Monday, December 20, 2021

Mùa của yêu thương!


Lễ Giáng Sinh, còn được gọi là Noel, từ tiếng Pháp Noël. Còn tiếng Anh, lễ Giáng Sinh được gọi là Christmas! Đó là ngày sinh của Chúa Jesus.
Gần đến ngày Giáng Sinh, trên đường phố Melbourne, tại các quảng trường, các siêu thị đều có trang hoàng cây thông Giáng Sinh với giày ủng đỏ đựng đầy bánh kẹo bên trong, các vòng lá thông gắn băng lụa đỏ và chuông mạ vàng.
Một số nhân viên bán hàng còn hóa trang thành ông già Noel để dụ khị con nít!
Và mấy em phục vụ trong quầy tiệm nhậu cũng đội nón của ông già Noel để dụ khị tui!
Lễ Giáng Sinh ngày 25 và ngày 26, tháng 12 là Boxing Day, chủ yếu là ngày nghỉ lễ để quý em yêu mặc tình đi mua sắm; giống như Black Friday, một ngày sau Lễ Tạ ơn, Thanksgiving bên Mỹ vậy!
Nước Úc tự do tôn giáo nên có nhiều đạo khác nhau. Đa phần người Úc gốc Anh theo Anh Giáo; còn những di dân Âu Châu khác như dân Ý theo Thiên Chúa Giáo La Mã.
Dẫu vậy, lễ Giáng Sinh là dành cho tất cả dù lương hay giáo, có đạo hay không! Ai cũng khoái vì hai ngày nầy là ngày nghỉ lễ chính thức cho toàn quốc, tất cả mọi người nếu buộc phải đi làm việc vào hai ngày nầy đều được trả lương gấp 2.5 ngày thường. Bằng nghỉ cũng có hưởng lương; nhưng ít hơn! Có còn hơn không mà!
Giáng Sinh là ngày lễ lớn nhất Úc Châu, tương tự với Tết Nguyên Đán ở Việt Nam vậy. Theo truyền thống Giáng Sinh, là một dịp đoàn tụ gia đình! Có những người con đi làm ăn xa cũng lặn lội bay về với cha mẹ, anh em, họ hàng và bạn bè, lối xóm.
Sau buổi thánh lễ chiều ngày 24, tháng 12, ngoài đường gần như không còn người qua lại. Các siêu thị đóng cửa vào 6 giờ chiều để nhân viên nghỉ, tụ họp gia đình cùng ăn tối và trao quà vào lúc nửa đêm. Sáng ngày 25, tháng Chạp, thường là cả gia đình cùng đi nhà thờ dự thánh lễ.
***
Rồi cứ vào mùa Lễ, hàng đêm, dòng người, có đến hàng trăm, lũ lượt kéo đến một tư gia, mà chủ nhà đã bỏ nhiều ngày công ròng rã từ tháng Mười Một để trang điểm một cảnh huy hoàng của một đêm Giáng Sinh với hàng ngàn bóng đèn chớp nháng cho bà con mình chiêm ngưỡng!
Cảnh Chúa sinh ra trong hang lừa máng cỏ, hình những người tuyết, những cây thông, những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, những gói quà tượng trưng và hàng chữ Merry Christmas làm bằng những bóng đèn ca ngợi ngày Lễ.
Có Ông già Noel cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà và leo qua ống khói, bỏ quà vào những chiếc vớ treo lủng lẳng dưới cây thông Giáng Sinh trong khi các em nhỏ đang ngủ.
Có hình nhân Santa Claus cao tới 3.2 m! Rồi hai con tuần lộc, mỗi con cao tới 1.2 m! Tốn cả vài ngàn đô la cho tiền trang trí và vài trăm đô tiền điện một tháng.
Có những con đường, thị dân đua nhau trang trí trước cửa nhà mình cho mùa Lễ hội. Đêm về, ánh dương vừa lặn, trời sụp tối là cả hàng chục căn nhà bật đèn lên rực rỡ!
Nhạc Giáng Sinh, “Jingle Bells! Jingle Bells!” truyền đi từ đài phát thanh địa phương trên băng tầng FM rộn rã cả một khúc đường.
Xe cộ không được phép lưu thông để giữ an toàn cho khách có nhiều con nít đền thưởng ngoạn.
Những vị chủ nhà đáng yêu nầy không làm chuyện bao đồng mà là một hành động có ý nghĩa kéo dài đôi khi suốt cả 50 năm, cha truyền con nối! Vì họ yêu không khí tưng bừng của mùa Lễ Giáng Sinh; yêu những ánh mắt sáng rỡ như sao sa, những nụ cười, những ngón tay nhỏ xíu dễ cưng, chỉ chỏ của trẻ thơ khi nhìn ngắm cảnh tượng sinh động nầy!
