Như đã nói trong phần cmt của bài vừa rồi, vấn đề ký âm trong tiếng Việt của các học giả Pháp đã thất bại và khép lại từ hơn 1 thế kỷ trước.
Sau này, các tác giả VN như PGS.Bùi Hiền, GS. Hồ Ngọc Đại lại "vấp phải chỗ cũ". Nhưng khổ nỗi lại không chịu đọc (/không biết/không hiểu) các nghiên cứu của đời trước. Đây không phải tinh thần của học thuật chân chính. Vì một nhóc nghiên cứu sinh nào đó, khi tập toẹ làm luận án tiến sĩ đã phải biết về nghiên cứu tổng quan. Tức là phân tích xem các công trình của người đi trước đã nghiên cứu cái gì. "Lũng" phần này là vứt moẹ luôn cái luận án. Ấy thế mà các vị có học hàm hẳn hoi (như Bùi Hiền và Hồ Ngọc Đại) mà vẫn còn ngu ngơ vụ này. Nhà cháu đang đặt vấn đề là hai ông này liệu có mua bằng hay không?!
Nay chép lại tư liệu của nhà nghiên cứu Hán-Nôm Cao Tự Thanh, để bà con ai quan tâm thì đọc coi bọn Tây đã cải cách mấy cái vụ /k/, /q/, /c/ (và nhiều thứ nữa) trong chữ Việt ra sao. (Cái này trước đây có post rồi, nay mang ra "hâm" lại).
Để đọc bài này, người đọc cần phải có một nền tảng nhất định về ngôn ngữ học. Đọc thử coi có "bể đầu" hay không? Và nhất là đừng nhồi con nít bằng những thứ bể đầu đó. Tuổi đầu đời nên được học thêm về âm nhạc, thể chất, mỹ thuật... để phát triển toàn diện, chứ không phải chỉ có trò ghép âm trừu tượng làm hack não một cách ngu ngốc.
Sau đây là toàn văn:
"Chuyện cũ về C, K và Q
Chuyện C, K và Q trong chữ quốc ngữ đã được thảo luận ít nhất từ hơn 100 năm trước. Trong Hội nghị quốc tế nghiên cứu về Viễn Đông lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội năm 1902, Tiểu ban cải cách chính tả chữ quốc ngữ đã trình bày một báo cáo vể vấn đề này, nó là cơ sở để chính quyền thuộc địa tiến hành cuộc vận động cải cách chữ quốc ngữ ở Việt Nam theo hướng “Pháp hóa, qui chế hóa và đơn giản hóa” sau đó. Quyết định ngày 16. 5. 1906 của Toàn quyền Đông Dương về việc mở một cuộc thi soạn sách giáo khoa còn qui định trong điều 8 là “C, k, q sẽ đồng loạt được viết thành k, Trường hợp đặc biệt: cua sẽ viết là kua và qua sẽ viết là koa”. Nhưng nhiều trí thức đương thời trong đó có cả những người Pháp như Léopold Michel Cadière, Lucien Bauno không đồng tình, nên cuộc vận động cải cách ấy đã chấm dứt không kèn không trống.
Hai ý kiến về việc cải cách chính tả chữ quốc ngữ của Cadière (đăng trên Avenir du Tonkin trong các số từ 24. 9 đến 17. 10. 1906) và Bauno (đăng trên Avenir du Tonkin số ra ngày 4. 1. 1907) sau đó được in lại trong tập Textes et Documents relatifs à la réforme du Quốc ngữ (Các văn bản và tài liệu liên quan tới việc cải cách chữ Quốc ngữ), F. H. Schneider, Imprimerie Typo-Lithographique, Hà Nội, 1907, hiện được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (Centre d'Archive d’Outre-mer - CAOM) ở Aix-en-Provence Cộng hòa Pháp, trong hồ sơ mang ký hiệu GGI 2625, được Nguyễn Nghị dịch và công bố lần đầu trong I và Y trong chính tả tiếng Việt của Cao Tự Thanh, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, phần Phụ lục.
