Sunday, December 12, 2021

Xung quanh nền tảng tham nhũng

CÁT LINH HÀ ĐÔNG “CHƯA LÀ CÁI ĐINH” GÌ?

Khi quan tâm đến chuyện thâm lạm, đội vốn ở các công trình giao thông, ta thường bị ám ảnh lập tức hình ảnh đường sắt Cát Linh –Hà Đông.

Nhưng trên thực tế, có nhiều câu chuyện khiến ta dễ “tá hỏa” hơn là câu chuyện Cát Linh nhiều.

Từ câu chuyện chặt cây ở HN, mỗi gốc vài chục triệu đến việc nâng giá máy thở của cánh ông Nguyễn Nhật Cảm ở CDC và những dự án khác “khủng” hơn, ta thấy thêm nhiều ý nghĩa khác sâu đậm hơn.

Hôm nay tôi trình bày một câu chuyện có thật 100% , câu chuyện này thể hiện đầy đủ các khía cạnh từ chuyện Lập dự án, Bỏ thầu, Xây dựng, Nghiệm thu, quyết toán.

Từ đây, chúng ta hiểu thêm rằng: Trong tương lai, chưa có bằng chứng nào cho thấy tình hình sẽ khá hơn vì loại Virus bê tông này tai hại hơn con cúm tàu nhiều.

Câu chuyện cây cầu qua “Ngòi” Tô lịch. (xem ảnh 1, ảnh 2 lấy từ báo Soha) ở Hà Nội vừa khánh thành, là cây cầu Yên Hòa vĩ đại rộng 21 mét, dài cả phần tiếp dẫn trên hai bên bờ là 36 mét .

Ảnh 1

Ảnh 2

Không cần nhiều kiến thức về xây dựng, nhìn hình ảnh, video toàn cảnh thì thấy:

-Cầu một nhịp, không có mố giữa ngòi. Chỉ có hai mố  hai bên bờ.

-Chỗ này là công trình nhà nước đã ổn định, không vướng khâu ác nhất ở mọi công trình khác là khâu “đền bù giải tỏa”.

-Các khâu kỹ thuật khác như khảo sát móng, thiết kế, lập dự án thuộc loại nhẹ nhất so với các công trình GT khác.

-Không gian phục vụ thi công thuận lợi.

-Con sông Tô lịch, gọi là “sông” nhưng nó bằng con ngòi ở tỉnh lẻ, không có công năng giao thông thủy nên khoảng tĩnh không gầm cầu rất thấp. 

.Chiều cao khi nước sông đầy nhất chỉ khoảng ba mét lên tới dạ cầu.

Mặt bằng mặt cầu cũng tương đương với mặt bằng đường xá hai bên.

Có thể nói, về thi công, không có đâu thuận lợi hơn làm cây cầu này.

-Công trình xây dựng cách trung tâm HN, cách các cơ quan thanh tra, Bộ XD không tới 10 km.

Tóm lại, nó không có dấu hiệu gì của một công trình đặc biệt, hiểm trở hay khó khăn gì. Nó có nội dung hơi giống một công trình giao thông cấp …huyện.

.

Bây giờ xin tạm ngắt phần này. Sang phần sau.

.

Quận 8 TP HCM

Tôi xin lược trình một cây cầu khác.

Đó là Dự án Cầu Phú Định ở vùng sông nước TP HCM (xem ảnh 3).

Ảnh 3

 Đó là dự án thuộc tuyến đường vành đai 2 được xây dựng với quy mô khép kín ở phía Tây thành phố nằm tên địa bàn các quận 8, Bình Tân, Bình Chánh, với tổng chiều dài hơn dài hơn 5,3km và rộng đến 60m.

( rộng gấp 3 lần cây cầu Tô Lịch và dài gấp 185 lần).

Với tổng số vốn đầu tư lên đến 6.060 tỷ đồng, trong đó hơn 4.200 tỷ đồng được chi trả cho giải phóng và đền bù mặt bằng. Giá trị riêng cây cầu chỉ còn khoảng 1840 tỉ VND.

