Friday, February 9, 2018

Ung thư

Sáng nay cùng bạn bè đi thăm Cáp Xuân Bình (CXB), người bạn mà tôi mới quen mấy năm nay. Anh Quang-gépész (BME,VIDI69) đã điện thoại hẹn nhau từ 2 hôm trước để cùng nhau vào BV lúc 10g30. Anh Quang hay gọi CXB là Bình "Cáp" để phân biệt với tôi là Bình "Cao". Hồi tháng 10, CXB bắt đầu có triệu chứng của ung thư (UT) phổi. Từ đó đến nay sức khỏe và cân nặng của Bình "Cáp" xuống rất nhanh (hiện không tới 40 ký), tháng trước đã nhập viện và đang nằm tại phòng 809, Lầu 8, BV Hoàn Mỹ (60-60A, Phan Xích Long, P.1, Phú Nhuận, TP.HCM). BV này nằm gần nhà tôi (cùng phường), chỉ cần đi bộ ít phút là tới nên tôi đã vài lần vào thăm bạn, có lần thì ở Lầu 10, nhưng thường là ở phòng 807.

Thật ra thì CXB cũng có một mối liên hệ trong một vòng tròn với tôi, Lê Minh (Debrecen,VIDI69) và Châu "râu". Vợ của CXB là con gái của dì ruột Lê Minh. Còn anh trai của vợ CXB là bạn học cùng lớp với tôi hồi cấp 3. Hồi ở HN, bọn tôi đều ở khu tập thể Kim Liên, tôi ở B6 còn nhà của anh bạn ở B2. CXB và Châu "râu" là bạn cùng trường "Trỗi". Khi biết tin, Lê Minh cũng muốn vào thăm CXB nhưng không biết có kịp không vì thời gian của bạn chỉ còn tính bằng ngày nữa thôi. Chỉ cách đây vài tuần, khi đến thăm CXB và nói chuyện với vợ con (con trai và con gái của CXB đều từ Na Uy về sau khi biết tin cha lâm bệnh nặng), CXB đã rất yếu, không tự ngồi dậy được nhưng còn nói được dù phải rất cố gắng và chỉ nói rất ngắn thì bây giờ không thể nói được gì cả. Ngô Tiến Nhân đứng yên lặng bên tôi nhìn CXB thân hình chỉ còn da bọc xương nằm trên giường bệnh như một "em bé" dưới lớp chăn. Dù đã có thuốc giảm đau nhưng bạn vẫn quằn quại vì căn bệnh đang hoành hành trong cơ thể, tôi nhớ lại điều Nhân nói với tôi ở hành lang BV trước khi vào gặp CXB, rằng: "khi vào thăm những người bệnh trong hoàn cảnh như thế này, mình không biết nói gì cả..."

Chúng tôi nói chuyện với con trai của CXB về việc các cháu và mẹ thay nhau trực bên cha như thế nào, cậu bé cho biết rằng mẹ vẫn phải đi làm các buổi sáng, nên cậu được giao trách nhiệm vào thời gian này là thời gian "đỡ cực" hơn so với mẹ và chị phải gánh buổi chiều và tối. Anh Quang đưa cho cậu bé một bao thư và dặn cậu đưa cho mẹ để giúp một phần vào việc trang trải các chi phí rất cao để lo liệu cho CXB từ khi nhập viện đến nay. Tôi thật sự áy náy vì không thể làm gì hơn để giúp bạn mình và gia đình vượt qua tình trạng mà họ phải chịu đựng vì căn bệnh quái ác đang hoành hành ngày càng nhiều hiện nay. Có lẽ không bao giờ tôi quên hình ảnh gương mặt râu ria lởm chởm và ánh mắt của CXB khi kề cận với cái chết nhưng vẫn cố gắng cười khi tôi hỏi có nhận ra tôi không.

