Monday, September 28, 2015

Thói quen cắt lỗ ra khỏi cục pho mát

Sĩ phu Bắc Hà rất ưa thích so sánh.  Cứ hễ so sánh là cãi nhau. Tất nhiên lý do cuối cùng là "bánh tao đâu", nhưng cũng có chút lý do cãi nhau là ở bệnh thích so sánh. So sánh A với B, anh với tôi, nó với chúng nó. Thích lắm, thú vị lắm, giống như chơi trò tetrix, ăn điểm số, hay nhập cái bang được lên một túi. Không phải làm gì cả, hơn nữa là một trật tự bất biến, cứ thế ngồi hưởng. Cho dù cái bổng lộc đó thảm hại thế nào, cũng có được phép thắng lợi tinh thần.

Mọi phép so sánh đều gắn với một hệ giá trị có trật tự hơn kém, thường là định lượng được bằng một con số. Trên một trục số, thì phải trái, hơn kém, trước sau rạch ròi. Chỉ có điều, những thứ trong thực tế, đa phần lại không chỉ có một giá trị, cho dù có thể định lượng. Hai điểm trên mặt phẳng đã không thể biết lớn nhỏ, phải trái, trước sau một cách khách quan. Có chăng phải lấy một cá nhân làm rốn của vũ trụ mới phán được. Nhưng trong thời đại biến động, gốc tọa độ cũng chuyển động như chong chóng. Anh mới ở đầu hàng đấy, thoắt cái đã thành ra cuối hàng. Hai số phức rõ ràng có định lượng, nhưng không thể nói số nào lớn hơn số nào.  Hai đại lượng ảo và thực lại chuyển hóa qua nhau khi quay trục tọa độ.

Đơn giản hóa là cái bệnh của sĩ phu Bắc Hà, cái gì chưa hiểu thì cứ tóm một câu "nôm na là ....". Đỡ tốn công đọc hiểu, đau đầu phức tạp. Tư duy diễn nôm có một sức hút kỳ lạ. Thứ nhất nó cũng nghe na ná như minh triết, chỉ khác cái không dựa trên khổ công luyện tư duy đến mức tinh thục. Thứ hai nó rất cuốn hút đại chúng, do liên hệ gần như một một đến những gì đại chúng đang thiếu thốn, đang thích thú như tâm linh, số mệnh, dân chủ, chứng khoán, kiếm tiền, lừa cấp trên, cấp dưới dễ dàng. Đơn giản hóa kiểu diễn nôm bao giờ cũng giải quyết dễ dàng bài toán so sánh. Nếu chỉ có một đại giáo chủ, thì mọi việc hẳn đã dễ. Tuy nhiên, trong thời đại tập sự dân chủ có đến hàng tỷ loại giáo chủ diễn nôm khác nhau, thế là tranh luận không thôi, hoàn toàn không có một mục đích thực tiễn nào cả, thậm chí về nhận thức cũng chẳng thu hoạch gì. Từ Thức gặp tiên về vẫn thấy hai ông sĩ phu Bắc Hà cãi nhau về cùng một chủ đề, có khác chăng luận điệu của ông B bây giờ là của ông A trước đây và ngược lại.

Diễn nôm trong một số trường hợp khá thành công, nhưng đó là ngẫu nhiên. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp là cố gắng cắt lỗ ra khỏi cục pho mát. Cái lỗ trong pho mát tồn tại được là nhờ có pho mát bao quanh. Sĩ phu Mít thản nhiên nói về cái lỗ như một thực thể độc lập và tranh luận rằng lỗ phải có trước, phải ưu tiên hơn pho mát.

Chính vì thế có những cuộc tranh cãi kỳ cục: Nghệ thuật và Nhân sinh, Biết và Làm, Tinh thần và Vật chất. Hoàn toàn không khác gì tranh luận từ thời Trung cổ ở phương Tây về Trứng và Gà. Ngày nay có ai nói chuyện kiểu như thế ở phương Tây, hẳn bị coi là dở hơi. Ở ta nói chuyện giống hệt như thế vẫn được tôn vinh. Kể cũng lạ. 

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

3 comments:

  1. Đinh Hùng: Sĩ phu An Nam vẫn còn kiểu tranh luận lấy được, sợi tóc chẻ tư, tầm chương trích cú , chỉ thích nói mà không chịu nghe ! Ô hô ai ta

    ReplyDelete
  2. Do Xuan Phuong: Do nền giáo dục nhiễm "hội chứng đường hầm" (các môn học không gắn kết về nội dung lẫn phương pháp), toàn dạy chay mà thiếu thực hành khiến học sinh mất đi cái nhìn toàn cục và tương tác.

    ReplyDelete
  3. Người Việt đang ở cái đoạn tiến hóa sơ khai của các nền văn minh khác. Tuy có nhiều phần dị hợm "đầu Ngô mình Sở" nhưng vẫn cứ là người Việt muôn thuở!

    ReplyDelete