Friday, December 3, 2021

100 năm tà áo dài Việt Nam

 Từ chiếc áo ngũ thân cho tới lối cải cách của Le Mur Nguyễn Cát Tường, chặng đường quay ngược dòng thời gian của áo dài cho chúng ta thấy bộ quốc phục nền nã nhưng sâu xa hơn, những thay đổi của áo dài cũng chính là những thay đổi trong nhận thức của phụ nữ Việt về bản thân, sự tự do, và về cách ăn mặc chuẩn mực hiện đại.

“Áo dài mình tới Nhật, áo dài mình qua Nga”, “Áo dài – tâm hồn Việt, văn hoá Việt”. Và có lẽ bản thân bạn cũng đã quen thuộc với rất nhiều câu nói, câu thơ khác nhắc tới tà áo dài Việt Nam. Trong tiềm thức của mỗi chúng ta, áo dài đã luôn là quốc phục, là một phần của văn hoá, truyền thống cũng như vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Và điều này không hề bị giới hạn trong khuôn khổ vững vàng của đường biên giới. “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi”, lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy, Thanh Tùng chắc hẳn sẽ chạm tới không ít thế hệ người nghe, nhất là những con người xa xứ, chúng ta nhận ra nhau nhờ tà áo dài. Chúng ta tự hào, ngợi ca áo dài, mang chúng đến với những triển lãm quốc tế và hiện tại, thậm chí bạn đã bắt đầu có thể nhìn thấy “bóng dáng thướt tha” trên những sàn diễn thời trang tầm cỡ, hãy nhớ về Peter Do và cách tà áo dài của anh tung bay trước mắt giới mộ điệu của tuần lễ thời trang New York mùa Xuân Hè 2022 mới đây.

Trước đó, vào năm 2018, NTK Minh Hạnh đã có cơ hội mang áo dài đến thuyết trình tại hai thành phố lớn là Fukuoka và Moskva hay Moscow theo chuyển thể tiếng Anh quen thuộc với bạn đọc. Tại thời điểm đó, chỉ còn mỗi những quốc gia Châu Phi là Minh Hạnh chưa từng mang áo dài sang trình diễn. Thậm chí, NTK vui mừng khi được tận mắt trông thấy người mẫu Nga mặc ào dài Việt Nam và trình diễn cho BST của chị: “Con gái Nga mặc áo dài quá xinh đi. Chỉ cần ‘casting’ mấy em sinh viên trong trường thôi là ngời ngời”.

Như vậy, dù xuất hiện cùng thời trang đại chúng, cùng những BST Ready – To – Wear hay dưới những góc độ hàn lâm, tà áo dài Việt cũng đã vươn ra thế giới. Tuy vậy, song song với những lần “vượt biên” của tà áo dài, những xu hướng thời trang mới cũng du nhập mạnh mẽ vào phong cách ăn mặc của người dân Việt Nam nội địa. Chúng ta giờ đây dành áo dài cho những dịp lễ hay những sự kiện đặc biệt quan trọng, những cột mốc như đám cưới, ăn hỏi, trao giải, lễ tết hay quốc khánh. Áo thun, quần jeans rất ứng dụng và chúng giúp ích rất nhiều trong công cuộc hoà nhập với xu hướng thế giới, không chỉ riêng Việt Nam mà ở bất kì nơi đâu, quốc phục ngày nay tồn tại với ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là trang phục ứng dụng.

Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, trên thực tế, quốc phục nào cũng đã từng là thường phục.

Phụ nữ Việt đã mặc áo dài từ ngàn đời, từ khi đất nước còn “gồng mình” trong bom đạn và những cuộc chiến dai dẳng vì độc lập, tự do. “Trong lịch sử hình thành, phát triển qua những thời điểm quan trọng nhất, áo dài có những cuộc cải biên thành công và không thành công, nhưng giá trị cao nhất của áo dài là luôn luôn đi được cùng với sự biến đổi của thời đại” (NTK Minh Hạnh). Đất nước càng hiện đại, áo dài lại càng hiện đại theo. Thời gian và những cột mốc áo dài trải qua chắc chắn khiến tà áo “lớn tuổi” hơn hầu hết tất cả chúng ta. Để có thể tìm hiểu và đi cùng “bộ mặt quốc gia” từ ngày khởi nguồn, một bài báo chắc chắn sẽ không thể bao hàm đầy đủ những dấu mốc cũng như những ý nghĩa đặc trưng. Tuy nhiên, quay ngược thời gian 100 năm về trước, bắt đầu từ năm 1921, ngay tại thời điểm này đã có rất nhiều tư liệu để chúng ta cùng bàn luận và phân tích quốc phục trong tiềm thức của người Việt Nam.