Sau đây là trích lại hai phần về C, K và Q trong hai ý kiến nói trên. Cần lưu ý rằng mặc dù chỉ chủ yếu bàn về âm vị, hai tác giả này đều đã ít nhiều bước qua lãnh vực âm tiết như Cadière "Trong cua, chính u, một nguyên âm đầy đủ, mới là chữ được nhấn mạnh, trong khi a, nguyên âm được giảm nhẹ, không được nhấn mạnh. Trong qua, chính a mới là một nguyên âm đầy đủ, được nhấn mạnh, trong khi u là bán nguyên âm bình thường"...
Nói thêm là cho dù sách dạy tiếng Việt của Bộ Giáo dục hiện nay coi C, K và Q là một về ngữ âm thì đối với những người đọc sách để học tiếng Việt, vụ này cũng đã kết thúc.
_____
_____
* Ý kiến của L. M. Cadière
… 6. “c, k, q sẽ nhất loạt được viết là k, các ví dụ đặc biệt: cua sẽ viết là kua, qua sẽ viết là koa”.
Đây cũng vẫn là một trong những cải cách không trọn vẹn, về hai khía cạnh, một mặt tốt, mặt khác đáng phê phán vốn đầy rẫy trong hệ thống mới, bởi vì người ta không muốn làm việc một cách khoa học và không muốn logic tới cùng, bởi vì người ta đã dừng lại giữa đường, giải quyết một khó khăn bằng một bất thường.
Dự án viết các chữ c, k, q bằng một chữ k duy nhất đọc trong cổ và là âm điếc không phải là mới. Nhưng những người đưa ra dự án này, các ông Aymonnier, Chéon, các thành viên trong Hội nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội cũng đề nghị diễn tả bán nguyên âm tiếp theo sau q bằng chữ w. Đây là hậu quả logic của việc chấp nhận k thay cho q. Các nhà cải cách hiện tại có lẽ đã lùi bước trước sự xáo trộn cách viết đã diễn ra do việc chấp nhận chữ w. Chính vì vậy mà họ đã đi tới chỗ chấp nhận cách viết koa thay cho qua.
Bởi vì người ta thay c và q bởi cùng một chữ là k, người ta đâm ra lúng túng trước các từ cho tới nay được viết là cua và qua. Ở đây, chúng ta cũng đứng trước những khác biệt căn bản đã thấy trên đây giữa các hình thức có ui và các hình thức có uy. Trong cua, chính u, một nguyên âm đầy đủ, mới là chữ được nhấn mạnh, trong khi a, nguyên âm được giảm nhẹ, không được nhấn mạnh. Trong qua, chính a mới là một nguyên âm đầy đủ, được nhấn mạnh, trong khi u là bán nguyên âm bình thường. Chữ quốc ngữ cổ truyền diễn tả sự khác biệt này bằng cua ở chỗ này và qua ở chỗ nọ. Theo dự án được Hội nghị các nhà Đông phương học chấp thuận, chúng ta sẽ có kua và kwa. Cách viết sau mới là cách viết logic nhất. Hệ thống mới viết kua (cua) và koa (qua).
Một điều bất thường và một sự không chính xác.
Không chính xác, bởi vì chúng ta chỉ cần nghe bất cứ người Annam nào nói là có thể thấy rằng trong từ qua, âm được diễn tả bằng u là ou trong tiếng Pháp chứ không phải o. Đây là bán nguyên âm bình thường dưới dạng điếc, hoàn toàn khác về âm với bán nguyên âm dạng kêu được diễn tả bằng o. Nghe một người Annam đọc các từ qua, que, qué và các từ khoa, khoe, người ta sẽ thấy ngay sự khác biệt.
Tất cả các tác giả đều đồng ý với ý kiến này. Giám mục Taberd, trong lời Tựa của cuốn Dictionnarium, tr. 8, “q est in usus et exprimitur ut in linguà latinà/ được sử dụng và diễn tả như trong tiếng Latin”. Ông Chéon, Cours, tr. 3, “qu có cùng giá trị như trong quatuor”. Linh mục Vallot, Grammaire, tr 17, “qu đọc là cou” – Chỉ có ông Nordemann, Méthode de langue Annamite, tr. 12, diễn tả như sau “âm oa tiếng Pháp được diễn tả thành oa trong oan, loan, soa được viết là ua sau phụ âm q, chẳng hạn: quan, qua”, và viết tiếp ở phần chú thích “sẽ hợp lý hơn nếu viết là koan, koa”.
