Tuesday, December 28, 2021

2 ông vua

 [Luận Tam Quốc] Nghiêu và Thuấn, 

    1. Nghiêu và Thuấn là hai ông vua thời thượng cổ của Trung Quốc, có lẽ ngang thời các vua Hùng. Quốc hiệu của Nghiêu là Đường. Quốc hiệu của Thuấn là Ngu.  Đường và Ngu là hai thị tộc khác nhau.

    Trong giáo điều của Trung Quốc, Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, Thuấn nhường ngôi cho Vũ. Vì thế hai ông vua này được tôn vinh là vua vừa sáng vừa hiền. Sáng vì biết nhường ngôi cho ông vua sáng khác. Hiền là vì biết nhường ngôi.

   2. Động lực nhường ngôi được cho là vì thiên hạ, vì nước, vì dân. Nếu suy nghĩ thật kỹ, thiên hạ, nước và dân là những khái niệm sau này, thời thượng cổ chưa từng có. Thời đó, các bộ lạc còn tranh giành đồ ăn vốn còn ít ỏi do nông nghiệp kém phát triển. Nghề sắn bắn, hái lượm, ắt phải tranh giành. Nghiêu là người đứng đầu một thị tộc, Thuấn đứng đầu thị tộc khác, Vũ lại đứng đầu thị tộc khác nữa. Khi thị tộc này mạnh, các thị tộc khác phải phục tùng, đem đến nhiều quyền lợi. Khi thị tộc khác mạnh lên, lợi quyền sẽ chuyển cho họ. Vì vậy không có chuyện nhường ngôi, nhất là cho thị tộc khác. Bác có lú, chú sẽ khôn. Nghiêu hay Thuấn có muốn nhường ngôi, chắc chắn quần thần hay các trưởng lão trong thị tộc chắc chắn không chịu. Thời đó chưa có Lễ, nên chắc chắn sẽ dãy đành đạch khóc mếu, không thể không mủi lòng. Quyền lực chỉ có thể chuyển giao bằng đấu đá, mà thời đó là vũ lực, do xã hội loài người còn chưa có mưu mẹo chính trị.

     3. Thuyết "nhường ngôi" là do chế độ phong kiến đời sau mà cụ thể là Chu Đáng và Khổng Khâu chế tác ra. Nhiều sách cổ còn sót những đoạn văn ghi lại việc Thuấn đày Nghiêu, Vũ đày Thuấn. Điều đó hợp lý. Đất cai trị của Thuấn ở vùng Sơn Tây, sau này mộ lại ở đất Ngô, Việt, có lẽ là đất đày. Vũ là con của Cổn, Cổn bị Thuấn giết, không có lẽ Vũ ngoan ngoãn theo Thuấn, Thuấn lại hiền từ nhường ngôi cho con của kẻ mà mình sát hại, không nghĩ đến sự trả thù. 

     4. Không phải cứ sách vở chép là đúng. Người viết sử chính là nhà cầm quyền, vì thế sự kiện lịch sử được ghi lại phải có lợi cho họ. Tuy vậy, những điều bất nhất sẽ sáng tỏ. Tuy vậy, có những hư cấu "mượt mà" mãi mãi sẽ không thể phân định được. Chúng ta sẽ chấp nhận lịch sử như một phần của văn hóa, và có nhiều cái không thể đúng như nó đã từng xảy ra. Niềm tin lịch sử phải là chân lý như khoa học tự nhiên có phần ngây thơ.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment