Monday, July 21, 2014

Hungary - "Vấp ngã dại khờ" của tôi

Nếu Ái Việt đã thổ lộ rằng: tên này không phải là Hoàng tử Bé mà chỉ là một người "cố gắng sống chân thành, trân trọng mỗi rung động của mình, mỗi khi nhớ Hoàng Tử Bé" thì tôi chỉ là một kẻ 'nhận vơ' là Hoàng tử Bé mà thôi. 

     Tôi đã phí hoài nửa đời mình với những "vấp ngã dại khờ" để bây giờ cố gắng "sống sao cho ra sống" vì lẽ: mặc dù từng sống theo chủ nghĩa giáo điều made in Vietnam (chủ nghĩa tập thể), bản chất của tôi vẫn luôn "hướng ngoại" và mong "tu tỉnh" bản thân khi được tiếp xúc với những cơn gió lành, những luồng tư tưởng mới mẻ đến từ những phương trời xa lạ.

     Hồi còn bé, những lần trở về Hà Nội từ nơi sơ tán là những dịp để tôi lân la tìm hiểu về thế giới ở ngoài những trang sách. Những nơi tôi hay đến là các Đại sứ quán nước ngoài hoặc cơ quan đại diện văn hóa của các tổ chức quốc tế và các nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tôi dán mũi vào mặt kính xem không biết chán hình ảnh các nước được giới thiệu trong những Bảng tin (được làm như những cái hộp với mặt kính lớn và lắp đèn ống bên trong) đặt trước các cơ quan đại diện này.

     Tư tưởng "vọng ngoại" của tôi còn ở chỗ rất ngưỡng mộ mấy anh chị lưu học sinh trắng trẻo "đi Tây" về. Tôi rất thích cái mùi "Tây" từ các món đồ mới "khui thùng". Cái gì có hơi hám "Tây" tôi đều ngưỡng mộ tất, từ áo quần, vật dụng, và cả cách đi đứng, ăn nói, kể chuyện... Bất kể thứ gì tôi vớ được, từ tranh ảnh, quà cáp và thư từ... tôi đều thích thú khám phá với tất cả sự tò mò của một đứa trẻ; nhất là những thứ từ hai ông anh theo đuổi bà chị nhan sắc "nghiêng thùng đổ nước" nhà tôi (anh thứ nhất là L.T.T., học ở Liên Xô, sau này là phóng viên báo ảnh chiến trường và anh thứ hai là N.V.H., nghiên cứu sinh nông nghiệp ở Hungary, sau này là hiệu trưởng Đại học Nông Lâm tp. HCM).

     Tôi đọc say sưa những câu chuyện thần thoại, bị lôi cuốn vào những câu chuyện cổ tích rồi đọc thêm những cuốn sách, tiểu thuyết được dịch ra tiếng Việt của các tác giả Đông Âu và Tây phương, thích thú xem những bộ phim nước ngoài và cũng không bỏ qua các tạp chí, báo ảnh các nước hoặc bài viết của các tác giả Việt Nam về các nước mà tôi muốn tìm hiểu (riêng Trung Quốc thì bị "dội" vì tôi cho rằng không hơn gì Việt Nam, có khi còn "hủ lậu" hơn nữa là khác. Tôi giống Ái Việt ở chỗ không ưa nổi cái bản mặt của Mao được tô vẽ hết mức với chứng "sùng bái cá nhân" đầy rẫy trên sách báo đỏ lòe về "đại cách mạng văn hóa" TQ). Thế giới mà tôi biết khi đó hầu hết từ những thông tin văn hóa và tin tức về Liên Xô, về những nước khác thì ít hơn hoặc rất hạn chế. Vì thế, tràn ngập trong tôi là nước Nga, là tâm hồn Nga, là văn hóa Nga... nên tôi chỉ yêu nhất nước Nga mà thôi. Đó cũng là thành công của công tác tuyên truyền văn hóa của Đảng và nhà nước ta sau những thành công về mặt tư tưởng.
 
     Tôi cũng từng trao đổi thư từ với một bạn gái rất dễ thương sống ở thành phố Vinnytsia (Ucraina) tên là Valia (qua phong trào giao lưu hữu nghị của học sinh Liên Xô hồi đó). Tôi rất thích nhận thư và viết thư cho bạn. Vốn tiếng Nga học được ở trường của tôi chẳng được bao nhiêu nên nhiều khi tôi cũng phải nhờ sự trợ giúp của chú Cao Xuân Hạo (do cùng ở trong 1 nhà, khu tập thể Kim Liên) dù chỉ để viết những lá thư ngắn của trẻ con với nhau.
 
     Đối với tôi khi ấy, Liên Xô là đất nước vĩ đại với nhiều cái nhất. Các nước khác trong phe XHCN đều bé nhỏ về mọi mặt so với "quê hương của Cách mạng XHCN tháng 10". Tôi mơ ước được đến những xứ sở khi ấy với tôi như thuộc về một thế giới khác, hoàn toàn cách biệt tưởng chừng không thể chạm tới được, những thiên đường của con người so với Việt Nam. Vì vậy, tôi đã sung sướng vô cùng khi biết mình sẽ được đi nước ngoài, tuy rằng, khi nhận quyết định sẽ học ở Hungary tôi nghĩ là mình không may mắn so với những ai được đi Liên Xô.