Xin nói vài dòng về cây cầu này:

Câu bê tông vĩnh cửu, Trụ dây văng, tiêu chuẩn cao. Độ tĩnh không rất cao vì còn phục vụ tàu thuyền đi qua. Nhiều mố cầu cắm thẳng xuống lòng sông. (xem ảnh 2)

Không gian khu vực thi công nhiều sông ngòi, trũng, thấp  khó khăn hơn ở Tô Lịch HN.

Bây giờ tôi nêu một khái toán:

Trừ tiền đền bù giải phóng mặt bằng ( khoản này ở HN không có) thì cây cầu dài hơn 5,3 km này hết 1840  tỉ.

Mỗi km cầu hết khoảng chưa tới 400 tỉ VND. Mỗi 10 mét hết gần 4 tỉ VND.

Trở lại cây cầu Yên Hòa trên sông Tô Lịch.

Nếu suy từ tóm tắt trên đây, Cây cầu Yên Hòa dài 32 mét rộng 21 mét  hết 12,8 tỉ.( mới là ứng với chiều dài cây cầu  ở Tô Lịch HN).

Xin tính tiếp cho hết:

Cây cầu Phú Định rộng gấp ba lần cầu Yên Hỏa Tô Lịch.(rộng 60 mét)

Cho nên, nếu tính bằng phép so sánh thuần túy thì cây cầu ở Tô Lịch chỉ làm hết 5 tỉ là nhiều.

Đó là tính toán, chỉ để tính toán.

Giờ đi vào thực tế.

DỰ ÁN KIỂU VIỆT NAM.

Khi tôi chuẩn bị  tư liệu cho bài viết này tôi được trợ giúp mạnh của ba nguồn.

Một là vị cốt cán to của một công ty sản xuất dầm cầu Bê tông lớn, đã từng là chủ thầu nhiều công trình GT, đã từng thi công ở nước ngoài nhiều, Hiểu về xây dựng GT ở ta nhiều, ông trả lời đại thể “Ở VN làm, phải “đi đứt 15 tỉ”. (ý ông là cả các khoản cộng trừ nhân chia nữa rồi)

Còn người thứ hai là một chuyên gia  trong ngành XDGT chính hãng, thì cung cấp cho tôi một “Ba rem” chính quy, nói rõ là chính quy “kiểu VN” 

Theo “Ba rem” này, theo kiểu toan tính rất VN, làm cơ sở nền móng cho mọi công trình vài chục năm nay thì mỗi mét vuông cầu này chi hết 26 đến  30 triệu / 1 mét vuông nên cây cầu này chi hết chừng 20 đến  23 tỉ VNĐ. Nghĩa là cao hơn mức tính suy từ cầu Phú Định trên đây vài lần.

Người thứ ba là câu chuyện Cầu Phú Định vừa mô tả.

Thưa các bạn.

Tạm viết đến đây, tôi xin lưu ý các Nhà kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước, các sỹ quan cảnh sát kinh tế  cự phách của Bộ Công An, các Nhà báo giỏi, các đại biểu QH  về món này đã đến lúc phải XEM XÉT lại toàn bộ những công thức, quy định về giá thành xây dựng các công trình kiểu như thế này. 

Nhìn từ Dự Án cầu Phú Định, chia ra các giá trị tương ứng rồi cộng thêm vào 100% cho đội giá, tham ô, lãng phí thì cây cầu Yên Hòa cũng chỉ bằng nửa giá công bố (Khoảng 19 tỉ)

Nếu so “Khung” giá hiện hành (26/30 triệu một mét vuông) với nhiều cây cầu khác, kể cả vài cây cầu... qua biển bên China cũng rất cao!.

Nó không phải một mẫu mực tốt cho một đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Những công trình xây dựng phần lớn có nguồn từ trang trải, vay mượn bốn phương.

Nó trở thành một loại “cơ sở” tạo đà cho nhiều thất thoát, chưa tính đến việc bị tham ô, ăn cắp, rút ruột.