UT có lẽ là một trong những hiểm họa khủng khiếp nhất mà con người phải đối diện. Nó vẫn là nan y với ngành y trên toàn thế giới khi gây tổn thất lớn về sinh mạng, tài chính cho người bệnh và gia đình. Cái án tử hình này đang lấy đi nhiều mạng sống của nhiều người mà tôi quen biết và cả những người thân trong quan hệ bà con họ hàng. Sự vật vã đau đớn thể xác và tổn hại tinh thần do bệnh tình cùng những tác dụng phụ từ việc hóa trị, xạ trị thật sự là những ngày kinh khủng của bệnh nhâng và người thân của họ. Với nam giới, nhiều nhất là UT phổi. Không còn biết phòng chống và chữa trị như thế nào, chỉ có thể chấp nhận như với bệnh tim mạch và huyết áp khi xảy ra trường hợp bị tai biến/đột quỵ. Tuy nhiên, không có căn bệnh nào khó đỡ như ung thư và cho đến nay vẫn khó lòng thoát khỏi cái chết nếu đã vào giai đoạn cuối hoặc di căn.

Những thành công y khoa vẫn chỉ là bước đầu, không thể có những loại thuốc và giải pháp hữu hiệu để loại bỏ UT như những cách chữa trị với những căn bệnh khác. Tại sao nó lại lan tràn ghê gớm như hiện nay?

Các loại UT phổ biến nhất ở VN ở cả nam và nữ là:
- UT phổi
- UT thư gan
- UT đại trực tràng
- UT dạ dày
- UT vùng đầu- cổ
Và ở nữ:
- UT vú
- UT cổ tử cung

Các dấu hiệu báo động UT
- Có thay đổi thói quen của ruột và bọng đái.
- Một chỗ lở loét không lành.
- Mảng hay đốm trắng trong miệng/lưỡi.
- Một chỗ dày lên hoặc 1 cục u ở vú hoặc một nơi khác trên cơ thể.
- Ăn không tiêu hoặc khó nuốt.
- Có thay đổi tính chất của một nốt ruồi, mục cóc hay bề mặt da.
- Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng.
- Kèm theo một số triệu chứng khác: sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt, mệt mỏi hay đau kéo dài.

Gần 1/3 các trường hợp trên có thể phòng ngừa bằng các biện pháp dưới đây:
- Không hút thuốc lá.
- Tăng cường vận động.
- Giữ trọng lượng/cân nặng vừa phải, không thừa cân, béo phì.
- Phòng ngừa viêm nhiễm gan B,C, tiêm ngừa viêm gan B, HPV (Human Papilloma Virus), điều trị nhiễm HP (Helico bacter pylori) trong dạ dày.
- Giảm hoặc không uống rượu bia.
- Tránh các yếu tố ô nhiễm môi trường (khói bụi, nguồn nước chứa kim loại nặng v.v.)
- Tránh tiếp xúc ánh nắng quá nhiều.

Với phụ nữ trên 40 tuổi nên tự khám tuyến vú, đi khám tuyến vú mỗi năm và chụp nhũ ảnh mỗi 2 năm.
UT cổ tử cung: với những phụ nữ đã quan hệ tình dục nên thăm khám phụ khoa định kỳ hàng năm, làm phết tế bào cổ tử cung và âm đạo (xét nghiệm PAP's) mỗi 3 năm, từ 21 đến 65 tuổi.
UT gan: với bệnh nhân xơ gan hay viêm gan siêu vi mạn tính nên thử máu AFP, siêu âm bụng mỗi 6 đến 12 tháng.
UT đại trực tràng: với người có tiền sử gia đình mắc bệnh UT đại trực tràng, viêm đại tràng mạn tính, bệnh polyp nên tìm máu ẩn trong phân mỗi năm, nội soi đại trực tràng mỗi 10 năm.
UT dạ dày: với người trên 50 tuổi, nhiễm Helicobacter pylori, tiền sử gia đình mắc bệnh UT dạ dày nên nội soi dạ dày khi có triệu chứng bất thường ở dạ dày.