     Nhưng tất cả bắt đầu đảo lộn từ khi tôi bước lên con tàu Hungary ở Moszkva. Lần đầu tiên tôi bị Hungary chinh phục là khi cầm trên tay chai Coca Cola, thứ đồ uống của tư bản mà tôi chỉ đọc được trong sách ở Việt Nam, không thể kiếm được trên tàu Trung Quốc hay tàu Nga. Sau này tôi còn mê nó hơn khi uống cùng với szendvics trong những giờ giải lao ở NEI (Nemzetközi Előkészítő Intézet), có lẽ đó là những lúc tôi thấy Coca Cola và szendvics dùng với nhau ngon không thể tả. Tôi cũng khoái ăn các loại bánh ngọt rất ngon bán ở đây, chúng là một trong những cái bánh ngon nhất mà tôi từng ăn ở Hungary. Và điều làm tôi thấy mọi thứ ngon hơn là cô bán hàng, tôi nhớ cô ta nhất với cái mũ lông làm dáng bằng sợi nhân tạo mượt như lông cáo mà cô rất thích và luôn đội trên đầu. Cô ta cũng tỏ ra chú ý đến tôi, có lần cô ấy còn nháy mắt hỏi tôi: "Lányok nagyon szeretnek! Ugye?". Nhưng lúc đó tôi thật đáng ghét, lẽ ra cũng nên đáp lại cô ta một cách láu lỉnh hoặc ít nhất cũng cười "tán thành" cho đúng phép xã giao thì tôi cứ "ngây" ra như 1 thằng điếc. Những kỷ niệm về đồ ăn và bánh trái của tôi chỉ còn được như vậy nên tôi không thể có được một bài viết dài như Ái Việt về tiệm bánh của cu cậu được.

     Trường Ngoại ngữ (NEI) là nơi tôi bắt đầu cuộc sống của mình ở Hungary. Tôi rất yêu thích ngôi trường này, từ kiến trúc hiện đại của tòa nhà cho đến các thầy cô giáo và cuộc sống ở đó. Đây là lần đầu tiên tôi được học trong một lớp học chỉ có hơn mười trò nên tiếp thu rất tốt những gì được học. Những người Hung đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc là các giáo viên với phong cách sống rất thoải mái và phóng khoáng: bao giờ cũng rõ ràng trong mọi vấn đề, không "ấm ớ hội tề" như người Việt. Họ cũng là những người châu Âu đầu tiên mà tôi có dịp được gần gũi và học hỏi. Tôi cũng rất thích và hãnh diện với các bạn khác vì cô Mária, giáo viên chủ nhiệm dạy tiếng Hung của chúng tôi, là 1 phụ nữ trẻ đẹp và lôi cuốn nhất trường.Tôi còn may mắn hơn khi được sống trong tòa nhà chính của trường, số 73-75 Budaörsi út, vì nó được thiết kế rất tiện lợi cho học sinh. Chúng tôi được ăn ở và học ngay trong tòa nhà này trong khi rất nhiều bạn phải ở chỗ khác và đến đây học. Tôi còn nhớ phòng của tôi số 517 (nằm ở lầu 5), phía trên các lớp học (bố trí ở lầu 1 và tầng Trệt). Phòng được thiết kế cho 2 học sinh, có tủ áo, bàn học, lavabo rửa mặt và giường đệm tươm tất. Toilet và chỗ tắm giặt ở 2 đầu hành lang. Mùa đông có hệ thống sưởi bằng hơi nước. Nhà ăn được bố trí ở tầng dưới cùng, nếu muốn tập tành thì xuống phòng gym (tornaterem). Tuy lúc đó chưa biết bóng bánh là gì nhưng mấy cái sân bóng thật cuốn hút, có điều, lúc đó tôi không biết rằng: chúng sẽ là một phần trong cuộc sống của tôi sau này.

Các trò lớp M12 (Mérnök szakirány, NEI, 1972) và cô giáo Tallér Mária (Ảnh: Album Bá Bình,VIDI72)

     Tôi vẫn nhớ cảnh tượng mà tôi nhìn thấy vào đêm đầu tiên ở ký túc xá. Khi kéo rèm che cửa sổ phòng của tôi để nhìn ra ngoài, Budapest hiện ra trước mắt tôi thật ấn tượng với vẻ đẹp từ những ánh đèn làm tôi ngây người sửng sốt vì chưa bao giờ được thấy một thành phố rực rỡ đến thế.

    Cũng phải nói đến một chi tiết nhỏ là cuốn Leckekönyv ở NEI. Nó làm tôi phải so sánh với cuốn Học bạ của Việt Nam. Giữa 2 nền giáo dục là 1 khoảng cách rất xa trong việc theo dõi học sinh bằng hồ sơ lưu trữ. Tôi không thắc mắc về cuốn Học bạ của Hungary nhìn rất giá trị với bìa cứng bọc vải vì họ có điều kiện hơn ta về mặt vật chất, nhưng tôi suy nghĩ về kích thước và nội dung nhiều hơn. Với kích thước chỉ 11cm x 19cm, bên trong cô đọng những dữ liệu về học sinh và quá trình học tập với điểm số và nhận xét (rất ngắn) của giáo viên và những con tem... Học bạ của Hungary khác xa với cuốn học bạ rườm rà, khổ lớn chiếm nhiều không gian lưu trữ của Việt Nam; muốn theo dõi đầy đủ phải đọc mất nhiều thời gian và còn mất thời gian nhiều hơn để ghi chép tất cả những nội dung đó.