Ngay khi các dự án CHẤP HÀNH ĐÚNG khuôn mẫu này, quốc dân cũng đã “chết”  rồi!. Chưa chờ đến khi vận hành, đội giá, ăn thêm một lượt  nữa.

Hãy nhìn lại giá thành và mọi dữ liệu của cầu Phú Định để giật mình, khỏi cần lí luận trung cao cấp gì cho phiền.

Từ bài viết này, tuy không phải nhà chuyên môn nhưng tôi vận dụng cách quan sát, cọ sát, thẩm sát bằng TRỰC QUAN. MỘT TRỰC QUAN THỰC TẾ 100% thì thấy đây là một vấn đề không nhỏ.

Cách quan sát này rất cần cho những giới hữu trách, kể cả các vị quản lý ... Hỏa Lò.

Nhưng công thức nêu trên có thể đẽo gọt mất một phần quốc khố của ta, kéo lùi tiến trình phát triển của đất nước.

Không sửa từ gốc, là gay!.

Tôi nêu câu chuyện nhỏ ở Yên Hòa, Cầu Giấy HN này vì sao?

Không phải chỉ là một việc “soi” và thắc mắc kiểu báo chí cho khoái  mà  là có chủ ý: Nó cho thấy, công trình mini mới bằng này mà nó có thể đã xơi hết từng này, còn khi ở những công trình hàng ngàn tỉ, thì sao đây ???.

Đường sắt cao tốc xuyên Việt tới đây, là bao nhiêu?.

Kết luận.

Cầu Yên Hòa, Tô Lịch có giá bao nhiêu ?.

Có 2 cách tính:

1.Theo những khảo sát phi chính thống của tôi trình bày trên, đã tính đến đặc tính “VN”  thì mức đầu tư cho cây cầu tương đương cấp huyện này có thể hết khoảng 15 đến 18 tỷ đồng.

2.Theo truy tính từ cầu Phú Định thì cây cầu Yên Hòa này làm hết chừng dưới 10 tỷ.

Nhưng.

Nó làm hết 38 tỉ VND.

Xin nhắc lại : Nó làm hết ba mươi tám tỉ VND.

Nêu căn từ giá cầu Phú Định, số tiền dư ra đủ xây một bệnh viện cấp huyện bề thế.

Tôi sẽ trở lại sau bài này về câu chuyện một cây cầu ở Hải Phòng, ông nhà nước địa phương tính hết trăm tỷ, một công ty tư nhân làm hết vài chục  tỷ.

Tôi gửi đường linh trong comment để bạn đọc thấy thêm cái sự ú ớ của báo chí khi cầu chi hết 38 tỉ VND nhưng báo này giật tít là 30 tỉ, cho đỡ rát!. (Bài báo này còn nhiều lỗi khác, tôi đã chụp hết và viết sau cho đề tài báo…không bình thường)

Thưa Quý bạn.

Đến đây, ta thấy câu chuyện Cát Linh Hà Đông không là “cái đinh “ gì.

Bấy lâu nay công luận thường “đổ” hết lên đầu Trung Quốc , cũng không oan nhưng cần biết, không phải riêng “Ông Trung Quốc” xơi hết món “đội vốn” đâu.

Nay, cây cầu dài gần bằng cái cầu…khỉ ở Cà Mau mà còn thế này, thì con đường Cát Linh Hà Đông  kia ngoạm hết nửa ti USD là bình thường.

Cây cầu này chắc không có tây, tàu nào dính vào đây. Chỉ ta với ta thôi.

Vẫn “chết” !.

Đã đến lúc, cần tư duy lại về “Nền tảng tham nhũng”.

Gần hai chục năm trước tôi viết trên báo Tuổi trẻ bài “Nếu có một thiết chế mạnh” về chuyện này.

 Nay, hai chục năm trôi qua, lại vẫn phải dùng chữ “Nếu” thôi!.

8/12/2021

Nguyễn Huy Cường

No comments:

Post a Comment