Mọi việc ở xứ ta đều nhắm đến Chính Danh. Thậm chí Sĩ phu Mít còn mê
Chính Danh hơn sĩ phu Tàu. Học thuyết chính danh bắt đầu từ cụ Khổng.
Khi cụ Khổng thất bại ở Lỗ sang Vệ, mong được vua Vệ dùng, thậm chí phải
cầu cạnh đến nàng Nam Tử. Thầy Tử Lộ hỏi: Nếu được dùng thầy sẽ làm gì
trước. Cụ Khổng đáp: Chính danh. Thầy Tử Lộ nói: Sao thầy lại vu khoát
như vậy? (Không sai chút nào). Cụ Khổng nói: Do (Tên thầy Tử Lộ) thật
như người rừng, không biết gì. (Cũng không sai chút nào).
Tử Lộ tài năng vũ dũng chính trực hơn người. Thờ cha mẹ rất hiếu. Lúc
đầu nhập môn, thấy cụ Khổng nhu nhược, vu khoát bèn bỏ đi. Sau nhận ra
cụ Khổng có nhiều giá trị mà mình không có bèn xin nhập môn và trở thành
đệ tử thân cận nhất của cụ Khổng. Mỗi khi cụ Khổng giảng bài, thường để
Tử Lộ có ý kiến đầu tiên. Tử Lộ thường không ngại có ý kiến trái ý
thầy, nói rất thẳng, như can Khổng Tử vào cầu cạnh nàng Nam Tử, bác học
thuyết chính danh là vu khoát, cho rằng đọc sách không phải là con đường
duy nhất để thành tài.
Cụ Khổng bôn ba liệt quốc thường có hai dũng
tướng là Tử Lộ và Nhiễm Hữu xách kiếm và roi đi theo hộ vệ. Cụ Khổng
nói "Do quá háo dũng, tất không toàn". Sau này vì loạn nước Vệ, Tử Lộ bị
giết, bị muối thịt đem đến cho Khổng Tử. Khổng Tử nhìn thịt biết ngay
là Tử Lộ mà khóc.
Lời bình:
Chính danh cũng như cái vảy ngược
của sĩ phu Á Đông. Động vào là thù oán suốt đời. Tử Lộ không chết ở Vệ,
cũng sẽ chết vì sĩ phu nơi khác. Vì thế mà cụ Khổng nói "tất không toàn"
chăng?
No comments:
Post a Comment