    Tôi vẫn còn giữ được Thời khóa biểu của năm học đầu tiên @ NEI. Đây là cái Thời khóa biểu tôi tự làm, trên đó có thể nhận ra các môn học được ghi bằng chữ viết tắt, con số là số phòng học của từng môn:


    Hungary còn là nơi mà các ban nhạc, ca sĩ và cầu thủ nổi tiếng được biết đến nhiều hơn các vị lãnh đạo nhà nước. Đường phố, TV và báo ảnh thật ấn tượng với rất nhiều quảng cáo đủ loại... Tất cả đều thú vị và lạ lẫm với bọn Việt Nam chúng tôi... Hình tượng lãnh tụ, cờ quạt, khẩu hiệu, bích chương cổ động và ca tụng chế độ...không nhiều như ở Việt Nam và những nước chúng tôi đã đi qua cũng là điều đáng ghi nhận của đất nước này. Ở Budapest, thay cho tượng đài hùng vĩ của cách mạng thường thấy ở các nước khác, biểu tượng của Tự do được đặt ở nơi cao nhất của thành phố làm tôi càng tôn trọng hơn dân tộc này.

                                                           

     Hungary là một chân trời mới của tôi. Nơi tôi nhận ra mình là một con người như thế nào. Cũng như Vũ Thư Hiên bộc bạch về những ngày sống và học tập ở nước ngoài, hành trang của tôi còn thiếu quá nhiều để tiếp cận và hấp thụ cái mới. "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", cái hay cái lạ xứ người đã làm một chàng trai đang độ tuổi lớn như tôi phải suy nghĩ nhiều quá... Đất nước và con người Hungary như một tác nhân vén bức màn che mà cuộc sống ở Việt Nam đã phủ lên con người tôi, rọi vào trong tôi một thứ ánh sáng khác, làm sáng lên những phần u tối vì bị tiêm nhiễm quá nhiều chủ nghĩa giáo điều huyễn hoặc ở Việt Nam. Nhớ lại tất cả những gì đã qua để thấy lại chính mình ngày trước thì mới nhận ra được những cách biệt và khác biệt là thế nào... thật khờ khạo bé dại làm sao nên dù có đẹp đi nữa thì cũng là cái thời ấy nó đẹp chứ mình thì chẳng đẹp chút nào!

      Nếu viết lại cái thời "ngây ngô" ấy, tôi không thể viết được như Ái Việt và bạn bè của mình, những người đã làm được những gì phải làm với trách nhiệm/bổn phận khi phải hy sinh nhiều thời gian và ham muốn vì chúng. Tôi không có được "tư cách" của họ, nếu có thì chỉ với tư cách là bạn của họ mà thôi, không phải của một "lưu học sinh" mà của một kẻ "đồng hành" lêu lổng, vì thế phải gọi những gì nếu được viết của tôi là "Ký sự đi Hung" mới đúng.

Với các bạn, và những anh chị lớn hơn mình, những người làm tròn bổn phận của ''hạt giống đỏ'' hay những người ''bôn sệt'' chân chính, tôi luôn giành cho họ sự tôn trọng chân thành từ 1 kẻ lêu lổng như tôi. Tuy nhiên, kết thân hay gắn bó với nhau hay ko là câu chuyện khác. Nhớ lại thì lúc đó tôi là 1 thằng nhóc ko phải dạng vừa (khó chịu lắm), bởi ko coi hiện tại của mình ra gì cả, cứ nghĩ rằng, cái tương lai ghê gớm của mình sẽ diễn ra sau này chứ ko phải lúc đó (dù đó mới là thời kỳ đẹp nhất!).

      "Đi là về", từ khi đến Hungary tôi yêu đất nước của mình nhiều hơn và đúng cách hơn, thấy dân mình "thật" hơn với những thói hư tật xấu và những cái hay cái lạ. Ở VN, nếu không quanh quẩn với thôn xóm (chỗ sơ tán) của mình thì dù ở Hà Nội, cũng chẳng mấy khi tôi tự mình có những chuyến đi để mở tầm mắt của mình về quê hương. Cuộc sống của chúng tôi phần lớn chỉ đóng khung trong không gian ở trường, còn ở nhà là trong những gia đình có gia cảnh gần giống nhau, chỉ một số rất ít có gia phong khác biệt nên được thừa hưởng sự giáo dục tốt hơn từ nền tảng văn hóa của cha mẹ. Vì thế, so với người Hung đồng trang lứa, bọn tôi chỉ như những đứa trẻ to xác. Nếu không sang Hungary thì chẳng bao giờ tôi biết con trai ngủ chung với nhau là "quái đản", cái thói hay cười vớ vẩn là "vô duyên", nhiều người tôi cho là giỏi giang chỉ là "khôn vặt"... 

Trong sinh hoạt hàng ngày, dân Việt Nam “mặc kệ thói ở bẩn, khoa trương một cách lố bịch, vô kỷ luật, ăn cắp, tắt mắt và gian dối... dù sống ở VN hay ở đâu. Thường thì họ cảm thấy thấp kém khi thua trong tình trạng "tự ti" một cách khiếp nhược nhưng lại "tự hào" một cách mù quáng vì những chuyện không đâu...” (Nguyễn Thụy Phương, ĐH Paris Descartes). Con người Việt Nam bằng xương bằng thịt trước mắt người Hungary và bạn bè quốc tế chỉ là một mớ "hổ lốn" tẻ nhạt, dưới chiếc áo khoác made in Vietnam mang nhãn hiệu "anh hùng" là sự thật chẳng có gì đáng kể, nó không đủ che con người tự ti đầy mặc cảm, sản phẩm của một xã hội lạc hậu nửa phong kiến cộng vài thứ lặt vặt ở thời kỳ khai hoá của thực dân Pháp ở châu Á, thật là 1 sản phẩm "sơ khai", "nghèo nàn" một cách thảm hại, chẳng phản ánh được những gì mang giá trị văn hóa và tinh thần của 4000 năm văn hiến cả! 