Tại sao lại hợp lý hơn? Vì cách đọc à? Nhưng chúng ta đã thấy, theo các tác giả được nói đến trên đây và người ta có thể thấy khi nghe một người Annam gặp lần đầu tiên nói, rằng qua không đọc như koa – Vì lý do từ nguyên học à? Nhưng khi chúng ta liệt kê danh sách tất cả các từ Hán Việt bắt đầu bằng qu, chúng ta sẽ thấy là các từ này tương ứng với các hình thức được diễn tả bằng ku, kou hay ko trong phương ngữ người Hoa, nghĩa là bao gồm bán nguyên âm có dạng điếc. Chỉ có mấy ngoại lệ khi bán nguyên âm gằn với âm nguyên âm của từ. Chẳng cần phải kê ra các ví dụ ở đây. Một số tác giả, như Linh mục Couvreur, sử dụng khi thì cách viết kou, khi thì cách viết ko. Nhưng không nên để mình bị đánh lừa bởi cách viết sau. Chúng tôi đã lưu ý trong lời tựa là oai đọc như ouai trong từ douai của tiếng Pháp, hay như we trong were của tiếng Anh, oei đọc như oui trong enfoui, nghĩa là trong tất cả các từ này, dù dùng cách viết nào, bằng ou hay bằng o, người ta đều muốn diễn tả bán nguyên âm đưới hình thức điếc.
Chúng ta hãy thử xem điều ngược lại: Linh mục Couvreur, vốn đã dùng, tôi không hiểu vì lý do gì, dùng cách viết o trong Dictionnaire chinos-français và trong Dictionnarium được in năm 1890 và 1892, ít lâu sau muốn điều chỉnh cách viết của mình theo đòi hỏi của cái tai người Pháp đã buộc phải từ bỏ cách viết bằng o và chấp nhận cách viết bằng ou trong Petit dictionnaire chinois-français của ông in năm 1903. Ở đây, tại thuộc địa Pháp, những người theo đuổi mục tiêu chính -biên bản các cuộc họp cho phép chúng ta nghĩ như vậy- là Pháp hóa cách viết truyền thống, đã từ bỏ cách viết bằng u và chấp nhận cách viết bằng o. Quả là bất nhất làm sao! Tệ hơn nữa, đó là một sự không chính xác như chúng ta đã thấy.
Cả ở đây, các nhà cải cách hiện tại cũng bị đặt trước khó khăn đã làm những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ phải dừng bước. Nhưng những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ đã giải quyết khó khăn bằng cách chấp nhận chỗ này dùng c (cua), chỗ nọ dùng q (qua). Đó là một sự thiếu logic, tôi sẵn sàng cho là như vậy, và biện pháp chẳng có chút gì khoa học: chính giá trị của u thay đổi, chứ không phải âm họng ở đầu phải thay đổi hình dạng. Nhưng sự thiếu logic này có thể được châm chước. Những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ đều bị bao phủ bởi việc sử dụng xa xưa của tiếng Latin đối với chữ q khi âm họng có bán nguyên âm đi theo. Cách viết của họ không có gì bất thường, nhất là không có gì sai. Họ được hưởng những hoàn cảnh làm nhẹ “tội”, và nhất là cách họ giải quyết khó khăn lại chính đáng hơn cách của các nhà cải cách hiện tại.