Dù chỉ hy vọng, ai cũng tự thấy rằng, muốn tự bảo vệ và giữ được sức khỏe chỉ còn cách ăn uống và giữ sinh hoạt có nề nếp/điều độ, chừng mực, tập luyện thường xuyên và nghỉ ngơi đủ để giữ cho tinh thần/tâm trí được thoải mái nhẹ nhõm, không bực tức buồn phiền... mới có thể giữ được sức khỏe với hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể tốt nhất để có thể chống đỡ với những nguy cơ của bệnh tật

Vì vậy các nhà khoa học khuyến cáo rằng ngay từ bé cũng nên biết cách huấn luyện cơ thể thích ứng với hoàn cảnh. Quá sạch chưa hẳn là tốt, hãy để con trẻ chơi bời tự do trong môi trường "bẩn một chút", vì điều này sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng có cơ hội luyện tập và phát triển. Từ đó có thể sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân nhiễm khuẩn sau này...

11 comments:

  1. Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, giúp nhận dạng các yếu tố có hại xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng hay thậm chí là tế bào ung thư. Rất nhiều nhà khoa học đã chứng minh cũng như rất nhiều người chiến thắng ung thư đã chia sẻ: Cách hiệu quả nhất "vượt qua án tử" chính là cải thiện, nâng cao hệ miễn dịch.

    ReplyDelete
  2. Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn). Hiện có khoảng 200 loại ung thư. Có thể dấu hiệu và triệu chứng bao gồm một khối u, chảy máu bất thường, ho kéo dài, không giải thích được giảm cân , và một sự thay đổi trong đại tiểu tiện.

    Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 22% số ca tử vong vì ung thư. Ngoài ra còn 10% do béo phì, kém ăn, lười vận động và uống rượu quá mức. Các yếu tố khác bao gồm một số bệnh nhiễm trùng, tiếp xúc với bức xạ và ô nhiễm môi trường. Ở các nước đang phát triển, gần 20% bệnh ung thư là do nhiễm trùng như viêm gan B, viêm gan C và nhiễm trùng papillomavirus ở người. Cũng có khoảng 5-10% bệnh ung thư là do di truyền.

    Nhiều loại ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách không hút thuốc , duy trì cân nặng khỏe mạnh, không uống quá nhiều rượu , ăn nhiều rau , trái cây và ngũ cốc nguyên hạt , chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm nhất định, không ăn quá nhiều thịt chế biến và thịt đỏ và tránh phơi nắng quá nhiều. Phát hiện ung thư sớm rất có ích, nhất là với ung thư cổ tử cung hay ung thư đại tràng. Ung thư thường được điều trị bằng một số kết hợp của xạ trị liệu, phẫu thuật, hóa trị, và liệu pháp đích. Cơ hội sống còn phụ thuộc vào loại ung thư và mức độ của bệnh khi bắt đầu điều trị. Ở trẻ em dưới 15 tuổi ở chẩn đoán tỷ lệ sống sót 5 năm ở các nước phát triển trung bình khoảng 80%. Đối với bệnh ung thư ở Hoa Kỳ, tỷ lệ sống trung bình năm năm là 66%.

    Vào năm 2015 khoảng 90,5 triệu người bị ung thư. Khoảng 14,1 triệu trường hợp mới xuất hiện một năm (không bao gồm ung thư da). Nó làm 8,8 triệu người chết (15,7%). Loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày. Ở nữ giới, các loại phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Trong năm 2012, khoảng 165.000 trẻ em dưới 15 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nguy cơ ung thư tăng lên đáng kể do tuổi tác và nhiều bệnh ung thư thường xảy ra ở các nước phát triển. Theo ước tính thế giới đã tiêu tốn khoảng 1,16 nghìn tỷ USD vì bệnh ung thư vào năm 2010.
    (Wikipedia)

    ReplyDelete
  3. 3 ngày sau khi chúng tôi vào thăm, Cáp Xuân Bình mất lúc 17h ngày 12/2/2018. Bạn là người đồng lứa với tôi (sinh 1955). anh ra đi để lại 1 khoảng trống trong gia đình mình và trong những lần bạn bè gặp nhau.

    ReplyDelete
  4. Các cơ sở điều trị UT (TP.HCM)
    1. BV Ung bướu TP.HCM: 3 Nơ Trang Long, P.7, Q. Bình Thạnh
    ĐT: 028.3843.3021 - 3843.3022
    2. BV Bình Dân: 371 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3
    ĐT: 028.3832.8754
    3. BV Đại học Y dược TP.HCM: 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5
    ĐT: 028.3855.4269
    4.Trung tâm Ung bướu-BV Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5
    ĐT: 028.3855.4137 - 3855.4138 - 3856.3534
    5. Trung tâm Ung bướu - BV Nhân dân 115: 527 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10
    ĐT: 028.3864.4249 - 3865.5110
    6. Trung tâm Ung bướu - BV Quân y 175: 786 Nguyễn Kiệm, P.3, Q. Gò Vấp
    ĐT: 028.6289.0339

    ReplyDelete
  5. trích bài báo

    "Theo dự đoán của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư của WHO, Việt Nam sẽ có 160.000 người bị ung thư vào năm 2015 (tăng 30% so với năm 2012), và sẽ có thêm 30.000 người chết mỗi năm, đưa tổng số người chết vì ung thư lên 125.000 người.
    ăn nhiều trái cây có thể ngăn ngừa 25% nguy cơ ung thư vòm họng, và 36% số ca ung thư phổi. Chỉ cần giảm uống rượu và béo phì là có thể giảm ung thư gan – loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam với tỉ lệ mắc cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình thế giới. Mỗi năm căn bệnh này lấy đi mạng sống của 23500 người Việt.
    Cũng theo thống kê mới nhất của Viện dinh dưỡng quốc gia, tại các thành thị, 45% người trưởng thành bị rối loạn mỡ máu và 50% bị tăng huyết áp, ngay từ độ tuổi 25-30. Và cứ 4 người trưởng thành ở thành thị thì có 1 người bị thừa cân, béo phì.
    Các bệnh mãn tính không lây ở Việt Nam được ước tính là nguyên nhân của ¾ tổng số ca tử vong và gây ra gấp 4 lần số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm."
    ---------
    mẹ kiếp
    ăn trái cây giảm 25% ung thư vòm họng, nhưng tăng ung thư khác vì thuốc và hoá chất trong trái cây.

    Nguyen Q Quy

    ReplyDelete
  6. Giáo sư Keith Scott-Mumby, người được coi là một Columbus trong y học nói rằng: 'Nhiều người, tôi là một trong số họ nhìn nhận ung thư về cơ bản là một bệnh của hệ thống miễn dịch. Đặc biệt trong thế giới hiện đại của chúng ta, có quá nhiều độc tố. Bạn không có cách nào để ngăn chặn tế bào bị thương tổn hay trở thành các tế bào bất thường'.
    'Nhưng một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể làm được điều đó. Chúng sẽ bắt và nhanh chóng tiêu diệt các tế bào bất thường. Vì vậy bạn hãy làm mọi thứ để giúp hệ miễn dịch của bạn trở nên khỏe mạnh. Điều này cũng có nghĩa rằng bạn nên biết những loại dinh dưỡng tốt có thể làm được điều đó'.

    Dưới đây là 5 điều quan trọng bạn nên biết về các tế bào ung thư:
    1. Mỗi người đều có các tế bào ung thư trong cơ thể. Những tế bào này không được phát hiện trong các xét nghiệm thông thường cho đến khi chúng được nhân lên và phát triển đến hàng tỷ tế bào.
    2. Tế bào ung thư hiện diện trong cơ thể khoảng 6-10 lần trong cả cuộc đời của mỗi người.
    3. Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt, ngăn chặn sự tăng sinh hình thành khối u.
    4. Khi một người bị ung thư, điều đó có nghĩa người đó có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng nặng hoặc do các yếu tố môi trường độc hại, lối sống và chế độ ăn uống không lành mạnh.
    5. Một cách hiệu quả để chiến đấu lại với ung thư là làm cho tế bào ung thư bị đói bằng cách không cung cấp những thức ăn cần thiết cho nó tăng sinh và phát triển.