Ờ 1 trại hè (építő tábor), tôi đã nghe 1 nữ sinh Hung nói thẳng với lũ con trai VN: "Buták vagytok!". Tuy tôi biết: ko phải tất cả chúng tôi đều như vậy, nhưng quả tình, khi tiếp cận với dân Việt, người Hung nhìn thấy đa số là như vậy? Bởi tất cả cho thấy: con người VN trước mắt họ, thực chất chỉ là một sự "vay mượn" từ chủ nghĩa thực dân (nhưng không phải là "di sản văn hóa" Pháp) cộng với một ít văn hóa "lai Tàu" tàn dư của 1000 năm "Bắc thuộc" và cuối cùng là sự "kết tinh" của những gì mang tên "chủ nghĩa anh hùng cách mạng" mà ngay cả cha mẹ đẻ còn không hiểu đấy thật ra là cái gì!

 Hành trang "đi Tây" của hầu hết "lưu học sinh" khi ấy chỉ vỏn vẹn một ít kiến thức và tư tưởng của công dân thời chiến, bó hẹp và ít ỏi như những bộ đồ hạng "xoàng" của "bác Bửu" lọt thỏm trong cái va li "công vụ" thời Việt Nam DCCH mà ai đi nước ngoài cũng được cấp. Nhưng đó là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà đất nước đã dành cho chúng tôi.

     Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh lẻ loi của một anh chàng Việt Nam trong lần đi tham quan Hungary vào cuối năm học ở NEI (Khánh, Bình "to", Trung và tôi đi với nhau trong đoàn thăm vùng Đông Bắc - Miskolc - Eger, Ái Việt đi đâu thì tôi không nhớ). Anh này (tôi không nhớ là người Nghệ An hay Hà Tĩnh) vì muốn "phô diễn" mình và văn hóa Việt Nam với bài "Lý Hoài Nam" nên lúc nào cũng ôm ấp cái máy hát bên mình và chỉ nghe khúc sáo trúc này trên cả chặng đường dài. Anh nghe mà không thấy nhàm (hoặc dù nhàm vẫn phải "thể hiện" bằng được tình yêu âm nhạc của mình). Nên cứ nhìn thấy anh với cái máy hát, cái dáng ôm ấp lắng nghe "vô cùng tha thiết" một cách quá đáng bản nhạc "tội nghiệp" bị đem ra làm trò diễn thì tôi ngao ngán vô cùng. Cô Mária, giáo viên chủ nhiệm của tôi chắc phải chịu đựng khổ sở hơn nhưng vì lịch sự nên cũng kiên nhẫn tôn trọng hiện tượng "nổi trội" vô cùng "sơ khai" này. Nếu không có chuyện phô diễn cho thấy sự nghèo nàn và lạc điệu về vh này thì chuyến đi của chúng tôi toàn những kỷ niệm đẹp về những gì chúng tôi được thấy và cảm nhận. Đó là một chiều hoàng hôn tuyệt vời trên thành Eger, những đỉnh núi và những hang ngầm tuyệt đẹp... những bữa ăn tối thịnh soạn và những giấc ngủ tuyệt vời ở những khách sạn sạch sẽ tinh tươm sau những ngày chất đầy những điều thú vị...

     Và một ngày đáng nhớ khác khi chính tôi là kẻ lẻ loi/lạc lõng. Đó là ngày hội quốc tế dành cho học sinh ở NEI với buổi tối diễn ra rất vui vẻ và tưng bừng. Sau những lời phát biểu và chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục do học sinh của các nước tham gia (hình như Đỗ Bá Khang hát bài "Nhạc rừng") là chương trình tánczene do một ban nhạc được nhà trường mời đến biểu diễn. Hội trường được thiết kế với một phần sàn bằng phẳng phía trước sân khấu lập tức được dọn hết các hàng ghế ngồi để trở thành một sàn nhảy. Tây trắng, Tây đen, trai gái Nam Mỹ đều có đôi có cặp, chỉ mình tôi lẻ loi giữa đêm hội giương mắt dỏng tai nghe nhìn (tôi không biết đêm ấy có ai là Việt Nam tham dự cho đến cuối chương trình không?). Đó là lần đầu tiên tôi được nghe trực tiếp bài "Beautiful Sunday" do một ban nhạc trình diễn. Tuy không uống rượu nhưng tôi cảm thấy rất phấn khích cho tới bài hát điệu nhảy cuối cùng, nhưng cũng chỉ đứng một chỗ để enjoy chứ không hề nhúc nhích nhún nhảy theo nhạc một chút nào. Bây giờ thì tôi chỉ ước là đêm ấy ở bên mình là em Bình Dương (tạm "tuyển"/mượn từ những gì Ái Việt mô tả ở bài Tàu liên vận 1) cũng "máu me" như tôi thì tôi đã không trơ trọi vô duyên như thế (nhưng đấy cũng là chuyện bây giờ mới nói, chứ lúc đấy thì chắc là chưa đủ "tư cách" để bước ra sàn nhảy đâu). Về chuyện "nhảy nhót", nhân đây cũng xin hỏi học giả giáo sư kiêm Hoàng tử Bé Ái Việt (và cả các bạn khác nữa) rằng: nếu đã từng bôn ba nhiều năm nơi đất lạ xứ người thì tới nay trình độ của bạn trên sàn nhảy có tiến triển vượt bậc so với hồi trại hè Baja không? có tương xứng với hiểu biết về ẩm thực, về các loại tiêu khiển theo kiểu Tây phương của bạn không? Nếu bây giờ bạn đã là chuyên gia nhảy múa thì mình muốn được làm học trò "nhỏ" của bạn, vì thú thực một điều là: cho tới nay, ngoài khả năng "tự biên tự diễn" khua khoắng loạn xạ thì khiếm khuyết đáng trách của 1 thằng mê chuộng Tây phương như mình là không biết nhảy cho đúng điệu một kiểu thức nào, từ nhạc van/waltz cho đến tango, cha cha cha...mình đều mù tịt nên rất cần được chỉ giáo. Thật là một thiếu sót quá lớn! Tại sao mình lại không biết nhảy nhỉ?

