Monday, February 19, 2024

VỤ THẢM SÁT TỔNG CHÚP

 Sáng nay, 19-2-2024, hương linh của các nạn nhân trong vụ thảm sát Tổng Chúp đã chính thức có nơi trú ngụ. Trong thư mời dự lễ khánh thành “Nhà Sinh hoạt cộng đồng kết hợp gian thờ các nạn nhân Tổng Chúp”, UBND thành phố Cao Bằng nhấn mạnh “sự quan tâm đặc biệt của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà hảo tâm”.

Vụ thảm sát diễn ra vào cách đây đúng 45 năm.

“Tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối”.

Sáng 5-2-2009, tôi cùng phóng viên ảnh Lê Quang Nhật tới đây, ngày 9-2-2009, trong bài báo đầu tiên nhắc lại cuộc chiến tranh hoàn toàn bị lãng quên từ sau Hội Nghị Thành Đô này, tôi viết:

“Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, ông Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách”. 

[Biên Giới Tháng Hai, Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9-2-2009, bản đưa lên báo online bị rút xuống ngay trong buổi sáng].

Ngày 17-2-2023, tôi lên Cao Bằng, cùng các CCB Trung đoàn 567 trở lại hiện trường. Tấm bia ghi lại tội ác này bị mất một cột đỡ, sụp xuống, “di tích” lặng chìm trong hoang vu. Tôi bàn với Hồ Tuấn và các anh trong Ban liên lạc CCB Trung đoàn 567, tìm hướng xây ở đây một am thờ. Các CCB, bằng cách của mình đã xây ở Cao Bằng hai đài hương, một ở hang Keng Riềng [thờ 26 thương binh và phụ nữ bị tàn sát trong ngày 2-3-1979]; một ở Lạc Diễn [thờ các thành viên trong Đội Văn công xung kích của Trung đoàn hy sinh đêm mùng 6 rạng ngày 7-3-1979].

Các CCB 567 nhận trách nhiệm xin thủ tục pháp lý ở địa phương, tôi đi xin tài trợ. Một nhà doanh nghiệp ở Sài Gòn đã đồng ý đầu tư toàn bộ công trình. Chúng tôi đã lên ý tưởng khôi phục lại giếng bằng 43 phiến đá. Nhưng, thủ tục thì có vẻ như vô vọng. 

Đang rất sốt ruột thì chiều 8-6-2023, nhà báo Lê Đức Dục khoác ba lô bước vào nhà tôi, nói, “Xong rồi anh ạ”. Lê Đức Dục vừa cùng đoàn của ông Trương Tấn Sang lên Cao Bằng khảo sát việc xây dựng nơi thờ các nạn nhân Tổng Chúp.

Lê Đức Dục là một nhà báo mà 16 năm qua, năm nào cũng lên Biên Giới vào dịp tháng Hai. Tháng 7-2022, anh cùng ông Trương Tấn Sang và các thành viên nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing lên Vị Xuyên. Lúc ấy, Nghĩa trang Vị Xuyên đã được tôn tạo khang trang, Đài hương 468 cũng đã được xây. Dục đem câu chuyện Tổng Chúp nói với vợ chồng anh Nhựt Tân và chị Tranh [Trưởng nhóm Chia sẻ].

Tháng 3-2023, ông Tư Sang ra Quảng Trị nhân dịp 50 năm trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn (1973), Dục khi ấy đang đi Quảng Ngãi, chị Tranh và anh Tân nhắn ra gấp “để trình bày cụ thể với chú Tư”. 

Tối 18-3-2023, Dục gặp ông Tư Sang, sau đó, anh tập hợp tất cả tư liệu, báo chí viết về Tổng Chúp. Bao gồm cả đoạn phim mà AP quay đươc ngay sau hai tuần xảy ra vụ thảm sát. Đoạn phim này được một bạn trẻ rất giỏi về phục hồi tư liệu tìm được từ kho tư liệu của hãng AP.

Ngày 28-4-2023, Lê Đức Dục viết thư cho ông Trương Tấn Sang: “Mong chú Tư tìm cách để xây cho 43 người dân vô tội này một nơi để nhang khói như nhờ có chú mà những người lính Vị Xuyên có một đền thờ trên đài hương ở Thanh Thủy vậy”.

Trong thư, Lê Đức Dục so sánh cuộc thảm sát Tổng Chúp với cuộc thảm sát Sơn Mỹ [Quảng Ngãi] năm 1968. 

Ngày 22-9-2023, tôi theo Lê Đức Dục lên Cao Bằng dự lễ khởi công. Gặp lại các CCB Trung đoàn 567 ở buổi lễ, chúng tôi nắm chặt tay nhau. 

Công trình được xây với sự tập trung các nguồn lực cao nhất [từ các nhà hảo tâm] để kịp khánh thành vào dịp 17-2-2024. Từ đầu năm Dương lịch tới nay, đã có hai nhà lãnh đạo trong “top 5” đến dâng hương ở Tổng Chúp.

Năm nay, cả tôi và Lê Đức Dục đều có việc nên không lên Biên giới vào tháng Hai. Trời ấm, có lẽ hoa đào đã lại nở thắm miền biên viễn.

*Mở đầu bài Biên Giới Tháng Hai tôi viết: "Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi".

Nhà báo Lê Đức Dục, ngoài cùng bên phải[10-2023]

Trương Huy San

No comments:

Post a Comment