Wednesday, September 2, 2015

Chỉ tại Bộ Giáo dục

Giáo dục Việt Nam thối nát, điều đó tôi đã biết từ kiếp trước. Cá nhân tôi, có cha mẹ đều là giáo viên - đã nghỉ hưu, một chị ruột - còn đang đứng lớp, và khá nhiều người trong họ hàng tham gia vào hệ thống đó, thấy nó cùng lắm chỉ thối ngang với tất cả các ngành khác chứ không thể đòi xếp đầu bảng. Song OK, tôi đồng ý là nó thối và gửi một nụ hôn cho cái mũi khắt khe của mình. Đồng ý là Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải từ chức và Facebook có thể tiến cử ngay lập tức ba mươi triệu nhà chiến lược giáo dục xứng đáng ngồi ở vị trí ấy hơn. Nói chung nhiệm vụ chính của tất cả các bộ trưởng ở Việt Nam là từ chức, trừ Bộ trưởng Bộ Chính trị. Đồng ý là ngành giáo dục Việt Nam phải chịu tránh nhiệm về tai nạn giao thông và sự băng hoại đạo đức, về suy thoái kinh tế và nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, về nạn ăn cắp, hôi biachửi bậychặt chémnhậu nhẹt, phong bì chạy chọt, về các nữ ca sĩ hở hang, các nhà sư hổ mang và các ông quan đánh bạc, về mại dâm và hút xách, về những vụ cướp, hiếp và giết người hàng loạt ở Nghệ AnBình PhướcYên Bái mới toanh... Nghĩ kỹ thì Bộ Giáo dục cũng không vô can khi nông dân khóc trên đống dưa ế và cổ động viên khóc vì đội tuyển Việt Nam lại thua đau. Vùng phủ sóng kinh hãi của Bộ Giáo dục là vô tận, tôi biết thế, song thực tình tôi may mắn đứng ngoài, cho đến tuần vừa rồi.
Tuần vừa rồi, một người bạn của tôi ở Việt Nam lỡ một cái hẹn. Không cháy nhà chết người, nhưng đơn giản đã hẹn thì phải giữ, nên tôi điện về hỏi. Bạn bảo, xin lỗi, bận đi canh điểm cho con. Nó còn nhảy lung tung lắm.
Thằng bé nhà mình nhảy đi đâu? Tôi hỏi.
Giời ạ, điểm nó nhảy. Chới với luôn. Không canh ngày canh đêm thì chết.
Sau một hồi ngôn ngữ bất đồng, cuối cùng tôi cũng hiểu ra rằng đoàn tầu giáo dục năm nay sắp rời ga; toa hạng nhất đang chen nhau bẹp ruột. Vé bán như chơi chứng khoán, phải cập nhật từng phút. Ai cũng muốn mua cổ phiếu khủng giá hời. Ai cũng sợ mua oan cổ phiếu bèo giá đắt. Ai cũng đòi nhà ga cấp cho mình điều kiện tốt nhất. Ai cũng phàn nàn. Trong trận đánh lớn do Bộ Giáo dục tổng chỉ huy này, các thí sinh đang thí sinh mạng và ngã như ngả rạ. Con số tổn thất thực ra phải nhân lên nhiều lần, vì mỗi học trò gục xuống đều nướng theo các bậc phụ huynh. Đọc Lều chõng của Ngô Tất Tố, tôi không thấy học trò nào phải đem theo cha mẹ. Họ đều tự tìm hiểu trường quy, tự vác tráp, dựng lều, kê chõng trên những cánh đồng trống hoác, tự lo việc ăn uống, nộp quyển, rồi tự về nhà trọ ăn dầm ở dề chờ ngày xem bảng. Thời tôi đi thi đã có bố đèo xe đạp đến trường và mẹ giúi cho nắm mì luộc, song chỉ đến cổng trường là hết, ai lo việc người nấy. Sĩ tử nước Việt dường như mỗi thế hệ một trẻ mỏ hơn.
Tôi hỏi, thế thằng bé không tự canh điểm được à.
Việc hệ trọng của cả đời thế này, mình phải có trách nhiệm chứ, nó lo thế nào được, bạn bảo.
Tôi cũng có một đứa con. Thực ra tôi không định có. Lấy chồng là giao hẹn luôn, không con cái gì đâu, em không có thời gian. Đó là lý do tuyệt đối để từ chối toàn diện, rất nhiều người không có cả thời gian để tồn tại, còn tôi cho rằng mình thậm chí không có chút thời gian nào để không có thời gian. Tương đối hơn, tôi vừa sợ cảnh những đứa trẻ hạ cố ăn thêm một thìa cho bà mẹ cầm bát chạy theo van lơn khắp xóm, vừa sợ cảnh những đứa trẻ ruồi bu không buồn đuổi trong sự vô tình của các đấng sinh thành. Tôi sợ mình là một người mẹ tồi. Một chỗ dựa quá yếu ớt. Hay một cái bóng quá sấn sổ đổ vào đời con. Trong nhật ký năm 1910, Franz Kafka ngẫm ra rằng mình đã bị bức hại bởi công cuộc giáo dục do một loạt người tham gia, cụ thể là cha mẹ, một số người trong họ hàng, vài ba vị khách của gia đình, nhiều nhà văn, một bà nấu bếp, một đống giáo viên, một thanh tra giáo dục. Đứng đầu danh sách ấy là cha mẹ, đứng cuối mới đến giáo viên và nhà trường. Tôi có rất nhiều lý do để cảnh giác với bậc phụ huynh nơi mình. Giấc mơ cha đè nát cuộc đời con, chúng ta quẳng tất cả những gì cặn lại từ đống hoài bão dang dở của mình vào tâm hồn con cái, đề bạt mình lên giám đốc quản trị chốn ấy và biến nó thành cái thùng rác lúc nào không hay.