     Trở về với con người Việt Nam, tôi không hề cho rằng Việt Nam không có "tinh hoa, tinh túy", nhưng tất cả những con người này, từ các cụ họ Phan đáng kính đến các học giả trí thức "Tây du" rất mực uyên bác (và cả những người bạn tuyệt vời của tôi) cũng chỉ là những nhân chứng lịch sử khốn khổ vì những trận "phong ba bão táp" cuồng tín, cổ hủ và bảo thủ của xứ ta. Cái nơi mà truyền thống "phồn thực" tự nhiên không lấn át được quan niệm xã hội lạc hậu về sex (cũng như không có một nhân vật quần chúng xuất sắc nào, dù tài ba lỗi lạc đến đâu cũng khó lòng tạo được uy tín, đừng nói đến chuyện "lấn át" lãnh tụ/vua chúa để mở ra những định hướng cho tương lai). Và trái ngược hơn cả là quyền năng phủ nhận các nguyên tắc tư duy để tiêu diệt "bản năng" và "bản ngã" của con người (vì bị coi là ích kỷ và thấp hèn với tên gọi là "chủ nghĩa cá nhân") để biến con người trở thành "siêu nhân" hoang tưởng. Nơi đây "thăng hoa" không phải là rung động mãnh liệt của con người mà "chiến thắng" cho lý tưởng mới là "hạnh phúc vô biên" và như thế người ta sống với trái tim "điển hình" chỉ chia thành ba phần (con người đơn giản vậy sao?) bao gồm phần "yêu", phần "công vụ" và "phần nhiều" dành cho "thể chế" lãnh đạo với mục đích giành được "thắng lợi cuối cùng" (mà không biết là sau thắng lợi này thì cái gì xuất hiện)...

     Nếu tôi là Victor Hugo, tôi sẽ viết thêm một cuốn "Những người khốn khổ" nói về những ai phải cam chịu bị vùi dập đến không ra con người mà một trong số này là Mr.Trần Đức Thảo. Tôi không bao giờ quên được một Trần Đức Thảo to lớn nhẫn nhục gò người trên chiếc xe đạp "Peugeot-con vịt" cọc cạch bé xíu mỗi ngày, một hình ảnh tiêu biểu và vô cùng tương phản cho thực tế đáng buồn ở Việt Nam. Ông đã phải sống 1 cuộc sống khổ nhục suốt 1 thời gian dài ở khu tập thể Kim Liên, Hà Nội, như 1 con đại bàng bị vặt trụi lông, cô độc giữa 1 bầy gà nháo nhác. Chỉ trong một xã hội chịu ảnh hưởng của 1 thể chế đầy quyền lực nhưng còn hạn chế về nhiều mặt, đa số chưa đủ nhận thức/phủ nhận những gì thuộc về "nhân sinh quan" và "thế giới quan" đúng đắn mới ngăn cản những ảnh hưởng tích cực mà thôi. Không biết có phải vì vậy mà Bác Hồ của chúng ta cũng phải hy sinh một phần cuộc sống của mình (không dám lấy vợ, mặc "đại cán", đi dép râu, ở nhà sàn khổ hạnh...) để "giữ mình" được linh thiêng trong vai trò "cha già dân tộc" và một lãnh tụ tối cao hay không? Con người với cặp mắt sáng như sao này có lẽ đã nhìn thấu được "tâm can" của dân tộc? Nhưng cuối cùng chính cái "dòng thác cách mạng" của Cụ cũng cuốn phăng tất cả... Và có lẽ về cái sự "ngoại lệ" đặc biệt của xứ này phải có những nghiên cứu vô cùng nghiêm túc, vô cùng vất vả mới có được những luận chứng cụ thể khái quát được những gì "làm nên" con người Việt Nam, thuộc tính dân tộc của Việt Nam, tai ách của mọi thời đại và cũng là thử thách vô cùng khắc nghiệt với những ai dám nói: "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do"!

     Tôi cũng không thể phủ nhận được một sự thật hiển nhiên là vào thời ấy, với nhiều người trên thế giới, Việt Nam được ca ngợi như "lương tâm của thời đại" và bộ máy tuyên truyền của chúng ta lập tức đưa người Việt lên tận "mây xanh" ngang hàng với Đấng tối cao để phán xét tất cả không chừa bất kỳ một ai, một đất nước, một triết lý hay học thuyết nào, kể cả các "Đảng anh em"... (vì vậy nên chẳng có gì lạ khi ở Việt Nam những người từng hoài nghi khắc khoải lại càng "chìm đắm" sâu hơn trong "bể khổ").

