Cùng với Hồ Xuân Hương, "Bút Tre" cũng là một hiện tượng của thơ Việt Nam, ông là Đặng Văn Đăng, nguyên Trưởng ty (Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phú), giai thoại và thơ của ông cũng là một "tính cách văn hóa" của VN nên tôi muốn trích đăng (tóm lược) ở đây bài "Chuyện thơ Bút Tre" của tác giả Huyền Viêm trên Kiến Thức Ngày Nay No. 863 (01.08.2014) với những tư liệu tản mạn về nhà thơ "dí dỏm" đặc biệt này.
Vài nét về nhà thơ
Bút Tre là một ông già xuề xòa, mảnh khảnh nhưng rắn rỏi, quắc thước, lúc nào cũng nồng nhiệt, sôi nổi. Ông đỗ Tú tài II nên giỏi tiếng Pháp, đọc nhiều, viết nhiều và đã nói là nói say sưa không muốn dừng.
Vào những năm 1957-1958, ông làm thư ký cho thứ trưởng Ung Văn Khiêm, từng là Trưởng ty Văn hóa Thông tin (Vĩnh Phú), Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh...
Năm 1962 ông in Tập thơ Bút Tre chỉ để tặng bạn bè. Tập thơ bị chê trách nặng nề, nhưng nhờ đó mà ông nổi tiếng.
Ông nghỉ hưu với chiếc xe đạp buộc lốp rỉ vành, chiếc xe này đã từng làm ông ngã khi xuống dốc vì đứt thắng gãy niềng khiến ông bị ngã đau, văng cả hàm răng giả ra ngoài.
Thơ Bút Tre
Ông nổi tiếng với những bài thơ lục bát dân dã ngắn, mỗi bài nhiều thì 4 câu, ít chỉ 2 câu.
Thơ Bút Tre mộc mạc, chất phác như ca dao và nhất là ... rất tếu.
Ít khi ông dùng từ Hán Việt mặc dù rất rành.
Tên người, tên đất trong thơ, ông thoải mái ngắt ra đặt ở cuối câu trên và đầu câu dưới:
"Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng."
Nhưng đặc điểm lớn nhất của Bút Tre là nghệ thuật cưỡng từ đoạt lý, đảo lộn ngữ âm, ngữ pháp trong thơ tiếng Việt, ép vần sửa dấu rất thông minh, táo bạo và hóm hỉnh:
"Liên hoan có lạc có chuồi (chuối),
Ra về nhớ mãi cái buồi (buổi) hôm nay."
Thơ về tình cảm cách mạng quốc tế:
"Hoan hô đồng chí họ Phi-
Đen Cu-Ba đó rất chi anh hùng."
Về sự kiện Gagarin là phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ:
"Liên Xô rất đỗi tự hào:
Anh Ga-ga-rỉn (rin) bay vào vũ tru (trụ)."
Có dạo, Bút Tre được điều về làm công tác bảo tàng. Ông thấy không hợp với mình, nhưng cũng tự an ủi:
"Anh nay công tác bảo tàng
Cũng là nhiệm vụ cách màng (mạng) giao cho."
Tuy vậy, thỉnh thoảng ông cũng làm những bài thơ chân thành, không đùa cợt, rất tình cảm. Ông đã tặng một đồng chí giữ cầu bài thơ:
"Chú làm công tác giữ cầu,
Quản chi bom đạn trên đầu nó rơi.
Bút Tre chẳng như mọi người,
Qua sông nhớ mãi nụ cười chú em."
Có nhiều người yêu thơ ông, nên từ đó mà xuất hiện nhiều bài thơ làm theo "trường phái Bút Tre":
" Anh đi công tác Pờ-Lây...
...Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra."
và:
"Chị em du kích tài thay!
Bắn máy bay Mỹ rơi ngay cửa mình."
(...)
Chữa thế nào được thơ tôi
Có lần, một nhà thơ nổi tiếng có chức vụ cao, lên Phú Thọ. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh liền cho mời Bút Tre sang yêu cầu đọc thơ. Ông đọc liền hàng chục bài. Nhà thơ nổi tiếng nghe một lượt rồi gật gù bảo:
-Tôi sẽ nhờ anh Xuân Diệu sửa giùm những bài thơ của anh.
Ông Đăng điềm nhiên trả lời:
- Báo cáo anh, anh Xuân Diệu làm "thơ bác học", còn tôi làm "vè dân gian". Anh Xuân Diệu là "bút máy", còn tôi là "bút tre", chữa thế nào được thơ tôi!