Wednesday, December 1, 2021

Sổ gạo

 SỔ MUA LƯƠNG THỰC

                           *****

      Thời bao cấp có rất nhiều loại tem, phiếu nhưng sổ mua lương thực là loại sổ quan trọng nhất mà dân chúng gọi vắn tắt là sổ gạo. Một trong những hiện tượng tiêu biểu của thời bao cấp trên miền Bắc đất nước ta.

      Đã có một thời mà “sổ gạo” gắn liền với sự sống còn của người dân, như một “vị cứu tinh”, một bùa hộ mệnh.

      Theo từ điển Bách khoa toàn thư: "Sổ lương thực, hay nôm na là sổ gạo, là một quyển sổ ghi chỉ tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng, trong thời bao cấp. Hàng tháng, người dân thành phố được mua một số lượng gạo và chất độn nhất định tùy theo tiêu chuẩn được ghi trong sổ. Sổ này do Sở Lương thực cấp căn cứ vào tên, tuổi, nghề nghiệp đăng ký trong sổ hộ khẩu chính thức. Để nhận lương thực, người dân mang sổ lương thực và xếp hàng mua tại cửa hàng lương thực".

      Nguyên nhân sâu xa của việc hình thành chế độ cấp sổ gạo ở Việt Nam là cung luôn luôn thấp hơn cầu. Tình trạng này xuất hiện ở Miền Bắc từ cuối thập kỷ 50 và kéo dài trong cả nước từ sau 1975 cho tới khi đổi mới kinh tế.

     Bắt đầu từ ngày 1-3-1957, Nhà nước thực hiện chế độ cung cấp gạo ăn hàng tháng cho tất cả bộ đội, CBCNV, học sinh các trường chuyên nghiệp, học sinh trường phổ thông hưởng học bổng toàn phần, bệnh nhân tại các bệnh viện, trạm điều dưỡng… Giá thống nhất và ổn định là 0,4 đ/kg (4 hào/kg)

      Định lượng như sau:

    - Cán bộ viên chức làm công tác hành chính sự nghiệp được tiểu chuẩn 13,5kg/người/tháng

    - Trẻ em từ sơ sinh đến 4 tuổi được hưởng 4kg/tháng. Tăng một tuổi được tăng thêm 1kg và không quá 15kg.

    - Từ 18 tuổi trở lên được hưởng 13kg/người/tháng.

    - Công nhân lao động tùy theo công việc nhẹ, nặng hay độc hại được hưởng theo công việc từ 18kg -24kg/tháng. Cho nên có những người không thích làm công việc nhẹ nhàng, muốn được giao làm công việc nặng nhọc để được tiêu chuẩn lương thực cao hơn.

      Định lượng như vậy nhưng không phải là được mua toàn gạo mà phải mua kèm từ 25% đến 50%(có lúc lên tới 75%) chất độn có thể là ngô, khoai, sắn, bột mỳ, mỳ sợi, thậm chí là hạt bo bo (loại thức ăn dùng cho gia súc).

      Sổ gạo như là một tài sản lớn để đảm bảo cuộc sống cho một gia đình, nếu không may làm mất thì trong thời gian chờ đợi các thủ tục cấp lại phải ăn gạo giá thị trường thì vô cùng khốn khổ.Cho nên dân Hà Nội ai cũng biết câu "mặt nghệt như mất sổ gạo".

      Ngoài sổ mua lương thực còn có tem lương thực với đủ các loại định lượng từ 25 gram, 50gram... đến 1kg, 2kg, 5kg....Tem lương thực được trích ra từ định lượng trong sổ mua lương thực gia đình, có thể dùng cho cán bộ đi công tác xa nhà để mua gạo theo giá cung cấp, ăn cơm ở các cửa hàng mậu dịch hay đổi bánh mỳ.

     Có thời gian, nếu có người thân ở quê đến chơi hoặc đi chữa bệnh, gia chủ có thể mang sổ hộ khẩu kèm theo giấy thông hành của người thân do địa phương cấp ra khai báo với đồn Công an khu phố để được cấp tem lương thực.

     Trang bìa của một quyển sổ mua lương thực ở nội thành Hà Nội thời bao cấp (Cám ơn GS Hà Đình Đức cung cấp ảnh này)

Hồi ức của Viet Cuong Sarraut 

No comments:

Post a Comment