    Theo Trithuctre

    ReplyDelete
  7. “Sống là điều vĩ đại” là bức tâm thư của Vũ Quyên. Cô gái 33 tuổi người TQ đã bị ung thư và viết thư này trước khi chết.

    “Vào lúc phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết, bạn sẽ phát hiện ra rằng việc tăng ca, hay tạo quá nhiều áp lực cho bản thân, hoặc những nhu cầu mua nhà, mua xe đều chỉ là phù du.

    Nếu bạn có thời gian thì hãy ở bên con cái, dùng khoản tiền tiết kiệm mua xe để mua tặng bố mẹ mình một đôi giày.

    Đừng cố sống cố chết đổi một căn nhà to đẹp hơn, bởi chỉ cần được ở bên người mình yêu thương thì một căn phòng chật hẹp cũng đủ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc trào dâng.”

    “Tôi đã chiến đấu với căn bệnh ung thư suốt 1 năm trời, cũng từng trải qua vài lần chết hụt. Hiện giờ có thể ngồi đây gõ ra những dòng chữ này, tôi cho rằng đã đến lúc nên nghiêm túc suy nghĩ xem tại sao bản thân mình lại bị mắc bệnh ung thư?

    Tuy rằng đối với tôi, việc làm ấy chẳng có bất kỳ ý nghĩa gì, nhưng có lẽ nó sẽ giúp ích cho người khác.”

    “Nguyên nhân khiến tôi suy nghĩ về vấn đề kể trên và quyết định viết ra những điều tâm huyết này là bởi vì cho dù có phân tích kiểu gì, tôi vẫn cho rằng mình không thể là người bị mắc bệnh ung thư được.”

    “Trước tiên, phải nói rằng tôi không bị mắc bệnh di truyền. Thứ hai, thể chất của tôi rất tốt. Thứ ba, tôi mới sinh con và cho bé bú được 1 năm. Thứ tư, hầu hết những người mắc bệnh ung thư vú đều trong độ tuổi ngoài 45, còn tôi khi ấy chỉ mới 31 tuổi mà thôi.

    Tôi nghĩ việc mình mắc bệnh chắc chắn là hệ quả của nhiều yếu tố đã được tích luỹ trong một khoảng thời gian dài.”

    ReplyDelete
  8. “Sống là điều vĩ đại” (tiếp theo)

    VỀ ăn uống:

    1. Cái gì cũng ăn thử

    Tôi là một người chẳng bao giờ từ chối nếm thử bất kỳ món ăn nào. Vì nhiều nguyên nhân khách quan, ví dụ như công việc đầu bếp của bố khiến tôi có cơ hội thưởng thức nhiều thứ mà mình không nên ăn, từ thịt công, thịt gấu, thịt hươu, thịt nai, cho tới mòng biển, cá voi…

    Việc ăn thịt những loài động vật này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, mà còn khiến tôi cảm thấy tội lỗi đầy mình. Không những vậy, những loại thịt này thật sự chẳng ngon lành gì.

    2. Ăn quá nhiều

    Tôi là một người ăn uống rất tuỳ tiện và thoải mái, thậm chí còn nổi tiếng là ăn nhiều.

    Lúc còn học ở bên trời Âu, thầy giáo thường xuyên mời tôi đi ăn vì vợ thầy bị mất vị giác, trong khi nhìn tôi vừa nhồm nhoàm nhai vừa kể chuyện cười lại khiến cho thầy có cảm hứng ăn uống. Đến khi đi làm, tôi vẫn giữa thói quen ấy.

    Có lần đi ăn với một nhóm thầy giáo cùng trường mà cả 5 người đàn ông cũng chẳng ai ăn nhiều được như tôi.

    Tôi thấy mình thật giống với con rắn tham lam trong trò chơi “rắn săn mồi” yêu thích trên điện thoại, cứ mải miết ăn rồi bị chết bởi chính thói tham ăn của mình.