Ông Nordemann cũng chủ trương, trong Méthode, tr. 12, rằng que phải được viết là koe, tr. 14, quan, quanh phải viết là koan, koanh. Ông dựa trên lý do gì? Ông không nói ra. Không phải vì cách người ta đọc các từ này. Tôi không thể nghĩ rằng ông Nordemann lại nhầm lẫn đến độ nghe ra koa, koan, koe vân vân khi người dân nói qua, que, quan vân vân, và giá trị của u được tất cả các tác giả, những người đã nghiên cứu phương ngữ Bắc Kỳ cũng như các người khác đã thừa nhận, tôi không thể chấp nhận được là ở Bắc Kỳ người ta đọc như ông Nordemann mong muốn. – Có lẽ là do nguyên âm của các từ này. Ông Nordemann chỉ khuyên sử dụng cách viết bằng ko đối với các từ trong đó nguyên âm là một nguyên âm mở, a, a, e. Vì nguyên âm này mở, nên bán nguyên âm đi trước cũng phải được đọc và viết với hình thức mở o. Lý do này, giả thiết là ông Nordemann đã đưa ra cho mình, không có giá trị. Bởi vì, âm họng mở đầu dù là âm họng mạnh thuần túy k (q), dù là âm họng mũi, ng, luôn đòi hỏi là sau nó phải là bán nguyên âm với hình thức điếc thông thường, trong khi các phụ âm khác ở đầu chấp nhận hoặc chỉ bán nguyên âm giảm nhẹ, hoặc hai hình thức, một với bán nguyên âm giảm nhẹ, một với bán nguyên âm thông thường. Quá dài để triển khai ở đây vấn để về ngữ âm. Bản tóm lược các hình thức không cho biết liệu chúng ta sẽ viết koan, koanh, koang, koe, koen vân vân thay cho quan, quanh, quang, que, quen vân vân hay không. Nếu viết, thì chỉ làm gia tăng con số những cách viết không chính xác: kể đã quá lắm rồi khi viết koa thay cho qua.
Ngoài ra, ở đây, tôi còn muốn cho thấy là hệ thống mới này còn kém hơn cả hệ thống cũ trong cách ghi các hình thức khác nhau của tiếng Annam. Hiện nay chúng ta có các hình thức quôc, đất nước và cuôc (đất nước và cái cuốc), hai hình thức này khác nhau, u trong hình thức thứ hai nhạy cảm hơn, dài hơn, nhấn mạnh hơn u của hình thức thứ nhất. Chỉ cần nghe người Annam nói. Hệ thống cũ sử dụng c ở chỗ này và q ở chỗ khác để viết hai hình thức ấy. Hệ thống mới chỉ có thể sử dụng một hình thức duy nhất là kuôk. Chủ tịch Tiểu ban cải cách chính tả chữ quốc ngữ nói rằng khi thực hiện các cuộc cải cách này, người ta muốn qui tắc hóa và đơn giản hóa cách viết thông thường. Người ta quên rằng việc đơn giản hóa đôi khi cũng dẫn đến tình trạng lộn xộn. Có lẽ người ta hy vọng rằng khi diễn tả quôc và cuôc theo cùng một cách, người ta sẽ khiến người dân đọc hai từ này theo cùng một cách. Như vậy thì đây sẽ là một sự thay đổi triệt để, nhưng trong một thời hạn lâu lắc làm sao. Một lần nữa, chúng ta có thể nói là các nhà cải cách bị đứng trước một khó khăn vốn cũng đã đặt ra cho những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ cổ truyền. Nhưng người này đã giải quyết, trong khi người kia đã không nhận ra hay tưởng là đã có thể loại trừ được bằng cách gạt bỏ.
* Ý kiến của L. Bauno
… Giờ đây chúng ta hãy bàn về các vấn nạn làm động cơ cho việc loại bỏ chữ q. Người ta buộc tội những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ cổ truyền là đã “thiếu logic” khi chấp nhận hai chữ k và q để diễn tả một phụ âm ngạc duy nhất. Chúng ta có thể lưu ý là cũng lời trách cứ này, nếu có cơ sở, cũng áp dụng cho tiếng Pháp. Nhưng thực ra, k và q đã chẳng khác nhau về cách đọc hay sao? Cùng với các nhà ngôn ngữ học gần đây nhất, tôi không ngần ngại trả lời là có. k diễn tả âm ngạc nổ đọc trong họng, q là âm vòm mềm. Ở đây có một sắc thái không thể phủ nhận. Chữ Quốc ngữ cổ điển nhìn nhận sắc thái này trong cách viết của nó, nhưng thứ kuốk ngữ cải cách đã lẫn lộn. Khoa học đứng về phía nào?