Tôi bảo, ờ ờ trách nhiệm, nhưng đừng thở hết không khí của bọn trẻ nhé, và lập tức lĩnh hội một bài giảng sùi bọt mép cho những kẻ không biết gì về thực tế Việt Nam. Nó nhiêu khê rắc rối. Nó tù mù. Nó thối nát. Nó tâm thần hạng nặng. Chứ văn minh lành mạnh như bên ấy thì nói làm gì.
Ờ ờ Đức văn minh, tôi bảo, nhưng muốn vào đúng ngành đúng trường mong ước thì cũng không dễ, ngay cả với học trò giỏi. Tốt nghiệp 1.1 là xuất sắc nhưng ngành y trường lớn lấy điểm tuyệt đối 1.0. Hoặc xếp hàng ba năm may ra đến lượt, có khi ba năm sau vào phút cuối trường cho bịt mắt bốc thăm. Hoặc đi tìm trường khác. Học trò nào cũng gửi hồ sơ đi trung bình 5-6 chỗ, cẩn thận hơn thì 10-15. Bị từ chối không phải là cái gì khác thường, trượt hết cũng có. Ngay bây giờ toàn nước Đức đã thiếu hàng trăm ngàn chỗ trong 425 trường đại học và cao đẳng so với nhu cầu, năm 2020 con số ấy có thể lên tới một triệu. Sinh viên Đức ngoài ra phải cạnh tranh với sinh viên quốc tế, ít nhất 10% sinh viên đang theo học tại đây là người nước ngoài. Hệ thống xét tuyển đúng là không thối nát, không tâm thần hạng nặng, không tù mù, nhưng rối mù thì vẫn. Trừ y và dược được "tập trung chỉ đạo" cho toàn liên bang, 16.000 ngành, chuyên ngành và khóa học còn lại do các trường tự chủ xét tuyển. Chỉ đọc hết tên, phân biệt ngành nào với ngành nào, đã mất đứt mấy năm trong một đời người, chưa nói đến giấy tờ, thủ tục, thời hạn, chi phí và sự chồng chéo nơi này thừa, nơi kia thiếu. Một hệ thống điều phối bằng công nghệ thông tin cho đến nay không thực sự được khởi động, vì phần lớn các trường còn chần chừ chưa muốn tham gia. Giáo dục và đào tạo là việc của các tiểu bang, chính quyền liên bang không có thẩm quyền can thiệp. Đó mới là rừng rậm nhiệt đới bạn ạ, phải tự mình lặn lội hết, không túm áo ông bộ trưởng nào đòi chỉ đường được đâu. Tự do, tự chủ, tự lập, tự quyết định rất vất vả và gánh nặng của lựa chọn cũng oằn vai lắm.
Tôi tưởng cái ờ ờ bây giờ sẽ đổi phía. Nhưng bạn quát, dân trí bên ấy khác! Bên này mọi rợ, chúng nó lại mang con bỏ chợ. Chúng nó hành. Chúng nó coi con người như chuột thí nghiệm.
Tôi e hèm, ừa, nhưng trong đợt thí nghiệm này chúng nó có vẻ công nhiều hơn tội. Tội nặng nhất của chúng nó là không tính đến sở thích của dân mình. Dân mình ưa chen lấn giẫm đạp. Dân mình ưa cuống quýt rút ra rút vào trong ba ngày hơn bỏ ra ba tháng bình tĩnh cân nhắc. Dân mình ưa không tin ai hết, không tin nhau, không tin chính quyền, không tin chính mình. Dân mình ưa vai nạn nhân.
Phía bên kia im lặng đột ngột. Kéo dài. Rồi mát mẻ lạnh nhạt. Vâng, thì đã bảo chúng tôi bên này mọi rợ. Nhưng ai làm cho dân mình thành như thế? Bà đứng về phía ai? Tưởng Phạm Thị Hoài thế nào. Té ra là. Thôi, hiểu rồi.
Đến hôm nay tôi vẫn không biết con trai người bạn ấy đã lên toa nào trong đoàn tàu chạy vào tương lai Việt Nam ấy. Như báo chí cho biết, toa hạng nhất dành cho công an nhân dân: 93.000 trong số trên nửa triệu thí sinh, tức cứ sáu người Việt sắp bước vào đời thì một muốn thành công an, trong khi tổng chỉ tiêu là 6.450, tức 1 chọi gần 15, khiến điểm chuẩn các trường này cao nhất trong hệ thống đại học của cả nước. Mấy lần tôi định điện về hỏi, nhưng cuối cùng đều bỏ. Một quan hệ hình như đã tan vỡ. Tôi đã trải qua nhiều tình bạn gãy đổ, song chưa lần nào như lần này, chỉ tại Bộ Giáo dục.
Phạm Thị Hoài
27/8/2015

