Thursday, February 15, 2018

Ngày Tết: Triết lý về 12 con giáp

Mười hai con giáp thuộc về di sản văn hóa truyền thống lưu truyền từ cổ đến nay. Những con vật này mang ý nghĩa đặc trưng như thế nào?
Trong 12 con giáp nếu đối chiếu từng cặp một, lục đạo luân hồi đều thể hiện toàn bộ kỳ vọng và mong muốn của người xưa.

Nhóm 1: Chuột và Trâu. Chuột biểu thị cho trí tuệ, trâu biểu thị cho sự siêng năng. Hai thứ này phải kết hợp với nhau, nếu chỉ có trí tuệ mà không siêng năng thì sẽ chỉ là kẻ khôn vặt. Nếu chỉ siêng năng mà không chịu động não thì trở thành ngu muội.


Nhóm 2: Hổ và Mèo. Hổ biểu thị cho sự dũng mãnh. Mèo biểu thị cho sự cẩn thận. Hai tính cách này kết hợp lại sẽ tạo được sự táo bạo và thận trọng. Thiếu sự dũng mãnh thì trở thành kẻ nhút nhát, còn thiếu thận trọng thì chỉ là kẻ liều lĩnh mà thôi.


Nhóm 3: Rồng và Rắn. Rồng biểu thị cho sự cứng rắn. Rắn biểu thị cho sự mềm dẻo. Quá cứng thường dễ bị gãy, nhưng nếu chỉ mềm dẻo thì sẽ mất sự quyết đoán. Kết hợp được nhuần nhuyễn hai tính cách này là khi cần thì phải tùy biến để phù hợp với hoàn cảnh: bên ngoài tuy nhu thuận nhưng trong phải cứng rắn và ngược lại mới có sự hài hòa tuyệt diệu.


Nhóm 4: Ngựa và Dê. Ngựa biểu thị cho sự hăng hái, luôn tiến thẳng tới mục tiêu. Dê biểu thị cho sự hòa thuận. Nếu cứ tiến đến mục đích của mình mà không để ý đến người khác thì sẽ không tránh khỏi đụng chạm đến người khác, nhưng nếu cứ "dĩ hòa vi quý" cũng chẳng đi tới đâu cả.


Nhóm 5: Khỉ và Gà. Khỉ biểu thị cho sự linh hoạt. Gà biểu thị cho sự ổn định. Linh hoạt và ổn định cũng phải tồn tại cùng nhau, nếu chỉ linh hoạt mà thiếu ổn định thì dù kế hoạch tốt đến đâu cũng không có kết quả, còn chỉ chú ý đến sự ổn định thì sẽ quá máy móc, cứng nhắc. Kết hợp lại được cả hai, con đường phía trước sẽ rộng mở.


Nhóm 6: Chó và Lợn. Chó biểu thị cho sự trung thành. Lợn biểu thị cho sự cởi mở. Một người quá trung thành mà không cởi mở dễ bị người khác có thành kiến, ngược lại nếu cởi mở mà không trung thành thì sẽ dễ mất đi nguyên tắc. Sự trung thành vì lợi ích chung và với lý tưởng của mình phải hòa hợp với nhau trong sự cởi mở mới đem lại nhiều điều tốt đẹp.


Nguyễn Đình dịch (KTNN No.991-số Tất Niên)

3 comments:

  1. Can Chi (Trung: 干支 (Can Chi)/ Gānzhī), đôi khi gọi dài dòng là Thiên Can Địa Chi (Trung: 天干地支 (Thiên Can Địa Chi)/ Tiāngān dìzhī) hay Thập Can Thập Nhị Chi (Trung: 十干十二支 (Thập Can Thập Nhị Chi)/ Shí gàn shí'èrzhī), là hệ thống đánh số thành chu kỳ được dùng tại các nước có nền văn hóa Á Đông như: Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và một số quốc gia khác (Đông Á). Nó được áp dụng với tổ hợp chu kỳ sáu mươi (60) trong âm lịch nói chung để xác định tên gọi của thời gian (ngày, giờ, năm, tháng) cũng như trong chiêm tinh học. Người ta cho rằng nó có xuất xứ từ thời nhà Thương ở Trung Quốc.

    Trong đời sống, hệ Can Chi được gọi đơn giản là 12 con giáp.

    (Wikipedia)

    ReplyDelete
  2. Tương truyền ngày xưa có một người tên Đại Nhiêu đã lập ra Thập Can và Thập Nhị Chi để giúp người ta tính toán thời gian. Việc tính giờ cũng có liên quan đến tập tính của 12 loài vật:

    Tý (23-1 giờ): Lúc chuột đang hoạt động mạnh.
    Sửu (1-3 giờ): Lúc trâu chuẩn bị đi cày.
    Dần (3-5 giờ): Lúc hổ hung hãn nhất.
    Mão (5-7 giờ): Lúc trăng còn sáng (mắt thỏ ngọc/mèo sáng).
    Thìn (7-9 giờ): Lúc đàn rồng quây mưa (quần long hành vũ).
    Tỵ (9-11 giờ): Lúc rắn không hại người.
    Ngọ (11-13 giờ): Ngựa có dương tính cao nên được xếp vào giữa trưa.
    Mùi (13-15 giờ): Lúc dê (cừu) ăn cỏ không ảnh hưởng tới việc cây cỏ mọc lại.
    Thân (15-17 giờ): Lúc khỉ thích hú.
    Dậu (17-19 giờ): Lúc gà bắt đầu vào chuồng.
    Tuất (19-21 giờ): Lúc chó phải trông nhà.
    Hợi (21-23 giờ): Lúc lợn ngủ say nhất.

    ReplyDelete
  3. Khó có ai hoàn hảo để hợp đủ những đặc tính trội của từng con giáp, tuy nhiên, trong từng cá thể đều có đủ tính cách có thể tùy biến theo lý trí hoặc tình cảm. Thái độ/phản ứng theo quy trình đã được xử lý và có lựa chọn sẽ thể hiện ra ngoài và kết quả của hàng loạt xử lý sẽ cho thấy tính cách của mỗi người.
    Vì thế mà người xưa có câu: "Học thầy không tày học bạn" để khuyên mọi người hãy chọn bạn mà chơi. Từ bạn bè thân quen mà học hỏi để trưởng thành hơn.

    ReplyDelete