Tuy nhiên, gia chủ cũng không quên để cái hộp trước cửa để quyên tiền bá tánh đến xem hầu giúp cho các bịnh viện nhi đồng. Cũng là một truyền thống rất hay.
Nhưng Mùa Giáng Sinh không phải chỉ dành riêng cho con nít mà còn dành cho đôi lứa! Trai gái thường nhân mùa Giáng Sinh để: “I love you!”,
Mỗi mùa Giáng Sinh về, chúng ta lại nhớ đến truyện ngắn The gift of the Magi (Món quà Giáng Sinh) của O. Henry, in lần đầu vào ngày 10, tháng Tư. năm 1906 tại New York, được xem là một trong những truyện ngắn về Giáng Sinh hay nhất mọi thời đại.
Chuyện rằng: Jim và Della là một cặp vợ chồng trẻ, nghèo. Vào lễ Giáng Sinh, dù chỉ còn số tiền 1 đồng đô la 87 xu dính túi, Della quyết định mua một sợi dây bằng bạch kim, đơn giản, không cầu kỳ cho mặt cái đồng hồ bỏ túi quý giá của Jim, vì là của gia bảo!
Dẫu sợi dây đồng hồ giá chỉ 21 đô lúc đó, (theo trượt giá bây giờ bằng khoảng 500 đô!) nhưng đầy giá trị bởi chính bản thân nó chứ không bởi sự lòe loẹt bên ngoài! “Nó cũng giống như anh ấy. Thầm lặng nhưng đầy giá trị!”
Để có đủ tiền, Della quyết định cắt mái tóc dài và đẹp của mình, thứ quý giá nhất mà nàng có, để bán cho tiệm làm tóc giả.
Cùng lúc, Jim quyết định bán cái mặt đồng hồ quý giá của mình để mua một bộ kẹp tóc có đính đá quý, cài lên mái tóc óng ả mượt mà của em yêu.
Cuối cùng, cái kẹp cài tóc thời có mà mái tóc dài em đã bán đi! Dây đồng hồ thời có mà chiếc đồng hồ anh lại bán đi. Tréo ngoe hết ráo!
Món quà của hai người yêu nhau, dành tặng nhau trong mùa Gíang Sinh không dùng được. Như cái tình yêu của đôi lứa chúng ta dâng tặng cho nhau thì lại lớn hơn, trường cửu hơn nhiều!
***
Sống ở Úc nầy cũng khá là lâu, mấy mùa Giáng Sinh đầu, tui chỉ thả hồn mình về quê cũ.
Tui vẫn nhớ dọc lề đường Hai Bà Trưng, trước cửa Nhà Thờ Tân Định, kéo dài từ ngã tư Hiền Vương tuốt tới chợ Tân Định, người ta bày bán thiệp Giáng Sinh nhiều màu sắc; có cả cây thông thiệt đốn từ trên rừng Bảo Lộc chở về!
Trong khuôn viên nhà thờ có một máng cỏ đặt trong hang đá làm bằng giấy bồi, với tượng Chúa Jesus, Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, xung quanh là các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa.
Bên trên thường có gắn một ngôi sao dẫn đường cho các nhà thông thái và các mục đồng đến đến Bethlehem, xứ Judea (thuộc Palestine ngày nay, lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã), để dâng tặng những phẩm vật lên Chúa Hài Đồng, vì Người sinh ra để làm Đấng Cứu Thế.
Dù đất nước mình, thuở đó, đang chìm đắm trong chiến tranh tàn khốc nhưng mỗi mùa Giáng Sinh về, người dân Sài Gòn, dù lương hay giáo, đều náo nức trong mùa lễ hội.
Năm 75, sau khi Sài Gòn sụp đổ và ngay cả khi bôn tẩu tới nước Úc nầy đây, tui không còn tìm được cảm giác say say, nắm tay em yêu êm đềm đi giữa mùa Giáng Sinh như ngày cũ.
***
Mùa Giáng Sinh mùa của yêu thương, của san sẻ, sớt chia: chính là thông điệp mà Đức Chúa Jesus đã truyền cho nhân loại! 
Xin cầu nguyện cho đất nước chúng ta vẫn còn chìm trong vòng áp bức.
Xin hãy lắng lòng suy nghĩ và san sẻ tình thương yêu của chúng ta với nhau và cho những người can đảm tranh đấu cho tự do vẫn còn trong vòng lao lý được đoàn tụ với gia đình như chính chúng ta lúc Giáng Sinh về.
“Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm!”

Merry Christmas!
Đoàn Xuân Thu
Melbourne.

No comments:

Post a Comment