14 comments:

  1. Đoàn Hồng Nghĩa: Đào tạo càng nhiều, nhũng nhiễu càng ác, vẽ càng lắm trò mới có cái xơi chứ. Ra đời thì cái bằng chả là cái gì. Học thức kg có nốt, lại quay về trò sử dụng vị trí để mần ăn. Cả xã hội thế, giáo dục cũng chỉ là một hình thức kinh doanh hành chính hợp pháp.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ca Vu Thanh: Thật ra thì tôi thích cái bài này của chị Hoài. Chị Hoài hơi cực đoan ở một khía cạnh, nhưng chị nói khá đúng; đ/c Nghia Doan cực đoan ở khía cạnh khác. Bây giờ học giỏi trường tốt vẫn cực dễ kiếm việc, dễ hơn thời xưa của chúng tôi rất nhiều. Cái chết là học dở trường kém. Thuê bọn này là thảm họa.

      Delete
    2. Chị Hoài rất sâu sắc nhưng mỏ cũng rất "nhọn" :) Làm nhà giáo chân chính bây giờ rất khó chịu khi phải chứng kiến những điều trái ngược diễn ra ngày càng nhiều, ngày càng tệ hại, làm được điều tốt lúc này thật đáng trân trọng.

      Delete
  2. Tuan A Phung: Chết cười với Pham Thi Hoai "....... Tự do, tự chủ, tự lập, tự quyết định rất vất vả và gánh nặng của lựa chọn cũng oằn vai lắm. ... bạn quát, dân trí bên ấy khác! Bên này mọi rợ, chúng nó lại mang con bỏ chợ. Chúng nó hành. Chúng nó coi con người như chuột thí nghiệm. Tôi e hèm, ừa, nhưng trong đợt thí nghiệm này chúng nó có vẻ công nhiều hơn tội. Tội nặng nhất của chúng nó là không tính đến sở thích của dân mình. Dân mình ưa chen lấn giẫm đạp. Dân mình ưa cuống quýt rút ra rút vào trong ba ngày hơn bỏ ra ba tháng bình tĩnh cân nhắc. Dân mình ưa không tin ai hết, không tin nhau, không tin chính quyền, không tin chính mình. Dân mình ưa vai nạn nhân. Phía bên kia im lặng đột ngột. Kéo dài. Rồi mát mẻ lạnh nhạt. Vâng, thì đã bảo chúng tôi bên này mọi rợ. Nhưng ai làm cho dân mình thành như thế? Bà đứng về phía ai? Tưởng Phạm Thị Hoài thế nào. Té ra là. Thôi, hiểu rồi..."
    Tuan A Phung: P.T.Hoai at her best! Đọc xong tôi muốn đặt tên entry này là "Chết cười với Phạm Thị Hoài hay Cho những ai còn nghi ngờ về sự "thối nát" của giáo dục Việt Nam, các bộ trưởng và các ứng viên bộ trường đang học cấp 2 "... Đồng ý là Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải từ chức và Facebook có thể tiến cử ngay lập tức ba mươi triệu nhà chiến lược giáo dục xứng đáng ngồi ở vị trí ấy hơn. Nói chung nhiệm vụ chính của tất cả các bộ trưởng ở Việt Nam là từ chức, trừ Bộ trưởng Bộ Chính trị. Đồng ý là ngành giáo dục Việt Nam phải chịu tránh nhiệm về tai nạn giao thông và sự băng hoại đạo đức, về suy thoái kinh tế và nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, về nạn ăn cắp, hôi bia, chửi bậy, chặt chém, nhậu nhẹt, phong bì chạy chọt, về các nữ ca sĩ hở hang, các nhà sư hổ mang và các ông quan đánh bạc, về mại dâm và hút xách, về những vụ cướp, hiếp và giết người hàng loạt ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái mới toanh... Nghĩ kỹ thì Bộ Giáo dục cũng không vô can khi nông dân khóc trên đống dưa ế và cổ động viên khóc vì đội tuyển Việt Nam lại thua đau. Vùng phủ sóng kinh hãi của Bộ Giáo dục là vô tận.."... ha.. ha...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thanh Tran-Trong: Mỗi một ngày có gần 90 triệu người ra đường, chỉ có 30 người chết vì tai nạn. Phải chăng cũng là bình thường, bác Tuan A. Phung nghĩ sao?