Gắn liền số báo với cột mốc 100 năm cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ để tôn vinh văn hoá nội địa và những nét đẹp chỉ riêng Việt Nam mới có, mời bạn đọc cùng đội ngũ L’OFFICIEL nhìn lại chặng đường 100 năm của tà áo dài, từ chính thời điểm khi chúng ta đang cùng nhau đọc những trang báo in mới nhất quay ngược trở về thời kì đất nước bước đi trên con đường xây dựng và phát triển độc lập. Từ 1921 tới 2021, chặng đường 1 thế kỷ với đủ những đổi mới, những cải tiến về mọi mặt đi kèm hàng loạt cái tên gắn liền với sự cải cách trang phục tính nữ mà chắc hẳn bạn đọc sẽ thấy thật quen thuộc.

Thời kỳ 1921 – 1930

Thời kỳ hình thành cơ bản tư tưởng về cách mạng Việt Nam với những hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên địa bàn nước Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn người trí thức được đón nhận những tác phẩm của Bác từ “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Đường Kách mệnh” (1927), “Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt)” (1930).

Như vậy, thập niên 1920, khi “giấc mơ Mỹ” chúng ta quen thuộc hiện nay đang rực rỡ với thời vàng son của những cuộc ăn chơi không hồi kết, nhạc jazz, thế hệ “flapper” phóng túng cùng những cô nàng diện đầm lụa, lông vũ, chất liệu kim sa lấp lánh, giày cao gót, trang điểm đậm và cắt tóc ngắn như bạn đã thuộc lòng nhờ loạt hình ảnh hoa lệ của thước phim “Đại gia Gastsby” thì ở Việt Nam, cuộc đấu tranh dành lấy độc lập vẫn còn là ưu tiên trên hết của mọi tầng lớp. Lúc này, trang phục áo dài vẫn còn nhiều điểm cầu kì của thể áo năm thân, hay năm tà của những năm đầu thế kỉ 20. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải thân trước. Phần phía dưới khuỷu tay sẽ được may nối với tay áo. Sở dĩ, đây không phải một chi tiết thiết kế hay sáng tạo, người xưa phải may như vậy vì sự thiếu thốn và hạn chế các chất liệu tốt như lụa, sa, gấm, đoạn. Thời kì khó khăn, những loại vải tốt chỉ có thể dệt được rộng nhất là 40cm chiều ngang và chỉ những người có điều kiện mới có thể chi tiền mua loạt vải vóc này.

Mặc dù thân trên và tay áo vẫn có điểm tương đồng với áo dài ngày nay khi được may ôm dáng, phần tà áo lại được may rộng từ sườn đến gấu, đi kèm điểm khác biệt lớn chính là chiếc áo dài lúc này không chít eo. Vạt áo rất rộng, gấu vạt trước được cắt dài hơn vạt sau, may võng để ngực áo có thể kéo vòng lên khi mặc.

Là một trang phục thường ngày, cổ áo chỉ cao khoảng 2cm cho nữ và 3 tới 4cm cho nam. Đặc điểm cơ thể với phần cổ ngắn của người Việt Nam khiến cách may và độ cao cổ áo trung bình trở nên phù hợp cũng như tạo ấn tượng về một hình thể thanh mảnh, uyển chuyển hơn. Tuy vậy, phụ nữ Huế vẫn rất thích chiếc áo dài của họ có phần cổ cao 3cm. Khác với sở thích cổ áo dựng thấp và quần áo dài màu đen của phần đông nữ giới miền Bắc và miền Nam, người Huế ưa chuộng cổ áo thật cao và quần mặc cùng áo dài của họ nên được may bằng vải trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế, cả nam lẫn nữ, dọc hai bên mép ngoài quần sẽ được may với ba lần gấp, mục đích để khi di chuyển, chiếc quần sẽ xòe rộng thêm.

