Võ Phiến tên thật Đoàn Thế Nhơn (sinh 20 tháng 10 năm 1925 tại huyện Phù Mỹ, Bình Định; mất 28 tháng 9 năm 2015 tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ) là một nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả của 4 tiểu thuyết, 9 tập tuỳ bút, nhiều tập truyện ngắn, một tập thơ và nhiều tác phẩm phê bình tiểu luận. Ông còn có bút danh là Tràng Thiên (Wikipedia)
Sau khi vào Sài Gòn (tháng 10,1975), tôi hay la cà trên các lề đường bày bán sách cũ và mua sách. Tôi nhận thấy là sách ở miền Nam xuất bản đa dạng hơn miền Bắc (cũng đồng thời có nhiều tạp phẩm hơn). Điều mà tôi thích là người đọc được quyền lựa chọn tác phẩm và NXB cũng như tác giả, người dịch.
Trong số sách mà tôi gom về, có cuốn Tạp luận của Võ Phiến. Tôi thích cách viết và lập luận sắc sảo dù rất "phản động", rất cực đoan (theo đánh giá của tôi lúc ấy). Và tôi thích cách dùng chữ của ông, nó gần với cách dùng chữ của những người viết lách ở miền Bắc mà theo tôi thì miền Bắc dùng chữ Việt hiện đại/khoa học và trong sáng hơn miền Nam.
Hôm nay, tôi muốn trích 1 phần trong cuốn sách còn giữ lại từ ngày ấy.
...
"Mỗi món ăn chỉ có một số người thực sự hiểu nó, số người ấy là của một địa phương. Vậy món ăn có liên hệ đến khí hậu địa phương chăng?
Ở xứ lạnh dễ thấy cái ngon trong chất mỡ béo, ở xứ nóng dễ rành về các thứ rau, canh. Người Huế ăn cay, một phần hình như cũng vì khí trời ẩm ướt của những mùa mưa dai dẳng. Người miền Nam thích giá sống vì nó giải nhiệt?
Khi đã chuyên ăn một món nào đó, người ta càng ngày càng thành thạo trong việc chọn lựa, sử dụng, người ta tìm thấy ở nó những đặc điểm mà kẻ khác không để ý đến; do đó người ta vượt bỏ, tách rời khỏi quần chúng. Về quả ớt chẳng hạn, chắc chắn đồng bào ở các nơi ít ai theo kịp người Huế trong cách thưởng thức: kẻ yêu ớt không chỉ yêu nó vì cái vị cay, mà còn vì mùi hăng nồng, vì cái tiếng kêu giòn phát ra dưới răng khi cắn nó, lại yêu vì trông nó sướng mắt, cầm nó sướng tay trong giây phút mân mê trước khi đưa lên mồm... Người Huế ngoài cách ăn ớt bột, ớt tương, ớt xắc (xắt?), ớt giã v.v., còn thích lối ăn cầm cả trái ớt rắn chắc mà cắn kêu đánh bụp trong mồm thật ngon lành; để cắn, họ chọn ớt xanh.
Nhưng một chuyện khí hậu nhất định không đủ. Cái ăn còn tùy thuộc ở sản phẩm sẵn có ở địa phương, ở lịch sử v.v. Ở lịch sử? Nghe thì to chuyện, nhưng chính tại lịch sử mà người Bình Định quen ăn bánh tráng. Thứ bánh tráng Bình Định tìm mua ở Sài Gòn rất khó, vì không thấy bán ở các chợ, chỉ gặp tại một vài nơi ngoại ô hẻo lánh; người Bình Định nhớ bánh tráng như người Việt sang châu Âu nhớ cơm, nhớ bánh cuốn. Như thế có phải vì bánh tráng là lương khô dùng trong quân đội Nguyễn Huệ xuất phát từ Bình Định?"
trích từ tùy bút ăn và đọc (Tạp luận, Trí Đăng XB 1973)
No comments:
Post a Comment