do để Uri Gordon so sánh Lý Quang Diệu với những “nguyên tắc Machiaveli”.

Cần phải nói đôi điều về Machiaveli trước khi bàn đến sự so sánh của Uri Gordon. Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469-1527), ông tổ của khoa học chính trị hiện đại, nhà ngoại giao, nhà triết học, “một nhân vật khổng lồ của thời đại Phục hưng” (theo lời Friedrich Engels). Ông được biết đến với các luận thuyết vô cùng sắc sảo nêu rõ bộ mặt của chủ nghĩa hiện thực chính trị (trong tác phẩm The Prince) và bản chất của nền cộng hòa (trong tác phẩm Discourses on Livy). Hai cuốn sách này cùng với cuốn History of Florence trở thành mô hình kinh điển chỉ dẫn cho nhiều nhà cầm quyền và cho các phân tích chính trị từ thế kỷ 16 đến nay. Theo Machiaveli, “Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì lại không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy, và là sư tử để dọa sói”. Chính Lý Quang Diệu cũng có vẻ rất tâm đắc với tư tưởng này, khi ông bình luận về Machiaveli rằng: “Giữa được yêu thương và được sợ hãi, tôi luôn tin rằng Machiavelli đúng. Nếu không ai sợ tôi, thì tôi chẳng có ý nghĩa gì” (“Between being loved and being feared, I have always believed Machiavelli was right. If nobody is afraid of me, I’m meaningless”).

Nguyên tắc Machiaveli là nguyên tắc của nền chuyên chính tư sản. Tất cả đều do ý chí, tâm hồn, hành động của con người quyết định. Nhà chính trị mẫu mực là người có đầu óc phê bình mạnh bạo, có tư tưởng duy lý phi tôn giáo, có lòng căm ghét bọn quý tộc ăn bám, và có khát vọng muốn xây dựng đất nước (thời đó và đất nước mà Machiveli nói đến là Italia) thành một quốc gia thống nhất, tự do, bình đẳng với một chính quyền mạnh, sử dụng bạo lực để xây dựng trật tự mới. Theo Machiaveli, con người muốn xứng đáng là một con người phải tiến thẳng vững vàng tới mục đích. Mục đích sẽ chứng minh tính đúng đắn của biện pháp. Machiavelli cũng đưa ra vô số lời khuyên về những thủ đoạn mà các quân vương nên áp dụng. Theo Machiavelli, đấng quân vương nào muốn thành công thì phải học được cách gác lòng tốt sang một bên, việc có vận dụng nó hay không tùy thuộc vào thời thế. Một quân vương, theo ông, cần biết tùy thời mà tốt hay không tốt, nhưng phải làm ra vẻ mình có đầy đủ mọi đức tính. Điều quan trọng nhất đối với quân vương là cần tránh bị khinh miệt và thù ghét. Machiavelli cũng thấy rất rõ tầm quan trọng của “lòng dân”. “Không có chính sách nào toàn vẹn, cần phải biết chọn lấy cái bất lợi nhỏ nhất” – tư tưởng này cũng được coi là một nguyên tắc Machiaveli.

Theo Uri Gordon, các quan điểm và hành động chính trị của Lý Quang Diệu chính là sự giải thích một cách mạnh mẽ cho tính hiệu quả của các “nguyên tắc Machiavelli”. Ông Lý đã chủ động vận dụng các nguyên tắc Machiaveli, kể cả trong việc đưa ra luận thuyết “giá trị châu Á”.

Trên thực tế, đảng cầm quyền luôn thực thi các hành động chính trị nhằm tìm mọi cách duy trì chế độ độc đoán, dập tắt các bất mãn và nghiền nát các lực lượng đối lập. Singapore là một đất nước mà quyền con người được xem là không cần thiết trong cuộc đua phát triển kinh tế. Dựa vào lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản hiện đại Singapore, chính phủ cung cấp cho các công dân của mình các loại phúc lợi với chi phí lấy từ lao động của họ. “Phe đối lập được chờ sẵn các án tù chính trị. Chính phủ kiểm soát toàn bộ quá trình bầu cử và tiến hành các vụ kiện đối với bất kỳ lời phát biểu nào chống lại chính quyền. Mọi sự phê phán chính quyền đều biến thành hành động tự sát chính trị. Ban cho dân một cuộc sống mà chính phủ có thể tự do kiểm soát, Lý và các phụ tá của ông có thể được xem như là đệ tử thuần thành của nhà nước kiểu Florentine”.

Khi Singapore được cả thế giới nhìn nhận là một đảo quốc thịnh vượng, an toàn và trong sạch, với sự có mặt của các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, người ta thường chỉ rút ra kết luận rằng: nếu không có một nhà lãnh đạo như ông Lý, Singapore sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được những thành tựu mà thế giới đang chứng kiến và muốn bắt chước. Theo chúng tôi, nếu Uri Gordon không thiên kiến, thì đúng là Lý Quang Diệu đã một lần nữa chứng minh cho quan điểm chuyên chính cực đoan tư bản chủ nghĩa – Mục đích có thể biện minh cho biện pháp, dù biện pháp ấy chẳng hề chính đáng chút nào.

Kết luận

Kể từ nền dân chủ Athens, loài người đã 2500 năm đi theo con đường dân chủ tự do với lịch sử đầy máu và nước mắt. Càng ngày, các dân tộc càng nhận thấy “nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người”. Ở Việt Nam, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ khẳng định điều này. Dân chủ, bản thân nó có thể tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Dân chủ trong phát triển là phương thức hữu hiệu nhất để tránh phải trả giá. Dân chủ có khả năng đem lại hạnh phúc hợp lý cho các xã hội, cho từng con người, từ lãnh tụ tới người dân. Ngày nay không lý lẽ nào có thể biện minh nổi cho sự phát triển mà phải sự hy sinh con người, dù đó là một cá nhân, một cộng đồng hay một thế hệ. Hàn Quốc, Đài Loan ngày nay là các xã hội có trình độ dân chủ cao của châu Á. Nghịch lý Singapore có thể không dễ lý giải, nhưng cũng không phải là bằng chứng cho sự đi ngược lại xu thế tự do dân chủ.

(còn nữa)

(*): Lee sinh ra ở Singapore trong thời kỳ thuộc địa của Anh. Sau khi tốt nghiệp Học viện Raffles, anh giành được học bổng vào trường Cao đẳng Raffles (nay là Đại học Quốc gia Singapore). Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, Lee đã trốn thoát khỏi việc trở thành nạn nhân của một cuộc thanh trừng,[2] trước khi bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình khi làm nhân viên hành chính cho văn phòng tuyên truyền của Nhật Bản. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Lee theo học một thời gian ngắn tại Trường Kinh tế Luân Đôn trước khi chuyển đến Cao đẳng Fitzwilliam, Cambridge để học luật, tốt nghiệp với tấm bằng kép đầu tiên vào năm 1947. Khi trở về Singapore, ông hành nghề luật sư và luật sư trong khi vận động tranh cử cho người Anh từ bỏ chế độ thuộc địa của họ.

Lý Quang Diệu (Hình ảnh chọn từ net)

Note: Trong phần này, tôi đã trích dẫn từ bài viết của tác giả: Hồ Sĩ Quý,GS.TS., Nguyên trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội (Bài viết này đã được xuất bản lần đầu trong “Khoa học xã hội Việt Nam” số 7 (92) 2015)

4 comments:

  1. Tôi là người thích cả bánh mì lẫn cơm, ko vì thù/ghét Tây mà chê bánh của người ta, dù sao thì cả thế giới này gần như đã Âu hóa (ko nhiều cũng ít) bởi cái vh của họ mạnh lắm, nó theo từng chiếc xe đến cục xà bông thường dùng, len lỏi vào từng nhà, trở thành nhu cầu/tham vọng của nhiều người đến mức khó sống nếu bị thiếu thốn chúng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xuan Nguyen
      Nguyễn Cao Bình, giá mà hồi còn là sinh viên chúng ta đều nghĩ như thế thì giờ đây nhiều bạn đã có thể thấy hạnh phúc khi đc gặp lại các bạn Hung cùng ở, cùng học, cùng chơi với chúng ta. Tôi có vẻ tư duy khác các bạn sv hồi đó nên luôn thấy hạnh phúc. Với tôi lúc đó đâu cũng là nhà, đâu cũng quê hương

      Delete
  2. Singapore với 31 năm Lý Quang Diệu giữ cương vị Thủ tướng đã phát triển ngoạn mục trong những nghịch lý không dễ lý giải. Phẩm cách cá nhân của Lý Quang Diệu chắc chắn là nguyên nhân vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là nguyên nhân quyết định. Cùng một mô hình với Hàn Quốc và Đài Loan, nghịch lý lớn nhất của những nước này là đều tăng trưởng rồi “cất cánh” trong điều kiện ít nhiều độc đoán, độc tài. Một vài thế hệ đã trở thành vật hy sinh cho sự phát triển. Hàn Quốc “cất cánh” trong lao động khổ sai đầy nước mắt và có cả máu. Đài Loan “cất cánh” khi lãnh tụ giật mình về công tội của mình. Singapore được tiếng là sự trả giá để “cất cánh” dễ “chấp nhận” nhất.
    (Hồ Sĩ Quý)

    ReplyDelete
  3. Từ mô hình có thật của xh Bắc Âu, Lý Quang Diệu nhận ra con đường của mình phải chọn cho Singapore, và ông đã thực hiện nó!

    ReplyDelete