    3. Nghiện đồ ăn nhiều đạm

    Trước khi bị bệnh, tôi là người bị nghiện ăn thịt. Nếu trên bàn ăn không có thịt, tôi sẽ cảm thấy không có hứng thú ăn uống gì nữa, hoặc có ăn thì cũng chẳng bao giờ cảm thấy no.

    Mẹ tôi cho rằng thói quen này của tôi là do bố tôi mà ra, bởi ông là một đầu bếp nổi tiếng cấp quốc gia, thế nên tôi luôn được ăn uống thoải mái, ngay cả khi những người trong vùng không có thịt để mà ăn.

    Bên cạnh đó, tôi cũng rất thích ăn hải sản. Quê chồng tôi lại ở một hòn đảo nhỏ trên thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, thế nên tôi có thể ăn hải sản tùy thích.

    Tuy nhiên, điều tôi muốn nói không phải là ăn hải sản không tốt cho sức khỏe, mà tôi chỉ muốn tìm hiểu xem vì sao tôi lại mắc bệnh ung thư.

    Có lẽ chồng tôi là người miền biển nên anh ấy có thể ăn hải sản từ ngày này sang tháng khác mà không có bất kỳ phản ứng phụ nào. Còn tôi lại là một cô gái ở vùng đồng bằng, từ nhỏ đã không quen ăn nhiều đồ biển, thế nên việc ăn hải sản trường kỳ cũng ít nhiều ảnh hưởng tới cơ thể.

    Người ta vẫn nói “ở đâu quen đấy”, và tôi thì nhận thức sâu sắc một điều: Không phải cứ được gả đến vùng biển thì tôi sẽ có thể chất của một ngư dân.

    ReplyDelete
  9. “Sống là điều vĩ đại” (tiếp theo)

    VỀ giấc ngủ:
    Tôi có thói quen đi ngủ muộn. Thực ra tôi cảm thấy ở độ tuổi của mình, việc đi ngủ muộn cũng chẳng có gì to tát cả. Đại đa số những người mà tôi quen đều đi ngủ muộn, tuy rằng sức khỏe của họ đều khá tốt, nhưng việc đi ngủ muộn thật sự rất có hại cho cơ thể.

    Suốt 10 năm qua, trừ lúc ở ký túc xá của trường phải tắt đèn đúng giờ ra, hầu như tôi chẳng lúc nào đi ngủ trước 12 giờ đêm (thực ra thì ngay cả khi đèn ký túc đã tắt, tôi cũng không đi ngủ đúng giờ).

    Có quá nhiều lý do để tôi thức khuya, thậm chí là thâu đêm suốt sáng, nào là học hành, ôn thi, cho tới nói chuyện phiếm, chơi game, hay đi hát karaoke, ra ngoài tụ tập với bạn bè, hoặc thậm chí là chỉ ngồi suy nghĩ thẩn thơ một mình…

    Tính ra, cho dù tôi có đi ngủ sớm thì cũng chẳng bao giờ trước 1 giờ sáng.

    Khi tiến hành làm xét nghiệm, gan của tôi luôn có chỉ số rất cao, nhưng trước đó tôi không hề có bất kỳ triệu chứng gì của bệnh gan.

    Tôi rất ngạc nhiên và gấp gáp tìm hiểu lý do tại sao chức năng gan của tôi lại có vấn đề như vậy, bởi vì chức năng gan kém thì không thể tiếp tục quá trình hóa trị.

    Tiếp đó, bác sĩ nói cho tôi biết từ 11 giờ đêm tới 3 giờ sáng là khoảng thời gian hoạt động mạnh nhất của gan, cũng là thời gian thải độc tốt nhất của gan.

    Nếu chức năng gan không được nghỉ ngơi sẽ gây ra lưu thông máu không đủ ở gan, rất khó để các tế bào gan hồi phục dẫn đến sự suy giảm và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

    Vì vậy, nhiều người vẫn nói “thường xuyên thức khuya cũng đồng nghĩa với việc tự sát” kỳ thực không phải là quá phóng đại.