Thời ấy, vải áo màu đậm được ưa chuộng hơn cả. Và một lẽ dĩ nhiên, cha ông sử dụng những loại thuốc nhuộm vải hoàn toàn tự nhiên. Không có sự can thiệp của hoá chất hay những phụ liệu và công nghệ như hiện nay, màu tự nhiên của áo dài rất dễ phai. Vì vậy, đối với một chiếc áo đắt tiền và những loại vải cao cấp, hầu như chiếc áo dài chỉ được dùng để khoác ngoài và hạn chế tối đa việc giặt giũ hay ngâm nước. Những chiếc áo chỉ được phơi nắng một năm vài lần rồi ướp hương thơm để bảo quản.

Thời kỳ 1930 – 1940

Đây có lẽ là thời điểm cuộc cải cách áo dài diễn ra sôi nổi nhất, với sự xuất hiện của nhóm những nhà văn, những cây bút đến từ Tự Lực Văn Đoàn, tuần báo Phong Hoá và chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”. Những quy cách ăn mặc 1920 bắt đầu tan biến và nhường chỗ cho nhiễu Tây, lụa Tàu và vải Bombay màu sắc rực rỡ. Không những thay đổi quan niệm về y phục, những đổi mới còn mang đến cho phụ nữ Việt loạt nhận thức về nữ quyền, đề cao chủ nghĩa tự do và hiện đại trong bối cảnh cả dân tộc đang phấn đấu tiến bộ, thoát khỏi sự bảo thủ không cần thiết của hủ tục phong kiến và Nho giáo.

Trên báo Phong Hoá số 85 năm 1934, lần đầu tiên xuất hiện một chuyên mục dành riêng cho “thời trang” với tên gọi “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” giao cho hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường viết bài và vẽ minh hoa. Tới đây, bạn đọc chắc hẳn đã thấy cái tên quen thuộc, tay tạo mẫu nòng cốt của chuyên mục cải cách y phục Le Mur Nguyễn Cát Tường. Lời toà soạn đăng kèm trên chuyên mục khi đó nói rằng “mong rằng nhờ có mục này rồi người, quần áo và đồ đạc sẽ dần dần được tăng thêm vẻ đẹp”.

Như vậy, bắt đầu từ số 85 cho tới số 109 của tuần báo Phong Hoá, Le Mur Nguyễn Cát Tường và chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” đã viết những bài xã luận, minh hoạ kiểu mẫu và cách may trang phục lối mới, giới thiệu y phục hiện đại đến với công chúng và dần dần thay đổi chính bộ áo dài truyền thống quen thuộc.

Áo dài Le Mur xuất hiện và ngay lập tức bị cho là những ý tưởng quá mức táo bạo, chỉ có giới nghệ sĩ thời thượng mới dám mặc. Cụ thể, những cải cách của Le Mur vẫn giữ nguyên phần áo dài từ eo xuống gấu áo, tuy nhiên, cổ áo khoét hình trái tim với mũi nhọn đằng trước ngực hay sau lưng và một cái nơ đính vào chỗ khoét nhọn đó. Có khi áo được gắn cổ bèo, vai áo phồng, tay nối vai, những đặc điểm rất dễ thấy trong trang phục may kiểu Âu. Cũng có khi, chiếc áo dài Le Mur bỏ hẳn phần cổ áo và tay áo truyền thống, cổ xẻ rộng xuống giữa lưng, khuy áo lúc này may dọc trên vai và sườn bên phải, quần mặc kèm cắt loe rộng. Với những lí do cho rằng cổ áo và tay áo dài rất vướng víu, chỉ có công năng che đậy cơ thể mà trên thực tế rất nóng và gò bó, đối với Nguyễn Cát Tường, cổ dựng cao và tay nên được cắt bỏ khỏi bộ áo truyền thống.