     Tôi vẫn nhớ câu nói của Fidel: "Con người là sản phẩm của xã hội". Dân tộc nào cũng đều phản ánh những gì là văn hóa của họ, đó là những gì vốn thuộc về truyền thống lâu đời trong sự đa dạng do ảnh hưởng/đan xen từ nhiều nền văn minh khác nhau, bất kể từ đâu hoặc từ lịch sử xa xưa, thậm chí từ những xứ sở mà chính họ còn không biết rõ... Nhưng người Việt là 1 dân tộc khác biệt với các dân tộc khác khi mang hình ảnh của những con người bị phá vỡ sự liên hệ với những gì là di sản văn hóa và tinh thần vốn có từ lâu đời. Họ chịu ảnh hưởng của một hệ thống tuyên truyền sâu rộng để chỉ hướng tới những gì hoàn toàn duy lý và không dựa trên bất kỳ 1 nền tảng nào. Luôn tự hào với 4.000 năm văn hiến, nhưng người Việt không có những biểu hiện thật sự về những gì là cốt cách máu thịt, những gì là truyền thống, thuộc về di sản của dân tộc và ăn sâu trong tâm hồn và trái tim của họ ngoài những gì là nhận thức vô cùng "sơ khai" về 1 thế giới mới chưa định hình, hoàn toàn siêu thực; họ sống như những người vô tri vô giác trong mộng mị và ảo giác, đầy mâu thuẫn vì thực tế họ vẫn chỉ là những người rất đỗi bình thường, thô thiển và lạc hậu. Thực tế này đã làm mất niềm tin với không ít người cho đến tận bây giờ. Ngay từ những ngày ấy, nếu trong tâm hồn của nhiều người là những dòng thơTố Hữu:
                              "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ"
  Thì trong tôi không có cái nắng ấy, mà bắt đầu đã nhuốm những dòng thơ khác:
                               "Lũ chúng tôi đầu thai nhầm thế kỷ
                                Trót sinh ra làm 1 lũ sao mờ..."

   Nếu Picasso sáng tác những họa phẩm của mình qua nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ phản ánh sự chuyển biến về những phong cách khác nhau của họa sĩ thì thời gian ở Hungary của tôi cũng có thể chia ra 3 giai đoạn:
   1. Giai đoạn sơ khai: Năm đầu tiên @ NEI (1972-1973)
   2. Giai đoạn biến chất: Là thời gian tôi sống giữa những "bộ óc xuất chúng" của sinh viên Việt Nam học khoa Toán năm thứ 5 ở ký túc xá ELTE, có thể ví họ như những đại diện hàng đầu của sinh viên theo phong trào phục hưng "Nhân văn-Giai phẩm" ở Hungary (1973-1974)
   3. Giai đoạn "Hiện sinh" không hoàn toàn: Định hình phong cách theo lối sống Tây phương (1974-1975)

   Trong những năm 70-es évek, sau khi sang Hungary một thời gian hầu hết chúng tôi đều phải nghĩ ngợi, có người muốn phê phán triết lý sống "thanh bần" thiếu thực tế, có người muốn hòa nhập, có người muốn "giữ mình" toàn vẹn/không thay đổi như một minh chứng của chữ "trung" (tôi không muốn nói đến những người hồi đó thường được gọi là "bôn sệt", đó là những người thật sự "vừa hồng vừa chuyên" luôn làm tôi bứt rứt vì xen lẫn vừa cảm phục vừa ái ngại và họ cũng ái ngại cho tôi) ...

     Còn tôi, nếu khi đó có người hỏi rằng tôi nghĩ gì và muốn sống ra sao cho đúng thì chắc câu trả lời sẽ chỉ đơn giản là: "Khó lắm nếu sống được như tôi muốn, nên tôi sẽ chọn cái dễ hơn mà nếu muốn thì tôi có thể làm được là đá bóng như tôi muốn." Tiếc rằng, nó chỉ là những cảm hứng có được trên sân bóng mà thôi, dù có những lúc nó làm mình vui và "thăng hoa" thì vẫn không phải là lẽ sống của mình.

     Nếu bây giờ lại có người hỏi tôi như vậy, thì câu trả lời sẽ khác! Vì bây giờ tôi biết rất rõ là mình sẽ làm gì, sẽ sống như thế nào nếu được bắt đầu lại tất cả mà không cần phải mang theo những ràng buộc nặng nề hão huyền khi trước. Rũ bỏ được những thứ ấy, tôi là một người khác và đương nhiên sẽ không khác gì lắm so với bọn Tây trắng, Tây đen khi xưa ở Hungary. Cuộc sống sẽ dễ chịu hơn khi ta thực hiện trách nhiệm của mình bằng lý trí và sống với tất cả trái tim của mình. Có điều tôi không hề hổ thẹn vì mình là người Việt bởi tôi là một người Việt không phải như tôi trước đây nữa.

     Thế mới thấy là tôi đã phải mất một thời gian rất dài để có thể sống được như tôi muốn.

      Cuối cùng, nếu muốn là một người Việt đúng nghĩa (thuần Việt), theo tôi, phải biết rõ cội nguồn của mình từ cây lúa, là nền "VĂN MINH LÚA NƯỚC" xuất phát ở đồng bằng sông Hồng. Tìm về những gì gắn liền với cái gốc này để giữ lấy rồi mới kế thừa và đan xen... mới du nhập và biến đổi. Điều đó không có nghĩa là cái gì của nông dân cũng hay, cái gì cũng phục vụ "nhà nông", văn hóa văn nghệ... hết thảy phải cho anh đi cày chị đi cấy thưởng thức, được họ khen thì hay còn chê thì phải dẹp...

     Trở lại với vẻ đẹp thật sự của Việt Nam bằng bài hát ngợi ca cây lúa của Hoàng Vân - "Hát về cây lúa hôm nay" - và hãy mong mỏi rằng, hôm nay sẽ là một khởi đầu mới "và ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay..."

     Tôi nhớ lại đất nước và con người Hungary mà tôi biết: từ những năm 70-es évek họ đã làm chúng ta phải khâm phục như thế nào để bảo tồn và phát triển. Nếu họ không sa vào "lỗi hệ thống" và được tự do phát triển, không bị chi phối và ràng buộc thì chắc chắn họ sẽ đạt được kết quả còn cao hơn nhiều. Những sai lầm và tác động bên ngoài (khó tránh khỏi) của lịch sử đã làm cho họ trở nên như hiện nay cũng đáng để phải suy nghĩ về hậu quả mà chúng ta cũng đang nhận. Nếu có bạn nào trả lời được tại sao Hungary bây giờ lại khốn khó/sa sút như vậy thì cũng là điều tôi rất muốn biết. Với tất cả tình yêu dành cho Hungary, tôi nghĩ là người Hung không đáng phải chịu như vậy vì họ có một giá trị khác so với giá trị còn rất "sơ khai" của chúng ta.