    Sau này, khi đã bị bệnh, tôi bắt đầu nghiên cứu các loại tài liệu liên quan tới sức khỏe con người. Trong đó có nói cơ chế đồng hồ sinh học của cơ thể diễn ra như sau:

    Từ 21-23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) bài độc (đào thải chất độc).
    Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan.
    Từ 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật.
    Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi.
    Từ 5h – 7h là khoảng thời gian ruột già bài độc.
    Từ 7h – 9h là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất.
    Tôi cho rằng chúng ta nên đi ngủ sớm và đối đãi thật tốt với cơ thể của mình, bởi chẳng có thứ gì quý giá hơn sức khỏe đâu.

    ReplyDelete
  10. “Sống là điều vĩ đại” (tiếp theo)

    Về trau dồi kiến thức và đào tạo bản thân:
    Khi nhìn lại bản thân trong hơn 30 năm qua, tôi phát hiện ra rằng mình đã dành đến 20 năm để học tập. Có lẽ vì luôn mải chạy theo thành tích và các loại học bổng, giải thưởng nên tôi đã phải tiêu tốn rất nhiều thời gian quý giá trong đời.

    Tôi tự nhận thấy mình là một mẫu người điển hình của chế độ “2W”, tức là chỉ học hành chăm chỉ trước khi diễn ra kỳ thi 2 tuần (two weeks) và kết quả luôn ở mức kém (too weak).

    Vì vậy, mỗi khi kỳ thi đến, tôi luôn phải “nhồi nhét” mớ kiến thức mênh mông vào trong não bộ nhỏ bé của mình.

    “Nước đã dâng đến tận cổ” khiến tôi ra sức học hành, thậm chí có những hôm tôi dành tới 21 tiếng đồng hồ chỉ để ôn bài cho kịp deadline. Và sau đó, tôi thường lâm vào tình trạng kiệt sức, kết thúc kỳ thi phải ngủ bù 2-3 ngày liền.

    Tôi tin rằng rất nhiều người trẻ đang có thói quen sinh hoạt giống mình. Qua đây, tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng cần phải hết sức trân trọng sức khoẻ của mình, đừng bao giờ để cơ thể quá kiệt quệ.

    ReplyDelete
  11. “Sống là điều vĩ đại” (tiếp theo và hết)

    Môi trường sống
    Tuy trước nay tôi chưa từng chê bai bầu không khí ô nhiễm ở Thượng Hải, nhưng quả thực, khi từ châu Âu trở về, tôi đã nhận thức sâu sắc về mức độ quan trọng của môi trường sống quanh mình.

    Theo kết quả một cuộc thống kê, ở Trung Quốc cứ 10.000 người lại có 180 người bị mắc bệnh ung thư, và thành phố có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất là Thượng Hải.

    Trong khoảng thời gian từ năm 1963-1980, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở Thượng Hải đã tăng gấp đôi, cao hơn 25% so với Bắc Kinh, Thiên Tân.

    Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ Thượng Hải bị mắc bệnh ung thư cũng tăng gần gấp đôi trong vòng chưa đến 20 năm. Trung bình, cứ mỗi 100 người phụ nữ Thượng Hải lại có một người bị mắc bệnh ung thư, cao hơn hẳn so với các thành phố khác.

    Tôi không nói rằng bầu không khí ô nhiễm ở Thượng Hải đã khiến mình bị ung thư, nhưng tôi cảm thấy đây chính là một trong những tác nhân chính gây ra căn bệnh của mình.

    Ngoài ra, những yếu tố tai hại như nguồn nước ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo… cũng góp phần tạo nên tình trạng số lượng người bị mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng nhanh chóng như hiện nay.

    Tôi hy vọng những điều trên đây sẽ giúp ích cho bạn, bởi tôi không mong muốn có thêm bất kỳ trường hợp nào phải chịu đau khổ giống như mình.

    Nguồn: Tri thức trẻ

    ReplyDelete