Song song với những tranh cãi, Le Mur Nguyễn Cát Tường trở thành cái tên rất nổi tiếng, tạo tiếng vang lớn đối với đông đảo phụ nữ lúc bấy giờ. Mặc dù nhận về không ít lời chỉ trích cũng như những quan điểm phản bác cho rằng áo dài Le Mur, trang phục kiểu mới không có “tính cách dân tộc”, những gì Nguyễn Cát Tường thực hiện cũng phần nào chạm đến quan điểm “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” cũng như thu về sự ủng hộ và những bày tỏ chân thành của phụ nữ lúc bấy giờ, khi họ rất hoan nghênh đổi mới nhưng vẫn rụt rè và không dám thực hiện vì “chúng tôi hầu hết còn ở dưới quyền cha mẹ hoặc cha mẹ chồng, mà số đông các cụ đây mới thực là nô lệ của dư luận”, “không phải các cụ không biết thế nào là hay đâu, nhưng vì các cụ không thích bỏ quốc hồn quốc tuý mà nhất là không thích cho lời con cháu nói là phải đó thôi”.

Như vậy, những đổi mới y phục diễn ra với bước đầu chính là thuyết phục thế hệ cha ông, những người đã quá gắn bó với Nho giáo và ngần ngại thay đổi. Không chỉ cải cách áo dài, Le Mur Nguyễn Cát Tường đã cải cách cả hệ thống trang phục Việt Nam, tạo nên một gợn sóng trong dòng chảy y phục truyền thống. Đăng trên báo Phong Hoá số 90, hoạ sĩ Cát Tường giới thiệu chiếc áo dài Le Mur “chính thức” và viết : “Vậy kiểu áo này tuy có đôi vẻ khác thường, xin các bạn cứ yên lòng. Không những nó có một tính cách riêng, nó lại còn tỏ cho người ngoài biết rằng: nước ta đã đến thời kỳ biết cải cách và cũng có bộ quốc phục hợp thời.”

Mặc dù đến khoảng 1945 – 1947, xu hướng áo dài Le Mur bắt đầu đi xuống, tuy nhiên, những cải cách về y phục cũng như áo dài của thập niên 1930 đã ít nhiều thay đổi lối ăn mặc, ý thức về phục trang tính nữ cũng như quyền lợi của chính người phụ nữ và có những ảnh hưởng nhất định lên trang phục Việt Nam sau này.

Thời kỳ 1950 đến nay

Đi qua thập niên 30 với rất nhiều những thay đổi và tinh thần cải cách, chiếc áo dài ngày nay chúng ta quen thuộc có nhiều điểm tương đồng nhất với thiết kế của những năm 50. Thân áo sau may rộng hơn thân trước để ôm phần eo và hông, cổ áo bắt đầu cao lên và gấu áo hạ thật dài. Đầu những năm 60, tà áo không để lộ quần được cho là một trong những minh chứng tiêu biểu để đánh giá một người thợ may khéo. Càng ngày áo dài may càng chít eo chặt hơn và tôn dáng ngực, eo áo cắt cao để lộ cạp quần. Đặc biệt, tay áo raglan bắt đầu xuất hiện, ôm gọn phần vai, khiến áo đỡ nhăn và cũng tiết kiệm vải.

Như vậy, tới hiện tại, chúng ta đã có bộ áo dài hoàn chỉnh, phù hợp với “tính cách dân tộc”, phù hợp thời tiết và quan điểm thẩm mĩ mới. Cùng với đó, “giá trị cao nhất của áo dài là luôn luôn đi được cùng với sự biến đổi của thời đại”. Từ những cái tên nổi tiếng thế giới như Peter Do cho tới Lâm Gia Khang và loạt thương hiệu nội địa (Subtle Studios, Maison Phiêu và Nosbyn), áo dài đã có vô số phiên bản phù hợp với mọi dạng cơ thể, thời tiết và nhu cầu ứng dụng. Nếu ngay lúc này, để trả lời cho câu hỏi liệu áo dài có thể quay trở lại vai trò thường phục, có lẽ phần đông chúng ta đều đã sẵn sàng câu trả lời cho mình với những thiết kế mới đa dạng và hiện đại, xuất hiện hầu như trong tất cả các mùa thời trang gần đây.

12.03.2021 by Minh Nhật

(L'Officiel)

Nguồn tham khảo: Website trường đại học Hoa Sen: news.hoasen.edu.vn lưu giữ bản số hoá của đầu báo "Phong Hoá", chuyên trang Style Republik, tư liệu đến từ nhà nghiên cứu Trịnh Bách

No comments:

Post a Comment