34 comments:

  1. Bài viết này xuất phát từ hai chữ "sơ khai" của AV. Cảm ơn bạn đã mở rộng thêm về phần chữ và nghĩa của tiếng Việt, rất thú vị!

    ReplyDelete
  2. Ái Việt cũng viết nhiều về thời kỳ này ở các bài: "Nhớ về các chú bác cán bộ quản lý học sinh", "Nghệ thuật cũng phải có quần đùi", "Đánh bài Q-bích", "Tàu liên vận (1)".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lê Minh (Debrecen,VIDI69) thì cho rằng: thời kỳ học tập ở Hungary như là thời kỳ của những "học sinh cấp 4", tiếp nối từ "cấp 1", "cấp 2" và "cấp 3" ở VN và nói thêm là VN đã chọn nhầm ngành học cho anh ấy, lẽ ra phải học thứ gì khác hay/"thú vị" hơn vật lý mới phải...:)))

      Delete
  3. Tôi đã cố gắng viết một cách trung thực và hạn chế tối đa những gì mang tính chủ quan lệch lạc ở bài viết này. Có một số vấn đề về quan điểm, nhận thức... của trước đây và bây giờ có thể mang tính "lịch sử", nhưng nó không hề nhuốm "màu sắc" của một phe phái hoặc "bên" nào cả. Vì dù chiến tranh đã qua từ lâu và ký ức vẫn còn thì tôi vẫn không cho mình là người của "bên thắng cuộc" vì tôi đã từng sống cùng nhiều người "bên kia", lấy vợ là người "thành phần" có vấn đề về lý lịch bị gia đình, cơ quan phản đối ngăn cản... và từng suýt chết vì cuốc phải lựu đạn khi cùng làm rẫy với những người phải bỏ cuộc sống êm ấm và đầy đủ của ngày xưa để chấp nhận một cuộc sống mới mà không biết sẽ đi về đâu... Vì vậy tôi vẫn cảm thấy những gì đã viết là quá ít, là không đủ về những gì đã qua để thấy được hết và hiểu hết tất cả!

    ReplyDelete
  4. Nặng đầu quá. Nhẹ nhàng để mà sống.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Köszönöm Khánh. Chuyện qua rồi mà. Hồi xưa nặng, giờ thì nhẹ rồi :) Vấn đề là ở mình thôi. Nếu hồi đó tao coi bọn mày còn hơn "vàng" (là gold ấy, tao ghét nhất tiếng Việt ở cái chữ này làm lẫn lộn hết cả) và sống cởi mở hơn, thân thiết và gắn bó với tụi mày hơn nữa thì có lẽ tao đã ko về VN một cách lãng nhách như thế. Igazi élet, igazi jó barátok, igazi szerelem... sờ sờ trước mắt mà tao cứ nghĩ là vẫn chưa xuất hiện nên sẵn sàng từ bỏ hết. Hồi đó tao "lạnh" quá nên đã từng viết lúc ở Vár cùng bọn mày là: "Trước đổ nát rợn người lòng tôi vẫn dửng dưng"...Đó là cái "vấp" tệ hại nhất trong đời của tao mày ạ.

      Delete
    2. INDIRA GANDHI: "Hạnh phúc là ở chính cuộc sống của chúng ta chứ không phải là trong mơ ước"

      Delete
  5. Cám ơn những dòng viết chân thành.

    ReplyDelete
  6. Láhatatlan Ember không nên dịch là "Tâm hồn bí ẩn" mà dịch đúng phải là "Người Vô hình"...

    ReplyDelete
  7. Hi gửi cmt trên dưới bài viết về chị Hà mà sao lại nhảy vào đây nhỉ?
    Mình cũng thuộc dạng nhiều nhièu năm trước từng học ở Hungary, đúng là một thời không thể quên...

    ReplyDelete
  8. Dui Nguyen
    Qua đây thì thấy được là bất kỳ lúc nào hoc sinh (bọn trẻ) ở thủ đô, thành phố lớn so với nhà quê, vùng sâu vùng xa là một trời một vực.
    Thời đó chúng tôi mà có được một quyển tạp chí của Liên xô, hay Trung Quốc thì cất giữ phải năm này qua năm khác, chờ có quyển khác mới dám lấy để bọc sách vở. Không có khái niệm học ngoại ngữ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dui Nguyen, bây giờ thì khoảng cách gần như ko còn, chỗ nào cũng nhà quê như nhau!

      Delete
    2. Dui Nguyen
      Nguyễn Cao Bình, Bây giờ khái niệm vùng sâu vùng xa vẫn còn đó.

      Delete
    3. Doan Tang
      Dui Nguyen ! Tôi cũng như anh,tôi học giỏi địa lý,và tiếng Nga. Đặc biệt là vẻ bản đồ thế giới nhưng chúng tôi không có điều kiện như hs Hà nội mà con cán bộ cộp như Bình,nên được đi nước ngoài là giống như trúng số độc đắc rồi.

      Delete
    4. Doan Tang, em cũng bất ngờ khi nhận được giấy báo tập trung đi học nước ngoài mà!

