Kể về thơ ca, theo thiển ý của tôi Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi tập đứng số 1, không có số 2. Riêng về hình thức thơ không gò theo mấy thể Đường thi, dẫu biết rằng cũng học từ thơ cổ của Tàu, nhưng một mình cụ một lối trong thơ Việt Nam, lại sử dụng mượt mà, từ ngữ quốc âm phong phú, đã đủ làm ngôi sao sáng nhất.
Về binh lược của cụ, mấy ông phê bình, văn học sử, không hiểu binh sự, bị ảnh hưởng bởi các tiểu thuyết Tam Quốc, Thuyết Đường tán tụng linh tinh, không có gì đúng thực tế. Vai trò của cụ trong nghĩa quân Lam Sơn, là thư ký cho cụ Lê Lợi. Cụ có mấy luận điểm ra mắt "tâm công" được lòng cụ Lợi, văn chương của cụ thì viết mấy bài Hịch, Chiếu, Cáo, thư từ là hơi dưới sức. Nhưng làm cách mạng thì văn nghệ phục vụ nhân sinh là chuyện không cần bàn.
Cụ không có kế sách chiến lược như Nguyễn Chích, không có kế hoạch chiến dịch như Lý Triện, Nguyễn Xí, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Trần Nguyên Hãn. Cũng không phải là mưu sĩ đánh thành, chiếm đất như Gia Cát hay Bàng Thống mà các văn học sử gia tưởng tượng. Cụ chỉ là thư ký cho Lê Lợi, là ông thủ lĩnh võ biền e rằng không biết chữ nhiều cũng ngại sách vở.
Trong danh sách công thần, cụ Trãi cũng không được đánh giá cao, đứng sau hàng chục người, không phải do trù úm gì. Thực tế cụ chỉ đóng góp thế thôi.
Vai trò của cụ bắt đầu lên vào thời vua Thái Tông. Cụ một mặt đấu với bọn võ tướng như Lê Sát, Lê Ngân, một mặt đấu với hoạn quan. Vua Thái Tông là một ông vua trẻ, chủ yếu là muốn đè nén ảnh hưởng của bọn công thần võ tướng, nên dùng mưu cụ Trãi và sức lực của hoạn quan. Vì thế cụ Trãi nhận thức "ai bạn ai thù" rất nhanh, nên sau một thời chống hoạn quan, quan hệ của cụ được điều chỉnh trở nên khá tốt với hoạn quan. Được vua tín nhiệm (thực ra là phù hợp với vai trò là một quân bài của vua trong cuộc chơi quyền lực), cụ Trãi, cũng nghĩ khá dài, đầu tư vào mẹ con hoàng tử Tư Thành, nên kết oán với Hoàng Hậu Nguyễn Thị Anh. Tuy vậy, bà Anh thất sủng nên cụ Trãi cũng chưa sợ lắm.
Cụ lại dùng mĩ nhân kế, cho người thiếp yêu là Thị Lộ, vừa có nhan sắc lại vừa có tài văn thơ, vào cung dâng cho vua, để lobby chính sách. Ngày nay có hai cách nhìn trái ngược, một là cho là bà Lộ vào cung ở nhưng vẫn trong sáng, "không có gì", mọi đàm tiếu chỉ là vớ vẩn. Cách nghĩ thứ hai cho rằng như thế là sai, đưa vợ vào cung để làm chính trị.
Thực ra, hai cách nghĩ đó đều là suy nghĩ theo cách nghĩ bây giờ, không đúng thực tế bấy giờ. Thực ra bà Lộ không phải là "vợ" của Nguyễn Trãi dù là vợ thứ. Thiếp thực sự là "nàng hầu", lo việc quạt, mặt quần áo, tắm rửa, chải tóc, cơm bưng nước rót. Quan đại thần như cụ Trãi chắc có cả tá thiếp. Cố nhiên khi cao hứng, các cụ có thể ngủ với nàng hầu, sinh con. Nhưng nàng hầu vẫn không phải là vợ, con nàng hầu sinh ra vẫn không phải là anh với các con vợ, cho dù đẻ trước. Nàng hầu có thể ngủ với khách, nếu các cụ muốn chiêu đãi không có gì là vi phạm đạo đức. Sau khách thấy thích quyến luyến, các cụ cũng cho luôn, khi thiếp có con, các cụ thấy quyến luyến cũng có thể phong làm vợ. Đây không phải là tôi cổ hủ, hay chống feminism mà sự thật hồi đó là thế.
Việc Thái Tông ngủ với bà Lộ ở vườn vải bị cảm mạo, chết đột ngột là thật. Theo protocol thời bấy giờ việc liên lụy đến gia đình cụ Trãi bị chu di là đương nhiên, không phải ác cảm hay tư túi gì. Ai xử án thì cũng phải làm thế. Tất nhiên bà Anh tranh thủ diệt luôn phe đảng của cụ Trãi thì có oan cho mấy ông bè đảng với cụ Trãi.
Vấn đề đặt ra là cụ Trãi đi nước cờ "tốt nhập cung" có phải là cao minh hay không? Thực ra đó là nước cờ không cần thiết, có chút lợi ích về ngắn hạn, nhưng risky về trung hạn. Dù sao đây cũng là sắp đặt chính trị, đấu tranh quyền lực và thất bại.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)
No comments:
Post a Comment