      Delete
    2. Tuan A. Phung: Hi..hi.. sao lại lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia thế Thanh Tran-Trong ơi? 3 người cũng là quá nhiều, nhưng đó đâu phải là lý do để bỏ qua thực tế là khi áp dụng thay đổi lớn - mang tính "cách mạng" so to speak - sẽ có những trục trặc nhất định ... và có vẻ BGD cũng không cố dùng nó như lý do để bào chữa cho bản thân trục trặc về áp dụng phần mềm & tin học, vốn đã có thể/lẽ ra phải được làm tốt hơn ...

      Delete
    3. - Thanh Tran-Trong: Những người bị hành họ có quyền kêu, giống như những người bị tắc đường họ kêu ca. Quả thật phần mềm rất tệ.

      Delete
    4. - Tuan A. Phung: Yes mọi khách hàng đều có quyền "kêu" và BGD cho nghĩa vụ trả lời nhưng kêu cube xong, ai muốn đánh giá một thay đổi và đề ra mot phương thức thay thế thì họ cũng có nghĩa vụ tìm hiểu bản chất của vấn đề một cách khách quan và tổng quát.. Nhắm tịt mắt kêu thì không phải cách của người tiêu dùng dịch vụ có hiểu biết...

      Delete
    5. Thanh Tran-Trong: Chúng ta cần làm quen với thực trạng là "loa facebook" tốt hơn "loa phường"

      Delete
  3. Le Xuan Tan: Với mặt bằng chung về chất lượng con người của Việt Nam thì phải chấp nhận một điều là ở mọi lĩnh vực phần lớn đều chưa có được những sản phẩm hoàn hảo, sản phẩm của bác Luận (hay BGD) cũng vậy. Em đồng quan điểm với bài trên, chưa ổn lắm nhưng không phải là bi kịch. Điểm cộng quan trọng cho bác Luận (BGD) là sự dũng cảm thay đổi một cách đột phá, hy vọng năm sau các bác ấy làm ăn ổn hơn.
    Phản ứng của phần lớn cư dân mạng thì lúc nào chẳng vậy, giống như đàn vịt, dù bác quăng nắm thóc hay viên gạch thì việc đầu tiên của các bạn ấy là luôn quác loạn cả lên.

    ReplyDelete
  4. Nguyen Ai Viet: Nếu vẫn còn thi tuyển để chọn người có năng lực thì vẫn sẽ còn thối nát. Xã hội có công bằng đâu mà đòi chế độ thi tuyển công bằng. Về nguyên tắc, tốt nghiệp phổ thông là phải đủ tư cách học đại học hoặc cao đẳng. Nếu không đủ trường sở thì không nói làm gì. Đằng này các trường mở ra không có học sinh vì bị khống chế chỉ tiêu. Chưa nói chuyện khống chế giấy phép mở trường, giữ độc quyền nhân danh "bảo đảm chất lượng".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tuan A. Phung: Hi..hi...vâng bác Aiviet Nguyen tôi cũng nghĩ môi trường xã hội subprime và não trạng thi cử submprime mà đưa ngay nay một prime solution vào cũng không dễ hay ít nhất khó được chấp thuận, như thực tế hiện nay (cách thực hiện thì chưa prime) cho thấy. Nhưng mặt khác các bác Ca Vu Thanh & Chau Ngo thì có vẻ lại thích phương án bỏ thi tôt nghiệp và tối ưu kỳ thi tuyển hơn

      Delete
  5. Trinh Vu Linh: Mình lại nghĩ Phạm Thị Hoài không chỉ tuyệt vọng với nền giáo dục đâu Tuan A. Phung! Giáo dục chỉ như cái bung xung. Nó không phải chỉ là nguyên nhân mà còn là kết quả của những hỗn độn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tuan A. Phung: Chi Hoài thật ra đang lạc quan với thay đổi kỳ này đấy chứ Trinh Vu Linh

      Delete