      Delete
    5. Dui Nguyen
      Doan Tang, Chị được học cả tiếng Nga là siêu rồi. Nhưng mà đúng trước tụi em 4 năm tiêng Nga, Trung cũng được dạy ở c3. Như vậy là ở nhà quê, trước tụi em 2 năm và sau rụi em 3 năm không phải học ngoại ngữ (khoảng 1967-1975 gì đó).

      Delete
    6. Dui Nguyen, tui chỉ được học tiếng Nga năm lớp 8.
      Còn lớp 9-10 phải học Trung văn, chán chết!

      Delete
    7. Dui Nguyen
      Nguyễn Cao Bình, Dẫu sao vẫn cứ được học ngoại ngữ.
      Ông biết không,.
      Khi học tiếng Hung : Mi ez? Tôi nghĩ sao mà ngu ngốc vậy, mỗi cái ghế mà không biết, còn phải hỏi.

      Delete
    8. Dui Nguyen, vì tui ko thích nên chỉ cần lõm bõm miễn sao làm bài kiểm tra và thi học kỳ qua như các môn khác là ok.
      Thành tích cao nhất của tui là lớp 8 (A3).

      Delete
    9. Doan Tang
      Dui Nguyen ! Tụi này có hai dòng ngoại ngữ lúc 1963 là Nga và Trung. May mắn là được học tiếng Nga đến 1969, tất nhiên là giáo viên thời đó muốn nghỉ là nghỉ nên năm lớp 10 bỏ bê,qua Hung mới học ABC nên may mắn có thể làm phiên dịch cho lớp.

      Delete
    10. Dui Nguyen
      Doan Tang, Thời đó là có Nga và Trung thôi. Ở miền trung ai vào lớp 8 năm 1965 còn được học 1 năm sau đó là đến năm sau1975 mới có GV để dạy ngoại ngữ, không biết đến 1976 đã được học chưa.

      Delete
  9. Bùi Thị Nghi
    Phải công nhận chú Bình thật đa tài! Cám ơn chú đã có nhiều bài viết bổ ích và lý thú!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em cảm ơn chị đã đọc bài và có lời khen!

      Delete
  10. Doan Tang
    Không có giáo điều thì không có bản lĩnh của ngày nay đâu em ạ! Chị thấy cái gì đã qua đều là bài học kinh nghiệm để sống tốt hơn thôi !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Doan Tang, cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu của nó.
      Em nhận thức được rõ hơn từ bây giờ, chứ hồi đó thì chưa đến mức cuồng tín thôi!

      Delete
  11. Tuy có sự mâu thuẫn khi nói về tình cảm của người Hung giành cho VN trong những năm chiến tranh (qua những bài viết của tôi), nhưng đó là sự thật giữa 2 khía cạnh khác nhau, giữa tình cảm lớn lao mang tinh thần đoàn kết với nhân dân VN chống đế quốc Mỹ thì còn có 1 mối quan hệ khác, mang tình cảm nhỏ hơn, với thiện cảm chỉ dành cho những cá nhân khác biệt (ko đại diện cho xh VN). Với đa số còn lại, người Hung chỉ giữ ở mức xã giao tối thiểu mà thôi, ko hề có thiện cảm và sự quan tâm và đánh giá cao về mặt văn hóa và nhân cách nói chung (tôi có nhiều ví dụ người thật việc thật về vấn đề này, kể cả yêu và ghét).
    Tuy nhiên, về học tập thì sv VN nói chung ko tệ, kết quả cao hơn so với sv từ các nước thuộc thế giới thứ 3 nhiều!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Doan Tang
      Nguyễn Cao Bình ! Toàn dân thì không thể thích hay giành nhiều tình cảm cho một dân tộc khác được đấy là tất nhiên! Ở đâu cũng có người này người kia mà nhưng khi tụi chị qua Hung đúng lúc Bác Hồ mất thì rất rất nhiều người khóc,buồn và luôn chia sẻ với nhân dân Việt Nam đặc biệt với sv VN . Thế là tốt rồi không kể Chính quyền của Hung vì lúc ấy ông Kádár János là chủ tịch rất biết ơn VN.

      Delete
    2. Doan Tang, đấy là tình cảm lớn giành cho nhân dân VN và lãnh tụ HCM, ko chỉ Hungary!
      Năm 1969, từ HN, em đã chứng kiến toàn bộ tình cảm của người dân (miền Bắc) và các nước khác ntn sau khi Chủ tịch HCM qua đời.

      Delete
    3. Aiviet Nguyen
      Nhóc "nữ sinh" đó không nói về "vay mượn chủ nghĩa thực dân" phức tạp đâu.

      Delete
    4. Aiviet Nguyen, ừ, đấy là tao suy diễn nâng quan điểm lên thôi.
      Tao cũng ko khẳng định (có để dấu hỏi đàng hoàng).
      Có khi phải sang Hung làm đề tài nghiên cứu sinh ấy chứ!

      Delete
  12. Dui Nguyen
    Từ thời mới khai sinh, như Trần Đức Thảo đã phải im lặng, còn bây giờ xung quanh những người như T.Đ.Thảo còn có vôn vàn những người đã được đào tạo đúng quy trình nên chẳng ai dám ho he.

    ReplyDelete
  13. Quy Phuong Nguyen
    Tôi gặp tên ông Trần Đức Thảo lần đầu khi mò vào thư viện ở bên Hưng. Gặp cái tên đoán là tên Việt nên tò mò
    Khá nhiều sách của ông được dịch ra tiếng Hung và quá cao siêu nên tôi đọc không hiểu gì chỉ thấy họ giới thiệu ông là một triết gia nổi tiếng. Thực sự tự hào. Mãi sau này mới biết thêm về cuộc đời bị thảm của ông

    ReplyDelete