Mặt khác, việc duy trì chữ q là cách thức duy nhất, vừa thực tiễn, vừa khoa học để diễn tả một loạt âm qua, quan vân vân. Chúng ta chấp nhận cách viết koa, nhưng đây là một cách dùng phản qui tắc. Quý vị trách chữ quốc ngữ, -nhưng là trách sai như chúng ta đã thấy- về việc sử dụng hai ký tự cho cùng một âm, và quý vị tìm cách thay thế bằng hai ký tự cho một từ duy nhất! Qua sẽ viết là koa hay kua tùy theo ký tự! Nhưng một người Annam không bao giờ chấp nhận một sự bất thường như vậy! Đây là câu chuyện về cái xà và cọng rơm!
Cùng với Trường Viễn Đông Bác cổ, chúng ta sẽ viết kwa thay cho qua! Chẳng hơn gì, và vì hai lý do: thứ nhất k và q là, và phải là khác nhau, thứ hai, w không diễn tả đúng âm u trong qua, âm vòm mềm và khác với âm của u trong kua gần giống ou trong các từ tiếng Pháp coû và goût. Cả ở đây nữa, người ta cũng thấy dấu hiệu về sự bận tâm của các nhà Đông phương học thông thái muốn phân biệt cách viết bán nguyên âm u trong qua và nguyên âm u trong kua. Nhưng sự khác biệt tinh tế này đã chẳng được quy tắc về vị trí diễn tả một cách đầy đủ và khá khoa học rồi sao? U âm môi kêu đáp ứng k, u điếc hay vòm mềm đáp ứng q.
Hơn nữa, quý vị không thấy rằng, với lý do loại bỏ một điểm bất thường, quý vị lại chấp nhận một điểm bất thường khác đó sao? Quý vị không muốn có hai ký tự để diễn tả một âm ngạc, nhưng quý vị lại chấp nhận tới hai, u và w cho một âm u duy nhất! Quý vị đừng nói với tôi rằng một là nguyên âm và một là bán nguyên âm. Tôi xin trả lời quý vị trước hết là không có nguyên âm nào của bảng chữ cái lại có dấu phân biệt để diễn tả bán nguyên âm của mình, và chẳng có lý do gì để vi phạm qui tắc này vì chữ w cả, -và quý vị lấy quyền gì để lẫn lộn hai chữ được các nhà ngôn ngữ học xem như thực sự khác nhau?
Bởi vậy, tôi thấy mình có quyền để kết luận rằng các kết hợp mà các nhà cải cách đưa ra để thay thế y và q là không thế chấp nhận được về mặt khoa học. Đây không phải là một bước tiến, mà chỉ là một bước lùi."
(Hết trích)
(Hết trích)
----
Để kết bài, Phễu tui xin mượn ý kiến của cố giáo sư Cao Xuân Hạo:
"Những người nghiệp dư thường bắt đầu việc nghiên cứu của họ bằng việc cải cách chữ quốc ngữ".
FB-Hà Nhật Tân
Ở VN khái niệm "nghiệp dư" và "chuyên nghiệp" hầu như ko khác biệt mấy.
ReplyDeleteQuy Phuong Nguyen: Để kết bài, Phễu tui xin mượn ý kiến của cố giáo sư Cao Xuân Hạo:
ReplyDelete"Những người nghiệp dư thường bắt đầu việc nghiên cứu của họ bằng việc cải cách chữ quốc ngữ". Không rõ có GS và PGS nghiệp dư không nhỉ?
Xuan The Le: Phương ơi, nước chúng mình cái gì chả có. Toàn đỉnh cao trí tuệ, sáng tạo tuyệt vời nên xa rời cái phình phường thôi.
DeleteQuy Phuong Nguyen: Tôi ngạc nhiên vì là nhà nghiên cứu lên tới Giáo sư, Phó giáo sư mà họ khộng biết (không đọc) những kết quả đã có mà họ đang nghiên cứu thì ...thôi rồi
DeleteXuan The Le: Thế cho nên chúng ta mới không nên cơm cháo gì.
Delete